kịch tính lên đến đỉnh điểm. Với dạng cốt truyện này, nhiều độc giả phải giật mình với nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp. Tiếp theo là sáng tác của Phan Thị Vàng Anh (Kịch câm), Lại Văn Long (Kẻ sát nhân lương thiện)... cũng không kém phần lý thú.
4.1.1.3. Cốt truyện tâm lý có quá trình phát triển không có xung đột, cũng không theo quá trình vận động các bước: hình thành, thắt nút, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc. Những tác phẩm truyện ngắn viết theo kiểu cốt truyện này, thường là những dòng cảm xúc, nội tâm của con người, những vui buồn, hờn giận, ghen tuông, sầu tủi, nhớ mong, hạnh phúc... của con người đã được trải rộng ra trên những trang giấy. Nhưng nếu người viết không khéo, nội tâm nhân vật sẽ làm cho người đọc có cảm giác nhàm chán. Còn với những câu văn đạt tới độ tinh tế, sẽ có khả năng truyền tới cho người đọc những cái rùng mình, bởi cách suy tư về tình đời, tình người ý nhị mà sâu lắng như những trang văn của Thạch Lam, Thanh Tịnh một thời.
Loại cốt truyện này thường sử dụng thủ pháp trữ tình tâm lý để tạo ra một cấu trúc tự sự mới, trong đó câu chuyện được kể lại chủ yếu để gợi ra ấn tượng về một thế giới đang tồn tại trong tâm tưởng của con người. Cốt truyện thường ít sự kiện, “tác phẩm thường dựa vào một tình huống trữ tình giàu sức gợi để bày tỏ, bộc lộ thế giới tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của nhân vật. Nhân vật thường không được miêu tả cụ thể” [129] về ngoại hình, ít có những biến đổi lớn về cuộc đời, tính cách mà chủ yếu là những diễn biến tinh tế của các trạng thái tâm lý, tình cảm, tư tưởng bên trong. Loại truyện ngắn này thường không có cốt truyện; cho nên tiếp cận, đọc hiểu truyện “không nhất thiết phải qua cách tiếp cận cốt truyện mà nên đi vào khám phá thế giới tâm trạng, cảm xúc và cảm giác của nhân vật. Khi viết về con người trong các mối quan hệ, nhà văn ít chạy theo sự kiện mà chủ yếu khám phá
vấn đề thông qua thế giới tâm hồn, đặc biệt là sự trải nghiệm về tinh thần của nhân vật. Dương Thu Hương, Nguyễn Minh Châu, Thái Bá Lợi... đã vượt ra ngoài phương thức miêu tả thực, trần thế nhằm tạo dựng cuộc sống đa chiều, khai thác chiều sâu những góc uẩn khúc của thế giới bên trong con người. Nhiều truyện ngắn trữ tình được viết bằng năng lực biểu cảm cuộc sống qua thế giới tâm hồn nhân vật tôi. Phương thức thể hiện này không chỉ làm cho hiện thực được phản ánh có chiều sâu mà còn giàu sức khái quát, sức ám ảnh lớn trong lòng người đọc. Thật vậy, cuộc sống không phải lúc nào cũng cao trào mà đôi khi nó bình yên. Vì thế, xu hướng đi vào khám phá những con người trong cuộc sống đời thường đã tạo nên những cốt truyện lỏng, chất chuyện mờ nhạt với những trạng thái, tâm trạng không dễ cho việc kể lại. Cốt truyện ít có những tình huống căng thẳng, những xung đột phức tạp mà thường chỉ xoay quanh những sự việc bình thường, đôi khi rất vụn vặt hàng ngày. Ở những truyện này, các yếu tố sự kiện, tình tiết, được triển khai theo mạch vận động của cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật là chủ yếu. Có thể kể đến những cốt truyện loại này như: Khách ở quê ra (Nguyễn Minh Châu), Những bông bần li (Dương Thu Hương)…
Khách ở quê ra là truyện ngắn có kết cấu cốt truyện tâm lý, nó rời rạc, thiếu tập trung, gây cho người đọc cảm giác có sự phân tán. Truyện chia ra nhiều đoạn nhỏ men theo những lời kể và hồi tưởng của nhân vật Khúng. Bắt đầu là truyện thằng Dũng, rồi chuyện về chú Định, chuyện mụ Huệ (vợ Khúng), chuyện đầu tư kỹ thuật vào sản xuất của Khúng… Các vấn đề mà truyện trải ra có vẻ rời rạc, không ăn nhập với nhau, vì thế khi tác phẩm ra đời đã có nhiều ý kiến băn khoăn. Tác giả Lê Thành Nghị cho rằng có cảm giác đôi lúc tác giả sao nhãng trong việc đảm bảo tính chặt chẽ của kết cấu cốt truyện; Trùng Dương thì nói Nguyễn Minh Châu bộc lộ lối viết rối rắm, lan man; còn Phong Lê nhận xét Khách ở quê ra đề cập đến nhiều vấn đề… nhưng rốt cuộc vẫn không biết đâu là vấn đề của truyện.
