Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng thời kỳ trước năm 1945 - 16


xi măng ẩm ướt bao người quỳ lạy dưới chân Chúa để xưng tội và xin cứu rỗi linh hồn, đọc những bản kinh “Vực sâu”, hay “Ăn năn tội” với những giọng rền rĩ, miên man, buồn bã. Cảm quan tôn giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyên Hồng, nhất là tư tưởng nhân từ bác ác, tư tưởng chịu nạn của đạo Cơ đốc. Các nhân vật của Nguyên Hồng - đặc biệt là nhân vật người phụ nữ thường là những nhân vật “chịu nạn”. Ví dụ như nhân vật Hai mươi hai (trong Linh hồn), Tám Bính (trong Bỉ vỏ), những người đàn bà trong tù (trong Tết của tù đàn bà), mụ Mão (trong Người mẹ không con), Mũn (trong Đây, bóng tối) và sau này là nhân vật Huệ Chi (trong Cửa biển)… họ phải chịu đựng được hết sự đoạ đầy này đến sự đoạ đầy khác, hết tai họa nọ đến tai họa kia. Họ có sức chịu đựng nhiều như vậy là bởi những người phụ nữ này đều là những người ngoan đạo, luôn tìm thấy nhiều sự an ủi từ tấm gương chịu đựng đau khổ của Chúa Jêsu và của Thánh nữ Đồng trinh Maria. Càng đau khổ, bất hạnh bao nhiêu thì họ lại càng đi tìm sự an ủi, sự cứu rỗi linh hồn ở Chúa và của Đức mẹ bấy nhiêu. Họ tin tưởng mãnh liệt nơi Chúa và ý nghĩa cứu mạng của Người. Các nhân vật của nhà văn, những khi phải chịu đựng hết nạn này đến nạn khác, hoặc những khi bế tắc cùng đường đều hướng về Chúa. Chẳng hạn, đêm Bính từ nhà quê ra Hải Phòng tìm Tham Chung, lang thang trong đêm Bính nghe “Tiếng đọc kinh đâu đây nhẹ nhàng thoáng vang trước gió lạnh réo rắt và thấm thía, những giọng đều đều và ngâm nga thoáng nhắc trong tâm trí Bính hai mắt lờ đờ rầu rĩ, hai cánh tay rã rời đang trên cây thánh giá của Đức chúa Jêsu khi hấp hối” [74, tr.308]; Vào một buổi chiều kia, sau khi bị Năm ruồng bỏ, Tám Bính trở về Nam Định và nỗi khao khát một cuộc sống lương thiện lại trỗi dậy trong lòng, Bính tìm đến sự cứu rỗi linh hồn bằng nguyện ngắm xưng tội với Cha đạo, được Cha an ủi “Muốn được bình an trong đời, muốn được cha mẹ thương yêu con, muốn gặp con con, con phải giữ linh hồn cho trong sạch, con quý nó hơn phần xác của con, con giữ cho nó trong sạch mãi mãi để đón rước sự thương xót của Chúa” [74, tr.409]. Trong một không gian về đêm ở một vùng quê yên tĩnh khi Tám Bính và Năm Sài Gòn chạy trốn khỏi mật thám, hai người ở nhờ nhà đôi vợ chồng trẻ theo đạo. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, bấp bênh ấy, Bính cảm nhận sâu sắc sự trơ trọi và khốn nạn của cuộc đời mình. Bế tắc, Bính lại cầu nguyện mong tìm sự an ủi nơi Chúa “ Lần tràng hạt đọc 50 kinh, ngắm 14 đàng thánh giá” Bính thấy “đau đớn”, “tủi thẹn” “tê tái” cho cuộc đời “bỉ vỏ” của


mình. Trong không gian tôn giáo đậm đặc với mùi hoa huệ ngát hương, tiếng lầm rầm cầu nguyện của người vợ trẻ, ký ức của những ngày xưa trong sáng lại trở về, làm khắc khoải thêm khát khao được sống cuộc sống êm đềm và lương thiện khi xưa “Bính thấy mình lùi dần về quãng đời tươi trẻ”, “lương thiện và trong sáng”, “tượng Đức Thánh nữ trọn đời đồng trinh vẻ mặt trang nghiêm mà hiền từ… Chúa Jesu mặt trầu rĩ, mắt lờ đờ, một tay chỉ vào ngực. Giữa ngực phanh ra một trái tim rỉ máu, hàng chục lưỡi gươm sáng xuyên qua” [74, tr.461]. Đây là lúc Nguyên Hồng đặt nhân vật vào trong tình thế đấu tranh nội tâm căng thẳng, đó là cuộc vật lộn âm thầm quyết liệt giữa Thiện và Ác trong tâm hồn Bính, những lúc như thế Bính lại cầu nguyện và sám hối. Nhà văn đã gợi lên trong tâm trí Bính hình ảnh Đức chúa Jêsu dừng lại an ủi dân vùng Jêruydalem khi chính mình không được ai an ủi, ái ngại, mà còn bị xỉ vả, phải vác cây “thập ác” nặng nề. Tấm gương của Chúa đã an ủi Tám Bính để cô quyết noi theo gương Chúa mà nhẫn nại chịu đựng. Tám Bính những lúc tủi thân cho thân phận của mình, sau những lần bị đoạ đầy ô nhục trong nhà chứa, hoặc sau những lần nhúng tay vào tội ác, cô lại tìm đến Chúa để cứu rỗi linh hồn và như để thanh minh cho tội lỗi của mình. Khi viết những dòng này, trái tim của nhà văn như rỉ máu, thương xót những cuộc đời bị vùi dập không còn biết bấu víu vào đâu. Đồng thời Nguyên Hồng cũng muốn khẳng định, những người như Bính dù bị tha hóa nhưng lòng vẫn hướng về còi thiện. Điều đó cũng khiến người đọc “xót thương cả những kẻ tội lỗi” - Đấy chính là ý nghĩa nhân đạo cao cả toát lên từ ngòi bút Nguyên Hồng.

Có thể nói, không gian mang sắc thái tôn giáo đã gợi cho con người ta một sự hướng thiện, hướng đến sự trong sạch của tâm hồn - vậy mà một người ngoan đạo như Tám Bính luôn muốn có cuộc sống bình yên, lương thiện lại bị xã hội đưa đẩy trở thành một bỉ vỏ thuộc thành phần lưu manh, trộm cắp cùng đường dưới đáy xã hội - vì thế mà giá trị tố cáo và phủ nhận xã hội trong tác phẩm Nguyên Hồng lại càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ nhỏ, Nguyên Hồng đã nếm trải cuộc sống cay cực trong nhà lao của thực dân phong kiến, nên trong sáng tác của mình, nhà văn cũng có nhiều truyện viết về cuộc sống tù đày (Linh hồn, Tết của tù đàn bà, Khói ken nếp và xà lim, Bỉ vỏ). Không gian trong nhà tù là một không gian rất đặc biệt, nơi chỉ có tàn nhẫn và sự đọa đầy khổ ải, nhưng không gian tôn giáo vẫn hiện hữu đâu đó trong cảnh những


người đàn bà tội nghiệp bị đày ải trong đề lao ngày mùng Một Tết. Tết đến - là thời điểm sum họp của mọi người trong gia đình, thì với họ là mọi sự đoạ đầy, ai oán và bất công. Những người phụ nữ này cũng chỉ biết tìm đến sự an ủi của Chúa trời, cầu nguyện Chúa với “lòng tin tưởng của những con người sống cực nhục, tối tăm không còn biết bấu víu vào đâu, đầm đìa và chan chứa trong những bản kinh “Lạy Nữ vương”, “Tôi ở vực sâu”, “Đức Mẹ hằng cứu giúp” [74, tr.311]. Họ cầu nguyện “bằng một thứ giọng riêng, càng kéo dài, càng rên xiết” lại càng gợi lên sự ai oán thương tâm của những kiếp người nô lệ chỉ còn biết tin vào đấng thiêng liêng là Chúa “Lúc này, trên đầu bọn tội nhân đầy đọa kia sẽ nhỏ những giọt nước mắt cảm động vì tấm lòng tin tưởng tha thiết một sự thưởng phạt công bằng” [74, tr.312].

Nhân vật Hai mươi hai (Linh hồn) đi tù thay chồng trong lúc bụng mang dạ chửa. Trước những đe dọa và chịu sự cưỡng hiếp của tên cai ngục, nàng chỉ còn biết cầu nguyện Chúa, tin vào Chúa minh chứng cho sự trong sạch và lòng chung thủy của nàng [73, tr. 89]. Người bà mộ đạo của bé Hồng (Những ngày thơ ấu) khi cảnh nhà sa sút, chia lìa, bất hạnh nhất cũng chỉ biết cầu nguyện vào Chúa, bà thường “lầm rầm đọc kinh cầu nguyện trong những đêm im lặng:- Chúa tha tội cho chúng tôi! - Chúa thương xót chúng tôi!... - Chúa phá mọi sự dữ, ban sự lành cho chúng tôi!!! [73, tr.753]. Nhưng Chúa đâu “phá được sự dữ, ban được sự lành” cho các con chiên của Chúa khi xã hội này còn đầy những ai oán, bất công. Lời cầu nguyện thiết tha, rền rĩ ấy chỉ để “cứu rỗi linh hồn” khi người ta tuyệt vọng không còn biết bấu víu vào đâu. “Bao nhiêu tia sáng trong cặp mắt bao lâu nay không còn ánh vẻ vui sướng gì của bà tôi dần dần tắt đi” [73, tr.752] theo tất cả sự tuyệt vọng không phương gì cứu chữa của gia đình bé Hồng.

Sắc thái tôn giáo còn thấm đượm trong không gian của đêm Nôen rực rỡ âm thanh và sắc màu “ Tiếng chuông bỗng nổi dậy. Rồi cả bầu trời rung chuyển lên bởi những vang động dồn dập đổ hồi. Cửa nhà thờ đã mở rộng. Một vòm trời lòa ánh sáng đèn nến và ánh ngời của thủy tinh, của pha-lê và của vàng son tỏa ra. Tây đầm đi vào trước. Cả bầu đoàn, vú bế, vú dắt, chị hai, chị khâu, bé con cầm áo choàng và làn mây đựng đầy bánh kẹo hoa quả, ríu rít theo sau... Rồi đến những chức sắc, những quyền quý giàu có trong bốn "họ" khệnh khạng, bệ vệ, hớn hở. Khi nhà thờ nóng rực lên vì các lớp quần áo lấp lánh và mùi phấn sáp nước hoa ngào ngạt, khi các thứ đàn sáo nhịp với chiếc đàn to bằng cả một gian nhà và

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.


hàng trăm đồng nhi và con gái thơ kinh cùng cất tiếng lên để đón tiếp sự thanh bình, vinh hiển của những lớp người sang trọng...” (73; tr.770). Một không gian rực rỡ âm thanh, ánh sáng trong đêm Nôen ấy đúng ra là không gian hạnh phúc cho tất cả các con chiên của Chúa, vậy mà trong đêm linh thiêng này, nơi tôn nghiêm kính Chúa này cũng có sự phân biệt sâu sắc giàu - nghèo. Cậu bé Hồng đã cảm nhận thấm thía nỗi bất công và sự phân biệt sang - hèn trong xã hội “tôi cảm thấy một cách cay chua bên sự trơ trọi hèn hạ của tôi, một đứa trẻ côi cút cùng khổ” [73; tr.771). Trong nhiều tác phẩm của Nguyên Hồng sắc thái tôn giáo thường xuất hiện đây đó như một điều tất yếu. Bởi sự tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo đã chi phối nhiều đến cách xây dựng nhân vật cũng như tính cách nhân vật của Nguyên Hồng. Nhiều nhân vật của ông càng đau khổ thì họ càng muốn tìm đến Chúa như một điểm tựa tinh thần, làm dịu nỗi đau khổ, oan ức, bất công mà họ phải gánh chịu. Điều đó đã lý giải vì sao trong sáng tác của nhà văn có rất nhiều hình ảnh Chúa Jêsu chịu nạn, khi thì “đội mũ gai” “hai bàn tay hai nốt đinh ròng ròng máu chảy”, “khi thì vác cây thánh giá rất nặng”, “vẻ mặt khiêm nhường, chỉ tay vào ngực áo phanh ra một trái tim máu chảy với hàng chục lưỡi gươm sáng xuyên qua”… Sự lặp lại ấy là biểu tượng cho sự hy sinh cao cả đầy tự nguyện của Chúa.

Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng thời kỳ trước năm 1945 - 16

Sau Cách mạng, nhiều trang viết của Nguyên Hồng cũng vẫn mang đậm sắc thái tôn giáo, tiêu biểu là trong tiểu thuyết Cửa biển, những trang viết về nhân vật Huệ Chi là những trang viết đậm sắc thái tôn giáo hơn cả. Đó là chương miêu tả Huệ Chi trước lễ cưới- cũng là lúc khi Huệ Chi chuẩn bị về với Chúa - bởi lẽ nàng bế tắc trước cuộc đời, không chịu theo cái ác, cái bất công. Nàng là một tín đồ ngoan đạo, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến đức Chúa và cầu nguyện. Huệ Chi trong trắng, thánh thiện như một thiên thần, nên không chấp nhận sự áp đặt đầy toan tính của người chú Kim Tú là phải lấy tên sĩ quan Nhật. Để bảo toàn được tâm hồn trong sáng của mình, trong hoàn cảnh ấy, Huệ Chi chỉ còn một cách là tìm đến cái chết. Khi miêu tả Huệ Chi về với Chúa, Nguyên Hồng đã nâng bước Huệ Chi trong không gian tràn ngập hương hoa, bước chân Huệ Chi nhẹ nhàng lên còi thiên đàng đã được nâng đỡ bởi tình mẫu tử tha thiết. Cảm hứng lãng mạn hòa với chất thơ vời vợi của ngòi bút Nguyên Hồng đã đưa Huệ Chi về còi vĩnh hằng thật nhẹ nhàng và đầy xúc cảm. Chọn cái chết, Huệ Chi đã đi ngược lại với tín đồ Thiên Chúa giáo, đi ngược lại với số mệnh do Chúa định đoạt. Phải chăng đây cũng là


sự chống đối lại Chúa trời dù Huệ Chi có kính Chúa đến đâu? Vì sao có sự mâu thuẫn này, bởi Nguyên Hồng ý thức rò ràng về sự bất công trong xã hội không thể giải quyết bằng niềm tin nơi Chúa mà phải bằng sự đấu tranh giai cấp: “Nhưng ta đã thấy bao nhiêu xương thịt tan tành, thối nát, bao nhiêu nước mắt và máu đã ngập lụt tỉnh thành, bao nhiêu sinh mạng đã chết và đương chết trong cảnh đói rét bên một đám người hả hê sung sướng, mà có bao giờ tìm sự giải quyết ở chúa Trời” [74, tr.39]. Hay nói cách khác, nỗi đau khổ của con người đâu phải chỉ Chúa trời cứu được, mà phải đứng lên đấu tranh “hất tung những cái đè nén đi may mới sống được” (Hàng cơm đêm).

Như vậy, từ sự nhận thức sâu sắc về những nỗi bất công trong xã hội, từ ý thức tự giác của một nhà văn hiện thực đã ảnh hưởng đến Nguyên Hồng khi viết về tôn giáo. Từ cảm quan tôn giáo của mình, Nguyên Hồng đã phê phán mạnh mẽ sự mê muội và đức tin mù quáng vào sự cứu vớt của Chúa đối với những người lao động nghèo khổ. Đó cũng là cơ sở để Nguyên Hồng tin vào những con người bằng xương, bằng thịt trên còi trần này, tin vào bản chất lương thiện và sự thánh thiện của con người - kể cả khi họ bị đẩy vào tình trạng bi đát, đau đớn nhất.

Có thể nói thêm rằng, không gian nghệ thuật của Nguyên Hồng có tác dụng hữu hiệu trong việc khắc họa nội tâm nhân vật. Không gian nhiều lúc tương đồng với tâm trạng và cảnh ngộ nhân vật. Chẳng hạn, không gian tăm tối bẩn thỉu nhơ nhuốc của nhà chứa được cảm nhận qua tâm trạng mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng của nhân vật Tám Bính, “Tám Bính rùng mình đưa cặp mắt ám khói trông gian buồng chật hẹp, ngăn cách buồng bên bằng những ván gỗ ghép liền đã mục nát và nhơ nhớp những vệt quết trầu như máu đọng, có một chiếc mành sơn trắng chằng chịt ở lối ra vào và ngọn đèn vách lù mù vì thông phong chẳng bao giờ trong sáng ở góc tường” [74, tr. 327]. Hay đó là không gian rộng mở, tươi tắn, đầy màu sắc khi Tám Bính nhớ lại những ngày tháng sống êm đềm ở làng quê: “Ánh nắng vàng tươi và trong suốt một ngày ấm luôn ùa vào đầy nhà. Mắt Bính vụt như hoa lên với biết bao hình ảnh biểu hiện. Dưới bóng cụm chuối xanh phấp phới, gần con đường nhỏ lượn giữa thửa ruộng dưới trời lơ biếc ở đằng xa, Bính thấy từ từ nổi lên một bóng dáng nhẹ nhòm, da dẻ hồng hào tươi cười hớn hở và một chiếc đòn gánh dẻo dai nhún nhảy nhịp cùng những bước thoăn thoắt, những cánh tay mềm mại vung tà áo nâu ra trước gió. Đó là hình ảnh của Bính, người con gái


chất phác chỉ có biết đua đòi các chị em đi các chợ xa gần, cái hình ảnh tươi thắm cách đây không bao xa” (Bỉ vỏ). Trong nhiều sáng tác của Nguyên Hồng những hình ảnh thiên nhiên như ánh trăng, ánh nắng, bầu trời, những đêm mưa, âm thanh của sự sống... được nhà văn sử dụng để miêu tả những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật. Miêu tả tâm trạng tê tái, buồn đau của một người phụ nữ trẻ lấy chồng không có tình yêu (Những ngày thơ ấu), phải sống trong sự “câm lặng và chua xót”, nhà văn đã miêu tả thiên nhiên như đồng điệu, phù hợp với tâm trạng nhân vật “Những buổi chiều vàng lặng lẽ, lạnh lẽo của mùa đông, những buổi chiều mà bụi mưa như một tiếng van lơn thầm thì trong hơi gió vi vu, lửa lò than rực rỡ vờn lên tường những ánh hồng lấp lánh hay rủ rê tâm trí người ta vào những còi buồn nhớ, là những buổi chiều làm tê tái mẹ tôi hơn hết” [73, tr. 736], những ước mong thầm kín của chị làm sao người chồng già nua, nghiện ngập ấy thấu hiểu? Âm vang của tiếng kèn khơi gợi trong tâm hồn người phụ nữ trẻ những khao khát yêu đương, những xúc cảm thầm kín nhất về một tình yêu không bao giờ có “tiếng kèn mỗi giây một rướn cao, một vang to, rung động cả làn không khí êm ả của một góc trời. Rồi nương tiếng gió lao xao trong những chòm cây phấp phới, âm thanh náo nức dồn dập của tiếng kèn càng cuốn lên cao, tràn ra xa, rất xa, đến những vùng xa sáng tươi nào đó. Càng về sau, tiếng kèn càng niềm nở, ân cần như những lời thúc giục thống thiết… Hãy bước đi, hãy bước đi như làn gió nhỏ bay theo gió. Tiếng kèn vẫn vồn vã rò ràng, trong sáng và bầu trời vẫn rộng mở, rung vang” [73, tr. 742-743].

Và đây là tâm trạng đầy xúc cảm của nhân vật mợ Du (trong Mợ Du) khi gặp lại con trong một đêm trăng bàng bạc ngát hương hoa cau, hoa lý. Sau bao ngày xa cách đứa con máu mủ của mình, giờ được gặp con - tình mẫu tử trào dâng tha thiết. Thoáng chốc, nghĩ đến sự chia tay với con, tâm trạng hạnh phúc của mợ đã không còn, mà nhường chỗ cho nỗi đau của sự chia ly, sự giằng xé vì lại phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã: “thoáng cái, mắt mợ quắc lên sáng ngời và gương mặt trắng mát của mợ tái hẳn đi. Mợ cắn chặt môi dưới, lắc mạnh đầu luôn mấy cái, ánh trăng càng chảy cuồn cuộn trong những đợt tóc đen ánh trở nên hung dài chấm gót của mợ Dũng” [73, tr. 376]. Không gian thơ mộng của đêm trăng sáng ấm đã không còn, mà giờ chỉ còn tràn trề nước mắt trên gương mặt của hai mẹ con mợ Du, của cậu bé An “mắt người mẹ khốn nạn, mắt đứa con đầy đọa và mắt tôi


đắm vào nhau không biết bao nhiêu phút, yên lặng và tê mê”. Từ sự cảm thông sâu sắc về cuộc đời của bà mẹ mình, Nguyên Hồng đã có những trang viết về tình mẫu tử thật cảm động. Trong các nhà văn Việt Nam, có lẽ Nguyên Hồng là một trong các nhà văn viết hay nhất, xúc động nhất về người mẹ, về tình mẫu tử thiêng liêng.

Nói tóm lại, không gian nghệ thuật trong các sáng tác của Nguyên Hồng thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 chủ yếu là không gian xã hội đen tối, tù túng và ngột ngạt. Đó là không gian sống của tầng lớp lao động nghèo khổ dưới đáy xã hội thực dân phong kiến, là thứ không gian gia đình chứa đầy bi kịch đói nghèo, và đó còn là không gian mang sắc thái tôn giáo trầm, buồn ảm đạm như chính số phận các nhân vật trong đó. Đồng thời không gian nghệ thuật của Nguyên Hồng cũng được mở ra nhiều chiều gắn với những biến cố của xã hội. Tạo dựng một không gian nghệ thuật như vây, Nguyên Hồng đã khắc họa sâu sắc hoàn cảnh sống của những con người bé nhỏ trong xã hội đương thời.

Có thể nói thêm rằng, Nguyên Hồng là một trong những nhà văn sớm được giác ngộ cách mạng, sáng tác của ông gần gũi với khuynh hướng văn học cách mạng, nên trong nhiều tác phẩm của ông như: Những mầm sống, Một trưa nắng, Hai dòng sữa, Quán Nải,… còn có một thứ không gian khác - tươi sáng hơn, lấp lánh sự sống và ánh sáng. Đây cũng là một đặc điểm khác biệt của Nguyên Hồng so với các nhà văn cùng thời, cùng khuynh hướng. Theo khảo sát của chúng tôi, trong các truyện ngắn Những mầm sống: từ “ánh sáng” được nhắc tới 13 lần/ 3 trang truyện; Một trưa nắng: từ “ánh sáng” được nhắc tới 12 lần/ 8 trang truyện; Hai dòng sữa: từ “ánh sáng” được nhắc tới 05 lần/ 22 trang truyện; trong tiểu thuyết Quán Nải từ “ánh sáng” được nhắc tới 15 lần/ 180 trang truyện… Điều đó chứng tỏ rằng, Nguyên Hồng một mặt lấy hiện thực cuộc sống đầy đen tối, bế tắc của những người lao động nghèo khổ làm cảm hứng sáng tác, nhưng mặt khác ông lại nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tin yêu, lạc quan tươi sáng - điều đó khiến cho một số nhân vật của Nguyên Hồng dù ở trong vũng bùn của sự tăm tối, đói rách nhưng vẫn có sự lạc quan và có lòng tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Đúng như nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ nhận xét: “Vấn đề chính trong tác phẩm của Nguyên Hồng trước Cách mạng là: Những con người quằn quại trong sự đau khổ nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn muốn ngoi lên ánh sáng như những mầm cây xanh” [116,


tr. 11]. Niềm tin đó - xét cho cùng - chính là do sự rung động của Nguyên Hồng trước cái đẹp của cuộc sống lam lũ, vất vả của những người lao động cùng niềm tin vào bản chất tốt đẹp của họ cũng như tin vào một ngày mai của đất nước. Trong Những mầm sống, Nguyên Hồng say sưa miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, ca ngợi lao động của thợ thuyền với một niềm tin thắm thiết vào tương lai: “Ánh nắng mênh mông tràn ngập. Đường nhựa sáng lóa như dát bằng vằng diệp. Lá cây rung lên, muôn vàn tia hào quang bay phấp phới. Các mái ngói, các ống máng, các cửa kính, các biển hàng lấp lánh những ánh ngời. Sự huyên náo không bao giờ tắt. Tiếng guốc khua vang vang trên bờ hè, những lớp sóng cười nói trào lên cuồn cuộn, rồi trào lan, rồi tung cao… Bánh xe bò chuyển rầm rầm, lăn loang loáng những vòng lửa trong nắng xuân chói lòa… Những xẻng cuốc và ván gỗ đẩy trong hòm xe bắn ra những trận mưa rào rào… và những tà áo, những nón lá, những chóp mũ trắng thở ra những làn bụi bạc li ti. Sự sống mãnh liệt quá, đè lên, vượt qua và cuốn theo tất cả những ủy mị, những cái tối tăm, những gì có vẻ chậm chạp” [73, tr. 323]. Trong Những ngày thơ ấu bên cạnh những trang hồi ký đẫm nước mắt về một tuổi thơ cay cực là những trang tả ánh sáng chan hòa, rực rỡ như một nguồn sống tuôn trào, như niềm lạc quan hy vọng: “Mùa hè mới bắt đầu, với ánh nắng rực rỡ, phấp phới trên các cành lá óng ả mượt nòn và những chòm xoan xanh tươi hứa hẹn màu thẫm của các vừng hoa đỏ. Tiếng ve liên miên ghen ghen ghét với vạn vật tưng bừng đã thấy vang tới (…). Trên vỉa đường, các gánh dưa chuột, dưa gang và mận nhót, mềm mại, nhún nhảy nối tiếp nhau, hết tốp này đến tốp khác” [73, tr. 799]; “Gió thổi vù vù… bướm say hoa trong ánh nắng” [73, tr. 801]; “Tiếng ve sầu lanh lảnh càng rướn cao (…). Tức thì một ánh nắng trên trời rào xuống. Tôi có cái cảm giác trông thấy muôn vàn cánh hoa bướm phấp phới trong đám bụi bạc và trong ánh sáng ngời của pha lê chói điện”. [73, tr. 803]… Phải có một sức sống mãnh liệt, một tâm hồn say sưa nồng nhiệt với con người, với cuộc đời mới có thể có những trang văn sinh động, nhiều sắc màu về cuộc sống và thiên nhiên như thế!

Có thể nói rằng, trong thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng ngoài những cảnh đời tăm tối, ngoài những không gian xám xịt còn có những trang viết về phong cảnh thiên nhiên, về con người chan hòa ánh nắng chứa đựng đầy sinh khí của đất trời với một niềm tin bất diệt vào vẻ đẹp nhân ái của con người, niềm tin

Xem tất cả 185 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí