làm ăn. Nếu cuộc sống cứ êm đềm trôi đi thì có lẽ Núi cũng được bù đắp phần nào. Sự trở về đột ngột của Mai cùng đứa con nhỏ và trận đánh ghen nhục nhã giáng lên đầu Hồng đã cướp đi hạnh phúc ngắn ngủi của Núi. Giá như Núi mạnh mẽ, quyết đoán bảo vệ hạnh phúc của mình thì sự việc sẽ khác. Nhưng Lê Lựu chưa bằng lòng cho nhân vật của mình trả xong nợ với cuộc đời. Một lần nữa Núi lại nhu nhược buông xuôi, chấp nhận để Hồng ra đi vì nghĩ đến đứa con gái với Mai. Hành động này cũng đồng nghĩa với việc Núi chấp nhận để Mai điều khiển, làm chủ cuộc đời mình. Cuộc sống sau này với Mai cũng chẳng khác trước là bao. Vẫn những tiếng mày, tao, những cái đấm, cái đá, tiếng chửi bới ngoa ngoắt khắp nhà. Sau trận đòn chí tử dành cho Mai, bình phục Mai lại một lần nữa bỏ đi theo nhân tình, để lại con cho Núi nuôi nấng. Cuộc đời Núi cứ mãi quẩn quanh vòng vo trong hai chữ bi kịch. Gom nhặt được chút hạnh phúc ít ỏi, rồi vì nhu nhược, vì cuộc đời nhiều nanh vuốt cứ trực chờ cướp mất, để rồi cuối cùng hạnh phúc với Núi cũng chỉ là con số không. Bao khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tình cảm cứ dồn lên hai bố con Núi. Cùng quẫn, cùng đường, Núi lại đi ăn trộm và ngày càng lún sâu vào con đường trộm cắp, ra tù vào tội không biết bao nhiêu lần đến nỗi “hắn nghiện áo tù như nghiện những con người suốt cả đời không lúc nào rời khỏi tâm trí hắn: một người cha và những đứa con… Với hắn, thời gian vào nhà tù còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Nghĩa là hắn quen mọi sinh hoạt ở nhà tù hơn nề nếp sinh hoạt ở nhà”. [79, 301].
Càng thiếu sự quan tâm của gia đình, của ông bố bao nhiêu thì Núi càng nhận được sự bù đắp yêu thương của hàng xóm, của chính quyền, của anh em bạn bè bấy nhiêu. Đây cũng là sự nhân đạo, nhân văn của tác giả dành cho Núi. Chính sự quan tâm của bà tổ trưởng tổ nước sôi, của anh công an khu vực, của các cán bộ trại giam, của anh em bạn tù và đặc biệt là tình yêu của đứa con gái nhỏ, tình yêu của mẹ con Hiền đã cảm hóa, giác ngộ Núi thực sự. Núi đã biết trân trọng hạnh phúc, nhận ra con đường phải bước tiếp của cuộc đời mình, nhận ra mình phải làm những gì cho mình, vì mình và vì những người thân yêu. Hắn đã không đi lại vào vết xe đổ trong mối quan hệ giữa
hắn và ông Đại. Trở thành ông chủ nghề mộc cũng là một kết quả tất yếu cho sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Núi trên con đường hoàn lương.
Trong một cuộc trò chuyện với sinh viên, Lê Lựu đã giải thích tên tiểu thuyếtSóng ở đáy sông rằng: “Đôi khi con người cứ cố sức làm một việc gì đó nhưng thực ra nó hoàn toàn vô ích. Người ta có thể lấp một con sông song lại không thể lấp được dòng nước ngầm chảy trong lòng nó. Dòng nước ngầm cuồn cuộn ấy chính là cuộc đời nhân vật Núi. Trải qua bao nhiêu sóng gió vùi dập mà Núi vẫn sống một cách mãnh liệt. Đó chính là giá trị nhân bản mà tôi muốn thể hiện trong tác phẩm này”.
Qua cuốn tiểu thuyết và số phận nhân vật Núi, nhà văn Lê Lựu mang đến cho chúng ta một triết lí sâu sắc: Con người hãy sống, hãy đến với nhau bằng tình yêu thương. Chỉ có tình yêu thương chân thành nhất mới có sức mạnh cảm hóa lòng người. Giàu sang và tiền bạc có thể mua được sự sung sướng nhưng không thể mua được hạnh phúc. Hãy đặt niềm tin, sự bao dung và lòng yêu thương lên trên tất thảy.
Năm 2000 Lê Lựu cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Hai nhà. Đây là cuốn tiểu thuyết khắc họa, phân tích, mổ xẻ đến tận cùng những bi kịch, những va chạm thường nhật trong đời sống vợ chồng, gia đình. Có những điều mang tên “chuyện vặt” nhưng lại là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự rạn nứt trong gia đình.
Có ý kiến cho rằng Hai nhà là tập hai của Thời xa vắng, bởi đọc tác phẩm chúng ta thấy có sự tương đồng giữa Tâm và Sài; giữa Linh Anh và Châu. Nếu Thời xa vắng là bi kịch kéo dài của một đời người thì Hai nhà là những lát cắt trong khoảnh khắc số phận nhưng cả hai đều chung một chủ đề: Bi kịch trong đời sống của con người.
Hai nhà là câu chuyện về hai gia đình, là hàng xóm sát vách với nhau trong khu tập thể. Hai người chủ gia đình là hai nhà trí thức kiểu mẫu đồng thời cũng là nạn nhân của hai người vợ lăng loàn, lẳng lơ. Không gian của Hai nhà hẹp hơn Thời xa vắng, chủ yếu là xoay quanh hai căn phòng tập thể của vợ chồng hai gia đình: Tâm – Linh Anh, bác Địa – bà Nhân Di-đen. Thời gian của câu chuyện cũng ngắn hơn, chỉ khoảng dăm năm bắt đầu bằng sự việc gia đình Tâm – Linh Anh dọn đến khu tập thể này và được gia đình nhà bác Địa giúp đỡ nhiệt tình. Mở đầu tác phẩm hai gia đình tâm
Có thể bạn quan tâm!
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 3
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 4
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 5
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 7
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 8
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 9
Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.
nguyện gắn bó với nhau như anh em ruột thịt và kết thúc tác phẩm là sự tự vẫn của bác Địa khi chuyện dan díu giữa ông và Linh Anh bại lộ.
Với Lê Lựu, cuộc sống không bao giờ là giản đơn mà luôn chứa đựng bao điều bất ngờ. Sự bất ngờ đó cứ âm ỉ, len lỏi vào từng ngóc ngách trong tâm hồn con người, để rồi khi đã thành cao trào nó sẽ như những đợt sóng biển cuốn đi tất cả. Cuộc sống gia đình Tâm, gia đình Sài là như vậy. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ rằng gia đình Tâm – Linh Anh là một gia đình cơ bản kiểu mẫu, vợ chồng trí thức, sống hạnh phúc hòa thuận. Với sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, họ đã tìm cho mình một căn nhà mới. Căn nhà mới này dù nhỏ bé nhưng nó ấp ủ ước mơ hạnh phúc gia đình. Ngày dọn về nhà mới – cái ngày được xem là trọng đại của đời Tâm dường như lại là sự bắt đầu của chuỗi ngày bất hạnh mà Tâm phải gánh chịu.
Đến nơi ở mới, vợ chồng Tâm ở sát vách với một gia đình trí thức nhất khu tập thể. Bác Địa, một cán bộ có học thức, rất hiểu biết và sống có tình. Vợ bác Địa, tuy hơi bốp chát, táo tợn nhưng là một người sống vô tư, thoải mái. Chính sự tương đồng về địa vị, hoàn cảnh, trình độ đã thiết lập nên mối quan hệ tối lửa tắt đèn có nhau giữa hai nhà. Những buổi liên hoan, những sự giúp đỡ đúng lúc ngày càng thắt chặt tình cảm anh em láng giềng, hai nhà như một, sống chết có nhau. Những tưởng mối thân tình ấy ngày một bền chặt nhưng ngay từ đầu tác phẩm nhà văn đã dự báo: “đúng hơn mười năm sau Tâm và bác Địa kẻ sống người chết với nhau thật. Nhưng ngày hôm nay, từ ngày hôm nay trở đi, mối quan hệ của họ có thể nói là lý tưởng, là mẫu mực, ối bà con xóm lao động này thèm muốn, ước ao mà không thể nào tới được” [80,16].
Tâm và Sài là những nhân vật mang đầy tâm sự, chất chứa nhiều bi kịch. Cũng như Sài và Châu, giữa Tâm và Linh Anh có quá nhiều sự khác biệt. Linh Anh là người thành phố, cái thành phố bé bằng cái bàn tay và nghèo kiết xác nhưng ai cũng biết cách khinh người. Còn Tâm là một “thằng nhà quê mới ra tỉnh cứ nơm nớp sợ người ta bảo mình khinh người nên gặp kẻ quen, người lạ, bất kể ai đến nhà cũng cười toe toét, chào mời rối rít và lấy hai bàn tay chộp lấy người ta lắc lắc thì mới là thắm thiết” [80,7]. Tâm chân thật, ngay thẳng, ngu ngơ bao nhiêu thì Linh Anh ghê gớm, nanh nọc, lọc lõi
bấy nhiêu. Tâm đến với vợ bằng tình yêu, lòng ngưỡng mộ còn Linh Anh đến với chồng đơn giản là có chỗ nương tựa và có bố cho đứa con trong bụng. Ngay từ những ngày đầu trong tổ ấm họ đã cãi vã. Biết điểm yếu của chồng là rất sợ sự to tiếng va chạm, Linh Anh càng được đà lấn tới. Cô gào ầm lên, xỉa xói chồng khiến cho Tâm tái đi, người xám lại, “nép mình như một con gián chịu sự sai bảo như một thằng ở, nhận sự ban phát âu yếm của cô ta như một thằng ăn mày nhận bố thí…”. Linh Anh coi thường và ghẻ lạnh chồng ra mặt. Trạng thái khuôn mặt thường xuyên của cô là lạnh như kem và nặng đến tạ rưỡi thậm chí là tạ sáu tạ bảy. Hiếm hoi lắm cô ta mới ban phát cho Tâm những hành động âu yếm, lời lẽ dịu dàng, tình cảm. Những lúc như vậy, Tâm hí hửng vui được cả tháng, tí tởn như bắt được của. Trước cảm xúc, thái độ, tình cảm của vợ, Tâm như rơi vào ma trận. Càng đi sâu, anh càng thấy bế tắc, hoang mang. Càng bế tắc, hoang mang bao nhiêu, hình ảnh của Tâm càng hiện lên thảm hại, bất lực bấy nhiêu. “Tâm lấy vợ đã sang năm thứ năm, sắp sửa cho hai mặt con vẫn chưa hiểu vợ mình thực chất là người như thế nào: hào phóng hay kiệt xỉ, nhẫn tâm hay nanh nọc, thủy chung hay bội bạc, đứng đắn hay đĩ bợm?” [80, 65].
Cho đến khi xảy ra vụ đánh ghen ngược giữa vợ Tâm và bà Nhân hay nói đúng hơn là sự đánh ghen của hai nhân tình thì bi kịch cuộc đời Tâm mới đẩy lên đỉnh điểm và được sáng tỏ. Sự thật lúc này phũ phàng, nhẫn tâm với Tâm vô cùng. Hóa ra, trong mười mấy năm qua Tâm chỉ là người chồng hờ, là bù nhìn, là hình nộm để vợ cắm sừng lên đầu. Hai đứa con Tâm hết lòng yêu thương, chăm sóc đến quên cả bản thân mình cũng không phải là con anh. Hóa ra, vợ chồng anh đồng sàng dị mộng. Cái mác trí thức tiến bộ, cái vốn học thức sách vở của anh không những không giúp anh thoát khỏi bi kịch mà hơn thế nó còn nặng nề dìm anh xuống đáy sâu. Cay đắng hơn, cuộc đối thoại giữa anh và Linh Anh ở đồn công an đã thể hiện bản chất thực của Linh Anh. Nó là cú sốc lớn, là đòn giáng chí tử vào niềm tin của Tâm đối với vợ. Tâm đau khổ vùng vẫy muốn thoát khỏi thực tại. Anh suy nghĩ và đã nhận ra nguyên nhân hủy hoại hạnh phúc của đời mình.
Nếu Châu trong Thời xa vắng còn có lúc biết thương chồng, biết cách ăn ở với gia đình, bạn bè, hay ít nhất Sài còn có một đứa con ruột thì Linh Anh trong Hai nhà thể hiện đầy đủ, rõ nét nhất sự băng hoại về đạo đức, nhân phẩm. Hậu quả từ lối sống buông thả, dễ dãi của Linh Anh là xã hội có thêm một người chồng nhu nhược, mọc sừng; gia đình có thêm hai đứa trẻ gọi Tâm là bố hờ và cuộc đời có thêm những gã đàn ông đểu cáng, vô liêm sỉ như Thiệt. Nếu trước đây, Tâm là một phóng viên có tài, nắm bắt mọi biến chuyển của thời cuộc một cách nhanh nhạy thì giờ đây áp lực về cuộc sống, gia đình…đã giết chết dần nhuệ khí trong anh, biến anh thành một gã chồng ngu ngơ, nhu nhược, đớn hèn, thành một gã phóng viên chật vật, khó khăn với nghề để đưa ra được những bài viết mờ nhạt, nông cạn.
Không chỉ có những người đàn bà hư hỏng như Linh Anh, như bà Nhân Di-đen, tác phẩm còn khắc họa những gã Đông-gioăng thời hiện đại như Thiệt, như tay phó tiến sĩ tốt nghiệp ở Ba Lan, người tình thứ hai của Linh Anh, rồi ông Địa – người hàng xóm trí thức, tốt bụng cuối cùng lại lấy vợ người ra để trả thù vợ mình…Có thể nói thế giới nhân vật trong Hai nhà đặc quánh một màu sắc đen tối, đồi bại, méo mó về nhân cách, suy đồi về đạo đức.
Từ những bi kịch hôn nhân và gia đình qua tiểu thuyết Hai nhà, Lê Lựu muốn dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh đạo đức, nhân phẩm của con người. Đặc biệt, trong cảm quan nghệ thuật của mình, dường như với tác giả, những bi kịch đó chủ yếu xuất phát từ người phụ nữ. Còn với những người đàn ông, trụ cột trong gia đình giá như họ biết sống quyết đoán, mạnh mẽ hơn thì có lẽ đau khổ, tan vỡ sẽ không xảy ra. Trong tác phẩm, Lê Lựu trăn trở rất nhiều về điều này: “Người đàn bà dữ dằn, nanh nọc như con sư tử như con hổ báo hay hiền như con thỏ non, lành như đất đều ở người đàn ông…Mấu chốt là bản lĩnh và sự quyết đoán của người đàn ông [80,116]; “người đàn ông càng tốt bao nhiêu, càng biết điều nhường nhịn và chiều chuộng lo toan hầu hạ vợ bao nhiêu thì người đàn bà càng ngồi lên đầu, lên cổ anh bấy nhiêu” [80,245].
Kết thúc câu chuyện là hình ảnh buồn về hai người đàn ông. Một người sau bao nhiêu sự phản bội liên tiếp của vợ vẫn cúi đầu, nhịn nhục quay về chung sống với hai
đứa con không phải là con mình. Một người không thể đương đầu với sự thật, thấy xấu hổ tột cùng đã tự kết liễu đời mình như một hành động minh họa cho luận điểm: “Hai thằng đàn ông nhu nhược cộng lại thành bốn thằng hèn, chứ không thành người dũng cảm đâu” [80,125].
Nếu Thời xa vắng là tiếng thở dài não nuột cho số phận Giang Minh Sài; Sóng ở đáy sông là cái lắc đầu ngao ngán trước vòng tròn bi kịch của Phạm Quang Núi; Hai nhà là tiếng cười chua chát về cuộc đời của Nguyễn Thanh Tâm thì Chuyện làng Cuội lại là những giọt nước mắt thảm thương với số phận của bà Hiêu Đất trước những sai lầm đau xót của lịch sử, trước sự băng hoại đạo làm con của Lưu Minh Hiếu. Vốn là một cô gái xinh đẹp nhất làng nhưng phải chăng “tài hoa thì bạc mệnh, cô bị tổng Lỡi lừa và hãm hại một đời con gái. Cô phải bỏ làng đến nơi sơn cùng nước tận để sinh nở, nuôi nấng con. Khi trở về làng cô trở thành người nói dối cho hành vi của mình. Cô yêu và lấy người cán bộ Việt Minh tên Kiêm. Hạnh phúc tưởng như đã đến với Đất khi lần đầu tiên cô có một gia đình, một tổ ấm để yêu thương, chăm sóc. Nhưng rồi hạnh phúc cũng chỉ thoảng qua như một giấc mơ.
Lúc này cô hiện diện ở làng với cái tên bà Đất chứ không còn là cô Đất ngày xưa nữa. Từ ngày đội về làng thực hiện công cuộc cải cách ruộng đất, chúng vu oan cho chồng bà là phản động, bà Đất trở thành vợ thằng phản động cường hào, ác bá, là kẻ theo giai cấp. Kiêm bị xử bắn, còn bản thân bà bị người làng xa lánh, coi khinh. Cái chết của Kiêm đã chồng chất bi kịch lên cuộc đời bà.
Bước sang giai đoạn mới, khi chồng bà được minh oan, hạnh phúc như đã mỉm cười với người đàn bà bất hạnh thì đau xót hơn, chính đứa con trai bà dứt ruột đẻ ra, quên cả bản thân mình để chăm lo cho nó giờ đây quay lại bất hiếu, ruồng rẫy bà. Hiếu không cho mẹ mình cái quyền được làm người. Bà không ngờ rằng cả cuộc đời hi sinh cho con để rồi cuối cùng chính đứa con đó lại thốt ra những lời cay nghiệt cho rằng “bà đã giết tôi”. Vì Hiếu, bà đã nói dối mọi người, mang tiếng độc ác bức hại con dâu phải chết, cố gắng trở thành một người mẹ mẫu mực theo đúng ý Hiếu. Nhưng đứa con ấy mắng nhiếc bà: “đồ súc vật, ngu như con lợn, sao lại câm như thế? Bà nói đi, nói đi tại
sao? Tại sao bà lại độc ác với tôi như thế? Chính bà là kẻ giết tôi! Rồi bà sẽ biết tay tôi” [76, 20].
Cuộc đời bà khi ngẫm lại mới đầy những cái giá như mà không bao giờ còn thực hiện được nữa: “giá như bà cứ tự bước lên bục không cần ai dắt, giá như bà cứ nói những câu không ai xúi bẩy. Giá như bà cứ làm việc gì bà tự thấy cần phải làm người, không làm việc gì thấy không cần phải làm. Tất cả cái giá như ấy phải có cái giá như giá như bà đừng đẻ cái thằng con ấy. Bà đẻ ra nó thì bà chả còn gì để thành riêng biệt, thành con người hiện diện như mọi người. Bà trở thành kẻ thất đức, giết hết tình yêu của mọi người dành cho bà là lẽ đương nhiên” [76,341]. Cả một đời sống cam chịu theo sự sắp đặt của người khác, sắp đặt của đứa con trai, bà có bao giờ được sống là chính mình! Cả khi chết, bà cũng lặng lẽ ra đi trong đêm tối. Cái chết của bà là một cái chết tủi nhục và khổ sở. Bóng tối như kẻ đồng lõa với bà, bao che nỗi bất hạnh, bi kịch và sự cô đơn của bà: “từ đêm rời nhà đi hàng chục năm trời cho đến nay tất cả mọi thăng trầm, tất cả những lần đi và về quyết định đời bà đều diễn ra vào ban đêm… nó là người che dấu tội lỗi, vừa là viên quan tòa nghiệt ngã, vừa là người bạn đường tin cậy, vừa là ma quỷ ẩn nấp sau từ bi… Lạnh lùng cùng bóng đêm mang đi mọi bí mật của cuộc đời bà và của những kẻ lăn lộn, vật vã quanh cái xác đã rữa ra của bà đang được đưa về nhà thờ tổ đêm nay” [76, 30]. Cuộc đời bà chịu đựng mọi gian khổ, nhưng bi kịch lớn nhất có lẽ lại là bi kịch gia đình khi bà bị chính đứa con trai không cho mình cơ hội để sống.
Có thể khẳng định Lưu Minh Hiếu là nhân vật được Lê Lựu miêu tả, khắc họa rõ nét nhất. Hiếu là một kẻ tha hóa, đang dần trượt dài trên cái dốc biến thành con quỷ, mất dần nhân tính. Bản thân Hiếu cũng là một kẻ chịu nhiều bi kịch. Sự thiếu thốn bàn tay chăm sóc, dạy bảo của người cha, sự thay lòng đổi dạ của vợ sau này đã đẩy Hiếu vào con đường tha hóa. Hồi còn nhỏ, Hiếu là một cậu bé ngoan, thương mẹ thương em. Nhiều lần Hiếu đã biết vùng dậy đứng lên bảo vệ mẹ. Hiếu là nguồn sống, là hi vọng, là động lực vượt qua mọi khó khăn của bà Đất. Vậy điều gì đã làm Hiếu thay đổi? Chính vì phải sống trong sự đè nén, coi khinh của làng xã nên trong Hiếu luôn nung
nấu ý chí phải sống hơn người khác, sống lên đầu người khác. Việc vợ ngoại tình với đội Lăng là giọt nước làm tràn ly căm hờn để tha hóa trong Hiếu. Cái ý thức ăn thịt người ở đội Lăng đã nhiễm vào Hiếu. Từ đây, trong Hiếu luôn nung nấu quyết tâm trả thù bằng mọi cách. Sự trấn tĩnh, bình thản trước vợ và người tình của vợ bước đầu đã cho thấy sự nham hiểm, sắt đá của Hiếu. Hắn đớn hèn ngậm miệng, lùi một bước để tiến những bước sau, không đủ can đảm để làm việc gì thì phải câm họng, phải không được biết gì. Đúng, hắn lùi một bước, nhưng dần dần, từng bước một hắn đẩy những kẻ có tội với mình xuống vực thẳm. Hiếu đã lợi dụng bà Đất, nhào nặn mối quan hệ giữa bà với vợ không thể giải quyết để li dị vợ. Việc làm của Hiếu gián tiếp dẫn đến cái chết của Xuyến vì bao tội lỗi, bao nguyên nhân thiên hạ đổ dồn vào đầu bà Đất.
Người vợ thứ hai của Hiếu là Hiền. Một cô vợ đanh đá chua ngoa, luôn nắm được thóp của chồng và vì vậy cô vô tư ngoại tình. Hiền là kiểu nhân vật đồng dạng với Châu, Linh Anh. Dù là người có học thức nhưng Hiền ăn nói với chồng bốp chát, ngoa ngoắt. Hiếu có thể leo lên những nấc thang cao của danh vọng nhưng trong đời sống riêng tư Hiếu lại là kẻ thất bại. Hai người vợ đều phản bội y. Cả hai lần Hiếu đều phải nuốt hận vào trong. Thoát khỏi bi kịch với Xuyến, Hiếu lại rơi vào bi kịch với Hiền. Phải chăng đây là sự báo oán, là cái giá mà Hiếu phải trả cho sự bất hiếu, vô đạo đức của mình? Sau này khi có cơ hội Hiếu còn dan díu với Linh Chi - con gái đội Lăng để trả thù. Cuộc đời Hiếu là chuỗi dài của đau khổ, bi kịch, toan tính tội lỗi.
Huyền, con gái Hiếu cũng vướng vào bi kịch tình yêu. Cô yêu một người đã có gia đình, một thầy giáo thiếu quyết đoán và bản lĩnh. Huyền theo đuổi một tình yêu vô vọng, ngang trái. Số phận của cô cũng nhuốm màu đau khổ. Huyền sinh ra trong một gia đình mà sự trọn vẹn chỉ là hình thức. Cô có bà nội, có cha mẹ nhưng cô không có hạnh phúc gia đình. Huyền tuy còn ngỗ ngược, ương bướng nhưng ở cô sự yêu ghét rất rõ rệt. Huyền mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Có lẽ chỉ có Huyền là người yêu thương bà Đất nhất.
Cảm hứng bi kịch của Lê Lựu trong Chuyện làng Cuội phần nào mang màu sắc bi quan, bế tắc. Vòng tròn bi kịch gia đình bám riết, bao vây cả ba thế hệ nhà bà Đất.