Trong thời gian tới chúng ta cần chú trọng tăng cường công tác cán bộ và đào tạo công nhân kỹ thuật làm việc trong khu vực kinh tế có vốn FDI theo các hướng sau đây:
Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao tầm hiểu biết về luật pháp, chính sách, chuyên môn, ngoại ngữ đối với đội ngũ các cán bộ làm việc với nước ngoài.
Thí điểm hình thức thi tuyển hoặc có cơ chế bổ nhiệm hợp lý các chức vụ quan trọng trong liên doanh. Rà soát, sàng lọc để nâng cao chất lượng cán bộ, chấm dứt tình trạng hễ có đất góp vốn thì mặc nhiên được cử người của mình tham gia vào hội đồng quản trị và ban giám đốc.
Đồng thời phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức tốt việc nâng cao tay nghề cho người lao động.
2.Giải pháp cụ thể cho ngành du lịch.
2.1.Xây dựng quy hoạch phát triển du lịch.
Trong giai đoạn phát triển du lịch hiện nay của nước ta, cùng với nhu cầu thu hút vốn đầu tư vào ngành du lịch, quy hoạch các khu điểm du lịch là một trong những yêu cầu cấp bách đối với các địa phương trên toàn quốc. Có thể hiểu quy hoạch du lịch là quá trình lập kế hoạch khai thác các tài nguyên du lịch để tạo thành các sản phẩm phù hợp. Quy hoạch du lịch có những khác biệt nhất định so với quy hoạch kinh tế – xã hội và các quy hoạch chuyên ngành khác. Quy hoạch du lịch có tính linh hoạt hơn, không mang tính áp đặt mà dựa trên một số nguyên tắc, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là nguyên tắc thị trường. Thị trường quyết định ai sẽ là người tiêu thụ các sản phẩm du lịch được tạo ra, các sản phẩm này sẽ bao gồm những cấu thành gì, được bán với giá bao nhiêu, được thiết kế như thế nào... Do vậy, khi xây dựng quy hoạch chi tiết các khu điểm du lịch cần phải tiến hành nghiên cứu thị trường tỉ mỉ. Từ đó xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển ngành đối với tổng thể cả nước gắn với quy hoạch kinh tế xã hội của cả nước. Quy hoạch ngành du lịch phải đảm bảo phát triển 3 vùng du lịch trọng điểm gắn với 3 vùng động lực phát triển kinh tế,
hướng cho các địa phương, các doanh nghiệp khai thác có kế hoạch các tiềm năng du lịch, điều kiện cơ sở hạ tầng cho phép đến đâu tổ chức khai thác đến đó. Quy hoạch phải dựa trên đặc điểm về tự nhiên và văn hoá từng vùng sinh thái khác nhau và phải có sự nhất trí của các ban ngành cùng người dân địa phương có gắn bó với du lịch. Có như thế mới phát huy hết thế mạnh từng địa phương đầu tư sẽ hiệu quả hơn (không trùng lắp) và sản phẩm mới đa dạng hấp dẫn. Một quy hoạch phát triển du lịch cụ thể, rõ ràng chắc chắn sẽ tạo điều kiện và hướng các nhà đầu tư vào những lĩnh vực đầu tư đúng đắn.
Có thể bạn quan tâm!
- Đẩy Mạnh Xuất Khẩu Tại Chỗ Tăng Thu Ngoại Tệ.
- Mục Tiêu Thu Hút Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài.
- Giải Pháp Cải Thiện Môi Trường Đầu Tư Nói Chung.
- Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành du lịch Việt Nam - 13
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
Ngoài ra bên cạnh việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển ngành du lịch nói chung, chúng ta phải tiến hành quy hoạch các dự án đầu tư nước ngoài. Đây là một nội dung vô cùng quan trọng. Việc thiếu hoặc chậm đưa ra một kế hoạch quốc gia về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch chắc chắn sẽ là nguyên nhân gây bất lợi cho hoạt động quản lý Nhà nước và môi trường đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch. Điểm cần quan tâm trong quy hoạch đầu tư là phải tạo cho được môi trường thu hút đầu tư, đầu tư cân đối, hài hoà giữa các lĩnh vực và các vùng trong cả nước. Hơn nữa, phải phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước thể hiện qua việc đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại. Ngoài việc duy trì các nhà đầu tư “truyền thống” như Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, British Virgin Island, Hàn Quốc... cần tập trung nghiên cứu khả năng thu hút hơn nữa các nhà đầu tư tiềm năng từ các nước liên minh Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Đây là những nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, có thị trường lớn.
2.2.Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách khuyến khích đầu tư vào
du lịch.
Tổng cục Du lịch, cục xúc tiến du lịch và các bộ ngành có liên quan cần tăng cường công tác nghiên cứu tình hình kinh tế, thị trường đầu tư, chính sách đầu tư nước ngoài của các nước, các tập đoàn và các công ty lớn để có chính sách thu hút vốn FDI cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu luật pháp,
chính sách và các biện pháp thu hút đầu tư của các nước trong khu vực là cần thiết để kịp thời có những đối sách hợp lý. Hệ thống pháp luật chuyên ngành du lịch cần đảm bảo tính cụ thể, rõ ràng, nhất quán và dự đoán trước được.
Để khuyến khích đầu tư vào du lịch các chính sách thu hút đầu tư vào du
lịch cần được hoàn thiện theo hướng:
Về chính sách thuế:
Giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong du lịch. Hiện nay, mức thuế này ở mức 25% là mức thuế cao nhất, cao hơn so với khả năng thực hiện.
Giảm dần và tiến tới loại bỏ việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại hình kinh doanh sân golf bởi vì golf là một hình thức thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bơi lội...nên được khuyến khích phát triển chứ không nên xếp chung vào nhóm kinh doanh bị hạn chế phát triển như vàng mã, thuốc lá, rượu bia.
Về chính sách đất đai:
Từng bước thực hiện thống nhất tiền cho thuê đất đối với các doanh nghiệp.
Miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án đang trong thời kỳ xây dựng cơ
bản, dự án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Ban hành chế độ đền bù, giải toả đất theo nguyên tắc:
Giá đất tính đền bù phải sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Tổ chức giao đất, thuê đất có trách nhiệm chi trả tiền đền bù cho người có đất bị thu, nhưng phía Việt Nam phải chịu trách nhiệm giải toả mặt bằng và chỉ giao đất cho chủ dự án FDI khi đã giải phóng xong mặt bằng.
2.3.Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư.
Việt Nam bắt đầu tiếp nhận đầu tư nước ngoài trong hoàn cảnh thế giới có sự cạnh tranh gay gắt về thị trường đầu tư. Nhiều nước xung quanh ta như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Malaixia...đã có nhiều kinh nghiệm và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước
ngoài. Do vậy, muốn thu hút nhiều vốn đầu tư hơn, chúng ta cần đẩy mạnh công tác xúc tiến vận động đầu tư nước ngoài một cách liên tục, tổ chức tuyên truyền quảng cáo để gây sự chú ý và quan tâm của các nhà kinh doanh nước ngoài làm cho họ thấy lợi thế khi quyết định đầu tư ở Việt Nam. Để thực hiện tốt công tác vận động xúc tiến đầu tư chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp sau đây:
Phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch, Cục xúc tiến Du lịch trong việc nghiên cứu thị trường đầu tư thế giới và khu vực, trên cơ sở đó, xác định các đối tác tiềm năng và xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư cụ thể đối với từng đối tác.
Tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của các tổ chức xúc tiến đầu tư quốc tế, trước hết là trong khuôn khổ các nước ASEAN, APEC...để giới thiệu quảng cáo về môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Tổ chức thường xuyên việc cung cấp và tiếp nhận thông tin từ các sứ quán Việt Nam ở các nước, có kế hoạch cụ thể để các sứ quán có thể tham gia một cách tích cực và có hiệu quả vào công tác vận động đầu tư.
Thiết lập mối quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư ở một số nước để trao đổi thông tin và kinh nghiệm đồng thời đẩy mạnh quan hệ với các công ty tư vấn quản lý dịch vụ đầu tư quốc tế để thu thập thông tin và tiếp nhận sự giúp đỡ trong xây dựng pháp luật, vận động đầu tư.
Tăng cường tổ chức các diễn đàn đầu tư ở Việt Nam và nước ngoài, nội dung của từng diễn đàn phải thích hợp với tính chất và mục đích từng nơi và từng thời điểm.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến thương mại của các nước ở Việt Nam để tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu luật pháp, chính sách, quảng bá các chương trình, dự án đầu tư nhằm mục đích vận động đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tổ chức định kỳ các cuộc gặp các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài vào ngành du lịch Việt Nam để tìm hiểu tình hình, tháo gỡ khó khăn
và hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.
Công bố danh mục các dự án kêu gọi vốn FDI vào ngành du lịch, soạn thảo, in tài liệu, sách nhằm phổ biến luật pháp, chính sách về FDI bằng các thứ tiếng thông dụng như Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc… Đồng thời các Bộ, Ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố phải chủ động và có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo đàm phán, ký kết hợp đồng các dự án FDI.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin về FDI vào ngành du lịch làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, quản lý hoạt động FDI vào du lịch. Việc xây dựng các trang Web về FDI vào lĩnh vực du lịch là cần thiết để phục vụ việc cung cấp thông tin cập nhật về chủ chương, chính sách pháp luật về đầu tư vào du lịch, giới thiệu các dự án kêu gọi vốn FDI, biểu dương những dự án thành công.
2.4. Xây dựng cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch.
Trong bối cảnh các địa phương được phân cấp, uỷ quyền cấp phép đầu tư và được phép giải quyết một số công việc liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư thì việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quan lý Nhà nước càng trở nên quan trọng. Cần lưu ý rằng việc phân cấp, uỷ quyền không có nghĩa là Chính phủ Trung ương, ngành du lịch không còn quan tâm tới những dự án không còn thẩm quyền của mình nữa. Ngược lại, Chính phủ cần chỉ đạo cùng ngành du lịch và các ngành chức năng khác tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức hướng dẫn các địa phương việc thực hiện các hoạt động có liên quan đến đầu tư nưóc ngoài thuộc thẩm quyền của họ trên cơ sở quy hoạch thống nhất và chiến lược được thông qua. Việc làm này thể hiện tính hiệu lực của việc Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước trong quá trình thu hút và triển khai các dự án đầu tư nước ngoài để phát triển du lịch nói riêng và các ngành kinh tế khác nói chung tại Việt Nam.
2.5.Trợ giúp về mặt tài chính cho các doanh nghiệp.
Nhiệm vụ quan trọng nhất mà ngành du lịch Việt Nam cần ưu tiên thực hiện đó là thành lập quỹ tài chính nhằm cung cấp các khoản tín dụng với lãi suất thấp và dài hạn cho những dự án đầu tư vào các tiểu ngành ưu tiên như xây dựng khu vui chơi giải trí, nghỉ mát, vận chuyển khách... Điều này có thể thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài cho dù thời gian thu hồi vốn lâu hơn. Bằng cách làm này, sự phân bổ không đồng đều hiện tại của FDI giữa các tiểu ngành có thể được cải thiện một cách đáng kể và đó cũng là cách tốt nhất để hạn chế những tác động tiêu cực của FDI và góp phần củng cố, nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam về lâu dài.
2.6.Tăng cường đào tạo lực lượng lao động trong ngành du lịch.
Lực lượng lao động dồi dào và chi phí thấp là những nhân tố có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc thu hút FDI trong ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động lành nghề và được đào tạo tốt trong ngành lại khá nhỏ. Tình trạng vừa thừa vừa thiếu, thừa lao động chưa được đào tạo, tay nghề thấp nhưng lại thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đang là tình trạng phổ biến ở nước ta. Hầu hết lao động người Việt Nam phải qua đào tạo lại trước khi làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này có nghĩa là chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài cho dù số lượng lao động khá đông. Do đó, việc đầu tư tập trung vào phát triển nguồn nhân lực có thể là một lựa chọn khôn ngoan cho ngành du lịch Việt Nam trong việc thu hút thêm FDI.
Trong thời gian tới để việc đào tạo cán bộ cho ngành du lịch ngày càng tốt hơn chúng ta cần làm tốt những việc sau đây:
Thứ nhất, ngành du lịch cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và có kế hoạch triển khai cụ thể chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các yêu cầu mà ngành đang đặt ra. Xác định rõ phạm vi và lĩnh vực đào tạo vì đây là yếu tố quyết định để đầu tư vào đào tạo.
Thứ hai, về cơ cấu đào tạo, cần phải chú trọng đào tạo đồng bộ từ nhân viên phục vụ đến cán bộ quản lý kinh doanh, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học công nghệ theo một tỷ lệ thích hợp, tránh tình trạng chỉ tập trung đào tạo ở bậc đại học. Ngoài cơ cấu đào tạo hiện tại, nên xây dựng một số trường cao đẳng chuyên ngành ở ba miền, tăng tỷ lệ giờ thực hành, bài tập tình huống, tham quan nhận thức... chiếm từ 30 đến 50% số giờ của các môn học để đào tạo một số lĩnh vực còn khá thiếu như marketing, nghiệp vụ khách sạn...
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cùng Tổng cục du lịch đánh giá đúng thực trạng đào tạo, xác định những lĩnh vực cần ưu tiên đào tạo để đầu tư tập trung và sớm hình thành nên những trung tâm đào tạo chất lượng cao. Việc đào tạo có thể do các trường đảm nhiệm nhưng việc hoạch định kế hoạch đào tạo và kiểm tra đánh giá chất lượng phải được quản lý trong một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất về chuyên môn chung cho toàn quốc. Chỉ những trường có đầy đủ các điều kiện mới được cấp giấy phép đào tạo.
Thứ tư, các cơ sở đào tạo trong cả nước một mặt cần thống nhất nội dung, chương trình đào tạo dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục du lịch, mặt khác cần hợp tác với nhau biên soạn các giáo trình trọng điểm.
Thứ năm, sự liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo ngày càng phải được chú trọng hơn. Phát triển mô hình đào tạo tại các doanh nghiệp theo đơn đặt hàng là rất tiết kiệm và hiệu quả, nó đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Đồng thời, tổng cục du lịch cần chỉ đạo các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm hơn đối với công tác đào tạo, trong việc tài trợ công tác biên soạn giáo trình, cấp học bổng cho sinh viên, tiếp nhận, hướng dẫn tạo điều kiện cho sinh viên thực tập.
Với chiến lược đào tạo thích hợp, chất lượng lực lượng lao động ngành du lịch sẽ được nâng cao trong một thời gian không xa.
KẾT LUẬN
Trong thời gian qua, FDI đã thổi một nguồn sinh lực mới vào ngành du lịch Việt Nam thông qua chuyển giao công nghệ và đào tạo FDI đã góp phần làm phong phú cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, tăng thu ngoại tệ và đóng góp vào ngân sách Nhà nước... Các khách sạn, trung tâm thương mại, tổ hợp văn phòng căn hộ to lớn, lộng lẫy đã thực sự mang lại bộ mặt mới cho các thành phố trên cả nước, sánh vai cùng các thành phố hiện đại trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực kể trên thì FDI vào ngành du lịch còn nhiều hạn chế lượng vốn đầu tư có xu hướng giảm, cơ cấu đầu tư mất hợp lý, hiệu quả các dự án đầu tư chưa cao nhiều dự án phải rút giấp phép đầu tư hoặc tạm ngừng triển khai hoạt động. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng trên là môi trường đầu tư ở Việt Nam trong lĩnh vực du lịch còn chưa thuận lợi. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta phải hoàn thiện môi trường đầu tư hơn nữa, tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong một khuôn khổ hạn chế, khoá luận đã tập trung vào những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư nói chung và một số giải pháp cụ thể cho ngành du lịch như xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường đào tạo lực lượng lao động trong ngành du lịch...
Với những cải thiện về môi trường đầu tư của Việt Nam cùng với sự phục hồi khách quan của các nền kinh tế trong khu vực, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng là FDI vào ngành du lịch sẽ lại tăng trưởng mạnh mẽ góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển ngành du lịch nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.