Cách viết khá tự do của Nguyễn Minh Châu đặt nhiều tình huống vụn vặt, lộn xộn đầy ngẫu nhiên, nhưng vẫn kết dính trong mạch truyện là tính cách người nông dân Khúng dần bộc lộ trong tác động của quá trình đô thị hoá. Bàn luận về cách viết này, Trần Đình Sử nêu ra quy luật hội tụ ánh sáng: “Anh tập trung những luồng sáng hàng nghìn nến vào một khuôn mặt… để soi rọi một chi tiết làm cho hình tượng của anh tuy bề ngoài rất cá biệt nhưng lại có tầm khái quát đáng kể. Bằng cách tiếp cận đó nhà văn có thể kể những chuyện chẳng có gì to tát cả nhưng người ta thích đọc” [164, 349]. Chính luật hội tụ ánh sáng của Trần Đình Sử, nhìn bề ngoài Khách ở quê ra có vẻ rối rắm, nhưng bên trong lại chứa nhiều vấn đề của con người với cuộc sống đời thường.
Cốt truyện Những bông bần li xuôi theo những vui buồn trong tâm hồn của một người phụ nữ đầy nhạy cảm trong tình yêu, hạnh phúc. Qua đó, bộc lộ khao khát một hạnh phúc trọn vẹn, một cuộc sống có ý nghĩa. Nếu chiến tranh là môi trường thử thách phẩm giá con người trong những hoàn cảnh phức tạp gay cấn, thì cuộc sống hòa bình cũng có những phức tạp riêng của nó. Cuộc sống là môi trường thử thách, rèn luyện phẩm chất con người thầm lặng mà dai dẳng, không kém phần gay gắt dữ dội. Việc đối diện với lương tâm mình để từ đó khẳng định một cách sống xứng đáng với con người mới xã hội chủ nghĩa. Ở đó, cốt truyện tâm lý, nới lỏng, ít chất truyện dễ đi vào những vấn đề tưởng như nhỏ bé, nhưng lại có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nói như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “sự vận động của truyện ngắn từ chỗ có một cốt truyện kỳ lạ căng thẳng bất ngờ đến sự xuất hiện của những truyện ngắn trữ tình” [143, 148].
Qua đây, có thể thấy xu hướng kết cấu cốt truyện trong truyện ngắn giai đoạn 1975 – 1985 là tăng cường cốt truyện bộc lộ trạng thái tâm tưởng của nhân vật, giảm cốt truyện miêu tả hành động bên ngoài. Cốt truyện cũng ngày càng bớt đi những yếu tố gay cấn, li kì để tư tưởng của truyện
chủ yếu được bật ra từ suy nghĩ, từ tâm trạng nhân vật. Nhà văn coi việc phân tích nội tâm nhân vật trở thành phương tiện nghệ thuật chủ yếu trong cách dựng truyện hiện đại. Thực ra loại cốt truyện tâm lý này đã được Nam Cao, Thạch Lam sử dụng ngay từ giai đoạn hình thành và phát triển truyện ngắn hiện đại. Nhưng do yêu cầu, hoàn cảnh thời chiến, áp lực sử thi, nên dạng cốt truyện này ít được coi trọng. Từ sau hoà bình, cốt truyện tâm lí lại được khôi phục mà Nguyễn Minh Châu được xem là nhà văn khơi nguồn cho một thời kỳ văn học mới. Đi vào cuộc sống đời thường, nhà văn thường sử dụng cốt truyện này và đã tạo được những hiệu quả cao trong nhận thức. Bức tranh, Sắm vai, Khách ở quê ra, Dấu vết nghề nghiệp… đều là những truyện xây dựng theo tâm trạng nhân vật. Trong Bức tranh là sự đối diện và thức tỉnh lương tâm, sự khám phá khuôn mặt bên trong của nhân vật người hoạ sỹ. Nguyễn Minh Châu đã sử dụng luồng ánh sáng của hàng nghìn ngọn nến như được phát ra từ lòng trắc ẩn, từ còi tâm linh để phân tích, nhận thức, thanh lọc và khẳng định niềm tin mãnh liệt vào khả năng hướng thiện của con người. Con người trong Dấu vết nghề nghiệp lại day dứt về cái sự nghiệt ngã và tình người trong bóng đá. Đến lúc sắp gần đất xa trời ông mới nhận ra rằng: “trong đời người ta thỉnh thoảng có những phút vụng dại yếu ớt và ngu ngốc đến không thể tưởng tượng được” [30, 320]. Khắc khoải, băn khoăn, giằng xé, thậm chí vật vã, trăn trở để nhận chân giá trị con người mình là những chân dung thường gặp trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau 1975. Người họa sỹ trong Bức tranh, người thủ thành trong Dấu vết nghề nghiệp, nhà văn T trong Sắm vai… có thể xem là những phiên bản tinh thần của Nguyễn Minh Châu trong hành trình tìm tòi đổi mới. Việc khai thác những tình huống tâm lí con người đã trở thành một nét của thi pháp cốt truyện trong truyện ngắn đương đại. Hướng khai thác này còn được tạo ra bởi sự đóng góp của nhiều nhà văn như Ma Văn Kháng, Xuân Thiều, Dương Thu Hương, Lê Minh Khuê, Vũ Tú Nam, Hồ
Có thể bạn quan tâm!
- Ngôn Ngữ Đời Thường, Thông Tục Suồng Sã
- Ngôn Ngữ Độc Thoại, Đối Thoại
- Thi pháp truyện ngắn Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975 – 1985 - 16
- Thi Pháp Xây Dựng Kết Cấu Và Trần Thuật
- Thi pháp truyện ngắn Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975 – 1985 - 19
- Thi pháp truyện ngắn Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975 – 1985 - 20
Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.
Anh Thái, Nguyễn Huy Thiệp,… làm cho độc giả không khỏi dằn vặt khi đọc các sáng tác này.
Ngoài ra, còn có dạng cốt truyện lắp ghép liên văn bản, liên mạch. Có thể xem đây là nghệ thuật xây dựng truyện trượt ra ngoài mọi quy ước của thể loại. Viết theo xu hướng này, truyện được hình thành trên cơ sở lắp ghép các mảng cốt truyện. Diễn biến của câu truyện cũng không theo trình tự tuyến tính của thời gian, không gian mà đảo ngược theo ý đồ của nhà văn. Các tình huống rời rạc, có thể không ăn nhập với nhau nhưng lại đựơc xâu chuỗi trong mạch ngầm của văn bản. Trong những cốt truyện này thường có sự di chuyển của các điểm nhìn. Có thể xem Có một đêm như thế của Phạm Thị Minh Thư là một thành công nghệ thuật độc đáo với loại cốt truyện này. Câu chuyện được triển khai trên hai cốt truyện song hành, một cốt truyện với mảng hiện thực đời thường trong nhiều mối quan tâm về cuộc sống với một mảng của những năm tháng chiến tranh khắc nghiệt, hy sinh. Hai mảng hiện thực này như hai bức tranh độc lập cả về màu sắc lẫn chất liệu. Ở đây, cách kết hợp hai mạch truyện của tác giả như một dòng chảy nối liền quá khứ và hiện tại, hiện tại và tương lai. Từng mảng không gian, thời gian đan quyện vào nhau, khiến cho câu chuyện sinh động hơn, thể hiện được nhiều khoảnh khắc của cuộc sống. “Cách lắp ghép này còn tạo ra sự đa thanh cho tác phẩm: vừa trí tuệ vừa cảm xúc, vừa cao cả lại vừa rất đời, vừa hiện thực lại vô cùng lãng mạn, vừa mang cảm hứng ngợi ca lại vừa phê phán một cách nhẹ nhàng và tinh tế” [140, 84]. Từ đó làm bật lên tư tưởng của tác phẩm trong chiều sâu của nhận thức, đó là sự khác nhau về lối sống và cách suy nghĩ của con người trong chiến tranh và trong thời bình.
Sống với thời gian hai chiều của Vũ Tú Nam cũng tiêu biểu cho kiểu cốt truyện lắp ghép này. Đó là sự đan xen giữa hai mạch truyện về quá khứ và hiện tại của ông An. Hành trình thứ nhất của ông là trở về với quê
hương, gia đình, dòng họ. Hành trình ấy đã xáo trộn dữ dội tâm hồn và phá vỡ thế cân bằng tinh thần mà ông muốn có. Nhưng sau khi chiêm nghiệm chặng đường 30 năm ấy, ông thấy bình tâm trở lại để đi tiếp hành trình thứ hai. Đó là hành trình từ hiện tại đến tương lai. Chỉ mấy ngày về quê, ông đã sống với hai chiều thời gian, mấy chục năm suy nghĩ về các thế hệ trong dòng chảy của thời cuộc. “Chúng nó đi xuôi thời gian, các cụ ngược về dĩ vãng. Còn mình thì đứng giữa ư? Hay theo hướng nào?” [131]. Cách dựng truyện như vậy khiến người đọc luôn cảm thấy có sự tiếp nối giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tại. Vì thế câu chuyện thường đem lại những nhận thức mới cho con người trong cuộc sống hôm nay.
Dạng thức truyện trong truyện và truyện liên hoàn là hình thức kéo dài truyện, chuyện nọ kéo sang chuyện kia hoặc gối lên nhau thành các lớp truyện hoặc chuỗi truyện. Tiêu biểu cho kiểu kết cấu cốt truyện này là Nguyễn Huy Thiệp (sau 1985), truyện của ông rất nhiều chi tiết, tình tiết. Mỗi nhân vật trong tác phẩm đều có thể tạo ra một đường dây sự kiện, mạch truyện riêng. Tác giả giống như người thích la cà và cũng là người tinh thông mọi chuyện, vì vậy, hễ cần dừng lại để lý giải, cắt nghĩa thì dường như ngay lập tức điều đó sẽ được làm sáng tỏ ngay. Trong truyện ngắn Tướng về hưu, “người đọc thấy có một loạt mạch truyện về các nhân vật có tên trong tác phẩm: Chuyện về tướng Thuấn, liên quan đến nhân vật chính này là chuyện về vợ tướng, con trai của tướng, cô con dâu, hai bố con người giúp việc, ông em họ xa, cô cháu họ xa, thậm chí một kẻ tạt ngang câu chuyện như một vết nhơ như nhân vật Khổng ở xí nghiệp nước mắm - nhà thơ cũng được tác giả trích ngang mấy dòng đủ để hình dung về loại thi sĩ nửa mùa kém cỏi về nhân cách” [205]. Truyện Con gái thuỷ thần là ba truyện ghép lại theo cấu trúc rất rời rạc: truyện thứ nhất, truyện thứ hai, truyện thứ ba. Đặc biệt hơn, truyện Những ngọn gió Hua Tát lại ghép từ 10 truyện, mỗi truyện đều có nội dung riêng, tình tiết riêng.
Ngoài các kiểu kết cấu cốt truyện thường gặp như đã nói trên, còn có các kiểu như đi thẳng vào giữa truyện, kết cấu theo hai tuyến nhân vật, kết cấu trùng phức, đồng hiện, liên hoàn..., trong thực tế sáng tác còn xuất hiện nhiều kiểu dạng kết cấu, đặc biệt là sau năm 1985. Tùy vào khả năng sáng tạo, nhà văn có thể xây dựng các dạng kết cấu cốt truyện theo nguyên lí tảng băng trôi, theo lối chơi xếp đặt một nửa sự kiện bởi sự trù tính, một nửa bởi sự tình cờ và triệt để sử dụng thuyết nhân quả, thuyết đômiđô như Tướng về hưu - Nguyễn Huy Thiệp.
4.1.2. Tình huống truyện
Tình huống truyện là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất. Trong một truyện ngắn, việc tạo ra tình huống như thế nào cho độc đáo là một yếu tố rất quan trọng góp phần khẳng định tài năng và phong cách riêng của một nhà văn. Theo Nguyễn Đăng Mạnh, “quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra tình huống nào đấy, từ tình huống ấy bật nổi một bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ một tâm trạng” [128, 58]. Ngoài ra, việc xây dựng và tổ chức tình huống trong một truyện ngắn không chỉ làm bật nổi một bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ một tâm trạng mà còn cho thấy một quan niệm, một tư tưởng nào đó của nhà văn trong cái nhìn phản ánh hiện thực đời sống.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Với truyện ngắn và với một tác giả có kinh nghiệm viết, tôi nghĩ rằng đôi khi người ta nghĩ ra được một cái tình thế xảy ra chuyện, thế là coi như xong một nửa… tình thế truyện không cần đến những mâu thuẫn gay gắt như kịch, nhưng nó là cái cớ chắc chắn, hết sức cụ thể và mang tính riêng, ở đó cốt truyện và nhân vật dựa vào để thực hiện đắc lực tất cả ý định của tác giả, ví như một cây cọc vững chắc để cho cây bí leo lên mà ra hoa trái… Những nhà văn có tài đều là
những người có tài tạo ra những tình thế xảy ra truyện vừa rất cá biệt vừa mang tính phổ biến hoặc tượng trưng… Rất nhiều tác giả của những truyện ngắn hay cổ kim mà chúng ta có dịp được đọc cũng đã tự bộc lộ ra một điều chung này: hình như đó là những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống với một vài sự việc diễn biến sơ sài và cũng bình thường thôi (hoặc có thể dồn dập và không bình thường), nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại” [29, 257-260]. Khảo sát truyện ngắn 1975 - 1985, người viết nhận thấy việc xây dựng và tổ chức những tình huống trong truyện ngắn của các nhà văn đã phần nào thể hiện rò vấn đề nêu trên. Và nhìn chung truyện ngắn giai đoạn này chủ yếu xoay quanh các dạng tình huống như: tình huống kịch và tình huống tâm trạng.
4.1.2.1. Tình huống kịch là những dạng “tình huống bao hàm các xung đột đời sống mang tính kịch cao, trong đó sự va chạm giữa các nhân vật trở nên gay gắt và bị dồn nén trong một không gian, thời gian và hành động theo quy tắc tam nhất của kịch” [195,115]. Trong truyện ngắn Bức tranh, tình huống đầu tiên là sự gặp gỡ tình cờ giữa người hoạ sỹ và một người lính trong chiến tranh, hai người có xảy ra một số biến cố, sau đó mỗi người đi một ngả và câu chuyện tưởng như kết thúc. Nhưng khi tình huống thứ hai xuất hiện, thì mạch truyện lại được đẩy lên cao trào theo chiều hướng kịch. Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh hoạ sỹ, giờ đã nổi tiếng và người lính năm xưa, giờ là anh thợ cắt tóc. Cuộc gặp gỡ này đã làm đảo lộn cuộc sống bình yên của người hoạ sỹ, tính cách của nhân vật cũng thay đổi theo mạch truyện. Nguyễn Minh Châu đã để cho người lính im lặng với quá