Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 7


Nếu Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Hai nhà, kết thúc chuyện phần nào rành mạch, rõ ràng thì kết thúc Chuyện làng Cuội vẫn còn vô vàn điều trăn trở. Bà Đất chết âu cũng là sự giải thoát cho số kiếp bà khỏi hệ lụy trần gian. Nhưng còn Hiếu, còn Huyền, cuộc đời, số phận của họ sẽ như thế nào? Cảm hứng bi kịch trong tác phẩm mang tính hướng thiện, cảnh tỉnh con người trong việc gìn giữ, trân trọng nhân cách của chính mình.

Với Lê Lựu bi kịch trong gia đình là bi kịch thường gặp phải ở những con người không tự chủ được số phận của mình, những con người sống thiên về mặt bản năng hay những người lính ra đi từ thời chiến, đến khi trở về thời bình, không hòa nhập được với sự đổi thay mạnh mẽ của cuộc đời. Áp dụng máy móc những suy nghĩ cực đoan, khô cứng, thiết quân luật của thời chiến. Với những cuốn tiểu thuyết chân thực, sâu sắc của mình, Lê Lựu đã góp phần điểm tô bức tranh về bi kịch số phận con người để từ đó chúng ta thấy được, hiện thực cuộc sống, các mối quan hệ giữa con người vô cùng phức tạp. Vấn đề nhận thức thực tại, nhận thức bản thân là điều vô cùng cần thiết trên con đường đi tìm hạnh phúc.

2.3. Cảm hứng thế sự

Nói đến cảm hứng thế sự là nói đến cảm hứng về cuộc sống đời thường, về con người của thực tại. Những tác phẩm mang cảm hứng thế sự thường hướng đến sinh hoạt hàng ngày của con người, chú ý khẳng định giá trị thẩm mĩ của cái đời thường, khám phá mọi phức tạp, éo le và cả cái cao quý trên hành trình đi tìm sự sống và hạnh phúc của con người.

Có thể khẳng định, Lê Lựu là người mở đầu trong việc khơi nguồn cảm hứng thế sự của văn học thời kì này. Khi bước vào những năm cuối thập kỉ 80, trong văn học đã xuất hiện những tác phẩm viết về sự mưu cầu hạnh phúc cá nhân và nỗi khát khao tình yêu đôi lứa. Vấn đề được các nhà văn quan tâm lúc này không phải là sự hi sinh hạnh phúc cá nhân cho sự nghiệp lớn lao mà đó là: Trong khi xây dựng sự nghiệp lớn lao của đất nước, không thể bỏ qua hạnh phúc cá nhân. Đó là một phần quan trọng của cuộc sống muôn màu. Mối quan hệ trách nhiệm giữa cá nhân và xã hội mang tính biện


chứng. Nếu những năm 70 của thế kỉ XX, cảm hứng chủ yếu trong văn học là ngợi ca thì nay hiện thực được nhìn nhận lại. Thời xa vắng là một trải nghiệm mở màn. Qua câu chuyện đời riêng của một nhân vật tác giả đã mở một lối đi mới vào lòng người. Con người trong mối quan hệ thường nhật đã bộc lộ ra những ưu, khuyết điểm của mình. Những nhược điểm của xã hội cũng qua đó mà bộc lộ ra. Xtăngđan từng nói: “Tiểu thuyết như một tấm gương kéo lê trên đường lớn. Nó phản ánh vào đó cả màu xanh của bầu trời và những rác rưởi hai bên đường. Đó chính là hiện thực”.

Thời xa vắng là một tác phẩm tiêu biểu cho mạch cảm hứng thế sự. Hiện thực được nói tới ở đây là những vấn đề vô cùng gần gũi với con người như làng quê, đoàn thể, gia đình, hôn nhân, tình yêu đôi lứa… Tất cả những vấn đề của xã hội, của con người đặt ra trong tác phẩm đã được Lê Lựu đề cập đến một cách cặn kẽ, tỉ mỉ đầy chiêm nghiệm.

Điều đầu tiên ta thấy qua Thời xa vắng là hiện thực về làng Hạ Vị, một vùng quê nghèo chiêm khê mùa thối. Dân làng có ruộng đất nhưng không biết cách làm ăn trên đồng đất của mình, chỉ quen đi làm thuê cho người khác kiếm miếng ăn. Lê Lựu tả lại cảnh làng Hạ Vị kéo nhau lên đê từ người già đến trẻ con, họ tranh cướp nhau khi có người thuê, họ đã bán rẻ nhân cách, phẩm giá của mình. Chính cái sự ăn sẵn đã giết chết sự khôn ngoan trong con người của họ, làm họ trở nên hèn hạ. Cái miếng ăn của người làm thuê dù trong hoàn cảnh nào cũng là miếng nhục. Cảnh bà Đồ và Sài quay lại nhìn nồi cơm gạo mới chưa được ăn, phải nuốt nước miếng quay đi có sức ám ảnh người đọc sâu sắc. Đến khi có quy định không cho đi làm thuê nữa thì họ đấu tranh và vẫn lén lút đi làm thuê. Chi tiết này là một nguyên nhân rất nhỏ lý giải cho nếp nghĩ, quan niệm của người nông dân và sau này nó ảnh hưởng rất lớn đến con người Sài.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.

Bao trùm trong làng quê đó là những con người, những số phận, những mảnh đời khác nhau. Thời xa vắng là cuốn sách viết về cuộc đời của một con người. Ở đó có tất cả sự vui buồn, được mất, thành bại. Đó là nửa đời nhìn lại của một con người về tình yêu, hạnh phúc. Đầu mối cho mọi bất hạnh của cuộc đời Giang Minh Sài là sự rơi rớt lại của tục tảo hôn. Một cậu bé đang trong tuổi ăn, tuổi học đã được gia đình cưới


Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 7

cho một cô vợ mà mình không có cảm tình gì, dù đó là cái tình cảm yêu quý trẻ con. Chính cái mác gia đình cách mạng trung lưu đã ép buộc Sài phải chung sống hạnh phúc với Tuyết. Con trai của ông Đồ, em trai của cán bộ cấp huyện, cháu trai của cán bộ cấp tỉnh thì tuyệt đối không bao giờ được để cho hàng xóm, dân làng xì xào về chuyện không yêu vợ.

Sài đã lớn lên trong hoàn cảnh đầy oái ăm, uẩn khúc như thế. Một đứa trẻ như Sài đã sớm phải trở thành con người sống hai cuộc đời, thật và giả. Ban ngày, chỗ công chúng là con người giả sống cho vừa lòng mọi người: yêu vợ. Ban đêm, khi có một mình là con người thật. Không thể nào chung sống với con người mình ghét bỏ từ đầu đến chân. Đây là cái khoảng tự do duy nhất trong quyền làm người của Sài.

Bước vào tuổi trưởng thành, Sài đã biết rung động trước Hương, cô bạn gái cùng lớp. Đó là một tình yêu đẹp, hợp lôgic và quy luật tự nhiên của con người. Nhưng mối tình đó bị coi là tội lỗi. Hôn nhân không có tình yêu nhưng lại được xã hội chấp nhận, còn khi tình yêu chân chính nảy nở thì lại bị coi là một lỗi lầm. Tác giả miêu tả song song hai câu chuyện: gia đình của Sài và tình yêu của Hương. Tình yêu với Hương là sự tất yếu của lòng người còn hôn nhân với Tuyết là sự tất yếu của gia đình và xã hội. Trong mối tình tuyệt vọng với Hương, Sài bộc lộ rõ nét một tính cách yếu đuối, hèn nhát, rụt rè. Sài không vượt qua được dư luận, không dũng cảm đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc của mình. Trong Thời xa vắng dư luận có một sức mạnh vô cùng đáng sợ. Nó chi phối mọi suy nghĩ, hành động, tâm tư tình cảm của con người: “Người ta dựa theo dư luận mà sống, chứ ai dám dẫm lên dư luận mà đi theo ý mình” [72, 78]. Kết cục cuối cùng của mối tình đó là sự im lặng, chạy trốn của Sài.

Bước chân vào quân ngũ, chôn chặt mối tình với Hương, nhưng Sài cũng không thể tự điều chỉnh, làm chủ cuộc đời mình. Nếu trước kia còn bé, Sài phải chịu sự quản lý của gia đình thì nay anh lại rơi vào vòng kiểm soát của đơn vị, của cấp trên. Vì là con cháu gia đình cách mạng, lại đang ở diện cảm tình nên tất yếu Sài phải yêu vợ. Cán bộ có yêu vợ, sống hạnh phúc với vợ mới đủ tiêu chuẩn để xét vào hàng ngũ của Đảng. Một lần nữa Sài lại sống hộ người khác, sống theo ý người khác. Chính việc phó mặc


cuộc đời mình trong tay người khác cũng không đem lại kết quả tốt đẹp gì cho Sài. Anh vừa đánh mất tình yêu của Hương, lại vừa không được vào Đảng do lý lịch nhà vợ có vấn đề. Sài luôn luôn bị động trước số phận. Thậm chí anh còn đổ lỗi cho hoàn cảnh, sau hai mươi năm gặp lại chính ủy Đỗ Mạnh anh từng nói: “Giá cách đây vài chục năm gia đình tôi và các thủ trưởng đừng bó buộc tôi thì làm gì đến nỗi”. Thông qua nhân vật Đỗ Mạnh, Lê Lựu đã lý giải: “Đúng, đúng thế. Nhưng anh có biết tại sao không? Chính bản thân anh đầy cách sống của một anh làm thuê. Sẵn cơm thì ăn, sẵn việc thì làm, chỉ hong hóng chờ chủ sai bảo chứ không dám quyết đoán, định đoạt một việc gì. Lúc bé đã đành, khi học hành đỗ đạt anh đủ tư cách làm một công dân, một chiến sĩ, tại sao anh không dám chịu trách nhiệm về nhân cách của anh? Sao anh không dám nói thẳng rằng: hoàn cảnh của tôi bị ép buộc như thế, tình cảm của tôi không thể nào chung sống được với người như thế, nếu các anh cứ ép đi, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả dù phải trở về làm anh cày thuê, tôi cũng sẵn sàng để được sống tự do. Kẻ bị trói buộc không dám cựa mình quầy đạp chỉ hong hóng chờ đợi, thấp thỏm, cầu may” [72, 214]. Sài lúc ấy chỉ biết ân hận vì giá như hồi ấy anh dám vượt lên hoàn cảnh, đạp lên dư luận không chính đáng, bỏ Tuyết lấy Hương chứ không chỉ là mơ, giá như thời ấy anh cứ “việc mình mình làm, việc gì cứ phải rình rập xem người khác khen hay chê, nhìn vào ý tứ mỗi người một tí để bóp mình theo họ” [72, 116] thì cuộc đời anh sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu và hai người phụ nữ bên anh là Tuyết và Hương cũng không phải rơi vào bi kịch của sự chờ đợi vô vọng và tình yêu tan nát. Nhưng cái giá như ấy có bao giờ xảy ra. Nói như chính ủy Đỗ Mạnh, chúng ta chỉ có một việc là rút kinh nghiệm để lần sau lại rút kinh nghiệm.

Bước ra từ sai lầm, Sài lại tiếp tục cuộc hành trình đến với cái sai lầm thứ hai. Đó là tình yêu vội vàng, hấp tấp với Châu. Nếu Tuyết là người đàn bà nông thôn thô kệch thì Châu lại là người phụ nữ thành thị lọc lõi, sõi đời, dày dạn kinh nghiệm tình trường. Hai người phụ nữ Sài có trong đời đều đối lập gay gắt với người phụ nữ Sài không bao giờ có được là Hương.


Hiện thực cuộc sống xoay quanh cuộc sống gia đình Sài với những vấn đề cơm áo gạo tiền, với sự tất bật trong cuộc mưu sinh, sự lo toan trong gia đình. Trong thế giới của Châu, Sài như một anh nhà quê ngu ngơ, khờ khạo đáng coi khinh. Anh càng hết lòng với vợ con bao nhiêu thì Châu càng chán nản, xỉa xói anh bấy nhiêu. Sài chỉ có thể nuôi dưỡng thể xác Châu còn tâm hồn, Châu phải chờ đợi từ bàn tay một người đàn ông mà cô không gọi là chồng. Cuộc sống đời thường đã bộc lộ những cái không thể dung hòa. Những chi tiết vụn vặt như cách ăn, cách nói, cách ngồi, cách tiếp khách, cách chăm sóc vợ con của Sài đều khiến Châu phật ý, coi khinh. Lê Lựu đã đi sâu vào từng ngõ ngách đời thường để phác họa những chi tiết tưởng như là chuyện vặt nhưng lại chính là nguyên nhân làm tan vỡ những cái lớn lao khác. Những sinh hoạt đời thường như khi có khách Sài “ngồi kéo quần lên tận đùi và thượng cả hai bàn chân đi xa về chưa rửa lên ghế. Châu không thể chịu đựng cách chồng ăn uống xì xoạp, mồ hôi mồ kê đầm đìa, nhễ nhại “ăn xong ngồi xỉa răng nhanh nhách, đôi khi há mồm vẹo cả mặt để thò ngón tay vào cậy các thứ mắc ở kẽ răng”. Rồi đến việc Châu ốm, Sài chỉ biết mang vào cho vợ nào là giò chả, cam quýt… chứ không biết tặng vợ lấy một bó hoa… Chính sự thật thà, chất phác đến ngờ nghệch của Sài đặt cạnh sự lọc lõi, sành sỏi của Châu đã khiến sự rạn nứt trong đời sống vợ chồng là điều không thể tránh khỏi.

Thời xa vắng theo Vương Trí Nhàn đã đóng góp vào việc nhận diện con người Việt Nam hôm nay. Cách nhìn nhận của ông về nhân vật Sài ở nửa thứ hai cuộc đời rất xác đáng. Theo ông, khi ra khỏi cuộc hôn nhân với Tuyết, Sài ở vào tâm trạng kẻ giam hãm giờ được tháo cũi sổ lồng, kẻ bấy lâu thiệt thòi giờ có cơ đòi nợ. Anh không nhìn thấy gì ngoài nỗi bất hạnh của bản thân. Quá cay cú vì chưa được nếm mùi sung sướng của mọi lạc thú trần gian, anh chạy thục mạng cốt săn tìm cho được chút hạnh phúc mà anh tưởng trừ mình ra còn ai cũng có. Con cá quá đói đớp mồi như thế nào thì lúc tìm vợ, Sài cũng vội vàng, bộp chộp như vậy. Đứng ngoài nhìn dễ thấy sao mà Sài cả tin, nông nổi, khinh suất, giản đơn. Phải nói anh có những khía cạnh ích kỷ. Cũng có lúc Sài quá tự tin đến hợm hĩnh. Từ nông thôn bước ra đời sống thành thị nhưng anh chưa tìm hiểu xem thành thị khác nông thôn như thế nào. Bước ra từ bi kịch gia đình này


anh cũng chưa một lần từng hỏi mình thiếu cái gì, hạnh phúc gia đình là cái gì?... Lý tưởng sống của Sài quá đơn giản, tầm thường. Sài miên man trong những công việc cuống lên vì yêu, cấp tốc lấy vợ, lo lắng cho vợ đẻ, con ốm, vợ chồng cãi cọ, cắn xé nhau… Có thể nói, Thời xa vắng là tiếng kêu của một lớp người không biết cách sống, không biết cách hòa nhập vào sự đổi thay của xã hội. Sài cũng như bao thế hệ thanh niên khác, trưởng thành, vinh dự trong màu áo lính bao nhiêu thì bất hạnh, bi kịch trong màu áo đời thường bấy nhiêu. Ở đây đặt ra vấn đề người lính trở về từ chiến tranh và số phận cá nhân của con người. Lê Lựu đã có sự đổi mới quan trọng trong quan niệm nghệ thuật về con người ở chỗ nhà văn đã vượt qua lối miêu tả tâm lý nhân vật thông thường. Có thể thấy những kiếm tìm, khát vọng và mâu thuẫn trong tính cách. Sài thật sự là một số phận tinh thần, là đời sống của bản thân ý thức con người. Từ cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, Sài trở về để tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu âm thầm nhưng không kém phần gay go quyết liệt để tìm thấy hạnh phúc. Sài có thể là một anh hùng trong thời chiến nhưng lại là một người giản đơn, bất lực trong cuộc tìm kiếm, quyết định hạnh phúc của mình.

Một vấn đề mang tính thế sự mà Thời xa vắng đặt ra là vấn đề các tổ chức xã hội đã can thiệp vào cuộc đời Sài. Đó là đội thiếu niên, chính quyền địa phương, đơn vị bộ đội nơi Sài đóng quân… Tất cả đều có sự ấu trĩ và dập khuôn theo những nguyên tắc cứng nhắc. Khi Sài còn nhỏ, do làm đội trưởng đội thiếu niên nên phải gương mẫu không được bỏ vợ. Đến tuổi trưởng thành, bước vào quân ngũ, chính cái tổ Tam tam đã giết chết tình cảm của con người. Họ đã làm theo những nguyên tắc một cách cứng nhắc để quy kết con người. Rồi việc Sài vào Đảng, việc yêu vợ của Sài đều do tổ chức áp đặt, chỉ huy. “Tất cả đã giết chết một tâm hồn trong sáng, một niềm tin, một tình yêu của con người với cách mạng với quân đội, với xã hội tươi đẹp của chúng ta” [72,26].

Trong mối quan hệ thông thường giữa con người với con người, có những mối quan hệ, những sự quan tâm vì mục đích tốt đẹp nhưng vô tình lại khiến những người được quan tâm trở nên bất hạnh. Từ gia đình, anh em, làng xóm đến đoàn thể đều muốn Sài hạnh phúc, trưởng thành nhưng vô tình họ càng đẩy Sài đến gần hơn với


những đau khổ. Quả thật cái sự yêu thương, quan tâm của mọi người như vậy hóa ra lại chẳng hơn sự tàn ác. Cuối cùng, cái cần bàn, cần nhìn nhận lại chỉ đơn giản là sự rút kinh nghiệm. Đúng như chính ủy Đỗ Mạnh nói “Khi mình rút kinh nghiệm thì đã kết thúc một con người, đã đẩy một con người từ tốt sang xấu, từ yêu thương sang thù ghét có khi đã hết cả đời người ta rồi còn gì” [72,154]. Có lẽ ta phải có cách đối xử khác đi, cách sống khác đi. “Anh có thể gục ngã để không bao giờ đứng dậy nổi như một đoạn đời tươi đẹp và đau khổ đã được chấm dứt, được ngã rồi những năm tháng sau thành kẻ què quặt bệnh hoạn, què quặt thì vẫn là của kẻ ấy không chung chiêng pha tạp. Không dám làm, không đáng mất một cái gì, chỉ bằng sự im lặng và tránh né, sự tránh né vừa gần như chạy trốn, vừa chiều theo ý mọi người, vừa toại nguyện cho mình, rồi cực chẳng những không tránh né nổi, anh lại tự giác làm cái công việc lúc ban đầu khi còn là đứa trẻ con cố sức giẫy giụa” [72,181].

Đoạn kết của tác phẩm có phần gượng gạo. Nó có vẻ không hợp logic cuộc sống. Khi Sài bấm bụng không dám lấy Hương vì không dám là mình, rồi lúc lấy Châu anh lại rất bất hạnh vì không biết mình là ai, vơ quàng vơ xiên, chạy theo những cái mình không có. Việc trở về của Sài như một sự tìm lại mình. Sài lớn tiếng tuyên bố “đến bây giờ mới biết là mình như thế nào [72, 319].

Hiện thực trong tác phẩm được nhìn nhận lại từ thực tại. Nó toàn diện, không phiến diện, nhưng vẫn mang cái nhìn của người nông dân, có cái gì đấy bất mãn, phẫn uất với cuộc đời.

Mảng đề tài về những vấn đề hiện thực đời thường ở tiểu thuyết Lê Lựu lại được triển khai tiếp nối trong tác phẩm Hai nhà. Lê Lựu vẫn xoay quanh những chuyện thường ngày trong xã hội, xoay quanh những quan hệ của con người trong gia đình, hàng xóm láng giềng. Tưởng như nhà văn không thể thoát ra khỏi những chuyện nhàm chán như thế nhưng mỗi tác phẩm của ông, dù đề tài giống nhau nhưng cách triển khai, khai thác vấn đề và giọng kể khác nhau.

Hai nhà tiếp tục khai thác mảng đề tài gia đình, hôn nhân, bạn bè, anh em làng xóm. Có biết bao buồn vui, hệ lụy trong việc bán anh em xa mua láng giềng gần. Trong


Hai nhà, gia đình Tâm – Linh Anh và gia đình ông Địa – bà Nhân- Di đen có mối quan hệ khăng khít, tuy hai mà một. “Họ hết lòng vì nhau, mối quan hệ của họ có thể nói là lý tưởng, là mẫu mực, ối bà con ở xóm lao động này thèm muốn, ước ao mà không thể nào tới được” [80,16]. Dù có lý tưởng đến mấy, tốt với nhau đến mấy cũng không thể là một như họ nói với nhau. Đó vẫn là hai, hai gia đình với hai cách sống, hai cách nghĩ khác nhau. Trong thời buổi này mấy ai giúp không công cho ai bao giờ, tất cả đều có sự qua lại. Trên đời này mấy ai nghĩ được như Tâm khi anh cho rằng làm được việc gì cho ngựời khác cũng là điều hạnh phúc. Nhưng tất cả đều có cái giá của nó. Đúng như ông Địa nói: “thực sự là thằng ngu mới coi việc của người khác là của mình, tưởng mình và người khác chỉ là một, để vợ con nheo nhóc đói khát, đi lo toan hầu hạ cho người khác, lại tý tởn bảo đó là hạnh phúc, là sung sướng” [80,50]. Điều này có vẻ thẳng thừng, tàn nhẫn nhưng lại là sự thật. Ông bà Địa có giúp vợ chồng Tâm, Tâm cũng phải trả nghĩa lại. Tất cả đều nằm trong sự tính toán của họ, chỉ có Tâm là không nhận ra mà thôi. Suy nghĩ, hành động của Tâm rất đơn giản. Chỉ Linh Anh mới là người nhận ra mọi chuyện. Cô từng bảo chồng “cần việc gì hô một tiếng rồi đếm xong việc là xong cưa đứt đục suốt, có đếch ai để bụng mà tấp tểnh chờ ơn với huệ, nhớ với thương” [80,51]. Vợ chồng bác Địa giúp đỡ gia đình Tâm lúc Linh Anh sinh cháu, con cái ốm đau… cũng với mục đích nhờ Tâm xin hộ cho Thương Thương, con gái họ đi nước ngoài, rồi xin giấy phép làm nhà. Bản thân Linh Anh cũng mang mối hận với bà Nhân nhưng vẫn phải vui vẻ, bình thường để đạt được những toan tính của cô. Mối quan hệ của hai gia đình lúc lên, lúc xuống, thoắt vui, thoắt buồn, nằm ngoài tầm kiểm soát của Tâm. Tâm những tưởng hai nhà có thể là một nhưng anh đã nhầm. Ngay trong việc xây chung nhà, ông Địa cũng thể hiện sự rạch ròi, phân minh đến từng chi tiết nhỏ. Họ đã thề sống chết với nhau và cuối cùng họ đã sống, đã chết với nhau thật, hay nói đúng như Lê Lựu: “một người sống, một người chết”. Cái nguyên nhân dẫn đến chuyện ấy cũng đơn giản chỉ là chuyện qua lại, trả ơn nhau mà thôi. Dù rằng ông Địa đã nói với Tâm những điều ông nghĩ, ông làm nhưng ta thiết nghĩ đấy là một cách biện minh của ông. Ông Địa đối với Tâm như một người anh trai, một người bạn tri kỉ và

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/02/2024