Thời Gian Gắn Liền Với Những Sự Kiện Và Biến Cố Dữ Dội Của Cuộc Đời Nhân Vật


Chương 4

THỜI GIAN, KHÔNG GIAN VÀ NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT

Như đã biết, thời gian, không gian nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật là một yếu tố trong thế giới nghệ thuật của nhà văn: “Thời gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của tác giả trên cơ sở tổ chức chất liệu” [140, tr. 664] và “Sự miêu tả trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật, sự kết hợp của hai yếu tố này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật” [52, tr. 272]. Theo khái niệm trên, thời gian nghệ thuật là tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật, là sản phẩm sáng tạo của tác giả và nó là một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật gắn với phương thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại văn học có kiểu thời gian nghệ thuật riêng. Còn “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật, thể hiện tính chỉnh thể của nó” [52, tr. 134]. Giữa thời gian và không gian nghệ thuật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chúng không thể tách rời nhau, bởi thế giới thực tại chỉ tồn tại trong một không gian và thời gian cụ thể nào đó, và tất yếu thế giới nghệ thuật cũng chỉ có thể tồn tại trong một không gian và thời gian nghệ thuật với những đặc điểm cụ thể của nó. thể hiện lối tư duy và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Cùng với không gian và thời gian nghệ thuật, “ngôn ngữ văn học cũng là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính, sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn” [52, tr. 185]. Vì vậy, “khi nghiên cứu một tác phẩm, một tác gia hay một trào lưu văn học, không thể không quan tâm tới đặc điểm và sự sáng tạo về ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn” [ 135, tr. 486].

Khảo sát những sáng tác của Nguyên Hồng trước năm 1945, chúng tôi nhận thấy: thời gian nghệ thuật của Nguyên Hồng có một số đặc điểm nổi bật sau: đó là thời gian gắn với sự kiện, biến cố của cuộc đời nhân vật; thời gian của sự hồi tưởng đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

4.1. Thời gian nghệ thuật

4.1.1. Thời gian gắn liền với những sự kiện và biến cố dữ dội của cuộc đời nhân vật

Thống kê toàn bộ những sáng tác của Nguyên Hồng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng tôi nhận thấy thời gian nghệ thuật của Nguyên Hồng


nói chung là Thời gian gắn với những sự kiện và biến cố dữ dội của cuộc đời nhân vật. Nhà văn luôn có ý thức miêu tả sự tác động mạnh mẽ của những biến cố, những bước ngoặt trong đời sống đối với nhân vật qua thời gian cụ thể. Nhân vật Tám Bính (Bỉ vỏ) sau khi bị Tham Chung lừa, bị gia đình hắt hủi và bán đứa con của cô đi, biến cố đầu đời ấy đã đưa cô đến với thành phố cảng Hải Phòng. Thời gian từ lúc Bính trốn làng Sòi quê cô ra Hải Phòng chỉ vẻn vẹn có bốn hôm, nhưng bốn hôm ấy đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, Bính phải trải qua biết bao sự kiện, biến cố: Bính bị thằng “ăn vận lạ mắt” định cưỡng hiếp cô tại vườn hoa; bị thằng trẻ tuổi trai lơ lừa gạt, rồi bị vợ hắn báo nhà chức trách đẩy cô vào nhà chứa. Chỉ trong bốn ngày, từ một cô thôn nữ trong sáng, cả tin, ngây thơ đã bị đẩy vào nhà chứa, rồi dần dần sau này đã trở thành một “bỉ vỏ” xuất sắc mà những tay “anh chị” trong giới giang hồ phải kính nể. Hay trong tác phẩm Những ngày thơ ấu đã ghi lại một cách tường tận những sự kiện trong cuộc đời bé Hồng qua những nút thời gian cụ thể. Từ khi Hồng lên 8 tuổi đã phải nếm trải những cay đắng trong một gia đình thiếu hạnh phúc; lớn lên chút nữa, Hồng lại lâm vào cảnh mồ côi cha; khi mẹ bé Hồng đi bước nữa, khi Hồng ở với bà nội và người cô; khi Hồng đến trường trong nỗi cô đơn và bị hành hạ, hay những khi đi đánh đáo để kiếm ăn nuôi thân... Nhà văn miêu tả chi tiết những cảm xúc của một đứa trẻ mồ côi, xa mẹ, hàng ngày phải chịu cảnh đối xử ghẻ lạnh của chính những người thân trong gia đình qua những mốc thời gian ngày, tháng rò ràng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Đặc biệt thời gian hoạt động của các nhân vật của Nguyên Hồng thường tập trung vào thời điểm ban đêm, cho dù đó là những kiểu nhân vật nào, dù là người làm ăn lương thiện (Đây, bóng tối, Hàng cơm đêm, Trong cảnh khốn cùng, Bà mẹ, Người con gái) hay những kẻ lưu manh, trộm cắp, đĩ điếm, (Sông máu, Chín Huyền, Bỉ vỏ, Con đoản cuối cùng, Bảy Hựu). Thời điểm ban đêm ấy gợi lên trong lòng người đọc những nỗi ám ảnh về những kiếp người trong đêm trường nô lệ. Truyện ngắn Linh hồn nhân vật Hai mươi hai chết trong khoảng đêm vắng lặng, anh Tín chồng nàng vẩn vơ dưới ánh trăng lạnh lẽo mong đợi vợ ra tù trên tay bế đứa con khỏe mạnh. Hay hoạt động của nhân vật Nhà sư nữ chùa Âm Hồn (Nhà sư nữ chùa Âm Hồn) diễn ra toàn vào ban đêm, nhân vật Vịnh (Hàng cơm đêm), nhân vật Cô gái quê (Cô gái quê),… đều được miêu tả làm việc trong đêm


Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng thời kỳ trước năm 1945 - 14

tối. Rồi nhân vật Bảy Hựu (Bảy Hựu) cũng chết trong một đêm trăng; chị Năng, anh Năng (Sông máu) bị bỏ mạng trong đêm tối dữ dằn; bà mẹ Thưởng (Hai mẹ con) làm việc và suy tư đều diễn ra trong đêm tối (thời gian về đêm được miêu tả 7 lần), trong truyện Tết của tù đàn bà thời gian trôi chậm chạp như đếm từng khoảng khắc: ngày 27… 28… giao thừa… Các hoạt động chậm chạp diễn ra như kéo dài sự đày ải của những người tù đàn bà và trẻ con trong thời khắc giao thừa (đêm, bóng tối được nhắc đến 9 lần). Trong truyện (Mợ Du) nhân vật Mợ Du gặp con trong lét lút, đau khổ cũng diễn ra vào đêm trăng (đêm tối được nhắc tới 7 lần); Truyện ngắn Chín Huyền, nhân vật Chín Huyền cứu Sáu Lẹm cằm vào đêm khuya và cũng chính đêm đó Chín Huyền bị bắt, bỏ lại hai con dại và lại vào tù... Trong tiểu thuyết Bỉ vỏ, hầu hết những sự kiện có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật chính đều diễn ra trong đêm tối. Đó là đêm Bính âm thầm lén lút đi sinh nở; là đêm mà cha mẹ Bính mặc cả bán đứa con của Bính; Hay đêm Bính suýt bị làm nhục ở vườn hoa sông Lấp. Là một buổi tối khuya Bính gặp Năm ở nhà chứa và Năm giúp cô thoát khỏi cuộc đời nhơ nhớp của gái làng chơi. Đó là đêm khi chứng kiến Năm Sài Gòn móc túi, đã để lại cho Bính cảm giác lo lắng và run sợ. Và cũng từ đêm ấy, Bính bắt đầu sống cuộc sống của một bỉ vỏ. Hay một đêm khuya khi đã làm vợ người mật thám, Bính nghe giọng hát nẫu ruột của Năm trong nhà giam, cô quyết định cứu Năm và chấp nhận cuộc đời bỉ vỏ. Kết thúc tác phẩm là đêm bi kịch nhất trong cuộc đời khốn khổ của Bính: con Bính chết trong tay Năm, Bính và Năm bị bắt, Bính vào tù... Có thể nói, cả cuộc đời Bính (từ khi có con với Tham Chung) là đêm đen bao phủ cuộc sống tăm tối, tội lỗi và tù đày.

Như vậy, hầu hết những sự kiện có tính chất bước ngoặt của cuộc đời những nhân vật chính đều diễn ra trong đêm tối. Đêm tối, không chỉ phù hợp để nhân vật hành động (nhất là đối với những nhân vật lưu manh, tha hóa), mà thời gian đêm tối còn là thời điểm mà nhân vật của Nguyên Hồng bộc lộ thế giới nội tâm của mình. Nhân vật người mẹ bé Hồng (Những ngày thơ ấu) từng có “Nhiều đêm lạnh và dài để mà thao thức lo toan, bàn tán, vun đắp cho nhà cửa, cho tuổi già, cho con cái” [73, tr. 755]. Nhân vật người bà của bé Hồng (Những ngày thơ ấu) trong cảnh nhà sa sút, hàng đêm bà cũng chỉ còn biết gửi gắm ý nguyện của mình vào những lời cầu nguyện chúa, mong chúa thương xót cứu vớt mà thôi!


Nhân vật Tám Bính (Bỉ vỏ) cũng từng có nhiều đêm suy ngẫm về cuộc đời bỉ vỏ tội lỗi của mình, nghĩ đến làng Sòi quê hương, đến đứa con với nỗi niềm “thèm thuồng”, “khát khao” được sống một cuộc đời trong sạch, và cũng bao đêm Bính sống trong đau tủi, xót xa cho thân phận mình vì biết rằng ước mơ giản dị, chính đáng ấy với Bính không bao giờ có được!

Lựa chọn thời gian đêm tối để miêu tả hành động và thể hiện những suy tư của nhân vật là một biện pháp nghệ thuật quen thuộc của các nhà văn thời kỳ này như: Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam... Tiểu thuyết Tắt đèn (Ngô Tất Tố) mở đầu và kết thúc đều vào thời điểm đêm tối; những trang đầu tiên của Giông tố (Vũ Trọng Phụng) là hình ảnh chiếc xe hòm của Nghị Hách chạy trong đêm, kết thúc tác phẩm là một đêm tối mùa hạ năm sau; thời gian đêm tối cũng là thời gian hoạt động kiếm sống của những con người nhỏ bé ở một ga xép tỉnh lẻ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam... Vì sao các nhà văn ở thời kỳ này thường chọn thời gian ban đêm làm bối cảnh cho hoạt động và suy tư của nhân vật như vậy? Phải chăng vào thời điểm những năm 1930 - 1945 là thời kỳ xã hội Việt Nam đầy tăm tối và đi vào con đường bế tắc cực độ, không khí xã hội căng thẳng, ngột ngạt đòi hỏi có một sự thay đổi. Nhiều nhà văn muốn lột tả cái gọi là “đêm trường nô lệ” đầy giông bão của cả dân tộc Việt Nam trước thời điểm khởi nghĩa này. Nguyên Hồng cũng vậy, chọn lựa thời gian về đêm làm bối cảnh hoạt động và suy tư của nhân vật, nhà văn nhằm thể hiện sâu sắc không khí ngột ngạt, bế tắc phủ chụp lên cuộc sống của những con người bé nhỏ trong một xã hội đầy tăm tối, bất công và tội lỗi.

Trong nhiều tác phẩm của Nguyên Hồng, nhịp điệu thời gian có khi được miêu tả rất chậm rãi, như trong Những ngày thơ ấu, tác giả khắc họa tâm trạng nhớ mong thổn thức của chú bé mồ côi xa mẹ qua nhịp điệu thời gian chậm như đếm từng ngày, tháng: “Một tuần... hai tuần... rồi một tháng, hai tháng cũng chẳng thấy mẹ tôi về, và tôi cũng chẳng nhận được lấy một lá thư của mẹ tôi” [73, tr. 786]. Nhịp điệu thời gian trong truyện ngắn Tiếng nói càng chậm rãi hơn. Cái đói và sự chết chóc chầm chậm đến dần trong từng khoảnh khắc được miêu tả chi tiết, cụ thể: “từ hôm qua đến đây” người đàn ông cũng chỉ ngồi “suốt ngày, suốt đêm, bốn hôm rồi anh chỉ ngồi ngả người vào cái cổng nọ”, trong khoảng hai mươi bốn tiếng đồng hồ”, “hôm ấy tới giờ đã bảy hôm”...“Hôm sau và mấy hôm


ròng nữa, cái xác khô đét, đen sạm ấy lại cũng như những cái xác trần truồng và bê bết cứt đái khác, cứ nằm phơi nắng, phơi sương mãi” [73, tr. 696]... Không chỉ sử dụng nhịp điệu thời gian chậm rãi để xoáy sâu vào từng chi tiết miêu tả, mà trong nhiều sáng tác của Nguyên Hồng chúng tôi còn thấy nhịp điệu thời gian lại được đẩy lên một cách hối hả, khẩn trương, đầy kịch tính nhằm miêu tả những sự kiện, những biến cố diễn ra trong đời sống hàng ngày hoặc trong ký ức nhân vật. Đó là hình ảnh mợ Du (trong Mợ Du) lén lút gặp lại đứa con của mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi vào ban đêm với những hành động vội vàng; Chín Huyền (trong Chín Huyền) quyết định cứu Sáu lẹm cằm chỉ trong một khoảng khắc; Điều và Tý Sáu (trong Con chó vàng) ăn cắp tiền của ông lão mù diễn ra trong một đêm tối với những hành động nhanh gọn mang tính chuyên nghiệp; Bảy Hựu (trong Bảy Hựu) quyết định cứu Hai Răng vàng chỉ trong khoảng vài giây; Tám Bính (trong Bỉ vỏ) quyết định cứu Năm Sài Gòn trong một đêm tối với những hành động hết sức liều lĩnh, gọn gàng... Cho dù sử dụng nhịp điệu thời gian nhanh hay chậm thì thời gian nghệ thuật của Nguyên Hồng luôn gắn với những sự kiện, biến cố của cuộc đời nhân vật. Có lẽ việc tạo dựng nên một thời gian nghệ thuật như vậy, nhà văn nhấn mạnh đến sự thay đổi nhanh chóng có ý nghĩa quyết định đến số phận nhân vật dưới tác động của một xã hội đầy sự bất trắc, khó lường.

Những tác phẩm của Nguyên Hồng từ giai đoạn 1939 trở về sau và nhất là những sáng tác vào những năm 1943 đến năm 1945 thì hiện thực cuộc sống tăm tối thê thảm vì nạn đói, sự chết chóc, cùng không khí căm thù phẫn uất chế độ - được nhà văn khắc họa chi tiết, chân thực, sinh động trong những tác phẩm: Hai dòng sữa (1943), Buổi chiều xám (1944), Lửa thiêu (1945), Đi (1945), Bà cụ Việt (1945), Cơn sốt (1945), Lưới sắt (1945), Ngòi lửa (1945)… Đã có nhiều nhà văn hiện thực đã chú ý phản ánh sự khốn cùng của nhân dân lao động lầm than trước Cách mạng, nhưng có lẽ miêu tả nhiều, sâu sắc và chân thực về nạn đói, về cái chết trước năm 1945 thì Nguyên Hồng có nhiều sáng tác hơn cả. Để phản ánh hiện thực nghiệt ngã với hàng triệu người Việt Nam bị chết đói, trong nhiều truyện ngắn của Nguyên Hồng, nhịp điệu thời gian trần thuật chậm rãi nhằm để nhằm xoáy sâu, xoáy sâu và từng chi tiết của nạn đói. Thôi thì đủ thảm cảnh: mẹ vứt con xuống sông vì đói quá không nuôi nổi con, rồi cũng nhảy xuống sông tự vẫn theo con; có những đứa trẻ bố mẹ đói quá không nuôi nổi con, phải đưa con vào trại tế bần,


ở đó người ta nhốt chúng như nhốt lợn, mặc trời mưa, nắng, sớm, tối, chúng chết mòn mỏi; có những em bé chưa chết, đói quá lả đi thoi thóp cũng bị người ta đem lên xe bò vứt xuống hố chôn (Tàu đêm), hoặc có những em bé khát sữa mà chết (Trước xác chết)… đói đến mức có tên to béo ăn uống no say nôn mửa ra, mà người ta còn nháo lên tranh nhau ăn cả vũng nôn (Vũng máu); đói đến độ cả làng, cả xã lũ lượt bồng bế nhau đi,“Họ ra đi bán mình cho bất cứ công việc gì… với bất cứ giá nào để sống” [73, tr. 614].

Năm 1943, khi Nguyên Hồng tham gia tổ chức Văn hóa cứu quốc và tiếp nhận tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Namthì sáng tác của nhà văn ngày càng gần gũi hơn với văn học Cách mạng. Vẫn là hiện thực cuộc sống của người lao động dưới đáy xã hội nhưng nhà văn đã phản ánh cụ thể, chi tiết sự bế tắc, tù túng, ngột ngạt, quằn quại của cuộc sống trước khi cơn bão cách mạng ập đến. Đồng thời những tác phẩm này còn thể hiện một không khí đấu tranh sôi sục của quần chúng lao động và bộ mặt thật của kẻ thù được nhận diện rò hơn. Sau này trong tiểu thuyết Cửa biển, Nguyên Hồng cũng đã phản ánh lại không khí quằn quại, trở dạ trong đêm đen của xã hội Việt Nam trước Cách mạng để chuẩn bị bước sang ngày mới. Đấy là một “địa ngục” đau khổ chất chứa bao bất công, một “lò lửa” nung nấu ý chí căm hờn, hướng những người nghèo khổ quyết tâm đi theo cách mạng để giành quyền sống, quyền tự do cho mình. Cũng ở giai đoạn này Nam Cao đã viết truyện ngắn Chí Phèo (1941), tiểu thuyết Sống mòn (1944) phần nào thể hiện không khí ngột ngạt, nhức nhối của xã hội Việt Nam đương thời. Có thể nói, hiện thực cuộc sống Việt Nam trước năm 1945 là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn hiện thực trong đó có Nguyên Hồng. Các nhân vật của nhà văn cứ luôn bị xoáy sâu vào sự khốn cùng của cuộc sống tăm tối, bế tắc - và đôi khi bị đẩy vào tận chân tường - họ cũng đã vùng dậy (từ tự phát đến tự giác) để đấu tranh đòi quyền sống của mình. Tạo dựng một thời gian nghệ thuật luôn gắn liền với những biến cố, sự kiện của cuộc đời nhân vật và gắn với sự vận động của thời đại, lịch sử như vậy, Nguyên Hồng đã “tạo ra được bầu không khí xã hội vô cùng phức tạp và tinh tế xung quanh nhân vật” [6, tr. 250]. Chính bầu không khí ấy bắt buộc các nhân vật phải bộc lộ mình qua hành động, qua đối thoại hay độc thoại nội tâm. Trong môi trường, hoàn cảnh thực tế ấy, nhân vật của Nguyên Hồng được bộc lộ đầy đủ chân dung, số phận với những phẩm chất, những tính cách riêng biệt.


4.1.2. Thời gian của con người cá nhân, của sự hồi tưởng đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai

Đi ngược về thời gian quá khứ, “hồi tưởng” có một vai trò quan trọng thể hiện sinh động đời sống nội tâm phong phú của nhân vật. Hồi tưởng là “nhớ lại, làm sống lại trong tâm trí sự việc nào đó đã qua, nhớ lại điều bản thân đã trải qua một cách có chủ định” [149, tr. 459]. Khảo sát những tác phẩm của Nguyên Hồng trước cách mạng, chúng tôi thấy nhà văn hay sử dụng biện pháp hồi tưởng đan xen quá khứ, hiện tại và tương lai để miêu tả thế giới nội tâm với bao suy nghĩ bộn bề của nhân vật. Theo dòng thời gian quá khứ, những hồi ức, những cảm xúc của nhân vật được bộc lộ một cách trực tiếp biểu hiện tình cảm trong lòng mình một cách thành thật nhất.

Ví dụ như trong truyện ngắn Tôi dạy học thời gian hồi tưởng qua tâm trạng nhân vật được lặp lại khá nhiều (14 lần), “Hơn ba năm… Ba tháng… Hơn ba năm… Hơn ba năm… Đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng… Hơn ba năm … Nhưng ba năm ấy… Trong ba năm… Hơn bốn năm… Bốn năm… Ba năm tôi kiếm sống…” chứng tỏ dấu ấn thời gian, ký ức về tôi dạy học kiếm sống một cách lẩn lút đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân vật. Đấy là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa đối với “cậu giáo”, vì chính thời gian đó, người trí thức tiểu tư sản nghèo nàn thấm thía sự nhân nghĩa thủy chung, lá lành đùm lá rách của những con người lao động khốn khổ. Đặc biệt, khoảng thời gian quá khứ ấy đã để lại những dư vị hạnh phúc cũng như đắng cay trong lòng của một người thầy giáo dạy học không có giấy phép: các em đã cho tôi hưởng một cách thầm lặng nhưng thấm thía tình quyến luyến trìu mến của bầy chim nhỏ với một bàn tay thương mến dịu dàng tung thóc” [73, tr. 204]. Tiểu thuyết Bỉ vỏ có 16 lần nhà văn miêu tả nhân vật Tám Bính có sự hồi tưởng về quá khứ, đan xen giữa hiện tại và tương lai. Khi Bính trót lỡ có con với Tham Chung, trong những lúc bị cha mẹ đay nghiến, Bính lo sợ nhớ lại chị Minh, người cùng cảnh với Bính, bị làng phạt vạ, bế đứa con còn đỏ hỏn quỳ giữa sân đình. Và nghĩ đến hiện tại của mình, nếu thoát khỏi cảnh ô nhục mà lại phải xa lìa đứa con, bao nhiêu nỗi cay đắng xót xa trào lên trong lòng Bính. Hay đó là vào buổi đêm khi Bính đi tìm Tham Chung ở Hải Phòng, Bính có những dự cảm về tương lai mù mịt của cuộc đời mình: “Bính chợt nghĩ tới ngày mai, tới một


sự sống ở một nơi xa lạ mà Bính hiện không còn một đồng chữ dính túi… Bính tưởng con đường Bính đi tối tăm hoang vắng như một bãi tha ma”; hoặc những khi Tám Bính cảm nhận sự đau đớn ê chề của cuộc sống nhà chứa, khi day dứt vì tội lỗi mà mình gây ra,… hay thời gian tết đến, xuân sang - thời điểm của sự đoàn tụ trong gia đình, Bính chạnh lòng tủi phận và lại nhớ về quá khứ êm đẹp, hy vọng có một cuộc sống lương thiện, được sống trong tình mẫu tử... Còn trong truyện ngắn Người con gái lại là lối kể đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Hồi ức về cuộc đời một người con gái qua những chặng thời gian của cuộc đời từ nhỏ đến lớn, khi trưởng thành, khi lấy chồng, rồi khi biệt tăm, chìm nghỉm trong cuộc sống vì sự mưu sinh và sự vô vọng của số phận. Truyện ngắn Mợ Du thời gian được kể qua ký ức của người kể chuyện là nhân vật An. Đó là ký ức và cảm xúc về những lần mẹ con mợ Du gặp nhau trong lén lút, về người phụ nữ buôn thúng bán bưng chết nơi đất khách quê người, không có một ai thân thích bên cạnh… Bản thân tiểu thuyết tự truyện Những ngày thơ ấu đã là thời gian của những hoài niệm, của ký ức nhân vật chú bé Hồng. Đây là thời gian hồi tưởng kết hợp với thời gian đồng tuyến một chiều diễn ra theo số phận nhân vật, giống như một cuộn băng ghi hình chân dung một cậu bé không có tuổi thơ. Từng nút thời gian được nhà văn thể hiện chi tiết, cụ thể, tái hiện cuộc đời của nhân vật chú bé Hồng về những năm tháng ấu thơ cay cực. Đó là ký ức về một cảnh nhà sa sút, là cuộc hôn nhân không có tình yêu của cha mẹ, về cuộc sống “âm thầm chịu đựng” của người mẹ và vẻ “ốm yếu rũ rượi” của người cha bé Hồng. Hay đó còn là ký ức kinh hoàng về trận đòn thù của người thầy giáo trong trường học, là ký ức về một tuổi thơ nhọc nhằn kiếm sống, là tâm trạng đắng cay, bơ vơ trơ trọi của nhân vật “tôi” - người tự truyện. Có lẽ trong hồi ức của mình, ấn tượng đậm nét nhất đối với bé Hồng chính là những cảm xúc về người mẹ hiền từ đau khổ, là cảm xúc của tình mẫu tử thiêng liêng, là khao khát được sống trong lòng mẹ. Cảm giác được gặp mẹ sau bao ngày xa cách đã xóa nhòa thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Qua dòng ký ức của nhân vật đã làm hiện lên tình mẫu tử như “một thứ bản năng mãnh liệt” và giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của con người. Những khoảnh khắc thời gian được ghi lại bằng những con số cụ thể qua những trang nhật ký ấy rất giàu tính thuyết phục, đã gợi lên trong lòng người đọc sự xót xa, đồng cảm cho cuộc đời của một chú bé mồ côi xa mẹ, phải nếm trải bao tủi nhục đắng cay.

Xem tất cả 185 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí