Chính sự phát triển của nhu cầu này mà trong những năm gần đây xu hướng khai thác tài nguyên du lịch nhân văn vào phục vụ du lịch được các địa phương trên cả nước quan tâm và đầu tư đáng kể. Bằng chứng là nhiều hoạt động du lịch văn hóa được tổ chức với quy mô ngày càng lớn, dựa trên những đặc điểm của vùng miền như: Festival Huế, chương trình Lễ hội Đất phương Nam (Lễ hội văn hóa dân gian vùng đồng bằng Nam bộ), du lịch Điện Biên (Lễ hội văn hóa Tây Bắc kết hợp với kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ), Con đường di sản miền Trung (Lễ hội dân gian kết hợp tham quan những di sản văn hóa được UNESCO công nhận), du lịch lễ hội Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), du lịch về vùng đất Tổ vua Hùng (Phú Thọ)... Những hoạt động này đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Trong số đó, Festival Huế được xem là hoạt động du lịch văn hóa đặc sắc nhất Việt Nam.
Ở Bình Dương, trong giai đoạn 2000 - 2011 nhu cầu tham quan, tìm hiểu về các di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội, làng nghề của người dân ngày càng tăng. Nguyên nhân là do trình độ dân trí và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện đáng kể, tác động của xu hướng du lịch văn hóa từ các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh…
Theo nhận định của Sở VHTT&DL Bình Dương, trong những năm tới nhu cầu du lịch nhân văn của người dân trong tỉnh sẽ còn tăng cao cùng với sự xúc tiến đầu tư, quảng bá, tổ chức ngày càng chuyên nghiệp… của các đơn vị kinh doanh du lịch.
Xu hướng gia tăng nhu cầu du lịch nhân văn này là một đòn bẩy quan trọng để đầu tư khai thác có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên du lịch nhân văn vốn rất dồi dào của Bình Dương. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng định hướng hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Dựa trên nhu cầu của khách du lịch, các tài nguyên này sẽ được định hướng khai thác và bảo tổn cụ thể để đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất về kinh tế
- xã hội - môi trường, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và kinh tế toàn tỉnh nói chung.
3.1.3. Những định hướng nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương phục vụ du lịch
Vấn đề bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ du lịch là vấn đề được Sở VHTT&DL Bình Dương quan tâm hàng đầu trong những năm gần đây. Trên cơ sở vận dụng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở VHTT&DL đã từng bước xây dựng các đề án và chương trình bảo tồn và phát triển cho từng nhóm tài nguyên du lịch. Điển hình như đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2020, đề án Phát triển các sản phẩm đặc thù của Bình Dương đến năm 2015, chương trình Festival gốm sứ…
Bên cạnh đó, với những đặc điểm riêng biệt về hiện trạng khai thác và hiệu quả bảo tồn các tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ du lịch trong giai đoạn 2000 – 2011 đã trình bày ở Chương 2, việc đưa ra những định hướng cho từng nhóm tài nguyên là hợp lí và xác đáng nhằm đảm bảo tính khách quan và hiệu quả tối ưu. Vì là tài nguyên du lịch nhân văn, có giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, nên các định hướng đưa ra cho các nhóm đôi khi có sự trùng lắp. Song với sự khác biệt đã và đang diễn ra định hướng cụ thể cho mỗi nhóm lại ở các mức độ và khía cạnh khác nhau nhằm đảm bảo cho việc bảo tồn và phát triển du lịch cao nhất.
Có thể bạn quan tâm!
- Định Hướng Và Giải Pháp Nhằm Bảo Tồn Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Ở Tỉnh Bình Dương Phục Vụ Du Lịch
- Hiện Trạng Bảo Tồn Các Điểm Công Trình Kiến Trúc Và Nghệ Thuật
- Quyết Định Về Việc Phê Duyệt Quy Hoạch Phát Triển Du Lịch Bình Dương Đến Năm 2020, Tầm Nhìn Đến Năm 2030
- Những Định Hướng Nhằm Bảo Tồn Và Phát Triển Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Nhóm 3
- Giải Pháp Bảo Vệ, Tôn Tạo Tài Nguyên Môi Trường Du Lịch
- Định hướng bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương phục vụ du lịch - 18
Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.
3.1.3.1. Những định hướng nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn nhóm 1
Nhóm này gồm: Địa đạo Tam giác sắt, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến khu Đ là các tài nguyên chưa được đưa vào khai thác, hầu hết vẫn còn ở dạng tiềm năng; hiệu quả kinh tế - môi trường - chính trị thấp; hiệu quả xã hội về chất lượng cuộc sống cộng đồng địa phương thấp, về giữ gìn các giá trị truyền thống cao nhưng phát huy thấp; du lịch chưa phát triển nên hiện trạng bảo tồn cao (bền vững cao); đã và đang được trùng tu, tôn tạo với kinh phí lớn.
Với những đặc điểm như trên định hướng bảo tồn và phát triển cho nhóm này là:
Thứ nhất: đảm bảo giữ nguyên bản gốc trong trùng tu, tôn tạo
Địa đạo Tam giác sắt, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến khu Đ là các di tích cách mạng cấp quốc gia, là “bảo tàng sống” đối với mọi thế hệ, là địa chỉ đỏ để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện
– Học sinh tích cực”, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước…do vậy trong quá trình trùng tu, tôn tạo cần chú trọng gìn giữ nguyên bản những di tích gốc.
Để đảm bảo định hướng này được thực hiện đúng đắn và có hiệu quả, trước khi tiến hành trùng tu phải được Bộ VHTT&DL xem xét và thông qua. Do đó, Sở VHTT&DL Bình Dương phải lưu ý rút kinh nghiệm trong việc lập phương án và thi công trùng tu, tôn tạo di tích. Đồng thời, phải nhanh chóng báo cáo chi tiết phương án các công trình trùng tu di tích cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh cho lãnh đạo Bộ VHTT&DL theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Song song đó, Sở VHTT&DL Bình Dương phải quan tâm sâu sắc cũng như tận dụng sự hỗ trợ về vấn đề chuyên môn từ Bộ VHTT&DL để đảm bảo công trình trùng tu đạt chất lượng, góp phần phát huy các giá trị di tích và đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và của Bình Dương nói chung.
Thứ hai: đầu tư đồng bộ giữa quy mô của di tích và hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất - kĩ thuật.
Thực tế cho thấy, nhiều tài nguyên có tiềm năng khai thác du lịch lớn nhưng do những hạn chế về chất lượng hoặc thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, vật chất - kĩ thuật mà hiệu quả kinh tế rất thấp, không tạo được tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và sự phát triển của toàn ngành du lịch nói chung.
Địa đạo Tam giác sắt, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến khu Đ là các di tích cách mạng điển hình của Bình Dương nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung, có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch rất lớn. Tuy nhiên, do chỉ mới bắt đầu được đầu tư trùng tu, tôn tạo trong những năm gần đây và dự kiến đưa vào hoạt động trong vài năm tới nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nào. Đây vừa là điều kiện thuận lợi vừa là yêu cầu để quy hoạch, đầu tư đồng bộ về quy mô
của di tích với hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, các dịch lưu trú, ăn uống gần di tích, các hạng mục phụ trong khuôn viên di tích như hội trường, nhà chiếu phim, quầy bán hàng lưu niệm, nhà vệ sinh…
Để đảm bảo sự đồng bộ này, trước và trong quá trình quy hoạch trùng tu, tôn tạo di tích, Sở VHTT&DL Bình Dương phải đề ra và giám sát kĩ càng tiến độ thực hiện cũng như hiệu quả của từng thành phần. Cụ thể là phải tiến hành tốt công tác giải tỏa, đảm bảo đúng quy mô quy hoạch và không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân; kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc đáp ứng các dịch vụ như ăn uống, lưu trú, vui chơi cho du khách tham quan, nghiên cứu, học tập… tại di tích nhằm nâng cao hiệu quả khai thác du lịch và chất lượng cuộc sống người dân; phê duyệt và giám sát chặt chẽ việc thi công các hạng mục trong di tích để không phá vỡ kiến trúc chung và đặc điểm lịch sử của di tích.
Thứ ba: xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù.
Địa đạo Tam giác sắt, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến khu Đ là các di tích được bao phủ bởi các cánh rừng bao la, xanh mướt. Đây là một thuận lợi để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Song vì là các di tích lịch sử cấp quốc gia, có giá trị lịch sử to lớn nên việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù phải được ưu tiên hàng đầu. Cụ thể là du lịch về nguồn và du lịch văn hóa phải là các sản phẩm được ưu tiên phát triển, ngoài ra có thể phát triển thêm loại hình du lịch MICE vốn đang được đưa vào khai thác thịnh hành hiện nay.
Để đảm bảo xây dựng thành công, có hiệu quả các sản phẩm này, Sở VHTT&DL Bình Dương cần tạo được sự liên kết hoạt động giữa Ban quản lý di tích và các đơn vị kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh. Điều này vừa giúp tạo lượng khách ổn định cho các di tích vừa tạo được thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở cũng cần quan tâm, tạo sự liên kết lợi ích với cộng đồng địa phương để có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc thỏa mãn cao nhất nhu cầu của du khách, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của việc khai thác di tích vào du lịch tại địa phương nói riêng và ngành du lịch của tỉnh nói chung.
3.1.3.2. Những định hướng nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn nhóm 2
Nhóm này gồm: các làng nghề truyền thống, các tài nguyên này mới được đưa vào khai thác nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng; hiệu quả kinh tế - môi trường - chính trị thấp; hiệu quả xã hội về chất lượng cuộc sống cộng đồng địa phương thấp, về giữ gìn các giá trị truyền thống cao nhưng phát huy thấp; du lịch chưa phát triển nên hiện trạng bảo tồn cao (bền vững cao); đã và đang được trùng tu, tôn tạo với kinh phí trung bình.
Với những đặc điểm như trên định hướng bảo tồn và phát triển cho nhóm này là:
Thứ nhất: đảm bảo giữ vững tinh hoa truyền thống
Du lịch làng nghề ở Bình Dương có tiềm năng phát triển lớn, việc kết hợp phát triển du lịch làng nghề cũng góp phần làm phong phú cho các sản phẩm du lịch, nhiều làng nghề đã thực sự hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách quốc tế, qua đó sẽ giúp các làng nghề truyền thống lâu đời được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã giao Sở VHTT&DL tập trung xây dựng Đề án “Phát triển các sản phẩm đặc thù của Bình Dương” đến năm 2015, trong đó có phát triển du lịch làng nghề. Một trong những định hướng quan trọng trong bảo tồn và phát triển làng nghề phục vụ du lịch đó là đảm bảo giữ vững tinh hoa truyền thống của các sản phẩm vốn có hàng trăm năm tuổi. Các sản phẩm thủ công này mang trong nó tinh hoa và bản sắc văn hóa của vùng đất và con người Bình Dương, do vậy dù hiệu quả khai thác du lịch ở mức nào thì vấn đề bảo tồn “linh hồn”cho làng nghề, cho sản phẩm vẫn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Để đảm bảo thực hiện định hướng này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề cần được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Sở VHTT&DL Bình Dương. Điều này là tất yếu bởi nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch hiện nay ngày càng cao và đa dạng, đòi hỏi phải cải tiến mẫu mã và dây chuyền sản xuất. Việc đổi mới sản xuất tự phát, không đồng bộ sẽ dễ dẫn đến tình trạng lai tạp, mất đi nét truyền thống và đặc trưng của sản phẩm. Trong thời gian tới, Sở VHTT&DL cần quan tâm sâu sát, hỗ trợ kịp thời về vốn, chuyên môn để các cơ sở sản xuất của các làng nghề có
thể đổi mới, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra các sản phẩm kết hợp khéo léo, tinh xảo giữa truyền thống và hiện đại, thu hút ngày càng cao sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Thứ hai: thích ứng với xu hướng tiêu dùng hiện đại
Các sản phẩm thủ công mĩ nghệ gốm sứ, sơn mài, gỗ điêu khắc của Bình Dương từ khá lâu đã trở thành hàng hoá được thị trường trong nước và ngoài nước ưa chuộng, các sản phẩm này có nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú, đa dạng; đặc biệt có một số sản phẩm đạt chất lượng cao mang đậm tính văn hoá truyền thống Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước. Bản thân các làng nghề cũng đã có ý thức trong việc khai thác sự hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm do mình làm ra nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Trong khai thác phục vụ du lịch, việc giữ tinh hoa truyền thống trong sản phẩm là đều tất yếu. Tuy nhiên, với xu hướng tiêu dùng đa dạng như hiện nay, các sản phẩm phải thích ứng với xu hướng tiêu dùng hiện đại, cụ thể là phải không ngừng được cải tiến cả về chủng loại, kiểu dáng, độ tinh xảo, độ bền, sự mới lạ…
Trong tương lai, để các sản phẩm của làng nghề thật sự thu hút được khách du lịch, các cơ sở sản xuất phải đầu tư thích đáng trong khâu tìm hiểu thị hiếu của khách, đổi mới trong thiết kế, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, cần chú ý tạo ra các sản phẩm đặc thù mang thương hiệu riêng của từng cơ sở, tránh tình trạng trùng lắp gây nhàm chán cho du khách.
Thứ ba: tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành và các cơ quan chức năng
Hiện nay, việc liên kết giữa các công ty du lịch lữ hành với các làng nghề vẫn còn thiếu và yếu, việc khai thác tham quan du lịch làng nghề phát triển theo kiểu tự phát, thường là do các công ty lữ hành đứng ra xây dựng điểm đến để phục vụ khách du lịch đếm tham quan, mua sắm. Theo khảo sát và đánh giá của một số công ty du lịch lữ hành, trong những năm gần đây, các tour du lịch đến làng nghề cũng chưa thật sự hấp dẫn. Đa phần các điểm đến vẫn chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm đặc trưng của làng nghề mà chưa tạo được dấu ấn riêng trong lòng du khách.
Do đó lượng khách du lịch đến tham quan mua sắm rất ít và không ổn định, thu nhập của các làng nghề từ việc bán sản phẩm tại chỗ cũng vì thế mà rất thấp, không đáng kể. Bên cạnh đó, thời gian khách đi thăm các làng nghề thường rất ngắn, hầu hết chỉ đi và về trong ngày nên tiêu thụ rất ít dịch vụ tại làng nghề nói riêng và địa phương nói chung. Do vậy, để kéo dài thời gian tham quan, lưu trú của du khách nhằm nâng cao hiệu quả khai thác du lịch cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các công ty lữ hành, đại lý lữ hành trong và ngoài tỉnh và các làng nghề. Sự liên kết này thể hiện qua tính đồng bộ, chuyên nghiệp trong khâu tổ chức tham quan, thuyết minh, quảng cáo sản phẩm để du khách thật sự ấn tượng và có nhu cầu mua sản phẩm ngày càng nhiều.
Mặt khác, việc tổ chức sản xuất và hoạt động của làng nghề chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong tỉnh, nên cùng với sự liên kết với các công ty lữ hành, các làng nghề cũng cần liên kết chặt chẽ với các ban ngành có liên quan. Sự liên kết này thể hiện qua việc khảo sát, củng cố, nâng cấp các làng nghề hiện có trên địa bàn các huyện, thị để xây dựng các tuyến du lịch gắn với làng nghề, hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu, mở showroom giới thiệu và quảng bá sản phẩm chất lượng cao. Song song đó các cơ quan chức năng còn xây dựng và triển khai các đự án bảo tồn làng nghề (dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Sơn mài Bình Dương cho sản phẩm sơn mài truyền thống Bình Dương” do Sở Khoa học – Công nghệ Bình Dương phối hợp cùng các ngành, các cấp và Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương triển khai), các sự kiện văn hóa (Festival Gốm sứ) nhằm giới thiệu sản phẩm của làng nghề nhằm đưa sản phẩm của làng nghề đến gần với du khách trong và ngoài nước hơn.
Tóm lại, trong tương lai, để bảo tồn và phát triển làng nghề vào phục vụ du lịch, việc tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành và các cơ quan chức năng là hết sức quan trọng và cần thiết.
Thứ tư: cải tạo hạ tầng phục vụ du lịch
Hiện tại, hầu hết các làng nghề đều có cơ sở hạ tầng yếu và thiếu, quy mô nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng yêu cầu kinh doanh du lịch. Hầu hết các làng nghề đều chưa xây dựng được các khu ăn uống, vui chơi giải trí, chỉ đơn thuần tập trung vào việc giới thiệu và bán sản phẩm... do đó khó lòng giữ chân du khách. Ngoài ra, một số địa điểm tham quan đường vào khá chật hẹp, lại không có bãi đậu xe, không biển chỉ dẫn, cá biệt có những nơi không có cả nhà vệ sinh... gây khó khăn cho việc khai thác du lịch. Do vậy, việc cải tạo hạ tầng phục vụ du lịch là một trong những định hướng quan trọng để khơi dậy tiềm năng du lịch to lớn của các làng nghề ở Bình Dương.
Thứ năm: đảm bảo sự bền vững về môi trường
Do đặc thù là sản xuất thủ công nên hiện nay hầu hết các làng nghề ở Bình Dương đều chưa đảm bảo được vấn đề môi trường. Các cơ sở sản xuất gốm sứ thường thải ra một lượng lớn khói bụi từ việc nung đốt, gây ô nhiễm trong phạm vi rộng. Các cơ sở sản xuất gỗ điêu khắc thường gây tiếng ồn và bụi. Các cơ sở sản xuất tranh sơn mài thường làm ô nhiễm nguồn nước do hóa chất nhuộm vật liệu.
Để việc bảo tồn và phát triển làng nghề phục vụ du lịch đạt hiệu quả cao thì yêu cầu về đảm bảo sự bền vững môi trường là điều tất yếu. Hiện tại, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, cũng như yêu cầu các cơ sở sản xuất đổi mới dây chuyền sản xuất, hạn chế mức ô nhiễm đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, để thực hiện được định hướng này các làng nghề rất cần được hỗ trợ vốn và chuyên môn từ các cơ quan chức năng của tỉnh, đảm bảo sự chuyển đổi sản xuất đúng hướng và đạt hiệu quả cao.
Trong tương lai, việc bảo vệ môi trường sinh thái ở các làng nghề phục vụ du lịch cần tiếp tục được quan tâm và đầu tư của Sở VHTT&DL nói riêng và các ban ngành của tỉnh Bình Dương nói chung. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo hiệu quả bảo tồn và phát triển làng nghề phục vụ du lịch, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch tỉnh.