người tiêu dùng. Trong chuỗi phân phối, nhà bán buôn có thể đồng thời hoạt động như nhà bán lẻ và ngược lại.
1.2.2 Chức năng của nhà bán lẻ trên thị trường:
Tập hợp và cung cấp một chuỗi các loại hàng hóa/dịch vụ khác nhau
Nhà bán lẻ sẽ gom sản phẩm từ các nhà bán buôn và bán lại cho người tiêu dùng. Sản phẩm mang các nhãn hiệu khác nhau với số lượng, chủng loại, kích cỡ, màu sắc đa dạng. Tuy vậy, mỗi nhà bán lẻ thường tập trung vào một số lĩnh vực nhất định.
Chia nhỏ sản phẩm
Nhà bán buôn phân phối sản phẩm theo từng lô hàng hay kiện hàng với số lượng lớn. Nhà bán lẻ có nhiệm vụ chia nhỏ những sản phẩm này phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân.
Lưu trữ hàng tồn kho
Một chức năng quan trọng của nhà bán lẻ là lưu trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Thông qua chức năng này, nhà bán lẻ giúp người tiêu dùng giảm thiểu chi phí dự trữ hàng hóa. Khoản đầu tư cho việc dự trữ hàng hóa của người tiêu dùng do đó có thể chuyển thành các khoản đầu tư khác mà người tiêu dùng có thể hưởng lãi suất như khoản tiền gửi tiết kiệm.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực trạng thị trường bán lẻ Châu Á và những kiến nghị đối với Việt Nam - 1
- Các Xu Thế Nổi Bật Trên Thị Trường Bán Lẻ Châu Á Hiện Nay
- Một Số Công Ty Bán Lẻ Gốc Châu Á Không Ngừng Mở Rộng Phạm Vi Kinh Doanh Vượt Khỏi Biên Giới Quốc Gia, Khu Vực
- Châu Lục Đông Dân Nhất Thế Giới, Dân Số Trẻ Và Sức Mua Tăng
Xem toàn bộ 103 trang tài liệu này.
Cung cấp dịch vụ hỗ trợ
Bên cạnh chức năng chính là bán hàng hóa, nhà bán lẻ còn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ khiến cho việc mua sắm của họ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn như việc trưng bày một số mẫu thử sản phẩm mới cho khách hàng dùng miễn phí hay ở một tầm cao là cho khách hàng vay tiền để mua hàng của họ
Với tất cả chức năng trên của mình, nhà bán lẻ đã thực hiện được nhiệm vụ quan trọng nhất là làm gia tăng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà khách hàng nhận được.
Từ những khía cạnh đã phân tích ở trên, chúng ta có thể định nghĩa hoạt động bán lẻ là hoạt động kinh doanh làm gia tăng giá trị đối với hàng hóa hay dịch vụ bán cho người tiêu dùng vì mục đích sử dụng của cá nhân hay gia đình. Hoạt động bán lẻ không chỉ diễn ra trong các cửa hàng mà còn bao gồm các hoạt động bán hàng qua điện thoại, qua mạng Internet, các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp, v.v.
2. Những đặc điểm của thị trường bán lẻ
Trên thị trường bán lẻ, hàng hóa được bán đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Người này mua hàng theo nhu cầu và sử dụng cho bản thân hay gia đình mà không bán lại nhằm mục đích kinh doanh hay bất cứ mục đích sinh lời nào khác. Đây được coi là đặc điểm cơ bản phân biệt thị trường bán lẻ với các thị trường giao dịch hàng hóa khác.
Thị trường bán lẻ cung cấp hàng hóa với những chủng loại đa dạng, nhãn hiệu và có thể phục vụ mọi đối tượng khách hàng sinh sống ở các vùng địa lý khác nhau. Hàng hóa trên thị trường bán lẻ có thể được phân thành hai loại:
Nhóm các sản phẩm lương thực, thực phẩm và các loại hàng hóa liên quan (food sector), bao gồm: lương thực (gạo, ngũ cốc, bột mì,…); thực phẩm (tươi sống hay đã qua chế biến); đồ uống (rượu, bia, nước giải khát); .v.v.
Nhóm các sản phẩm phi thực phẩm (non-food sector), bao gồm: đồ điện tử dân dụng hay gia dụng; hóa mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe hay sắc đẹp; các sản phẩm thời trang: hàng dệt, may, da giày…; văn phòng phẩm; sách báo; đồ chơi; máy tính và các phần mềm máy tính; .v.v.
3. Phân loại các loại hình thức bán lẻ trên thị trường
Cách phân chia cơ bản nhất và được sử dụng nhiều nhất khi phân tích hay nghiên cứu thị trường bán lẻ là phân loại dựa vào mô hình kinh doanh. Theo đó thị trường bán lẻ bao gồm hai hình thức kinh doanh chính:
3.1 Hệ thống bán lẻ truyền thống
Hệ thống bán lẻ truyền thống
Chợ
Các cửa hàng độc lập:
+ tiệm tạp hóa
+ cửa hàng bán sỉ
Đại lý của nhà sản xuất, phân phối
Biểu đồ I.1: Phân loại hệ thống bán lẻ truyền thống
Trong các mô hình bán lẻ truyền thống, chợ là hình thức bán lẻ sơ khai nhất, tồn tại từ khi loài người bắt đầu thoát khỏi thời kỳ tự cung tự cấp và bắt đầu biết trao đổi những thứ mình sản xuất thừa, không dùng đến. Trong xã hội hiện đại ngày nay chợ vẫn tồn tại ở các quốc gia phát triển nhất tới các quốc gia kém phát triển.
3.2 Hệ thống bán lẻ hiện đại
Theo công ty nghiên cứu thị trường thuộc tập đoàn IBM (Hoa Kỳ) năm 2007, Euromonitor và Nielsen 2008, hệ thống kinh doanh bán lẻ hiện đại gồm những mô hình chính sau:
3.2.1 Trung tâm mua sắm (department store)
Trung tâm mua sắm là một tổ hợp thương mại lớn bao gồm các gian hàng bán lẻ hàng hóa hay cung cấp dịch vụ. Tất cả những gian hàng này được bố trí dưới cùng một mái vòm, cung cấp đa dạng các chủng loại mặt hàng từ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tới các hàng hóa lâu bền, bao gồm: quần áo, sản phẩm dệt may, giày dép, đồ điện tử, đồ chơi, nội thất, phần mềm máy tính, trang sức, mỹ phẩm, dụng cụ thể thao, v.v. Trung tâm mua sắm lớn nhất trên thế giới hiện
nay là trung tâm Shinsegae Centum City của tập đoàn Shinsegae (Hàn Quốc) đặt tại thành phố Busan.
3.2.2 Đại siêu thị (hypermarket)
Đại siêu thị là các mô hình kinh doanh bán lẻ có quy mô lớn nhất với tổng diện tích sàn vào khoảng 30.000 mét vuông. Số mặt hàng bày bán có thể lên tới
25.000. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm từ một phần ba đến hai phần ba tổng số sản phẩm bày bán. Tại các đại siêu thị, người tiêu dùng có thể mua sắm các mặt hàng khác không nằm trong nhóm lương thực, thực phẩm như mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
3.2.3 Siêu thị (supermarket)
Siêu thị được xây dựng trên mô hình người mua sắm tự phục vụ. Diện tích sàn của các siêu thị nằm trong khoảng từ 5.000 đến 30.000 mét vuông. Số loại sản phẩm bày bán vào khoảng 15.000. Khoảng hai phần ba các sản phẩm bày bán trong siêu thị là lương thực, thực phẩm. Thông thường các siêu thị còn cung cấp thêm quầy đồ ăn sẵn và hiệu bánh mỳ.
3.2.4 Cửa hàng tiện ích (convenience store)
Các cửa hàng tiện ích là các mô hình cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Diện tích mỗi cửa hàng thường dưới 3000 mét vuông, số các mặt hàng bày bán dưới 5000 loại. Các cửa hàng này thường mở ở những nơi giao thông thuận lợi, tập trung dân số, giờ hoạt động thường muộn hơn các loại hình khác. Sản phẩm bày bán chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày và giá cả thường cao hơn so với hàng hóa trong siêu thị.
3.2.5 Cửa hàng giảm giá (discount store):
Là hệ thống các cửa hàng cho phép khách hàng tiếp cận với những chủng loại hàng hóa giá rẻ, ở vị trí khá thuận lợi về giao thông. Đặc điểm của mô hình kinh doanh này là chi phí mặt bằng thấp, số lượng nhân lực giới hạn, tiết kiệm đầu tư vào marketing. Hàng hóa được trưng bày với số lượng khá đa dạng. Mỗi thời điểm, cửa hàng sẽ giảm giá một số loại mặt hàng nhất định. Diện tích mỗi
cửa hàng loại này thường từ 300 đến 1000 mét vuông sản. Mô hình kinh doanh này có thể được tìm thấy ở những khu vực cho thuê diện tích sàn với giá rẻ hay tầng hầm của các trung tâm mua sắm lớn.
3.2.6 Cửa hàng mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp (drugstore)
Là các cửa hàng bán lẻ chuyên bán các loại thuốc (thường là thuốc bán không cần kèm đơn thuốc) và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thực phẩm chức năng,.. Ngoài ra, ở các cửa hàng loại này, người tiêu dùng có thể tìm thấy các loại hàng hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm hay các sản phẩm làm đẹp. Ở một số nơi, bánh kẹo và báo, tạp chí cũng được trưng bày để phục vụ khách hàng.
Ngoài ra còn có một số cách phân loại khác, như:
Dựa vào cơ sở bán lẻ thì có hai hình thức bán lẻ là:
- Bán lẻ có cửa hàng (tại các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích,…)
- Bán lẻ không có cửa hàng (bán hàng qua điện thoại, catalog, internet, qua máy bán hàng tự động,.v.v)
Dựa vào loại hình sở hữu có ba hình thức bán lẻ (theo Retailing management – Levy):
- Hình thức bán lẻ do tư nhân làm chủ
- Hình thức bán lẻ do công ty làm chủ
- Hình thức bán lẻ nhượng quyền
II. VAI TRÒ CỦA THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ
1. Thị trường bán lẻ đóng vai trò là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng
Hàng hóa sản xuất ra có thể được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng hoặc thông qua các kênh trung gian. Hình thức phân phối qua trung gian còn gọi là phân phối gián tiếp.
Trong nền sản xuất chuyên môn hóa hiện nay, kênh phân phối trực tiếp ngày càng trở nên ít phổ biến do doanh nghiệp sản xuất phải dành một khoản đầu tư tương đối lớn cho hoạt động phân phối. Hình thức này không thể phù hợp với các doanh nghiệp quy mô vừa hoặc nhỏ. Trong khi đó, phương thức phân phối hàng hóa gián tiếp lại thể hiện rõ ưu thế của mình. Bằng việc đưa hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất đến tay người tiêu dùng cuối cùng thông qua các trung gian, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí và thời gian. Nhà bán lẻ đóng vai trò là người trung gian cuối cùng trong khâu phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của sản phẩm, quy mô của doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ có thể đóng vai trò là trung gian duy nhất hay là một trong các trung gian trong quá trình phân phối hàng hóa từ khi xuất kho nhà sản xuất đến khi bán được cho người tiêu dùng cuối cùng.
2. Thị trường bán lẻ giúp cung cấp thông tin từ người tiêu dùng đến nhà sản xuất và ngược lại
Trên thị trường bán lẻ, người bán và người mua có mối quan hệ trực tiếp. Họ gặp gỡ và giao dịch với nhau. Nhờ đó, người bán lẻ thu được những thông tin sơ cấp về khách hàng của mình. Nhà bán lẻ có cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu những nhu cầu của người tiêu dùng qua đó tìm cách đáp ứng được những nhu cầu đó. Thông qua việc bán hàng đến người tiêu dùng cuối cùng, nhà bán lẻ có thể thu thập được những phản hồi của khách hàng về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì đóng gói,… Từ đó họ có thể truyền tải đến người sản xuất
Trong quá trình tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng cuối cùng, nhà bán lẻ hoàn toàn có khả năng tìm hiểu những nhu cầu có thể xuất hiện trong tương lai và giúp nhà sản xuất bắt kịp được những xu hướng thị trường để lên chiến lược mở rộng sản xuất.
Ngược lại, nhà sản xuất cũng có thể thông qua thị trường bán lẻ để nghiên cứu thái độ của thị trường khi đón nhận một sản phẩm hay kế hoạch sản xuất mới trong tương lai.
Tóm lại, thông tin chính là chìa khóa dẫn đến thành công cho bất cứ doanh nghiệp trong bất cứ ngành nào. Và nhờ vào những thông tin trên thị trường bán lẻ, nhà sản xuất có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cải tiến sản phẩm theo hướng thỏa mãn tối đa thị hiếu người tiêu dùng. Người tiêu dùng, nhờ vào việc nghiên cứu những biến động trên thị trường cũng có thể điều chỉnh hành vi mua sắm của mình theo hướng có lợi nhất với chi phí thấp nhất và tiết kiệm được thời gian.
3. Thị trường bán lẻ phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh và mức sống của người dân trong một quốc gia
Sự tồn tại của thị trường bán lẻ là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển của các ngành sản xuất trong xã hội. Mục đích của bất cứ ngành sản xuất nào là tạo ra sản phẩm và bán đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, sự hoạt động của thị trường bán lẻ tạo điều kiện cho các ngành sản xuất, kinh doanh tồn tại và hoạt động bình thường.
Thị trường bán lẻ không chỉ giải quyết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho quá trình sản xuất mà còn làm gia tăng GDP của quốc gia. Doanh thu bán lẻ trên mỗi thị trường thể hiện sức khỏe của một nền kinh tế: quy mô, tình hình phát triển hay những xu hướng trong nền kinh tế đất nước đó. Bên cạnh đó, những chuyển dịch trên thị trường bán lẻ còn cho thấy sự thay đổi trong mức sống của người dân. Thị trường bán lẻ tăng trưởng tốt đồng nghĩa với thu nhập trung bình của người dân quốc gia đó đang tăng lên, sức mua cải thiện, chất lượng đời sống nâng cao. Ngoài ra, bán lẻ cũng là khu vực thu hút lực lượng lao động lớn, góp phần tạo ra công ăn việc làm cho một tỷ lệ lớn người lao động trên thế giới.
4. Thị trường bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái sản xuất xã hội
Bốn khâu trong quá trình tái sản xuất xã hội gồm: sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng. Thị trường bán lẻ là khâu trung gian giữa sản xuất và tiêu
dùng. Do đó nó đảm bảo một khâu quan trọng của quá trình tái sản xuất trên. Không có các hoạt động của thị trường bán lẻ thì quá trình tái sản xuất không thể diễn ra được do đó không thể mở rộng phát triển nền kinh tế.