làm bằng khung tre, hình mái nhà trùm kín quan tài. Trên đường đi, chiêng trống đánh mở đường. Nếu là nam giới, còn bắn súng kíp mở đường.
- Lễ đưa cơm cuối cùng: Lễ này được thực hiện ngay trong ngày chôn cất người quá cố hoặc sáng hôm sau. Con cháu mổ gà, đưa cơm cúng tại nhà mồ.
- Lễ rửa nhà: Sau 2-3 ngày, khi việc tổ chức chôn cất xong, tang chủ mổ gà mời ông thấy mo đến xua đuổi tà khí. Khi làm xong thủ tục, người nhà sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, nỗi buồn thương người quá cố nguôi dần.
2.1.5.4. Tục làm hiếu
Người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình quan niệm khi ông bà, bố mẹ chết, hồn chưa lên được mường trời vẫn còn phải chịu cực nhọc, nắng gió trên trần gian. Vì vậy, con cháu muốn mát mẻ trong làm ăn thì phải làm lễ hiếu. Đây là một hủ tục, mê tín dị đoan và đặc biệt tốn kém về vật chất và về thời gian. Việc làm hiếu được tiến hàng 8 ngày, sắp đặt chặt chẽ:
- Ngày thứ nhất: Lễ đón ma về. Giết lợn cúng, tối giết gà. Các nàng dâu đứng lên dàn chầu quạt, mặc tang phục, nét mặt từ bi.
- Ngày thứ hai: Lễ nhập quan. Hồn người chết hiện về nhập vào cỗ quan tài mới của mình. Gia chủ mổ một trâu làm cỗ lễ.
- Ngày thứ ba: Lễ đưa hồn người chết nhập quan. Mổ một trâu hoặc một bò. Ngày thứ tư: Lễ đưa hồn người chết trở lại bãi tha ma. Gia chủ giết nhiều trâu, bò, nếu có thể mỗi người làm ma một đầu đại gia súc làm lễ, ăn uống linh đình.
- Ngày thứ năm: Lễ cho hồn người chết chuẩn bị lên Mường Trời. Gia chủ giết, một trâu, một bò, da được lột sạch, làm trống to, trống nhỏ.
Có thể bạn quan tâm!
- Sơ Lược Lịch Sử Văn Hóa-Xã Hội Của Người Thái Ở Mai Châu-Hòa Bình
- Văn Hóa-Xã Hội Truyền Thống Của Người Thái Ở Mai Châu-Hòa Bình
- Văn Hóa Ứng Xử Của Người Thái Ở Mai Châu-Hòa Bình
- Sự Hình Thành, Phát Triển Du Lịch Ở Mai Châu-Hòa Bình
- Tác Động Của Du Lịch Đến Đời Sống Văn Hóa-Xã Hội Người Thái Ở Mai Châu-Hòa Bình
- Tác động của du lịch đến đời sống văn hóa - xã hội của người Thái ở Mai Châu - Hòa Bình và các giải pháp phát triển Nghiên cứu trường hợp 4 bản: bản Lác, bản Pom Coọng, bản Văn, bản Nhót - 9
Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.
- Ngày thứ sáu: Lễ dâng cỗ lớn. Gia chủ mổ một bò cúng tại nhà mồ.
- Ngày thứ bảy: Lễ đưa cơm giữa hoặc cuối cùng, mổ lợn cúng tại nhà mồ. Cúng xong, con cháu sửa sang mồ mả. rào vách.
- Ngày thứ tám: Lễ rửa. Gia chủ mổ gà cúng, mời thày mo về xua đuổi tà khí, đem lại sạch sẽ, yên bình cho gia chủ. Tục làm hiệu kết thúc.
2.1.6. Lễ hội
2.1.6.1. Hội cầu mưa
Vào tháng ba, tháng tư hễ trời hạn hán là người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình tổ chức hội cầu mưa, hội tổ chức theo bản. Tham gia hội đông nhất và nhiều nhất là nam nữ thanh niên. Tầng lớp trung niên thì ở nhà sẵn sàng đón tiếp đoàn hát cầu mưa.
Vào dịp tổ chức hội cầu mưa, hầu như mọi sinh hoạt trong bản đều hướng về hội cầu mưa. Trai gái trong làng theo hội hát xướng và thực hiện các thủ tục. Năm sáu ngày sau, nếu trời không mưa thì bản lại tiếp tục thực hiện các hội cầu mưa tương tự.
2.1.6.2. Hội cầu phúc bản Mường
Hội cầu phúc bản (xên bản), hội cầu phúc mường (xên mường) thường tổ chức vào khoảng tháng tám, thời điểm tiết trời mát mẻ, lúa đồng đang ở thì con gái. Cứ hai năm tổ chức hội xên bản thì năm thứ ba sẽ xên mường.
Hội xên bản, thực chất là lễ nghi nông nghiệp cầu nguyện mùa màng tươi tốt trong văn hóa truyền thống của người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình. Trong ngày hội xên bản, không tổ chức vui chơi, giải trí. Mọi người vẫn nặng nề vì tâm lý lo sợ sâu bệnh, mất mùa. Hội xên bản trước kia nhiều khi bị các tầng lớp sai nha, quí tộc lợi dụng đặt thêm các nghi lễ nhằm bóc lột người dân để ăn chơi phè phỡn.
Hội xên mường được tổ chức với qui mô và không khí khác hẳn. Trong những năm được mùa, đời sống ấm no, hội được tổ chức rất lớn, với sự tham gia của nhiều người tài giỏi, các chức sắc của toàn mường.
Ngày đầu tiên của hội, đám rước bắt đầu đi từ nhà tạo mường ra đình làng. Đi đầu đoàn là tạo mường và các chức sắc của mường, áo quần là lượt the nhung, cờ xí, võng lọng rợp trời. Tới đình làng, vị mo già làng (ông đẳm), mặc áo thụng xanh, đầu đội mũ đuôi én màu đỏ tiến lên án thư, đọc điếu văn mở đầu, sau đó rung chuông mở màn chính cho lễ hội. Lập tức hai con trâu được mang ra một bãi rộng để giết thịt. Cuộc vui chơi của ngày hội được bắt đầu.
Ngày thứ hai của hội xên mường là ngày thi bắn súng hoả mai và bắn nỏ. Đây là cuộc thi được nhiều người quan tâm dự thi và đến xem, cũng là dịp thi tuyển nhân tài cho mường. Người tài giỏi nhất cuộc thi được nhận giải thưởng và được phong chức tuần mường, ban thưởng đất đai.
Sáng ngày thứ ba, có nhiều trò chơi, đáng chú ý nhất là hội ném còn. Ngoài ra còn có các trò chơi khác như chọi gà, thi chim họa mi, thi trâu béo khoẻ (không thi chọi trâu). Đêm về, lúc trăng lên là cuộc thi hát đối đáp, thi khèn, thi sáo.
2.1.6.3. Lễ cơm mới
Lễ cơm mới (khau mờ) của người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình khép lại chu trình sản xuất của một năm, mở ra một năm mới. Gia đình nào cũng làm lễ cơm mới hai lần-trước khi ăn bát cơm chiêm đầu tiên và bát cơm mùa đầu tiên. Ngày khau mờ là niềm vui của dòng họ trong bản, nhưng trách nhiệm lớn lao, vinh hạnh hơn cả là cô dâu trong gia đình đăng cai làm lễ.
Trong ngày lễ khau mờ, trẻ em là đối tượng được quan tâm nhất, các em thường tụ tập nhau lại, được tự do chơi các trò chơi ưa thích, thường là chơi trò đánh thẻ.
2.1.6.4. Sinh hoạt văn nghệ của ngày hội chá chiêng
Trước kia, ở các bản làng người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình có các ông mùn, họ thường làm luôn nghề thày mo, bản thân họ là người hiểu biết, có kiến thức khá rộng và sâu về các bài dân ca, văn học, y học cổ truyền. Chính vì vậy, ông mùn thường kiêm tìm thuốc, khám chữa bệnh cho dân bản. Để ràng buộc mọi người và người bệnh mà ông chữa khỏi, 2-3 năm một lần, ông mùn tổ chức hội chá chiêng-ngày các con bệnh xa gần đến thày mùn tạ ơn, thăm hỏi. Hội được tổ chức trọn một ngày, một đêm.
Người dự hội, ngoài các người đến tạ ơn, còn có hàng trăm người trong bản và các bản khác đến tham dự. Văn nghệ trong ngày hội rất phong phú, nhưng chủ yếu là:
- Múa khăn: Múa tập thể, ngoài tiếng sáo, khèn, các điệu dân ca còn tiếng gõ nhịp của ống bương.
- Múa kiếm (Xoè kiếm): Là hình thức múa võ, động tác khoẻ manh, đẹp mắt, thu hút sự thán phục của nhiều người.
- Các trò diễn: là các trò bắt chước tiếng động vật, biểu diễn một số động tác của con người có tật xấu, dị tật, ma quỉ hoặc tiếng động vật kêu: hổ gầm, ma cà rồng (Phỉ cà coóng), ma rừng (Phỉ bài), chàng lười, người mù, người què, kẻ trộm ranh ma.v.v.
- Hái hoa kết boóc (Bói hoa): Đây là phần cuối của lễ hội. Người chủ nhà trực tiếp hái hoa bằng các lời hát tặng cho từng người đến tạ ơn thông qua cây hoa của mình dựng lên.
2.1.6.5. Hát đối đáp (Khắp tua)
Khắp tua giống hát ví, hát trống quân của vùng đồng bằng-một loại dân ca trữ tình, giao duyên của trai gái. Tuy nhiên, trình tự có thể thay đổi và không nhất thiết mỗi cuộc hát đều phải đủ các bài hát ấy.
Cũng do khắp tua là sinh hoạt văn hóa lâu đời, thường xuyên, do vậy số lượng các bài hát khắp và tua rất phong phú và đa dạng, từ lời thăm hỏi, chào đón, tình từ, hẹn hò, thề thốt, trong đó hình thức so sánh, ví von, ẩn dụ được sử dụng rất nhiều.
2.1.7. Văn học, nghệ thuật
2.1.7.1.Truyền thuyết dân gian
Người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình có hai loại truyền thuyết chủ yếu đó là truyền thuyết lịch sử và truyền thuyết trong văn học.
Trong truyền thuyết lịch sử thường gắn liền với lịch sử chống thú dữ, thiên tại, chống nạn cát cứ phong kiến tranh đất, tranh mường, đó là truyền thuyết: "Sự tích gốc cây thị ở bản Mỏ”; "Truyền thuyết về hang Khoài”. Ngoài ra còn một số hệ thống truyền thuyết, trong đó nêu cao tình anh em của các tộc Thái anh em như truyền thuyết về 3 anh em người Thái ở Mai Châu- Hòa Bình, Mộc Hóa, Mộc Châu. Truyền thuyết về ông Bá Hộ, một Kinh chạy loạn, lấy vợ ở bản Củm (xã Vạn Mai) có công giết giặc, trở thành dòng dõi quí tộc Hà Công đã nói lên tinh thần thượng võ của người Thái ở Mai Châu- Hòa Bình.
2.1.7.2. Truyện cười dân gian
Người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình có rất nhiều truyện cười dân gian. Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Bỉnh Chính (1788) trong cuốn Hưng Hóa phong thổ lục, hay Lê Quí Đôn trong" Kiến văn tiểu lục” đều viết: "Đàn ông Mai Châu-Hòa Bình hay nói vui”.
2.1.7.3. Trống đồng người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình
Trống đồng Mai Châu-Hòa Bình được phát hiện ngẫu nhiên trên một gò đất cao trong khu ruộng màu mỡ của xã Mai Hạ. Trống đồng Mai Hạ thuộc nhóm thứ hai, loại trống đồng này được tìm thấy ở nhiều nơi tại Hòa Bình, điều đó chứng tỏ trống đồng đã được sử dụng nhiều trong lễ hội, trong các công việc của các dòng họ quí tộc.
Ở Mai Hạ, vào tháng tám khi lúa có đòng, nhân dân làm lễ ở đền Vua, bà Hoàng Hội. Ngày hội có dân đinh là trai tráng trẻ, khoẻ đứng nghiêm trang ngoài cổng, trống đồng của mường, chiềng được mang ra hội. Trong lễ hội người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình, trống đồng là hoạt động văn hóa dân gian lành mạnh, hấp dẫn và mang tính cộng đồng cao.
2.1.7.4. Khèn bè
Cây khèn bè, là loại nhạc cụ độc đáo của người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình, được nam giới sử dụng rộng rãi. Khi trăng sáng, các thanh nữ rủ nhau lập thành các nhóm 5-7 người kéo sợi, thì cũng là lúc các chàng trai rủ nhau mang khèn đến thổi và vui trò truyện. Họ vui chơi, làm việc đến tận khi trăng mọc. Cũng qua các đêm này, nhiều trai gái đã nên vợ, nên chồng.
Người thạo khèn bè, có thể tạo ra nhiều sắc thái âm thanh, với nhiều hợp âm khác nhau, đặc biệt khèn bè có thể tạo được âm rất trầm, hợp âm đa dạng. Chính vì vậy, âm của khèn bè rất lắng sâu, đa dạng, nhiều thang bậc. Về cơ bản, người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình, khèn bè có 4 giai điệu chính:
- Các giai điệu khèn khi dạo quanh bản: tiết tấu nhanh, mạnh, sắc thái vui, nhộn. Tạo nên không khí vui nhộn, tin tưởng, mạnh mẽ, thoáng đáng.
- Các giai điệu gọi thanh nữ: tiết tấu nhẹ nhàng, vừa phải; sắc thái trữ tình, êm ái. Tạo nên sự xao xuyến, trữ tình dễ làm say lòng các thanh nữ.
- Các giai điệu an ủi những người đàn bà goá: tiết tấu vừa phải hoặc hơi chậm; sắc thái du dương, tha thiết. Tạo nên sự gợi nhớ quá khứ, vừa nhắc đến việc của người vợ, người mẹ hiện tại.
- Các giai điệu tạm biệt người yêu: tiết tấu chậm; sắc thái buồn, da diết. Biểu lộ tình cảm thắm thiết, nhớ nhung, không muốn rời xa.
2.1.7.5. Hoa văn trên mặt vải
Con gái người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình ngoài chăm chỉ, lao động giỏi còn phải biết kéo sợi, dệt vải, khâu gối, đệm, chăn màn.v.v. Những thanh nữ giỏi dệt vải, khâu vá, thêu thùa dù kém nhan sắc cũng dễ lấy chồng, ngược lại có nhan sắc nhưng không biết dệt vải, thêu thùa thì cũng khó lấy chồng. Người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình có 3 loại mặt nền vải chính:
- Loại thứ nhất: mặt nền vải (phà) màu trắng với các họa tiết màu đen, xanh, tím, hoặc đỏ. Chất liệu dệt là sợi, khổ rộng 0,40 m, hoa văn chủ yếu là hình cây cối, hoa màu.
- Loại thứ hai: mặt nền vải màu đỏ, chất liệu chủ yếu là tơ tằm, khổ thường rộng trên 0,40 m. Loại phà này thường được trang trí bằng nhiều họa tiết có màu sắc khác nhau, các hoa văn có thể là hình động vật, cũng có thể là hình cây cối, hoa lá.
- Loại thứ ba: mặt phà gọi là "đền vọng”, nền màu đỏ, họa tiết nhiều màu, chủ yếu là hình động vật. Chất liệu dệt là tơ tằm, khổ 75-80 cm.
2.1.7.6. Xoè Thái
Xòe là một hình thức múa, một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian khá phổ biến, có cội nguồn từ xa xưa trong các lễ hội của các tộc Thái Việt Nam nói chung và của người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình nói riêng. Xòe của người Thái ở Mai Châu-Hòa Bình có một số điệu xòe cơ bản sau:
Xòe "ông bổng”: là hình thức múa cổ, đơn sơ, mộc mạc. Mọi người cầm tay nhau nhảy nhót quanh đồng lửa theo nhịp hò sau một buổi săn hoặc quanh vò rượu cần trong các lễ hội, trong ngày vui dựng nhà mới.v.v. Xòe"ông bổng” có trang phục bình thường, không có nhạc, theo các mệnh lệnh tự hô, có sự cổ vũ của người xem, động tác đơn giản, mạnh mẽ, vui nhộn, phóng khoáng.
Xòe chá: thường do các ông mùn tổ chức. Lễ có hai hình thức chính: xòe chá cang (mổ lợn), xòe chá cáy (mổ gà). Đây là hình thức xòe khá qui mô, được tổ chức chu đáo.
Xòe vòng: được tổ chức vào những dịp hội, lễ lớn cầu phúc bản mường (xên bản, xên mường), ngày vui của chủ bản, các tạo (mừng nhà mới, mừng con dâu, con rể, đón quan trên…). Trong xòe dân gian còn có xòe đơn lẻ, xòe đôi, xòe đánh máng.
2.2. Sự hình thành và phát triển du lịch ở Mai Châu-Hòa Bình
2.2.1. Tình hình phát triển du lịch ở tỉnh Hòa Bình
Trước kia du lịch ở tỉnh Hòa Bình ít có vai trò quan trọng trong kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong khoảng hai thập kỷ vừa qua, với chủ trương ưu tiên đẩy mạnh phát triển du lịch, Hòa Bình là một trong các tỉnh đang có du lịch phát triển tương đối mạnh.
Hiện tại Hoà Bình có 87 doanh nghiệp, chi nhánh có đăng ký kinh doanh du lịch (trong đó có một số doanh nghiệp chưa kinh doanh). Có 133 khách sạn, nhà nghỉ, nhà sàn du lịch cộng đồng kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó 01 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 2 khách sạn 1 sao, 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn, với tổng số 1.251 phòng, 2.326 giường (không tính 42 nhà sàn kinh doanh du lịch cộng đồng).