Những Dạng Thức Cảm Hứng Trong Thơ Trẻ Việt Nam Thời Kháng Chiến Chống Mỹ


trong những tố chất bẩm sinh, thiên phú (và Hegel đã đúng). Dĩ nhiên tố chất ấy phải được nuôi dưỡng và phát triển thông qua quá trình học tập, rèn luyện, trải nghiệm của nghệ sĩ. Đồng thời, bên cạnh nó, nghệ sĩ còn phải hội đủ nhiều tố chất khác nữa. Có điều, cảm hứng nghệ thuật (cận nghĩa với cái mà các nhà khoa học gọi là hàm lượng xúc cảm (EQ); gần hơn là xúc cảm thẩm mỹ (émotion esthétique) vẫn là tố chất hàng đầu. Ai không được trời phú cho tố chất này thì dù trí tuệ (hàm lượng IQ) có uyên bác đến đâu cũng không sáng tạo được thơ ca. Mỗi nhà văn đều có cách sáng tạo riêng của mình nhưng ở họ có một điểm chung, đó là phải dạt dào cảm hứng - cảm hứng nồng nhiệt, sâu sắc, bền vững, cảm hứng xuyên thấm vào thế giới nghệ thuật, thoát ra thành thơ. Ở Trung Quốc các triết gia cổ đại cho thơ là sản phẩm của “tình động ư trung” (tình động ở trong lòng). Thơ là sản phẩm của cảm hứng, cảm hứng làm khởi phát và nung nấu ra thơ (đương nhiên phải bằng chất liệu ngôn từ, bằng tài năng của chủ thể).

Và cũng phải thấy rằng, cảm hứng không phải độc quyền của nghệ thuật. Hầu như tất cả các hoạt động của con người đều cần đến cảm hứng (nói đúng hơn là hứng thú nghề nghiệp). Nhưng đó là cảm hứng thông thường chứ chưa phải cảm hứng nghệ thuật. Phương Lựu phân biệt: “Cảm hứng có thể có trong tất cả các ngành sản xuất khi mà con người lao động hoàn toàn tự nguyện theo những mục đích hoàn toàn phù hợp với lí tưởng và khả năng của mình. Nhưng khác với thành phẩm của tất cả các ngành lao động khác, tác phẩm văn học nghệ thuật còn chứa đựng tình cảm chủ quan của chủ thể sáng tạo” [89, tr.209 - 210]. Điều này không có gì lạ, bởi chuyện văn chương là chuyện tình cảm (tình cảm nghệ thuật); nhà văn không thể sáng tác khi trong lòng nguội lạnh.

Tuy nhiên, không phải hễ có cảm hứng tuôn trào thì tất sẽ có nghệ thuật. Nhà thơ Hoàng Trung Thông xác nhận: “Hình như cảm hứng là một sự xúc động ban đầu. Xúc động đó gieo vào trái tim và tâm hồn của người làm thơ nhưng rồi phải thế nào nữa mới ra thơ được” [196, tr.232]. Tuy không nói cụ thể nhưng ai cũng hiểu “phải thế nào nữa” trong câu của Hoàng Trung Thông là gì. Đó là sáng tạo, là tài năng của nhà thơ trong việc chuyển cảm hứng thành hình tượng nghệ thuật, mã hóa những ấp ủ trong lòng thành kí hiệu thẩm mỹ, tương tự như men cất thành rượu, gạo nấu thành cơm. Tóm lại, đó quá trình lao động đầy lao tâm khổ tứ, lắm khi nhà thơ phải “đánh


vật” với từng con chữ (“phu chữ” - Lê Đạt) như con tằm rút ruột nhả ra tơ. Xuân Diệu chia sẻ: “Khi tôi nói xúc cảm, tôi không chỉ nói rung động về tình cảm mà thôi, bởi vì người ta có thể rung động rất nhiều, thiết tha, chân thành đến ứa lệ, nhưng ra nước mắt chưa hẳn đã ra thơ. Khi tôi nói xúc cảm là rung động về vần điệu, hình tượng, âm thanh, một hứng thú sáng tạo vậy” [33, tr.123 -124].

Mặt khác, cảm hứng nghệ thuật không đơn thuần chỉ là sự rung động của trái tim, sự xao xuyến của tâm hồn. Mà, do tồn tại trong thế giới nghệ thuật nên bao giờ nó cũng hàm chứa tư tưởng: “Trong những tác phẩm nghệ thuật, tư tưởng là cảm hứng chủ đạo của chúng” [70, tr.39]. Tư tưởng xuyên thấm vào hình tượng, được bao bọc bởi tình cảm, đi qua ngõ tình cảm: “Trong tác phẩm cũng có khi nhà văn phát biểu trực tiếp và công khai tư tưởng của mình, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là phát biểu thông qua con đường của tình cảm, thông qua việc xây dựng thế giới nghệ thuật mang tính hình tượng của tác phẩm” [44, tr.207]. Nói ngắn gọn, tư tưởng trong tác phẩm phải được nghệ thuật hóa, thơ hóa, hòa kết nhuần nhụy với tình cảm. Đây là điểm khác giữa tư tưởng trong nghệ thuật và tư tưởng ngoài nghệ thuật. Còn xét về chủ thể thì xưa nay không ai xem nhẹ vai trò của cảm hứng trong sáng tạo thẩm mỹ. Nhà phê bình Hoài Thanh quả quyết “Một yếu tố quan trọng trong sáng tác là cảm hứng” [157, tr.299]. Tuy nhiên, phải là cảm hứng chân thực, chân thực trong tư tưởng tình cảm, chân thực nơi cõi lòng nhà thơ; những trường hợp “ngụy cảm hứng” ép cảm hứng cho ra thơ, theo chúng tôi, dù bất kể nhằm mục đích gì cũng khó được chấp nhận: “Ở những tác phẩm mang tính tư tưởng giả tạo, cảm hứng chỉ được tạo nên do ý chí chủ quan của nhà văn và vì vậy cảm hứng sẽ mang tính chất gượng gạo, cố tình” [128, tr.141].

Vậy, cảm hứng là gì ?

Theo V. Belinski, cảm hứng là: “Trạng thái phấn chấn cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được được bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả”; là “sự thiết tha và nhiệt tình nồng cháy gợi lên bởi một tư tưởng nào đó” [44, tr.208 - 209]. Đối với Hegel, cảm hứng “là biểu hiện của tâm hồn người nghệ sĩ say mê thâm nhập vào bản chất của đối tượng, trở thành tương ứng với nó, gần như là xuyên suốt vào nó”; “là


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

sức mạnh của tâm hồn tự thể hiện trong chính nó, là nội dung chủ yếu của lí tính và ý chí tự do” [44, tr.208].

Từ điển Larousse (Pháp) gọi cảm hứng là nhiệt tình sáng tạo (enthousiasme créateur). Từ điển Khang Hy (Trung Quốc) thì nói “hứng” là cảm xúc trước sự vật mà phát ra. Sự thực thì cảm hứng chính là thời điểm mà sức sống bên trong đã tích tụ, ấp ủ, lên men sáng tạo. Đó là thời điểm mà ngọn lửa kỳ diệu của thơ ca bùng cháy khiến nghệ sĩ không thể không nói ra bằng lời.

Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 11

Ở Việt Nam, từ thế kỷ XVII, Nguyễn Quýnh cho rằng: “Tâm người ta như chuông, như trống, hứng như chày và dùi. Hai thứ đó gõ, đánh vào chuông, trống, khiến chúng phát ra tiếng; hứng đến khiến người ta bật ra thơ” [153, tr.103]. Đối với học giả - nhà thơ Hoàng Trung Thông, “Cảm hứng chính là thời điểm mà sức sống bên trong đã tích tụ ấp ủ lên men sáng tạo, thời điểm mà ngọn lửa kì diệu của thơ ca bùng cháy” [196, tr.233]. Gần đây, các tác giả Giáo trình Lí luận văn học xác định: “Cảm hứng là một trạng thái căng thẳng nhưng say mê khác thường. Sự căng thẳng của ý chí và trí tuệ, sự dồi dào về cảm xúc, khi đã đạt đến sự hài hoà, kết tinh, sẽ cháy bùng trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, dẫn dắt họ đến những mục tiêu da diết bằng con đường gần như trực giác, bản năng” [89, tr.210]. Những nhà biên soạn Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa cảm hứng chủ đạo là: “Trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm, xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận” [38, tr.38].

Như vậy, về khái niệm và vai trò của cảm hứng, nhìn chung các nhà mỹ học, lí luận văn học đều có những nhìn nhận tương đồng. Nhưng khi bàn đến nguồn gốc hình thành ra nó thì lại có nhiều quan niệm khác nhau. Những nhà duy tâm cho rằng cảm hứng có được là do thần linh đột nhập, văn nghệ sĩ triền miên trong trạng thái bị ám ảnh (Platon). Ý kiến khác lại quả quyết: Cảm hứng sáng tác là hoàn toàn mang tính chất trực giác (H. Bergson). Còn S. Freud thì giải thích cảm hứng bắt nguồn từ ức chế tình dục. Đến các nhà duy vật, cảm hứng được lý giải từ lao động. Chẳng hạn, tác giả tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy, N. Ostrovsky tâm sự: “Tôi chỉ tin một điều là cảm hứng sinh ra từ trong lao động… vì lao động đó là thầy thuốc tốt nhất cho mọi cảm


hứng” [196, tr.233]. Nhà thơ Chế Lan Viên chia sẻ: “Trong thơ có hứng cảm, nhưng trong thơ có lao động, cật lực đổ mồ hôi, sức lực mà ra” [193, tr.646].

Nói cảm hứng bắt nguồn từ lao động cũng có cơ sở của nó. Cảm hứng là thành quả của quá trình lao động cật lực, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí trí và tình cảm. Sáng tạo thơ ca là lao động, lao động trong trạng thái dạt dào cảm hứng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa phủ nhận năng khiếu bẩm sinh của nhà thơ; không thiếu người lao động cật lực, vắt óc ra nghĩ mà suốt đời vẫn không sáng tác được một bài thơ hay. Cho nên ở đây cần nhìn nhận trên hai phương diện khách thể và chủ thể. Cảm hứng nghệ thuật được hình thành, một mặt do “thiên phú” (chủ thể); mặt khác, do có sự tác động của thế giới khách thể vào trí não con người. Sáng tạo nghệ thuật là sáng tạo tinh thần, hình tượng nghệ thuật cũng được hiểu như “một khách thể tinh thần đặc thù” [89, tr.138]. Thực ra đó là phép biện chứng của mối quan hệ thẩm mỹ đã được các nhà mỹ học Mác xít kiến giải từ lâu.

Tóm lại, cảm hứng nghệ thuật có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (pathos - tức tình cảm sâu sắc, nồng nàn). Từ các triết gia cổ Hy Lạp, Trung Hoa đến Hegel, V. Belinski và các học giả Việt Nam, dù có những cách lí giải khác nhau nhưng họ đều chung điểm gặp ở “hạt nhân hợp lí” của nó. Đó là “chỉ trạng thái phấn hứng cao độ của nhà văn khi chiếm lĩnh bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả” [128, tr.141]. Với các nhà duy vật, sự chiếm lĩnh ấy bắt nguồn từ lí tưởng xã hội của nhà văn, nhằm phát triển và cải tạo thực tại. Cảm hứng nghệ thuật bao giờ cũng đậm đà, lắng lọc hơn cảm hứng thông thường. Đồng thời nó luôn gắn với tư tưởng và mang tính khuynh hướng rõ rệt. Cảm hứng nghệ thuật cũng là một yếu tố của nội dung tác phẩm, thống nhất với các yếu tố khác như đề tài, chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

2.1.2. Hướng phân loại cảm hứng nghệ thuật

- Theo các tác giả Giáo trình Dẫn luận nghiên cứu văn học (G.N. Pospelov chủ biên): “Trong sáng tạo nghệ thuật, cảm hứng được biểu hiện ở mọi biến thể”. Theo đó, có bảy biến thể được xác định: Cảm hứng anh hùng, cảm hứng bi kịch, cảm hứng kịch tính, cảm hứng châm biếm, cảm hứng hài hước, cảm hứng thương cảm, cảm hứng lãng mạn [128, tr.141]. Họ lí giải: “Trong thực tế, tính cách, thái độ, hoạt động của con người vốn đa dạng và biến động. Những mâu thuẫn của chúng có thể gây nên


trong ý thức những đặc tính khác nhau của cảm hứng” [128, tr.143]. Bởi cho cảm hứng nảy sinh trong ý thức con người, gắn với tính cách, thái độ, hoạt động của con người nên các tác giả Dẫn luận nghiên cứu văn học khẳng định, giữa các “biến thể cảm hứng” (tức “dạng thức cảm hứng” theo cách gọi của chúng tôi) thường “gắn bó với nhau, có thể chuyển hóa lẫn nhau, thâm nhập vào nhau” [128, tr.143]. Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở. Ngoài ra, cũng cần nhận thấy, sự thể hiện các dạng thức cảm hứng một phần chịu sự chi phối của lịch sử, của thời đại, phần khác còn tùy thuộc vào sự dịch chuyển trong cảm quan thẩm mỹ của chủ thể. Thực tế ít có nhà văn nào xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình chỉ thể hiện duy nhất một dạng thức cảm hứng. Thông thường là, ngoài cảm hứng chủ đạo, họ còn nảy sinh thêm một số dạng thức khác nữa. Từng nhà văn đã thế, cả một lớp nhà văn lại càng như thế. Cho nên, sự xuất hiện đan xen nhiều dạng thức cảm hứng của thế hệ thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ như là sự đương nhiên, dù âm hưởng chung (cảm hứng chủ đạo) của dòng thơ ấy có là “đồng ca” chăng nữa.

- Đến Giáo trình lý luận văn học [25], nhà nghiên cứu Lê Tiến Dũng có ý phân cảm hứng thành hai dạng thức: cảm hứng sáng tạo cảm hứng tư tưởng. Dạng thức thứ nhất gắn với chủ thể, thuộc về chủ thể; dạng thức thứ hai thuộc về tác phẩm (sản phẩm của chủ thể). Hai dạng thức cảm hứng này không tách rời nhau nhưng được phân biệt: “Cảm hứng tư tưởng của tác phẩm và cảm hứng sáng tạo của nhà văn liên quan chặt chẽ với nhau nhưng không phải là một. Nói tới cảm hứng sáng tạo của nhà văn thường nghiêng về nói đến một trạng thái tâm lí sáng tạo. Còn nói tới cảm hứng tư tưởng của tác phẩm tức là cảm hứng của nhà văn đã được truyền tới hệ thống hình tượng mà họ miêu tả” [25, tr.71]. Đó là ý kiến thuyết phục. Chúng tôi cho rằng “cảm hứng tư tưởng” và “cảm hứng nghệ thuật” về bản chất không khác nhau. Bởi nghệ thuật tồn tại dưới dạng tác phẩm, không có nghệ thuật phi tác phẩm. Cảm hứng sáng tạo của nhà văn là một bước, một yếu tố để hình thành tác phẩm, chỉ khi nhà văn cho ra đời tác phẩm thì cảm hứng ấy mới được gọi cảm hứng nghệ thuật. Nếu không, cảm hứng của nhà văn mới đang ở dạng “thai nghén”, tuy rất cần nhưng chưa là gì cả; và dĩ nhiên cũng không ai gọi họ là nhà văn nếu không có tác phẩm.


Điểm gặp giữa các nhà nghiên cứu là đều tiếp cận cảm hứng từ thế giới nghệ thuật. Những nhà biên soạn Giáo trình Dẫn luận nghiên cứu văn học đã căn cứ vào khuynh hướng tư tưởng, tình cảm trong tác phẩm để phân cảm hứng thành các dạng thức (tức các “biến thể” - chữ của các nhà biên soạn). Đây là định hướng để chúng tôi vận dụng vào nghiên cứu cảm hứng nghệ thuật trong thơ trẻ thời chống Mỹ. Cụ thể hơn, vận dụng là vận dụng ở cách tiếp cận (tức căn cứ vào khuynh hướng tư tưởng, tình cảm trong tác phẩm để chia cảm hứng thành các dạng thức). Còn phân loại cảm hứng thành bảy biến thể như trong Giáo trình Dẫn luận nghiên cứu văn học, theo chúng tôi, là có tính bao quát chung cho văn học của mọi dân tộc. Ở đây, vận dụng vào khảo sát dòng thơ trẻ thời chống Mỹ (một hiện tượng nghệ thuật cụ thể, nảy sinh trong một thời đại cụ thể; ở một đất nước có bản sắc riêng) thì tất phải có sự linh hoạt khi quy về các dạng thức cảm hứng. Chẳng hạn, trong “cảm hứng lãng mạn - sử thi” (theo cách chia của chúng tôi) đã bao hàm cảm hứng lãng mạn và cảm hứng anh hùng; trong “cảm hứng bi tráng” đã có thương cảm;... Hay, chúng tôi cho rằng, thơ trẻ thời chống Mỹ tuy đã xuất hiện cảm hứng hài hước (trường hợp Phạm Tiến Duật), cảm hứng bi kịch (trong sáng tác của một số nhà thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam). Nhưng nhìn chung, do chúng chưa thực sự phổ biến, chưa nổi trội cho cả dòng thơ nên chúng tôi đã không tách thành các dạng thức riêng. Nghĩa là, bảy biến thể cảm hứng theo đề xuất của các nhà biên soạn Giáo trình Dẫn luận nghiên cứu văn học, khi vận dụng, chúng tôi đã rút gọn, chuyển tên gọi, số lượng cũng ít hơn.

2.2. Những dạng thức cảm hứng trong thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ

Từ sự hiểu như trên, chúng tôi quy cảm hứng nghệ thuật trong thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ về bốn dạng thức để nghiên cứu. Theo đó, nội dung tư tưởng của dòng thơ này sẽ được tiếp cận. Tuy nhiên, chúng tôi ý thức rằng, sự phân chia này cũng chỉ là tương đối.

2.2.1. Cảm hứng lãng mạn - sử thi

“Lãng mạn - sử thi” là ngữ biểu niệm được đính kèm để làm rõ nghĩa cho “cảm hứng”; hiểu đầy đủ: cảm hứng lãng mạn theo khuynh hướng sử thi, nảy nở trong bối cảnh sử thi, tô điểm cho sử thi. Mặc định như vậy, “lãng mạn” trong “cảm hứng lãng


mạn” không hiểu như một trào lưu văn học, không thuộc chủ nghĩa lãng mạn (romantism); mà là thái độ tư tưởng - cảm xúc của nhà văn đối với hiện thực, phản ánh hiện thực như điều cần có, như mong ước. Tiếp đến, khái niệm “sử thi” trong “cảm hứng lãng mạn - sử thi” đã không còn nguyên nghĩa như tên gọi về một thể loại văn học thời cổ đại. Ở đây “sử thi” được hiểu là khuynh hướng sáng tác ưu tiên cho chủ đề dân tộc, cho vẻ đẹp và tầm vóc kì vĩ của đất nước, khí thế hào hùng của một thời kì lịch sử với nhiều chiến công hiển hách. Hiểu như vậy, có thể khẳng định, văn học Việt Nam ba mươi năm chiến tranh (1945 - 1975) là nền văn học vận động theo khuynh hướng lãng mạn - sử thi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh kết luận: “Khuynh hướng sử thi gắn liền với cảm hứng lãng mạn. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của văn học 1945 - 1975)” [92, tr.45].

Thơ chống Mỹ nói chung, dòng thơ trẻ thời ấy nói riêng nảy sinh trong trạng huống chiến tranh, cảm hứng lãng mạn - sử thi giữ vai trò chủ đạo; hơn nữa, nó đã “đưa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn lên tới cao trào” [29, tr.11]. Ứng với nó là giọng hào sảng lạc quan (chủ âm) và giọng triết lí suy tưởng (phụ trợ). Sẽ không khó lí giải vấn đề này, bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ vốn đã như huyền thoại, đậm sắc thái sử thi; miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng mang tinh thần sử thi (“Giặc Mỹ phá thì ta xây lại / Lấp hố bom mà dựng lò cao” - Tố Hữu), rất lãng mạn - “cái thời lãng mạn ấy” (Nguyễn Khải). Có cơ sở để các tác giả Giáo trình Lịch sử văn học khẳng định: “Ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc, hướng về lí tưởng độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, cả dân tộc chủ yếu sống với tâm lí lãng mạn - một kiểu lãng mạn thấm nhuần tinh thần lạc quan chiến thắng” [94, tr.28]. Bối cảnh lịch sử như vậy đã tạo tiền đề cho cảm hứng lãng mạn - sử thi “lên ngôi”, chi phối các dạng thức cảm hứng khác. Sản phẩm của nó là cái tôi sử thi tập trung vào ba trung tâm hình tượng: Tổ quốc - Nhân dân - Đảng và lãnh tụ. Có thể nói, đây là “hồn cốt” của thời thơ lãng mạn - sử thi, vận động liên tục trong cuộc chiến tranh giữ nước.

Hình tượng Tổ quốc

Tổ quốc là đề tài vĩnh cửu, là hình tượng trung tâm của thơ ca Việt Nam từ muôn đời nay. Dẫu mỗi thời nhận thức mỗi khác, nhưng mẫu số chung của các nhà thơ là đều dành tình cảm thiêng liêng, trân trọng nhất khi viết về Tổ quốc. Chúng ta đã


có một Tổ quốc hào sảng trong Nam quốc sơn hà ( ? ), một Tổ quốc văn hiến lâu đời trong Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), một Tổ quốc “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong Đất nước (Nguyễn Đình Thi),… Xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử, bờ cõi, lãnh thổ, văn hóa, văn vật, tấc đất, thước biển,… tất cả đều thấm máu ông cha.

Thơ trẻ thời chống Mỹ tiếp nối và góp phần tô đậm hình tượng Tổ quốc, bất luận là sáng tác ở miền Bắc, ở vùng giải phóng hay vùng đô thị miền Nam. Đồng thời, hình tượng Tổ quốc trong thơ trẻ thời chống Mỹ còn mang thêm “hồn thời đại”, hay nói rõ hơn, đó là âm hưởng của thời đại chống Mỹ dội vào, in bóng trong thơ. Dĩ nhiên, dấu ấn của dòng thơ này là khám phá Tổ quốc bằng cái nhìn tươi trẻ, cụ thể, sát thực với tất cả sự hồn nhiên, nồng thắm, chân tình: “Tươi mát màu lá non là thơ của anh chị em trẻ” [193, tr.489]. Thơ họ viết về đất nước, trước hết để thể hiện những rung động trắng trong, những bâng khuâng xao xuyến với quê hương trước khi nói đến những điều lớn lao về Tổ quốc. Nét đáng ghi nhận là đã có sự đa điệu trong thơ trẻ thời chống Mỹ: Cùng say đắm yêu quê hương, cùng tâm thế ngợi ca, chiêm ngưỡng Tổ quốc, nhưng mỹ cảm thì mỗi người mỗi vẻ: Lưu Quang Vũ ngất ngây với “Lá bưởi lá chanh” “Đi xa lòng vẫn nhớ / Dáng quê hương trong cây lá hiền lành”; Ca Lê Hiến dào dạt “Nhớ mưa quê hương” “Đã ru hát hồn ta thuở bé”; Bằng Việt “Giã từ tuổi thơ” nhưng không thôi xao xuyến trước cảnh sắc quê nhà: Hoa bìm ơi hoa bìm / Vẫn tròn trặn đơn sơ màu tím thế”; Hoàng Nhuận Cầm nâng niu những “Chiếc lá đầu tiên”, rộn rã tình quê trong tiếng ve gọi hè: “Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay / Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước”; Thanh Tùng xôn xang đến nao lòng với “Thời hoa đỏ” “Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi / Như máu ứa một thời trai trẻ”; Phan Thị Thanh Nhàn dịu dàng, e ấp trong “Hương thầm”; Lê Thị Mây mơ màng giữa “Màu đồi xa xôi”: “Đưa anh qua vùng đồi / Cành sim chi níu lại / Quả mộng rơi vào chiều / Biết lòng nhau không nói”; Hoàng Phủ Ngọc Tường rạo rực “Trái tim hồng”, quyết “lên rừng” tham gia kháng chiến, nhưng trong lòng vẫn vấn vương kỉ niệm ban đầu: “Khi ta nhớ, hương sầu đông đầy ngõ / Khi ta yêu, phượng thắm dấu môi son”. Tận miền sông nước Nam Bộ, Chim Trắng quyện tâm hồn với “Hương cau quê ngoại”, ngẩn ngơ trong hương vị quê nhà: “Hương cau thoang thoảng / Thơm như tuổi thơ”. Hay trong lòng đô thị, Trần Quang Long mải mê những

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí