Tổng Quan Nghiên Cứu Liên Quan Đến Các Yếu Tố Thu Hút Fdi Vào Các Ngành Dịch Vụ


tác động của hội nhập đến thu hút FDI nội khối cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.

Đa số các công trình trong nhóm nội dung này tập trung tìm hiểu tác động của hội nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) đến thu hút FDI nội khối của nhóm các quốc gia thành viên do vị trí và tầm ảnh hưởng sâu rộng của liên kết khu vực này. Đặc biệt, các yếu tố quyết định FDI vào khu vực các nước trung, đông và đông nam châu Âu (CESEE) đã được rất nhiều nhà nghiên cứu phân tích, do các quốc gia này đã trải qua một giai đoạn chuyển đổi kinh tế đặc biệt, trong đó vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng làm chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế.

Trong khoảng thời gian 10 quốc gia CESEE gia nhập EU, nhiều nhà nghiên cứu đã đặc biệt nhấn mạnh ảnh hưởng của hội nhập kinh tế khu vực đối với FDI. Điểm chung của các nghiên cứu đó là đều sử dụng biến giả liên quan đến việc gia nhập EU để đánh giá tác động liên kết khu vực này đến dòng vốn FDI. Nghiên cứu của Bevan và Estrin (2004) đã sử dụng mô hình tác động ngẫu nhiên (RE) với tập dữ liệu bảng về các luồng FDI song phương, nghiên cứu các yếu tố quyết định FDI từ các nước phương tây – là thành viên của EU – sang các nước trung và đông Âu. Trong đó, biến giả “thông báo về khả năng trở thành thành viên EU” được sử dụng để đánh giá tác động của việc tham gia liên kết kinh tế khu vực đến FDI vào nhóm các nước này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra (i) chi phí lao động, (ii) quy mô thị trường, (iii) thương mại, (iv) khoảng cách địa lý và đặc biệt là (v) khả năng gia nhập EU có ảnh hưởng quan trọng; trong khi đó rủi ro quốc gia không phải là một yếu tố quyết định đáng kể đến dòng vốn FDI. Kết quả nghiên cứu của Walch và Worz (2012) cũng chứng minh việc gia nhập EU có ảnh hưởng đến thu hút FDI nội khối vào các quốc gia CESEE thông qua sử dụng biến giả có thang đo từ 1-7 dựa theo mức độ gia nhập của các quốc gia vào EU. Đồng thời mô hình OLS được sử dụng trong nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố quy mô thị trường, chi phí và cơ sở hạ tầng có tác động tích cực đến luồng vốn FDI này. Clausing và Dorobantu (2005) nghiên cứu FDI vào các nước CEE giai đoạn 1992-2001 dưới tác động của việc gia nhập châu Âu. Các yếu tố (i) quy mô thị trường,

(ii) mức độ mở cửa, (iii) thuế doanh nghiệp thấp và (iv) việc trở thành thành viên EU được đo thông qua biến giả được tìm thấy có ảnh hưởng tích cực đến dòng vốn FDI nội khối. Nét đặc biệt của nghiên cứu này đó là sử dụng thêm các biến giả tương ứng với từng giai đoạn cam kết hội nhập của các quốc gia CEE vào EU. Nghiên cứu gần đây của Pilarska và Walega (2014) cũng đo lường mức độ tác động của các yếu tố truyền thống như quy mô thị trường, lao động và mức độ mở cửa của nền kinh tế, cùng với đó là “yếu tố EU” – tương ứng với mức độ hội nhập EU của các quốc gia – đến dòng vốn FDI vào các nước Ba Lan, Cộng hoà Séc và Hungary trong bối cảnh


hội nhập khu vực. Ngoài tác động của yếu tố thị trường và chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu còn chỉ ra tác động của việc hội nhập EU đến dòng FDI vào các quốc gia này – theo đó mức độ gia nhập càng sâu, khả năng thu hút FDI càng mạnh mẽ. Bên cạnh những nghiên cứu trên, một số công trình có thời gian nghiên cứu xa hơn, cũng như các nghiên cứu xem xét tác động của một số liên kết kinh tế khu vực khác như NAFTA, MERCOSUR và ASEAN được tóm tắt trong Phụ lục 2.3.

Trong khi đó, nghiên cứu về các yếu tố tác động đến thu hút FDI nội khối trong bối cảnh liên kết AEC còn rất hạn chế do thời điểm thành lập của AEC còn tương đối mới. Nghiên cứu của Masudi (2016) gần như là nghiên cứu duy nhất phân tích các yếu tố thu hút FDI nội khối trong bối cảnh thành lập AEC. Nghiên cứu đã sử dụng biến giả cho giai đoạn hiệp định về đầu tư ACIA chính thức được khởi xướng năm 2007 để đánh giá tác động của AEC đến hoạt động đầu tư nội khối. Với số liệu của 10 quốc gia ASEAN giai đoạn 2000-2014, dựa trên phương pháp ước lượng tác động cố định (FE), nghiên cứu đã chỉ ra (i) quy mô thị trường, (ii) năng suất lao động,

(iii) chất lượng cơ sở hạ tầng và (iv) thuế quan có tác động đến thu hút FDI nội khối. Trong khi đó các biến (i) ổn định vĩ mô và (ii) mức độ mở cửa không có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, việc ACIA được khởi xướng năm 2007 lại không phải là yếu tố tác động đến dòng vốn FDI này – nguyên nhân có thể là do cần có thời gian để các quốc gia thực hiện đầy đủ các mục tiêu của ACIA.

Như vậy, các nghiên cứu liên quan đến các yếu tố thu hút FDI nội khối trong bối cảnh hội nhập AEC còn rất hạn chế. Đây là khoảng trống mà luận án có thể đóng góp vào tổng quan nghiên cứu. Trong khi đó, số lượng nghiên cứu về trường hợp các quốc gia tham gia vào EU phong phú hơn và là nguồn tham khảo có giá trị trong việc xây dựng mô hình các yếu tố tác động đến thu hút FDI nội khối trong bối cảnh liên kết kinh tế khu vực.

1.3. Tổng quan nghiên cứu liên quan đến các yếu tố thu hút FDI vào các ngành dịch vụ

1.3.1. Ở phương diện chung

Dựa trên các lý thuyết cơ bản về thu hút FDI, một số tác giả đã thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm xác định các yếu tố tác động đến FDI vào ngành dịch vụ. Có thể thấy, so với các nghiên cứu về những yếu tố tác động đến FDI trong ngành sản xuất hoặc FDI nói chung, số lượng nghiên cứu về các yếu tố quyết định dòng vốn FDI vào các ngành dịch vụ là rất hạn chế (Resmini, 2000). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định “không cần lý thuyết mới nào để mô hình hoá các yếu tố quyết định FDI vào ngành dịch vụ” (Ramasamy & Yeung, 2010; Kaliappan và cộng sự, 2015; Kafait, 2018).


Nghiên cứu của Kolstad và Villanger (2004) nằm trong chuỗi các bài nghiên cứu thuộc dự án của WB đã sử dụng dữ liệu cấp ngành từ 57 quốc gia từ năm 1989 đến 2000 để dự đoán các yếu tố tác động đến thu hút FDI trong toàn ngành dịch vụ nói chung và trong một số ngành dịch vụ cụ thể. Mô hình tìm hiểu sự ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó có GDP, tăng trưởng GDP, thương mại, lạm phát, rủi ro chính trị, mức độ dân chủ, thể chế, mức độ ổn định. Kết quả cho thấy, (i) mức GDP trên đầu người, (ii) vốn FDI trong ngành công nghiệp, (iii) dân chủ và (iv) thể chế có liên quan đến FDI trong toàn ngành dịch vụ; trong khi đó tăng trưởng kinh tế, thương mại, lạm phát, rủi ro chính trị và đặc biệt là sự ổn định không có mối liên hệ đáng kể với FDI trong khu vực này. Tuy nhiên, kết quả này trong các ngành dịch vụ cụ thể lại khác nhau. Ví dụ, FDI trong ngành sản xuất có tác động đến FDI trong một số dịch vụ có liên quan chặt chẽ đến sản xuất như tài chính và vận tải, trong khi tác động của nó đến các ngành dịch vụ khác như thương mại là không đáng kể. Như vậy, đối với từng ngành dịch vụ nhất định, mức độ tác động của các yếu tố là khác nhau.

Ramasamy và Yeung (2010) tập trung nghiên cứu FDI ngành dịch vụ vào các nước OECD bằng cách sử dụng dữ liệu cấp vĩ mô theo chuỗi thời gian trong giai đoạn 1980-2003. Kết quả cho thấy tất cả các biến liên quan đến tìm kiếm thị trường, hiệu quả và tài sản chiến lược đều tác động quan trọng đến dòng vốn FDI này. Nhóm tác giả kết luận rằng (i) cơ sở hạ tầng, (ii) mở cửa thương mại, (iii) nguồn nhân lực, (iv) tăng trưởng GDP và (v) GDP – các biến thuộc danh mục tìm kiếm hiệu quả và thị trường, là những yếu tố quan trọng, quyết định tích cực đến dòng vốn FDI vào ngành dịch vụ. Trong khi đó, với danh mục các biến tìm kiếm tài sản chiến lược, nghiên cứu này kiểm tra ảnh hưởng của (i) dòng vốn FDI trong quá khứ đến dòng vốn FDI hiện tại, theo đó khẳng định các nhà đầu tư mới có xu hướng tin rằng các khoản đầu tư trước đó mang lại cho họ niềm tin về sự sẵn có của các nguồn lực, lợi nhuận, an ninh và ổn định cho doanh nghiệp.

Walsh và Yu (2010) cũng đã thực hiện nghiên cứu tương tự xác định các yếu tố quyết định đến FDI vào ngành dịch vụ theo phân ngành. Các tác giả đã nghiên cứu các biến vĩ mô, phát triển và thể chế/chất lượng quyết định đến dòng vốn FDI vào 27 nền kinh tế phát triển và mới nổi trong giai đoạn 1985-2008, sử dụng mô hình ước lượng GMM. Nghiên cứu đã phân tích tác động của (i) độ mở thị trường, (ii) tỷ giá hối đoái, (iii) lạm phát, (iv) tổng lượng vốn FDI, (v) tăng trưởng GDP, (vi) GDP bình quân đầu người và một số biến thể chế khác. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng FDI ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô so với FDI ngành sản xuất.


Dựa trên các công trình trên, Kafait (2018) đã thực hiện nghiên cứu các yếu tố tác động đến FDI ngành dịch vụ với khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp giai đoạn 2000-2014 với 4 nước Nam Á (bao gồm Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka) và 5 nước Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan), với các kỹ thuật ước lượng dữ liệu bảng phổ biến như OLS, FE và RE. Kết quả cho thấy (i) tỷ giá hối đoái, (ii) nguồn nhân lực,

(iii) cơ sở hạ tầng, (iv) quy mô thị trường và (v) mức độ mở cửa thương mại có tiềm năng thu hút FDI vào các ngành dịch vụ của các nước đang phát triển. Trong khi đó, yếu tố lạm phát có tác động không đáng kể và tiêu cực tới dòng vốn FDI vào ngành dịch vụ.

Ngoài ra, cũng có nhiều nghiên cứu chỉ tập trung kiểm tra các yếu tố tác động đến dòng chảy FDI vào ngành dịch vụ của một quốc gia. Tiêu biểu là các nghiên cứu đối với khu vực dịch vụ của Trung Quốc và Ấn Độ: Nghiên cứu của Yin (2011) sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian từ năm 1997 đến 2008 trong ngành dịch vụ tại Trung Quốc. Theo đó các yếu tố (i) độ mở của thị trường, (ii) quy mô thị trường, (iii) tổng lượng vốn FDI có tương quan dương với FDI vào các ngành dịch vụ Trung Quốc, trong khi đó, mức lương (chi phí lao động) lại có tương quan âm đối với dòng vốn này. Các yếu tố (i) cơ sở hạ tầng, (ii) giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ và (iii) trình độ lao động không có ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu này. Trong khi đó, nghiên cứu của Bhasin (2014) đối với khu vực dịch vụ của Ấn Độ lại chỉ ra những kết quả khác biệt. Sử dụng mô hình hồi quy OLS với dữ liệu năm trong giai đoạn 1991-2010, nghiên cứu đã cho thấy quy mô thị trường lại có tương quan âm đối với FDI, trong khi đó (i) độ mở thị trường, (ii) sức mua của người dân, (iii) độ mở nền kinh tế, (iv) độ mở của FDI và đặc biệt yếu tố (v) chất lượng lao động có tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư này. Kết quả nghiên cứu khẳng định FDI vào ngành dịch vụ là FDI tìm kiếm hiệu quả. Do vậy, sự sẵn có của nguồn lao động có kỹ năng (chất lượng cao) là yếu tố quan trọng dẫn đến thu hút dòng vốn FDI vào các ngành dịch vụ.

Ở mức độ khu vực, Báo cáo Đầu tư ASEAN 2019 cũng chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút FDI trong ngành dịch vụ của ASEAN. Theo đó, với tiềm năng một thị trường rộng lớn và đang phát triển, ASEAN đã thu hút các nhà đầu tư trong nhiều ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như trong lĩnh vực kinh tế số. Đặc biệt, đẩy mạnh hội nhập khu vực ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng đối với FDI vào ASEAN. Hội nhập AEC tạo ra một thị trường rộng lớn, mở cửa các ngành dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài, hài hoá hoá các tiêu chuẩn và trình độ đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực dồi dào có trình độ cao và


chi phí thấp cũng góp phần quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của môi trường đầu tư ASEAN (The ASEAN Secretariat & UNCTAD, 2019).

Một số nghiên cứu khác lựa chọn những phân ngành dịch vụ đặc thù khác để kiểm nghiệm như dịch vụ bảo hiểm (Moshirian, 1997; Nistor, 2015), dịch vụ kinh doanh (Jeong, 2014; Castellani và cộng sự, 2016), dịch vụ quảng cáo (Terpstra và Yu, 1988; West, 1996) dịch vụ tài chính (Buch và Lipponer, 2004) và dịch vụ pháp lý (Cullen-Mandikos và McPherson, 2002). Tuy nhiên do hướng nghiên cứu của luận án tập trung tìm hiểu các yếu tố thu hút FDI vào ngành dịch vụ ở cấp độ quốc gia, phần tổng quan sẽ không đề cập chi tiết các nghiên cứu này.

1.3.2. Tại Việt Nam

Mặc dù còn hạn chế nhưng đã có một số các nghiên cứu về các yếu tố thu hút FDI vào ngành dịch vụ của Việt Nam.

Kaliappan & cộng sự (2015) đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm điều tra các yếu tố tác động đến FDI vào ngành dịch vụ một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, dựa trên mô hình hồi quy tuyến tính với các biến đo độ lớn của thị trường, độ mở thương mại, mức độ lạm phát, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, sử dụng dữ liệu bảng – số liệu từ năm 2000 đến 2010. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố (i) nguồn nhân lực, (ii) sự sẵn có của cơ sở hạ tầng, (iii) quy mô thị trường và (iv) mức độ mở cửa nền kinh tế có ảnh hưởng tích cực đến FDI vào các ngành dịch vụ. Kết quả này cho thấy các thành viên ASEAN cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các chính sách thương mại tự do để thu hút vốn FDI vào ngành dịch vụ.

Cùng nghiên cứu của chủ đề này, Abdul Hadi và cộng sự (2018) đã nghiên cứu các yếu tố tác động đến thu hút FDI cấp độ ngành – trong đó có ngành dịch vụ – vào 6 nước ASEAN (bao gồm Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam). Dựa trên mô hình dữ liệu bảng tĩnh với số liệu từ năm 2001 đến 2016, nghiên cứu đã đo lường mức độ ảnh hưởng của 7 yếu tố - bao gồm (i) lạm phát, (ii) tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, (iii) chi tiêu của Chính phủ cho giáo dục, (iv) mức độ tiêu thụ điện năng, (v) tỷ giá hối đoái, (vi) mức độ mở cửa thương mại và

(vii) lãi suất cho vay – đến FDI trong các ngành khác nhau. Kết quả cho thấy, mức độ ảnh hưởng của các biến số này trong từng ngành là không đồng nhất, chứng minh rằng mỗi ngành cần có những chính sách thu hút FDI khác nhau. Trong ngành dịch vụ, các yếu tố được tìm thấy có ảnh hưởng đến thu hút FDI bao gồm (i) chi tiêu của Chính phủ cho giáo dục, (ii) tỷ giá hối đoái, (iii) mức độ tiêu thụ điện năng và (iv) mức độ mở cửa thương mại. Như vậy, chính sách thu hút FDI vào các ngành dịch vụ tại ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần chú trọng thúc đẩy các yếu tố này.


Kết quả này cũng có nhiều điểm tương đồng với nghiên cứu trên của Kaliappan và cộng sự (2015). Hạn chế của nghiên cứu đó là số lượng các biến số được chạy trên mô hình còn chưa nhiều, vì thế chưa phản ánh được nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến thu hút FDI vào các ngành dịch vụ (Abdul Hadi và cộng sự, 2018).

Trong khi các nghiên cứu nói trên sử dụng mô hình hồi quy, Saleh & cộng sự (2017) đã sử dụng phương pháp mô hình hoá phương trình cấu trúc (Structural Equation Modelling– SEM) nhằm đánh giá các yếu tố tác động đến quyết định đầu tư của MNEs vào các ngành dịch vụ tại Việt Nam sử dụng số liệu sơ cấp. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy bậc hai (second-order model) với yếu tố bậc 2 là động lực tìm kiếm thị trường, động lực tìm kiếm hiệu quả, chính sách của Chính phủ, văn hoá, vị trí địa lý, mạng lưới kinh doanh – tương ứng với đó là nhóm các yếu tố bậc một, bao gồm quy mô, độ mở và tiềm năng của thị trường; chi phí và chất lượng lao động và các vấn đề khác; ưu đãi thuế, chính sách thu hút FDI, các cam kết thương mại và cơ sở hạ tầng; định hướng dài hạn và vị trí địa lý; liên kết của MNEs và SMEs và các liên kết khác. Kết quả chỉ ra nhóm yếu tố (i) động lực tìm kiếm thị trường, (ii) chính sách của Chính phủ và (iii) văn hoá có ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư vào các ngành dịch vụ Việt Nam. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của trình độ phát triển nền kinh tế, các chính sách của Chính phủ, cũng như sự tương đồng về văn hoá với các quốc gia khu vực Đông Á và Đông Nam Á đến hoạt động thu hút FDI vào ngành dịch vụ Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn dựa trên các số liệu thu thập từ nghiên cứu trên, sử dụng mô hình bậc hai với yếu tố bậc hai là các chính sách của Chính phủ, tương ứng là các yếu tố bậc một bao gồm ưu đãi thuế, chính sách FDI, các hiệp định thương mại và cơ sở hạ tầng, Saleh & cộng sự (2018) chỉ ra các yếu tố thuộc về chính sách của Chính phủ có ảnh hưởng đến sự gia tăng FDI vào ngành dịch vụ. Kết quả này được đánh giá là hợp lý và phù hợp với những cải cách kinh tế gần đây và sự gia tăng dòng vốn FDI của Việt Nam trong 25 năm qua.

Từ tổng quan nghiên cứu trên, tác giả tổng hợp các nhóm yếu tố tác động đến thu hút FDI vào ngành dịch vụ và các nghiên cứu nổi bật trong Phụ lục 2.2.

1.4. Đánh giá chung và khoảng trống nghiên cứu

1.4.1. Đánh giá chung

Tổng quan tình hình nghiên cứu đã trình bày các nghiên cứu liên quan đến đề tài của luận án – bao gồm các nghiên cứu về quá trình hội nhập của các quốc gia ASEAN cũng như Việt Nam trong AEC; các nghiên cứu về các yếu tố thu hút FDI nói chung và vào các ngành dịch vụ nói riêng. Các nội dung nghiên cứu chính đã triển khai được tóm tắt trong Hình 1.1.


Hướng nghiên

Nội dung nghiên cứu



Thu hút FDI từ ASEAN

vào các ngành dịch vụ Việt Nam trong bối cảnh triển khai cam kết hội nhập AEC


Các nghiên cứu về AEC và sự tham gia của Việt Nam


Các yếu tố tác động đến thu hút FDI và FDI vào ngành dịch vụ

Tiến trình hình thành – hội nhập AEC: các cam kết và mức độ cam kết của AEC trong từng giai đoạn; những thách thức của quá trình hiện thực hoá AEC


Quá trình hội nhập của Việt Nam trong AEC: các cam kết của Việt Nam nói chung và trong từng lĩnh vực cụ thể

- thành tựu và hạn chế - đặc biệt trong ngành dịch vụ; thực trạng FDI từ ASEAN vào Việt Nam trong bối cảnh AEC


Các yếu tố tác động đến thu hút FDI:

- Lý thuyết thu hút FDI:

- Các nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến thu hút FDI vào một quốc gia, nhóm quốc gia và khu vực; tác động của hội nhập đến thu hút FDI; các yếu tố thu hút FDI vào Việt Nam, FDI từ ASEAN vào Việt Nam


Các yếu tố thu hút FDI vào ngành dịch vụ nói chung và tại Việt Nam nói riêng

- Các nghiên cứu chung về các yếu tố thu hút FDI vào các ngành dịch vụ, FDI vào các ngành dịch vụ Việt Nam


Hình 1.1: Tổng quan nghiên cứu liên quan đến thu hút FDI từ ASEAN vào các ngành dịch vụ Việt Nam trong bối cảnh AEC

(Nguồn: Tổng hợp của tác giả, 2021)

Tác giả đánh giá tổng thể về tình hình nghiên cứu cụ thể như Bảng 1.1. dưới đây:

Bảng 1.1: Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu


Hướng nghiên cứu

Tình hình nghiên cứu


Nghiên cứu liên quan đến AEC và quá trình hội nhập của Việt Nam trong AEC

Chủ yếu là các nghiên cứu định tính mô tả, so sánh, tổng hợp quá trình hình thành AEC, nội dung các hiệp định, triển vọng và cơ hội – thách thức mà AEC đặt ra cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Các phân tích này có thể được sử dụng làm cơ sở đánh giá tác động của các cam kết trong AEC đến hoạt động đầu tư của ASEAN vào Việt Nam trong ngành dịch vụ, cơ hội và thách thức, giúp đề xuất các giải pháp thu hút FDI phù hợp với xu thế phát

triển của hội nhập khu vực.


Các yếu tố tác động đến thu hút FDI và FDI vào ngành dịch vụ

Các nghiên cứu trong nước chủ yếu mới dừng lại ở mô tả thực trạng đầu tư, kinh nghiệm thu hút từ các quốc gia ASEAN khác, từ đó chỉ ra các cơ hội thách thức và các giải pháp thúc đẩy nguồn FDI này. Các nghiên cứu trong nước tuy tập trung cụ thể vào chủ đề thu hút FDI vào các ngành dịch vụ ở Việt Nam nhưng mới chỉ là những cắt lát, dừng lại ở việc mô tả tình hình và kết quả của hoạt động đầu tư, đánh giá những thành công, hạn chế

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào các ngành dịch vụ tại Việt Nam trong bối cảnh triển khai cam kết hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - 5


và đưa ra một số giải pháp mang tính chất định hướng chung nhằm thúc đẩy các hoạt động FDI.

Các nghiên cứu nước ngoài về thu hút FDI vào các ngành dịch vụ còn hạn chế, tuy vậy một số nghiên cứu có tính tham khảo rất cao cho luận án khi sử dụng phương pháp định lượng xác định được các yếu tố tác động đến quyết định đầu tư vào các ngành dịch vụ. Các nghiên cứu này tương đối hoàn chỉnh, phân tích từ cả góc độ vĩ mô và từ góc độ động lực của doanh nghiệp, là nguồn quan trọng nhằm đề xuất các gợi ý và giải pháp thu hút nguồn vốn này tại Việt Nam. Mặc dù vậy, các công trình nghiên cứu ngoài nước tuy đã đi sâu phân tích các yếu tố tác động đến hoạt động thu hút FDI nhưng phạm vi mới chỉ thu hẹp tại một khu vực và thị trường nhất định và đối tượng nghiên cứu chưa trực tiếp phân tích về hoạt động thu hút FDI ngành dịch vụ từ khu vực ASEAN vào Việt Nam.

(Nguồn: Tổng hợp của tác giả, 2021)

1.4.2. Khoảng trống nghiên cứu

Từ Bảng 1.1 có thể thấy được các nội dung chính như sau:

Một là, nhiều nghiên cứu có thời gian xem xét khá xa so với thời điểm hiện tại; một số nghiên cứu đã có tính cập nhật tuy nhiên vẫn chưa có số liệu cụ thể, tổng hợp và khách quan nhất về thu hút FDI từ ASEAN vào các ngành dịch vụ của Việt Nam. Vì vậy, hoạt động thu hút FDI của Việt Nam từ các đối tác nội khối vào ngành dịch vụ trong bối cảnh hội nhập mới của khu vực – AEC chính thức được thành lập cuối năm 2015 – chính là khoảng trống nghiên cứu có thể khai thác.

Hai là, chưa có nghiên cứu trực tiếp về các yếu tố tác động đến thu hút FDI vào các ngành dịch vụ trong bối cảnh hội nhập của khu vực nói chung và trường hợp của Việt Nam nói riêng. Các nghiên cứu liên quan đến thu hút FDI từ ASEAN vào Việt Nam chủ yếu mới dừng lại ở khai thác thực trạng đầu tư. Việc xác định được các yếu tố tác động đến thu hút FDI nội khối vào các ngành dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập AEC sẽ góp phần đưa ra các giải pháp thu hút mang tính thực tiễn và có khả năng áp dụng cao hơn. Nhóm các yếu tố thu hút FDI vào các ngành dịch vụ đã được kiểm nghiệm trong một số nghiên cứu nổi bật được tóm tắt trong Hình 2.1. Các công trình có liên quan này sẽ là cơ sở để luận án tiến hành nghiên cứu xác định các yếu tố thu hút FDI từ ASEAN vào các ngành dịch vụ tại Việt Nam.

Ba là, không chỉ hạn chế về số lượng, các nghiên cứu thực nghiệm về các yếu tố tác động đến thu hút FDI từ ASEAN vào Việt Nam nói chung, và trong các ngành dịch vụ nói riêng chủ yếu sử dụng phương pháp định tính – tổng hợp, so sánh đối chiếu và phân tích để nhằm chỉ ra các thay đổi trong tình hình FDI từ ASEAN vào Việt Nam. Vì vậy, việc luận án nghiên cứu các yếu tố tác động đến thu hút FDI từ ASEAN vào vào các ngành dịch vụ của Việt Nam, sử dụng mô hình nghiên cứu định

Xem tất cả 247 trang.

Ngày đăng: 15/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí