Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 12


buổi chiều “Nghiêng nón”: “Bước nhẹ nghe em kẻo động vỡ tơ chiều / Kẻo hoàng hôn vai ngại ngùng dâng sắc tím”.

Và còn nữa những điệu tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên, giàu mỹ cảm trong thơ trẻ thời chống Mỹ. Họ chẳng cần sử dụng những thán từ quen thuộc để biểu đạt tấm lòng với đất nước quê hương. Mà yêu đất nước quê hương cũng nên đi từ những cái gần gũi đơn sơ và ấm áp thân thương như thế: “Thương cái bờ sông thân cò lặn lội / Yêu tiếng sấm tháng ba gọi lúa chiêm trỗi dậy / Trước khi yêu nước mình, yêu hoa lá chim muông” (Chúng tôi - Xuân Quỳnh). Đó là đặc điểm đáng quý trong thơ trẻ thời chống Mỹ khi ngưỡng vọng, ngợi ca Tổ quốc.

Nhưng nét nổi đậm nhất vẫn là hình tượng Tổ quốc được các nhà thơ trẻ khám phá từ chiều kích thời gian và không gian; thời gian gắn với không gian, không gian được soi chiếu theo thời gian: Quá khứ là Bạch Đằng, Chi Lăng, là “Những Điện Biên

- vòng đai thép tung ra làm chiến dịch”; hiện tại “lại tiếp trang Ấp Bắc, Plâyme...” (Phạm Ngọc Cảnh). Tất cả đều là những địa danh mang dấu tích những chiến công hiển hách, lẫy lừng trong lịch sử. Cái cần hướng tới của thơ chống Mỹ là kích vào “dây thần kinh” yêu nước, kích vào lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, cổ vũ chiến đấu. Thời gian, không gian hiện tại giữ vị trí trung tâm, nói chuyện xưa cốt để nói nay, để nâng tầm Tổ quốc vang ra ngoài bờ cõi. Ở hai chiều kích này, hình tượng Tổ quốc được các nhà thơ trẻ soi ngắm từ nhãn quan lãng mạn - sử thi. Tổ quốc trong trạng huống sử thi, chiến tranh làm nảy sinh sử thi: “Ơi dòng sông thời gian / Ta nghe tiếng từ ngàn xa dội thác / Nghe lịch sử đang xoay chiều bão táp / Cơn mưa bừng tương lai” (Đất nước vào xuân - Vũ Quần Phương).

Khám phá Tổ quốc từ góc nhìn thời gian - không gian, thơ trẻ thời chống Mỹ đã kết nối “hoàn hảo” giữa truyền thống và hiện đại. Ở họ không phải “nhận đường”, “lột xác”, “sang bờ tư tưởng ta lìa ta” như nhà thơ lớp trước; càng không vướng bận, “ăn năn” với quá khứ theo kiểu “xưa phù du nay phù sa” (Chế Lan Viên), hạ thấp xưa để đề cao nay,... Trong thơ trẻ, các chiều kích của Tổ quốc được cảm nhận theo một mạch thẳng; quá khứ soi bóng xuống hiện tại, hiện tại kế thừa tinh hoa quá khứ. Về phương diện này, Lê Anh Xuân là người “phát tiết” tư duy lịch sử khá đậm trên những trang thơ. Đọc sáng tác của ông ta như bắt gặp một nhà thơ trẻ


luôn trầm tư nghe quá khứ. Ông nghe “Tiếng lịch sử cuồn cuộn triều dâng” (Đất miền Nam), “nghe gió ngàn xưa đang gọi / Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua” (Dừa ơi), “Nghe như tiếng cha ông ta thuở trước / Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước” (Nhớ mưa quê hương). Tương tự, Nguyễn Trọng Định cũng nối hai chiều trên trục dọc thời gian: “Chào Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Điện Biên / Mỗi tên phố nhắc từng trang lịch sử” (Trên nóc phố anh hùng). Đến Bằng Việt còn có thêm sắc diện hào hoa: “Sông Hồng ơi! Giông bão chẳng thay màu / Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp / Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc Pháp / Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen” (Trở lại trái tim mình). Nam Hà khái quát bằng những câu rất ấn tượng:“Đất nước / Bốn ngàn không nghỉ / Những đạo quân song song cùng lịch sử / Đi suốt thời gian, đi suốt không gian” (Chúng con chiến đấu).

Trong lòng đô thị miền Nam, trước khi ra chiến khu (1968), Trần Quang Long vừa dạy học vừa hoạt động tích cực trong các phong trào yêu nước. Đặc biệt, những sáng tác của ông đã tác động mạnh đến nhận thức của tuổi trẻ, khơi dậy ở họ lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Hình tượng Tổ quốc trở nên lẫm liệt, thiêng liêng: Tôi muốn tặng những người ưa cổ vật / Một thanh gươm họ Lý ngang tàng / Một cây súng trường Cao Thắng hiên ngang / Đang vẹn toàn trong trái tim dân tộc(Lớn lên không ngừng). Cùng Trần Quang Long, Thái Ngọc San náo nức, bồi hồi với quá khứ vẻ vang của đất nước - ánh lửa ngàn xưa soi sáng hôm nay: “Đốt ngọn đèn lịch sử / Nổi trống dậy khắp Hoàng thành” (Lòng ngưỡng mộ); Đông Trình ngưỡng vọng truyền thống trong âm thanh thổn thức: “Tôi lắng nghe lịch sử bốn ngàn năm / Thoảng động trên tơ tiếng hát xa xăm / Có bước chân ta mở đường Nam tiến” (Tiếng đàn bầu).

Hình tượng Tổ quốc trong thơ trẻ thời chống Mỹ là một thực thể trọn vẹn về không gian. Có một thực tế là, dù bị chia cắt nhưng trong lòng muôn triệu người dân thì đất nước chỉ một Quốc Tổ Hùng Vương. Có lẽ trên thế giới, hiếm có nước nào chung một ngày Quốc giỗ như Việt Nam “Hàng năm ăn đâu làm đâu / Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm). Chắc rằng trong vùng đô thị miền Nam, nhiều nhà thơ trẻ yêu nước tiến bộ đã không hoặc ít biết đến chủ nghĩa xã hội (quan điểm Tổ quốc gắn với chủ nghĩa xã hội là ở miền Bắc, ngay cả tôn chỉ của Mặt trận dân tộc giải phóng cũng không có mệnh đề này). Thế nhưng,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.


sáng tác của họ vẫn thể hiện tấm lòng sắt son hướng về nguồn cội, hướng về một đất nước thống nhất: “đất Trung phần xả thân làm đòn gánh / cuộc trùng phùng tao ngộ / cho hôn nhân hai miền / đẵn gỗ Trường sơn dựng nền văn hóa / mượn phù sa sông Hồng bồi đắp ngày đêm” (Trường ca hòa bình - Ngô Kha). Hay: “Tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên / Và những vườn hoa bưởi /…/ tiếng bom nổ ở miền Bắc / Dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động” (Sóng vẫn đập vào eo biển - Lê Văn Ngăn).

Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 12

Từ phương diện văn hóa (chiều quá khứ - tâm linh), thơ trẻ thời chống Mỹ đã tập trung ngợi ca, tự hào về một đất nước có nền văn hiến lâu đời, có bề dày chống ngoại xâm với nhiều anh hùng tuấn kiệt. Trong cách ứng xử đậm tính nhân văn, các nhà thơ trẻ làm bật nổi Tổ quốc là máu thịt, là hồn thiêng sông núi, là tình cảm cao đẹp nhất trong mỗi con người. Tuy nhiên, lịch sử cũng có tì vết đáng buồn bởi những kẻ bán nước cầu vinh, tuy ít nhưng thời nào cũng có. Thơ trẻ vừa tỏ thái độ phẫn nộ vừa chia sẻ nỗi đau lịch sử: “Những điều sỉ nhục và căm giận / Một đất nước luôn có kẻ dẫn đường / cho nước ngoài kéo đến xâm lăng / cho những cuộc chiến tranh / đẩy con em ra trận” (Những điều sỉ nhục và căm giận - Lưu Quang Vũ). Đó cũng là góc nhìn đa diện: Tổ quốc có vui có buồn, có ánh sáng có bóng tối, có vô số người trung thành và cũng có kẻ phản bội. Song vế thứ hai không làm lu mờ vế thứ nhất, không phải “nét trội” của truyền thống bốn ngàn năm. Lịch sử luôn công bằng, công tâm, không cần tô vẽ.

So với thời chống Pháp, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên thế giới. Cuộc chiến tranh này như điểm nóng của thế giới, được lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ. Nhờ thế mà tầm vóc Tổ quốc trong thơ trẻ thời chống Mỹ được mở rộng, nhân lên. Nhà thơ mới có thể viết “Em mơ một phiên tòa” (tên bài thơ - Lý Phương Liên) xử tội phạm chiến tranh của đế quốc Mỹ; mới có “Thư gửi một bạn gái Mỹ” (Lý Phương Liên) chia sẻ niềm khao khát hòa bình với nhân dân tiến bộ Mỹ; mới có “Khuôn mặt ẩn kín” (Phan Thị Thanh Nhàn) gửi những người lính Mỹ bị điều động sang tham chiến và chết vô nghĩa ở Việt Nam; mới có “Bài hát đừng có đợi” (Xuân Quỳnh) nhắn đến những bà mẹ, người vợ, người yêu có người thân gây tội ác đã vĩnh viễn không về… Từ những


thông điệp như vậy mà biểu tượng Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế không chỉ tỏa sáng ở chủ nghĩa anh hùng mà còn thấm đậm tinh thần nhân văn cao cả; không chỉ bất khuất kiên cường mà còn hòa hiếu, bao dung. Theo chúng tôi, đó là cái khác, cái mới trong thơ trẻ thời chống Mỹ khi viết về Tổ quốc. Xa hơn, có thể xem những sáng tác ấy như những “tín hiệu” bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngay từ khi chiến tranh chưa kết thúc.

Nhìn tổng quan, hình tượng Tổ quốc trong thơ trẻ thời chống Mỹ luôn giữ vị trí trang trọng, được chiếm lĩnh bằng cảm hứng lãng mạn - sử thi, vút lên âm hưởng lạc quan - hào sảng: “Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy / Những cuộc đời đã hóa núi sông ta” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm).

Hình tượng nhân dân

Hình tượng nhân dân trong văn học nói chung, trong thơ ca nói riêng thực chất là hình tượng con người, nhận thức về nhân dân là nhận thức về con người. Nhiều công trình nghiên cứu thơ chống Mỹ, khi khảo sát hình tượng nhân dân thường tập trung phân tích sâu trong mối quan hệ với Tổ quốc, làm bật nổi nhận thức Tổ quốc của nhân dân, coi đó là bước phát triển vượt bậc của nền thơ ca cách mạng. Điều này hoàn toàn thỏa đáng. Tuy nhiên, trong diễn trình văn học Việt Nam, sự dịch chuyển nhận thức từ nước của vua sang nước của dân mà phải đi qua hàng mấy trăm năm thì không có gì “đột biến”. Vấn đề chúng tôi quan tâm ở đây là nhận thức về nhân dân trong thơ trẻ thời chống Mỹ có những điểm nào đáng chú ý ? Bởi xây dựng hình tượng nhân dân còn tùy thuộc vị thế và điểm nhìn của nhà thơ. Tố Hữu, Chế Lan Viên viết về nhân dân rõ ràng phải khác Thanh Thảo, Nguyễn Duy. Thơ cổ vũ toàn dân đánh giặc giữ nước và thơ mô tả chiến tranh đối với thân phận người dân, đương nhiên không thể như nhau. Nghĩa là, trong dòng cảm hứng lãng mạn - sử thi, về “mẫu số chung”, hình tượng nhân dân là giống nhau (anh hùng, lạc quan, yêu nước, chiến đấu dũng cảm,…) nhưng giữa các thế hệ nhà thơ vẫn có những nét khác biệt khi cảm và khắc họa về họ.

Thơ trẻ thời chống Mỹ, xét phương diện chủ thể, dù ở nhiều lĩnh vực, nhiều thành phần, giới tính, vùng miền,… nhưng tất cả đều được sáng tác từ vị thế người dân. Hình tượng nhân dân trong thơ họ là một phần chân dung thế hệ họ: “Tất cả


chúng tôi đều là bộ đội / Chúng tôi biết bắn súng đâm lê và sống trong những chiến hào / Võng chúng tôi mắc khắp rừng trẻ rừng già / Bước chân chúng tôi in trên mọi miền đất nước” (Chúng tôi - Xuân Quỳnh). Nếu những nhà thơ lớp trước có xu hướng liên tưởng, triết lí về cuộc hành trình đến với nhân dân: “Tôi gặp lại nhân dân như nai về suối cũ” (Chế Lan Viên), hay triết lí theo hướng “chính trị hóa”: “Nhân dân là bể / Văn nghệ là thuyền” (Tố Hữu), hoặc phô diễn niềm vui được hòa nhập: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi / Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu” (Xuân Diệu); thì hầu hết các nhà thơ lớp trẻ lại không luận về nhân dân bằng những triết lí cao xa như vậy. Họ có cách biểu đạt của họ: Nhân dân là số đông, là những người không tuổi không tên, bình dị, khiêm nhường mà sáng ngời chân lí. Cái “tôi” nhà thơ và nhân dân hòa làm một, hình tượng nhân dân thầm lặng, tảo tần như chính cuộc đời lam lũ của họ: “Ta sống giữa nhân dân chết giữa nhân dân / rất yên ổn mầm cây thở chìm trong đất / những định nghĩa cao xa xin dành cho người khác...” (Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Nhân dân bao dung độ lượng, nhân dân chở che cả người sống lẫn người đã khuất: “Họ nằm đấy xanh một khoảng trời / Đất đỏ con đường đắp lên nấm mộ / Như bàn tay nhân dân ấp ủ / Suối rì rầm bao nhiêu bài ca” (Điệp khúc một con đường - Nguyễn Đức Mậu). Có thể nói, chỉ nhân dân mới đích thực công bằng và công tâm, ai sống giữa lòng dân ắt phải là người hi sinh cho công lí chính nghĩa.

Trong Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm triển khai luận điểm “Đất nước của Nhân dân” trên nhiều phương diện: Nhân dân là chủ nhân sáng tạo và bảo tồn văn hóa: “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng / Họ truyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi / Họ truyền giọng điệu cho con mình tập nói / Họ gánh theo tên xã tên làng qua mỗi chuyến di dân”. Nhân dân đánh giặc giữ nước: “Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm / Có nội thù thì vùng lên đánh bại”. Nhân dân trí tuệ và bao dung: “Nhưng lạ lùng tay nhân dân thông minh / Không hề lừa ta dù ca dao cổ tích”. Nhân dân là ngọn nguồn sức mạnh của nhà thơ: “Hãy tìm sức mạnh mình từ sức mạnh Nhân dân / Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng”.

Ở miền Nam thế trận lòng dân có ý nghĩa sống còn, cán bộ bám dân, dân bám đất, trận địa trong lòng đất: “Mà làng ta vẫn còn đây tất cả / Những túp lều gan góc dưới rừng sâu / Những con người trầm tĩnh sát kề nhau / Bám chắc vào đất” (Làng


trong lòng đất - Dương Hương Ly). Nói Nam Bộ thành đồng là nói đến sức quật khởi của nhân dân, nói đến văn hóa làng xã, mỗi làng xã là một pháo đài chống giặc: “Mỗi người là một chiến công / Mỗi làng là một hầm chông pháo đài” (Về Bến Tre - Lê Anh Xuân). Rõ rằng, đối với các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, nhân dân là điểm tựa vững chắc, là nguồn cảm hứng thăng hoa, chắp cánh cho hồn thơ bay bổng. Đặc biệt, những ai cầm bút và cầm súng ở chiến trường miền Nam lại càng thấu hiểu sức mạnh vô địch của lòng dân. Nhân dân hội tụ cao nhất ánh sáng của lí tưởng và niềm tin; hướng về họ, nhà thơ sẵn sàng xả thân: “Cuộc đời con sống chết với nhân dân / Ôi nhân dân, một nhân dân như thế / con nguyện lại hi sinh dẫu được sống hai lần” (Mẹ chẳng thế nào nhớ nổi con đâu - Dương Hương Ly); đúng như nhà thơ Bằng Việt triết lí: “Sức sống nhân dân vẫn là cao cả nhất / Dám chà lên mọi bi kịch mà đi / Dân ta với tấm lòng thiết tha và độ lượng nhường kia / Lại rất dễ hồn nhiên ồn ào như trẻ nhỏ” (Ý nghĩ bên sông bạc).

Một cuộc chiến tranh tổng lực, sức dân được huy động tối đa. Trong cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, tất cả mọi người, đủ các tầng lớp, lứa tuổi, giới tính,... đều tham gia đánh giặc. Trong đó không thể không nói đến những thành phần mà đúng ra họ được miễn can dự các trận binh đao. Thế nhưng ở một đất nước “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, tham gia cuộc chiến tranh này bao gồm cả người già, phụ nữ, trẻ em. Hiện tượng “người mẹ cầm súng” đã không hi hữu, khiến thế giới kinh ngạc. Họ được tái hiện trong thơ trẻ thời chống Mỹ với tư cách là những hình tượng nghệ thuật sinh động, đầy ám gợi; chỉ riêng sáng tác của Phạm Tiến Duật đã đủ làm sống dậy chân dung phụ nữ Trường Sơn một thời oanh liệt: “Em đã qua và em đã sang / Đẹp lắm đấy, giữa những ngày chống Mỹ / Đất nước mình nhiều điều giản dị / Ai chưa tin rồi cũng phải tin thôi” (Niềm tin có thật). Họ là nhân dân vô danh, Nguyễn Khoa Điềm khái quát thật chí lí: “Họ đã sống và chết / Giản dị và bình tâm / Không ai nhớ mặt đặt tên / Nhưng họ làm ra Đất nước” (Mặt đường khát vọng).

Ở vùng đô thị miền Nam, phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe” đã tác động mạnh đến sáng tác của những nhà thơ trẻ yêu nước. Và chính sự tham gia tích cực của họ đã góp phần thúc đẩy phong trào, nâng cao chất lượng thơ ca: “Sự tham gia của hàng loạt người làm thơ trẻ đã làm thay đổi hẳn nội dung lẫn hình thức của thơ ca


yêu nước thành thị, nâng vị trí chiến đấu của thơ ca lên một tầm cỡ đáng khích lệ” [195, tr.425]. Hình tượng nhân dân trong thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị, trước hết được tiếp cận từ phương diện nạn nhân chiến tranh. Viết về họ, các nhà thơ muốn gửi thông điệp lên án chiến tranh; chiến tranh dù nhìn phía nào, người dân cũng bất hạnh: “Lửa cháy làng thôn, lửa đốt trong lòng / Thiếu thuốc, thiếu trường, thiếu cơm, thiếu áo / Đồng bào tôi chắt chiu từng hạt gạo / Manh áo trọn đời trăm tấm tã mồ hôi” (Thư gửi Cacmichael - Trần Quang Long). Với Trịnh Công Sơn, phần ca từ trong nhạc của ông đích thị là thơ đỉnh cao, thái độ phản chiến rất rõ; ông đứng về nhân dân để phản chiến: “Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong”, “Ôi quê hương đã lầm than sao còn chiến tranh, mẹ già hết chờ mong đã ngủ yên” (Du mục). Trong tập Ca khúc da vàng, Trịnh Công Sơn có những bài chứa chan khát vọng:“Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình / trói buộc dân ta / Bao giờ đập tan xiềng xích gông cùm / trói buộc tự do” (Đi tìm quê hương).

Ở góc độ nghiên cứu, có thể khẳng định, xây dựng thành công hình tượng nhân dân là một trong những giá trị rất đáng ghi nhận của thơ trẻ thời chống Mỹ. Tiếp nối thơ thời chống Pháp và thơ của thế hệ trước, thơ trẻ thời chống Mỹ đã phát triển và làm phong phú hình tượng nhân dân trong vai trò chủ nhân lịch sử, sáng tạo ra lịch sử; còn nhân dân là còn lịch sử. Nói ý thức về nhân dân là nói đến sức mạnh vô địch của họ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời đó cũng là “chìa khóa” để giải ẩn số: Tại sao Hoa Kỳ đã thảm bại trong chiến tranh Việt Nam.

Hình tượng Đảng và lãnh tụ

Nhìn lại diễn trình lịch sử và thực tiễn cách mạng, có thể nói, hình tượng Đảng và lãnh tụ rất tương hợp với cảm hứng lãng mạn - sử thi. Bởi, thứ nhất, sự nghiệp và lí tưởng của Đảng vốn đã rất phi thường, rất lãng mạn: “Lãng mạn vô cùng là Đảng / Biến giọt sương thành cả dòng sông” (Hiền - Văn Thảo Nguyên). Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc như huyền thoại: “Bạc phơ râu tóc của Người như một tiên ông” (Lộc của đời - Chế Lan Viên). Sau Cách mạng tháng Tám, thơ viết về Đảng và lãnh tụ hầu hết đều theo khuynh hướng lãng mạn - sử thi; hào sảng - lạc quan là âm hưởng bao quát. Thơ trẻ thời chống Mỹ không ngoại lệ.

* Hình tượng Đảng:


Nhiều nhà thơ thế hệ trước đã có những sáng tác tiêu biểu dâng lên Đảng: Tố Hữu - Ba mươi năm đời ta có Đảng, Chế Lan Viên - Kết nạp Đảng trên quê mẹ, Xuân Diệu - Gánh, Huy Cận - Tặng Đảng, Tế Hanh - Lời dặn, Hoàng Trung Thông - Bài thơ tặng Đảng, Anh Thơ - Đảng đã cho tôi, Phạm Hổ - Dọc đường theo Đảng,… Nhìn chung, tất cả các sáng tác này đều ngợi ca sự vĩ đại của Đảng, xây dựng niềm tin cao nhất vào Đảng; một số người thiên về cảm xúc mang ơn, có xu hướng tuyệt đối hóa thiên tài của Đảng. Chẳng hạn: “Đảng ta đó trăm tay ngàn mắt / Đảng ta đây xương sắt da đồng...” (Ba mươi năm đời ta có Đảng - Tố Hữu); hay: “Ta nghĩ chuyện nghìn năm chưa kịp nghĩ / Và đôi mắt thần của Đảng chiếu tầm xa” (Nghĩ về Đảng - Chế Lan Viên); hoặc “Dân tộc nghĩ trong những điều Đảng nghĩ” [193, tr.351]. Kì thực, dù “thiên tài” đến đâu Đảng cũng không tránh khỏi sai lầm và cũng khó thuyết phục khi cho rằng trí tuệ Đảng cao hơn dân tộc.

Hình tượng Đảng trong thơ trẻ thời chống Mỹ không chệch ra ngoài “khung tư tưởng” chung. Sáng tác của nhà thơ lớp trước đã ảnh hưởng trực tiếp đến họ, nhưng thơ họ vẫn có dấu ấn riêng. Chẳng hạn, cũng trong mạch cảm hứng ngợi ca, nhưng khác nhà thơ lớp trước, thơ trẻ thời chống Mỹ hầu như không ai triết luận về Đảng, cũng không ngợi ca Đảng theo hướng thần thánh - tuyệt đối hóa. Có lẽ vị thế của những nhà thơ trẻ thời chống Mỹ đã không cho phép họ viết về Đảng như các nhà thơ bậc “tiền bối” ở vị thế cấp cao.

Để xây dựng hình tượng Đảng trong lòng nhân dân, trong lòng đất nước, mô típ Đảng - mẹ, Đảng - quê hương, Đảng tái sinh cuộc đời, dẫn đường chỉ lối,... được các nhà thơ trẻ sử dụng khá phổ biến, tỏ ra đạt hiệu quả thẩm mỹ. Chẳng hạn, Chim Trắng viết bài Mới sinh ra trong cơn lốc Đồng khởi Bến Tre (1960); mô típ Đảng - mẹ, Đảng

- quê hương hòa quyện, xuyên thấm vào nhau: “Thuở mẹ sinh ra con / Đau đớn xé từng thớ thịt /.../ Thuở Đảng sinh ra con / Mớm thép trong tim như sữa mẹ ngọt dòng”. Mạch tư duy này cũng được thể hiện trong thơ Lâm Huy Nhuận: “Mẹ tập con đi, Đảng dạy con đi / Đều thẳng hướng nhằm về phía trước” (Mẹ tập con đi, Đảng dạy con đi).

Nguyễn Khoa Điềm viết Mẹ ra trận có gì, ít nhiều bộc lộ thiên hướng khái quát hóa. Trong câu: “Mẹ dâng cả hai mùa kháng chiến / Vì thế hôm nay trước đoàn người

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí