Thi pháp truyện ngắn Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975 – 1985 - 7

trên chuyến tàu tốc hành (1983) và Bến quê (1985). Ở một số cuộc hội thảo về văn học nghệ thuật, nhiều ý kiến khen chê rất phong phú và trái chiều nhau, nhưng đều thống nhất ở một điểm, đó là khẳng định những tìm tòi, đóng góp của Nguyễn Minh Châu. Nhà văn là người tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, đã tạo ra những tác phẩm có chất lượng, phản ánh kịp thời nhu cầu của cuộc sống hậu chiến. Truyện ngắnBức tranh, tuy không phải là kiệt tác, nhưng đó là sáng tác đánh dấu cho hành trình sáng tạo văn học, mở đầu cho một thế giới quan, nhân sinh quan, một thi pháp hoàn toàn mới. Trong Bức tranh, con người lý tưởng biến mất, nhường chỗ cho con người đa nhân cách, có cả tốt đẹp lẫn đớn hèn. Từ những dằn vặt, đối chứng của nhân vật người họa sỹ, câu hỏi lớn, nhức nhối đặt ra là chúng ta có thể vì vinh quang của cộng đồng mà bỏ qua số phận cá nhân không? Ở đây, cái nhìn của nhà văn đã thay đổi, đã quay về với thân phận con người, những kiếp người đã hy sinh và mất mát quá nhiều vì cộng đồng, vì hào quang chiến thắng.

Tiếp theo Ma Văn Kháng cũng là một trong số những nhà văn không ngừng tìm tòi để tự đổi mới cách viết. Từ quan điểm trần thuật theo hướng sử thi trong sáng tác, nhà văn chuyển sang quan điểm trần thuật thế sự đời tư. Ngòi bút của ông đã len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống để khám phá cái phong phú, phức tạp của con người và lẽ đời với tất cả các cung bậc. Để từ đó vang lên khát vọng phải bảo tồn khả năng yêu thương đồng loại, cái mầm nhân bản trong mỗi con người. Nhà văn Nguyễn Khải thì cập nhật thông tin, thời sự nóng hổi qua từng trang sách. Ông sử dụng tư liệu một cách chọn lọc, qua đó trình bày suy nghĩ và đối thoại với bạn đọc về những vấn đề nhức nhối của cuộc sống hôm nay. Nhiều người thích cách viết trí tụê này, bởi nhà văn đã làm cái việc suy lí, chiêm nghiệm về những vấn đề của cuộc sống và những bước đi của dân tộc. Với chặng đường suốt 30 năm chiến tranh, ông có cái nhìn mới hơn về những người anh hùng, về

cuộc chiến, về lẽ sống, cách ứng xử của cá nhân trước thời gian và lịch sử.

Sau đó phải kể đến sự xuất hiện của một loạt cây bút mới khởi nghiệp trong chiến tranh như: Thái Bá Lợi, Chu Lai, Xuân Đức, Khuất Quang Thuỵ, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Thị Như Trang… Thế hệ nhà văn này đã đem vào trong văn xuôi sự từng trải, kinh nghiệm của mình đã tích luỹ trong những năm chiến đấu. Nếu Thái Bá Lợi bám sát những đơn vị trinh sát ở chiến khu 5, thì Nguyễn Trí Huân và Khuất Quang Thuỵ đi theo những đơn vị chủ lực. Chu Lai có khoảng 10 năm lăn lộn ở chiến trường Nam Bộ rồi theo một cánh quân chủ lực đánh vào Sài Gòn. Vì thế, điều dễ hiểu là những truyện của các anh thường viết về cuộc sống chiến đấu của người lính. Trong đó Thái Bá Lợi với Vùng chân Hòn Tàu (1978), Chu Lai với Người im lặng (1978), Nguyễn Trí Huân với Mặt cát (1977)… là những tập truyện được người đọc chú ý. Những truyện ngắn này thường có sự xâm nhập của kí, bởi nó được viết ngay sau vết nóng hổi của sự kiện. Họ đã đưa nhân vật vào những mối quan hệ đa chiều, gắn số phận những con người cụ thể với số phận đất nước, nhân dân. Tâm lí nhân vật cũng được chú ý phát triển nhằm tạo ra tính đa nghĩa của hình tượng. Viết về chiến tranh sau chiến tranh, nhà văn muốn lí giải tầm vóc, sức mạnh đã làm nên chiến thắng, đồng thời cũng là lời kêu gọi xoá bỏ chiến tranh ra khỏi đời sống, vì nó đã mang lại quá nhiều đau thương mất mát cho con người.

Những cuộc thi viết truyện ngắn cho Báo Văn nghệ (1978 - 1979, 1983 - 1984) và Tạp chí Văn nghệ quân đội (1982, 1983, 1984) tổ chức, xuất hiện một loạt cây bút mới: Lê Minh Khuê, Dương Thu Hương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn, Hồ Anh Thái, Phạm Thị Minh Thư, Trần Thuỳ Mai, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Lập… Truyện ngắn của họ tươi trẻ, dồi dào chất sống và có nhiều tìm tòi mới về nghệ thuật, viết nhiều về lớp trẻ trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội đã gây được sự chú ý

của bạn đọc. Nếu Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn say sưa khám phá vẻ đẹp của con người trong quá trình lao động, thì Dương Thu Hương, Lê Minh Khuê viết về những người đã trải qua chiến tranh nay trở về với cuộc sống hoà bình đang loay hoay tìm chỗ đứng cho mình. Những tập truyện ngắn Cao điểm mùa hạ (1975), Đoạn kết (1983), Một chiều xa thành phố (1986) của Lê Minh Khuê; Những bông bần li (1981), Một bờ cây đỏ thắm (1981), Chân dung người hàng xóm (1985) của Dương Thu Hương đã khẳng định bước tiến dài của hai cây bút nữ này trong làng truyện ngắn. Những cây bút trẻ khác như Phạm Thị Minh Thư, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân... cũng đã tạo được những dấu ấn riêng ở thể loại truyện ngắn, “tuy bản lĩnh chưa thật đầy đặn nhưng loé lên những dấu hiệu tài hoa” [194, 142]. Thật vậy, họ chính là những người góp phần làm nên diện mạo mới cho truyện ngắn giai đoạn sau 1985.

Đội ngũ sáng tác ngày càng đông đảo và có tài năng đã đem lại cho truyện ngắn Việt Nam một diện mạo mới với nhiều tác phẩm xuất sắc. Nhiều truyện ngắn tiêu biểu đã được dịch và giới thiệu ra nước ngoài như các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Nguyễn Khải, Ma văn Kháng, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Vò Thị Hảo… Truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975, theo đánh giá của Nguyễn Thị Bình là thể loại “tập trung được nhiều nhất yếu tố có tính cách tân trong văn xuôi thời kì đổi mới và có nhiều kết tinh hơn hẳn các thể loại khác” [23, 217]. Đấy là ý kiến hoàn toàn có cơ sở. Tiếp theo đó là hàng loạt các tác phẩm của nhiều nhà văn như: Nguyễn Kiên (Đáy nước), Ma Văn Kháng (Mẹ và con, Ngày đẹp trời), Lê Minh Khuê (Một chiều xa thành phố, Người đi trên đường), Khuất Quang Thụy (Thềm nắng, Nước mắt gỗ), Nguyễn Quang Lập (Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri), Dạ Ngân (Con chó và vụ ly hôn, Quãng đời ấm áp), Xuân Thiều (Gió từ miền cát)… Qua các truyện ngắn, nhà văn thể hiện sự quan tâm của mình đến từng số phận con người, tỏ rò

thái độ đối với cuộc sống hôm nay. Bởi mỗi con người đều có vị trí và giá trị nhất định trước cộng đồng và lịch sử, mỗi cá nhân là một độc đáo thú vị trong mối quan hệ đa chiều. Cuộc sống diễn biến thật tự nhiên, có quy luật, nhưng luôn hàm chứa những bất ngờ ngẫu nhiên. Vì thế, nhà văn phải hết sức nhạy cảm mới có thể nhận ra những rung động khẽ khàng, tinh tế trong tâm hồn mỗi con người.

Về tác phẩm, chúng tôi không thể thống kê một cách chính xác số lượng truyện ngắn đã in trên các báo văn nghệ từ trung ương đến địa phương, các tuyển tập truyện ngắn của các nhà xuất bản. Theo thông tin, chỉ xin liệt kê sơ bộ để minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của thể tài này. Trong mười năm từ 1975 - 1985, nhà xuất bản Tác phẩm mới của Hội nhà văn đã cho in trên 50 tập truyện ngắn của nhiều tác giả. Con số này cho thấy sự đông đảo về tác giả, sự dồi dào về số lượng truyện ngắn. Trước đây, trong các tuyển tập văn xuôi thường xếp truyện ngắn cùng với kí, với những trích đoạn tiểu thuyết nên nhiều khi truyện ngắn chưa có gương mặt riêng. Nhưng sau đó đã có những tuyển tập riêng về truyện ngắn như: Ba mươi ba truyện ngắn 1945 - 1975 của Nxb Tác phẩm mới, 17 truyện ngắn Thành phố Hồ Chí Minh của Nxb Tác phẩm mới (1982), Tuyển tập truyện ngắn 1945 - 1985 của Nxb Văn học (1985), Truyện ngắn Việt Nam 1945 - 1985 của Nxb Giáo dục (1985), 45 truyện ngắn 1975-1985 của Nxb Tác phẩm mới (1985)... Như vậy, có thể nói, các tuyển tập này đã cố gắng trong việc lựa chọn những truyện ngắn tiêu biểu của từng tác giả, từng giai đoạn và gợi lên nhiều vấn đề của truyện ngắn trong nền văn học sau 1975. Tuy nhiên, trong các tuyển tập này, những người tuyển chọn chỉ phác thảo một bức tranh chung về truyện ngắn hay gọi là điểm danh chứ chưa bình chọn các sáng tác hay, mới của đời sống hậu chiến.

Thành tựu của truyện ngắn Việt Nam 1975 - 1985 cũng được đánh dấu bởi sự hình thành và khẳng định của những phong cách tác giả. Rò hơn bất

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

cứ thể loại nào, trong truyện ngắn dấu ấn cá nhân nhà văn để lại rất đậm. Trong mười năm này, có thể thấy những phong cách cá nhân, những lối viết truyện ngắn khá đa dạng. Chặt chẽ, khúc chiết phải kể đến lối viết của Nguyễn Kiên, Bùi Hiển, Nguyễn Thành Long... Các nhà văn rất chú ý đến việc tạo tình thế, tập trung vào những lát cắt để cho nhân vật bộc lộ phẩm chất và nêu lên những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh. Họ đã có những tìm tòi trăn trở trong phong cách, qua đó nâng cao tầm suy nghĩ, triết lí của tác phẩm. Lối viết giản dị, giàu chi tiết hiện thực và chú ý tới việc khai thác tâm lí nhân vật như các sáng tác của Dương Thu Hương, Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng, Vũ Thị Thường, Xuân Thiều,... Luôn chú trọng đến việc xây dựng những cốt truyện hấp dẫn với tình huống giàu kịch tính, bất ngờ phải nói đến Nguyễn Quang Sáng, Lê Minh Khuê... Còn trường hợp của Nguyễn Khải thì đậm tính chất thời sự nóng hổi qua từng trang sách. Nhiều nhà văn trưởng thành từ trong chiến tranh tiếp tục khẳng định phong cách riêng và có sự chuyển biến trong cách viết do quan niệm về hiện thực và con người đã thay đổi. Ma Văn kháng chuyển từ vùng hiện thực miền núi sang cuộc sống thị thành. Nguyễn Minh Châu chuyển hướng khai thác từ hiện thực chiến tranh sang cuộc sống đời thường. Truyện ngắn của các nhà văn đã phản ánh trung thực cuộc sống sau chiến tranh với tính chất phong phú đa dạng, phức tạp của nó. Bên cạnh đó, nhiều gương mặt mới đã xuất hiện và đang từng bước khẳng định phong cách riêng như Hồ Anh Thái, Phạm Thị Minh Thư, Nguyễn Huy Thiệp…

Từ bản lề 1975 – 1985, có thể nói truyện ngắn Việt Nam đương đại (từ 1986 đến nay), đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đội ngũ nhà văn gồm nhiều thế hệ cùng tham gia sáng tác. Thế hệ đầu tiên vẫn phải kể đến Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Chu Lai… Thế hệ kế tiếp với những gương mặt sáng giá như Dương Thu Hương, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt

Thi pháp truyện ngắn Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975 – 1985 - 7

Minh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Vò Thị Hảo, Y Ban, Lý Lan, Thuỳ Dương, Trần Thuỳ Mai, Vò Thị Xuân Hà, Phan Triều Hải, Phan Thị Vàng Anh… Và hiện tại là sự đang lên, đang trưởng thành của đội ngũ đông đảo những cây viết trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thị Hồng Minh, Dương Bình Nguyên, Cấn Vân Khánh, Trang Hạ… Với đội ngũ hùng hậu đó, tin tưởng truyện ngắn Việt Nam sẽ có bước tiến xa hơn nữa trong thời gian tới. Xuất hiện trong bối cảnh đất nước sau chiến tranh, vượt qua quán tính của nền văn học minh hoạ, truyện ngắn thời kỳ hậu chiến vỡ giọng lao về phía trước, có những đổi mới về thi pháp, tạo đà cho truyện ngắn Việt Nam đương đại (sau 1985) có những cách tân quan trọng, góp phần tích cực đưa nền văn học nước nhà vào một cuộc cách tân lớn trong xu thế hội nhập, toàn cầu hoá.


Tiểu kết

Thời kỳ quá độ 1975 - 1985, chuyển từ đời sống chiến tranh sang đời sống hoà bình, 10 năm thử nghiệm mô hình chủ nghĩa xã hội đã đưa đến những xáo động trong đời sống. Văn học với tư cách là một hình thái ý thức xã hội tất nhiên cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của những xáo động đó. Vì vậy, đã dẫn đến sự thay đổi các thang giá trị trong cách nhìn nhận, cách đánh giá những giá trị của cuộc sống trong văn học. Các nhà văn người thì loay hoay trong cái ao chật chội, kẻ thì im lặng suy ngẫm, trăn trở xuôi và ngược chiều, người thì vẫy vùng trong ngột ngạt. Cho đến cuối những năm 1970 trở đi truyện ngắn mới có sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, sự quan tâm nhiều hơn đến con người với những nhu cầu rất người. Nói cách khác, tinh thần dân chủ và cảm hứng nhân bản là những điểm nổi bật của văn học thời kỳ tiền đổi mới. Điều đó dẫn đến những đổi thay về đề tài, chủ đề, về phương thức xây dựng cốt truyện, tình huống và kết cấu, về tổ chức trần thuật và phương thức biểu hiện... Những chuyển động này có thể coi là một

quá trình tự nhận thức của nền văn học, tự đưa chính mình phát triển lên một tầm cao mới, trong đó truyện ngắn đóng vai trò chủ đạo, chuẩn bị tích cực.


2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người

2.2.1. on ngư i và s thay đ i trong quan niệm

Văn học là nhân học, là nghệ thuật miêu tả, biểu hiện con người, bởi con người là đối tượng chủ yếu của văn học. Nhà văn miêu tả con người hay sự vật hiện tượng… đều có thể biểu hiện tính người. Ngược lại, người ta không thể miêu tả về con người, nếu như không hiểu biết, cảm nhận và có các phương tiện, biện pháp nhất định, vì thế đã tạo thành chiều sâu, tính độc đáo của hình tượng con người trong văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người “là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hoá thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó” [183, 42].

Quan niệm nghệ thuật về con người là một phạm trù cơ bản và là phạm trù quan trọng nhất trong sáng tác và nghiên cứu văn học. Lê Ngọc Trà từng có những nhận xét và yêu cầu rất xác đáng: “Trước hết, vấn đề con người cần phải trở thành một trong những vấn đề trung tâm của văn học. Tác phẩm có thể không có nhân vật người, nhưng nó phải là câu chuyện về còi nhân sinh. Nhà văn có thể viết về nhà máy, hợp tác xã, công trường nhưng mối quan tâm chính của anh ta ở đây không phải là năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cơ chế quản lý mà là quan hệ con người, là hạnh phúc, tình yêu, nỗi cay đắng hay sự hèn hạ của con người, là những giá trị, nhân văn của cuộc sống. Không nên tiếp tục mãi tình trạng quá tải của văn học do nó phải chuyên chở quá nhiều các nội dung khác gây ra. Trong một ý nghĩa giản dị, văn học là buồn vui đời người, là sự chiêm

nghiệm về những gì được mất, là hồi ức về quá khứ, sự không thỏa mãn với hiện tại và dự cảm về tương lai, và trầm tư về lẽ tồn vong của con người trong mối quan hệ với xã hội, tự nhiên và vũ trụ. Đó là những chủ đề cơ bản và lâu dài của văn học. Văn học là sự thật. Mà sự thật chủ yếu của văn học là sự thật và con người” [211, 51].

Quan sát văn học Việt Nam thời kỳ tiền đổi mới, Lê Ngọc Trà cho biết: “Nhiều năm qua, văn học chúng ta còn mắc nợ cuộc đời về sự thật. Sự thật về người nông dân Việt Nam trong bao cơn bão táp của cách mạng và chiến tranh, về người lính suốt ba thế hệ cầm súng đánh giặc trên đủ loại chiến trường với bao nhiêu vinh quang, hy sinh và mất mát, về anh cán bộ nghiêm túc, lương không đủ ăn, về người trí thức cách mạng với lòng yêu nước và những ngộ nhận ngây thơ, với niềm tâm huyết, say mê và bao điều dằn vặt. Các nhà văn ngày nay phải trả món nợ ấy cho đời. Trong khi viết về con người, bên cạnh các tác phẩm thấm nhuần cảm hứng đạo lý truyền thống, đậm đà màu sắc tình cảm, văn học ta cần vượt lên để có được những tác phẩm hướng vào việc khám phá bí mật của con người, tạo ra những chân dung mới về các kiểu tính cách của con người Việt Nam hiện nay” [211, 62].

Văn học giai đoạn cách mạng và kháng chiến kéo dài 30 năm (1945 - 1975) đã tạo nên một mẫu người phổ biến trong cuộc sống và trong văn chương phù hợp với yêu cầu của lịch sử là chiến thắng. Câu nói của Hồ Chí Minh “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết phải giành cho kì được độc lậpđã trở thành quyết tâm và sức mạnh của hàng triệu người Việt Nam. Không phải chúng ta không nhận biết được tính toàn diện bản chất con người, tính đa dạng và phức tạp của quan hệ con người. Nhưng để tồn tại và chiến thắng, một số mặt trong bản chất và quan hệ ấy đã nổi trội hẳn lên chủ yếu là con người hiện thực, con người hành động, con người xã hội, con người giai cấp, con người cộng đồng và con người phi thường.

Xem tất cả 200 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí