Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 24


KẾT LUẬN

1. Để khảo sát đặc trưng của văn học giai đoạn hậu kỳ, tìm hiểu tiến trình vận động của văn học trung đại, nghiên cứu ý thức nghệ thuật là hướng tiếp cận khả thủ và có triển vọng. Ý thức nghệ thuật và sự vận động của nó từ lý luận phê bình đến thực tiễn sáng tác thể hiện tập trung và rõ nét nhất qua ba phương diện: chức năng nghệ thuật, chất liệu nghệ thuật, cấu trúc nghệ thuật. Xét trong tiến trình văn học, sự vận động của ý thức nghệ thuật diễn ra trên cả hai trục thời gian và không gian. Trên trục thời gian, sự vận động được đánh dấu bằng các cột mốc phân chia giai đoạn và những dấu mốc quan trọng trên hành trình của từng thể loại. Trên trục không gian, ý thức nghệ thuật biến đổi khi chuyển từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị.

Văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX phát triển trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Hệ thống thành thị và văn hóa thị dân cổ vũ cho nhu cầu thưởng thức mới. Nghệ thuật, từ âm nhạc, trà đạo đến văn chương, trở thành đối tượng tiêu thụ của tầng lớp thị dân giàu có. Tiêu dùng theo thị hiếu xuất hiện, các loại hình nghệ thuật cao nhã và thông tục thâm nhập, hòa trộn vào nhau. Biến động về thiết chế xã hội và hệ tư tưởng bao gồm Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo gây ảnh hưởng lên văn học. Những nhân tố trên làm thành bối cảnh mới cho sự vận động của ý thức nghệ thuật.

2. Chức năng nghệ thuật của văn học được luận án lý giải theo nghĩa rộng. Nó được kết tinh dựa trên ý thức về mối quan hệ giữa văn học và đời sống xã hội, giữa tác giả, tác phẩm và người đọc. Đến giai đoạn hậu kỳ, hiện thực trong văn học từ là hiện thân của “đạo” trở thành thế giới của “tình”. Vũ trụ buồn vui theo mọi nỗi buồn vui của con người trần thế. Tuy nhiên, cũng có lúc con người tự phản tỉnh, chuyên chú nhìn vào nội tâm của chính mình, cắt đứt sợi dây nối kết giữa họ và thiên nhiên. Khi ấy, trong vũ trụ chỉ còn lại con người bơ vơ. Ý thức đó là khởi nguồn cho sự ra đời của con người cô đơn tuyệt đối trong thơ ca. Mối quan hệ giữa hiện thực và văn học còn được biện giải qua cặp phạm trù “thực” và “hư”. Thực là cái mà con người có thể cảm nhận bằng giác quan “mắt thấy, tai nghe” và lý giải


bằng nhận thức. Hư không hẳn là cái không có thật mà có thể là hiện thực của cái bất khả tư nghị”. Quan hệ giữa “hư” và “thực”, “có” và “không” khó tách rời. Con đường đi từ thực đến , đề cao giá trị của thế giới huyễn mộng, đối lập với quan niệm tránh xa chuyện quỷ thần của Nho giáo phản ánh quá trình trưởng thành của tư duy tiểu thuyết. Sự vận động trong ý thức về “thực” và “hư” cuối cùng gặp gỡ nhau ở chỗ: cùng hướng đến thế giới tình cảm phong phú, mãnh liệt của con người.

Ý thức mới về quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học là khởi nguồn cho những thay đổi trong cách xử lý chất liệu nghệ thuật và xây dựng cấu trúc nghệ thuật. Với người xưa, sáng tác văn chương là việc hệ trọng, có mối liên kết chặt chẽ với nhân phẩm, đạo đức con người. Vì vậy, mối liên hệ giữa tác giả và tác phẩm thường được bàn đến. Giai đoạn hậu kỳ, ý thức về cấu trúc nhận thức tài, tình, chí không như trước. Cảm xúc (tình) được đặt lên trước hoài bão (chí) trong ý thức sáng tác của nhà nho tài tử. Tài năng nghệ thuật thiên bẩm phân biệt tách bạch với tài năng học thuật, được ca ngợi như là cội nguồn sáng tạo. Cái gọi là tài hoa được nhấn mạnh ở khía cạnh sáng tạo cái đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhân danh tài hoa, con người khát vọng phá tung mọi lề thói cũ. Ngoài ra, văn chương được quan niệm như nghệ thuật của trò chơi, cuộc phiêu lưu của sự chơi. Đấy không phải là hành động hạ thấp, biến văn chương thành trò giải trí tầm thường mà là sự khẳng định mới về ý nghĩa của văn chương. Tiếp cận văn chương từ bản chất trò chơi, các tác giả tìm thấy cơ hội giải thoát bản thân khỏi cái thường nhật đầy quy tắc để đến với cái tôi chân thật. Từ đây, văn học dịch chuyển từ “mỹ học quy tắc” sang “mỹ học thiên tài”.

Trong tiếp nhận, tác giả với tư cách là độc giả lấy phạm trù “tình” làm căn cứ cho sự đọc. Chúng tôi gọi đấy là cách đọc “hướng tình”. Các nhà nho như Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du… không che giấu việc đọc và viết tiểu thuyết. Tình hình ấy ở Việt Nam khác với Triều Tiên, quốc gia cũng tôn sùng Nho giáo và chịu ảnh hưởng từ văn học Trung Hoa. Tái sinh văn bản văn học bằng cách hiểu riêng, độc giả giai đoạn này tạo nên một cộng đồng dùng “tình” lý giải văn chương. Độc giả của tiểu thuyết là kiểu độc giả mới, khác với độc giả của văn


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

chương giáo huấn. Cách diễn giải về văn học của họ không đóng khung trong các tiêu chuẩn đạo lý. Độc giả nữ tự bộc lộ mình rõ nét hơn, bày tỏ niềm yêu thích dành cho tiểu thuyết, thi từ, những câu chuyện li biệt, tương tư. Quả thật, người đọc là năng lượng thúc đẩy tiến trình vận động của văn học.

Sự vận động trong ý thức về các mối quan hệ cơ bản của văn học dẫn đến sự biến đổi của các chức năng nghệ thuật. Một số trí thức nho học mở rộng ý nghĩa của “đạo”, đưa ra kiến giải riêng về chức năng “tải đạo”. Trước đời sống không ngừng thay đổi, “đạo” cần được hiểu xa hơn là sách vở kinh điển. Sức sống của văn chương bắt nguồn từ cuộc đời. Và không chỉ văn học chữ Hán, văn học chữ Nôm cũng được khẳng định ở khả năng “tải đạo”. Quan niệm “Văn dĩ tải đạo” khi di chuyển vào Đàng Trong mang sức sống mạnh mẽ. Tác giả Đàng Trong không ngần ngại sử dụng những yếu tố lệch chuẩn, phi Nho để thực hiện chức năng chở đạo. Đạo Nho và loại văn học chở đạo được cả giới trí thức và người bình dân trên vùng đất mới hào hứng đón nhận.

Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 24

Bên cạnh đó, văn học xuất hiện chức năng nghệ thuật mới: chức năng “ngôn tình”. Ngoài chở đạo, văn chương còn để “nuôi tình”, “chở tình”. “Tình” ở đây không phải chỉ là tình cảm cao thượng của con người lý tưởng mà là mọi rung động, cảm xúc, tình cảm riêng tư. Lê Quý Đôn với mô hình ba yếu tố "tình – cảnh – sự", trong đó ''tình'' hiểu là tình cảm chân thật của lòng người, đã đánh dấu trên phương diện lý luận sự thay đổi của ý thức về chức năng văn học. Nguyễn Du tiến xa hơn khi dùng văn học để phát tiết nỗi phẫn uất, đau đớn, rời xa "thơ nói chí". Ý thức về bản thân như một nhà thơ, không phải như một ông quan hoặc thuần túy là môn đồ Nho học, trở nên mạnh mẽ ở các tác giả thế kỷ XVIII – XIX. Đến Cao Bá Quát, một mặt ông kế thừa quan niệm xem cảm xúc, tình cảm chân thật là cốt lõi của văn học, mặt khác, phát triển quan niệm này giữa bối cảnh hoàng phái nhà Nguyễn có ảnh hưởng rộng trong đời sống văn học. Phê phán lối sáng tác "nệ cổ", "sùng cổ" thái quá, Cao Bá Quát chủ trương "thơ gốc ở tính tình", đề cao cá tính sáng tạo riêng. Nhìn chung, chức năng “ngôn tình” gắn với khuynh hướng văn học mới: văn học “duy cảm”, “duy tình”.


3. Với sự xuất hiện của chức năng “ngôn tình”, chất liệu nghệ thuật và cấu trúc nghệ thuật trong văn học thế kỷ XVIII – XIX cũng biến đổi. Từ thực tiễn sáng tác, luận án trừu xuất ra những đặc điểm cơ bản của sự biến đổi ấy. Ngôn ngữ là chất liệu cơ bản nhất của văn học. Theo sự biến đổi của cấu trúc song thể ngữ, ranh giới phân biệt dạng thức ngôn ngữ cao và dạng thức ngôn ngữ thấp mờ nhạt dần. Văn học chữ Nôm được bảo vệ, đề cao, mở đường cho tính bất quy phạm, tính đại chúng thâm nhập sâu vào văn học. Ý thức giải thoát thể xác và tinh thần con người khỏi sự kìm nén của tín điều tôn giáo là động lực để hình thành nên tính thế tục ở ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ hướng đến miêu thân thể con người, kích thích giác quan, khuấy động cảm giác chân thực của thân xác là một biểu hiện của sự “thế tục hóa”. Lực ly tâm giữa ngôn ngữ bất quy phạm và ngôn ngữ quy phạm gia tăng. Đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật tạo nên bước ngoặt về cách viết cho văn học. Nếu cách viết truyền thống quy cho từ ngữ ý nghĩa biểu tượng cụ thể thì cách viết mới, cách viết ký hiệu, tạo dựng một cấu trúc mà trong đó ý nghĩa của từ là kết quả từ sự tương tác giữa ký hiệu này với ký hiệu khác.

Ngôn ngữ cấu tạo nên hình tượng nghệ thuật cho tác phẩm văn học. Một mặt, thông qua hình tượng nghệ thuật, tác giả gửi gắm ý đồ sáng tác. Mặt khác, người đọc muốn tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm phải dựa vào hình tượng nghệ thuật. Luận án không phân tích từng hình tượng nghệ thuật cụ thể mà cố gắng chỉ ra những đặc điểm chung chi phối phương thức xây dựng hình tượng nghệ thuật của văn học giai đoạn hậu kỳ. Tương ứng với sự biến đổi của chức năng nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật, phương thức xây dựng hình tượng nghệ thuật cũng trở nên khác trước, chú trọng đến tính “duy tình”, tính “duy mỹ” và tính “dị biệt”. Thứ nhất, tính “duy tình” thể hiện qua việc thế giới được khai thác ở khía cạnh “tình”. Trong thế giới ấy, con người “vị tình” là trung tâm, đối lập với con người “vị đạo”. Văn học chuyển tiêu điểm vào thế giới nội tâm cá nhân đầy khát khao, ẩn ức. Thứ hai, cùng với “tình”, “mỹ” trở thành tiêu chí quan trọng để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Văn học ưa thích vẻ đẹp diễm lệ, ngoài ra còn đề cao cái đẹp gắn với nỗi buồn phù thế. Thứ ba, việc chọn lựa chất liệu nghệ thuật và cách tái hiện hình tượng nghệ thuật


không hoàn toàn tuân theo những công thức cũ mà có tính riêng lẻ, cá biệt, cho thấy sự sáng tạo tự do của người viết. Ba đặc điểm trên của phương thức xây dựng hình tượng nghệ thuật đã góp phần làm nên giá trị nhân văn, nhân bản cho văn học giai đoạn.

Nhìn từ góc độ cấu trúc nghệ thuật, hệ thống thể loại và cấu trúc từng thể loại đều có sự vận động. Nhóm văn học nghệ thuật xuất hiện nhiều thể loại mới như truyện thơ, ngâm khúc, hát nói,v.v. Trong quá trình phát triển, một số thể loại như hịch, văn tế, truyện ký… làm mờ đi ranh giới giữa văn học chức năng và văn học nghệ thuật. Sự biến đổi ở bản thân từng thể loại rất đa dạng nhưng xét một cách khái quát, có thể quy chúng thành hiện tượng phá vỡ quy phạm nhằm mở rộng đường biên sáng tạo. Ở tác phẩm trữ tình, chủ thể phát ngôn được trao những vai mới. Cởi bỏ chiếc áo phận vị, chủ thể phát ngôn lựa chọn đại diện cho chính mình – con người sống với thế giới cảm xúc muôn vàn cung bậc. Cái tôi trữ tình từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đến Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương tuy có điểm khác biệt nhưng đồng thời gặp gỡ nhau ở chỗ đó là cái tôi chân thật, đời thường. Tác giả nữ xuất hiện nhiều hơn giai đoạn trước, mang đến cho văn chương tiếng nói nữ tính. Với tác phẩm tự sự, kết cấu trần thuật được mở rộng, thậm chí biến đổi, nhờ vào “thành phần xen”. Tuy kết cấu tuyến tính vẫn phổ biến nhất nhưng kết cấu hồi cố, kết cấu “truyện trong truyện” đã xuất hiện, điểm nhìn “sử quan” nhạt dần. Tiểu thuyết ngày càng trưởng thành với tư cách là một thể loại hư cấu, dứt khỏi mạch nguồn sử ký.

4. Không ngừng khám phá điều mới lạ là nhu cầu nội tại của văn học mọi thời đại. Tuy nhiên, giai đoạn hậu kỳ là thời điểm văn học trung đại trải qua cuộc tranh chấp, va chạm mạnh mẽ nhất giữa khuynh hướng cách tân và khuynh hướng truyền thống. Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn) ở Đàng Ngoài, Song Tinh Bất Dạ (Nguyễn Hữu Hào) ở Đàng Trong đã cắm mốc cho sự mở đầu văn học thế kỷ XVIII

– XIX với hướng vận động từ "duy lí" chuyển sang "duy tình". Các tác giả tiếp sau như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương vừa kế thừa vừa phát triển những khía cạnh khác nhau của chủ


trương đề cao tình cảm trong văn học. Điều đó tạo nên tiến trình vận động của văn học thế kỷ XVIII – XIX. Dựa trên việc nghiên cứu ý thức nghệ thuật, chúng tôi mong muốn tìm hiểu sâu hơn sự biến đổi phức tạp của văn học giai đoạn này. Mô hình lý thuyết phương Tây được dùng trong luận án giúp chúng tôi soi chiếu lại vấn đề ý thức nghệ thuật, góp phần khẳng định giá trị của di sản văn học ông cha, chứng minh ý thức nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam có những điểm đã chạm đến giá trị chung của nhân loại. Cố nhiên, giai đoạn hậu kỳ với hệ thống lý luận phê bình và thực tiễn sáng tác vô cùng bề bộn, ngổn ngang còn cần đến những cách tiếp cận khác, những công trình tiến hành công việc so sánh với qui mô và mức độ sâu rộng hơn trong tương lai.


NHỮNG CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN‌

1. Đàm Anh Thư (2010), Phú Nôm thời trung đại – Hành trình và đóng góp, Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐH Sư phạm TP HCM.

2. Đàm Anh Thư (2012), “Phép thuật, tướng số, bói toán, phong thủy – Niềm tin tâm linh trong văn học trung đại”, Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM, số 38 [72].

3. Đàm Anh Thư (2012), “Mộng – Niềm tin tâm linh trong văn học trung đại”, Tạp chí khoa học Trường Đại học Sài Gòn, Số chuyên đề Bình luận văn học (ISSN: 1859 – 3208)

4. Đàm Anh Thư (2013), “Hành trình tìm kiếm “nhân sinh chi khoái lạc” và sự trỗi dậy của khát vọng sống trong phú Nôm thời trung đại”, Nghiên cứu văn học, số 1.

5. Đàm Anh Thư (2014) (thành viên), Văn học trung đại Việt Nam và những vấn đề tâm linh, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Lê Thu Yến, Mã số: B2010.19.67

6. Đàm Anh Thư (2014), Mối hận kỹ nữ và tính nữ trong văn học trung đại Việt – Hàn, Báo cáo tại Hội thảo Báo cáo Ngữ văn, ĐHKHXH&NV TP.HCM.

7. Đàm Anh Thư (2015), “Dấu hiệu của tính đại chúng trong tiến trình vận động của văn học Đàng Trong”, Khoa học Trường ĐHSP TPHCM, số 1(66).

8. Đàm Anh Thư (2015) (soạn chung), Văn học trung đại và những vấn đề tâm linh, Lê Thu Yến (chủ biên), Nxb Đại học Sư phạm TP.HCM, TP HCM.

9. Đàm Anh Thư (2015), “Cái song trùng trong sáng tác Nguyễn Du”, Đại thi hào dân tộc danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Kỷ yếu kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, Trường ĐH KHXN&NV, Nxb Đại học quốc gia TP HCM, TP HCM.

10. Đàm Anh Thư (2016), “Nữ giới và vẻ đẹp kiêu hãnh trong thơ chữ Hán nữ tác giả Triều Tiên”, Nghiên cứu văn học, số 9.



Tiếng Việt

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dư Quan Anh chủ biên (2007), Lịch sử văn học Trung Quốc, 2 tập, Lê Huy Tiêu và nhiều người khác dịch, Tái bản lần thứ 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Đào Duy Anh (1938), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Bốn phương, Hà Nội.

3. Đào Duy Anh (1975), Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Kim Anh (1996), “Bài ký “Hành tại diện đối” của Phạm Đình Hổ”, Hán Nôm, số 4 (29), tr.46-52.

5. Thế Anh (2001), “Từ Trung Hoa và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam”, Hán Nôm, số 1 (46), tr.84-91.

6. Phạm Văn Ánh (2011), “Quan niệm từ học của Miên Trinh”, Nghiên cứu văn học, số 12, tr.61-76.

7. Lại Nguyên Ân, “Tư duy lý luận trước ý thức văn học đang phát triển”, nguồn: http://lainguyenan.free.fr

8. Lại Nguyên Ân, “Thử nghĩ về chất văn xuôi”, http://lainguyenan.free.fr

9. Lại Nguyên Ân, “Dương Quảng Hàm và bộ môn văn học sử Việt Nam”, http://lainguyenan.free.fr

10. Nguyễn Quang Ân (1998), Lịch sử văn hóa Việt Nam – những gương mặt trí thức, Tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

11. Bakhtin, M. (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.

12. Bakhtin, M. (1993), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

13. Barrow, John. (2011), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà năm 1792 - 1793, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội.

Xem tất cả 226 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí