Sự khác biệt của yếu tố hậu hiện đại trong sáng tác của Hồ Anh Thái và Haruki Murakami - 20

KẾT LUẬN

1. Cả hai nhà văn Hồ Anh Thái và Haruki Murakami đều có những quan niệm mới mẻ về văn chương và ý thức được tầm quan trọng của người cầm bút trong việc mang đến những giá trị tinh thần mới mẻ, hấp dẫn phục vụ độc giả qua mỗi tác phẩm văn học của mình. Việc tiếp nhận và thể hiện tinh thần hậu hiện đại của mỗi nhà văn trong điều kiện hiện thực xã hội, “hoàn cảnh hiện đại”, môi trường sống, hai nền văn hóa, hai tính cách dân tộc khác nhau đã tạo nên những điểm khác biệt khá thú vị.

2. Xuyên suốt toàn sáng tác của mình, Hồ Anh Thái thể hiện một cách nhìn khám phá mới về hiện thực xã hội và con người. Đó là một bức tranh đa chiều, nhiều tầng vỉa, luôn luôn biến ảo, bao gồm vô số “mảnh vỡ” hiện thực bị phân tách từ bề nổi và mạch ngầm chằng chịt trong đời sống xã hội. Ở đó, con người chứng kiến sự khủng hoảng niềm tin của chính mình, sự sụp đổ của hiện thực được cố kết bởi những lí tưởng cao siêu, sự tan vỡ của những thang bảng giá trị, sự trống vắng của kiếp nhân sinh không thể cứu vãn. Ông đã thể hiện chân dung con người trong sự va đập với hiện thực của cuộc sống đương đại đầy hỗn độn, giả dối, thiếu vắng chuẩn mực, hỗn tạp và bát nháo như một cái “nhà cười” khổng lồ bằng kiểu con người đặc trưng đó là con người tha hóa. Còn với Murakami, với khát vọng khám phá những sâu thẳm bên trong con người để có được sự phân tích sâu sắc tâm hồn con người ở nhiều góc cạnh khác nhau. Đối diện với nỗi đau nhân sinh, nỗi bất an trong thế giới hiện thực và những ám ảnh không nguôi về bản thể, con người hậu hiện đại bước ra từ những trang văn của Murakami luôn mang một nỗi cô đơn thường trực không thể xóa bỏ. Cả hai nhà cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến khía cạnh tự nhiên, bản năng của con người đặc biệt là bản năng tính dục. Tuy nhiên sự thể hiện con người với bản năng tính dục ở mỗi tác giả lại có những nét khác biệt khá cơ bản. Con người với bản năng tính dục ở tác phẩm của Hồ Anh Thái được khai thác chủ yếu trên cơ sở cái nhìn từ chuẩn mực đạo đức xã hội, với tinh thần phê phán những vết đen khi con người không làm chủ được dục tính của mình. Còn con người bản năng tính dục trong sáng tác của Murakami gắn liền với những bản năng nguyên thủy với những đam mê khát vọng chân thực. Đó là những con người với bản năng gốc luôn trung thành với bản thân trong một thứ tồn tại mãnh liệt. Con

người tính dục là chìa khóa để nhà văn mở ra cánh cửa đi vào khám phá thế giới nội tâm siêu hình của con người, chuyển tải những thông điệp sâu xa về những quan niệm mĩ học của mình về nhân sinh.

Với thái độ một thái độ hoài nghi và tinh thần sẵn sàng “giải thiêng” đối với hiện thực, cả hai nhà văn cũng đã cùng xây dựng kiểu con người hành trình trong sáng tác của mình. Con người với hành trình kiếm tìm trong những sáng tác của Hồ Anh Thái chủ yếu đi tìm giá trị, ý nghĩa của cuộc sống và đánh giá những con người khác ở thực tại khách quan, trong môi trường, trong hoàn cảnh xã hội họ đang tồn tại. Còn những con người với hành trình kiếm tiềm của Murakami lại đang cố đi tìm cái bản thể nguyên sơ toàn vẹn. Đó chính là cuộc săn đuổi, khám phá “con người bên trong con người”, những mặt còn khuất tối, mặt thật của chính mình trong thế giới tiềm thức, vô thức của con người. Nhân vật kiếm tìm của nhà văn Nhật Bản in đậm dấu ấn văn học phi lí. Các nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái thường để lại một ấn tượng lạc quan cho người đọc. Còn với con người kiếm tìm trong sáng tác của Murakami trên chặng đường truy tầm cái tôi đã để lại nỗi ám ảnh ưu tư khắc khoải cho câu trả lời về bản thể trong thế giới hỗn mang này.

3. Về phương thức thể hiện tác phẩm, trong các sáng tác của hai nhà văn cũng thể hiện những khác biệt ở các phương diện: Nghệ thuật xây dựng cốt truyện; nghệ thuật mờ hóa nhân vật và thể hiện yếu tố liên văn bản. Cách triển khai cốt truyện mảnh vỡ của Murakami trong một tác phẩm phức tạp hơn nhiều so với Hồ Anh Thái. Đặc biệt hình thức phân mảnh cốt truyện theo kiểu mê cung xoay vần hay nhiều tuyến truyện song song cùng triển khai tạo hiệu ứng domino là một kĩ thuật viết rất khó đã cho thấy phần nào tài năng nghệ thuật bậc thầy của Murakami. Ở nghệ thuật mờ hóa nhân vật, ở mỗi nhà văn lại có những cái hay riêng. Hồ Anh Thái mờ hóa nhân vật bằng sự tối giản về lai lịch, ngoại hình, đời sống nội tâm. Ông cố ý giản lược đến mức tối đa làm cho nhân vật hiện lên mang tính khái quát nhưng phi điển hình. Tác giả thường dựng chân dung nhân vật bằng kĩ xảo làm mờ, làm nhòe, tẩy trắng mọi đường viền lịch sử, lai lịch nhân vật. Ông rất ít khi trao cơ hội để nhân vật được thể hiện về tính cách và đời sống nội tâm mà chủ yếu tự bộc lộ bản chất của mình qua ngôn ngữ, hành động. Murakami lại có cách để thực hiện triệt để hơn nữa việc tẩy trắng nhân vật. Ông “vô hình hóa” những nhân vật của mình không

phải chỉ dừng lại ở mức độ tái hiện nhân vật bị khuyết thiếu về diện mạo, lai lịch, tính cách của mình về tính cách mà còn đặt họ vào những hoàn cảnh cũng bị tẩy trắng hoàn toàn. Đáng chú ý hơn, ông đưa nhân vật vào tồn tại ở thế giới của kí ức, ở tiếng nói vọng tưởng từ bên trong của nhân vật khác rất khó nắm bắt được. Theo Murakami, con người luôn tồn tại những bản thể khác nhau trong cùng một hình hài xác thịt. Vì vậy tẩy trắng hoàn cảnh là phương thức tối ưu để nối kết vô thức và ý thức, tạo ra một mặt phẳng phi không gian và thời gian để nhân vật tự do hành động, biến cái ảo thành thực một cách tài tình và thuyết phục. Hồ Anh Thái lại có đặt tên độc đáo để mã hóa cho nhiều nhân vật của mình. Ông cho họ bị chìm khuất không điểm nhấn vào “cõi người” đầy hỗn độn, xô bồ với đặc tính nổi bật là tẻ nhạt, u mê, “phi anh hùng”. Nhà văn đã tạo được một tầm bao quát rộng lớn, đưa ra ánh sáng bao tật xấu của đủ mọi hạng người. Ở sự khác biệt của viêc thể hiện yếu tố liên băn bản, trước hết ở màu sắc văn hóa đặc trưng. Sắc màu văn hóa trong những trang văn của Hồ Anh Thái mang đậm dấu ấn của tư tưởng văn hóa phương Đông trong sự pha trộn với văn hóa dân gian. Trong khi đó nghiên cứu sáng tác Haruki Murakami có sự lai ghép về văn hóa Đông Tây hết sức rõ rệt. Nếu ở những trang văn của Hồ Anh Thái nhân sinh quan Phật giáo đóng vai trò quan trọng, dấu ấn của triết học Phật giáo in đậm sâu sắc, thì ở Murakami lại thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn triết học Phật giáo tâm linh với hiện sinh, phân tâm học phương Tây và cả cảm thức phi lý trong sáng tác của F.Kafka. Trong cách dung nạp cho phép sự xâm nhập của nhiều thể loại khác nhau vào phạm vi của một tác phẩm văn học cũng có nhiều điểm khác biệt. Tùy vào cái đích của mình mà mỗi nhà văn có những sự dung nạp thể loại khác nhau. Đây là quá trình để đưa đến một hiệu ứng mới khá bất ngờ trong trang viết của các nhà văn. Liên văn bản với tính đối thoại nhiều chiều giữa các văn bản, giữa tác giả và người đọc tạo ra nhiều tầng ý nghĩa và liên tưởng thú vị được mỗi nhà văn triển khai với những dấu ấn sáng tạo riêng rất đáng ghi nhận.

4. Sinh ra trên một đất nước chưa có đầy đủ những yếu tố tiền đề về cơ sở hạ tầng của xã hội hậu hiện đại, nhưng với một thái độ luôn trăn trở về sự vận động và đổi mới trong cách viết, một tinh thần sẵn sàng tiếp nhận tư tưởng hậu hiện đại từ “quê hương” của nó, Hồ Anh Thái đã tiếp thu những ảnh hưởng của tinh thần hậu hiện đại theo cách không hề cưỡng ép. Yếu tố hậu hiện đại trong những sáng tác của

ông rất đậm nét và đã đạt đến những thành công nhất định về mặt thủ pháp. Ông đã tạo cho mình một giọng văn khác lạ trong diện mạo văn học Việt Nam đương đại và được sự đón nhận của nhiều độc giả trong và ngoài nước. Sự đóng góp của Hồ Anh Thái cho nền văn học dân tộc trong tiến trình hiện đại hóa và hội nhập với văn học thế giới là rất đáng ghi nhận. Còn với Haruki Murakami, việc được sinh ra đúng trong “hoàn cảnh hậu hiện đại” đã chi phối sâu sắc tới cách cảm, cách nghĩ và cách viết của ông. Tác phẩm của Murakami vừa thấm đẫm tinh thần mỹ học Nhật Bản về sự cô đơn, nỗi buồn, cái đẹp, và quan niệm về cái chết, vừa đậm chất phương Tây. Dấu ấn của tinh thần hậu hiện đại trong văn phong ông đã đạt đến cấp độ bản thể và chạm được vào trái tim của đông đảo độc giả trên toàn thế giới. Những khác biệt trong yếu tố hậu hiện đại ở sáng tác của Hồ Anh Thái và Haruki Murakami đã cho thấy được nét đặc sắc và giá trị nghệ thuật trong sáng tác của hai nhà văn tiêu biểu cho hai nền văn học Việt Nam và Nhật Bản. Từ đây cũng góp thêm một góc nhìn đầy đủ hơn về thực chất hậu hiện đại của văn học Việt Nam và Nhật Bản qua nỗ lực sáng tạo của các nhà văn trong quá trình hướng đến ngôi nhà chung văn chương thế giới.

NHỮNG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CỦA NGHIÊN CỨU SINH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.


[1]. Trần Quang Hưng (2017), Con người bản năng trong sáng tác của Haruki Murakami, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.

Sự khác biệt của yếu tố hậu hiện đại trong sáng tác của Hồ Anh Thái và Haruki Murakami - 20

[2]. Trần Quang Hưng (2017), Kiểu con người tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái, Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[3]. Trần Quang Hưng (2017), Cốt truyện phân mảnh, lắp ghép trong sáng tác của Hồ Anh Thái, Tạp chí khoa học xã hội, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh.

[4]. Trần Quang Hưng (2016), Sự khác biệt của yếu tố liên văn bản trong sáng tác của Hồ Anh Thái và Haruki Murakami, Tạp chí Khoa học, Đại học Tân Trào, Tân Trào.

[5]. Trần Quang Hưng (2013), Tinh thần hậu hiện đại trong một số truyện ngắn Việt Nam qua việc lựa chọn và thể hiện kiểu nhân vật mảnh vỡ, Tạp chí Khoa học, Đại học Quy Nhơn, Bình Định.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


Tiếng Việt


1. Appignanesi R., Gattat Ch. (2006), Nhập môn Chủ nghĩa hậu hiện đại (Trần Tiễn Cao Đăng dịch), Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Ngọc Ánh (2008), “Nhà văn Hồ Anh Thái: sáng tạo, bứt phá trên từng con chữ”, http://www.hanoimoi.com.vn/vn/print/158439/

3. Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh (Biên soạn), (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

4. Đào Tuấn Ảnh (2005), “Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8, tr.43-59.

5. Đào Tuấn Ảnh (2007), “Những yếu tố hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam qua so sánh với văn xuôi Nga”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 12, tr.39-57.

6. Lại Nguyên Ân (1986), “Khi quyền kể chuyện được trao cho nhân vật”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 5.

7. Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến (2003), Văn học hậu hiện đại : Những vấn đề lí thuyết, Nxb Hội nhà văn, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

8. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, (Phạm Vĩnh Cư dịch), Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.

9. M. Bakhtin (2003), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

10. Barthes R. (1997), Độ không của lối viết (Nguyên Ngọc dịch), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

11. Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Đỗ Hải Phong (2013), Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

12. Lê Huy Bắc (tuyển chọn) (2003), Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

13. Lê Huy Bắc (2004), Lí luận, tác gia và tác phẩm (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

14. Lê Huy Bắc (2005), Lí luận, tác gia, tác phẩm (tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

15. Lê Huy Bắc (2012), Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và tiếp nhận, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

16. Nguyễn Thị Bình (2005), “Về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 11, tr.60-66.

17. Nguyễn Thị Bình (2007), Văn xuôi Việt Nam 1975- 1995, những đổi mới cơ bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

18. Antonio Black (1991), “Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại”, (Nguyễn Trung Đức dịch), Tạp chí Văn học, số 5.

19. Lưu Văn Bổng (2002), Văn học so sánh và thế giới hậu thực dân, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8.

20. Bryan Walsh, “Haruki Murakami và hành trình ngược về Nhật Bản” http://evan.vnexpress.net/News/chan- dung/2007/08/3B9AD9E6/

21. Jean Chevalier, Alin Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, (Phạm Vĩnh Cư Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phong, Nguyễn Văn Vĩ dịch), Nxb Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, Thành phố Hồ Chí Minh.

22. Anh Chi (2009), “Hiện tượng văn chương Hồ Anh Thái”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8.

23. Nhật Chiêu (1998), Câu chuyện văn chương phương Đông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

24. Nhật Chiêu (2000), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1863, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

25. Nhật Chiêu, “Murakami – vượt qua giải Nobel” http://tuoitre.vn/văn-hoa-giai- tri/Van-hoc/165946/Murakami-vuot-qua-giai-Nobel.html.

26. Nhật Chiêu, “Rừng Nauy, chân thật và gợi cảm” http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID-160589&ComponentID

27. Diễm Cơ (2004), “Hậu hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8, tr.89- 108.

28. Nguyễn Anh Dân, “Bức họa phi lí và phản quang xã hội trong Biên niên kí chim vặn dây cót”, http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/phe- binh/2009/01/3B9AE2A3.

29. Nguyễn Văn Dân (1997), “Dấu ấn Phương Tây trong văn học Việt Nam hiện đại – Vài nhận xét tổng quan”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2.

30. Nguyễn Văn Dân (1986), “Khái quát về tình hình nghiên cứu văn học so sánh ngày nay trên thế giới”, Thông tin Khoa học xã hội, số 1.

31. Nguyễn Văn Dân (1988), “Văn học so sánh trước nhu cầu đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4.

32. Nguyễn Văn Dân (2011), “Chủ nghĩa hậu hiện đại - Tồn tại hay không tồn tại?” http://vanvn.net/news/11/932-chu-nghia-hau-hien-dai-ton-tai-haykhong- ton-tai.html.

33. Nguyễn Văn Dân (2011), “Cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại - từ khái niệm đến thực tiễn”, http://lyluanvanhoc.com/?p=6343 (28/9/2011).

34. Nguyễn Văn Dân (2012), “Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại đến văn học nghệ thuật trên thế giới và Việt Nam”, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 8.

35. Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

36. Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

37. Trương Đăng Dung (2005), “Trên đường đến với tư duy lí luận văn học hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 12.

Xem tất cả 179 trang.

Ngày đăng: 17/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí