Liên Văn Bản Và Tính Đối Thoại/đa Thanh/phức Điệu

– chức năng phối kết “sự tổ chức, phối kết của một VB bên trên những cấu trúc khác” [98]. Sự tổ chức phối kết làm nên tính giao xuyên VB và sự giao xuyên này đã “làm thay đổi lẫn nhau giữa những đơn vị thuộc về những VB khác nhau” [98].

1.1.1.2. Liên văn bản và tính đối thoại/đa thanh/phức điệu

Tính đối thoại/đa thanh/phức điệu xuất phát từ Mikhain Mikhailôvích Bakhtin. Những công trình chủ yếu của M. Bakhtin như Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepski (1929), Sáng tác của Phrăngxoa Rabơle và văn hóa dân gian thời Trung đại và phục hưng (1965), Những vấn đề văn học và mĩ học (1975), Mĩ học sáng tác ngôn từ (1979), Những bài báo phê bình văn học (1986),... Bakhtin được xem là nhân vật có ảnh hưởng bậc nhất trong nền lí luận phê bình thế giới bởi tư tưởng của ông trải dài ở nhiều khía cạnh: triết học, mĩ học, lí luận văn học,... Đây là những tiền đề cơ bản để nhiều nhà lí luận phê bình sau này kế thừa và đối thoại lại các vấn đề mà Bakhtin đã từng đặt ra. Trong số đó, có khái niệm LVB được Kristéva đề xuất.

Theo Bakhtin, đơn vị trực tiếp trong giao tiếp lời không phải là “từ” hay “câu” mà chính là các phát ngôn. Trong quá trình giao tiếp, người ta thực hiện các phát ngôn, điều đó có nghĩa là các phát ngôn đã giúp cho người sử dụng ngôn ngữ bày tỏ “ý kiến”, “suy nghĩ” của mình. Ngôn ngữ phục vụ hai kẻ phát ngôn cùng lúc, diễn tả hai ý định khác nhau cùng một lúc: một ý định trực tiếp của nhân vật (tức người đang nói) và một ý định bị khúc xạ bởi chính tác giả (người đang viết). Dù phục vụ kẻ phát ngôn nào thì người tham gia giao tiếp bao giờ cũng có những ý đồ cụ thể, hướng đến một khách thể bên ngoài. Như vậy, ngôn ngữ tiểu thuyết luôn chứa đựng ý thức của người sáng tác và “ý thức của người sáng tạo ra tiểu thuyết đa thanh có mặt thường xuyên và khắp nơi trong tiểu thuyết đó và có vai trò tích cực ở mức độ cao nhất ở đấy.” [9, tr.57], “những ý thức này cũng chưa kết thúc và chưa hoàn tất như chính nó.” [9, tr.57,]. Ngoài chủ thể phát ngôn, Bakhtin quan niệm ngôn ngữ luôn được đặt trong mối quan hệ tương tác qua lại trong ngữ cảnh, bởi lời nói nào cũng được

nhúng vào trong môi trường, trong bối cảnh xã hội mà nó được sinh ra. Phát ngôn chính là sản phẩm của mối quan hệ xã hội: “Một lời nói phát biểu sống động, nảy sinh một cách có ý thức trong một thời điểm lịch sử nhất định và trong một môi trường xã hội nhất định.” [8, tr.94].

Với Bakhtin, VB thực hiện không phải nhiều mà là vô số cuộc đối thoại khác nhau về rất nhiều vấn đề của cuộc sống. Chính những cuộc đối thoại này lại tiếp tục mở ra những cuộc giao tiếp đối thoại khác: đó là cuộc đối thoại giữa người đọc và các vấn đề xã hội được nói đến trong VB mà Bakhtin cho rằng “sự giao tiếp đối thoại chính là lĩnh vực đích thực của cuộc sống của ngôn ngữ.” [9, tr.172]. Bakhtin chú ý đến ngữ cảnh của lời nói. Mỗi ngữ cảnh khác nhau sẽ nảy sinh những cánh hiểu và quan điểm khác nhau của người tiếp nhận. Đây được xem là tư tưởng tiến bộ của Bakhtin. Bằng việc đề xuất tính nhiều tiếng nói này, ông đã đi ngược lại với quan điểm của Saussure và các nhà hình thức luận lúc bấy giờ.

Phát triển nguyên lý carnaval (hội giả trang) trên nền tảng văn hóa dân gian thời trung cổ và Phục hưng Châu Âu, Bakhtin gắn thuật ngữ này với nội hàm khái niệm rộng hơn: “như là tổng thể các lễ hội có nguồn gốc khác nhau mà đặc điểm nổi bật của nó là niềm vui hội hè của nhân dân.” [108]. Trong công trình Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và phục hưng, Bakhtin đã cho thấy nền tảng của carnaval gắn liền với một hệ quan niệm thẩm mỹ đặc thù đó là nhận thức duy vật tự phát và biện chứng tự phát về sự sinh tồn thông qua phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực nghịch dị. Và cái nghịch dị lại xuất hiện ở bản chất tái sinh tiếng cười. Giễu nhại chính là một trong những hình thức thể hiện bản chất tái sinh tiếng cười đó. Tính chất tái sinh này không lấy quá khứ tuyệt đối làm đối tượng miêu tả, mà sẽ chọn đối tượng miêu tả là hiện thực đang tiếp diễn. Điều này có nghĩa là quá khứ có thể trở thành đối tượng xuất hiện trong văn cảnh nhưng đó không phải là đối tượng miêu tả. Hành vi nhại lại quá khứ không nhằm mục đích thay đổi ý nghĩa ban đầu của đối tượng mà trong văn cảnh mới, nó được cung cấp

thêm những ý nghĩa mới, nó mang “tính đa phong cách và tính nhiều giọng điệu” [9, tr.104]. Bởi vì carnaval “bao trùm các bình diện khác nhau của tác phẩm, từ cấp độ ngôn ngữ, qua thế giới nghệ thuật cho tới nội dung tư tưởng và cấu trúc thể loại, như một thành phần vững bền của văn hóa” [108], nên chắc chắn “canaval hóa là công cụ diễn giải có lợi trong việc phân tích tác phẩm cụ thể cũng như các tiến trình văn hóa và văn học ở những thời đại khác nhau.” [108]. Nó góp phần “loại trừ mọi sự nghiêm chỉnh giáo điều, phiến diện, không cho phép tuyệt đối hóa một quan điểm nào, một cực nào của cuộc sống và ý nghĩ.” [9, tr.151].

Đa thanh là một đặc điểm nổi bật nhất của tiểu thuyết mà không một thể loại văn học nào có thể thay thế. Đa thanh được hiểu là tính nhiều tiếng nói và ý thức không hòa làm một, một sự đa thanh thực thụ của các tiếng nói. Bakhtin quan niệm từ trong bản chất “tiểu thuyết đa thanh toàn bộ là mang tính đối thoại” [9, tr.33], “ngay từ đầu tiểu thuyết đã vang lên tất cả các tiếng nói chủ yếu của một cuộc đối thoại lớn. Các tiếng nói này không khép kín và cách biệt nhau.” [9, tr.67]. VB đa thanh hòa trộn nhiều giọng: giọng nhân vật, giọng người kể chuyện, giọng tác giả tạo nên độ căng và sự tương phản đáng kể bởi những giá trị tự thân và sự độc lập tương đối của các “tiếng nói”. Đây chính là cơ sở khẳng định tính chất đối thoại trong tiểu thuyết.” [2, tr.246]. Tính nhiều tiếng nói đó lại đặt nền móng trên nền tảng của tính đối thoại. Đối thoại trong tiểu thuyết là đối thoại mang tính chất sinh tồn, là cái quyết định giá trị của lời nói “chữ nghĩa không có giá trị gì, nếu ta tách nó ra khỏi lời nói. Và lời nói cũng không có nghĩa lý gì, nếu ta tách nó ra khỏi đối thoại.” [71, tr.253]. Là đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết, tính nhiều tiếng nói góp phần thực hiện “quá trình khơi sâu tính đối thoại” và tất yếu cần phải “mở rộng nó và làm cho nó ngày càng trở nên tinh tế.” [8, tr.128]. Quá trình khơi sâu và mở rộng này làm cho tiểu thuyết là thể loại luôn ở thì hiện tại chưa hoàn thành. Khi mà “mọi lời văn dường như sống ở biên giới giữa văn cảnh của mình với văn cảnh của người” [8, tr.11] thì ranh giới giữa của ta và của người là khó phân định vì mọi

tình huống trong cuộc sống đều có thể gặp nhau, và dù có thể gặp nhau thì việc xử lí chất liệu và ngữ cảnh của câu chuyện kể cũng làm cho việc tiếp nhận lời văn không thể giống nhau.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Tính đối thoại/đa thanh/phức điệu là tiền đề lý luận quan trọng tạo cơ sở cho Kristeva kế thừa và khát quát thành tên gọi LVB.

1.1.2. Liên văn bản và người đọc

Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn bản - 3

Tuyên cáo về cái chết của tác giả và khai sinh ra người đọc, từ đó đặt ra những quan niệm về sự phân biệt VB với tác phẩm, Roland Barthes là người đã tiếp tục khẳng định và phát triển nội hàm của khái niệm tính LVB. Những nghiên cứu của ông đã đóng góp quan trọng trong lý luận phê bình ký hiệu học nửa sau thế kỉ XX.

Một trong những tác phẩm thể hiện rõ quan niệm của Roland Barthes về tính LVB là bài viết Cái chết của tác giả. Khi tuyên cáo cái chết của tác giả, Roland Barthes đã đối lập tư tưởng của mình với nhiều tư tưởng của các nhà lập thuyết trước đó. Roland Barthes cho rằng “văn chương là thứ không gian trung tính, phức hợp, lạc hướng, trong đó mọi chủ thể đều mất hút, là hố đen nhấn chìm mọi bản thể, trước tiên là bản thể của con người cầm bút viết.” [45, tr.300]. Xét vai trò tác giả, theo R. Barthes: “tác giả chẳng qua là chủ thể của hành động viết, cũng như “tôi” chẳng qua là kẻ đã thốt nên “tôi”” [45, tr.303]. Tác giả theo cách hiểu truyền thống được R. Barthes thay thế bằng người viết hiện đại. Anh ta chỉ là “người biên chép sinh thành cùng lúc với VB của mình; người đó không được trang bị một tồn tại có trước hoặc vượt ra ngoài bản thân sự viết” [45, tr.303]. Cần phải có một cách hiểu đúng đắn nhất bản chất của phát ngôn “gây sốc” về “cái chết của tác giả” mà Roland Barthes tuyên cáo. Phát ngôn này chỉ nhằm giải thiêng và lật đổ quyền uy của tác giả, một thứ quyền uy tối thượng đã ăn sâu trong tư tưởng của nhiều nhà lập thuyết trước đó. Trên thực tế, và chắc là cả trong cách hiểu của R. Barthes vai trò của tác giả đối với tác phẩm, là không thể hoàn toàn xóa bỏ.

Khai tử tác giả, Roland Barthes khai sinh ra người đọc: “nhưng có một nơi tập hợp đa nguyên này được tập trung lại, và nơi đó không phải tác giả, như chúng ta vẫn lầm trước kia, mà là độc giả.” [45, tr.306], “độc giả chính là không gian trên đó chép lại mọi trích dẫn làm nên sự viết” [45, tr.306]. Vậy thì, có chăng, khi khai tử tác giả và khai sinh ra người đọc, Roland Barthes đã hoàn toàn trao quyền năng cho độc giả và những người làm công việc phê bình? Giờ đây, giá trị của tác phẩm có phải hoàn toàn do độc giả quyết định? Thực ra, ông tuyên bố “sự sinh thành của người đọc phải trả giá bằng cái chết của tác giả.” [45, tr.306], nhưng đồng thời ông khẳng định rằng “độc giả là một con người không có lịch sử, không có tiểu sử, không có tâm lí; đó chỉ là một kẻ đã thâu tóm lại mọi con đường tạo thành VB vào một cánh đồng duy nhất.” [45, tr.306], từ đó ông đã kết luận “Tác giả đã chết, VB là LVB, sự đọc là sự sản xuất ý nghĩa.” [45, tr.306]. Vậy là, không phải nhà văn, không phải quyền năng của độc giả, mà chính văn chương mới là sự sống, mới mở ra đến vô tận ý nghĩa của mình. Người đọc chỉ đóng vai trò là người thâu tóm mọi VB mà nó mở ra vào “một cánh đồng duy nhất”.

Phát triển nội hàm của tính LVB, R.Barthes quan niệm “Mỗi VB là một LVB; những VB có mặt trong nó ở các cấp độ khác nhau dưới những hình thái ít nhiều nhận thấy được: những VB của văn hóa trước đó và những VB của văn hóa thực tại chung quanh. Mỗi VB đều như một tấm vải mới được dệt bằng những trích dẫn cũ.”, “Văn hóa nhân loại cũng được coi như một thứ LVB mà đến lượt mình, nó đóng vai trò tiền VB cho bất cứ VB nào xuất hiện tiếp theo.” [2, tr.240]. Tính đa trị là một trong những đặc trưng của VB mà Roland Bathes đã xuyên suốt nhắc đến trong những công trình nghiên cứu của mình. VB là “một không gian đa chiều, nơi có nhiều kiểu viết va đập, tranh chấp, xáo trộn vào nhau mà không có cái nào nguyên mẫu cả.”. Đằng sau một VB bao giờ cũng thấp thoáng ít nhiều một VB khác nên không hề có VB “nguyên chất”. Vì nằm trong những mối quan hệ chằng chịt qua lại như vậy nên VB bao giờ cũng mang tính đa nghĩa. Tác phẩm được tái tạo và luôn xuất hiện những mâu thuẫn

nội tại bên trong để tái sinh những nét nghĩa mới. Trong tác phẩm S/Z công bố 1970, ông viết: “dựa vào tính đa trị từ đó VB được tạo ra” [94, tr.178], “Trong VB lý tưởng này, các mạng lưới là rất nhiều, chúng tự cung cấp mà không cần một cái nào đó lộ ra, khi xếp chồng lên nhau, thống ngự hay điều khiển những cái khác; cái tất cả này là một thiên hà của cái biểu đạt, mà không phải là một cấu trúc của những cái biểu đạt.” [94, tr.178], “Nếu chúng ta quan tâm chú ý đến tính đa trị của một VB (số lượng giới hạn tùy ý) thì chúng ta cần phải từ bỏ cấu trúc hiện hình trong một khối lượng thống nhất như các nhà tu từ học cổ điển hay phê bình hàn lâm vẫn làm, cũng không xuất phát từ việc xây dựng VB; tất cả phải tạo nghĩa không ngừng và tạo nghĩa nhiều lần, cũng không cần phải đi tới việc cho ra một cái toàn thể lớn lao cuối cùng, hay một cấu trúc cuối cùng.” [94, tr.178]. Trong bài nghiên cứu Từ tác phẩm đến văn bản (De l’oeuvre au texte), xuất bản 1971, ông nêu lên quan điểm tính đa trị của VB. Tính đa trị không thể hiểu là sự riêng rẽ về ý nghĩa để gộp lại thành số nhiều mà trước hết phải hiểu nó là sự không xác định mang tính ngữ nghĩa “VB là đa trị. Điều này không có nghĩa chỉ vì trong VB tồn tại nhiều nghĩa, mà trước tiên, nó đa trị bởi vì nó thực hiện một số nhiều mang nghĩa, một số nhiều không thể giản quy. VB không phải là cái đang tồn tại đồng thời những gì được hiểu, mà là sự chuyển dời, xuyên qua; nó trả lời không phải cho một diễn giải hay chỉ cho một tự do diễn giải mà là cho một sự bùng nổ, cho một sự phát tán.” [94, tr.179]. R.Barthes đã xác lập tư tưởng phân mảnh thay thế cho tư tưởng tổng thể trước đây.

1.1.3. Thi pháp Liên văn bản

Quan điểm thi pháp LVB ở đây chúng tôi căn cứ vào quan điểm của Genette - người mô tả rõ ràng nhất các cấp độ và quan niệm LVB trong công trình nổi tiếng của ông: Palimpsests: văn chương ở độ hai. Trong công trình này, ngay tên gọi Palimpsests đã ngầm ví mỗi VB là một Palimpsest, tức “một bản viết trên miếng da, được viết lần hai, lần viết đầu đã bị cạo xóa” [125, tr.236]. Ông chú trọng đến cấu trúc nội tại của VB và phát triển khái niệm tính

LVB thành xuyên văn bản (transtextuality), với mong muốn có thể thay thế khái niệm tính LVB mà Kristeva đã đề xuất. Genette đã khẳng định giá trị của tính xuyên VB khi tiến hành tham chiếu tiền VB vào trong mạng lưới VB mới. Quá trình tham chiếu thực hiện trên cơ sở các loại tương tác khác nhau của VB. Genette đề xuất năm loại tương tác: 1/ Liên văn bản (intertextualité) bao gồm trích dẫn, đạo văn, ám chỉ; 2/ Cận VB (paratextualité) như là mối quan hệ giữa VB với phụ đề, lời nói đầu, lời bạt, đề từ,...; 3/ Siêu VB (métatextualité) như sự chú giải hoặc viện dẫn VB trước đó một cách có phê phán; 4/ Thậm phồn VB (hypertextualité) như sự cười cợt hay giễu nhại của VB này đối với VB khác; 5/ Kiến tạo VB (architextualité) được hiểu như mối quan hệ thể loại giữa các VB.

- Quan hệ liên văn bản (intertextualité)

Trong Palimpsests, khái niệm LVB của Genette có nội hàm hẹp hơn so với khái niệm LVB mà Kristeva đề xuất. LVB chỉ là một trong những kiểu quan hệ giữa các VB: quan hệ đồng hiện diện. Ở mối mối quan hệ tương tác VB này, quan niệm của Genette về LVB đã được hiểu một cách đơn giản là “mối quan hệ cùng hiện diện giữa hai VB hay một vài VB trong một VB cụ thể” [125, tr.237] và nó được biểu hiện qua ba hình thức: ám chỉ (allusion), đạo văn (plagirism) và trích dẫn (citation). Sau này, Marko Juvan, với công trình Lịch sử và thi pháp của tính Liên văn bản (History and Poetics of Intertextuality) (2000) đã tiếp tục phân loại phương thức biểu hiện LVB có hạt nhân trích dẫn bao gồm miêu tả (description), chuyển vị (transposition) và bắt chước (imitation). Miêu tả LVB còn bao gồm các thể loại trích dẫn như tóm tắt (summary), phê bình (criticism), diễn giải (interpretation).

Về hình thức ám chỉ, Genette miêu tả như sau: “đó là một sự phát ngôn hoàn toàn giả định với đầy đủ ý nghĩa nhằm nhận thức về một mối quan hệ giữa nó và một VB khác.” [125, tr.237]. Đạo văn trong LVB không được hiểu như cách hiểu thông thường là hiện tượng ăn cắp bản quyền của người khác nhằm lấy sản phẩm của người khác trở thành sản phẩm của mình, mà đặc tính

của nó là việc khai thác những VB có sẵn để tạo ra sản phẩm mang ý nghĩa mới. Nhờ thao tác này, mà VB được tái sinh không ngừng.

Trích dẫn là một trong những thuộc tính quan trọng của tính LVB. Vì trích dẫn biểu hiện rõ ràng sự kết nối của VB này với VB khác. Thao tác trích dẫn đưa người đọc ra ngoài phạm vi của VB, mở rộng đường biên sang các VB khác (chính trị, lịch sử, triết học, văn học,...). Cách thức trích dẫn có thể là: toàn bộ một VB (ví dụ VB thơ, âm nhạc, truyện kể,...), trích lược/tóm tắt,... có thể trích trực tiếp hoặc gián tiếp,… Tùy theo mục đích khác nhau mà chức năng của thao tác này cũng đa dạng.

- Quan hệ cận văn bản (paratextualité)

Ở mức độ tương tác VB đơn giản hơn, theo quan niệm của Genette, tiểu thuyết có tính LVB khi chú ý khai thác paratext (cận VB – còn dịch là yếu tố ngoài cốt truyện). Đây “là sự thực hiện mang tính truyền thống về việc trích dẫn (với ngoặc kép, với hoặc không có lời dẫn chính xác)” [138]. Theo Genette, paratext bao gồm nhan đề, phụ đề, lời mở đầu, lời đề tặng, lời bạt, chú thích, thông báo, tên các chương, tranh minh họa... nghĩa là những cái bên lề VB. Tuy không phải là nội dung chính mà VB hướng đến nhưng chúng cũng có những mã mang thông điệp ý nghĩa nhất định. Nguyễn Việt Hà mở đầu cuốn tiểu thuyết Thị dân tiểu thuyết bằng lời nhận định: “tiểu thuyết là ngôi lời kể lể nhỏ - SYN-OPSIS”, mở đầu cho Ba ngôi của người “Và tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con (Kinh lạy cha)”, mở đầu cho tiểu thuyết Cơ hội của chúa “sự cùng quẫn cuối cùng của con người đấy là cơ hội của Chúa”. Nguyễn Mộng Giác bắt đầu Sông Côn mùa lũ bằng lời đề tặng: “Tặng nhà tôi Nguyễn Khoa Diệu Chi và các con Đào Tiên, Thụy Vũ, Mai Tiên. Nguyễn Xuân Khánh bắt đầu tiểu thuyết Đội gạo lên chùa bằng việc trích dẫn (cả phiên âm và dịch thơ) bài thơ Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông,... Tất cả những nội dung trên, dù không phải là tình tiết, là chi tiết chính của truyện, nhưng nó mang âm hưởng, màu sắc, phong cách, kiểu tư duy,... từ

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 03/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí