Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 9


“ba cùng” với dân để “kiên trì chịu đựng” khi đã xơi vụng đủ thứ đùi gà, đùi vịt, quả tim…. Anh ta “cắm rễ”, sâu chuỗi đến tận người dân để thỏa mãn mục đích riêng của mình. Những sự thật này có được coi là thường tình trong một thời kì lịch sử chứa đựng nhiều yếu tố “không thường tình” hay không?

Trong công cuộc cải cách này, tất cả những gì là xấu, đẹp, sự ấu trĩ, chạy theo thành tích được bộc lộ ra hết. Tại sao lại cứ nhất định một làng phải có năm địa chủ trong khi họ biết rõ cả làng không có ai. Đó là một sự quy kết rất vô lý và tùy tiện để rồi người đáng tố, đáng quy kết lại không quy kết, người không đáng quy kết lại bị quy kết. Kết quả cuối cùng cũng gom đủ hai mươi sáu người lại để hạ thành phần và xử bắn ba người.

Nhân vật có vai trò quan trọng xuyên suốt cuộc cải cách này là Kiêm - một người cách mạng, một người đã từng giải phóng cho người dân làng Cuội, một bí thư xã ủy chuẩn bị rất rầm rộ để đón đội. Trong khi hô hào kẻ khẩu hiệu đả đảo, ủng hộ chính quyền anh đâu có ngờ những kẻ mình nồng nhiệt chào đón lại quay ra đả đảo lại mình. Từ một người cách mạng anh bị quy kết thành kẻ thù với vô số tội trọng mà anh không thể ngờ tới. Anh được khoác cho một “lý lịch cuội” do một anh đội nghĩ ra, hay “tìm hiểu ở bần nông mà có”. Cái lý lịch đã lật nhào mọi thứ, đã lật dưới lên trên, biến một con người nhát hơn cáy (anh rể của Kiêm) thành người làm phòng nhì cho sở mật thám, những việc rình rập của bọn hương dũng ngày xưa đối với chị Đất lại trở thành những rào chắn bảo vệ chị. Tại sao một người cách mạng chân chính như Kiêm lại có thể rơi vào tình trạng bi đát như thế mà không ai biện minh, chứng thực cho anh? Người dân chỉ biết đau xót nhất thời trước những tiếng kêu oan xé trời của chị Đất. Ngay đến ông Văn Yến, một cấp trên, một người đồng chí đã từng chiến đấu, hoạt động cùng anh bao nhiêu năm cũng đâu có hiểu anh. Ông hỏi anh như một vị quan tòa hỏi cung phạm nhân của mình chỉ để nghe trả lời có hoặc không mà không cần biết nguyên nhân, động cơ của những cái có và không ấy. Đến khi được giải thích, được nghe những lời rút ra từ lòng bạn mình, ông lại buông một câu: “có phải anh định lợi dụng lúc làm việc với người bạn cũ của mình để tố cáo tổ chức” [76, 220]. Nhưng cũng


vì vậy mà Kiêm được nói ra những điều ấm ức trong lòng. Qua sự việc này Lê Lựu đã bày tỏ quan điểm phê phán của mình. Cái hiện thực ở làng Cuội được “khoác một vẻ ngoài cuội” hơn gấp nhiều lần nội dung của nó “người ta lấy một việc thật ai cũng biết để làm cái bao rồi nhét bao nhiêu cái ruột giả vào trong mà không ai cần tìm ra sự giả dối, vu oan” [76, 220], để rồi chính cái “vấn đề chưa rõ ràng” sẽ “om” cho người ta mục xương hết đời này sang đời khác.

Đội cải cách là vậy, còn người dân họ được gì, mất gì trong chuyện này? Người dân trong và sau cải cách đói vẫn hoàn đói, dốt vẫn hoàn dốt. Họ bị động, bị chi phối bởi những cán bộ của đội. Họ không hiểu gì về giai cấp, chính quyền, họ chỉ biết “nhất đội nhì trời”, đi học tập, đi đấu tố chỉ để xem có liên quan đến mình không, mình có bị làm sao không?.

Bị động, bị chi phối, họ sợ liên lụy đến mức không dám sống thật với mình. “Họ như người lên đồng, người như mê đi không còn thấy ông bà, bố mẹ, không thấy vợ chồng, con cái, anh em ruột thịt. Không thấy họ hàng bạn bè, xóm làng, quê quán, không có trước có sau, trên dưới, không có tình yêu và kỉ niệm, không có tình nghĩa và ân huệ. Những ông bà đồng khổ chủ tâm niệm chỉ có đấu tranh giai cấp. Chỉ có sự độc ác và nỗi đau khổ. Chỉ có những âm mưu thủ đoạn và những biện pháp chống trả. Chỉ có một mất, một còn và không thể đội trời chung. Chỉ có tình yêu giai cấp và tình yêu đấu tranh. Chỉ có bần cố và những kẻ độc ác. Chỉ có chiến thắng của giai cấp bần cố và sự sụp đổ của giai cấp địa chủ tham lam độc ác. Bần cố là tất cả. Bần cố như đức chúa trời ngự trị cả muôn loài” [76, 190]. Họ hăng hái như thế để cuối cùng mang lại cái gì?

Hiện thực được nêu trong tác phẩm có ý nghĩa xã hội lớn lao. Đó là sự đối xử giữa con người với con người, sự băng hoại, thoái hóa đạo đức trong một bộ phận người không nhỏ. Lê Lựu thông qua công cuộc cải cách ruộng đất để nói về tính cứng nhắc, vô trách nhiệm, những sai lầm của tầng lớp lãnh đạo, những khó khăn mà con người phải vượt qua trong cả thời chiến và thời bình. Nhân vật Hiếu từng nghĩ khi đánh kẻ thù thật ta phải vào sống, ra chết, đầu rơi máu chảy mới tìm ra để tiêu diệt. Nhưng


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.

đó là đánh địch thật, có chiến thắng thật và dân cũng được giải phóng thật. Còn với kẻ địch tự tạo, kẻ địch dễ tìm mà tiêu diệt chúng cũng dễ thì mang lại thắng lợi giả, mang lại no ấm cũng giả nốt. Những người xung quanh chúng ta có thể thoắt cái đã là kẻ thù, thoắt cái là người cùng giai cấp. Điều đó không phụ thuộc vào việc làm của họ mà do xã hội chi phối.

Chuyện làng Cuội là chuyện xảy ra trong vòng một đời người, kéo dài từ chiến tranh sang hòa bình. Trong chiến tranh người làng Cuội cũng như bao làng quê khác, hăng hái tham gia cách mạng. Họ tuyệt đối trung thành đi theo cách mạng. Đến thời bình cuộc sống nảy sinh nhiều vấn đề. Đội ngũ lãnh đạo hoặc dốt quá, hoặc chạy theo bệnh thành tích để phục vụ cho ý đồ cá nhân của mình. Có thành phần cán bộ dốt nát không biết chữ, không hiểu bản chất vấn đề, chỉ biết chỉ đâu đánh đấy. Có con át chủ bài thuộc lớp cán bộ ra đời sau cải cách ruộng đất, đã từng lên lớp giảng bài cho hàng nghìn lượt người của xã về văn hóa tư tưởng, về quân sự chính trị, về chủ trương của ta, âm mưu của địch, chuyện gì cũng biết, cũng bàn, cũng lên lớp được, người đã từng duyệt sách, thơ, nhạc lại nói một câu vô cùng nực cười “Thơ của tay Nguyễn Du nào đấy làm thơ ca ngợi con gái dám trèo tường đi quan hệ bất chính. Nghe rất ủy mị, sướt mướt, có tính chất kêu gọi chuyện nam nữ lăng nhăng” [76, 374] và đề nghị “chú xem tay Nguyễn Du nó công tác ở đâu nên có công văn của huyện ủy đề nghị trên xử lý tay này không có nguy hiểm lắm” [76, 375]. Tầng lớp lãnh đạo như thế thì cuộc sống và số phận của người dân làng Cuội đen tối cũng là điều dễ hiểu.

Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 9

Trong cái xã hội hỗn loạn đen tối đó vẫn còn những nguồn sáng nhân cách như anh Kiêm, bà Đất hay cô Huyền. Phải chăng Lê Lựu nhìn hiện thực nông thôn làng Cuội nói riêng và nông thôn Việt Nam thời kì đổi mới nói chung bằng đôi mắt u buồn? Dù như thế nào đi chăng nữa chúng ta có thể khẳng định, thông qua hiện thực xã hội với cảm hứng thế sự sâu sắc Lê Lựu muốn khắc họa một cách chân thực xã hội và con người Việt Nam thời kì đổi mới từ đó toát lên lời kêu gọi hãy gột rửa, vẽ lại bức tranh xã hội tươi sáng hơn, hãy cứu lấy những giá trị đạo đức đang bị mai một. Đây cũng


chính là giá trị nhân văn trong sáng tác của Lê Lựu nói riêng, sáng tác của các nhà văn cùng thời nói chung.


CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT LÊ LỰU THỜI KÌ ĐỔI MỚI‌

3.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện

Không thuộc số những cây bút có những sáng tác độc đáo, cách tân mạnh mẽ về cốt truyện nhưng Lê Lựu luôn có ý thức đổi mới, tạo sự mới mẻ, đa dạng trong kết cấu tiểu thuyết của mình.

Cốt truyện Thời xa vắng xoay quanh cuộc đời nhân vật chính Giang Minh Sài với những vui, buồn, được, mất. Tiểu thuyết có độ dài hơn 300 trang, gồm 12 chương được chia làm ba phần.

Phần thứ nhất là quãng đời Sài từ lúc còn bé đến lúc kết thúc chiến tranh. Sài là một cán bộ quân đội đã lập được nhiều chiến công vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Phần này là trọng tâm và cũng là phần thành công hơn cả. Con người Sài lúc này gắn bó chặt chẽ với xã hội, chịu sự tác động qua lại chặt chẽ giữa gia đình, dư luận, đơn vị, cơ quan. Cũng chính vì vậy, ý nghĩa xã hội của phần này đặc biệt sâu đậm. Đây là câu chuyện của một cá nhân nhưng đồng thời cũng là câu chuyện của một thời xa vắng chưa xa. Nó là câu chuyện của ngày hôm qua nhưng đồng thời cũng là câu chuyện của ngày hôm nay để mỗi độc giả nhìn vào đó tự xác định cho mình một cách


sống - sống như thế nào cho có trách nhiệm với bản thân, với mọi người xung quanh mình và với xã hội.

Ở phần một này ngoài việc đề cập đến ý nghĩa xã hội, tâm lý nhân vật, tác giả còn xen vào đó những trang bình luận ngoại đề. Điều này thể hiện thái độ của người viết để thẩm định, dẫn dắt, đánh thức tiềm thức bạn đọc và hướng tới các nguyên nhân, hệ quả đối với số phận của nhân vật.

Phần thứ hai của tác phẩm là khoảng thời gian được bắt đầu từ khi hòa bình lập lại. Sài từ chiến trường trở về Hà Nội, ly hôn với Tuyết bắt tay vào làm lại cuộc sống gia đình. Nhưng dường như đã quen với sự sắp đặt của người khác, giờ phải tự mình quyết định Sài không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng và không tránh khỏi sai lầm. Đây là phần có ý nghĩa xã hội hẹp hơn so với phần một, nó chỉ là câu chuyện về sự bất hòa, cọc cạch giữa hai vợ chồng kẻ tỉnh, người quê. Ở phần này cũng có những trang miêu tả rất chân thực cảnh sinh hoạt gia đình, cảnh vợ chồng anh Tính ở quê lo lấy vợ cho Sài… Có thể nói ở phần hai, cảm hứng bao trùm là cảm hứng thế sự mang màu sắc bi kịch.

Phần hai được đặt cạnh phần một tựa như hai bức tranh được vẽ bằng hai chất liệu khác nhau nhưng lại đan cài, hòa quyện vào nhau. Đó là bức tranh về chiến tranh và hòa bình, nông thôn và thành thị, nhà quê và kẻ chợ… Điều này gợi cho người đọc sự liên tưởng về một quá trình phát triển liên tục, nối tiếp nhau của lịch sử.

Phần ba là phần kết thúc bắt đầu từ lúc Sài ly hôn với Châu trở về Hạ Vị làm chủ nhiệm hợp tác xã. Phần này thiên về cảm xúc và sự chiêm nghiệm nhìn lại cuộc đời và nhìn lại chính mình của nhân vật. Kết thúc cuộc hôn nhân lần hai với Châu cũng là sự bắt đầu một cuộc sống mới với Sài.

Như vậy bố cục của Thời xa vắng tương đối chặt chẽ, đủ để bao quát một vấn đề về hiện thực: chiến tranh và hòa bình gắn với con người và nhân cách của họ. Tác giả đã tái hiện một mảng hiện thực cuộc sống gắn với sự được - mất trong và sau chiến tranh với số phận bi kịch của con người.


Mỗi chương trong tác phẩm là một luận đề tư tưởng lôgic, hệ thống đủ cho người đọc liên tục theo dõi cốt truyện. Tác giả cũng tạo sự gợi mở ở từng chương để tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn người đọc.

Trong Thời xa vắng, Lê Lựu đã xây dựng được nhiều chi tiết đắt có liên quan đến nhân vật nhằm bộc lộ tính cách, số phận nhân vật, quan điểm của tác giả và tác động đến sự phát triển của cốt truyện. Một trong những chi tiết có sức nặng ảnh hưởng đến tính cách của Sài là việc anh phát hiện chiếc ba lô con cóc đầy kỉ niệm của người đồng đội đã hy sinh ở Trường Sơn bị cắt quai quăng vật vã trên giường. Bao nhiêu năm qua Sài đã cố để đuổi theo một tình yêu không có thực. Anh gắng hết sức mình quên đi tất cả, chấp nhận tất cả để được yêu. Nhưng anh đã nhầm, anh muốn thay đổi cuộc sống một lần nữa nhưng lại sợ. Hành động cuối cùng đó của Châu như giọt nước làm tràn ly, làm thức tỉnh con người u mê của Sài. Sài sám hối với anh em, bạn bè, đồng đội bởi anh thấy mình là kẻ may mắn sống sót mà sống không xứng đáng do đó anh quyết định chia tay với Châu. Đây có thể coi là hành động mang tính cao trào có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của cốt truyện.

Cũng giống như Thời xa vắng, Hai nhà cũng được kết cấu, triển khai theo từng chương như Hai nhà trí thức kiểu mẫu, Ân nhân, Sự nhấm nháp độc ác… Ở đầu và cuối tác phẩm có thêm phần trữ tình ngoại đề. Mỗi chương trong truyện là một câu chuyện nhỏ xảy ra giữa các nhân vật và ẩn sau đó là thái độ chua chát, cay đắng, xót xa của nhân vật.

Nếu Thời xa vắng phác họa thời gian và không gian mở rộng trải gần như hết một đời người, từ làng quê vào chiến trường và thành phố thì Hai nhà chủ yếu tái hiện thời gian, không gian hạn hẹp. Không gian chỉ bó hẹp gần như trong phạm vi một khu tập thể với hai gian phòng, hai nhà hàng xóm sát vách nhau. Mọi hành động và xung đột đều xảy ra ở đó. Do vậy đọc Hai nhà chúng ta thấy thấm đẫm một không khí tù túng, bức bách và chính trong khoảng không gian đó mọi vấn đề về con người và đạo đức, nhân phẩm, lối sống… được phơi bày trọn vẹn.


Thời gian được triển khai trong tác phẩm là sự đảo ngược theo trình tự vật lí. Đó là sự tái hiện thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Việc Hồng chết ở cuối tác phẩm lại được đưa lên đầu như một lời thông báo trước “Thằng Hồng con trai nhà thơ, bạn anh chết rồi. Nó hứng lấy cái chết để vợ anh khỏi bị lưỡi dao phay chém vào mặt lúc 5 giờ 30 phút chiều” [80, 5].

Sau lời mở đầu có tính chất thông báo ấy nhà văn đi vào miêu tả cuộc sống vợ chồng Tâm, những xung đột trong gia đình họ và mối quan hệ hàng xóm giữa gia đình Tâm - Linh Anh và gia đình ông Địa - bà Nhân-Di đen. Dần dần, qua sự trở đi trở lại trong suy nghĩ của nhân vật, qua nhật kí, thư từ tác giả đã đi vào lí giải nguyên nhân của những xung đột.

Tiểu thuyết Hai nhà được xây dựng, triển khai theo sự phát triển tâm lý của nhân vật. Cốt truyện được xây dựng trên cơ sở một tấn kịch trung tâm là bi kịch trong cuộc hôn nhân giữa Tâm và Linh Anh và khi tấn bi kịch này kết thúc thì tác phẩm cũng kết thúc. Ngoài ra tác giả còn khéo léo xen kẽ vào cốt truyện những trang ngoại đề, những câu triết lí về đạo đức, nhân phẩm, bản chất con người vì vậy tác phẩm dù có kết cấu đơn giản nhưng vẫn tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc.

Chuyện làng Cuội cũng được triển khai theo kết cấu từng chương, từng phần. Toàn bộ tác phẩm gồm bốn phần, mỗi phần lại chia thành từng chương. Tác phẩm được xây dựng xung quanh nhân vật chính là bà Hiêu Đất. Các phần, các chương được đặt tên mang tính gợi mở.

Phần một gồm bảy chương kể về cuộc đời bà Đất, sau đó là hai chuyện tình của đời bà: với tổng Lỡi - mối tình cưỡng bức và với anh Kiêm, cán bộ Việt Minh. Phần này chủ yếu tái hiện cuộc đời bà Đất khi còn trẻ, bị tổng Lỡi cưỡng bức sau phải trốn lên rừng sinh thằng Hiếu. Hiếu vốn từ một đứa trẻ không cha, trải qua những biến cố lịch sử và bàn tay nhào nặn của dư luận, bỗng chốc, chị Đất có chồng làm cán bộ và bố Hiếu là cán bộ Việt Minh đã hi sinh. Sau này, những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với Đất khi cô gặp và kết hôn với anh Kiêm, cán bộ Việt Minh có công rất lớn trong việc giải phóng dân làng Cuội. Nếu trước đây, ngoài chị Đất và tổng Lỡi ra, không ai biết sự


thật về sự ra đời của Hiếu thì họ điềm nhiên khoác cho chị một cái mác vợ cán bộ cộng sản thì nay khi chị lấy anh Kiêm, cán bộ Việt Minh ưu tú thì bỗng chốc, do hạn chế nhận thức của người dân và hạn chế của lịch sử, dư luận ngang nhiên khép anh Kiêm vào tội phản động và bị xử bắn. Phần một của tác phẩm nghiêng về trần thuật, tái hiện cuộc đời nhân vật.

Phần hai gồm ba chương xoay quanh chuyện tình thứ ba của Lưu Minh Hiếu. Có lẽ bi kịch cuộc đời Hiếu cũng bắt đầu bởi bàn tay đàn bà. Xuyến vợ Hiếu là người phụ nữ lẳng lơ. Thị và đội Lăng, cán bộ cải cách ruộng đất, kẻ đã vu oan và ép tử anh Kiêm hợp tác cùng nhau cắm sừng lên đầu Hiếu. Trong phần hai này, tính cách, số phận và sự tha hóa về mặt đạo đức của các nhân vật lần lượt được tác giả triển khai và tô đậm.

Phần ba gồm 4 chương với tựa đề Chuyện tình thứ tư. Ở phần này sự nghiệp, danh vọng, chức quyền của Hiếu bắt đầu đi lên và cùng với sự phát triển về sự nghiệp là sự đi xuống, tha hóa về nhân cách. Hiếu âm thầm nuốt hận vào trong để tìm cách trả thù Xuyến và người tình. Nếu trước kia, vì Hiếu bà Đất đã phải hi sinh cả tuổi trẻ, hi sinh cả mạng sống của mình để nuôi nấng Hiếu thì giờ đây bà cũng phải hi sinh cả nhân cách, thiên lương của mình để giúp Hiếu trả thù. Người mẹ khốn khổ ấy bị Hiếu điều khiển từng bước một trong kế hoạch trả thù. Mượn tay bà Đất quyết tâm từ mặt con dâu vì nó phản bội con trai mình để Hiếu vì chữ hiếu phải nghe theo mẹ bỏ vợ. Như vậy về cả tình và lý Hiếu đều đạt ước nguyện. Người khổ tâm nhất là bà Đất. Bà day dứt vô cùng khi đã dồn con dâu vào đường cùng. Chia tay Xuyến, Hiếu cũng nhanh chóng ngã vào vòng tay của Nho, một người phụ nữ lẳng lơ, thủ đoạn hơn cả Xuyến. Có thể nói ở phần ba này, kịch tính và cao trào của chuyện bắt đầu hình thành. Người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trước âm mưu, thủ đoạn, nhân cách bỉ ổi của Hiếu.

Phần bốn gồm 4 chương với tựa đề Chuyện tình thứ năm và những chuyện tình cuối cùng. Mọi bi kịch, nghiệp chướng của nhân vật dồn hết trong phần này. Vẫn xoay quanh môtip các chuyện tình nhưng sự đảo lộn trật tự, đạo đức, nhân cách của con người diễn ra nhanh đến chóng mặt. Huyền, con gái của Hiếu và Xuyến, một cô bé mạnh mẽ, thẳng thắn, dám sống thật với lòng mình đem lòng yêu thầy giáo đã có vợ.

Xem tất cả 138 trang.

Ngày đăng: 22/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí