Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn bản - 19

Ngắm để vẽ, để tô, để sửa, ắt khuôn mặt càng dễ ưa, dễ coi. Hồn núi ở đó, hồn sông cũng ở đó.” [68, tr.40]. Nguyễn Xuân Khánh cho các yếu tố lịch sử xuất hiện trong sự phân tích, đánh giá từ điểm nhìn của nhân vật: “Ở nước Đại Việt ta, bác đã thấy triều đại nào được dựng lên từ một cuộc nổi loạn? Ví dụ như Lý Công Uẩn dựng lên nhà Lý, bản thân ông ta vốn là đại thần của Lê Đại Hành. Rồi nhà Trần cướp ngôi nhà Lý do tay Trần Thừa và Trần Thủ Độ, các ông này cũng giữ chức cao trong triều đại cũ. Còn như cuộc nổi dậy của bác, chúng ta chỉ là những người dân cầy bất đắc chí…” [68, tr.241] đây chính là sự đối thoại của chính nhân vật vào những vấn đề thuộc về lịch sử nhằm đưa ra những nhận định, quan điểm về lịch sử.

Biên độ của tư liệu lịch sử không phải chỉ là thời điểm hiện tại, mà nó nối kết với nhiều vấn đề lịch sử đã xuất hiện trước đó nhiều thế kỉ hoặc gần ngay đó, không phải chỉ là yếu tố lịch sử của Việt Nam, mà còn có sự xuất hiện rất nhiều yếu tố lịch sử của đất nước Trung Quốc: “phàm những ai ở ngôi chí tôn, lúc nào cũng cần nhớ đinh ninh bốn chữ “Vô dật, nãi dật”, bởi vì càng ở ngôi cao người ta càng có nhiều điều kiện hưởng lạc. Kiệt Trụ vì ham lạc thú nên thân bại danh liệt, bêu tiếng xấu ngàn thu. Các vua Trung Tông, Cao Tông, Tổ Giáp vì hiểu và thi hành bốn chữ ấy nên được hưởng ngôi báu dài lâu.” [68, tr.356]. Như vậy, yếu tố dẫn sử trở thành dẫn chứng cho ngôn ngữ lập luận, là minh chứng nhằm cụ thể hóa quan điểm của nhà văn. Thao tác lập luận trên ngoài việc làm cho lập luận chặt chẽ, khoa học và có tính thuyết phục cao thì nó còn có chức năng mở rộng biên độ của VB, đưa độc giả đến lãnh thổ của nhiều giai đoạn khác nhau và có thêm tri thức. Tính chất nối kết LVB này có thể xem là một trong những đặc điểm nổi bật của tính LVB trong tiểu thuyết lịch sử VN đương đại.

Hoàng Quốc Hải trong Bão táp triều Trần mượn câu chuyện của Khổng Tử để bày tỏ trực tiếp suy nghĩ đối với lịch sử của nước nhà “Các con à, những thứ này là của người Trung Hoa. Thật ra đây là thứ văn chương dân gian, nước

nào cũng có. Chẳng qua ở bên Tầu có ông Khổng Tử bỏ công ra sưu tầm, san định và truy tầm nguồn gốc rồi giải thích cặn kẽ. Cha thật lấy làm hổ thẹn, đất nước mình dòng giống Lạc Hồng mà từ thuở dựng nước tới nay đã mấy ngàn năm, cũng không có lấy nổi bộ quốc sử. Mãi mãi cứ lải nhải về một cái ông tổ là Bàn Cổ. Họ dạy ta: “Bàn Cổ thủ xuất thủy phán âm dương tý hội khai thiên”. Thật lộng ngôn và ngạo mạn. Làm gì có người nào lại sinh ra trước cả vũ trụ. Thế nhưng từ đời nọ qua đời kia, ta cứ dài cổ ra mà học. Thật tủi hổ cho cả một dân tộc con à. Đời cha chắc lỡ rồi. Các con gắng học hành để làm rạng danh nòi giống, và san lấp những gì còn khuyết hãm trong nền văn hiến nước nhà. Nếu các con tận lực cũng chưa làm nổi, thì di ngôn lại cho con cháu đời sau phải làm.” [54, quyển 1, tr.206]. Như vậy, lời đối thoại trên không đơn thuần chỉ là lời đối thoại của nhân vật với nhân vật trong tác phẩm, của cha với con, mà là lời đối thoại xuyên thời gian có giá trị cho bối cảnh của xã hội đương thời. Đối thoại, phản biện bằng lời nói trực tiếp, những trích dẫn trên tạo ra sự đối thoại trực tiếp với người đọc trong tư duy nhìn nhận tính đúng đắn mà VB đề cập để từ đó thực hiện sự tham chiếu đối với cuộc sống đương thời.

4.3.2. Huyền thoại hóa tiểu thuyết

Theo Lại Nguyên Ân, sự chú ý đến thần thoại/huyền thoại trong văn học thế kỉ XX bộc lộ trong ba dạng cơ bản như sau: một là tăng cường sử dụng các hình tượng và cốt truyện của thần thoại; hai là, xuất hiện tâm thế sáng tạo nên những huyền thoại in đậm dấu ấn tác giả; ba là, sáng tác những tác phẩm kiểu như “tiểu thuyết-huyền thoại” (roman-mythe) và các dạng tương tự “kịch- huyền thoại”, “trường ca huyền thoại” [6,tr159-160]. Huyền thoại hóa là tính tất yếu trong xu thế hội nhập của văn chương Việt Nam đương đại nói chung. Huyền thoại hóa trước hết gắn với khát vọng chiếm lĩnh những chiều sâu bí ẩn, nhiều chiều của con người và đời sống. Khi tiểu thuyết được giải phóng quan niệm về sáng tạo, hiện thực không nhất thiết là mục đích cuối cùng của tác phẩm, huyền thoại hóa gắn bó chặt chẽ với bản chất của tưởng tượng, hư cấu,

giải phóng con người khỏi những khuôn khổ bó buộc, từ đó tạo ra những yếu tố kì ảo, qua đó đặt ra các vấn đề liên quan đến đời sống của hiện thực.

Tiểu thuyết theo lối hư cấu lịch sử có những ưu thế riêng để thực hiện quá trình huyền thoại hóa. Tiểu thuyết lịch sử luôn có hai phần: sự thật lịch sử và sự hư cấu của nhà văn. Tiểu thuyết lịch sử viết về chuyện đã qua trong quá khứ, quá khứ đó lại gắn với những biến cố, những sự kiện lịch sử, nhưng lại luôn có độ mờ nhất định về đời sống hàng ngày, những suy nghĩ, cảm xúc, tâm tư,... Độ mờ này, cần sự lý giải. Với bản chất của lịch sử, quá trình hư cấu lịch sử bằng con đường huyền thoại hóa đã giúp cho tiểu thuyết có nhiều con đường để lý giải quá khứ, quan trọng hơn là dùng câu chuyện của lịch sử trở thành câu chuyện ngụ ngôn của cuộc sống đương đại. LVB đã giúp cho nhà văn thực hiện khả năng huyền thoại hóa lịch sử. Chất liệu lịch sử mà tiểu thuyết vay mượn thuộc về quá khứ, còn có những khoảng trống chưa được lý giải, cho nên điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bút pháp huyền thoại hóa. Các nhà tiểu thuyết đã không dùng huyền thoại để tôn vinh nhân vật mà để khai thác phần bên trong còn đang chìm khuất trong nội tâm của con người, từ đó đưa ra những suy ngẫm và triết lý về con người, về cuộc đời.

Quá trình huyền thoại hóa trước hết đã tiến hành giải huyền thoại lịch sử. Viết về lịch sử, nhưng các quan niệm về hiện thực, về con người đã có sự thay đổi. Nhà văn đã nhào nặn lại lịch sử. Tuy sử dụng chất liệu từ quá khứ, nhưng nhà văn đã không dùng huyền thoại để tôn vinh, ca ngợi, thần thánh hóa mà hướng đến chiều sâu và nội tâm nhân vật, đối thoại với nhân vật, thể hiện những triết lý suy ngẫm về cuộc đời, con người. Hướng đến việc diễn giải mới về nhân vật lịch sử, bên cạnh những công lao hay tài năng, nhà văn nhìn thấy họ còn là những con người còn có những khiếm khuyết về nhân cách. Điển hình là nhân vật Ỷ Lan, Từ Đạo Hạnh trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác. Việc giải thiêng với các nhân vật lịch sử, các nhà văn thể hiện nhu cầu đối thoại với quá khứ,

nhận thức lại quá khứ, con người được nhìn nhận ở những hệ giá trị mới, đó là mục đích nhân bản nhất của văn chương và nghệ thuật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Nguyễn Xuân Khánh trong Mẫu thượng ngàn đã xây dựng huyền thoại từ yếu tố tâm linh của đạo Mẫu. Nhà văn thực hiện quá trình kết nối LVB từ các yếu tố tâm linh trong mối quan hệ với lịch sử, làm cho lịch sử vừa mang tính chân thực vừa chứa đựng huyền ảo, biến hóa không ngừng. Miêu tả tín ngưỡng dân gian tâm linh bằng việc viết lại, trích dẫn, ám chỉ các kiến thức về đạo Mẫu. Trong sự lí giải đó, nhà văn thể hiện những suy tư, khám phá những góc khuất ví như những lạc hậu của văn hóa làng. Mặc dù văn hóa làng có những sức mạnh trong đời sống làng quê Việt, nhưng làng cũng có những mặt lạc hậu, hạn chế. Ví dụ câu chuyện về Ông Đùng, bà Đà là câu chuyện nhuốm màu bi kịch, chỉ vì có năng lực tình dục mạnh mẽ mà đôi vợ chồng khổng lồ này đã bị dân làng dè bỉu, đơm đặt thị phi để cuối cùng phải chết trong đau đớn. Nhưng trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, hàng năm làng Cổ Đình tổ chức lễ rước ông Đùng, bà Đà. Từ huyền thoại vốn ý nghĩa bó chặt trong cái nhìn nghiêm khắc, nay tái sinh trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh bằng một tầng nghĩa mới: là hiện thân, biểu tượng tín ngưỡng phồn thực trong đời sống văn hóa của người Cổ Đình.

Với Hồ Quý Ly, nhà văn đã huyền thoại hóa nhân vật Hồ Quý Ly bằng cách đặt nhân vật vào nhiều điểm nhìn khác nhau. Trong đó, nhà văn thực hiện LVB với các câu chuyện mang tính huyền thoại. Nguyễn Xuân Khánh mượn câu chuyện dân gian về “con cáo chín đuôi” gắn với những địa danh Thăng Long, nguồn gốc họ Hồ. Trích dẫn huyền thoại nhằm huyền thoại hóa nhân vật lịch sử. Qua hai lần huyền thoại, hình tượng nhân vật lịch sử trở nên uy nghi hơn, huyền ảo hơn. Viện dẫn các yếu tố của huyền thoại, làm tô đậm chí khí của nhân vật “Tôi trân trọng cái tâm cao quý của người quân tử, nhưng tôi tin vào sự cao thượng của con người. Ai là kẻ cả gan nói rằng mình cao thượng. Chắc chỉ ở mồm những kẻ tiểu nhân vênh vang trâng tráo. Hoặc ở miệng

Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn bản - 19

những bậc đích danh quân tử như Mạnh Tử, nhưng than ôi! Đó chỉ là ảo tưởng.” Việc trích dẫn nhằm phân tích lí giải các vấn đề về văn hóa, lịch sử, xã hội cũng là yếu tố góp phần làm cho nhân vật và bối cảnh sự việc được kể cũng trở nên huyền ảo hơn “Khí hạo nhiên tức là cái thế thay sông đổi núi. Chẳng thèm lí gì cái miệng thế tầm thường. Cái khí hạo nhiên tức là dám nói dám làm những công việc lớn. Làm mà không run sợ. Làm mà không hối tiếc.”

Yếu tố huyền thoại xuất phát từ việc tái tạo những chất liệu của dân gian (vốn liếng từ folklore), truyền kì, tôn giáo, tín ngưỡng văn hóa, tín ngưỡng phồn thực,... Trong sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh, Phật giáo gắn liền với hình ảnh ngôi chùa ở làng quê. Yếu tố huyền ảo trong Đội gạo lên chùa xây dựng từ sự tái tạo giữa cái có thật và cái lung linh huyền ảo của tôn giáo. Đức vua Trần Thuận Tông là nhân vật có thật nhưng với bút pháp huyền thoại hóa, nhà vua hiện lên là người có khả năng đặc biệt: có thể nhìn thấu mọi việc của thế gian. Xây dựng nhân vật thiên về suy ngẫm, Hồ Nguyên Trừng được lấp đầy bằng ngôn ngữ của thi ca qua thủ pháp trích dẫn, chính ngôn ngữ thi ca này, làm cho nhân vật hiện lên mang màu sắc của huyền thoại.

Nhan đề của tác phẩm cũng là một trong những yếu tố mang tính chất kết nối rất cao tạo ra tính LVB. Cả Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo đều khai thác chức năng này của nhan đề tác phẩm. Nhan đề Đội gạo lên chùa làm cho người đọc không khỏi liên tưởng đến bài ca dao “Ba cô đội gạo lên chùa. Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư”. Mẫu thượng ngàn, ngay tên nhan đề đã mang tính huyền thoại khi đặt ngay vấn đề về đạo mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Tác phẩm Mẫu thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh lấy bối cảnh của làng Kẻ Noi hiện lên đậm đà văn hóa truyền thống của một ngôi làng Việt, mang đậm văn hóa Phương Đông khi lấy Đạo Mẫu bao bọc không gian làng Kẻ Noi. Nguyễn Xuân Khánh đã trích dẫn, chỉ dẫn đến nhiều mã văn hóa tín ngưỡng, những nét đẹp tinh thần được duy trì và tiếp nối: thờ cúng bách thần và tín ngưỡng “vật linh”, cây đa đầu làng Cổ

Đình như một “đại thụ linh thần” gắn với ông Thần cẩu (tục thờ con chó đá). Tất cả đều nhuộm màu sắc tâm linh. Đời sống tâm linh đó là sợi dây nối kết cộng đồng, làm nên nội lực gắn kết đời sống cộng đồng của người Việt. Lễ hội tháng ba với tục rước ông Đùng, Bà Đà gắn với sự tích Ông Đùng, bà Đà được lồng vào trong tác phẩm. Qua nghi lễ đốt xác, câu chuyện bán thế tục của anh Mường Rồ và cô Ngơ. Nét đặc sắc của tôn giáo dân gian như hát văn, nhảy đồng,... nếp sinh hoạt của người lao động như tục bẫy chim sau vụ gặt, mùa “trải ổ”,... Tất cả những nét văn hóa được miêu tả bằng những kĩ thuật khác nhau, thông qua LVB, tính huyền thoại và tính hiện thực xen lẫn vào nhau, đã khắc họa thành công sự biến chuyển của văn hóa làng trong sự tiếp nhận văn hóa phương Tây và cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa hai nền văn hóa này. Cảm hứng tôn giáo vì thế đã hoà cùng với những biến động của cuộc đời con người và lịch sử dân tộc. Những huyền thoại của ông mang màu sắc đời thường, thứ huyền thoại thuộc về bí ẩn tâm hồn con người. Do đó, cuộc sống được miêu tả vừa mang yếu tố huyền thoại vừa gần gũi với các vấn đề của đời sống hôm nay.

Giàn thiêu của Võ Thị Hảo thực hiện quá trình huyền thoại hóa rõ nét trong kết cấu bốn phần: Lời Phật, Ru cá bơn, Bài ca đầu lâu dã nhân, Bài ca chu sa đỗ tễ. Với phương thức phi tuyến tính, bằng sự trích dẫn thơ ca dân gian, Võ Thị Hảo đã biến lịch sử lùi xa cho các câu chuyện lẫn lộn thực hư, những số phận trầm luân: hai kiếp sống Từ Lộ - Lý Thần Tông được buộc chặt vào dã sử, huyền sử, cuộc đời trôi dạt của Nhuệ Anh có tâm hồn mát lành thuần hậu mang sức sống của huyền thoại, cung nữ Ngạn La là huyền thoại vẻ đẹp về sự trinh nguyên, chàng cá Bơn kì dị,... Huyền ảo để qua đó tô đậm những vấn đề rất đời thường, rất người mang tính thế sự nhân văn. Lịch sử chỉ là cái phông để nhà văn thể nghiệm những vấn đề về thế sự. Võ Thị Hảo đã cho thấy cuộc đời là những huyền thoại, khó đánh giá được ý nghĩa đích thực của nó. Giàn thiêu về mặc hình thức là một tiểu thuyết lịch sử nhưng thực tế nó là

giả sử, yếu tố huyền thoại xuất hiện dày đặc gấp nhiều lần dữ kiện lịch sử. Huyền thoại xuất hiện ở hai khía cạnh: khía cạnh tốt đẹp của cuộc sống và tô điểm thêm cho sự tốt đẹp này, khía cạnh thứ hai dùng để nói về cái xấu xa, về những nỗi đau, luật nhân quả, sự luân hồi. Giàn thiêu chứa đựng nhiều huyền thoại khó tin nhưng cảm xúc của con người trước những nỗi đau là rất thực. Qua đó gửi đến bức thông điệp về nhân sinh, về bản chất của đời sống.

Việc huyền thoại hóa của tiểu thuyết lịch sử đã làm cho sự phản ánh đa diện, đa tầng, đa chiều kích. LVB trong tiểu thuyết lịch sử đã góp phần làm cho VB thực hiện trò chơi LVB trong sự lạ hóa, tạo ra trường liên tưởng sâu rộng. Bởi nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử tuy có thật nhưng là cái đã qua, nằm trong kí ức và trên trang tư liệu của lịch sử. Quá trình huyền thoại hóa đã góp phần làm cho lịch sử có độ mở nhất định, nhà văn hư cấu trên nền kiến thức hạn hẹp của sử liệu. Quá trình đó giúp nhà văn tái tạo lại hiện thực, tái tạo lại chính lịch sử trong cái nhìn đa diện, nhiều chiều và sự kích thích sự liên tưởng của độc giả. Đồng thời, kết nối tri thức văn hóa, tiểu thuyết lịch sử không chỉ là nơi hư cấu để tạo ra các sự kiện, mà đó là kho dữ liệu phong phú của nền văn hóa dân tộc, là nơi lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trong quá trình tái tạo lại lịch sử, nhà văn đã liên kết đến vốn văn hóa uyên thâm, vốn tri thức rất lớn, sự từng trải trong quan niệm về đời sống. Tuy nhiên nhà văn viết sử cần có những kĩ thuật trong việc xử lý chất liệu, như giễu nhại, cóp nhặt, trích dẫn,... Hướng đến việc đối thoại lại với lịch sử (trong tương quan của sự đồng tình, phản bác, tranh luận, thậm chí là giễu nhại, giải thiêng,...). Từ đó tạo ra những diễn ngôn mới về lịch sử. Điều mà những VB lịch sử để lại không làm được.

Tiểu kết

Bên cạnh phương thức giễu nhại, viết lại lịch sử và tương tác thể loại là hai hình thức phổ biến thể hiện rõ tính LVB trong tiểu thuyết Việt Nam đương

đại. Qua nghiên cứu việc viết lại lịch sử và tương tác thể loại, chúng tôi rút ra các vấn đề sau:

1. Quá trình kết hợp giữa văn chương và lịch sử tất yếu dẫn đến quá trình sử dụng các kĩ thuật, phương thức viết lại khác nhau. Có hai hình thức viết lại tiêu biểu là viết lại nội dung và viết lại hình thức. Sự hư cấu, sáng tạo trong tiểu thuyết lịch sử là mang tính tất yếu. Tuy tất yếu nhưng sự khắt khe của tính sử không cho phép nhà văn bịa đặt tùy tiện. Nhà văn đi tìm lại những khả năng đã chưa từng được lý giải trên cơ sở những cốt yếu nhất của chính sử. Giá trị nhân văn của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam hiện nay vẫn là tôn vinh các giá trị của con người lịch sử, của chiến công lịch sử, từ đó nhắc nhở về niềm tự hào dân tộc, củng cố bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là trong bối cảnh suy thoái về đạo đức, xuống cấp văn hóa như ngày nay.

2. Tương tác thể loại được xem là một biểu hiện của tính LVB. Phá vỡ khung kết cấu truyền thống của thể loại. Nhiều nhà văn đương đại tiến hành đan xen các thể loại khác nhau vào cấu trúc của tiểu thuyết. Luận án đã chỉ ra hai tương tác thể loại tiêu biểu như thơ ca trong tiểu thuyết và truyện ngắn trong tiểu thuyết. Sự dung hợp thể loại ngoài tác dụng mang đến sắc màu mới cho tiểu thuyết về phương diện hình thức thì nó còn có những chức năng quan trọng trong việc truyền tải ý đồ nghệ thuật, tính LVB qua đây được hình thành để mở rộng biên giới cho VB, tiếp tục đặt ra vấn đề về yêu cầu tiếp nhận.

3. Tiểu thuyết theo lối hư cấu lịch sử hiện nay được viết thông qua hệ thống nhiều điểm nhìn của nhiều nhân vật, mang đậm diễn ngôn trần thuật của con người đời thường, loại trừ diễn ngôn của sử học, diễn ngôn chính trị. Muốn thế, nó bắt đầu phá bỏ những đại tự sự, chú ý đến tiểu tự sự, chú ý đến con người cá nhân và những chuyển biến nội tâm của họ. Trong quá trình chú ý đến con người cá nhân và chuyển biến nội tâm đó, nhà văn đồng thời tiến hành quá trình đối thoại, chất vấn lại bằng việc đặt ra câu hỏi phản biện lịch sử mà rộng hơn là cả văn hóa, xã hội. Nhà văn có thể đề xuất một cách nhìn mới về một sự

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 03/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí