Thực trạng và chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2020 - 12


Nghề làm gốm sứ Bình Dương đã phát triển đến trình độ cao. Từ đồ gia dụng, đồ trang trí mỹ nghệ đến các sản phẩm sứ công nghiệp được sản xuất tại các làng nghề đều mang đặc trưng riêng, bền đẹp, bóng láng, mẫu mã được khách hàng yêu thích. Du khách và người dân địa phương thường chọn các sản phẩm gốm sứ làm tặng phẩm cho người thân trong gia đình, góp phần đưa hồn Việt Nam vào mỗi nếp nhà.

Với loại đất sét trắng (kaolin) chất lượng cực tốt, trữ lượng nhiều cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ nung hiện đại, chất lượng sản phẩm gốm sứ Bình dương được ưa chuộng. Trong đó các sản phẩm danh tiếng như: Minh Long I, Cường Phát, Kiến Xuân... đã khẳng định vị thế sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

+ “Gốm Chú Tía” Bà Lụa.

Lò gốm Chú Tía ở Bà Lụa, thị xã Thủ Dầu Một được ra đời vào những năm cuối thế kỷ XIX có tên gọi chính thức là lò Vương Lương. Lò do hai anh em người Phúc Kiến có tên là: Vương Lương và Vương Gia lập ra. Lò bắt đầu hoạt động từ cuối thế kỷ XIX và tồn tại cho đến ngày nay.

Gốm Chú Tía mang đậm chất Triều Châu bởi vì quê hương của hai ông tuy ở tại Phước Kiến nhưng cũng giáp ranh với phủ Triều Châu. Tay nghề của Vương Lương khá giỏi, lại là người chững chạc có uy tín vì thế mà được những người thợ gọi là “Tía” (Tía có nghĩa là cha – đọc theo âm của Triều Châu). Do đó dân gian gọi lò gốm của ông là lò Gốm Chú Tía.

Lò gốm Chú Tía bắt đầu hoạt động từ cuối thế kỷ XIX và tồn tại cho đến ngày nay đã là thế hệ thứ tư của gia đình vẫn còn làm chủ lò. Gốm Chú Tía có những đặc trưng riêng so với những lò gốm khác ở vùng đất Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Biên Hòa hoặc Gốm Cây Mai. Gốm Chú Tía thường được tráng men trong hoặc men trắng đục, vừa mới ra khỏi lò thì đã rạn, lâu ngày đường rạn được ngã sang màu hồng trông thật là cổ kính. Có thể nói rằng Gốm Chú Tía


đã góp phần đi vào lịch sử văn hóa của vùng đất Bình Dương nói riêng và miền đất Nam Bộ nói chung.

- Làng sơn mài Tương Bình Hiệp: cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một khoảng 5 km về hướng Bắc, theo Đại lộ Bình Dương, vừa qua trạm thu phí Suối Giữa rẽ trái hơn 1 km sẽ vào làng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.

Đến cuối thế kỷ 18, theo dòng di dân, nhiều lớp thợ sơn mài từ Quảng Bình, Thuận Hóa đã mang theo nghề sơn mài vào tận xứ Đồng Nai, Gia Định trong đó có Tương Bình Hiệp. Ban đầu, chỉ có một số hộ chuyên làm sơn son thếp vàng và pha chế sơn then. Đến mãi về sau, làng nghề Tương Bình Hiệp dần dần phát triển, trở nên nổi tiếng khắp vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Thập niên 50 của thế kỷ trước, với sự xuất hiện của xưởng sơn mài Thanh Lễ do hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thanh Lễ gây dựng đã tạo nên một mốc son mới cho chiếc nôi sơn mài Tương Bình Hiệp. Sơn mài gồm nhiều thể loại như: sơn lộng, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng và sơn khắc.

Thực trạng và chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2020 - 12

Với hàng trăm hộ làm nghề sơn mài, làng Tương Bình Hiệp có thể xem như một xí nghiệp thủ công đã cơ giới hóa với những dây chuyền sản xuất riêng biệt nhưng mang tính chất gia đình truyền thống.

So với một số nơi có sản phẩm sơn mài, thì sản phẩm sơn mài Bình Dương đa dạng hơn về mẫu mã, ưu việt hơn về chất lượng. Theo một số chuyên gia, sơn mài Tương Bình Hiệp chịu đựng được khí hậu vùng hàn đới Châu Âu, không bị bong nứt hoặc biến dạng. Những đồ dùng nội thất bằng sơn mài sản xuất ở Bình Dương vừa đẹp lại vừa có độ bền cao, vừa tiện dụng lại vừa có thể trang trí làm đẹp thêm cho các gian phòng nên ngày càng được ưa chuộng ở thị trường trong và ngoài nước.

Đến đây du khách có thể ghé vào các cơ sở sơn mài để chiêm ngưỡng và mua về những sản phẩm sơn mài đặc sắc, độc đáo và nổi danh tại Bình Dương. Mỗi


bức sơn mài là một tác phẩm nghệ thuật được các nghệ nhân nơi đây thổi hồn tạo nên sự tinh xảo, nhẹ nhàng, mang đậm phong cách Á đông.

- Vẽ tranh trên kiếng: tranh kiếng (tức là tranh vẽ trên kính) xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX, dần trở thành sản phẩm trang trí không thể thiếu trong mỗi nếp nhà, tạo nên nét văn hóa riêng đặc trưng của người dân Nam Bộ. Cả nước có 3 vùng sản xuất tranh kiếng nổi tiếng nhất thời đó là Lái Thiêu (Thủ Dầu Một), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang) nhưng dòng tranh kiếng của Lái Thiêu đặc biệt được yêu thích bởi sự đặc sắc, tinh tế và phù hợp với truyền thống người Việt.

Tranh kiếng là loại hình nghệ thuật đặc biệt, phải vẽ phía sau mặt kính. Với quy tắc ngược, những chi tiết vẽ sau cùng phải được ưu tiên vẽ trước. Đây chính là nét độc đáo của tranh kiếng, đòi hỏi nghệ nhân phải rất khéo tay và có óc thẩm mỹ cao.

Người thợ Lái Thiêu thường mạnh dạn dùng gam màu ngũ sắc Huế gồm các màu như: trắng, hường, đỏ, đen, xanh dương, xanh màu lông két... Tùy từng loại sản phẩm mà người ta có thể dùng mực Tàu, mực Tây hoặc bột màu pha a dao...

Các bộ tranh gồm tranh thờ tổ tiên, tranh treo cửa buồng, tranh tứ bình, tranh thờ phật, thánh thần... Đặc biệt dòng tranh Lái Thiêu được nghệ nhân tạo tác bằng những đường nét tỉ mỉ vừa cách điệu, vừa hài hòa với gam màu sáng, sinh động. Các bộ tranh kiếng Lái Thiêu đều đạt chuẩn: chữ đẹp, văn hay, nhiều tranh có cẩn thêm ốc xà cừ, tạo nét thanh tao, quí phái, sang trọng. Tại Lái Thiêu vẫn còn nghệ nhân Trương Trung Thơ (Sáu Thơ) bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

- Điêu khắc gỗ: đất Thủ Dầu Một được coi là cái nôi của nghề mộc gia dụng Nam Bộ với nhiều rừng, gỗ quý và những nghệ nhân, thợ chạm khắc gỗ tài ba nhất nước. Đồ mộc, đồ gỗ gia dụng của vùng đất Thủ hơn 200 năm qua


được ưa chuộng do kiểu dáng đẹp, hợp thời trang, chất lượng gỗ tốt, gỗ toàn khối không lai tạp, dễ tháo ráp khi cần di chuyển vì chỉ dùng chốt gỗ mà không dùng đinh. Kiểu bàn tròn và tủ thờ sang đẹp cũng do óc sáng tạo của người thợ Thủ tạo ra.

Thợ chạm Bình Dương biết chạm, trổ, khắc họa các hoa văn mô típ trang trí dân dã quen thuộc như tùng, bách, cúc... với kỹ thuật chạm khéo léo, khảm xà cừ tinh tế, uyển chuyển. Nghề điêu khắc gỗ phát triển tại Bình Dương đã hình thành nghệ thuật độc đáo dưới bàn tay khéo léo của người thợ tạo những sản phẩm gỗ, mộc độc đáo làm say lòng du khách gần xa.

- Xe thổ mộ: nghề làm xe thổ mộ đất Thủ đã tồn tại trên 100 năm, danh tiếng lưu truyền vì kiểu xe mô phỏng dạng xe song mã phương Tây nhưng đẹp uyển chuyển do những người thợ có tay nghề khéo léo bậc nhất tạo ra, không nơi nào sánh kịp.

Vó ngựa lóc cóc kéo xe dạo quanh đường làng râm mát sẽ tạo cảm giác thư thái, an bình cho du khách tìm về với thiên nhiên, dân dã đậm đà bản sắc cổ truyền thân thuộc của vùng đất Thủ tự bao giờ.

Tại ấp Hưng Thọ, Hưng Định, thị xã Thuận An vẫn còn lò sản xuất xe thổ mộ đất Thủ, cung cấp cho nhiều tỉnh thành và xuất khẩu ra nước ngoài.

- Guốc mộc và xóm làm guốc mộc ở Phú Thọ, thị xã Thủ Dầu Một: là một nghề thủ công truyền thống xưa của đất Bình Dương.

Theo lời kể lại của nhiều người thì nghề làm guốc mộc ở đây xuất hiện khoảng hơn 100 năm. Theo tài liệu được thống kê tại địa chí Thủ Dầu Một năm 1901 thì tại xóm làm guốc Phú Văn có trên 80 hộ gia đình sống bằng nghề làm guốc từ cha truyền con nối.Và từ lâu con đường này được nhân dân địa phương quen gọi là đường xóm guốc. Đến năm 1999, tên đường này được công nhận và ghi vào hệ thống các tên đường của thị xã Thủ Dầu Một.


Do nhu cầu sinh hoạt và làm đẹp của con người đã sản sinh ra nghề làm guốc. Tuy lúc đầu có liên quan đến nghề mộc truyền thống nói chung nhưng khi hình thành nghề làm guốc thì hoàn toàn độc lập và mang nặng bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Về thể loại guốc gồm có: guốc mộc và guốc sơn, về sau guốc được kết hợp với loại nghề truyền thống khác làm thành đôi guốc sơn mài có dáng vẻ màu sắc mỹ thuật trông rất hấp dẫn.

Dụng cụ làm guốc thật đơn giản: chỉ cần một chiếc cưa tay, một thớ gỗ vụn, người thợ ngày xưa theo mẫu có sẵn xẻ thành một đôi guốc thô. Gỗ dùng để làm guốc thường phải đạt yêu cầu: xốp và nhẹ nhưng phải bền chắc không lõi. Các loại gỗ dùng để làm guốc là loại gỗ: mít, dong, lùn mứt... Loại cây này dễ cưa xẻ, vừa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Để làm ra các loại guốc đa dạng về kiểu dáng và mẫu mã thì ngay từ lúc đầu các cơ sở sản xuất guốc đều chỉ làm ra đôi guốc mộc. Đây là đôi guốc được dùng nguyên chất liệu và màu sắc của gỗ, chỉ cần cưa xẻ, bào gọt thành hình đôi guốc rồi chà láng, đóng quai và đem đi tiêu thụ, sử dụng. Nhờ có nguồn nguyên liệu gỗ thật dồi dào, cộng với nhiều lao động nhàn rỗi như: phụ nữ, trẻ em, những người lớn tuổi nên Bình Dương cũng đã sản xuất đại trà các loại guốc sơ chế và cung cấp cho các cơ sở guốc ở Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định để các nơi này hoàn tất sản phẩm cho ra đời những đôi guốc thành phẩm.

Vào những thập niên 20 đến 70 của thế kỷ XX, xóm làm guốc Phú Thọ làm ăn rất thịnh vượng. Loại guốc xuồng đáp ứng nhu cầu người bình dân gần như tiêu thụ rộng rãi trong khắp cả nước. Bên cạnh đó, những loại guốc kiểu, guốc có chất lượng tốt, trang trí màu sắc mỹ thuật, hoa văn thật bắt mắt đã chiếm lĩnh thị thường của cả khu vực Đông Nam Á và một vài nước ở châu Âu. Ở giai đoạn này, hàng năm xóm làm guốc Phú Thọ sản xuất hàng ngàn đôi guốc thô, nuôi sống gần 1.000 người thợ và gia đình họ với mức sống khá giả


và sung túc. Kỹ thuật làm guốc ngày càng được cải thiện, thay vì dùng cưa tay, các cơ sở làm guốc trang bị các dạng máy cưa đơn giản, thường là cưa lọng nên sản xuất hàng loạt và nâng cao được chất lượng sản phẩm.

Nghề làm guốc ở Phú Thọ chủ yếu cưa, lọng guốc theo dạng thô, tạo dáng guốc theo kiểu đơn giản. Công việc vẽ guốc, trang trí, đóng quai để làm thành phẩm thường được các nơi khác thực hiện như: Sài Gòn, Chợ Lớn... Một cơ sở làm guốc không nhiều nhân lực: chỉ có một thợ chính cưa, lọng và từ 1 đến 3 thợ phụ (vẽ mẫu guốc) thường là phụ nữ, trẻ em thì làm các công đoạn đơn giản, rất thích hợp cho từng hộ gia đình.

Vào các thập niên 60, 70 ở thế kỷ trước, có một số cơ sở, nhất là vùng giáp ranh với Sài Gòn, Gia Định như: Bình Nhâm, Vĩnh Phú còn sản xuất guốc sơn và đặc biệt là guốc sơn mài để cung cấp cho thị thường guốc mỹ thuật thời trang, theo thị hiếu tiêu dùng của các đô thị thời bấy giờ. Nghề guốc Bình Dương có nhiều ưu thế và dễ phát triển nhờ các cơ sở, làng guốc ở đây luôn biết tận dụng nguyên liệu dồi dào tại chỗ lại tiếp cận được thị trường đầu mối rộng lớn là thành phố Sài Gòn. Hơn nữa lao động làm guốc không phải là lao động nặng nhọc mà chỉ đòi hỏi sự khéo léo, cần mẫn trong quá trình sản xuất loại sản phẩm này. Người thợ chính giữ phần sáng tác, tạo ra những mẫu mới nhằm kịp thời đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ và thị hiếu người tiêu dùng, các thợ khác cứ theo đó mà cưa bào, tỉa gọt, đánh bóng , đóng quai và hoàn thành sản phẩm một cách dễ dàng, nhanh chóng. Nếu là guốc sơn, sơn mài thì chuyển qua bộ phận chuyên về sơn, sơn mài hoặc chuyển đến các cơ sở chuyên thực hiện tiếp công đoạn cuối cùng của sản phẩm.

Nghề làm guốc hoạt động chủ yếu là gia công tại nhà hoặc một nhóm, hộ liên kết lại với nhau. Riêng xóm làm guốc Phú Thọ từ lâu đã cung ứng một lượng hàng đáng kể có chất lượng cao trong một thời gian dài và đã tạo được một thương hiệu có uy tín. Sản phẩm guốc Bình Dương không chỉ tiêu thụ


trong tỉnh, trong khu vực mà còn xuất khẩu sang một số nước châu Á, nhiều nhất là Campuchia và Lào. Trong những năm gần đây, khi chất lượng mẫu mã các loại giày dép hàng hiệu thời trang cực kỳ phong phú và bắt mắt đang tràn ngập trên thị trường. Trước những thách thức đó, đôi guốc mộc của Bình Dương tưởng chùng như bị loại bỏ ra khỏi quy luật tự nhiên của con người trong xã hội hiện đại. Thế nhưng nghề guốc Bình Dương vẫn sống, vẫn tồn tại vì vẫn còn một số bộ phận khách hàng riêng. Có được chỗ đứng trên thị trường như vậy là nhờ sự nhạy bén, óc sáng tạo và sự năng động không ngừng của người thợ thủ công, sự cần mẫn và khéo léo kết hợp giữa nghề làm guốc và kỹ thuật sơn mài truyền thống của địa phương đã tạo ra một loại sản phẩm mới vừa mang vẻ đẹp truyền thống vừa có dáng dấp của xu thế thời trang hiện đại. Đó không chỉ mở ra cho đôi guốc Bình Dương một triển vọng mới, một thị trường xuất khẩu lớn, một món quà du lịch hấp dẫn du khách mà cho cả đôi guốc truyền thống Việt Nam.

- Bánh tráng Phú An : cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 15 cây số về phía Tây Bắc, xã Phú An nổi tiếng với nghề làm bánh tráng. Nếu có dịp ghé qua làng bánh tráng Phú An vào ngày nắng rực rỡ, những tấm liếp phơi bánh tráng trắng trông như muôn ngàn cánh hoa nở rộ.

Làng nghề bánh tráng Phú An nổi tiếng, nhà nhà đều tất bật với các công đoạn tạo ra những chiếc bánh tráng trắng, mềm nhưng dai tạo nên thương hiệu đặc sản của địa phương. Bánh tráng Phú An trong những năm qua đã lên đường xuất khẩu.

- Lò lu: một trong những lò lu nổi tiếng ở Bình Dương phải kể đến đó là lò lu Đại Hưng. Lò lu Đại Hưng thuộc ấp 1, xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một là một trong nhiều lò lu khá nguyên vẹn dù đã hình thành, phát triển và tồn tại hơn một trăm năm trên vùng đất Thủ.


Những người Hoa di cư đã sáng lập ra lò, sản xuất chủ yếu các loại lu, khạp, hủ. Lò nung đầu tiên là lò ống, nay không còn sử dụng nhưng vẫn còn, sau hình thành lò bao được xây hoàn toàn từ gạch sống và đất sét. Nguyên liệu chính làm lu là loại đất sét pha cát sỏi chỉ có ở vùng Tân Uyên, Dầu Tiếng... Trải qua hàng chục công đoạn thủ công từ xay đất, đạp, ép nhuyễn, nặn khuôn... đến lúc hình thành sản phẩm đều do bàn tay khéo léo của người thợ tạo nên. Hoa văn trang trí trên sản phẩm thường là rồng, phụng được đắp nổi, có màu sắc chủ yếu là da bò, da lươn. Hiện nay, sản phẩm đã rất đa dạng về màu sắc, mẫu mã được ưa chuộng tại thị trường miền Tây Nam Bộ và một số nước trong khu vực. Lò lu Đại Hưng là di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

- Nghề mây tre lá: ở Bình Dương, nghề đan lát mây tre, chế tạo đồ gia dụng và sản phẩm trưng bày có giá trị cao góp phần tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Sản phẩm mây, tre, trúc có ưu điểm mà sản phẩm đồ gỗ quý không có là đặc tính nhẹ nhàng, dễ di dời, vẻ thanh thoát phù hợp với nét thẩm mỹ, màu sắc tươi mát và nhất là phù hợp với mọi không gian và môi trường sinh hoạt của người dân với cảm giác “sống giữa sự đơn giản, gần với thiên nhiên” thích hợp và dễ dàng bố trí với mọi kiến trúc, trang trí nội thất.

- Nghề chẻ tăm nhang ở Dĩ An: đã tồn tại được hơn 100 năm. Thị xã Dĩ An với điều kiện tự nhiên nhiều tre, nứa, tầm vông đã giúp nghề chẻ tăm nhang hình thành. Nghề chẻ tăm nhang phát triển mạnh nhất là những năm 70 – 85 của thế kỷ trước. Những năm sau giải phóng nghề chẻ tăm – chân nhang đã thoái trào mạnh. Hiện nay, những người muốn nghề tồn tại đã mở rộng quy mô sản xuất làm ra nhang thành phẩm như cơ sở nhang Tân Thành ở khu phố Nhị Đồng 2, thị xã Dĩ An. Đây cũng là một hướng đi nhiều triển vọng để duy trì và phát triển một nghề có giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế ở Dĩ An.

Xem tất cả 169 trang.

Ngày đăng: 25/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí