Thế Lữ với tiến trình văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 - 17

một xó tối và khó thở, tôi định tâm vừa nghĩ vừa sờ soạng mãi mới biết là mình nằm trong săng. Nhưng trông lên thấy mờ mờ có ảnh lửa soi vào 2 bên nắp săng và lắng tai nghe thấy quả lắc đồng hồ tích tắc đưa với chuông điểm. Tôi đoán rằng tôi ngất đi đã lâu lắm vì bụng thấy đói dữ, có lẽ mọi người tưởng chết thực và đã cho mình vào săng sắp sửa đem chôn. Tôi nâng săng thì thấy còn mở, bên yên lặng ngồi lên. Lúc ấy mới biết là hơn 12 giờ đêm. Tôi cười để cho hắn khỏi sợ và nói: Tôi không chết đâu... sống đây mà!" [38-113]. Sau khi giết Mão, Tâm quyết định thuê xe đến gọi anh Tri kể cho anh nghe để đến cùng anh xử lý việc này. Như vậy ở truyện này cũng như truyện Một đêm trăng cảm tưởng kinh dị chỉ có lúc đầu rồi dần tan đi nhường chỗ cho sự thật.

Truyện Cái đầu lâu, sự kỳ dị xuất hiện từ cái đầu lâu khiến mọi người sợ hãi và kinh ngạc. Kết cục sau một cuộc tìm xét kỹ càng nhưng rất vô ích. Mọi người đã theo dõi, rình xét và cuối cùng thì hoá ra có một con mèo đen đã chui vào gặm bên trong cái đầu lâu vì cái đầu lâu mới luộc nên còn hơi thịt "Cái đầu lâu lắc lư như điên cuồng và quay cạnh đấy một vật đen ngòm đang giẫy giụa. Mắt chúng tôi khi đã đỡ chói thì nhận ra đó là một con mèo đen, mà gầy, lông mặc sờ sạc không đều và không mượt..." [38-185].

Như vậy, những âm thanh phát ra từ cái đầu lâu, sự lắc lư của nó chẳng phải là ma quái gì cả mà tất cả là do con mèo gây ra. Kết thúc truyện tác giả đã làm sáng tỏ sự băn khoăn nghi ngại về hiện tượng kỳ quái từ cái đầu lâu.

Đến truyện Ông Phán nghiện, chi tiết con rắn cạp nong nằm vắt qua cổ ông Phán thoạt đầu nghe có vẻ kỳ quái, nhưng sự thực chẳng có sự kỳ quái nào cả, chẳng qua con rắn này dã quen hơi thuốc phiện của ông Phán tác giả đã để ông Phán nói rõ cho nhân vật tôi biết nguyên nhân của sự kỳ quái này: "Tôi đem nó về, rồi ngày ngày đặt cái lồng đựng nó bên bàn hút, nói chuyện với nó, than thở với nó, như tình tự với người thương. Tôi hút điếu nào lại hà khói vào lồng đặng cho nó nuốt đi. Cứ vậy trong hơn 1 tháng trời, lần lần con

rắn thành quen thuốc, thành "nghiện" tôi mới thả nó đi, nhưng chỉ ít lâu nó lại trở lại quanh quẩn bên bàn hút. Rồi cứ vậy cho tới giờ, con rắn không bao giờ muốn rời bỏ tôi ra. Tới bữa hút là nó lại bò gần tôi..." [38-49].

Như vậy, cái chết của ông Phán ở phần kết thúc truyện lúc đầu bí ẩn nhưng thực ra là do con rắn. Con rắn cạp nong đã nghiện hơi thuốc phiện của ông Phán nay không còn thuốc nên trở nên hung dữ. Nó đã quấn chặt lấy cổ ông Phán khiến ông tắt thở mà chết. Cách giải thích của Thế Lữ ở đây là rất khoa học. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã có đánh giá xác đáng như sau: "Trong tập Bên đường thiên lôi... Truyện kỳ quái mà hay hơn cả là truyện Ông Phán nghiện (trang 159). Những truyện ấy làm cho người đọc có nhiều cảm giác thú vị, vì nó là những truyện căn cứ vào khoa học, vào việc đời. Một người kỳ quái như ông Phán nghiện mà tác giả tả được nét bút tinh tế như thế thật là tuyệt khéo. Đọc truyện Hai lần chết tôi phải nhớ đến những truyện lạ lùng cho Edgar Poe và truyện Ông Phán nghiện, tôi phải nhớ đến những truyện kỳ quái của Hoffman. Những truyện của hai đại văn hào này chỉ những truyện căn cứ vào khoa học, vào sự thiết thực, mới thật hay, còn những huyễn hoặc của hai nhà văn ấy cũng ít khi cảm được người ta. Trong tập truyện ngắn của Thế Lữ, tôi cũng chỉ thấy những truyện căn cứ vào sự thực là hay thôi. Đời khoa học có khác. Người ta phần nhiều bị ảnh hưởng bởi khoa học, nên tác giả dù viết truyện kỳ quái cũng phải nương tựa vào khoa học mới cảm được độc giả" [26-24;25].

Trại Bồ Tùng Linh cũng là một truyện hay. Tuy đây không phải là cảnh núi rừng, song câu chuyện cũng là một thiên tình ái lãng mạn và huyền hoặc. Có thể nói tác giả đã chú ý dựng một truyện Liêu trai tân thời, lấy khung cảnh một cái trại bỏ hoang làm khung cả của truyện. Truyện kể về một nhà văn có tên là Tuấn viết thư kể cho Bình - một người bạn thân nghe những truyện dị thường xảy ra ở trại Bồ - nơi anh đến thuê trọ.

Trong truyện ngắn này, sự kỳ lạ là ở chỗ: sự xuất hiện, hành động đầy bí ẩn, kỳ dị của cô gái đã gieo vào tâm trí Tuấn một sự hoài nghi không biết cô gái đó là người hay là ma. Sự băn khoăn ghi ngờ của Tuấn cuối cùng dường như đã được giải toả. Tác giả để nhân vật Bình giải thích một cách thuyết phục và có lý về sự xuất hiện kỳ dị của cô gái. Cô gái xuất hiện trong đêm rồi biến mất ở trại Bồ không phải là ma mà thực chất là người. "... Cô gái tên là Hoàng Lan Hương (tên đó có phải tên thực hay tên mượn). Lan Hương đến trại làn này anh thấy không phải mới lần đầu. Những lần trước không biết cô ta tưởng mình là gì. Nhưng đột nhiên thấy một anh chàng viết lách dưới đèn trước cửa sổ, không biết ở đâu tới, nhưng đoán chắc là một nhà văn, Lan Hương mới nảy ra cái dàn ý xếp câu chuyện có một vẻ đẹp huyền hồ và làm thực hiện một thiên Liêu Trai mới... Không khí huyền ảo đã thừa đã thừa có ở nơi hoang tịch này rồi chỉ thêm sự giữ gìn chờ đợi cho khôn khéo, Lan Hương có thể ẩn đâu mà chẳng được? Cô nàng chọn một nơi ẩn tiện nhất, những khi cần thiết phải lẩn tránh, không kín đáo lắm nhưng lại rất chắc chắn vì không ai ngờ... Cô nàng đã biến đi một cách giản dị nhất: là nhân trời chưa sáng, bỏ anh ngủ đấy để lại cho anh một hoàng lan nhặt ở ngoài vườn hay đem theo sẵn trong mình... lẳng lặng ra về dễ lắm"[38-369; 370; 371;732]. Rồi cô trở về ngôi chùa gần đó. Hôm nay cô không còn ở đó, theo lời bà cụ già ở chùa kể lại thì hai, ba hôm trước người nhà đưa ô tô đến đón cô đi. Ở đoạn kết tác giả đã khéo trộn lẫn mộng với thực mà tưởng ra một cô khuê các trước ở chùa và mới đi khỏi chùa.

Kết thúc truyện mặc dù có vẻ Tuấn không tin các lý giải của Bình về sự xuất hiện và ra đi kỳ lạ của cô gái nơi trại Bồ, nhưng cách lý giải đó là hoan toàn hợp lý, có cơ sở và rất khoa học. Cách lý giải của Tuấn cũng chính là cách lý giải của chính tác giả về sự xuất hiện và ra đi kỳ dị của cô gái. Tuy nhiên đây chỉ là một giả thuyết, tác giả muốn để lại cái màn bí mật bao

trùm cho có một chút thi vị huyền bí như nhận định của Phạm Thế Ngũ trong bài. Văn xuôi Thế Lữ "có thể nói ở đây tác giả đã theo ý khuyến khích của Khái Hưng mà cố gắng làm một cuộc tổng hợp Edgar Poe và Bồ Tùng Linh, một truyện huyền mà thật, dung hợp óc khoa học với tâm hồn thi nhân" [26-319]. Đoạn kết của tác phẩm này đã chứng tỏ rằng tác giả đã có những băn khoăn của người thế kỷ XX, của những người đã chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của khoa học nhưng vẫn còn trong máu và trong não những cái rất mơ mộng, rất nên thơ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 148 trang tài liệu này.

Qua phân tích, so sánh, tìm hiểu cách giải thích về cái kì dị của Thế Lữ trong truyện kinh dị của ông, chúng tôi có thể khẳng định: Thế Lữ viết truyện kinh dị nhưng cách giải thích của ông rất khoa học không thần bí hoang đường. Mới nhìn, mới nghe, mới đọc nhưng cái tên như Vàng và Máu, Cái đầu lâu, Hai lần chết,... tư tưởng đây là những chuyện hoang đường, ma quái nhưng cuối cùng người đọc chẳng thấy có thần linh, ma quái nào cả mà chẳng qua là do những mưu mô xảo kế của người đời hay do trí tưởng tượng bệnh hoạn hoặc bị ám ảnh tạo nên. Tóm lại, các truyện có vẻ giật gân kia đều có nguồn gốc xã hội, nguồn gốc tâm lý và được giải thích bằng tư duy logic và phương pháp luận khoa học.

Mặt khác cách giải thích khoa học của Thế Lữ ở những truyện kinh dị cũng là một kiểu luận đề. Ông đưa ra các tình tiết ly kỳ rồi giải quyết một cách hợp lý khoa học theo quan điểm của mình. Bản thân các tác phẩm luận đề thường rất gò bó, khô khan và công thức vì người viết phải dùng tác phẩm để chứng minh cho một luận đề nhất định. Tuy nhiên, cách giải quyết của Thế Lữ ở những truyện này không hề gò bó khô khan, công thức mà rất tự nhiên. Đọc những truyện này người đọc như được thấy những gì đang diễn ra trong cuộc sống chứ không phải là sự hư cấu của nhà văn. Thế Lữ phải là người có tài, có tư duy logic chặt chẽ mới làm được điều này. Chính những tố chất đó đã đem lại thành công cho ông ở thể loại độc đáo này.

Thế Lữ với tiến trình văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 - 17

Tóm lại: Truyện kinh dị của Thế Lữ tuy có chịu ảnh hưởng sâu sắc từ truyện quái dị của Edgar Poe nhưng đã có sự sáng tạo rất lớn. Chính nhờ những cách tân đáp ứng nhu cầu tiềm tàng của con người theo nguyện vọng khoa học này mà những tác phẩm của Thế Lữ thời kỳ này đã được công chúng đón nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng. Vì vậy "truyện Thế Lữ không phải tất cả đều hay, đều sâu sắc nhưng vẫn là của ông, rất khó lẫn lộn" [44; 26].

Với một tư duy logic,một phương pháp suy luận khoa học Thế Lữ đã sáng tác những truyện ly kỳ huyền bí có nguồn gốc xã hội nhân sinh. Truyện Thế Lữ vì vậy mà khác hẳn với những truyện cùng sáng tác về đề tài này ở thời điểm văn học những năm 30. Truyện Thế Lữ mang một giá trị nghệ thuật nhất định và được người đương thời tìm đọc một cách thích thú. Đúng như lời nhận định của Xuân Diệu "Những truyện ngắn của Thế Lữ thường biệt lập ra một lối riêng, sáng tạo trong cái kỳ lạ, ít ai ngờ đến [26-176]. Thế Lữ thật xứng đáng với đánh giá của Tế Hanh "một người có nhiều tài năng và sáng tạo, ở nơi anh chất mở đường tiên phong thật là rõ ràng, trong thơ, trong truyện, trong báo chí, trong sân khấu".

PHẦN KẾT LUẬN


1. Phong trào Thơ mới đã đi vào lịch sử văn học dân tộc như một mốc son trong quá trình hiện đại hóa. Nó được phát động bởi một nhà nho cấp tiến và lập tức được lớp người trẻ của thời đại đón nhận, nhân lên, cộng hưởng thành âm vang của một thời đại Thơ mới. Trong số những người trẻ tuổi tiên phong ấy, nổi bật là vai trò của Thế Lữ. Người cầm ngọn cờ vinh quang cho Thơ mới, đưa Thơ mới nhanh chóng vượt qua những non nớt, chập chững của buổi đầu để đạt tới độ viên mãn, tròn đầy với nhiều thi sĩ tài năng kế tiếp.

Trong cuộc tranh luận giữa Thơ mới - Thơ cũ, không phô trương diễn thuyết suông. Thế Lữ đã khẳng định vai trò tiên phong của mình bằng những sáng tác cụ thể, nổi bật nhất là Nhớ rừng là một đòn dứt điểm khẳng định sự thắng thế của Thơ mới đối với Thơ cũ, đưa Thế Lữ trở nên nhà thơ tiêu biểu nhất của Thơ mới buổi đầu, đánh dấu bước ngoặt thay đổi cơ bản diện mạo thi ca nước nhà từ thời trung đại sang thời hiện đại.

Là một trong những thành viên chủ chốt, có tư tưởng và hành động nghệ thuật tiến bộ vào bậc nhất trong nhóm Tự lực văn đoàn. Thế Lữ đã có quan niệm nghệ thuật mới lạ mà trước đó chưa ai từng đề xuất. Cái đẹp là hạt nhân của quan niệm ấy. Quan niệm nghệ thuật của Thế Lữ là ý thức tự giác của chủ thể sáng tạo về nghệ thuật, bắt rễ, sàng lọc tích cực từ quan niệm chung về văn hoá, văn học, nghệ thuật của tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị tiến bộ được đào tạo trong trường Pháp - Việt. Chịu ảnh hưởng của phương Tây qua Pháp, nhuần thấm cách nghĩ, cách cảm của người Việt và phương Đông trong bối cảnh 30 năm đầu thế kỷ XX, được Âu Hoá một cách mạnh mẽ.

Với quan niệm nghệ thuật tiến bộ và những cách tân táo bạo về hình thức và nội dung nghệ thuật: ý mới, lời mới, phong phú về hình ảnh, âm

thanh, sắc màu, nhạc điệu "mới cả từ số câu, số chữ, cách bỏ vần". Thế Lữ là người đầu tiên đặt cho Thơ mới một nền móng vững chắc, gây được niềm tin mãnh liệt trong lòng khách yêu thơ, mở đường cho những sáng tạo của những thế hệ cầm bút sau này.

2. Ngoài vị trí là nhà thơ tiêu biểu nhất của Thơ mới buổi đầu, Thế Lữ còn là một nhà thơ xây dựng được cho mình sự nghiệp văn xuôi nghệ thuật nổi danh. Vượt qua ngưỡng năm 1932, văn xuôi Tự lực văn đoàn ghi dấu bước chuyển đổi sâu sắc về chất so với trước đó. Truyện của Thế Lữ là một đóng góp rất quan trọng để tạo nên bước chuyển đổi ấy. Thế Lữ là một trong những nhà văn đầu tiên góp phần lớn hiện đại hoá truyện truyền kỳ, mở đầu truyện kinh dị và cũng mở đầu truyện trinh thám ở Việt Nam, có những đóng góp đáng kể với hai loại hình văn xuôi nghệ thuật này.

Với truyện trinh thám, Thế Lữ đã tỏ ra vô cùng tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ, tạo tình huống truyện giàu kịch tính, khắc hoạ được những diễn biến tâm lý thầm kín trong đáy sâu tâm hồn của nhân vật khi phải đối mặt với những điều bất thường kỳ dị. Cùng với trí tưởng tượng phong phú, lỗi kể chuyện độc đáo, truyện trinh thám của Thế Lữ đã gây được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc.

Tuân thủ theo tôn chỉ của Tự lực văn đoàn "Đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương An Nam". Thế Lữ đã cố tình tạo ra một không khí rờn rợn, ly kỳ, chủ tâm đưa người đọc vào một thế giới đầy bí ẩn trong truyện kinh dị rồi giải thích một cách rất khoa học không khiên cưỡng, gò ép. Với thể loại truyện này Thế Lữ muốn phản ánh lại những truyện dị đoan, thần bí mà dòng truyện truyền kỳ đã đề cập và những truyện ma quái đường rừng mà nhiều nhà văn cùng thời đã nói đến.

Với truyện trinh thám và những truyện kinh dị, Thế Lữ đã đóng góp đáng kể cho nền văn xuôi nghệ thuật nước nhà. Xứng đáng được coi là "người

mở đường, đi tiên phong", "tiểu thuyết gia có biệt tài". Càng khám phá, càng tìm hiểu, chúng ta càng cảm thấy những điều lý thú và mới mẻ từ những truyện này mang lại. Nó là điểm mời gọi của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học nói chung và bạn đọc yêu mến văn xuôi Thế Lữ nói riêng."

3. Là một nghệ sĩ đa tài, đến với Thơ mới khi chưa có nền và xây dựng một số thể tài văn xuôi khi chưa có móng. Thế Lữ là một tác gia có những đóng góp quan trọng mở đầu và cách tân trong tiến trình hiện đại hoá văn học nghệ thuật giai đoạn 30 - 45 nói riêng và nền văn học nước nhà nói chung. Thế Lữ xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật mà nhà nước truy tặng. Bằng sáng tác văn chương nổi bật và bằng những hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật xuất sắc khác đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn kịch nói. Nghệ sĩ nhân dân Thế Lữ có vị trí quan trọng trong tiến trình văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam.

Xem tất cả 148 trang.

Ngày đăng: 15/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí