Nam trong các ngành chủ chốt, đặc biệt là thương mại hàng hoá – dịch vụ và đầu tư. Từ đó, các nghiên cứu chỉ ra những hạn chế trong tiến trình thực thi các cam kết của Việt Nam và đưa ra các gợi ý. Đa số các nghiên cứu đều kết luận tiến trình thực hiện các cam kết AEC của Việt Nam đang còn nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong đợi. Cụ thể:
Về lĩnh vực thương mại hàng hoá và dịch vụ, các nghiên cứu chú trọng vào phân tích những tác động của AEC đến thương mại quốc tế của Việt Nam. Theo đó, AEC sẽ là một yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc gia tăng trao đổi hàng hoá và làm thay đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và hạ giá đầu vào của hàng nhập khẩu. Nghiên cứu cũng chỉ ra do những cơ hội và ưu tiên mà AEC mang lại cho các thành viên ASEAN là đồng đều nhau, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt không chỉ ở những thị trường nước ngoài mà cả ngay chính trên thị trường nội địa. Đặc biệt, trong các ngành dịch vụ (như ngân hàng, tài chính, logistics...), hội nhập trong AEC sẽ là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước (Hà Văn Hội, 2013).
Một số nghiên cứu cũng đã sử dụng chỉ số Hoekman để xem xét, cập nhật tiến trình hội nhập của ASEAN liên quan đến thương mại hàng hoá và dịch vụ hướng tới AEC, đồng thời phân tích sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình này. Về mở cửa ngành dịch vụ, các nghiên cứu đã chỉ ra cam kết của Việt Nam trong 11 ngành dịch vụ theo biểu cam kết AFAS 8 và thực trạng thực hiện các MRAs (Nguyễn Hồng Sơn và cộng sự, 2015b). Sử dụng mô hình trọng lực để phân tích tác động của các hoạt động hội nhập trong AEC đến luồng thương mại hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Anh Thu và cộng sự (2015) cho thấy hội nhập thương mại hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam đã có tác động tích cực tới cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hợp tác, đồng thời tận dụng những ưu đãi về thương mại trong AEC thông qua nâng cao chất lượng và số lượng hàng hoá và dịch vụ cung cấp; hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của mình để cạnh tranh tốt hơn với các doanh nghiệp từ ASEAN. Tuy nhiên, kết quả hội nhập ngành dịch vụ chưa đạt được kế hoạch đặt ra trong AEC Blueprint (Vũ Thanh Hương và Trần Việt Dung, 2015). Theo đó, một số nước vẫn chưa đạt được lộ trình đã cam kết trong việc bãi bỏ thuế quan; giữa các quốc gia vẫn còn tồn tại những khác biệt về tính đồng bộ trong thủ tục hành chính, chỉ số hiện đại hoá hải quan và việc triển khai các MRAs. Nghiên cứu kết luận, trải qua một thời gian thực hiện mở cửa thương mại trong AEC, các nước ASEAN đã đạt được những tiến bộ cơ bản trong việc bãi bỏ thuế quan và hình thành hệ thống các cơ chế nhằm tạo thuận lợi cho thương mại nhưng vẫn còn chưa đạt được như kế hoạch đề ra (Nguyễn Văn Hà
và Nguyễn Xuân Tùng, 2015). Đây là cơ sở để nghiên cứu đề xuất một số giải pháp thúc đẩy Việt Nam và các nước ASEAN có những nỗ lực lớn hơn nhằm hoàn thành nốt các công việc còn lại của quá trình hiện thực hoá AEC 2025 trong ngành dịch vụ, tăng cường sự đóng góp của Việt Nam trong việc hiện thực hoá mục tiêu AEC về hội nhập ngành dịch vụ.
Về lĩnh vực đầu tư, các nghiên cứu đã phân tích các cam kết và việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và thực trạng FDI của ASEAN vào Việt Nam. Theo đó, sự hình thành của ACIA sẽ thúc đẩy luồng vốn FDI vào ASEAN, đồng thời thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị và cung ứng tích hợp trong khu vực. Điều này mang lại cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị cũng như tăng vốn đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua FDI cho Việt Nam. Phạm Thái Hà (2017) và Trang Thị Tuyết (2017) đã tóm lược tình hình đầu tư từ ASEAN vào Việt Nam sau khi AEC có hiệu lực. Theo đó, FDI nội khối ASEAN vào Việt Nam tăng đáng kể, đặc biệt trong ngành sản xuất, với các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Singapore, Thái Lan và Malaysia. Các nghiên cứu cũng chỉ ra những cải cách trong chính sách đầu tư của Việt Nam đứng dưới góc độ của Chính phủ nhằm thực thi các FTA nói chung và hướng tới AEC nói riêng như thay đổi quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi quy định về tư cách của nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Tuy vậy, mặc dù FDI từ ASEAN vào Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định những vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của các nước trong khu vực do tác động của cạnh tranh giữa các nước nội khối và ngoại khối, năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại thấp hơn so với nhiều nước trong khối, khả năng thực tế đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam còn khiêm tốn và cấp độ liên kết AEC ở mức độ thấp, thiếu các điều kiện ràng buộc. Bên cạnh cơ hội, thách thức mà AEC mang lại cũng không nhỏ khi cạnh tranh về thu hút FDI giữa các nước trong ASEAN sẽ ngày càng gay gắt và Việt Nam cần xác định rõ mình sẽ đứng ở đâu trong chuỗi giá trị để nỗ lực đạt được mục tiêu của mình (Nguyễn Thị Minh Phương, 2014).
Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu về sự tham gia của Việt Nam vào AEC trong những lĩnh vực và vấn đề đặc thù như hợp tác tiền tệ (Nguyễn Tiến Dũng, 2012), dịch vụ phân phối (Vu Thanh Huong, 2013,), logistics (Phạm Hùng Tiến, 2014)...
Như vậy đã có những nghiên cứu chung phân tích những tác động hội nhập AEC đến Việt Nam trên các phương diện chung như thương mại quốc tế và đầu tư, cũng như trên các lĩnh vực đặc thù. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đi sâu phân tích trên phương diện thu hút FDI vào các ngành dịch vụ trong bối cảnh Việt Nam
Có thể bạn quan tâm!
- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào các ngành dịch vụ tại Việt Nam trong bối cảnh triển khai cam kết hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - 1
- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào các ngành dịch vụ tại Việt Nam trong bối cảnh triển khai cam kết hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - 2
- Lý Luận Cơ Bản Về Thu Hút Fdi Vào Các Ngành Dịch Vụ Trong Bối Cảnh Hội Nhập Kinh Tế Khu Vực Và Tổng Quan Về Aec
- Tổng Quan Nghiên Cứu Liên Quan Đến Các Yếu Tố Thu Hút Fdi Vào Các Ngành Dịch Vụ
- Tổng Hợp Ngắn Gọn Những Trong Nghiên Cứu Trong Nước Và Ngoài Nước Có Liên Quan Đến Đề Tài Luận Án. Từ Đó, Chương 1 Có Những Kết Luận Như Sau:
- Tác Động Của Hội Nhập Kinh Tế Khu Vực Đến Thu Hút Fdi
Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.
thực hiện các cam kết của AEC. Đối với hoạt động đầu tư, đa số các công trình trong nhóm nội dung này mới chủ yếu dừng lại ở mô tả thực trạng đầu tư, kinh nghiệm thu hút FDI từ một số nước ASEAN, các cơ hội thách thức từ AEC, từ đó chỉ ra các giải pháp thúc đẩy nguồn FDI này.
1.2. Tổng quan nghiên cứu liên quan đến các yếu tố thu hút FDI
Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm được thực hiện liên quan đến các yếu tố thu hút FDI. Các công trình nghiên cứu lý thuyết đã củng cố và xây dựng khung lý thuyết đối với yếu tố quyết định vị trí của dòng vốn FDI. Trong khi đó, các công trình nghiên cứu thực nghiệm đã xác định các yếu tố cụ thể thu hút hay cản trở dòng vốn này đến nhóm nước, khu vực hay tại một quốc gia. Bên cạnh các yếu tố thu hút FDI ở phương diện chung, tổng quan nghiên cứu cũng trình bày các yếu tố thu hút FDI trong bối cảnh liên kết kinh tế khu vực do đây là trọng tâm nghiên cứu của luận án.
1.2.1. Ở phương diện chung
1.2.1.1. Các nghiên cứu lý thuyết
Đến nay đã có nhiều mô hình lý thuyết giải thích các yếu tố thu hút FDI của một quốc gia, hay nói cách khác là các yếu tố tác động đến địa điểm lựa chọn đầu tư của các công ty đa quốc gia. Các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các vị trí dồi dào tài nguyên thiên nhiên hoặc các nguồn lực khác như cơ sở hạ tầng tốt, môi trường kinh doanh hấp dẫn, nguồn lao động dồi dào giá rẻ và có trình độ,…Việc lựa chọn địa điểm đầu tư cũng bị ảnh hưởng từ động lực đầu tư của các công ty: tìm kiếm thị trường, tìm kiếm hiệu quả hoặc tìm kiếm tài sản chiến lược. Lợi thế về vị trí được coi là yếu tố cốt lõi của quá trình ra quyết định đầu tư. Một số lý thuyết nổi bật giải thích các yếu tố thu hút FDI có thể kể tới bao gồm: Mô hình Heckscher-Ohlin do Heckscher (1919) và Ohlin (1933) xây dựng dựa trên lý thuyết thương mại quốc tế; Lý thuyết về lợi thế độc quyền của Hymer (1960); Lý thuyết vòng đời sản phẩm của Hirsch (1965) và Vernon (1966); và Lý thuyết chiết trung của Dunning (1977, 1979, 1980, 1981, 1988, 1998, 2000, 2001). Trong đó, Lý thuyết chiết trung được xem là một khuôn khổ toàn diện nhất để giải thích FDI và các yếu tố quyết định FDI.
Các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào thị trường nước ngoài với điều kiện thị trường đó có nhiều điểm hấp dẫn hơn so với thị trường nội địa (Dunning, 1981). Đóng góp chính của mô hình chiết trung là tổng hợp các lý thuyết trước đây và xác định một tập hợp các biến số (liên quan đến tìm kiếm thị trường, tìm kiếm hiệu quả, tìm kiếm tài nguyên và tài sản chiến lược) có ảnh hưởng đến hoạt động của các MNEs (Dunning và Lundan, 2008). Hầu hết các khung lý thuyết được phát triển sau này về cơ bản đã mở rộng mô hình của Dunning, bổ sung các yếu tố khác có thể thu hút các
MNEs thực hiện hoạt động FDI. Đặc biệt, trên cơ sở khung lý thuyết OLI của Dunning, UNCTAD (1998a) đã đưa ra 3 nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến thu hút FDI bao gồm (i) Khung chính sách về FDI của nước nhận đầu tư, (ii) Các yếu tố của môi trường kinh tế và (iii) Các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh. Dựa trên ba nhóm yếu tố này, UNCTAD đã thực hiện các cuộc điều tra thường niên nhằm đánh giá và xếp hạng cạnh tranh giữa các quốc gia trong thu hút FDI. Đây là cơ sở quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả về cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút FDI ở cấp độ quốc gia. Nội dung chi tiết về 3 nhóm yếu tố này được trình bày trong Chương 2 của luận án.
Lý thuyết OLI về các quyết tố quyết định vị trí FDI và khung 3 nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến FDI của UNCTAD (1998a) sẽ được lựa chọn làm nền tảng xây dựng mô hình nghiên cứu về các yếu tố tác động đến thu hút FDI vào các ngành dịch vụ tại Việt Nam trong Chương 4 của luận án.
1.2.1.2. Các nghiên cứu thực nghiệm
Các nghiên cứu thực nghiệm chủ yếu tiếp cận theo hai hướng. Một là các nghiên cứu chứng minh nền tảng lý thuyết về các yếu tố quyết định vị trí FDI thông qua nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế truyền thống hay các yếu tố mới như tác động chính sách của Chính phủ, chất lượng thể chế, khoảng cách địa lý và văn hoá…đến dòng chảy FDI. Hai là các nghiên cứu thực nghiệm xác định yếu tố tác động đến thu hút hay cản trở đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một khu vực hay một quốc gia cụ thể nhằm đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy những lợi thế và hạn chế những tồn tại hướng tới tăng cường thu hút dòng vốn FDI. Do mục tiêu nghiên cứu của luận án là nhằm xác định các yếu tố tác động đến thu hút FDI từ ASEAN vào các ngành dịch vụ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập nên nội dung tổng quan sẽ tập trung vào hướng nghiên cứu thứ hai.
a. Các nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố tác động đến thu hút FDI nói chung
Các nghiên cứu thực nghiệm đã tập trung vào nghiên cứu ở phương diện chung, hoặc tập trung vào một hoặc một nhóm quốc gia thuộc một khu vực trên thế giới. Ở phương diện chung, Bellak và cộng sự (2008) đã phân tích các yếu tố tác động đến thu hút FDI dựa trên mẫu nghiên cứu của 11 quốc gia (bao gồm Hoa Kỳ, 6 nước châu Âu và 4 nước Trung và Đông Âu) trong 10 ngành công nghiệp từ năm 1995 đến 2004. Nghiên cứu chỉ ra các yếu tố (i) quy mô thị trường, (ii) trình độ công nghệ, (iii) cơ sở hạ tầng, (iv) kết quả thu hút FDI năm trước có tác động tích cực trong thu hút FDI. Trong khi đó, các yếu tố (i) chi phí lao động cao, (ii) thuế suất doanh nghiệp cao, (iii) rào cản FDI lại có tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI. Một số công trình lựa chọn mẫu nghiên cứu theo tính chất của nền kinh tế như nghiên cứu của
Bevan và Estrind (2004), Carstensen và Toubal (2004) với các nền kinh tế đang chuyển đổi; Shahmoradi và Baghbanyan (2011) với các nền kinh tế đang phát triển; Vijayakumar và cộng sự (2010) với các nền kinh tế mới nổi…Một số công trình tập trung nghiên cứu theo khu vực địa lý, trong đó châu Á là khu vực nhận được nhiều sự quan tâm của nhà nghiên cứu nhằm tìm hiểu thực nghiệm các yếu tố tác động đến việc thu hút dòng vốn FDI. Tuy nhiên, số lượng các nghiên cứu cho khu vực Đông Nam Á còn hạn chế, tiêu biểu là các nghiên cứu của Kang và Jiang (2012), Hoang Hong Hiep (2012)… Bên cạnh đó, còn có các nghiên cứu phân tích các yếu tố tác động đến thu hút FDI của một quốc gia. Số lượng các nghiên cứu thuộc nhóm này rất lớn, tuy nhiên do phạm vi nghiên cứu hạn chế ở các quốc gia ASEAN và Việt Nam, luận án chỉ tìm hiểu các nghiên cứu thực nghiệm nhằm xác định yếu tố tác động đến thu hút FDI tại các quốc gia Đông Nam Á. Một số nghiên cứu điển hình bao gồm nghiên cứu của Mah và Yoon (2010) phân tích các yếu tố tác động đến dòng vốn FDI vào Singapore và Indonesia; nghiên cứu của Ang (2008), Nor (2013) và Hamood và cộng sự (2018) xem xét các yếu tố quyết định đến thu hút FDI của Malaysia; nghiên cứu của Khamphengvong và cộng sự (2018) đã chỉ ra các yếu tố thu hút FDI vào Lào. Ngoài ra còn một số các nghiên cứu được thực hiện cho Campuchia (Cuyvers và cộng sự 2008), Thái Lan (Daly và Tosompark 2011)…
Phụ lục 2.1 tóm tắt các nhóm yếu tố, cách thức đo lường các biến số và tác động của chúng đến thu hút FDI trong một số nghiên cứu điển hình. Có thể thấy, đa số các nghiên cứu thực nghiệm được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết OLI của Dunning, sử dụng phân tích dữ liệu bảng với các phương pháp ước lượng chủ yếu là OLS, FEM, REM hoặc GMM khi mô hình tồn tại các vấn đề nội sinh. Về yếu tố tác động thu hút FDI, hầu hết trong các nghiên cứu các tác giả sử dụng các biến đại diện và phương pháp nghiên cứu khác nhau phù hợp với đặc điểm nghiên cứu và cơ sở dữ liệu thống kê. Kết quả tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, các yếu tố tác động đến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào một nhóm quốc gia, khu vực hay một quốc gia cụ thể tuy có sự khác biệt nhưng chủ yếu thuộc về các nhóm yếu tố phổ biến: nhóm yếu tố thể hiện khung chính sách của Chính phủ (như lạm phát, rủi ro quốc gia, tỷ giá hối đoái…), nhóm yếu tố kinh tế (như quy mô thị trường, tăng trưởng kinh tế, mở cửa thương mại…) và nhóm yếu tố hỗ trợ đầu tư (như chất lượng quy định pháp luật, tham nhũng, ổn định chính trị…) (UNCTAD, 1998a).
b. Các nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố tác động đến thu hút FDI tại Việt Nam
Các nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố tác động đến thu hút FDI tại Việt Nam có thể chia thành hai nhóm dựa theo nguồn dữ liệu sử dụng là sơ cấp hay thứ cấp. Do luận án chủ yếu sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp, tác giả sẽ chỉ tập trung trình bày tổng
quan các nghiên cứu thuộc nhóm này. Cũng do phạm vi của luận án, tác giả cũng chỉ tập trung vào các nghiên cứu liên quan đến thu hút FDI ở cấp độ quốc gia.
Sử dụng phương pháp hồi quy OLS đối với dữ liệu chuỗi thời gian theo quý giai đoạn 1998-2005, nghiên cứu của Hoang Thi Thu (2006) cho thấy (i) quy mô thị trường, (ii) khả năng tăng trưởng của thị trường, (iii) cơ sở hạ tầng, (iv) độ mở của nền kinh tế, (v) tỷ giá hối đoái và (vi) khủng hoảng tài chính châu Á có ý nghĩa thống kê trong thu hút FDI vào Việt Nam. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực và tỷ lệ lạm phát lại không có ý nghĩa thống kê trong mô hình này. Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây về trường hợp của Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu không có các kiểm định với mô hình OLS nên kết quả ước lượng có thể chưa hiệu quả và chính xác. Cũng sử dụng phương pháp OLS với dữ liệu trong giai đoạn 1988-2010, nghiên cứu của Hồ Nhật Quang (2010) cũng kiểm định các yếu tố thu hút FDI vào Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chỉ ra các yếu tố (i) tổng sản phẩm quốc nội,
(ii) đầu tư Nhà nước vào công nghiệp và nông nghiệp, (iii) giá trị thương mại quốc tế và (iv) tổng tiêu dùng trong nền kinh tế có tác động đáng kể đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Tác giả đã thực hiện các kiểm định khác nhau như kiểm định đa cộng tuyến, kiểm định phương sai thay đổi và kiểm định tự tương quan – tuy nhiên chưa thực hiện kiểm định tính dừng cho dữ liệu chuỗi thời gian nên có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả hồi quy.
Một số nghiên cứu sử dụng Mô hình trọng lực (Gravity Model) để đánh giá tác động của các yếu tố thu hút FDI vào Việt Nam. Tiêu biểu như:
Nghiên cứu của Nguyen Thanh Hoang (2011) là một nghiên cứu mang tính toàn diện đối với chuỗi hoạt động của FDI về mặt lý thuyết Kết quả hồi quy cho thấy, khoảng cách chênh lệch giữa (i) GDP, (ii) tiền lương của nước đầu tư và nước sở tại và các yếu tố (iii) quy mô thị trường, (iv) chất lượng cơ sở hạ tầng, (v) nguồn nhân lực, (vi) mở cửa nền kinh tế có ý nghĩa thống kê trong tác động đến FDI. Tuy nhiên trong nghiên cứu này, độ tin cậy của kết quả ước lượng còn hạn chế do tác giả không tiến hành kiểm định các vi phạm của mô hình.
Để đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đối với hoạt động thương mại và đầu tư vào Việt Nam, nghiên cứu của Pham Thi Hong Hanh (2011) sử dụng phương pháp ước lượng OLS và tác động ngẫu nhiên REM với số liệu đầu tư của 17 quốc gia vào Việt Nam từ năm 1990 đến 2008. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố liên quan đến quy mô nền kinh tế (đo bằng GDP), tỷ giá hối đoái, việc ký kết các FTA và tham gia vào WTO có tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra việc gia nhập WTO có thể làm Việt Nam dễ bị ảnh hưởng sâu rộng hơn bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu trong tương lai. Nghiên
cứu của Hoàng Chí Cương và cộng sự (2013) sử dụng dữ liệu bảng giai đoạn 1995- 2011 từ 18 đối tác đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam với phương pháp ước lượng Hausman-Taylor cũng khẳng định tác động của WTO đến dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết gần đây với việc thúc đẩy dòng vốn FDI.
Gần đây nhất, nghiên cứu của Phan Thị Quốc Hương (2014) cũng đã thực hiện kiểm định theo phương pháp ước lượng OLS và GMM sai phân với số liệu về kết quả thu hút FDI tại Việt Nam trong giai đoạn 2000-2012 của 24 nước đang phát triển thuộc khu vực Châu Á. Theo đó, dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bị ảnh hưởng bởi (i) tỷ giá hối đoái, (ii) vốn viện trợ phát triển chính thức, (iii) tổng sản phẩm quốc nội, (iv) kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và (v) tài ngyên khai thác. Với phương pháp kiểm định GMM sai phân, kết quả ước lượng có sự hiệu quả và chính xác cao hơn, tuy nhiên cách tiếp cận dữ liệu của tác giả không nghiên cứu trực tiếp với trường hợp của Việt Nam nên độ tin cậy của kết quả nghiên cứu bị ảnh hưởng.
Như vậy, các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy các yếu tố tác động đến thu hút FDI vào Việt Nam vẫn thuộc các nhóm yếu tố chính, tuy nhiên kết quả chưa có sự thống nhất. Nhiều yếu tố được tìm thấy có ảnh hưởng trong nghiên cứu này nhưng không có ý nghĩa thống kê trong các nghiên cứu khác.
FDI từ ASEAN vào Việt Nam
Liên quan đến nội dung thu hút FDI từ ASEAN vào Việt Nam, đa số các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở phân tích thực trạng đầu tư. Trong khi đó, các nghiên cứu tìm hiểu những yếu tố thu hút FDI từ ASEAN vào Việt Nam rất hạn chế và chủ yếu là các nghiên cứu định tính.
Nghiên cứu của Suvakunta (2017) tổng hợp số lượng vốn và dự án, các ngành trọng điểm FDI của Thái Lan vào Việt Nam, các công ty tiêu biểu của Thái Lan tại Việt Nam và các yếu tố tác động đến hoạt động đầu tư này bao gồm yếu tố địa lý, chính trị và kinh tế dựa trên thống kê mô tả. Nghiên cứu cho thấy số lượng FDI từ Thái Lan vào Việt Nam có xu hướng tăng liên tục ở đa dạng các ngành nghề. Yếu tố tác động đến quyết định của các nhà đầu tư Thái Lan khi đầu tư vào thị trường này bao gồm vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở vật chất tại các thành phố và tỉnh thành lớn của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, dân số trẻ chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều ưu đãi về thuế, cùng với chất lượng lao động tương đối tốt. Tuy nhiên hạn chế của nghiên cứu đó là mới chỉ phân tích mà chưa chỉ ra được cơ sở cho các nhận định về các yếu tố tác động nói trên.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Lim (2017) đã tiến hành phỏng vấn chuyên sâu với 56 doanh nghiệp Malaysia có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để tìm ra động
lực đầu tư của các doanh nghiệp nước này tại thị trường Việt Nam. Kết quả cho thấy, đa số các doanh nghiệp Malaysia lựa chọn đầu tư tại Việt Nam nhằm tận dụng yếu tố quy mô thị trường lớn và tăng trưởng nhanh với dân số trẻ và nguồn tài nguyên dồi dào – như lao động giá rẻ, nguyên liệu thô sẵn có và việc cho phép thuê đất dài hạn
– các yếu tố này giúp cho các doanh nghiệp giảm được giá thành sản phẩm. Ngoài ra, hơn 1/3 số doanh nghiệp Malaysia được phỏng vấn tìm kiếm những tài sản chiến lược
– chủ yếu là cách thức đối phó với những thủ tục giấy tờ còn nhiều quan liêu của chính quyền thông qua các liên doanh với doanh nghiệp nội địa. Điều này cho thấy môi trường chính trị ở Việt Nam cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Malaysia. Tuy nhiên, động lực tìm kiếm hiệu quả của các doanh nghiệp rất ít (chỉ chiếm 9%) – nghĩa là các công ty này còn rất hạn chế trong việc tận dụng các lợi thế so sánh của Việt Nam – trong đó có các lợi thế từ quá trình hội nhập. Từ các kết quả này, tác giả đưa ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam – trong đó tập trung vào các chính sách nhằm thu hút FDI từ cả các nước đang phát triển như Malaysia do những triển vọng mà nhóm các nước này mang lại là rất lớn.
Napa và cộng sự (2018) đã so sánh các ưu đãi đầu tư về tài chính nổi bật của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm mục đích xây dựng các cải cách chính sách hợp lý. Bảng so sánh được xây dựng với 11 loại hình ưu đãi của từng quốc gia thành viên – là cơ sở quan trọng giúp đối chiếu chính sách về thuế của các nước trong khu vực và đưa ra gợi ý cho Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhận định mặc dù nhiều quốc gia có chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn hơn nhưng lại thu hút được ít FDI hơn (ví dụ như trường hợp của Việt Nam và Philippines) – điều này cho thấy các yếu tố thuộc môi trường đầu tư khác như cơ sở hạ tầng, quy định về kinh doanh, chất lượng quản trị cũng rất quan trọng. Bên cạnh hạn chế đó, cách so sánh trực tiếp 1-1 cũng khó có thể đưa ra kết luận chính xác đâu là ưu đãi hợp lý và hiệu quả do mỗi quốc gia có sự khác biệt về mức độ phát triển của nền kinh tế, quan điểm và định hướng phát triển trong thu hút FDI.
Như vậy, các nghiên cứu thực nghiệm tìm hiểu các yếu tố thu hút FDI từ ASEAN vào Việt Nam còn rất hạn chế. Đây là một khoảng trống lớn mà luận án có thể khai thác để bổ sung vào tổng quan nghiên cứu.
1.2.2. Thu hút FDI nội khối trong bối cảnh hội nhập khu vực
Sự tham gia của một quốc gia vào quá trình hội nhập khu vực là yếu tố giúp nâng cao lợi thế về vị trí của quốc gia sở tại. Việc loại bỏ các rào cản nội khối với hàng hoá, dịch vụ và vốn sẽ giảm đáng kể chi phí giao dịch và kích thích dòng vốn FDI vào nước sở tại – cả từ bên ngoài và bên trong khu vực hội nhập (Dunning, 2004). Xác định các yếu tố tác động đến thu hút FDI trong bối cảnh hội nhập khu vực hay