Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 10


Mối tình này tuy không được xã hội chấp nhận nhưng trên hết so với những chuyện tình của ông bố, bà mẹ đáng kính nó còn cao thượng, đáng cảm thông hơn rất nhiều. Rồi chuyện Xuyến bị bức tử đến chết, Hiếu tỏ sự đau buồn bằng việc ngủ với con gái của người tình và cuối cùng phải cưới Hiền. Có thể nói sự băng hoại đạo đức của con người đã chạm đến mức đỉnh điểm. Quyền lực càng mạnh thì nhân cách, thủ đoạn của Hiếu càng bộc lộ mạnh mẽ. Hiếu trả thù đội Lăng bằng cách cặp kè với con gái hắn. Người đọc như mộng mị, mất thăng bằng trong ma hồn trận Hiếu đặt ra. Cuối cùng, luật nhân quả được Lê Lựu sử dụng triệt để. Hiền, vợ Hiếu là người đàn bà trơ trẽn, nanh nọc, thủ đoạn không kém gì chồng. Chính Hiền là cánh tay phải của Hiếu trong việc ép bà Đất đến đau lòng tột cùng mà phải tìm đến cái chết. Những cái tên như Hiếu như Hiền lại được gắn vào cho những đứa con bất hiếu, vô lương tâm nhất. Tác phẩm mở đầu bằng cái chết của bà Đất và cũng khép lại bằng hình ảnh đầy ám ảnh về bà. Cuộc đời bà Đất là một vòng tròn khép kín của bi kịch. Sinh ra và lớn lên trên dòng sông làng Cuội để rồi cuối cùng, chết trôi trở về úp mặt vào sông nước làng Cuội.

Tác phẩm đã xây dựng được một cốt truyện hấp dẫn, lôi cuốn. Dù một thời tác phẩm bị lên án gay gắt nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng những gì Lê Lựu chiêm nghiệm trong tác phẩm không phải không có căn cứ. Sứ mệnh của nhà văn là nói thẳng, nói thật dù sự thật có phũ phàng đến đâu. Vẫn là một ngôi làng hay chìm ngập trong mỗi mùa nước lũ như ngôi làng của Giang Minh Sài. Vẫn những cái đói theo từng con nước nhưng con người của làng Cuội qua Chuyện làng Cuội của nhà văn Lê Lựu có cuộc đời đầy biến động hơn. Nhân vật chính trong Chuyện làng Cuội khác xa cái chân chất, thật thà đến xa vời với cuộc sống như Giang Minh Sài. Lưu Minh Hiếu cũng là đứa con của một ngôi làng như Thời xa vắng, anh ta thực tế đến tàn nhẫn, bám sát mọi cơ hội nhỏ nhất của cuộc đời để mưu lợi, cho dù đó là cái chết của hai đứa em trai hy sinh trong chiến trường B. Cuộc đời, quan hệ, con người, nhận thức đảo điên đến chóng mặt. Hôm nay bạn đấy, mai thành cốt cán, khác thành phần giai cấp thành thù ngay đấy. Những kiếp người đau khổ như bà Đất trải dài từ khi là con gái đến khi nhắm mắt tự vẫn bên sông. Cho dẫu thời nào bà Đất cũng là người chịu thua thiệt, cay


đắng, bị lừa lọc lợi dụng. Kẻ lợi dụng là kẻ thù, là nhân tình, là hàng xóm và cả là người con trai mà bà đã sinh ra. Oán thù nung nấu, nhẹ dạ cả tin. Sự nhiệt tình mông muội. Cái vô trách nhiệm đến rợn người.

Tất cả chất chứa trong Chuyện làng Cuội, một tác phẩm động chạm đến nhiều vấn đề gai góc của lịch sử. Đặt bên cạnh Chuyện làng Cuội của Lê Lựu thì Những thiên đường mù của Dương Thu Hương còn “sáng” hơn rất nhiều.

Cùng thời với Lê Lựu các tác giả khác cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, triển khai và cách tân yếu tố cốt truyện. Ý thức cách tân nghệ thuật, đổi mới tư duy tiểu thuyết là nỗ lực sáng tạo đáng kể của các cây bút văn xuôi nhằm biểu đạt tâm hồn con người thời đại. Trong các tiểu thuyết Chim én bay, Ăn mày dĩ vãng, Cuộc đời dài lắm, Một ngày và một đời, Ngày hoàng đạo, các cây bút đã sử dụng thủ pháp đồng hiện trong cấu trúc tác phẩm. Ở đó, quá khứ và hiện tại là cốt truyện của tiểu thuyết. Với Một ngày và một đời, Lê Văn Thảo đã tái tạo ký ức, làm sống dậy cuộc đời một nữ chiến sĩ biệt động vô danh bằng cách lắp ghép những mảnh vụn của quá khứ qua lời kể, trí nhớ của các nhân vật, với sự di chuyển các điểm nhìn trần thuật khá mới mẻ và độc đáo.

Trong Chim én bay của Nguyễn Trí Huân quá khứ đậm nhạt luôn luôn có mặt trong hiện tại, thời gian luôn luôn chuyển động, thay đổi theo dòng hồi ức tạo điều kiện cho nhà văn đi sâu vào diễn biến tâm lý phong phú và phức tạp của nhân vật. Với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã xây dựng tác phẩm theo dòng tâm trạng nhân vật, bao gồm cả ý thức lẫn vô thức sáng tạo, dựa trên trực giác, linh cảm để ngòi bút phiêu lưu trong thế giới tâm linh của con người.

Xu hướng lắp ghép liên văn bản là một trong những yếu tố không thể không kể đến của thi pháp cốt truyện tiểu thuyết hiện đại. Tiểu thuyết được viết một cách tự nhiên, không bị ràng buộc bởi thi pháp truyền thống. Tiểu thuyết hình thành bằng cách lắp ghép, tạo dựng các mảnh cốt truyện, các mảnh tâm trạng không theo trình tự thời gian mà ngổn ngang, đảo ngược theo ý đồ của tác giả, tạo ra “truyện trong truyện”. Những tình huống, cảnh ngộ, biến cố như không quan hệ, liên đới được xích lại gần


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.

nhau. Cùng với sự lắp ghép đó là sự di chuyển các điểm nhìn, là tư duy nghệ thuật trong sự qui ước vừa chặt chẽ, vừa co giãn của cấu trúc thể loại (Cõi người rung chuông tận thế - Hồ Anh Thái, Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, Đi tìm nhân vật - Tạ Duy Anh)...

Như vậy cốt truyện tiểu thuyết Việt Nam hiện đại không biến mất mà co giãn theo cấu trúc của từng tác phẩm cụ thể, mỗi chủ thể nhà văn có thể sáng tạo ra nó bằng nhiều cách thức, kiểu dạng mà mục đích cuối cùng là thể hiện ý đồ nghệ thuật một cách có hiệu quả. Qua việc khảo sát cốt truyện một số tác phẩm tiêu biểu của Lê Lựu chúng ta thấy được tinh thần lao động miệt mài, trách nhiệm và sáng tạo của Lê Lựu trên con đường sáng tạo nghệ thuật với mục đích trở thành người thư kí trung thành của thời đại.

Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 10

3.2. Nghệ thuật xâu dựng không gian

Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Không có hình tượng nghệ thuật nào ngoài không gian, không có nhân vật nào tồn tại mà không trong một nền cảnh nào đó. Tuy nhiên chúng ta không thể đồng nhất không gian nghệ thuật với không gian địa lí hay không gian vật lí vì không gian trong tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện những quan niệm của mình về cuộc sống. Trong tác phẩm văn học, chúng ta thường bắt gặp những khoảng không gian cụ thể như đình làng, căn nhà, ngõ xóm, khoảng trời, ngọn núi… nhưng bản thân những khoảng không gian đó chưa được coi là không gian nghệ thuật; chúng chỉ được coi là không gian nghệ thuật khi ở đó, tư tưởng, suy nghĩ, chiêm nghiệm của tác giả được gửi gắm qua hình tượng nghệ thuật, qua nhân vật.

Ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn văn học, có những quan niệm riêng khác nhau về con người và thế giới, bởi vậy tồn tại khác nhau những dạng mô hình không gian, không gian nghệ thuật.

Trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kì đổi mới chúng ta thấy xuất hiện nhiều kiểu không gian nghệ thuật với nhiều tầng ý nghĩa khác nhau.


3.2.1. Không gian nông thôn nghèo khổ, tăm tối, lạc hậu

Lê Lựu xuất thân từ đồng lúa, ám ảnh tuổi thơ với làn khói chiều của Phủ Khoái Châu, vì thế điều dễ hiểu trong tác phẩm của ông, cái đói, cái nghèo, cái xác xơ của làng quê luôn ám ảnh. Lê Lựu từng tâm sự: “Hai ba chục năm tôi không dám viết về thành phố vì mình ở đó nhưng vẫn chưa thuộc nó. Tôi chỉ viết về những người nông dân ở thành phố, gọi ra tất cả những gì thuộc về nông thôn và nó có ra thành phố tôi cũng vác bằng được nó về quê” [75,71]. Nếu thừa nhận văn học là một dòng chảy liên tục, bất tận thì Lê Lựu là sự tiếp nối những cây bút xuất sắc viết về nông thôn, về người dân quê như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Kim Lân… Viết về nông dân, nông thôn Việt Nam là niềm hứng khởi tận tâm của nhà văn. Nông thôn và nông dân là cội nguồn, là quê hương văn học của ông từ những tác phẩm đầu đến những tác phẩm viết gần đây nhất. Lê Lựu được xem là nhà văn của nông thôn khi ông khai thác triệt để vẻ thô mộc, chai sần nhưng đượm tình những con người của làng quê, từ làng quê ra đi.

Nếu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 kiến tạo nên những khoảng không gian thôn quê ngột ngạt, tù túng, mâu thuẫn, tiêu điều; văn học xã hội chủ nghĩa dựng nên những bức tranh làng quê đang dần chuyển mình thay đổi thì văn học thời kì đổi mới lại tập trung khắc họa bức tranh làng xã Việt Nam đầy biến động, phức tạp. Trước hết đó là những lề thói hủ tục, lạc hậu, kìm hãm sự phát triển. Nói như Nguyễn Khắc Trường, đó là mảnh đất lắm người nhiều ma. Với Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông Lê Lựu đã cho người đọc thấy một cách chân thực, bức tranh đời sống và tinh thần của người dân quê.

Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội đều tập trung khai thác những vấn đề chủ yếu trong đời sống thôn quê ở mọi khía cạnh từ cuộc sống lam lũ, cái đói, cái nghèo, cái dốt đến tâm tư, tình cảm, nếp sống, cách sống của người dân quê. Xuất phát từ thực tế lịch sử, nhà văn cũng đi sâu vào công cuộc cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp với cả những mặt tích cực và hệ lụy của nó.

Thời xa vắng đã tái hiện một chặng đường lịch sử tương đối dài của xã hội và cá nhân con người. Bối cảnh câu chuyện là làng Hạ Vị - một làng quê nghèo khó, lam lũ


như bao làng quê khác trên mảnh đất hình chữ S. Cái đói, cái khổ đã buộc chặt người nông dân vào nếp nghĩ, nếp sống bảo thủ, lạc hậu.

Xây dụng không gian nông thôn vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Lê Lựu đã lựa chọn những chi tiết mang tính đặc trưng, điển hình đó là những trận nước lụt. Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội đều mô tả cảnh lụt lội kinh hoàng. Lụt lội trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ đối với người nông dân và có lẽ sự tàn phá của nó chỉ đứng sau bom đạn chiến tranh. Trong Chuyện làng Cuội, cơn lũ thực sự là hung thần đe dọa tính mạng, của cải của người dân. Đê vỡ, cả một vùng đất đai, nhà cửa chìm ngập trong biển nước trắng xóa. Những âm thanh, hình ảnh hỗn loạn của cuộc sống trong mưa lũ được tác giả phác họa trên biển nước mênh mông. Không chỉ càn quét tài sản, ruộng vườn, điều đau đớn là nước lũ đã cướp đi sinh mạng con người, đặc biệt là những đứa trẻ. Thằng cu Bối, con anh Thó đã chết vì cái đói, cái rét khi phải ngâm mình trong nước. Đau xót hơn khi đứa trẻ bị cướp đi mạng sống bởi dòng nước lũ, cuối cùng khi trở về với đất cũng qua con đường trung gian là nước lũ. Cả làng ngập trong biển nước, còn tấc đất nào để đưa tiễn ngoài nước và nước? Ngòi bút của Lê Lựu viết về cảnh lũ lụt mang sức ám ảnh, xót xa. Chúng ta thấy trong đó là làng quê Việt Nam nói chung đồng thời đó cũng là hình ảnh làng quê tác giả nói riêng.

Trong Thời xa vắng, Sài là nạn nhân của tục lệ tảo hôn, ép duyên vô cùng lạc hậu. Bị ép lấy vợ khi còn là một đứa trẻ lên mười, Sài đã liên tiếp phải trải qua hàng loạt những bi kịch và bất hạnh. Mặc dù còn bé nhưng cậu bé Sài đã ý thức được bản chất của sự cưỡng ép. Sài cự tuyệt hoàn toàn với Tuyết - người vợ được cả gia đình Sài đón nhận. Tuy phản ứng, kháng cự nhưng sự phản ứng đó càng biểu hiện sự nhu nhược, yếu đuối của Sài. Bé thì chịu sự ràng buộc của gia đình, đến khi lớn, những tưởng Sài có thể tự quyết định số phận, hạnh phúc của mình thì anh lại bị sự ràng buộc của danh dự, dòng tộc trói chặt. Nỗi ám ảnh, sợ hãi trước dư luận luôn đeo bám Sài. Chính cái suy nghĩ: “Ở đời này người ta chỉ sẵn sàng chết đói, chết rét, chết bom, chết đạn để che chở, nuôi nấng cho con mình tai qua nạn khỏi, con mình được sung sướng, được vinh hoa chứ không ai chịu tai tiếng, chịu xỉ nhục để con mình được tự do theo ý


” [72, 78] đã lí giải phần nào những bi kịch cá nhân của đời Sài. Dư luận xã hội vô hình chung đã trở thành thước đo, thành cái máy ép để nào nhặn con người. Đúng như tên gọi của tác phẩm, Lê Lựu đã gọi đó là Thời xa vắng.

Với Sóng ở đáy sông, Lê Lựu đã khai sinh ra Phạm Quang Núi, nhân vật bị nhiều tầng bi kịch đè nặng mà xuất phát điểm, cú hích đầu tiên đẩy Núi đến với bi kịch là mối tình sai trái của anh với Hiền, người cô họ bảy đời. Cái làng quê của Núi, của Hiền không cho phép điều đó xảy ra mặc dù pháp luật Nhà nước cho phép con cháu, anh em 5 đời được lấy nhau. Ở cái vùng quê nghèo nàn lạc hậu đó, người ta chỉ biết đến “lệ làng”, còn “phép vua” không cần biết đến. Chính những hủ tục đó đã đẩy hai con người đến tận cùng của bi kịch. Một kẻ vô tình đã trở thành lưu manh ra tù vào tội, còn một người phải tha phương cầu thực, sinh con nơi đất khách quê người. Còn gì đáng buồn và đau xót hơn khi con người lại trở nên lạc lõng, tội lỗi ngay trên mảnh đất quê hương mình?.

Xây dựng không gian hiện thực nông thôn thời kì này, Lê Lựu tập trung đi sâu vào bi kịch của con người với tư cách là nạn nhân của những tập tục lạc hậu, trì trệ, kìm hãm sự phát triển của chính con người. Sẽ là thiếu xót nếu chúng ta không nói đến hình ảnh đám ma ông đồ Khang - một cái nhìn thâm thúy, sâu sắc của tác giả. Cảnh đưa ma được nhà văn đặc tả: “Chao ôi, cơ man nào là người. Quả là đám tang của cụ Đồ Khang là hiện tượng có một không hai của vùng này. Ngày xưa đám tang bố tổng Lơi mổ hàng trăm con lợn, trâu bò, giã giò, ăn uống rậm rịch cả hàng mười ngày giời cũng không đông được như đám này” [72,198]. Lê Lựu cũng khá táo bạo khi hạ bút: “Họ đi đám chỉ vì không đi sẽ không tiện thành ra không phải họ đi đưa đám cụ Đồ mà là đưa đám ông Hà đã về làm bí thư huyện ủy được nửa năm nay và đưa đám anh Tính ủy viên trực phụ trách nội chính của ủy ban hành chính huyện” [72,198].

Tác giả không khoan nhượng khi hạ bút phê phán thẳng thừng lối sống trục lợi, cầu cạnh, vô tâm của một số đông người trong xã hội. Đám tang cụ đồ Khang trở thành nơi giao lưu, hẹn gặp, tâng công, điểm danh… Trong túi ông Hà không phải là khăn lau nước mắt mà là hàng loạt những lá đơn xin việc, tờ trình xin gạch, xin ngói…Bởi


vậy những con người đến đám hiếu mang theo một bộ mặt ủ rũ đau khổ rất hợp tình hợp cảnh. Sự lố bịch, cơ hội, xảo trá đậm đặc trong từng câu chữ: “Ở ngoài đường họ đùa nghịch huyên náo, vào đến nhà là họ lặng lẽ, nghiêm trang. Ở ngoài đường họ dò la xem phong tục làng này ra sao, vào đến nhà họ thành thạo mọi lễ nghi và làm mọi việc thành thạo như người chủ” [72,198].

Cái chết của bà Hiêu Đất trong Chuyện làng Cuội lại mang đến cho người dân quê những cảm xúc khác nhau. Mọi người nhộn nhịp, tất bật hẳn ra. Ai cũng cố gắng tỏ ra lo lắng, thương xót cho con người xấu số đó. Mỗi người có một cách bày tỏ tình cảm khác nhau nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm là sự bằng lòng, để mắt, chú ý của ông Phó Chủ tịch tỉnh Lưu Minh Hiếu - con trai bà cụ Đất. Cách đó hơn 40 năm, Vũ Trọng Phụng trong tiểu thuyết Số đỏ vừa chua chát, vừa sâu cay vẽ nên bức tranh thảm kịch về đại gia đình cụ cố tổ khi làm ma tiễn cụ về trời thì nay Lê Lựu, với sự chiêm nghiệm, phê phán cũng tái hiện lại đám ma cụ đồ Khang và bà Hiêu Đất như vậy. Đó là những thảm kịch của bọn người sống với tất cả sự giả dối, lạnh lùng vô tâm đến tàn nhẫn giành cho những người đã mất. Khi sống, họ cô độc, khổ sở bao nhiêu thì lúc chết được con cháu lòng thành làm hiếu ồn ào, khoa trương bấy nhiêu. Tuy nhiên ngoài những con người cơ hội, giả dối, tác phẩm của Lê Lựu cũng phác họa nhiều nhân vật sống có tình, có nghĩa. Họ yêu thương, đùm bọc nhau trong mọi hoàn cảnh. Trong Thời xa vắng có rất nhiều trang văn Lê Lựu viết về những người nông dân lam lũ, một nắng hai sương nhưng sống nhân hậu, đùm bọc. Có thể nói Lê Lựu nhìn người nông dân và thôn quê dưới con mắt đa chiều, thấu tình chứ không phiến diện. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa đã nhận xét: “Không coi việc phán xét cuốn tiểu thuyết là hành động bắn súng đại bác vào quá khứ mà cho rằng viên đại bác Thời xa vắng khoan thủng cái tấm màn vô hình che giấu nhiều điều mà bấy lâu nay chúng ta không nói tới. Quá khứ đâu chỉ là chiếc bánh ngọt ngào mà còn có cả những điều đắng cay. [35, 604].

Đi sâu tái hiện không gian nông thôn, nhà văn cũng đề cập đến những vấn đề ẩn chứa đằng sâu mỗi mái nhà gianh, mỗi mảnh ruộng đồng. Trước hết, vấn đề mang tính thời sự là công cuộc cải cách ruộng đất. Chuyện làng Cuội đã phản ánh hiện thực đầy


đau xót này. Đội cải cách ruộng đất về làng trong niềm chờ đợi hân hoan của người dân. Họ thực hiện chính sách ba cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Những tưởng cái mới, cái tiến bộ sẽ đem lại no ấm, hạnh phúc cho người dân nhưng đằng sau những lời kêu goi, hô hào đó thực chất là những bộ mặt giả dối, lừa lọc, nham hiểm. Công cuộc cải cách ruộng đất mà đại diện là những kẻ ngu dốt, hống hách đã đem lại bao hệ lụy cho người nông dân. Tất cả đảo lộn trong vòng xoay của tội lỗi, dối trá, lừa lọc, ganh ghét… Tàn nhẫn hơn chúng sẵn sàng quy chụp cho những cá nhân tiến bộ cái mác phản động, tay sai khiến họ bị dồn vào bước đường cùng, thậm chí là chết. Vốn là một người cách mạng có công giải phóng làng Cuội, một bí thư xã ủy, vậy mà chỉ vì sự thù hằn, ganh ghét, bỗng chốc Khiêm trở thành kẻ có tội. Một xã hội rối ren, người dân bạc nhược nên mọi thứ vàng thau lẫn lộn, trắng đen nhập nhằng.

Không được chào đón nồng nhiệt như Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội khi ra đời đã bị quy kết là phản động, có vấn đề. Thiết nghĩ cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn màu hồng. Điều quan trọng đối với người cầm bút là dám đấu tranh, dám nói thật và sống thật. Dù hiện thực có đen tối lương tâm người nghệ sĩ không cho phép anh tô hồng hiện thực để ru ngủ con người mà phải biết lên án, vạch trần cái xấu, cái ác, hướng con người sống lương thiện, tốt đẹp hơn. Ở phương diện này, có thể khẳng định Lê Lựu là nhà văn chân thực, dũng cảm.

3.2.2. Không gian đô thị ngột ngạt, bức bối

Sinh ra ở nông thôn nhưng Lê Lựu lại sống ở thành phố nên ông khá am hiểu cuộc sống và con người nơi đô thị. Trong các tiểu thuyết, Lê Lựu đã tái hiện một cách sinh động đời sống đô thị những năm 70, 80 của thế kỉ trước. Đó là không gian đông đúc, chật hẹp, ngột ngạt, chen lấn. Cảnh tem phiếu: “Xếp hàng đong gạo, mua mì, mua rau, mua đậu, xếp hàng lấy nước giặt giũ, xếp hàng mua thuốc. Hàng trăm thức xếp hàng, kể cả xếp hàng mua từ quả cà muối ”[80,32]. Cảnh chờ đợi lấy nước ở khu tập thể: “Có khi đánh vỡ đầu, gãy tay, cả đời không dám nhìn mặt nhau vì tranh cướp, giành giật nhau từng giọt nước” [80,56].

Xem tất cả 138 trang.

Ngày đăng: 22/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí