thời kì này trên phương diện quan niệm nghệ thuật về con người, thời gian, không gian nghệ thuật và phương thức thể hiện.
Tìm hiểu thi pháp truyện ngắn giai đoạn 1975 – 1985 trên một số bình diện, phương thức thể hiện. Sau đó rút ra một số kết luận về thi pháp truyện ngắn Việt Nam thời kỳ này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu:
Trước hết, luận án tập trung khảo sát những tuyển tập truyện ngắn đoạt giải, đặc sắc do Hội Nhà văn, Báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội tuyển chọn từ năm 1975 đến 1985.
Tiếp nữa, luận án khảo sát những truyện ngắn đặc sắc khác của các Nhà xuất bản ấn hành từ năm 1975 đến 1985.
Ngoài ra, luận án còn mở rộng giao diện với một số truyện ngắn tiêu biểu ở giai đoạn văn học khác, nhằm chỉ ra nét độc đáo, khác lạ của một giai đoạn văn học.
3.2. Phạm vi nghiên cứu:
Nghiên cứu đặc điểm thi pháp truyện ngắn giai đoạn 1975 – 1985, luận án tập trung vào ba phương diện: quan niệm nghệ thuật về con người ; thời gian và không gian; thi pháp tạo dựng cốt truyện, tình huống, kết cấu, giọng điệu, ngôn ngữ và nghệ thuật trần thuật.
Có thể bạn quan tâm!
- Thi pháp truyện ngắn Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975 – 1985 - 1
- Nghiên Cứu Về Thể Loại Truyện Ngắn
- Những Nghiên Cứu Về Thi Pháp Truyện Ngắn Việt Nam Giai Đoạn 1975 - 1985
- Nghiên Cứu Về Tác Giả Và Tác Phẩm Truyện Ngắn
Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.
Chúng tôi không khảo sát toàn diện mà chỉ tập trung nghiên cứu một số phương diện có tính chất loại hình nhằm nhận ra diện mạo của một giai đoạn văn học chuyển mình (1975 – 1985).
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Ngoài những phương pháp luận chung của nghiên cứu khoa học xã hội là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, để thực
hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng kết hợp nhiều phương pháp chuyên biệt. Tựu trung lại có thể kể đến các phương pháp chủ yếu sau:
- Phương pháp tiếp cận thi pháp học: đây được xem là phương pháp chính. Nhằm nghiên cứu về sự tiến hóa của các phương thức, phương tiện chiếm lĩnh thế giới bằng hình tượng, sự hoạt động chức năng xã hội - thẩm mỹ của chúng, nghiên cứu số phận của các khám phá nghệ thuật.
- Phương pháp loại hình: nhằm tìm ra những đặc điểm tương đồng loại hình về thi pháp thể loại, qua đó thấy được nét đặc sắc của thể loại từ thực tế đời sống văn học.
- Phương pháp so sánh: để có sự đối sánh và cái nhìn sâu hơn về đối tượng, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát truyện ngắn giai đoạn này trong sự liên hệ để tìm ra những nét tương đồng và khác biệt giữa truyện ngắn ở giai đoạn sau năm 1986 và truyện ngắn giai đoạn trước đó (1945 - 1975).
- Phương pháp cấu trúc hệ thống: đặt truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975 - 1985 trong sự vận động của văn học nói chung, xem xét đối tượng như một hiện tượng có tính hệ thống, chúng tôi hướng tới việc xác định vị trí, ý nghĩa của truyện ngắn giai đoạn này trong diễn trình văn học.
- Phương pháp phân tích tác phẩm: nhằm tìm hiểu các yếu tố của văn bản tác phẩm thông qua việc phục nguyên lại đời sống văn hóa của một thời đại nhất định, dùng nó để lý giải các vấn đề văn học, đặc biệt là các quan niệm về văn học và sáng tác văn chương.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các thao tác nghiên cứu văn học khác như: phân tích, đối chiếu, thống kê, phân loại, mô hình hóa, khảo sát văn bản…
5. Đóng góp về khoa học của luận án
Luận án là công trình đầu tiên tìm hiểu, xác định diện mạo của thi pháp truyện ngắn giai đoạn 1975 – 1985 với cái nhìn văn học ở bề sâu.
Những kết quả nghiên cứu của luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho việc tìm hiểu và nghiên cứu truyện ngắn giai đoạn 1975 – 1985 nói riêng, truyện ngắn Việt Nam nói chung.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Luận án vào tìm hiểu, bổ sung thêm một số kết quả nghiên cứu thi pháp truyện ngắn, góp phần xác định diện mạo và vai trò của truyện ngắn giai đoạn 1975 – 1985 trong quá trình hiện đại hoá nền văn học Việt Nam.
Luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy, tìm hiểu và nghiên cứu thi pháp truyện ngắn giai đoạn 1975 – 1985 nói riêng và văn xuôi Việt Nam hiện đại nói chung.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận án được triển khai thành 4 chương:
Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu.
Chương 2: Truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975 – 1985, bước chuyển đổi quan niệm nghệ thuật về con người.
Chương 3: Thời gian và không gian, giọng điệu và ngôn ngữ trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975 – 1985.
Chương 4: Truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975 – 1985 trên một số bình diện thi pháp thể hiện.
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Những nghiên cứu lý thuyết về thi pháp học và truyện ngắn
1.1.1. Nghiên cứu lý thuyết về thi pháp học
1.1.1.1. Thi pháp học là một hướng nghiên cứu văn học có từ lâu, nhưng thực sự có ảnh hưởng và được nhiều nhà nghiên cứu chú ý vào thế kỉ
XX. Thuật ngữ thi pháp học có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp, trong công trình Poetica (Thi pháp học) của Aristote, khi nhìn nhận bản chất nghệ thuật như các thể loại bi kịch, sử thi, cấu trúc cho đến ngôn từ. “Qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, thi pháp học nhiều lần được hiểu khác nhau, khi thì thu hẹp vào loại hình thi ca, vào thi luật, phép làm thơ, biến thành quy phạm, giáo điều, khi thì mở rộng chỉ toàn bộ nghệ thuật, khi lại bị coi thường như một thứ hình thức chủ nghĩa ít có ý nghĩa và cho đến nay cách hiểu vẫn còn phân tán” [52, 9]. Từ đầu thế kỉ XX, vấn đề ngôn ngữ, văn bản, cấu trúc của văn học được đặt lên hàng đầu, tạo thành khuynh hướng thi pháp học ngôn ngữ nghệ thuật, lấy văn bản làm đối tượng nghiên cứu đã đổi mới thi pháp học. Đến những năm 60 (thế kỉ XX), khi phương tiện truyền thông nghe nhìn chiếm ưu thế, trong xu thế toàn cầu hoá về kinh tế, tri thức, giao lưu văn hoá thì nghiên cứu văn học từ bình diện ngôn ngữ chuyển sang văn hoá học, nghiên cứu các vấn đề văn hoá như diễn ngôn, tri thức, hậu thực dân, chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa nữ quyền, thân thể, thời thượng, phi huyền thoại hoá, phi trung tâm, đại tự sự, trò chơi và mua vui… trở nên thịnh hành. Đó đang là hướng vận động của thi pháp học mà nhiều người quan tâm.
Từ cuối thế kỉ XIX, A. N. Veselovski, các nhà hình thức Nga đến các nhà cấu trúc Pháp, đều ra sức đi tìm định nghĩa về thi pháp học. Sau đây là một số định nghĩa tiêu biểu. V. Girmunski: “Thi pháp học là khoa học
nghiên cứu thi ca (tức là văn học) như là một nghệ thuật. Viacheslav Ivanov: “Thi pháp học là khoa học về cấu tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mĩ được sử dụng trong đó…” [52, 11]. M. L. Gasparov: “Thi pháp học - khoa học về hệ thống các phương tiện biểu hiện trong tác phẩm văn học… Trong nghĩa rộng thi pháp học trùng với lí luận văn học, trong nghĩa hẹp trùng với một trong các lĩnh vực của thi pháp lí thuyết. Là lĩnh vực của lí luận văn học thi pháp học nghiên cứu đặc trưng của các loại hình, thể loại văn học, các dòng và trào lưu, các phong cách, phương pháp, nghiên cứu quy luật liên hệ nội tại và tuơng quan các cấp độ của chỉnh thể nghệ thuật”… V. Vinogradov: “Thi pháp học là khoa học về các hình thức, các dạng thức, các phương tiện, phương thức tổ chức tác phẩm sáng tác ngôn từ, về các kiểu cấu trúc và các thể loại tác phẩm văn học. Nó muốn bao quát không chỉ ngôn từ thơ, mà còn cả các khía cạnh khác nhau nhất của tác phẩm văn học và sáng tác dân gian,”. B. Tomashevski :“Nhiệm vụ của thi pháp học là nghiên cứu phương thức cấu tạo của tác phẩm văn học. Đối tượng của thi pháp học là các sáng tác có giá trị. Phương pháp nghiên cứu thi pháp là tiến hành miêu tả, phân loại và giải thích các hiện tượng được nghiên cứu.” [52, 12]. Đối với R. Jakobson, đối tượng của thi pháp học là “tính văn học” và “các thủ pháp”, phương pháp nghiên cứu thi pháp học là phương pháp ngôn ngữ học… Các học giả Pháp, như Kibedi Verga cho rằng thi pháp học tức là lí luận văn học; Gérard Genette thì cho rằng thi pháp học nghiên cứu các văn bản quá độ, khám phá tính liên văn bản trong đó.
Từ các định nghĩa trên, ta thấy thi pháp học là “một lĩnh vực nghiên cứu về đặc trưng, tổ chức, các phương thức, phương tiện, nguyên tắc làm nên giá trị thẩm mĩ của văn học trong tính chỉnh thể của văn bản [52, 13]. Đó là lĩnh vực nghiên cứu quy luật nội tại của tác phẩm, cấu tạo và phong cách, nó phân biệt với các lĩnh vực nghiên cứu khác. Thi pháp về thực chất
là hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật, mang tính mở. “Thi pháp học bao gồm các bộ phận lí thuyết, miêu tả và lịch sử, gồm cả phong cách học, và ngày nay bao gồm cả tự sự học, tu từ học, mỗi bộ phận có đối tượng riêng, nhưng đều không ra ngoài phạm vi nói trên. Xét về cách tiếp cận còn có thể phân biệt thi pháp học lịch sử, thi pháp học ngôn ngữ học, thi pháp học so sánh, thi pháp học xã hội học, thi pháp học văn hoá” [52, 13]. Nhiều nhà nghiên cứu đồng nhất thi pháp học với lí luận văn học, theo R. Wellek, trong trường hợp đó, nên dùng thuật ngữ “lí luận văn học”, vì hàm ý của lí luận văn học rộng hơn thi pháp học. Tuy nhiên, người ta vẫn thích nói “thi pháp” để nhấn mạnh tính chất nghiên cứu nội tại của nó.
Thi pháp học hiện đại (từ thế kỉ XX) khác thi pháp học truyền thống. Nó được hiểu như lĩnh vực nghiên cứu đặc trưng văn học hay tính văn học và ngôn ngữ biểu hiện của nó chứ không đóng khung trong nghệ thuật thi ca. Phương pháp lấy việc nghiên cứu tính hệ thống, tính chỉnh thể thay cho việc nghiên cứu các yếu tố cá biệt, khác biệt để khái quát theo quan niệm “nguyên tử luận; lấy việc nghiên cứu các biến số lịch sử thay cho nghiên cứu các nguyên lí bất biến, vĩnh hằng; nghiên cứu hướng tới người đọc hơn là dạy dỗ nhà văn về cách sáng tác; lấy việc khái quát các phương thức phương tiện từ trong bản thân sáng tác hơn là đưa ra những công thức quy phạm. Mặc dù đã có những quan điểm hoài nghi đặc trưng cũng như tính văn học, nhưng văn học ở đâu, thời nào cũng tồn tại trong sự đối lập với cái phi văn học, dù cho ranh giới giữa hai cái đó có đổi thay trong lịch sử. Chừng nào còn đối lập ấy thì chừng ấy còn thi pháp học. Chính vì thế phương pháp nghiên cứu thi pháp chủ yếu là miêu tả, quy nạp, hệ thống hoá và thuyết minh, diễn giải chứ không phải là diễn dịch từ những nguyên lí của đại tự sự”[52, 14].
Các trường phái hình thức ở Nga, Anh, Mĩ, Đức nghiên cứu thế giới tinh thần và thế giới nghệ thuật của nhà văn biểu hiện qua văn bản ngôn
ngữ. Fredric Gundolf “chủ trương phân biệt cuộc sống kinh nghiệm thực tế của nhà văn với cuộc sống trong tác phẩm nghệ thuật. E.R.Curtius căn cứ vào ngôn ngữ mà nghiên cứu thế giới tinh thần của nhà văn, phản đối lối nghiên cứu dựa vào các quy tắc để đánh giá sáng tác. Eric Auerbach nghiên cứu phương thức mô phỏng thế giới của các văn bản kinh điển mà ông trích từng đoạn để phân tích, so sánh, chỉ ra cách cảm nhận con người, không gian, thời gian, đồ vật”[52, 17]. Leo Spitzer chủ trương đi tìm thế giới bên trong, cách cảm nhận thế giới của nhà văn và giải thích bằng hệ thống biểu hiện ngôn ngữ, nhưng không loại trừ tác động của các nhân tố thời đại. Nghệ thuật là một thế giới chủ quan của nghệ sĩ, phân biệt với thực tại khách quan. Tác phẩm văn học như một thế giới thẩm mĩ đặc thù. Đối tượng nghiên cứu của văn học là ý thức của chủ thể nghệ thuật, là các phạm trù của thế giới quan như thế giới, không gian, thời gian… Cách tiếp cận này cho phép người ta khám phá các chiều kích thi pháp, phong cách nghệ thuật ngay trong tác phẩm nghệ thuật.
Thi pháp học cấu trúc chủ nghĩa ở Pháp theo M. L. Gasparov nói: “Thi pháp học cấu trúc không phải là thi pháp của các yếu tố tách rời, mà là thi pháp về các quan hệ của các yếu tố tạo nên tác phẩm”[52, 20]. Thành công hơn cả của chủ nghĩa cấu trúc là “Tự sự học” của G. Genette. Đây là hệ thống các thuật ngữ dành để phân tích cấu trúc văn bản tự sự mà ngày nay đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu có hiệu quả như lĩnh vực thi pháp tiểu thuyết và nghệ thuật tự sự nói chung. Từ đó, theo J. Watte, các vấn đề của tự sự như người trần thuật, điểm nhìn, hình thức không gian…đã được bàn rộng rãi, chúng gắn liền với sự ý thức về vai trò độc lập tự chủ của con người cá nhân. Ngoài ra, phong trào kí hiệu học Pháp hiện đại rất sôi động, họ nghiên cứu theo hướng khám phá “tính văn học”, khai thác ý nghĩa siêu ngôn từ của văn bản văn học trong công trình nguyên lí kí hiệu học của Roland Barthes hay ngữ nghĩa học cấu trúc của Greimas. Đáng chú ý là
nghiên cứu kí hiệu học trong phong cách học. Phong cách học cũng là một bộ phận của thi pháp học, trở thành trào lưu “Phê bình mới” ở Pháp thập niên 60, 70 (thế kỉ XX). Đặc biệt, phân tâm học đem lại cho nghiên cứu phong cách một đường lối giải thích sự thống nhất của phong cách. Ch. Mauron là đại diện cho hướng nghiên cứu này đã giải thích các “hình tượng ám ảnh” chỉ từ phương diện tâm lí vô thức.
Ở Nga, thi pháp học lý thuyết được hồi sinh, tiếp tục phát triển trong Những vấn đề thi pháp Đốtxtôiépxki, của M. Bakhtin. Ông xây dựng mô hình lí thuyết thi pháp bắt đầu từ quan niệm nhân vật như một ý thức độc lập, làm nền tảng cho cấu trúc phức điệu; tiếp đến xem xét thế giới của nhân vật với không gian, thời gian, đặc trưng cốt truyện, thể loại, đặc điểm ngôn ngữ. Các yếu tố của cấu trúc nghệ thuật đều phụ thuộc vào quan niệm con người. “Ngôn ngữ của Đốtxtôiépxki đều phụ thuộc vào đặc điểm của con người trong ấy. Mô hình của Bakhtin ở đây thích hợp trước hết đối với tiểu thuyết phức điệu của Đốtxtôiépxki. Chúng tôi đã rút ra và phổ quát hoá mô hình đó để có thể vận dụng vào thế giới nghệ thuật thuộc các thể loại văn học khác như thơ trữ tình, một thể loại mà Bakhtin không mấy hứng thú. Mô hình của chúng tôi bao gồm: quan niệm nghệ thuật về con người, không gian, thời gian nghệ thuật, hình tượng tác giả, tình tiết, kết cấu, trần thuật, ngôn ngữ thể hiện”[52, 31].
1.1.1.2. Qua bức tranh khái quát trên, có thể thấy thi pháp học ở Việt Nam có cội nguồn từ thi pháp học hiện đại trên thế giới. Nó có khuynh hướng phong cách học ngôn ngữ, kí hiệu học, phân tâm học, thi pháp học xã hội và thi pháp học lịch sử, văn hoá. Trước năm 1975, ở miền Bắc nghiên cứu văn học đi theo thi pháp xã hội học, thể hiện ở chủ nghĩa hiện thực với các phạm trù văn học với hiện thực ý thức hệ; ở miền Nam, các quan niệm nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại mới được giới thiệu, tiếp nhận trong các công trình của Nguyễn Văn Trung. Sau năm 1975, nghiên