Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 3


giữa cái tốt và cái xấu; cái được và cái mất; cái tích cực và cái tiêu cực; bóng tối và ánh sáng trở thành nội dung phản ánh chủ yếu của văn học.

Văn học còn có sự đổi mới tư duy nghệ thuật trong cách nhìn, trong quan niệm về con người. Con người được nhìn nhận trong sự toàn diện, đa chiều và đa sự. Con người trong tiểu thuyết được mô tả là những thể mâu thuẫn trong thống nhất. Đó là sự tổng hòa của các phạm trù tốt - xấu; cao quý - thấp hèn; mạnh mẽ - nhu nhược… Tuy nhiên, các nhà tiểu thuyết luôn gửi gắm niềm tin đối với con người và cuộc sống qua những hình tượng nghệ thuật. Con người luôn vươn lên chiếm lĩnh những giá trị muôn đời của Chân, Thiện, Mĩ. Con người không được tô vẽ lí tưởng hóa mà sống thật với bản chất hiện thực. Đó là những con người này như cách gọi của Hêghen.

Bên cạnh sự thay đổi về tư duy nghệ thuật, văn học thời kì này còn có sự thay đổi về cảm hứng sáng tạo. Nếu trước năm 1975, cảm hứng chủ đạo trong văn học là cảm hứng sử thi lãng mạn thì sau năm 1975 văn học đậm đặc cảm hứng đời tư, thế sự đầy suy tư, lắng đọng. Văn học từ sự phản ánh cái ta, cái chung mang tính cộng đồng thì nay đã đi sâu vào nội tâm, cá nhân, cá thể. Nhà văn quan tâm mô tả nỗi niềm tâm sự, những bất hạnh, bi kịch, những hạnh phúc ngọt ngào trong cuộc sống cá nhân con người ở những không gian cụ thể. Chính hiện thực cuộc sống phong phú, bề bộn, phức tạp nhiều chiều đã trở thành mảnh đất màu mỡ để tài năng các nhà văn có điều kiện nở rộ. Những số phận đầy bi kịch của con người hiện lên ám ảnh, day dứt trong sáng tác của Lê Lựu, Bảo Ninh, Chu Lai…

Đi sâu phản ánh thân phận con người, tiểu thuyết sau 1975 đã bộc lộ cảm hứng phê phán mạnh mẽ. Trong sáng tác của Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Dương Hướng… cảm hứng phê phán được biểu hiện qua việc phản ánh những kẻ thực dụng, mưu đồ, tha hóa nhân cách đạo đức, về sự hoành hành của cái ác; sự tồn tại mặc nhiên của những mối thù truyền kiếp giữa các gia đình, các dòng họ, xóm làng.

Phê phán, lên án cái xấu, cái ác, lên án sự tha hóa biến chất của con người các nhà tiểu thuyết dường như tha thiết truyền tải đến mọi người lời cảnh tỉnh hãy nuôi dưỡng những giá trị nhân bản, nhân văn có ở mỗi người. Hãy cứu lấy nhân cách con


người trước khi quá muộn. Không né tránh, chạy trốn thực tại, các nhà tiểu thuyết đi sâu, đón nhận và khám phá hiện thực để từ đó sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật chân thật, ý nghĩa nhất. Nói như Nam Cao trước đó, “hãy đứng trong lao khổ, mở hồn ra để đón lấy những lao khổ ở đời…

Chiêm nghiệm, suy tư về quá khứ cũng là cảm hứng nổi bật trong tiểu thuyết thời kì này. Tuy nhiên chiêm nghiệm, hồi cố không phải để thương tiếc hay lật tung lại quá khứ mà là để hướng tới những điều tốt đẹp hơn ở hiện tại và tương lai. Cuộc sống quá khứ, hiện tại hay tương lai dù có nhiều khó khăn trắc trở nhưng con người luôn cố gắng vươn lên hoàn thiện chính mình, đấu tranh với hoàn cảnh để sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn.

Bên cạnh sự đổi mới về tư duy nghệ thuật, văn học thời kì này còn có sự thay đổi mạnh mẽ về hình thức nghệ thuật. Các nhà tiểu thuyết sau 1975 không chỉ có những khám phá mới mẻ về nội dung tư tưởng mà còn có những cách tân tiêu biểu về hình thức nghệ thuật. Điều này được thể hiện khá rõ qua các phương diện: kết cấu, dung lượng, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu, thời gian và không gian nghệ thuật…Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, công cuộc đổi mới này càng có nhiều khởi sắc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.

Ở phương diện dung lượng, tiểu thuyết thời kì này có sự co ngắn, cô đọng. Nội dung cốt truyện có khi được triển khai linh hoạt theo đồ thị cảm xúc, suy tư của nhân vật chứ không nhất thiết phải bám vào trình tự cốt truyện 5 thành phần truyền thống. Tiêu biểu cho thể loại tiểu thuyết mang dung lượng ngắn là: Thiên sứ của Phạm Thị Hoài; Thân phận tình yêu của Bảo Ninh; Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh; Thời xa vắng của Lê Lựu… Tuy nhiên không thể chỉ dựa vào số lượng câu chữ để đánh giá tác phẩm. Một điều dễ nhận thấy là dù co ngắn dung lượng nhưng tiểu thuyết thời kì này đã phản ánh được hiện thực cuộc sống, số phận con người ở nhiều chiều, ở cả bề rộng và chiều sâu. Có khi cốt truyện không thể tóm tắt được; cũng có khi sự kiện chính yếu chỉ là một khoảnh khắc dằn vặt trong nội tâm nhân vật; và cũng có khi đó là sự đấu tranh của cá nhân nhân vật với chính mình, với mọi người và với hoàn cảnh.


Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 3

Sự cách tân đổi mới trên bình diện dung lượng kéo theo sự đổi mới trong kết cấu tiểu thuyết. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, đặc biệt là sau 1986 có nhiều kiểu kết cấu đa dạng, nhiều tầng. Ở đó có sự đan cài hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự phá vỡ cấu trúc truyền thống – kiểu cấu trúc lịch sử - sự kiện và thay vào đó là kiểu cấu trúc của tâm hồn, chiêm nghiệm suy tư là đặc điểm dễ nhận thấy ở tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới. Ngoài ra kiểu cấu trúc luận đề cũng được sử dụng nhiều.

Trên phương diện nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng có nhiều cách tân đáng kể. Nhân vật văn học là những con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng không thể thiếu nhân vật, bởi đó là hình thức cơ bản để văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó. Nhân vật tiểu thuyết thời kì này mang đậm màu sắc hiện thực, gần gũi đời thường và có sức ám ảnh lâu bền. Những nhân vật như Giang Minh Sài (Thời xa vắng), Kiên (Thân phận tình yêu), Vạn (Bến không chồng)… là những đứa con tinh thần của Lê Lựu, Bảo Ninh, Dương Hướng… Con người trong tiểu thuyết không đơn thuần chỉ là cái loa phát thanh tư tưởng của nhà văn mà hơn thế, chúng sinh động đầy sức sống và thật như cuộc đời. Ở đó, ta cũng bắt gặp những băn khoăn, trăn trở trong tâm hồn; những khao khát, đam mê phồn thực…Con người nhiều khi phải đấu tranh, dằn vặt với chính mình để tìm ra chân lí, để được sống thật với chính mình.

Chính những quan niệm mới, những sáng tạo mới về nhân vật đã chi phối sự đổi mới trong việc kiến tạo những không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này. Không gian và thời gian nghệ thuật là những hình thức tồn tại của thế giới. Bất kì một sự miêu tả, trần thuật nào cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn biến trong một trường nhìn và ở một thời gian nhất định. Sự đổi mới cách tân nghệ thuật bao giờ cũng đồng nghĩa với việc cách tân cấu trúc không – thời gian nghệ thuật. Nếu văn học giai đoạn trước thời gian – không gian nghệ thuật mang tính


tuyến tính thì sau 1975, thời gian – không gian nghệ thuật đa chiều, đa tuyến. Lúc này không gian được mở rộng, nhiều tầng. Không gian không phải được xây dựng bằng những chiều kích thước của toán học, mà hơn thế đó là không gian của tâm tưởng, không gian được xác lập bằng cảm xúc và cách nhìn nhận của con người. Thời gian cũng vậy. Đó không phải là đại lượng thời gian vật lí mà là thời gian của tình cảm, thời gian tâm lí. Không – thời gian nghệ thuật trong giai đoạn văn học này không còn mang tính sử thi rộng lớn, cộng đồng nữa mà chủ yếu là những khoảng không gian nhỏ hẹp, gần gũi gắn bó với đời sống thường nhật của con người. Đôi khi đó chỉ là những khoảng không vô cùng nhỏ để nhân vật trải nghiệm và tự bộc lộ mình. Thời gian nghệ thuật cũng được xây dựng theo hướng tâm lí hóa, cảm xúc hóa. Thời gian không bám theo trục sự kiện mà là thời gian của cảm xúc. Sáng tác của Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng thể hiện rất rõ điều này.

Tiểu thuyết thời kì đổi mới còn ghi nhận sự cách tân mạnh mẽ về đề tài, cảm hứng, giọng điệu, ngôn ngữ. Nếu tiểu thuyết trước 1975 ngập tràn cảm hứng lãng mạn với giọng điệu ngợi ca, hào sảng; ngôn ngữ mang tính cộng đồng trang trọng thì sau 1975, bao trùm tiểu thuyết là cảm hứng đời tư thế sư; giọng điệu trầm tư, sâu lắng mang đậm tính chiêm nghiệm và bởi vậy ngôn ngữ mộc mạc, in đậm dấu ấn cuộc sống đời thường.

Không nằm ngoài quy luật đổi mới của văn học, tiểu thuyết Lê Lựu cũng góp tiếng nói đáng kể trong việc cách tân, hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam. Nhà văn đã đi sâu, thâm nhập vào tận cùng những góc cạnh của cuộc sống và tâm hồn con người để từ đó, mỗi tác phẩm của ông là một sự trải nghiệm, đúc kết về chính con người và hiện thực. Không quá lời khi nói rằng Lê Lựu là một trong những người đã đặt những viên gạch đầu tiên và miệt mài xây nên bức tường thành vững chắc, tân kỳ của tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới.


1.2. Tiểu thuyết Lê Lựu từ sau 1975‌

1.2.1. Khái lược về tiểu thuyết của Lê Lựu thời kì đổi mới

Lê Lựu sinh ngày 12/12/1942 tại một làng ngoại đê sông Hồng thôn Mẫn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân bình thường như mọi gia đình nông dân Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ nhỏ Lê Lựu đã sống với đồng đất, quê hương “Oai oái như phủ Khoái xin tương”. Quê ông là một vùng quê nghèo, những vụ lúa thường không đủ nuôi người. Có lẽ vì thế mà ông có những trang văn chân thực về cảnh nghèo, về cái đói nơi thôn quê. Cái làng Hạ Vị của ông tựa như cái làng Vũ Đại của Nam Cao. Có thể nói những nhà văn chân chính bao giờ cũng tìm thấy lí tưởng và nhựa sống ở ngay trên mảnh đất nuôi dưỡng mình dù đó là sỏi đá cằn khô.

Từ những năm 60, Lê Lựu rời ghế nhà trường bước vào quân đội. Tại thời điểm lúc đó phong trào “ba nhất đang hừng hực khí thế. Lê Lựu từ một cậu bé ở xa phủ, xa huyện cũng hòa mình vào không khí thi đua công - nông - binh toàn miền Bắc, làm lính thông tin rồi chuyển sang làm báo. Vài năm sau chiến tranh, Lê Lựu về làm việc ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội trong nhiều năm. Trong đời thường Lê Lựu giản đơn, chân thực và có phần “lôi thôi, lếch thếch”. Tuy nhiên ẩn sâu trong sự luộm thuộm đến cẩu thả đó là tâm hồn sống chân thật, thẳng thắn gần gũi vô cùng với cuộc đời.

Cuộc sống riêng tư của nhà văn cũng không bình lặng như mọi người mà phần nhiều là do hoàn cảnh. Ông lấy vợ lần đầu ở làng quê, hai người có con chung, sau nhiều năm mới li dị được. Người vợ thứ hai ở thành phố, nhưng cuộc sống cũng không bình lặng hơn. Thật khó khăn khi nói ông gặp may, hạnh phúc hay không hạnh phúc trong cuộc đời. Chỉ biết rằng, chính cuộc sống riêng của ông đã đem đến cho ông những trang viết giá trị.

Bước vào làng văn Việt Nam, người đọc biết đến ông qua những sáng tác: Tết làng Mụa (Văn nghệ quân đội 2/ 1964); Những người ở lại hậu phương (Văn nghệ quân đội 5/1964); Gan góc Bạch Long Vĩ (Văn nghệ quân đội 7/1965); Các chiến sĩ tí hon (Văn nghệ 1967)…Đặc biệt Người cầm súng đã đạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn


do báo Văn nghệ tổ chức năm 1967 – 1968. Người đọc lúc này mới thực sự chú ý đến nhà văn Lê Lựu. Tiếp nối mạch chảy này, Lê Lựu tiếp tục cho ra các tác phẩm Phía trước mặt trời, Truyện kể từ đêm hôm trước và đến Người về đồng cói thì cái tên Lê Lựu đã trở nên gần gũi với độc giả. Trần Đăng Khoa đã nhận xét: “Đến truyện ngắn Người về đồng cói Lê Lựu đã có mùi tiểu thuyết, người đọc biết đây sẽ là nhà tiểu thuyết có tài”.

Năm 1972, Lê Lựu đi Trường Sơn và bắt đầu viết Mở rừng. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Lê Lựu và cũng là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho đề tài chiến tranh và người lính cách mạng. Mở rừng trực tiếp viết về cuộc chiến tranh với cái nhìn đa chiều không đơn giản. Nhà văn đề cập đến số phận của một lớp người trong cuộc chiến tranh oai hùng và bi thảm (Đại tá Quang Văn, Vũ, Ngà). Lê Lựu cũng dựng lên bức tranh nông thôn mà ở đó có những người mẹ, người em đang ngày đêm vừa lao động sản xuất, vừa vững lòng tin vào những người đi xa. Đó là những con ngưòi nguyện cống hiến hết mình cho dân tộc. Tuy nhiên, cuộc đời, số phận mỗi người lại có một điểm riêng. Số phận, cuộc đời mỗi cá nhân tựa như một mảnh rừng âm u, mù mịt. Tự họ, họ phải đấu tranh, phải mở lối, tìm đường đi cho chính mình. Nói cách khác, họ phải tự mở rừng. “Muốn giành được thắng lợi phải tự mở lấy một con đường mới. Dân tộc mình cũng vậy, muốn phát triển phải tự tìm lấy lối đi. Đối với cuộc đời mỗi con người cũng phải thế” [ 77,449].

Năm 1979, cuốn tiểu thuyết thứ hai Ranh giới đã ra đời. Tác phẩm viết về sự lựa chọn của con người trước sự kiện đất nước thống nhất năm 1975. Nhà nghiên cứu Bích Thu nhận định: “Với Ranh giới, Lê Lựu đã đi vào đề tài mới, một lối viết mới nhưng chưa hẳn là một bước tiến mới của anh đối với thể loại này” [110,102].

Bước vào thời hậu chiến, con người phải đối mặt với biết bao đổi thay, bao sự lựa chọn về cách sống, lí tưởng. Phải sống như thế nào? Thay đổi như thế nào để vượt lên trên hoàn cảnh? Nuối tiếc về quá khứ, về một thời đã xa liệu có phải là sự lựa chọn đúng đắn? Tất cả những trăn trở, suy tư đó được tác giả hun đúc, gửi gắm trong tác phẩm Thời xa vắng. Cuốn tiểu thuyết giành được giải thưởng của Hội nhà văn Việt


Nam và nhanh chóng chiếm lĩnh được lượng độc giả đông đảo. Bộ phim Thời xa vắng được dàn dựng, khởi chiếu một lần nữa minh chứng cho giá trị của tác phẩm. Không những thế, Thời xa vắng đã tạo nên một hiện tượng văn học sôi nổi lúc bấy giờ. Tác phẩm đã phản ánh một dung lượng hiện thực lớn - chặng đường lịch sử từ sau Cách mạng đến đầu những năm 80 của thế kỉ XX. Cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời Giang Minh Sài - một bi kịch cá nhân. Những điều Lê Lựu đề cập đến trong tác phẩm không phải là những vấn đề to tát về lịch sử, xã hội mà đơn giản chỉ là câu chuyện đời thường về những số phận người không khó gặp trong xã hội. Thành công vang dội của cuốn tiểu thuyết này là việc Lê Lựu đã nói lên được những vấn đề của cuộc sống hàng ngày, những mối quan hệ trong gia đình, xã hội - điều mà bấy lâu nay, chúng ta tạm thời quên đi, tạm thời gác lại để dồn tâm vào cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại.

Tái hiện chân thực hiện thực của một thời kì lịch sử, Lê Lựu không đơn thuần là đào sâu quá khứ, khơi sâu bi kịch của con người mà hơn thế ông đã bày tỏ một quan niệm tích cực là phải đoạn tuyệt với cái cũ lạc hậu, kìm hãm sự phát triển tích cực của con người. Đồng thời tác phẩm đề cập đến mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, đề cao sự trân trọng những khát khao cá nhân; Con người phải sống bắt kịp thời đại, hòa nhập với thời đại nhưng không sa ngã, thoái hóa trước thời đại.

