Hội thảo “Thơ Thái Nguyên đương đại” (được tổ chức vào tháng 8 năm 2009) đã thu hút nhiều ý kiến đánh giá của các nghiên cứu - phê bình và các nhà thơ.
TS.Nguyễn Đức Hạnh - Trưởng ban Thơ Chi hội Văn nghệ Thái Nguyên; GV bộ môn Lý luận văn học - trong bài viết “Một vài cảm nghĩ thơ Thái Nguyên hôm nay” đã đưa ra “vài nét chấm phá” diện mạo thơ Thái Nguyên đương đại về đội ngũ, tác phẩm, thành tựu và cả hạn chế. Tác giả khẳng định: trong 5 năm đầu của thế kỷ XXI, thơ Thái Nguyên vận động theo hướng tích cực, tầm văn hóa thơ Thái Nguyên đã được nâng cao, những bài diễn ca, vần vè, mòn sáo ít dần; và đi đến nhận xét khái quát: “Có thể ví đội ngũ tác giả thơ Thái Nguyên hôm nay như rừng cây nhiệt đới tầng tầng, lớp lớp, có sự đan xen nối tiếp nhiều thế hệ làm thơ, có sự giao thoa cộng hưởng của nhiều tiếng thơ khác nhau, mang giọng điệu khác nhau, tạo ra sự đa thanh, đa sắc thật phong phú [33, tr.1].
Nói về thơ Thái nguyên, trong Hội thảo, Hồ Thủy Giang - cây bút quen thuộc của Thái Nguyên - có bài “Có nên dị ứng với công cuộc đổi mới thơ”. Ông viết bài này với tư cách là người yêu thơ, đã từng được sưởi ấm tâm hồn từ những vần thơ truyền thống bình dị, nồng nàn; đồng thời cũng có sự đam mê thơ hiện đại của các nhà thơ Thái Nguyên. Tác giả nhấn mạnh: nếu quá dị ứng với cái mới sẽ đồng nghĩa đưa thơ vào ngõ cụt; đổi mới thơ là cần thiết bên cạnh việc lưu giữ yếu tố truyền thống.
Nguyễn Hữu Bài - một nhà thơ Thái Nguyên - có tham luận: “Một số suy nghĩ về dòng thơ viết về quê hương, đất nước, về truyền thống cách mạng của các tác giả Thái Nguyên”. Ông cho rằng: “… thơ Thái Nguyên hôm nay đã hội tụ khá đủ các dòng thơ truyền thống, thơ cách mạng, thơ câu lạc bộ, thơ trữ tình, thơ thế sự, thơ trẻ với những cách tân, thơ thiếu nhi, thơ châm… Sự phong phú đa dạng chính là sự phát triển và cũng là những đòi hỏi bức bách của muôn mặt cuộc sống muốn được thể hiện qua thơ. Dòng thơ cách mạng, truyền thống đã thực sự tồn tại khách quan, đang phát triển được cũng do nhu cầu của quần chúng, của xã hội” [2, tr.1].
Đánh giá về thơ thiếu nhi của Thái Nguyên, Hữu Tiệp có bài “Thơ thiếu nhi, đôi điều suy ngẫm”. Tác giả đã nhận thấy thơ Thái Nguyên “đang hình thành một lực luợng sáng tác thơ cho thiếu nhi” [91, tr.4]. Tuy nhiên. thơ thiếu nhi của tỉnh “vẫn thiếu vắng một bàn tay bà đỡ, chưa có sự tập hợp, kết nối, còn nặng tính tự phát” [91, tr. 4].
V.v...
Hội thảo đã giúp đội ngũ sáng tác và những người làm công tác nghiên cứu phê bình cập nhật với sự đổi mới của thơ Thái Nguyên về nhiều phương diện.
Trong Hội thảo “Thái Nguyên và thơ kháng chiến - cội nguồn và sáng tạo” (tổ chức tháng 12 năm 2010), các tác giả Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Đức Hạnh, Ma Trường Nguyên, Nguyễn Kiến Thọ, Hồ Thủy Giang, Phạm Văn Vũ, Thế Chính...đã trình bày ý kiến sâu sắc về những bài thơ kháng chiến gắn liền với truyền thống lịch sử của Thái Nguyên và của dân tộc; những bài thơ “đi cùng năm tháng” đã tiếp sức cho hành trình thơ Thái Nguyên hôm nay. Nguyễn Kiến Thọ nhìn thấy một mạch nguồn sáng tạo của những nhà thơ Thái Nguyên mặc áo lính: “Những nhà thơ Thái Nguyên mặc áo lính hôm nay vẫn đang âm thầm làm thơ, âm thầm sáng tạo, theo đuổi những khát khao, kiếm tìm những niềm vui trên từng con chữ. Với họ, chiến tranh không chỉ là một phần đời họ đã sống, đã trải qua, chiến tranh còn là một phần tâm hồn họ. Và như vậy, trong thẳm sâu tâm hồn của những nhà thơ mặc áo lính hôm nay, có một phần không nhỏ cho những hồi ức về chiến tranh. Với họ, viết thơ như là việc trả lại nghĩa tình đồng đội, làm thơ chính là sự tưởng nhớ và tri ân những người đã khuất. Chúng ta trân trọng những tiếng lòng thơ ấy” [85, tr.26]. Nguyễn Thanh Mai tập trung ý kiến vào đề tài, cảm hứng thơ và khẳng định “Lịch sử đã trao cho mảnh đất này một sứ mệnh thiêng liêng, cùng với sự nghiệp cách mạng sống mãi với non sông, hình ảnh Việt Bắc - Thái Nguyên qua thơ cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp sẽ còn mãi mãi với dân tộc.” [51, tr.48]. Hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều
vấn đề có tính hệ thống và tính thời sự về cảm hứng Cội nguồn - Cách mạng trong thơ Thái Nguyên.
Các cuộc hội thảo là dịp để thơ Thái Nguyên nhận rõ mình hơn và có thêm niềm khởi hứng trên một chặng đường phát triển mới.
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ Thái Nguyên thập niên đầu thế kỷ XXI - 1
- Thái Nguyên - Mảnh Đất Giàu Truyền Thống Văn Hóa
- Thái Nguyên Chuyển Mình Cùng Đất Nước Khi Thế Kỷ Sang Trang
- Cảm Hứng Tự Hào Về Cội Nguồn Và Truyền Thống
Xem toàn bộ 157 trang tài liệu này.
* Các chuyên luận:
Đời sống tươi mới của thơ Thái Nguyên thập niên đầu thế kỷ XXI cũng đã thu hút các cây bút nghiên cứu phê bình văn học.
Tác giả Vũ Đình Toàn trong cuốn phê bình văn học “Đọc & suy ngẫm” (Nxb Hội Nhà văn, 2011) có bài “Thơ Thái Nguyên không phải không hay”. Ông rất chú ý đến diện mạo mới của thơ Thái Nguyên: “Cho đến trước cách mạng tháng Tám, đất Thái Nguyên chưa có chỗ đứng trong văn học và thơ ca, nhưng hiện nay, Thái Nguyên là một mảnh đất phì nhiêu cho thơ ca sinh sôi nảy nở… Nhìn tổng thể, thơ của các hội viên hội Văn nghệ tỉnh (cả một số cây bút ngoài hội) khá là đa dạng và phần lớn là thơ hay” [91, tr.45]. Nhận xét này còn giúp người ta thấy rõ tiềm lực phát triển của thơ Thái Nguyên hôm nay.
Nhà nghiên cứu Lâm Tiến trong cuốn “Tiếp cận văn học dân tộc thiểu số” (Nxb Văn hóa thông tin, 2011) có bài “Mới, cũ trong thơ Thái Nguyên”. Tác giả chỉ ra “cái cũ” trong thơ Thái Nguyên là: “ý tưởng mới nhưng việc thể hiện lại không kịp, và việc đó thể hiện rõ nhất ở chất liệu ngôn từ” [89, tr.142]; tuy nhiên, cái mới đã giúp thơ Thái Nguyên khởi sắc: “Nếu như trước đây, thơ Thái Nguyên còn bình lặng, dàn đều, không có nổi trội bứt phá thì hiện nay qua thơ một số tác giả không còn tình trạng thế nữa. Thơ Thái Nguyên đã thực sự khởi sắc. Đó là cái mới trong thơ Thái Nguyên. Cái mới đó trước hết được thể hiện ở cái nhìn mới về thế giới, về con người, về cuộc sống” [89, tr.139]. Vốn là người theo sát và hiểu rõ hành trình thơ Thái Nguyên, những nhận xét của nhà nghiên cứu có giá trị định hướng quan trọng đối với những người muốn đi sâu tìm hiểu vấn đề.
Với mục đích phục vụ cho việc giảng dạy và học tập văn học địa phương trong các trường THCS trên địa bàn tỉnh, năm 2008, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên tổ chức biên soạn và ấn hành cuốn “Văn học Thái Nguyên”. Cuốn sách đã dành một phần để giới thiệu khái quát về văn học Thái Nguyên từ cội nguồn đến nay. Trong phần này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến ý kiến nhận xét, đánh giá về thơ Thái Nguyên: “Vào đầu thế kỷ XXI, thơ Thái Nguyên mới thực sự nổi bật khi một số tác giả có ý thức tìm tòi đổi mới về thơ. Có thể nhận định, thơ Thái Nguyên thế kỷ XXI đã có sự thay đổi về chất. Võ Sa Hà từ lối viết truyền thống cùng sự tiếp cận thi pháp hiện đại đã tạo ra những hình tượng, những ngôn từ thơ đầy ám ảnh” [73, tr.19].
* Ngoài hệ thống tư liệu có tính tập trung đã trình bày ở phần trên, chúng tôi còn có được những bài viết về thơ Thái Nguyên đăng tải trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương như:
- “Người thổi hồn vào những địa danh”, bài viết của Hồ Thủy Giang về nhà thơ Nguyễn Long đăng trên Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (2007), số 147.
- “Thơ Thái Nguyên - Sông cầu đã ra biển cả” của tác giả Nguyễn Đức Hạnh đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên (2007 - số báo Tết); bài viết khẳng định sự phát triển của thơ Thái Nguyên trong những năm đầu thế kỷ XXI: “Những cái tên quen thuộc của “làng thơ” Thái Nguyên đã xuất hiện khá nhiều trên các trang báo và tạp chí Trung ương, trên các diễn đàn uy tín và sang trọng của Thơ Việt Nam. (...). Con Sông Cầu – Thơ mộng, nhỏ bé không còn chỉ uốn lượn quanh thành phố “thép” mà đã hăm hở về xuôi, hòa vào đại dương thơ Việt Nam...” .
- “Người làm thơ không chỉ vì đam mê” viết về thơ Nguyễn Thúy Quỳnh của tác giả Nguyễn Hòa đăng trên báo Văn nghệ số 29 (18 -7- 2011).
V.v...
Qua hệ thống tư liệu nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy, các Hội thảo, chuyên luận và các bài báo đã thống nhất đánh giá về thơ Thái Nguyên trong
thập niên đầu thế kỷ XXI đều khẳng định sự phát triển của thơ Thái Nguyên trong giai đoạn này với nhiều tác phẩm có chất lượng; hội tụ các khuynh hướng (trữ tình, thế sự.v.v...), các dòng thơ (truyền thống, đổi mới .v.v...).
Tuy nhiên những bài đã viết về thơ Thái Nguyên chỉ mới dừng lại ở việc đánh giá một số phương diện chung hoặc đi vào tìm hiểu từng tập thơ, từng tác giả chứ chưa đề cập đến những vấn đề mang tính khái quát, toàn diện về thơ Thái Nguyên trong giai đoạn này.
Qua nguồn tài liệu trên, chúng tôi đã tìm được những gợi ý quý giá để triển khai đề tài nghiên cứu của mình. Từ những ý kiến có tính chất mở đường của người đi trước, chúng tôi triển khai nghiên cứu đối tượng ở mức độ sâu sắc, toàn diện và cụ thể hơn.
3. Nhiệm vụ và đối tượng nghiên cứu
3.1. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tìm hiểu thơ Thái Nguyên trong thập niên đầu thế kỷ XXI trên phương diện: đội ngũ sáng tác; tư tưởng, cảm hứng; bút pháp nghệ thuật.
- Xác định những đóng góp của thơ Thái Nguyên trong giai đoạn này đối với sự phát triển của văn học địa phương và với nền thơ cả nước nói chung .
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu thơ Thái Nguyên thập niên đầu thê kỷ XXI, chúng tôi tập trung vào sáng tác của tác giả sống và làm việc tại Thái Nguyên trong thời gian trên; đối tượng khảo sát là các tập thơ của họ in trong khoảng thời gian này.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp thống kê phân loại
Sử dụng để xác định tần số xuất hiện của các tín hiệu, dấu hiệu nghệ thuật trong các tác phẩm văn học, làm căn cứ để phân tích, đánh giá đồng thời cơ sở xây dựng những luận điểm, luận cứ của đề tài.
4.2. Phương pháp so sánh, đối chiếu
Tìm hiểu thơ Thái Nguyên trong thập niên đầu thế kỷ XXI, trong sự so sánh, đối chiếu với giai đoạn trước đó để thấy rõ những đặc điểm cơ bản của đối tượng.
4.3. Phương pháp phân tích
Đây là phương pháp quan trọng để làm sáng tỏ các luận điểm, luận cứ, các dẫn chứng, số liệu đã thống kê.
4.4. Phương pháp hệ thống
Bất kỳ một luận điểm, luận cứ nào cũng phải đặt trong một hệ thống nhất định. Sử dụng phương pháp này sẽ giúp luận văn có tính thống nhất và đảm bảo tính khoa học.
Ngoài những phương pháp nghiên cứu trên, trong quá trình thực hiện, đề tài có thể sử dụng thêm một số phương pháp khác hỗ trợ.
5. Đóng góp luận văn
Đây là luận văn đầu tiên nghiên cứu về thơ Thái Nguyên trong thập niên đầu thế kỷ XXI một cách có hệ thống. Kết quả của luận văn sẽ góp phần khẳng định thành tựu và giá trị của thơ Thái Nguyên trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Đồng thời nó cũng là nguồn tư liệu hữu ích phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu văn học địa phương và văn học miền núi. Hơn nữa, việc tìm hiểu thơ Thái Nguyên sẽ trở thành nguồn tư liệu bổ sung cho việc dạy và học phần văn học địa phương trong nhà trường hiện nay. Những vấn đề trên cho thấy, tìm hiểu thơ Thái Nguyên thập niên đầu thế kỷ XXI là một việc thiết thực, giàu ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung luận văn được chia làm ba chương
Chương 1: Thái Nguyên- mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và thơ ca
Chương 2: Thơ Thái Nguyên trong thập niên đầu thế kỷ XXI
Chương 3: Một số cây bút tiêu biểu
B. NỘI DUNG Chương 1
THÁI NGUYÊN - MẢNH ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ THƠ CA
1.1. Thái Nguyên – mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và thơ ca
1.1.1. Thái Nguyên - “Căn cứ địa cách mạng”, “Thủ đô kháng chiến”, “Thủ đô gió ngàn”
Thái Nguyên - một vùng đất quen thuộc trên dáng hình đất nước - một địa danh đã khắc sâu vào tâm trí của mỗi người dân đất Việt bởi nó gắn liền với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Cách Thủ đô Hà Nội 80 km về phía Bắc, Thái Nguyên là mảnh đất nối giữa núi rừng Việt Bắc với đồng bằng châu thổ sông Hồng, là cửa ngõ bảo vệ kinh đô Thăng Long, Đông Đô xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Từ Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết trong sách Dư địa chí: “Đấy (TN) là nơi phên dậu thứ hai về phương Bắc này” [95, tr.238]. Trong quá trình lịch sử, có biết bao sự kiện đã ghi dấu ấn trên vùng đất này.
Từ trước Công nguyên, người Thái Nguyên đã tham gia đánh giặc Ân. Năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đổ bộ máy cai trị của nhà Hán ở Giao Chỉ, nhân dân Thái Nguyên đã tích cực tham gia khởi nghĩa. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống (1076-1077), phần đất phía nam Thái Nguyên từng là địa đầu của “phòng tuyến sông Cầu”. Năm 1145, dưới sự chỉ huy của Phò mã Dương Tự Minh, quan quân Thái Nguyên đã đánh thắng giặc Tống sang xâm chiếm châu Tư Lang, Quảng Nguyên (Cao Bằng); miền biên ải phía bắc quốc gia Đại Việt nhờ đó mà yên ổn lâu bền.
Đến thế kỷ XV, Lưu Nhân Chú - người Đại Từ - là vị tướng tài ba, thao lược của nghĩa quân Lam Sơn, từng chỉ huy trận phục kích tại ải Chi Lăng và trận chiến tiêu diệt toàn bộ viện binh nhà Minh.
Thái Nguyên trở thành một trong những địa bàn hoạt động chính của nghĩa quân Nguyễn Danh Phương (thế kỷ XVII). Thời nhà Nguyễn, Thái Nguyên là nơi nổ ra nhiều phong trào khởi nghĩa nông dân chống quan lại phong kiến áp bức như cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Cúc (năm 1816), Nông Văn Vân (năm 1833).v.v…
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, đất Thái Nguyên là địa bàn hoạt động thường xuyên, hậu cứ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Đề Thám lãnh đạo. Một sự kiện vang dội cả nước, làm chấn động nước Pháp, lan tỏa ảnh hưởng tới tận xứ thuộc địa đã nổ ra tại thị xã Thái Nguyên vào năm 1917, khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại Việt Nam, một cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp đã chiếm được tỉnh lị, đặt Quốc hiệu Đại Hùng, thành lập quân đội cách mạng Quang Phục quân, định ra tôn chỉ “đánh đuổi giặc Pháp, giành độc lập dân tộc”. Mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên và tên tuổi người anh hùng Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến mãi là những dấu son trong trang sử của Thái Nguyên và cả nước.
Lịch sử Thái Nguyên càng trở nên đẹp đẽ, rạng rỡ, hào hùng trong những năm tháng chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), cùng với Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng, xây dựng an toàn khu (ATK). Trung tâm an toàn khu được đặt tại huyện Định Hóa, một địa bàn quan trọng - “Thủ đô gió ngàn” của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng tại nơi đây, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng nhiều cuộc tiến công của địch; quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Mảnh đất giàu truyền thống yêu nước này xứng đáng với niềm tin yêu của cả dân tộc. Việt Bắc đã trở thành điểm tựa của niềm tin: