- Lý: là một thể loại âm nhạc dân gian vẫn thịnh hành trong sinh hoạt đời sống tinh thần của nhân dân lao động từ bắc chí nam. Ở Bình Dương có rất nhiều điệu lý với đề tài lý rất đa dạng và hết sức bình dị như: các loại cây ăn trái và các loại bông, vật dụng hàng ngày, các nhân vật cũng như phản ánh phong tục tập quán, lễ nghi hội hè, chùa chiền...
“Con gà trống cộ Nằm dựa bàn minh Anh thề với em Bên nay là miễu Bên kia là đình
Đình kia thời miễu nọ cho linh Đừng cho bạn cũ tư tình với ai” (Lý miễu lý đình)
- Hò: rất thịnh hành và phát triển trên đất Bình Dương sớm hơn so với một số vùng ở miền Tây Nam Bộ. Có thể nói hò có sức hấp dẫn và quyến rũ lạ thường. Người ta thường gây cuộc hò trong các vạn cấy trên đồng áng, người ta chèo ghe đuổi theo đặng hò đối đáp trên sông rạch, người ta hò thi bên cối xay lúa, hò tâm tình bên cối giã gạo, ngồi hò bên che ép mía, hò trong dịp cưới hỏi, mừng tân gia, giỗ quảy... Lời hò chứa đựng nội dung trữ tình, biểu hiện những mối quan hệ tình yêu trai gái, quan hệ hôn nhân và gia đình, đề cao cách đối nhân xử thế, rút ra những kinh nghiêm ở đời.
- Nói thơ – nói vè: xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XX, là thời kỳ thịnh hành truyện thơ quốc ngữ. Một số bài vè mang rõ nét đặc thù của đất Bình Dương như: chợ Thủ ngày xưa, vè đi chợ, vè làm chén...
Tóm lại: qua công lao sưu tầm của đoàn nghiên cứu dân ca và thơ ca dân gian Bình Dương (trong đó có nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang), kho tàng văn học dân gian Bình Dương đã được phát hiện và giữ gìn, truyền bá
rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hơn mười năm qua, các làn điệu dân ca và các bài vè Bình Dương đã tỏ rõ sức sống của mình, góp mặt với đời bằng những tiết mục độc đáo và hấp dẫn... đã gặt hái nhiều huy chương vàng trong phong trào văn nghệ cả nước. Đó là: “Vợ chồng làm biếng” (lý cây khế, lý kêu đò và vè làm biếng), Thi tài nói dóc, Lý trèo đèo (Bình Dương quê em). Dân ca và thơ ca Bình Dương đã và sẽ góp phần một cách xứng đáng làm cho diện mạo dân ca Nam Bộ ngày càng được trọn vẹn hơn, hoàn chỉnh và cân đối hơn.
* Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương.
Có thể bạn quan tâm!
- Tiềm Năng Du Lịch Của Tỉnh Bình Dương
- Thực trạng và chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2020 - 9
- Thực trạng và chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2020 - 10
- Thực trạng và chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2020 - 12
- Hiện Trạng Phát Triển Du Lịch Tỉnh Bình Dương Giai Đoạn 2005-2010
- Lượng Khách Du Lịch Tỉnh Bình Dương
Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.
Đờn ca tài tử là một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc mà không gian văn hóa của nó bao trùm toàn khu vực Nam bộ, len lõi vào đời sống nhân dân từ nông thôn đến thành thị. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này, từ năm 2008, Ban giám đốc Bảo tàng Bình Dương đã chỉ đạo thực hiện công tác điều tra, khảo sát, thu thập tư liệu về loại hình nghệ thuật này.
Theo số liệu điều tra từ năm 2009-2010, trong toàn tỉnh có khoảng 56 câu lạc bộ và 5 nhóm đờn ca tài tử, trong đó tập trung đông nhất và phát triển mạnh nhất ở các huyện: Dĩ An (15 câu lạc bộ), Tân Uyên (7 câu lạc bộ), Thuận An (7 câu lạc bộ và 5 nhóm) và thị xã Thủ Dầu Một (9 câu lạc bộ). Ở mỗi huyện đều thành lập được câu lạc bộ đờn ca tài tử cho riêng mình hoặc do tính cách của người dân Đông Nam Bộ ưa đờn ca tài tử nên nếu không thể thành lập được đội riêng thì trong đội văn nghệ của huyện cũng có nhóm hát đờn ca tài tử riêng để góp vui trong những hoạt động của huyện và tham gia phong trào mỗi năm do tỉnh tổ chức. Nhưng mạnh nhất, chiếm số đông nhất là những câu lạc bộ, những nhóm đờm ca tài tử tự phát, được thành lập bởi những người yêu đờn ca tài tử. Và một dạng nữa là câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử gia đình, thành viên trong nhóm có khi hoàn toàn chỉ là những thành viên trong gia đình hoặc
có thêm một vài người ngoài được mời tham gia. Mỗi nhóm, câu lạc bộ thường có từ 10 – 20 người tham gia. Ngoài ra, còn có khoảng 30 nghệ nhân đờn ca tài tử cực trào, không thuộc nhóm hoặc câu lạc bộ nào cả. Họ vẫn sinh hoạt nhưng theo thú vui và không có tên trong danh sách của câu lạc bộ và nhóm nào cả.
Những câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử trên hoạt động có nhóm trình lên Ủy ban xã/ thị trấn/ phường và được sự cho phép của chính quyền, có bầu ra ban chủ nhiệm câu lạc bộ, có tôn chỉ hoạt động, có đề ra thời gian sinh hoạt định kỳ đều và giữa những câu lạc bộ gần nhau có sự giao lưu khá thường xuyên với nhau. Có câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ hàng tháng vào ngày 15 hoặc 16 khi trăng sáng tỏ (như câu lạc bộ tiếng tơ đồng, xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một) hoặc có những câu lạc bộ sinh hoạt hàng tuần (như câu lạc bộ Phú Thọ của thị xã Thủ Dầu Một và một số câu lạc bộ của thị xã Dĩ An). Nhưng cũng có những người yêu đờn ca tài tử, tự tụ họp lại với nhau trong những lúc rảnh rỗi chứ không nhất định theo một thời gian nào, hát vui cho nhau nghe, bà con quanh đó thấy xôm tụ thì tụ tập nhau lại cùng hát, cùng vui. Họ không thành lập câu lạc bộ, không thành nhóm.
Về hoạt động của các câu lạc bộ, qua điều tra cho thấy nếu như trước đây những câu lạc bộ, nhóm được thành lập chỉ hát đờn ca tài tử, không có những loại hình khác như cải lương đan xen vào thì hiện nay chỉ một số ít câu lạc bộ thuần túy hát đờn ca tài tử như câu lạc bộ đờn ca tài tử TT. An Thạnh (Thuận An) tập trung lớp nghệ nhân lớn tuổi dưới dạng tự phát và câu lạc bộ đờn ca tài tử 414 (thị xã Dĩ An) là một số nơi thu hút rất nhiều người am hiểu đờn ca tài tử đến sinh hoạt. Nếu câu lạc bộ của huyện thì có nghệ nhân lớn và nhỏ tuổi, hoạt động văn nghệ kiêm luôn phần biểu diễn đờn ca tài tử. Ở những câu lạc bộ, nhóm tự phát thì luôn có thêm phần hát cải lương, hát tân cổ giao duyên cho phong trào thêm xôm tụ. Ở những nhóm mở ra hoạt động phục vụ cho đám
ma, đám cưới, mừng thọ hoặc những tụ điểm ca nhạc thì gồm nhiều loại hình đan xen nhau.
Hiện nay có mô hình, phong trào hát đờn ca tài tử ở quán nhậu, quán cà phê. Phong trào này mở ra và phát triển mạnh ở thị xã Dĩ An. Những tụ điểm như vậy không chỉ thu hút những nghệ sĩ chuyên nghiệp, những người có sinh hoạt trong những câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử hoặc đơn giản chỉ là những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này tới nghe mà thôi. Đây cũng là một sáng kiến, một mô hình để có thể vừa phổ biến đờn ca tài tử, vừa duy trì được sức sống của nó trong sinh hoạt văn hóa thường nhật. Mô hình này mở ra một hướng đi mới cho những người đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể này.
Điểm đặc biệt của đờn ca tài tử của tỉnh Bình Dương so với các tỉnh bạn là ngón đờn kìm độc đáo (khi đánh đàn nguyệt, thay vì để ngang lại dựng đứng đàn lên, lăn đốt giữa của ngón tay đeo nhẫn thay vì đầu ngón), là kiểu dây Ngân giang do nghệ nhân Ba Còn (người Dĩ An) sáng tạo và bài bản Tây Thi Quảng ( mang hơi hướng Quảng Đông, Trung Quốc) do ông Út Búng (thị xã Thuận An) tạo nên. Những sáng tạo đó đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng đờn ca tài tử Nam Bộ.
Phong trào đờn ca tài tử của tỉnh Bình Dương so với những tỉnh khác trong khu vực phát triển khá mạnh là do tỉnh nhà có một lớp nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm, nhu cầu thưởng thức của người dân khá lớn và được sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt trong việc tổ chức những phong trào, những cuộc thi từ cấp huyện đến cấp tỉnh.
Lễ hội:
* Lễ hội ở chùa Bà Thiên Hậu:
Chùa Bà Thiên Hậu (Miếu Thiên Hậu) tọa lạc ngay trung tâm thị xã Thủ Dầu Một trên đường Nguyễn Du. Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XX rất nổi tiếng được cả người Hoa và người Việt cúng bái, tín ngưỡng.
Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng và ngày vía Bà 23/3 âm lịch là thời gian diễn ra lễ hội. Lễ hội diễn ra tại chùa Bà Thiên Hâu trở thành ngày hội long trọng của cư dân người Hoa, người Việt tại Nam Bộ với nhiều nghi lễ cúng bái, cầu phước lộc, rước kiệu bà... thu hút hàng trăm ngàn khách hành hương. Các đoàn Lân, Sư, Rồng của 4 bang người Hoa đều tề tựu, uốn lượn biểu diễn trong tiếng trống tưng bừng, thu hút nhất là hội đấu giá đối với 12 chiếc đèn lồng, tượng trưng may mắn cả năm.
Trọng tâm của lễ hội là phần diễu hành rước kiệu Bà. Toàn khu vực trung tâm thị xã Thủ Dầu Một chìm trong dòng người, các ngã đường chật như nêm. Đoàn rước kiệu sắc phục chỉnh tề, các tú nữ gánh hoa duyên dáng, rạng rỡ, Lân, Sư, Rồng ra sức phô diễn tài nghệ... trong tiếng trống, phèng la... tạo nên một lễ hội tưng bừng, sôi động rất độc đáo. Khách hành hương viếng lễ hội đều tin rằng hạnh phúc, phước lộc và may mắn sẽ cùng theo về với gia đình, mở đầu một năm mới sung túc thịnh vượng.
* Lễ tống ôn tại thị trấn Dầu Tiếng:
Lễ tống ôn tại thị trấn Dầu Tiếng gắn liền với lễ hội Đình Thần Dầu Tiếng, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Mỗi năm đình tổ chức cúng hai lần vào ngày 15 tháng giêng và ngày 15 tháng tám nhưng chỉ trong dịp xuân kỳ (15 tháng giêng), ban tổ chức đình mới tổ chức lễ tống ôn này. Chiếc tàu dùng để tống ôn theo suốt trong quá trình lễ hội tại đình, từ khi rước sắc tới chứng kiến các nghi lễ tại đình. Lễ tống ôn được diễn ra ngay sau lễ đưa sắc.
Vật quan trọng và được phân công chuẩn bị từ nhiều ngày trước trong lễ tống ôn là chiếc thuyền tống ôn. . Đó là một chiếc thuyền mã, phía dưới cột hai thanh tre dài làm chỗ tay cầm, thuyền dài chừng 1,2 m, đầu phía sau cao khoảng 40 cm, đầu phía trước cao khoảng 60 cm và rộng chùng 40 cm. Thuyền có khung được làm bằng tre, dán giấy màu vàng và trang trí thêm một vài chi tiết trên thân thuyền cho đẹp mắt như hai con mắt, hai hình mỏ neo phía trước,
mô phỏng theo cách trang trí ta thường thấy trên những con thuyền thật ở phương nam. Thuyền cũng có “số hiệu” là 61F và năm cúng tế. Ví dụ năm cúng là 2010 thì số hiệu trên thuyền sẽ là : 61F – 2010.
Chính giữa thuyền là mái che bên trong có hình nhân ngồi trên ngai và bốn bên có hình nhân lính canh. Thức cúng trên thuyền là gạo, muối, vàng, áo, nổ, báng, kẹo, trầu, cau, hương, đèn và rất nhiều cờ phướng. Vì là phương tiện chuyên chở ôn hoàng dịch lệ, những điều xui rủi, không may mắn trong năm nên chiếc thuyền phải được làm thật chắc chắn, có kết cấu cân bằng để có thể vừa tải được lượng thức cúng trên mặt thuyền, đồng thời đưa nó trôi nhanh trên sông, xa bờ càng xa càng tốt. Thuyền có ra xa bờ thì lễ tống ôn mới thành công, cả làng được bình an, no đủ. Còn năm nào thuyền trôi không mau, nhất là lại bị lật, ngã ngay khi mới được thả xuống nước thì một không khí nặng nề sẽ bao trùm lên tâm trạng của mọi người với một dự cảm điều không may sẽ xảy ra trong năm tới. Vì vậy người được giao làm thuyền tống ôn phải là người khéo tay, có đức trong làng hoặc thị trấn.
Thuyền tống ôn được làm sao cho vừa đúng ngày cúng đình bởi nếu làm sớm thì giấy dán bên ngoài sẽ bị bong ra, thuyền sẽ bị hư hại, cũng không thể làm muộn hơn vì thuyền tống ôn sẽ tham gia suốt trong hai ngày lễ ở đình.
Sáng ngày 14/2, thuyền tống ôn được đặt trên một chiếc bàn có cột hai thanh gỗ dài phía dưới để hai người “lính” khiêng đi, ở trước sân đình chuẩn bị đi “rước sắc”. Đồ cúng lúc này gồm hương, trầu, cau đặt trên khoang thuyền, mấy bịch gạo, một đĩa muối, một bát nhang đặt trên bàn. Trong đoạn đường rước sắc và tuần du sắc quanh thị trấn, thuyền tống ôn được hai người “lính” mặc trang phục vàng, đỏ khiêng ngay phía sau đội cờ phướng.
Trên đoạn đường từ nơi giữ sắc về đình, một bô lão trong ban quí tế đi cạnh thuyền lấy gạo, muối rắc ở trên đường, ở những nơi nào có miếu thờ, ở những nơi khúc cua, những ngã ba ngã bảy – những nơi thường có người chết
oan, nơi tụ tập cô hồn vừa để trừ tà vừa bố thí cho cô hồn, mời gọi những linh hồn vất vưởng về đình chứng hưởng.
Trong hai ngày làm lễ tại đình, thuyền tống ôn được đặt trang trọng trong gian giữa, ngay trước bàn cúng chính. Người ta cũng đặt trên đó những thức cúng như gạo, vàng, áo, nổ, bánh, kẹo để khao ôn.
Lễ tống ôn được thực hiện sau khi đã “đưa sắc”. Thuyền tống ôn lúc này được đặt trên hai cây chuối để có thể nổi lên trên mặt nước được. Người ta chất rất nhiều gạo, muối, nhang, tiền, vàng mã lên trên khoang thuyền và trong lúc làm lễ có thêm một con gà trống luộc. Người ta cũng bày bánh kẹo, trái cây, tiền vàng mã, hình nhân thế mạng lên một cái mẹt đặt trước thuyền để làm lễ. Lễ tống ôn bắt đầu sau ba hồi chiêng trống khởi dài. Các bô lão đại diện các họ tộc trong làng, đại biểu các đoàn thể trong xã, phường và dân làng cùng tham gia cuộc lễ. Một ông trong Ban trị sự đình sau khi thắp nhang ở bát hương trước thuyền tống ôn sẽ khấn bài khấn tống ôn. Lời khấn đại để nói ôn hoàng dịch lệ sau khi đã được khao thưởng xin đừng quấy phá xóm làng, điều dữ xua đi, điềm lành mang tới. Nghi thức, lễ tiết ở thuyền tống ôn cũng dâng đủ ba tuần: một tuần hương, một tuần rượu và một tuần trà.
Nghi thức cúng kết thúc, mẹt thức cúng được phân phát cho trẻ em trong làng – thị trấn, thuyền tống ôn được hai người “lính” khiêng ra phía bờ sông gần đó. Khác với các lễ khác có đầy đủ quan viên, dân chúng, trong lễ tống ôn chỉ cần có vài người trong dàn nhạc, một ông chủ lễ, mấy người khiêng và hộ tống kiệu, còn lại chủ yếu là trẻ em trong làng đi theo đoàn rước. Xuống tới bờ sông thuyền tống ôn được đẩy ra xa một cách nhanh chóng để trước khi thuyền chìm thì đã ở xa bờ sông càng xa càng tốt, thuyền càng xa bờ thì cái xui xẻo, cái không may càng bị đuổi đi xa, khó lòng quay trở lại được. Chiêng trống nổi lên, lũ trẻ con hò reo vang dội, một tốp trẻ và thanh niên khác thì ùa xuống nước tranh nhau những lễ vật trên thuyền, đặt biệt là vớt con gà luộc trước khi
thuyền chìm xuống nước. Con thuyền dần chìm rồi mất dạng dưới lòng sông, mang theo những điều xui xẻo trong năm, mọi người kéo nhau ra về trong niềm hân hoan, vui vẻ. So sánh với những địa phương khác, lễ tống ôn ở Bình Dương hay ở thị trấn Dầu Tiếng tuy có sự khác nhau về hình thức hay quá trình rước lễ nhưng đều chung một điểm đó là tâm lý đón điềm lành, xua đuổi điềm dữ, mong cầu niềm hạnh phúc, sự yên ổn trong năm mới. Lễ tống ôn cùng với những lễ hội trong năm góp phần đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh, tín ngưỡng phong phú của người dân.
* Lễ hội Kỳ Yên: tổ chức vào các ngày 15, 16,17 ( vào các tháng giao mùa như tháng 2, 4, 11 hàng năm ) âm lịch để tưởng nhớ các Thần có công khai hoang lập làng. Lễ hội mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của con người đất phương Nam.
* Lễ hội đua thuyền trên sông Sài Gòn ( khu vực Thủ Dầu Một ): mỗi dịp lễ tết, người dân tổ chức đua thuyền để cầu chúc một năm an khang thịnh vượng. Lễ hội diễn ra tại sông Sài Gòn, thị xã Thủ Dầu Một, vào các ngày 30/4
– 1/5 và 2/9 hàng năm.
Bản sắc văn hóa và các làng nghề truyền thống:
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 9 nghề truyền thống và 32 làng nghề truyền thống. Các làng nghề mang đậm đà bản sắc văn hóa của tỉnh.
- Gốm sứ mỹ nghệ: từ những địa chỉ khảo cổ, đã xác định đồ gốm đã có mặt tại Bình Dương hơn 3.000 năm trước, còn nghề gốm sứ xuất hiện cách đây gần 200 năm. Ba làng gốm hình thành và phát triển có tiếng gồm: làng gốm sứ Lái Thiêu – Thuận An, làng gốm Tân Phước Khánh – Tân Uyên và làng gốm sứ Chánh Nghĩa – thị xã Thủ Dầu Một. Trong quá trình phát triển, nghề gốm tại Bình Dương hình thành ba trường phái với những nét độc đáo riêng biệt gồm: trường phái Quảng Đông, trường phái Triều Châu, trường phái Phúc Kiến.