Quá trình sáng tác liên tục, miệt mài không mệt mỏi của Lê Lựu đã cho thấy cái tâm và cái tài của người cầm bút. Xông xáo, hăm hở hòa nhập với mọi sự đổi thay của cuộc đời để từ đó phác họa nên những bức chân dung con người, xã hội thời kì mới với biết bao mối quan hệ đa chiều, phức tạp, với biết bao thói quen truyền thống cần được nhìn nhận lại. Tiểu thuyết Lê Lựu thời kì đổi mới ẩn chứa nhiều tầng, nhiều mảng hiện thực. Thông qua những số phận nhân vật cụ thể, nhà văn đã mạnh dạn chỉ ra những hạn chế về phương diện xã hội cần được khắc phục, bởi đó là hàng rào ngăn cản hành trình đi tìm ước mơ của con người. Nhìn về quá khứ, tái hiện lịch sử nhưng không mang tính chất bi quan, yếm thế. Sáng tác của Lê Lựu giúp con người có cơ sở đề nhìn nhận, đánh giá hiện thực cuộc sống bởi đó là những tác phẩm được viết nên từ sự chân thực, sự trải nghiệm sâu sắc của chính nhà văn. Đúng như Lê Lựu từng nói: “Tôi là người không biết bịa chuyện mà chỉ là người chép chuyện và kể ra những gì mình từng chứng kiến mà thôi”.
1.2.2. Những đổi mới, cách tân của tiểu thuyết Lê Lựu
Thực tiễn đổi mới trong hai thập kỉ qua đã thổi vào văn học luồng gió mới. Cùng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với giới văn nghệ sĩ là yếu tố vô cùng quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới văn học. Hòa cùng sự đổi mới chung của văn học, sáng tác của Lê Lựu có những cách tân chủ yếu trên hai phương diện đó là quan niệm về hiện thực và quan niệm về con người. Chính sự cách tân này đã đóng góp to lớn vào việc nhận diện con người và hiện thực trong thời đại mới.
Trước hết là sự đổi mới quan niệm hiện thực của nhà văn. Trước năm 1975, hiện thực được thể hiện trong các sáng tác văn học là hiện thực mang màu sắc chính trị rộng lớn. Sau năm 1975, văn học hưởng ứng chủ trương: “Đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” (Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Trung ương - Đại hội Đảng VI). Quan niệm về hiện thực của nhà văn cũng từ đó có sự thay đổi. Hiện thực được thể hiện không đơn giản xuôi chiều như trước mà đa dạng,
phong phú và được soi chiếu từ nhiều chiều: cá nhân, cộng đồng, tập thể… Điều này được thể hiện ở quá trình mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực. Từ một hiện thực bị giới hạn trong phạm vi bị chi phối của hệ thống đề tài có định hướng đến một hiện thực toàn vẹn hơn với sự phong phú, đa dạng, Lê Lựu không đứng ở bên lề để nhìn cuộc sống mà dũng cảm xông thẳng vào thực tại để hối hả, miệt mài tái hiện lại mọi biến động tinh vi, phức tạp của cuộc sống đương thời.
Trong quan niệm của Lê Lựu, hiện thực cuộc sống muôn màu, muôn vẻ với biết bao sự bộn bề, âu lo, đa thanh, phức điệu. Tất cả được tác giả soi xét, nghiền ngẫm ở nhiều tầng quan hệ song nó không phải là mục đích phản ánh mà chính là phương tiện để nhà văn trình bày những suy tư, những khắc khoải về cái làm nên sự sống đó là con người.
Đổi mới quan niệm về con người. Văn học 1945 – 1975 với cảm hứng sử thi, văn học chủ yếu quan tâm đến con người cộng đồng trong vai trò xã hội, trong tư cách là động lực cách mạng. Sau 1975, cùng với hiện thực đa chiều, quan niệm về con người cũng đa diện hơn. Con người được xem xét trong mọi mối quan hệ với xã hội, cộng đồng, gia đình… Con người được khám phá không chỉ ở bề ngoài mà cả nội tâm bên trong. Nền văn học mới đã cởi trói cho nhà văn, cho những cảm hứng sáng tạo mới, cảm hứng thế sự của con người. Văn xuôi những năm gần đây đã chú ý đến con người cá nhân với cảm hứng thế sự đời tư. Con người tự nhận thức về mình với mọi cung bậc tình cảm, cảm xúc, mọi biến động tinh vi của tâm hồn. Văn xuôi những năm gần đây đã chú ý đến con người cá nhân, đặt con người là trung tâm tác phẩm. Con người với tư cách là một cá thể, một thành viên của xã hội, con người của đời thường.
Lê Lựu đã đưa người đọc đến với cái nhìn không đơn giản về con người. Họ có thể chỉ là những người lao động quanh năm bới đất lật cỏ, nhọc nhằn kiếm ăn. Họ cũng có thể là những trí thức với những ước mơ sự nghiệp, những tất bật lo toan trong cuộc sống thường ngày hay có thể là những tên tội phạm, những kẻ sống bên rìa xã hội… Và quan trọng, ta không thể đơn thuần phê phán hoặc ca ngợi bất cứ một cá nhân nào vì trong họ tồn tại cả những mặt xấu và tốt, mặt tích cực và tiêu cực. Đặc biệt, khi viết về
Có thể bạn quan tâm!
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 1
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 2
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 3
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 5
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 6
- Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 7
Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.
con người Lê Lựu có xu hướng đi sâu khai thác những mảng tối, phần chưa hoàn thiện trong con người nhằm mục đích đưa con người dần tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Sự đổi mới hai quan niệm nghệ thuật cơ bản trên đã dẫn đến những hệ quả tất yếu của sự đổi mới nội dung tác phẩm và nghệ thuật biểu hiện. Có thể khẳng định, tiểu thuyết Lê Lựu góp phần quan trọng trong việc mở màn, đi đầu xung kích cho văn học thời kì đổi mới. Văn chương Lê Lựu là lá cờ đầu trong công cuộc đổi mới, hiện đại hóa, cách tân hóa văn học từ sau 1975 đến nay.
CHƯƠNG 2: NHỮNG NGUỒN CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO CỦA TIỂU THUYẾT LÊ LỰU THỜI KÌ ĐỔI MỚI
2.1. Cảm hứng nhận thức lại lịch sử
Cảm hứng “nhận thức lại lịch sử” là cảm hứng văn học xuất phát từ nhu cầu tái hiện lại những vấn đề quan trọng của lịch sử mà tầm ảnh hưởng của nó sâu rộng đến cả những giai đoạn lịch sử sau này. Khuynh hướng này có phần gần với cảm hứng phản tư trong tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ cải cách với Một nửa đàn ông là đàn bà của Trương Hiền Lượng, Nôn nóng của Giả Bình Ao, Báu vật của đời của Mạc Ngôn, Trường hận ca của Vương An Ức... Các nhà văn Trung Quốc đã nhìn nhận lại hàng loạt vấn đề đau lòng, những bi kịch đầy nước mắt trong thời kỳ cách mạng văn hóa. Ở Việt Nam, cảm hứng nhận thức lại quá khứ cũng phần nào thể hiện tinh thần nhận chân lại các giá trị đời sống bằng cái nhìn mới mẻ, thể hiện những suy tư của nhà văn về số phận con người trong sự va đập của các biến cố đời sống và các sự kiện lịch sử. Tình cảnh của nông thôn và số phận của người nông dân cũng được miêu tả một cách chân thực qua Chuyện làng Cuội, Mảnh đất lắm người nhiều ma... Trong những tác phẩm này cái ác, cái xấu có mặt khắp nơi, thả sức hoành hoành và nhiều người hành động như những kẻ cuồng tín. Sự ấu trĩ trong nhận thức, sự hạn hẹp về tầm nhìn của một số cán bộ có chức có quyền đã khiến biết bao gia đình tan nát, bao số phận dang dở. Nhìn chung, các nhà tiểu thuyết đã dựng lại bi kịch của một thời, nhưng thông qua những tấn
bi kịch nhiều khi cười ra nước mắt ấy chúng ta sẽ từ giã quá khứ một cách dứt khoát để hướng tới một tương lai tốt đẹp giàu tính nhân bản hơn.
Ngay khi Thời xa vắng ra đời, nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến khuynh hướng nhận thức lại hiện thực trong tác phẩm. Có thể nói rằng, với văn học thời kì đổi mới, Lê Lựu là một trong những người đầu tiên nhìn nhận hiện thực đời sống xã hội một cách tỉnh táo và khách quan. Để cắt nghĩa, lý giải hiện thực, nhà văn đi sâu phân tích đời sống tinh thần con người, chỉ ra những tồn tại trong ý thức hệ tư tưởng. Các tiểu thuyết của Lê Lựu cho thấy sự phản ứng đối với quan niệm duy ý chí một thời, cái thời mà với lối tư duy bảo thủ và thói vị kỷ, những kẻ nhân danh gia đình, đoàn thể có thể áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác. Lê Lựu nhận thức rất rõ điều đó và ông tỏ thái độ phản ứng khá mạnh mẽ qua việc tái hiện mâu thuẫn giữa các thế hệ. Trong Thời xa vắng, cuộc đời Sài đã chịu sự áp đặt một cách phi lý bởi những quan niệm, niềm tin của người khác. Hồi nhỏ, Sài phải lấy vợ theo sự sắp đặt của cha mẹ. Một đứa trẻ đang trong tuổi chỉ biết ăn và chơi trận giả, bỗng chốc vì sự toan tính của người lớn mà thành ra có vợ. Cuộc sống gia đình, khái niệm làm chồng với Sài là một cái gì đó vừa mơ hồ xa xôi vừa vô cùng kinh khủng. Sài sợ hãi và ghét vợ vô cùng. Cứ thấy Tuyết ở đâu là Sài chạy vội đi chỗ khác. Sự phản kháng tự phát vô ý thức của một đứa trẻ dường như là sự báo hiệu cho quãng đời nhọc nhằn gồ ghề sau này của nhân vật. Lớn lên, dù đã ý thức được tình cảm của mình nhưng Sài không được bỏ vợ vì chú Hà và anh Tính là những cán bộ xã, cán bộ huyện, bản thân Sài cũng là liên đội trưởng, phải gương mẫu “không được bỏ vợ”. Sợ mất danh tiếng, ảnh hưởng đến uy tín gia đình, dù thâm tâm muốn tốt cho Sài nhưng các bậc cha chú đã buộc anh phải theo lối nghĩ của họ. Sài nảy sinh tình cảm với Hương, cô bạn cùng lớp nhưng chính sự dè bỉu của dư luận, sự áp đặt của gia đình đã ép chặt tình yêu chân chính của Sài xuống tận sâu đáy lòng. Khi Sài đi bộ đội, một sự chạy trốn hiện thực, theo sự chỉ đạo của tổ chức, anh phải “kiên quyết cắt đứt quan hệ với người mình yêu để “thực sự yêu vợ”. Cái tổ tam tam, rồi đồng chí chính ủy, chỉ huy đại đội… là hiện thân của xã hội, của
lịch sử một thời đã kìm hãm, gò bó ước mơ, tình cảm của Sài. Có lẽ, chỉ với tiểu thuyết Lê Lựu, người đọc mới cảm nhận được sự gò bó, chỉ đạo cả tình cảm của con người. Việc Sài lấy vợ, yêu ai, ghét ai cũng phải có chỉ thị của cả một tập đoàn người phía trên. Sài không khác gì con rối trong tay của những người xung quanh. Bản thân Sài cũng ấu trĩ, kém bản lĩnh và không quyết đoán nên mới để số phận của mình cho người khác định đoạt.
Sau này, khi đã có quyền tự quyết cuộc đời mình thì Sài lại trở nên vô cùng lơ ngơ, lóng ngóng trong thế giới hiện tại. Sài là một anh nhà quê chính gốc, sau chiến tranh ra thành phố sinh sống. Sài ở giữa thành thị mà không hiểu thành thị là gì? Con người chốn đô thành như thế nào? Rơi vào vòng vây tình ái của Châu, Sài choáng ngợp trong men say của một thứ tình yêu vội vàng hấp tấp để rồi sau này, Sài bước ra khỏi cuộc hôn nhân với Tuyết để nhón chân bước tiếp vào cuộc hôn nhân bi kịch với Châu. Bi kịch của Sài một phần do hoàn cảnh, xã hội gây nên và một phần cũng do chính anh gây nên. Giá như Sài bản lĩnh hơn, dám đấu tranh cho tình yêu và hạnh phúc chân chính của đời mình; dám làm tất cả vì người mình yêu, dám sống thật với lòng mình thì có lẽ bước sang dốc bên kia của cuộc đời Sài đã không phải ngậm ngùi ôm thất bại. Đọc tác phẩm chúng ta có cảm giác Lê Lựu như bênh vực Sài. Không phải như vậy. Lê Lựu phê phán những dư luận, những hoàn cảnh đã tạo nên một Giang Minh Sài như vậy, đồng thời tác giả cũng phê phán cả nhân cách của Sài trong cuộc sống. Lê Lựu khẳng định chính Sài là người phải chịu trách nhiệm về nhân cách của mình, về hành động, về cuộc đời mình nhưng ngòi bút của ông lại ưu ái, nâng đỡ Sài như muốn nói với Sài rằng cuộc đời tuy vất vả nhưng vẫn còn ở phía trước, chỉ có dũng cảm chấp nhận cuộc sống, vượt lên trên mọi hoàn cảnh thì mới tìm ra chân giá trị của mình. Qua Thời xa vắng, Lê Lựu muốn gửi gắm tâm sự của mình với cuộc sống: Con người với những dư luận, chớ đẩy con người vào những hoàn cảnh éo le, nhưng cũng vẫn con người, khi gặp hoàn cảnh nghiệt ngã, éo le phải dũng cảm mà sống. Chính vì vậy, ngòi bút của Lê Lựu lúc gay gắt phê phán, khi nhân hậu thiết tha nâng đỡ con người.
Nhân vật ông Đại, người bố của Núi trong Sóng ở đáy sông là nhân vật điển hình của sự vô tâm, bảo thủ đến tàn nhẫn, đến chết vẫn không thay đổi cách nghĩ về đứa con của mình. Lạnh lùng và vô cảm, không chấp nhận đứa con mắc lỗi, đứa con “loại hai”, ông dồn nó vào tình thế phải tự kiếm sống. Ông đẩy trách nhiệm giáo dục con cho xã hội, chuẩn bị mọi tình huống để không ai có thể chê trách, pháp luật không thể ràng buộc, nhưng đó là cách ứng xử phi nhân tính. Trong khi cả xã hội dang rộng vòng tay cứu vớt Núi, cho Núi hết cơ hội này đến cơ hội khác để làm lại cuộc đời thì ông Đại bố Núi cả đời chỉ cho anh đúng một cơ hội - cơ hội để làm lưu manh, đầu trộm, đuôi cướp. Giá như ông sống có trách nhiệm, có tình người, biết tha thứ cho những lỗi lầm của đứa con trai non dại thì có lẽ xã hội sẽ bớt đi một tên ăn trộm, nhà tù sẽ bớt đi một tên tội phạm, những đứa trẻ sẽ bớt đi thiệt thòi. Núi đã rất nhiều lần van xin ông Đại cho mình cơ hội được lương thiện nhưng người bố nhẫn tâm, tàn nhẫn đó quyết tâm lìa bỏ anh, quyết tâm giao phó anh cho xã hội. Núi là đứa trẻ thiếu tình thương của mẹ và thừa sự vô tâm, bất nhân của cha nên với anh thời gian ở tù nhiều hơn ở nhà. Những ung nhọt trong cách nghĩ, trong hành động của lớp trí thức trưởng giả như ông Đại; những suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu của người nông dân ở quê mẹ đã triệt mọi đường sống của Núi. Những tưởng vào tù là sự trả giá cho những sai lầm của Núi thì cuối cùng, nhà tù lại là nơi cảm hóa, hồi sinh ra Núi. Đến đây có thể khẳng định tình yêu thương và niềm tin chân thành có sức mạnh gấp nghìn lần những lề lối gia trưởng, nguyên tắc cực đoan, cứng nhắc. Trong khi bố ruột nhẫn tâm đẩy con mình ra đường thành lưu manh thì anh công an phường, bà tổ trưởng tổ nước sôi, chị quản giáo trại giam, bạn tù… lại dang rộng vòng tay đón Núi hoàn lương. Đứa con trai, kết quả của mối tình vụng dại giữa Núi và người cô họ bảy đời bị người làng ngăn cản đã là nguồn động lực chính giúp Núi có thêm nghị lực và niềm tin làm lại cuộc đời khi đã bước sang cái dốc bên kia của đời người. Một lần nữa Lê Lựu dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh những người làm cha làm mẹ. Hãy đặt trách nhiệm, tương lai của con cái lên hàng đầu. Những đứa trẻ sinh ra có quyền được hưởng hạnh phúc và sự yêu thương, dạy bảo của người lớn. Tình yêu thương và trách nhiệm là sợi dây màu nhiệm gắn kết con người với nhau.
Có thể khẳng định trong tiểu thuyết Lê Lựu, những nhân vật quyền huynh thế phụ ấy đại diện cho ý chí một thời, thời mà ý thức cá nhân bao giờ cũng được đặt sau tinh thần tập thể. Cá thể không được phép tồn tại mà chỉ có hoạt động của “tổ tam tam”, đoàn thể, hợp tác xã, cộng đồng... ở đó có những con người chỉ tôn sùng ý chí, dùng ý chí chủ quan áp đặt người khác, không cho phép ai vượt khỏi “cái khuôn đã đúc sẵn”. Chủ nghĩa duy ý chí đã triệt tiêu bao nhiêu khát vọng chính đáng của con người. Điều này thực ra không phải chỉ có trong tiểu thuyết Lê Lựu mà còn được nói tới trong nhiều tác phẩm khác cùng thời. Qua nhân vật Bời (Phiên chợ Giát) Nguyễn Minh Châu cũng đã ý thức sâu sắc hậu quả của quan niệm duy ý chí. Ông chủ tịch “toàn nghĩ những việc to tát vĩ đại”, say sưa với lý luận về “hai con đường” ấy đã khiến cho cuộc đời những nông dân như lão Khúng thành ra khốn khổ. Cảm nhận về sự mất tự do, lão Khúng thấy mình giống như con Khoang đen, làm việc quần quật cả đời dưới cái ách đè lên vai buộc chặt bằng dây chão và hoàn toàn mất ý thức về tự do.
Trong hầu hết các tiểu thuyết của mình, Lê Lựu chỉ ra rất rõ quan niệm, lối tư duy duy ý chí đã trở thành sợi dây trói buộc đời sống tinh thần con người gây ra bi kịch cho mỗi số phận. Nhà văn thấy được sự thất bại của lối tư duy cực đoan đó và dứt khoát phủ nhận. Bằng sự đối thoại với những quan niệm, lối tư duy của một thời, các tiểu thuyết của Lê Lựu đã đóng góp vào sự hình thành khuynh hướng nhận thức và đánh giá lại hiện thực của tiểu thuyết thời kỳ đổi mới.
Nguyên Ngọc trong bài thuyết trình về văn học Việt Nam nhắc đến trào lưu Đổi Mới với biểu hiện trước hết là "phơi bày cái tiêu cực, mô tả và tố cáo nó", nhiều nhà văn đã tham gia tích cực vào trào lưu này, trong đó có Lê Lựu. Vậy phải chăng con đường mà Lê Lựu và các nhà văn đổi mới đang đi chỉ là dẫm lên lối cũ của các nhà văn hiện thực chủ nghĩa? Thực ra, nếu đặt toàn bộ các tác phẩm văn học có nội dung "phơi bày" đó và tác phẩm của các nhà văn hiện thực 1930 -1945 dưới một cái nhìn bao quát sẽ thấy được tiến trình vận động với những nỗ lực đổi mới không chỉ ở bề mặt mà cả ở
chiều sâu. Không chỉ là sự mở rộng phạm vi hiện thực được phản ánh, không chỉ là sự tiếp nhận kỹ thuật hiện đại mà còn là tư duy mới mẻ về đời sống. Với cái nhìn trực diện vào những mặt trái trong xã hội và thái độ phê phán sự xấu xa, tha hoá của con người, nhà văn đặt ra những vấn đề của thời đại mà nhờ trải nghiệm cá nhân đã trở thành những thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tiểu thuyết Lê Lựu mở ra một hiện thực sống động nhưng hết sức phức tạp. Qua số phận của nhân vật, nhà văn tái hiện một cách chân thật nhất gương mặt lịch sử và đời sống xã hội. Ông giúp cho chúng ta nhìn sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống nông thôn trước những thay đổi lớn như cách mạng, chiến tranh, cải cách ruộng đất, hợp tác hóa... Tiểu thuyết Lê Lựu toát lên được không khí thời đại, đó là khí thế bừng bừng của công cuộc cải tạo xã hội, là tinh thần cách mạng nhiệt tình của nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ nhưng bên cạnh những thành quả đạt được, những khẩu hiệu, thành tích còn có cả sự ấu trĩ, có cả cay đắng và thất bại, cả những bất hạnh và ngang trái mà trước đó người ta chưa thể nhận thức được, chưa nói hết ra, chưa thể đi đến tận cùng.
Tiểu thuyết gắn bó với đề tài nông thôn từ Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, cho đến Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng,... đã đi những chặng đường dài. Với Lê Lựu, ở cả truyện ngắn và tiểu thuyết, người đọc đều dễ dàng nhận ra miền đất quen thuộc của nhà văn là làng quê, đồng bãi, với dòng sông, con đê làng, luống khoai, vồng cải... Lê Lựu viết về nông thôn bằng sự thông hiểu và những âu lo về sự biến đổi từng ngày ngay trong từng ngôi nhà, từng thửa đất. Sự quan sát tinh tế cộng với vốn sống phong phú về nông thôn và khiếu hài hước đã đem lại cho tiểu thuyết của ông nhiều chi tiết rất "đắt". Chẳng hạn đoạn viết về buổi họp gia đình, bữa cơm khi nhà có khách hay đám ma ông đồ trong Thời xa vắng được miêu tả sống động và hài hước. Nếp sống của “người nhà quê” theo chân nhân vật vào tiểu thuyết của Lê Lựu thật ấn tượng, như cách biểu lộ tình cảm qua lời chào mời rối rít, chộp tay lắc lắc, hay thói quen sống tuềnh toàng, ăn uống xì xoạp, ăn xong ngồi xỉa răng nhanh