Năm 1990 Lê Lựu trình làng cuốn tiểu thuyết Chuyện làng Cuội. Có thể khẳng định Chuyện làng Cuội là một chuỗi sự phê phán có tính hệ thống ra đời mà theo Trần Đăng Khoa tác phẩm là “đứa con bất hiếu của ông bố nhân từ. Câu chuyện viết về công cuộc cải cách ruộng đất với những người cán bộ tha hóa, dần trở thành những kẻ lưu manh, giả dối, lừa lọc mọi người. Cuốn tiểu thuyết đã gây nên một hiện tượng phê bình mạnh mẽ với hai luồng ý kiến khen - chê rõ rệt. Có ý kiến cho rằng đó là: “sự kém bản lĩnh của một mụ phù thủy non tay ấn trước những âm binh mà mình dựng nên”; Có người lại nhận định tác phẩm là: “một cách nhìn bối rối đến định kiến đôi chỗ u uất và cay nghiệt, một sự chao đảo trong bối cảnh xã hội phức tạp, biến động”. Cuốn tiểu thuyết có lẽ chưa đạt được hiệu quả như nhà văn mong muốn. Nó mới chỉ dừng lại ở ý


tưởng chất liệu, cốt chuyện còn nhân vật mang tính phóng bút, ngôn ngữ dàn trải, phong cách truyện mang đậm màu sắc tự nhiên chủ nghĩa.

Sau cuốn tiểu thuyết nhiều vấn đề này, năm 1995, Lê Lựu ra mắt bạn đọc tác phẩm Sóng ở đáy sông. Nếu Thời xa vắng là cuộc đời bế tắc, lạc lõng, khuôn phép giáo điều của anh bộ đội Giang Minh Sài thì Sóng ở đáy sông là sự bất hạnh đến tha hóa rồi hoàn lương của “tên giang hồ” Phạm Quang Núi. Cuốn tiểu thuyết đã dựng nên những mâu thuẫn trong gia đình để từ đó làm cơ sở vững chắc cho những mâu thuẫn trong xã hội. Khi gia đình không có tình thương yêu và trách nhiệm làm nền tảng thì những đứa con như Núi sẽ bị ném ra lăn lộn, mưu sinh với đời. Một đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của mẹ, thừa sự lạnh lùng, vô tâm của cha thì tất yếu đứa trẻ đó sẽ tha hóa. Cách duy nhất để cảm hóa chúng là tình yêu thương của đồng loại, là sự giáo dục về nhân cách, lí tưởng và mục đích sống đúng đắn của xã hội. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết thành công của Lê Lựu. Tác phẩm không những nhận được sự hoan nghênh của độc giả mà với mười tập phim truyền hình Sóng ở đáy sông cho thấy tài năng và bản lĩnh cầm bút của Lê Lựu.

Sau Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội Sóng ở đáy sông, năm 2000 Lê Lựu trình làng Hai nhà mà theo nhận xét của nhiều người tác phẩm là tập hai của Thời xa vắng. Điều nổi bật trong cuốn tiểu thuyết này là những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt như tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình lại có sức ám ảnh day dứt người đọc. Tác giả đi thẳng trực tiếp vào vấn đề, lên án thói vô cảm, vô trách nhiệm và sự bản năng trong cuộc sống gia đình. Đây cũng là bài học xương máu cho mỗi người trong việc tìm kiếm và gìn giữ tình cảm gia đình, xóm làng, bạn hữu…

Ngoài sở trường truyện ngắn và tiểu thuyết, Lê Lựu còn có hai tác phẩm kí nổi bật: Một thời lầm lỗi (1988) và Trở lại nước Mỹ (1989). Với gần nửa thế kỉ cầm bút, vừa làm báo vừa sáng tác văn học, Lê Lựu đã để lại một số lượng tác phẩm phong phú: 9 tập truyện, 2 tập kí và 7 tiểu thuyết. Mặc dù số lượng tác phẩm chưa đồ sộ nhưng các sáng tác của Lê Lựu đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc cách tân diện mạo mới của tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới.

Xem tất cả 138 trang.

Ngày đăng: 22/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí