cũng chính là người đem bất hạnh đến cho anh. Trong lá thư tuyệt mệnh của mình, ông Địa như tổng kết lại cái tình cảm của hai gia đình, ông cho rằng những tình cảm dành cho nhau hoàn toàn có thật, hoàn toàn chân thực, bởi vì họ đồng cảnh với nhau. Nhưng “con người sinh ra vốn đã muốn hơn người, không chịu nghèo khó và khổ cực, hèn kém hơn ai, ít ra là không chịu kém bạn của mình. Dù có đẻ sinh đôi, hai đứa dính vào nhau thì hai cái mặt quay đi cũng cả đời cố chí giành giật và mong mỏi để hơn nhau. Bị kém cạnh dù chỉ là cái móng chân của thằng A không mọc ra được bằng thằng B đã ganh tỵ, ghen ghét nhau, một miếng cháo bón không đều đã giãy nảy lên kêu khóc và ấm ức. Tất cả những ấm ức, những ganh ghét của sự thua kém đó dồn tích lại, kẻ có chí, cao thượng thì mắm môi lại để vượt lên, kẻ nhỏ nhen tầm thường không vượt lên được thì cố chí phá nó để nó bằng mình hoặc kém cỏi hơn mình. Được thế là thắng lợi rồi. Làm gì có sự ruột thịt, hai là một” [80,288]. Đó là sự thật, hiện thực ở đây chỉ có Tâm mới không nhận thấy.
Hiện thực quen thuộc trong tiểu thuyết Lê Lựu là vấn đề hôn nhân - gia đình. Cũng như gia đình Sài - Châu trong Thời xa vắng, gia đình Tâm - Linh Anh là một sự kết hợp khập khiễng. Xô xát, đổ vỡ bắt nguồn từ những cái nhỏ nhặt nhất trong đời sống hàng ngày đến sự hiểu biết, cách nhìn đời, nhìn người. Linh Anh một cô gái sắc sảo, mang trong mình tư tưởng thị dân. Cô sống sòng phẳng, thực dụng. Người đàn ông trong mơ tưởng của cô phải là kiểu người “chỉ khi nào làm cho người đàn bà lúc nào cũng còn thiêu thiếu, còn nơm nớp sợ hạnh phúc có nguy cơ tuột khỏi tay mình bất cứ lúc nào, để mất nó không bao giờ tìm thấy ở người đàn ông khác mới giữ được lòng chung thủy của họ” [80,134]. Tâm chẳng qua chỉ là người thế chỗ, che đậy cho những sai lầm nông nổi của Linh Anh trong quá khứ. Tình yêu, sự hi sinh hết mình của Tâm cố lắm cũng chỉ vớt vát được chút ít lòng thương hại từ Linh Anh.
Lê Lựu đi sâu khám phá mọi ngóc ngách trong đời sống gia đình Tâm để từ đó tìm hiểu, lí giải nguyên nhân đổ vỡ. Trước hết là sự đối lập trong cách sống của hai người. Linh Anh sống sạch sẽ, gọn gàng còn Tâm thì luộm thuộm, cẩu thả. Chính vì không có tình cảm với chồng nên những lỗi nhỏ của Tâm càng khiến Linh Anh thêm
bức xúc. Tuy nhiên, nếu xét đến tận cùng vấn đề thì người biến Linh Anh thành chồng trong gia đình lại chính là Tâm. Chính Tâm với sự nhu nhược, ủy mị, rụt rè của mình đã khiến Linh Anh càng xấc xược, trâng tráo. Cô ý thức được quyền chủ động, quyền ban phát tình yêu của mình. Mọi việc lớn bé trong gia đình cô là người quán xuyến, quyết định hết. Giá như Tâm mạnh mẽ, quyết đoán hơn thì có lẽ bi kịch gia đình đã không xảy ra.
Tâm là một cực đối nghịch hoàn toàn với Linh Anh. Anh sống quá thật, quá ngu ngơ và đơn giản. Anh hết lòng vì vợ, vì con nhưng không đúng cách. Anh tôn thờ, nâng niu vợ một cách cực đoan. Mỗi khi xô xát, cãi nhau với vợ là người anh lại run bắn cả lên. Tâm đến với Linh Anh bằng sự si mê cuồng nhiệt, bằng những ấn tượng mãnh liệt để rồi sau này dù Linh Anh đã thay đổi thì những ấn tượng ấy vẫn tồn tại mãi mãi trong anh. Tâm “nói năng, cười đùa, làm lụng và quyết đoán việc gì cũng là mượn của người khác. Nó ngọng nghịu, thiếu đàng hoàng, nó như một kẻ ăn người ở cứ hong hóng chờ đợi, lắng nghe và lựa theo ý chủ, thành ra con người anh trở nên hèn, yếu thế và làm gì, nói gì cũng thấy ngượng ngập, dơ dáng, vô duyên” [80,244]. Anh chỉ biết sống chân thật với chính mình, không biết được những thủ đoạn, những cách đối phó trong gia đình và xã hội. Tâm quá đơn giản và nhàm chán, mà những cái đó lại là sự đối nghịch của Linh Anh. Đây chính là nguyên nhân gây nên mọi sự đổ vỡ.
Gia đình Tâm - Linh Anh cũng như gia đình ông Địa - bà Nhân, đơn thuần chỉ là sự gá tạp. Bên ngoài, cả hai vẫn duy trì cái vỏ bọc gia đình nhưng bên trong thì đã mục ruỗng, đổ nát. Nếu Tâm ngu ngơ, khờ khạo và vì thế sự hư hỏng, lăng loàn của Linh Anh còn được che giấu và cái gia đình ấy vẫn còn nguyên hình thì ông Địa, sành đời, nhanh nhạy hơn Tâm vì thế đối phó với sự lẳng lơ, mất nết của bà vợ, đối phó với việc ông không phải là bố đẻ của con mình, ông vẫn thâm trầm, chờ đợi và nuôi hi vọng trả thù. Ông âm thầm nuốt hận vào trong. Dưới con mắt của người đời, ông là một người chồng bất lực, hèn nhát, bị vợ cắm sừng mà không phản kháng, nhưng chỉ riêng Tâm biết được ông nghĩ gì, làm gì. Tâm vỡ lẽ ra tất cả qua lá thư tuyệt mệnh ông để lại: “Những con đàn bà lúc nào cũng lồng lên như một con bò động đực. Kiểu vợ tôi
thì khi nào tàn tạ nhan sắc, kiệt quệ sức lực nó mới chịu thất bại. Mình muốn là kẻ chiến thắng phải nhẫn nhục, kiên trì mà chờ đợi, mà lặng lẽ tìm kiếm một con đàn bà khác còn sức lực, còn nhan sắc trước mặt con vợ tàn phai, kiệt quệ của mình thì mới là thằng đàn ông có trí lực cao cường” [80,300]. Ông là hàng xóm láng giềng nhưng ông hiểu bản chất gia đình Tâm còn hơn chính anh hiểu. Ông biết Tâm cũng chẳng sung sướng gì.
Có thể bạn quan tâm!
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 5
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 6
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 7
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 9
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 10
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 11
Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.
Cùng với vấn đề hôn nhân, gia đình, sự xuống cấp, thoái hóa về đạo đức cũng được Lê Lựu nói tới. Bà Nhân là điển hình của loại phụ nữ lăng loàn, mất nết. Chính những người đàn bà như vậy là nguyên do sản sinh ra những ông chồng nhẹ thì nhu nhược đáng khinh, nặng thì nham hiểm, thủ đoạn. Linh Anh là phiên bản bị lỗi của bà Nhân, nghĩa là cô cũng lăng nhăng, cũng cặp bồ, cũng khinh chồng nhưng cô không vơ quàng vơ xiên và vẫn kín đáo giữ gìn những mối quan hệ bất chính. Người đàn bà đẹp, sắc sảo như Linh Anh thì chắc chắn không bao giờ là tải sản sở hữu của mình Tâm mà nó sẽ là tài sản chung của những gã đàn ông lịch lãm, trải đời. Linh Anh đến với Thiệt để tìm kiếm những cái mà Tâm không có. Cũng như Châu, cô mạnh mẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
Nếu có những người đàn bà hư hỏng như Châu, như Linh Anh, như bà Nhân thì nguyên nhân là từ những gã đàn ông như Toàn, như Thiệt. Những gã đàn ông ham của lạ, vô trách nhiệm, lọc lõi tình trường này cũng là minh chứng xác đáng của sự suy đồi, thoái hóa đạo đức. Họ luôn tâm niệm đàn bà là bông hoa đẹp. Mà đã là bông hoa đẹp thì ai cũng có thể ngắm nhìn, ve vuốt. Đến khi sự tôn thờ, yêu thích đó nguội lạnh thì đồng nghĩa với việc chia tay, không ràng buộc. Họ chính là nguyên nhân của mọi cuộc đổ vỡ, rạn nứt. Nhưng điều đáng buồn hơn là những người phụ nữ đáng lẽ bị hại kia lại cứ muốn bám riết, muốn được họ có lỗi mãi. Sự tha hóa nhân cách mà Lê Lựu đề cập đến vô cùng có ý nghĩa trong thời đại mới, thời đại mà sự tự do, dân chủ và ý thức cái tôi trở nên quá trớn trong suy nghĩ của một bộ phận người.
Trong tác phẩm Hai nhà, một vấn đề quyêt định số phận, nhân cách con người đó là giá trị vật chất. Vật chất quyết định tất cả. Tâm không làm ra tiền, anh chịu sự
yếu thế trước vợ, chịu nỗi nhục với mọi người là không nuôi nổi vợ con. Để rồi từ một người coi khinh tiền bạc, cuối cùng anh phải nể phục, quy phục nó. “Tâm mê dại trước những đồng đô la xanh. Anh mơ tưởng thích thú cứ nghĩ đến những tờ xanh nhiều dần lên, có cảm giác như cái trần nhà cũng óng ánh màu xanh, ước gì cả những bức tường, cả trên mặt bàn, mặt tủ, trong giường, chung quanh anh chỗ nào cũng toàn tờ đô la” [80, 273]. Nhưng rồi cuối cùng những đồng tiền anh tôn thờ cũng không giúp anh mua được hạnh phúc.
Lê Lựu nhìn đời chân thực bao nhiêu thì lại thấy cuộc đời đen tối, bi đát bấy nhiêu. Con người sống với nhau chỉ thấy toàn lừa lọc, dối trá. Vậy người ta phải sống như thế nào trong cuộc đời này? Hiền lành nhu nhược như Tâm, Sài? Lọc lõi, xảo quyệt như Châu, Linh Anh? Đểu cáng, chơi bời như Thiệt, Toàn? Lưu manh, tội lỗi như Núi, Hiếu?... Cuộc đời này quả không giản đơn, một chiều. Điều quan trọng là anh phải nhận thức được mình là ai, mình đang ở đâu và lý tưởng sống của mình là gì? Đôi khi nhìn thẳng vào sự thật, đối mặt với sự thật dù sự thật đó có phũ phàng đến nhường nào cũng là một cách giải quyết hữu hiệu hơn là chạy trốn, quay lưng với thực tại. Nếu không hiểu hết cuộc đời anh sẽ bị tụt hậu, sẽ bị cuộc đời bỏ rơi, thậm chí là dẫm đạp, hủy hoại.
Cũng viết về những mối quan hệ gia đình, hôn nhân, tình yêu. Cũng viết về cuộc sống thường nhật với bao bộn bề, lo toan nhỏ nhặt nhưng các tác giả cùng thời với Lê Lựu, mỗi người lại có những hướng khai thác riêng.
Trong Tiễn biệt những ngày buồn vợ chồng Xoay - Sương nhiều năm chỉ sống bằng một sổ gạo, một suất lương thế mà êm ấm. Nhưng khi Sương tìm được việc làm tốt, thu nhập cao, đời sống vật chất ngày một cải thiện thì gia đình họ tan vỡ. Sương thay đổi từ cách ăn mặc, nói năng, cử chỉ và cuối cùng từ giã căn phòng tập thể, “tiễn biệt” người chồng thừa tình yêu, nhân hậu nhưng thiếu tiền tài, của cải để tìm cuộc sống mới. Câu nói cuối cùng của Sương với các bạn Xoay: “Em không thể chờ anh Xoay được. Bố em cũng không thể chờ chàng rể đem thuốc tốt bụng về chữa bệnh (...).
Bây giờ thì em tự quyết định lấy cuộc sống của mình, hạnh phúc của mình” đã khẳng định quan niệm về hạnh phúc của cô.
Cùng cảnh ngộ như Xoay nhưng Nam trong Phố của Chu Lai còn đắng cay, xót xa hơn nhiều. Tình yêu của họ được thử thách nơi hòn tên mũi đạn và ngàn ngày đằng đẵng xa nhau. Hạnh phúc tưởng như ở trong tầm tay khi Thảo “nguyên vẹn” trở về, tiền bạc dồi dào, nhà cao cửa rộng, đời sống sung túc. Vậy mà, sóng gió lại xuất hiện. Chưa đầy năm sau, bi kịch đã giáng xuống gia đình họ. Chị bỏ mạng nơi biển Sầm Sơn một ngày giông gió trong chuyến “píc níc” với tình nhân. Anh điên loạn, phẫn uất khi nhận ra mình bị phản bội. Còn cháu Niên Thảo quặn nỗi đau mất mẹ và hứng chịu những cơn thịnh nộ của bố.
Đọc Bến không chồng, chúng ta không cầm được nước mắt về nỗi đau của con người, về thân phận của người phụ nữ. Hạnh là một thiếu nữ đáng yêu, đáng quý vô ngần. Hạnh dám chống lại lời nguyền để yêu thương Nghĩa. Hạnh đã hy sinh tuổi xuân chờ chồng, nuôi mẹ. Nhưng Hạnh cũng sẵn sàng rời xa chồng để anh được hạnh phúc và mẹ anh có con nối dõi. Hạnh dám làm tất cả để khẳng định mình là người phụ nữ có đủ khả năng làm vợ, làm mẹ. Hạnh là một cô gái nhân hậu, đoan trang nhưng cũng rất cương quyết, táo bạo. Chính nhờ Hạnh mà tộc họ Nguyễn bỏ được lời nguyền xưa. Nhờ có Hạnh mà cuộc đời Nghĩa thêm đẹp, thêm cao cả. Chính có Hạnh mà cuốn sách có lúc tưởng như sắp rơi vào u ám bỗng sáng bừng lên. Đó là ánh sáng của tình người, tình đời, tình yêu và lẽ sống.
Trong các nhà văn viết về đề tài gia đình, Ma Văn Kháng là người đi đầu trong việc đổi mới tư duy nghệ thuật, đổi mới cách viết và gặt hái được những thành công đáng khâm phục. Những tác phẩm hay nhất, góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật văn xuôi Ma Văn Kháng chính là những tác phẩm viết về đề tài gia đình như các tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời cùng các truyện ngắn Trung du, chiều mưa buồn, Trái chín mùa thu, Mẹ và con, Mất điện, Chọn chồng, Nợ đời, Suối mơ, Gái có con, Phép lạ thường ngày…
Trở lại với tiểu thuyết Lê Lựu, nếu Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Hai nhà là những câu chuyện xoay quanh đời sống thành thị, với những mâu thuẫn trong đời sống gia đình, hôn nhân thì Chuyện làng Cuội lại đặt ra một vấn đề khác trong hiện thực xã hội. Khi cơ chế thị trường thâm nhập vào đất nước ta, đồng thời với sự giao lưu kinh tế, văn hóa phương Tây tràn vào, một phần giúp chúng ta mở mang văn hóa, một phần mang theo những quan niệm khác với suy nghĩ truyền thống Á Đông. Cùng với điều đó là sự lưu manh hóa của đám thị dân nội địa và sự cố chấp của người nông dân để rồi tự tạo cho mình một quan niệm sống ăn gian nói dối. Chuyện làng Cuội ra đời là minh chứng cho điều đó. Đó là hiện thân của xã hội dối trá, là sự báo hiệu việc phá vỡ những chuẩn mực đạo đức truyền thống từ bao đời của con người.
Cả câu chuyện là cuộc đời chìm nổi của bà Đất. Cuộc đời bà chỉ đầy rẫy đau khổ và nước mắt. Bà sống hết lòng vì chồng, vì con. Nhất là với thằng Hiếu, đứa con hoang không được cha chấp nhận, bà như một tấm lá chắn che chở, bảo vệ cuộc đời nó. Cả đời bà, còn trẻ thì hi sinh nuôi nấng nó, đến khi về già thì lặng lẽ nghe theo mọi sự chỉ bảo, vạch đường của nó. Vậy mà cuối cùng, không chịu nổi sự bất hiếu, vô nhân đạo của nó, bà đã lặng lẽ buông mình xuống sông để trở về với làng Cuội, mảnh đất nơi bà đã từng bỏ nó mà đi và nay lại trở về với nó.
Hiện thực trong Chuyện làng Cuội là một xã hội đen tối, âm u. Nó khiến người ta liên tưởng đến hiện thực trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Điểm nổi bật trong Chuyện làng Cuội là phê phán một làng nói dối, một xã hội dối trá trong đó toàn những kẻ gian dối, từ kẻ có thế lực đến người dân thường. Ai cũng biết dối mình, dối người. Những hiểm họa của sự gian trá đó đến hôm nay vẫn chưa thể nào xóa nhòa được. Cuộc sống liệu còn ý nghĩa gì khi người ta mất niềm tin ở con người và cuộc đời?.
Xã hội trong Chuyện làng Cuội được tạo ra từ những con người dối trá, lật lọng. Sự xuống cấp, suy đồi của xã hội trước cách mạng được tạo ra từ những thế lực bề trên. Sau cách mạng, nó lại hiện ra nhân danh chính quyền, đoàn thể, cách mạng. Tổ chức, tập thể như một cỗ máy trói buộc con người và thậm chí nó còn khắc nghiệt hơn cả những lễ giáo phong kiến trước kia. Bề ngoài, người ta đã lầm tưởng chế độ ấy, chính
quyền ấy sẽ giải phóng con người nhưng thực chất bên trong nó lại đẩy con người vào những nguyên tắc phi lí, hà khắc.
Làng Cuội ra mắt bạn đọc với cuộc thi nói khoác. Một làng Cuội nghèo nàn, lạc hậu hiện ra rõ nét trong trận lụt trước khi Việt Minh đến làng. Con người ta cũng từ sự vật lộn, vì miếng ăn mà sinh ra thù hằn, ghét bỏ nhau. Tình nghĩa anh em, hàng xóm láng giềng cũng vì miếng ăn mà chia cắt: “khi người giàu cất tiếng khóc than vì mất của thì người nghèo lại mẩm bụng mừng thầm mình đã có cái ăn qua ngày” [76,73]. Ngay trong lúc khó khăn, thiếu thốn, lòng dạ con người mới được bộc lộ hết. Trong trận lụt, giữa lúc khốn đốn nhất, đã không có sự cưu mang, đỡ đần cho nhau họ còn sẵn sàng đánh chửi nhau chỉ vì một vài hạt đỗ tương ngâm nước, không lấy đi thì sẽ hỏng. Nhưng sự ấu trĩ, tâm lý ti tiện của người nông dân không muốn rời cái gì của mình ra, dù nó không dùng được nữa, dù nó có hại cho họ thì nó vẫn là của họ.
Cách mạng về mang đến cho làng Cuội một chút ánh sáng. Dù chỉ là một chút ít thôi họ cũng đã thỏa mãn trong khi không biết cách mạng là gì, Việt Minh là gì. Họ sẵn sàng chạy theo cái gì có lợi cho mình, mang đến cho mình miếng ăn để sau này dẫn đến chuyện chỉ vì những thứ nhỏ nhặt nhất mà họ phản lại chính hàng xóm, quê hương mình. Đó là thực tế không chỉ tồn tại ở làng Cuội thời bấy giờ. Lê Lựu đã nhận xét: “Thế mới biết con người cũng dễ thỏa mãn. Mới tối hôm trước còn rên rẩm, than vãn ước ao, thèm khát đủ thứ, tối hôm sau được cân thóc đã phởn chí, trông mặt ai cũng tơn tởn sướng” [76, 89].
Một mảng hiện thực giá trị trong Chuyện làng Cuội là công cuộc cải cách ruộng đất. Nó được giới thiệu nhộn nhịp bởi tiếng hát của các em thiếu nhi. Làng Cuội cũng như bao làng quê Việt Nam khác đón đội cải cách về với một niềm vui mới. Người ta đặt biết bao hi vọng, mong muốn vào công cuộc cải cách này. Nhưng rồi cuối cùng, kết quả lại không như mong đợi, đau buồn, mất mát nhiều hơn hạnh phúc, ấm no. Chúng ta phải thành thật thừa nhận với nhau rằng công cuộc cải cách ruộng đất với những đường lối, chủ trương không bám sát quần chúng, địa phương là một sai lầm.
Đội cải cách ruộng đất về làng, mọi người hân hoan chào đón với bao hi vọng. Vậy mà những người đem ánh sáng về cho làng quê là những người như nào? Đó là anh đội Quyền người có thâm niên ba đời đánh dậm. Một người chưa thuộc đủ hai tư chữ cái, chỉ biết đánh vần có một chữ Quyền. Đi học thì ngủ gật, nghe giảng lõm bõm câu được câu chăng, đúng sai không biết. Đó là một kẻ vô học, dốt nát và nực cười hơn là chính kẻ ấy lại được cử làm đội trưởng đội cải cách ruộng đất, là đại diện cho chính quyền cách mạng về thực hiện “ba cùng” với nhân dân. “Hắn ta lại luôn tự hào mình thức thời, nhanh chóng nắm được vấn đề, tự hào mình đã chôm ngay con cá to”. Đứng trước người dân, đội Quyền mới càng có dịp bộc lộ hết sự dốt nát, hợm hĩnh của mình. Hắn ta phát biểu về nhiệm vụ chiến lược đấu tranh chống đế quốc và địa chủ phong kiến như một con vẹt chưa học thuộc kĩ bài thành ra lắp ghép lộn xộn cuối ý nọ với đầu ý kia và cuối mỗi câu lại thêm một lời chốt: “đấy nó như thế”: “Bài nào anh cũng nhớ mang máng và anh cũng biết “co” ở chỗ này sang chỗ kia cho nó liền nhau nên cũng nói được trơn tru. Có bài anh lại “tóm” nó gọn lại để bà con dễ nhớ. Không thể lý giải nổi tại sao một người như vậy lại được chính quyền cách mạng giao phó những trọng trách quan trọng, có ảnh hưởng to lớn đến người dân? Còn đội Lăng thì sao? Đội Lăng được miêu tả trái ngược hoàn toàn với đội Quyền “Anh Lăng năm nay 28 tuổi. Nước da trắng săn sít lại rất hợp với cái mặt thon của anh. Anh có đôi mắt vừa sắc sảo vừa mơ màng dù một bên là con mắt giả, lại có cái cười nửa miệng, hóm. Lại nói năng lưu loát. Lại có năng lực chắp nối những điều mơ hồ thành cụ thể, rất chặt chẽ không ai có thể bắt bẻ. Cái dung nhan của anh và anh Quyền hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng năng lực của hai người khác nhau lại còn rõ hơn cái vẻ ngoài. Cùng ngồi học với nhau, anh Quyền ngủ gật hoặc có thức thì nghe câu nào cũng chỉ lõm bõm. Anh Lăng nghe thoáng qua, thậm chí nghe phong thanh mà người ta gọi là “nghe hơi nồi chõ” ở chỗ quán nước anh cũng có thể tưởng tượng ra được cái chuyện gì đấy, hoàn chỉnh như thật” [76, 231]. Anh sáng suốt thật đấy, lươn lẹo thật đấy. Vì sáng suốt và lươn lẹo nên anh biết che giấu những suy nghĩ, hành động của mình. Anh sẵn sàng