Những Công Trình Liên Quan Trực Tiếp Đến Đề Tài

bài viết phê bình các tác phẩm mang dấu ấn hậu hiện đại ở Việt Nam. Ở nhóm bài giới thiệu và diễn giải về lý thuyết hậu hiện đại đáng lưu ý trong kỉ yếu có dẫn đăng bài các “Khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại” của Lê Huy Bắc, “Phê bình văn học từ góc nhìn hậu hiện đại” của Đỗ Lai Thúy, “Tri thức và ngôn ngữ trong tinh thần hậu hiện đại” của Trương Đăng Dung, “Chủ nghĩa hậu hiện đại trong tiến trình văn học Việt Nam” của Nguyễn Phú Phong, “Quan niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam” của hai tác giả Nguyễn Hồng Dũng và Phan Tuấn Anh, “Dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI” của Thái Phan Vàng Anh. Ngoài việc cung cấp các khái niệm về văn học hậu hiện đại các bài viết còn có sự kiến giải thấu đáo về hoàn cảnh xuất hiện và những khả năng thể hiện của văn học hậu hiện đại đối với nền văn học chưa có được cơ sở từ một nền văn minh hậu công nghiệp như ở nước ta.

Kỉ yếu hội thảo khoa học quốc gia năm 2013 Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và thực tiễn của Khoa ngữ văn – Bộ môn văn học nước ngoài của trường Đại học Sư phạm Hà Nội với 29 bài tham luận từ các nhà nghiên cứu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó có 5 bài tham luận về những vấn đề chung của văn học hậu hiện đại, 8 tham luận ứng dụng lí thuyết hậu hiện đại vào nghiên cứu văn học Việt Nam, và 16 tham luận ứng dụng lí thuyết văn học hậu hiện đại vào nghiên cứu các tác giả và tác phẩm văn học nước ngoài. Điều được những nhà nghiên cứu quan tâm và làm sáng tỏ nhiều nhất là về các yêu tố thuộc về kĩ thuật viết đặc trưng của văn học hậu hiện đại như trò chơi, tính liên văn bản, phi trung tâm, huyền ảo, mảnh vỡ… Qua các bài viết được tập hợp trong cuốn kỉ yếu lần này đã cho thấy những lí thuyết soi sáng có tính chất định hướng mở đường của lí luận văn học hậu hiện đại dần dần được ứng dụng rộng rãi vào nghiên cứu đối với các trường hợp một tác giả, tác phẩm văn học cụ thể.

Ngoài những công trình trên còn phải kể đến một loạt các bài viết về văn xuôi Việt Nam thời kì đổi mới, trong đó, có đề cập đến đặc trưng của văn học hậu hiện đại. Nguyễn Hưng Quốc với nhiều bài viết khá công phu về chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học hậu hiện đại ở Việt Nam như: “Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Việt Nam” (2000), “Giễu nhại như một ý niệm” (2005), “Văn bản và liên văn bản” (2005), “Giải lãnh thổ hóa trong văn học Việt Nam” (2008), “Toàn cầu hóa và văn

học Việt Nam” (2008), “Tính lai ghép trong văn học Việt Nam” (2008), “Chủ nghĩa hậu hiện đại và những cái cần chết trong văn học Việt Nam” (2009), “Chủ nghĩa hậu hiện đại - Những mảnh nghĩ rời” (2009), v.v… Trong các bài viết của mình, Nguyễn Hưng Quốc đã lần lượt xem xét vấn đề hậu hiện đại trong văn học Việt Nam trên rất nhiều phương diện, từ khả năng chịu ảnh hưởng, những tính chất riêng biệt ở văn học Việt Nam… Ngoài ra còn phải kể đến nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu có uy tín khác như Nguyễn Thị Bình (Một số khuynh hướng tiểu thuyết ở nước ta từ thời điểm đổi mới đến nay), Lê Hương Thủy (Truyện ngắn sau 1975 – một số đổi mới về thi pháp), Bích Thu (Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới)… Các bài nghiên cứu của Đào Tuấn Ảnh, Phùng Gia Thế, Đông La, Hoàng Ngọc Tuấn, Inrasara, Phan Nhiên Hạo, Như Huy, Trịnh Thanh Thủy, Văn Giá, Nguyễn Chí Hoan, Đoàn Cầm Thi… đã chỉ ra được những dấu hiệu hiện đại trong văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi Việt Nam nói riêng.

Văn học hậu hiện đại trong những năm gần đây đã được đưa vào chương trình đào tạo ở hệ đại học và sau đại học. Trong đó có những luận án trực tiếp nghiên cứu về văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam như: Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 của Phùng Gia Thế, Yếu tố hậu hiện đại trong truyện ngắn Việt Nam của Lê Văn Trung, Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010 của Nguyễn Hồng Dũng... Những nghiên cứu nói trên là kết quả của quá trình tìm tòi, học tập và cả sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà Lý luận và Phê bình – Nghiên cứu văn học trên con đường đưa nền văn học Việt Nam hội nhập với văn học thế giới. Đó cũng là những gợi mở hết sức thú vị cho công việc nghiên cứu về yếu tố hậu hiện đại trong văn học qua thực tiễn sáng tác ở hai tác giả Hồ Anh Thái và Murakami.

1.2. Những công trình liên quan trực tiếp đến đề tài

1.2.1. Những công trình nghiên cứu yếu tố hậu hiện đại trong sáng tác của Hồ Anh Thái

Trong văn học Việt Nam đương đại, Hồ Anh Thái là nhà văn có chỗ đứng khá vững chắc. Bước vào làng văn khá sớm (17 tuổi), Hồ Anh Thái đã để lại ấn tượng và gặt hái được những thành công nhất định. Cho đến nay, ông được xem là một

nhà văn chuyên nghiệp có sức viết mạnh mẽ với thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc. Rất nhiều bài viết đánh giá cao bút lực, tài năng cũng như thái độ lao động nghệ thuật của ông. Sự đổi mới ở ngòi bút của Hồ Anh Thái đã nhận được nhiều sự chú ý của các nhà phê bình trong nước và quốc tế.

Sau khi hợp tuyển gồm hai tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, Trong sương hồng hiện ra và tám truyện ngắn được dịch sang tiếng Anh và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới, Hồ Anh Thái đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực của các nhà phê bình nghiên cứu nước ngoài về sự đổi mới về tư duy nghệ thuật mang đậm cá tính sáng tạo. Wayne Karlin trong lời giới thiệu cho cuốn tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo cho rằng, Hồ Anh Thái đã biết vượt lên khỏi xuất phát điểm của bản thân và nền văn học Việt Nam đương thời khi tiếp cận với những ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mĩ La tinh và tác phẩm của nhà văn Pháp gốc Czech Milan Kundera. Những đổi mới dũng cảm trong cách nhìn về các vấn đề như số phận con người thời hậu chiến, những di chứng của chiến tranh, tình dục và cách ứng xử của con người trước nó. Tác giả này cũng nhận thấy trong tác phẩm Hồ Anh Thái, chất hài hước, chất lạ quyện với chất Kafka dường như gây bất ngờ cho người phương Tây khi họ tìm hiểu văn học Việt Nam. Từ đó Wayne Karlin đã khẳng định Hồ Anh Thái và những người đương thời Việt Nam đang tiên phong cho nền văn học của các nước đang phát triển, nền văn học không còn bị định nghĩa bằng những thông số của cuộc đấu tranh giữa hai bên tư sản và cộng sản. Riêng với cuốn tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra là tác phẩm lạ trên mặt bằng văn học đương thời đã “mở ra một cách cửa vào một nền văn hóa đang phải đấu tranh để định nghĩa mối quan hệ của mình với quá khứ và tương lai của chính mình” [139, tr. 393]. Jennifer Eagleton đưa ra những nhận xét khái quát cho giá trị nội dung và nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết này: “Dường như cuốn tiểu thuyết bày tỏ niềm khao khát được quay nhìn lại quá khứ, cái quá khứ đã được ký ức đóng khung và tôn kính... Sự tái tạo huyền thoại này đã thành công với sự giản dị, trong sáng của ngôn ngữ và cả yếu tố kỳ lạ” [139, tr.440].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

Trong bài viết ngắn “Đặt ra vấn đề cá nhân ở nước Việt Nam” (Thời báo Los Angeles, 18.9.2001), Michael Harris cũng nhận thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mĩ La tinh trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái như một dấu hiệu cho thấy nỗ lực rất đáng kể của nhà văn Việt Nam trong việc tiếp cận với văn học thế giới.

Chris King (Thời báo ST. Louis Missuri River Front Times) nhận thấy sáng tác của Hồ Anh Thái là hành trình đi từ những vẻ đẹp nhân bản giản dị dẫn tới nỗi đau khủng khiếp nhất, rồi nỗi đau ấy lại được cứu rỗi bằng chính sự thông hiểu nhân bản. Philip Gambone nhận ra chất châm biếm, chất siêu thực và ngụ ngôn tràn đầy trong nhiều truyện của cuốn sách được cấu trúc một cách tao nhã của một trong những nhà văn Viêt Nam đương đại xuất sắc nhất. Tiến sĩ văn học Ấn Độ K. Pandey có nhận xét đánh giá rất cao về những truyện ngắn của Hồ Anh Thái viết về đất nước và con người Ấn Độ: “Những dòng chữ Hồ Anh Thái là những mũi kim châm cứu Á Đông đã điểm trúng huyệt tính cách Ấn Độ” [138, tr.322].

Sự khác biệt của yếu tố hậu hiện đại trong sáng tác của Hồ Anh Thái và Haruki Murakami - 3

Ở trong nước tiểu thuyết Hồ Anh Thái được đông đảo bạn đọc và giới nghiên cứu phê bình văn học quan tâm bởi tác giả luôn biết cách tạo ra những điều mới mẻ bất ngờ trong tác phẩm của mình. Diệu Hường trong bài “Một góc nhỏ văn chương Hồ Anh Thái” khẳng định: “Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn sung sức nhất và được đón đọc nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay. Ông viết văn như một thứ lao động nghiêm ngặt, ông chăm chút cho từng câu chữ với tinh thần không chấp nhận, cái gì sẵn có, không thụ động chờ đợi, cái mà rất nhiều nhà văn khác vẫn quen gọi là cảm hứng” [93]. Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho rằng: “Với Hồ Anh Thái, viết văn là một nghề hẳn hoi, chứ không phải là thứ lao động tài tử, nghiệp dư, một cuộc ghé chơi tình cờ như nhiều người lầm tưởng” [147, tr 351]. Cùng quan điểm đó, Ngọc Ánh trong bài viết “Hồ Anh Thái – Sáng tạo, bứt phá trên từng con chữ” cũng cho rằng: “Văn chương với Hồ Anh Thái là một nghiệp với đa tầng phong cách biểu hiện, với một tiềm năng đọc mới và thấu suốt cuộc sống, con người, những gì mà với nhiều người khác đã trở nên cũ kỹ. Anh biết vượt qua những lối mòn tư duy coi văn học như là tấm gương phản ánh hiện thực một cách đơn giản để nhìn cuộc đời” [2]. Tác giả bài viết còn phát hiện: “Chân dung của hiện thực trong văn bản của Hồ Anh Thái có nhiều góc khuất, nhiều trạng thái, nhiều giá trị xấu tốt đan cài chứ không đơn điệu. Đó không phải là thứ hiện thực “dẹt”, “phẳng” mà góc cạnh, nhiều chiều, là hiện thực “phân mảnh” [2].

Nghiên cứu về nghệ thuật thể hiện trong những tác phẩm Hồ Anh Thái, Nguyễn Đăng Điệp trong bài “Hồ Anh Thái – Người mê chơi cấu trúc” có nhiều khám phá mới mẻ và đưa ra những nhận định sắc sảo. Theo ông: “Hồ Anh Thái có ý

thức tạo dựng một thế giới vừa giống thực bằng nhiều chi tiết ngỡ nhặt được từ đời sống ồn tạp vừa tạo nên một thế giới ngập đầy biểu tượng. Thông điệp của nhà văn không hiện ra lộ liễu mà toát lên từ tình huống, qua các biểu tượng thấm đầy chất ảo” [43]. Nguyễn Đăng Điệp còn phát hiện ra “cách chơi cấu trúc” đầy biến hóa của Hồ Anh Thái trong sự bện kết, hài hòa giữa hai yếu tố tính luận đề và màu sắc tượng trưng, siêu thực – những phương diện đòi hỏi sự cao tay của người viết. Ông còn chỉ ra dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái qua bức tranh về hiện thực: “Đó là hiện thực “phân mảnh” như các nhà hậu hiện đại vẫn thường nói đến” [43]. Tác giả cũng đã nhận thấy một trong những điểm mới của tiểu thuyết Hồ Anh Thái là tính liên văn bản và khả năng dung hợp văn hóa hết sức năng động: “Khảo sát hành trình văn chương Hồ Anh Thái có thể nhận ra một kiểu đối thoại mang tính văn hóa thấm trong từng văn bản” [43].

Viết về cuốn tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng đã đoạt được giải thưởng văn xuôi 1986 – 1990 của Hội Nhà văn, Xuân Cang trong bài “Một hương vị riêng”, nhận định khái quát: “Cuốn tiểu thuyết hầu như không có cốt truyện để kể lại được, nó thu hút người đọc bằng một hương vị riêng kín đáo của những chi tiết, những mảnh đời, quá khứ và hiện tại đan xen” [144, tr.391]. Trần Thanh Giao, trong bài viết “Không theo kiểu cũ”, nhấn mạnh đến sự khó đọc của Người và xe chạy dưới ánh trăng, “vì tác giả sử dụng thủ pháp “dòng suy tưởng, cảm xúc” để nội tâm các nhân vật được bộc lộ rõ ràng, qua đó mà cái thiện, cái ác, lẽ phải và bất công, lòng cao thượng và giả dối, … đấu nhau rất quyết liệt” [144, tr. 410]. Lê Minh Khuê thì nhận xét: “Có lẽ ngay từ ngày ấy, tác giả đã ý thức rằng tác phẩm văn học muốn hòa nhập được với dòng văn học chảy ào ạt ngoài kia của thế giới và muốn tiếp cận được với người đọc hôm nay thì đừng có quá lệ thuộc vào hiện thực giản đơn” [144, tr.416]. Gần với ý kiến trên của Lê Minh Khuê, trong bài viết “Một cá tính sáng tạo độc đáo” (Đài tiếng nói Việt Nam, 2001), Trần Bảo Hưng cũng cho rằng: “Có thể nói hiện thực trong Người và xe chạy dưới ánh trăng là một hiện thực đa chiều, và để phản ánh được cái thực tại phức tạp ấy, Hồ Anh Thái sử dụng nhiều thủ pháp linh hoạt, cả phục hiện và đồng hiện; rồi một cốt truyện đầy co giãn với những mạch ngang, lối rẽ…” [144, tr.420].

Nghiên cứu giọng điệu tác phẩm Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Minh Thái trong bài “Giọng tiểu thuyết đa thanh” cho rằng: Cõi người rung chuông tận thế là tiểu thuyết ngắn, cốt truyện khá giản dị, với điểm nhìn tiểu thuyết độc đáo, giọng kể đa thanh trên nền suy tưởng trữ tình. Đây là tác phẩm đánh dấu mốc bước tiến quan trọng trong sự đổi mới nghệ thuật, đặc biệt là giọng điệu.Trong tác phẩm hiện diện cả giọng mỉa mai châm biếm lẫn chất trữ tình suy tưởng. Sự đan xen giọng điệu này làm nên tính đa thanh cho tác phẩm: “Nhiều thanh điệu của một giọng kể đa thanh, đích thực là giọng riêng của nhà văn Hồ Anh Thái trong cuốn tiểu thuyết mới tinh này” [142, tr.276]. Tác giả bài viết còn phát hiện ra “giọng kể mang tính thông tấn” trong tác phẩm và đó là cơ sở tạo nên thi pháp mới cho cuốn tiểu thuyết, “thi pháp giễu nhại – thông tấn”.

Phùng Gia Thế trong bài “Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1986” lại cho rằng “nhìn đời sống như những mảnh vỡ, tiểu thuyết Hồ Anh Thái thể hiện tinh tế những nỗi hoang mang về con người” và một “cái nhìn hắt sáng từ phía sau” [124]. Tác giả Trần Thị Hải Vân trong bài báo “Một chiêm nghiệm “cõi người” của Hồ Anh Thái” (báo Văn nghệ, số 16, 2009) đã đưa ra một sự phân tích khá hệ thống về quan niệm nghệ thuật, về con người của Hồ Anh Thái trong đó nhấn mạnh các tính chất hài hước nghịch dị trong cái nhìn đời sống của nhà văn.

Trên hành trình sáng tác từ 1995 đến nay, giọng điệu tiểu thuyết Hồ Anh Thái có sự chuyển hướng, nghiêng về màu sắc trào lộng, giễu cợt, mỉa mai. Tiểu thuyết Mười lẻ một đêm là một thử nghiệm mới. Hầu hết các bài viết đều đánh giá cao tác phẩm ở chất hài hước, nghịch dị, tiêu biểu có bài “Hài hước và trữ tình” (Lê Hồng Lâm), “Chất hài hước nghịch dị trong Mười lẻ một đêm” (Hoài Nam). Ở bài “Mười lẻ một đêm - cái nhìn hắt sáng từ phía sau”, Nguyễn Thị Minh Thái đánh giá cao lối viết mới, giọng kể mang tính thông tấn, “góc nhìn ở vị thế hắt sáng, từ phía sau, từ bản thể, giọng tiểu thuyết giễu nhại, thâm sâu” [147, tr.353].

Cuốn tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi khi vừa được xuất bản đã lập tức nhận được nhiều luồng ý kiến đánh giá khác nhau. Hoài Nam trong bài viết “Phật sử và hư cấu văn chương” cho rằng cái mới của tác phẩm là “quan điểm cá nhân của tác giả về Đức Phật và từ đó, là cách tác giả xử lý những tư liệu liên quan xa gần đến đức Phật” [98] và thành công của tiểu thuyết là ở khả năng tưởng tượng,

hư cấu văn chương, chủ yếu ở chương Savitri. Tác giả đánh giá về cách xây dựng nhân vật đức Phật của Hồ Anh Thái: “Nhân vật này hiện lên với diện mạo của một hiền giả, một triết gia, một nhà tư tưởng vĩ đại, nhưng vẫn không thôi đậm chất Người” [98]. Ý kiến đánh giá này thống nhất với những ý kiến của nhiều nhà phê bình khác cho rằng Hồ Anh Thái thành công vì anh đã “người hóa” đức Phật, khiến hình ảnh đức Phật hiện lên vừa giản dị vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, lại cũng vô cùng trần thế. Đây chính là phép giải thiêng, kĩ thuật quan trọng trong lối viết hậu hiện đại. Ở bài viết “Hồ Anh Thái có sợ “giải thiêng”, Phạm Xuân Thạch chỉ ra mặt ưu và mặt hạn chế của tiểu thuyết là lối kết cấu bộ ba với khả năng soi chiếu lẫn nhau của các nhân vật: Đức Phật, nàng Savitri và tôi nhưng Hồ Anh Thái chưa đi đến tận cùng của ý tưởng khiến cho tác phẩm chỉ mới dừng lại ở mức độ làm mầm mồng của một ý tưởng lớn. Hoàng Công Danh trong bài “Tái hiện Phật sử, đồng hiện nghệ thuật” trên website cá nhân đã có những đánh giá rất sắc sảo về nghệ thuật viết của Hồ Anh Thái. Tác giả cho rằng Hồ Anh Thái vẫn dùng nghệ thuật tiểu thuyết đặc sắc của mình, đó là kiểu cắt mảng và ghép mảng. Sự đan xen giữa các chương với các tựa “Đức Phật”, nàng “Savitri” và “Tôi” hệt một cuộc “Sắp đặt và diễn” trên sân khấu mà độc giả, khán giả sắp được chứng kiến và thưởng thức”.

Riêng về truyện ngắn, Hồ Anh Thái được chú ý trước hết bởi chất giọng giễu nhại sắc sảo, tinh tế. Lê Vĩnh Nguyên cho rằng, tiếng cười trong truyện ngắn Hồ Anh Thái có khả năng dồi dào trong việc phóng chiếu, châm biếm và chạm đến phần nhạy cảm của con người. Tác giả Ngọc Hà trong bài viết “Giễu nhại ngôn ngữ thị dân” đã bước đầu chỉ ra những độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ của Hồ Anh Thái trên ba phương diện: Lối nói liệt kê, bổ sung; lối nói nhấn mạnh và lối nói thông tục. Đây là một trong những dấu hiệu quen thuộc của kỹ thuật viết hậu hiện đại. Tôn Phương Lan trong bài viết “Người luôn làm mới mình” cũng nhận thấy cảm hứng nhân văn trải dài và xuyên suốt trong sáng tác của Hồ Anh Thái, và ở giai đoạn đầu đó là cảm hứng chủ đạo. Theo tác giả, Hồ Anh Thái luôn làm mới mình qua từng trang viết, mới trong giọng điệu, mới trong ngôn ngữ, mới trong kết cấu. Ma Văn Kháng trong bài “Cái mà văn chương ta còn thiếu” cho rằng truyện ngắn, tiểu thuyết Hồ Anh Thái thú vị trước hết ở chỗ “ từng con chữ có đời sống là lạ; ở mỗi tình tiết giàu sức khám phá, ở các mối liên tưởng lạ lùng và gần gũi; ở tổng thể

câu chuyện, nó mở ra một góc nhìn nhân sinh, nó cho thấy tính đa tầng, những thực tại nhìn thấy và không nhìn thấy…” [141, tr.326]. Nhà văn Ma Văn Kháng đã tỏ ra rất thích giọng văn của Hồ Anh Thái vì “nó có cái thông minh, hóm hỉnh vừa sâu sắc vừa có truyền thống. Hơn nữa cái này mới là cái thật thích đây: chất trào phúng, giễu nhại,cay chua mà tâm thiện, chất này văn chương ta thiếu quá! Không có tài chịu đấy!” [141, tr 326].

Với hai tác phẩm Dấu về gió xóa, SCB là săn bắt chuột, Hồ Anh Thái được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh và đã nhận được nhiều khen ngợi từ các chuyên gia nghiên cứu về phương thức thể hiện. Dấu về gió xóa của Hồ Anh Thái được Hoài Nam so sánh giống như một “nồi lẩu nghệ thuật” với một loạt vấn đề lớn trong đời sống xã hội và đời sống của mỗi cá nhân người như chính trị, tôn giáo, tình yêu…, đã được đặt ra và được xử lý một cách đặc biệt. Tính chất “nồi lẩu” của tác phẩm còn nằm trong cấu trúc và giọng điệu văn bản. Hà Anh khi viết về tiểu thuyết SCB là săn bắt chuột nhận định rằng, Hồ Anh Thái là một nhà văn đa giọng điệu có khả năng mang đến sự tươi mới cho văn chương hiện đại.

Những cách tân mang khuynh hướng hậu hiện đại ngày càng rõ nét trong kỹ thuật tiểu thuyết Hồ Anh Thái ở những sáng tác gần đây của ông. Từ Nữ đã nhìn thấy ở Mười lẻ một đêm tính phân mảnh, rời rạc trong cốt truyện lẫn bề mặt kết cấu: “Có thể nói, mỗi phần là một truyện ngắn, những truyện ngắn được chia bởi nhiều phân đoạn, giới thiệu được những nét riêng của nhân vật” [147, tr.289]. Hoài Nam đánh giá cao chất hài hước và nghịch dị trong Mười lẻ một đêm và xem đó như đòn bẩy giúp Hồ Anh Thái tạo dựng nên thế giới nghệ thuật sống động và hấp dẫn. Bùi Thanh Truyền và Lê Biên Thùy trong bài viết “Những cách tân quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái” đã nhận ra: “Con người trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái phức tạp, đa dạng và đều là những lát cắt chân thực cuộc sống đương đại với những cung bậc “đa sự – đa đoan” của nó” [133]. Theo tác giả bài viết, vì chịu sự ảnh hưởng của dấu ấn hậu hiện đại phương Tây nên nhân vật trong tác phẩm của Hồ Anh Thái phần đông là những con người đa cực, đa trị, bất bình thường. Mỗi người với nhiều ngã rẽ, không đơn tuyến, nhất phiến và ai cũng mải mê đi tìm cho mình một điểm tựa, một mục tiêu phấn đấu.

Xem tất cả 179 trang.

Ngày đăng: 17/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí