Quan Niệm Về Tài Liệu Văn Học Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Phổ Thông

6.2. Đóng góp của luận văn

Kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần:

- Tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa của TLVH trong DHLS nói chung và DHLS Việt Nam lớp 10 nói riêng.

- Đánh giá đúng thực trạng việc sử dụng TLVH trong DHLS Việt Nam ở trường THPT thành phố Thái Nguyên hiện nay.

- Đề xuất những biện pháp sư phạm trong việc sử dụng TLVH nhằm nâng cao chất lượng DHLS Việt Nam lớp 10 ở trường THPT thành phố Thái Nguyên.

7. Ý nghĩa của luận văn

7.1. Về mặt khoa học

Luận văn góp phần làm phong phú, đa dạng thêm lí luận và PPDH của bộ môn về vấn đề sử dụng TLVH nhằm nâng cao chất lượng DHLS Việt Nam lớp 10 ở trường THPT hiện nay.

7.2. Ý nghĩa thực tiễn

Luận văn là nguồn tài liệu giúp GV lịch sử ở trường THPT thành phố Thái Nguyên sử dụng vào quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng DHLS hiện nay.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

8. Cấu trúc đề tài

Ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn được cấu trúc thành hai chương:

Sử dụng tài liệu văn học trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 10 ở trường Trung học phổ thông thành phố Thái Nguyên - 3

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sử dụng tài liệu văn học trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 10 ở trường trung học phổ thông thành phố Thái Nguyên.

Chương 2: Các biện pháp sử dụng tài liệu văn học trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 10 ở trường trung học phổ thông thành phố Thái Nguyên.

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC SỬ DỤNG TÀI LIỆU VĂN HỌC TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM LỚP 10 Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN


1.1. Cơ sở lý luận

1.1.1. Quan niệm về tài liệu văn học trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông

1.1.1.1. Quan niệm về tài liệu văn học

Từ xa xưa, TLVH đã có sự gắn kết chặt chẽ với lịch sử, thậm chí người ta còn coi “văn sử bất phân”. Nó như một tấm gương trong suốt phản chiếu đời sống con người tại thời điểm đó, là sợi dây khăng khít giữa quá khứ và hiện tại. Theo từ điển“150 thuật ngữ văn học” của các tác Lại Nguyên Ân cho rằng các TPVH là “Công trình nghệ thuật ngôn từ; kết quả hoạt động sáng tác (lao động nghệ thuật) của cá nhân nhà văn, hoặc kết quả nỗ lực sáng tác của tập thể; đơn vị độc lập cơ bản của văn học”[1; tr.359], do vậy các công trình nghệ thuật đều phản ánh rõ ràng các mối quan hệ, sự kiện, hiện tượng, các cung bậc cảm xúc, tâm lí của con người tại thời điểm đó.

Chính vì con người là loài động vật cấp cao có tri giác, đa số thiên về cảm xúc cho nên các TPVH với các hình tượng cụ thể, xúc cảm chân thực luôn có tác động mạnh mẽ đến tâm lí người đọc. Trong các TLVH phản ánh hiện thực xã hội ở mỗi thời kì, chắc chắn rằng các tác giả trước khi viết đã phải rất am hiểu bản chất vấn đề, phải nhìn nhận, phải đánh giá rất khách quan sự kiện muốn viết. Có rất nhiều tác phẩm văn học thực chất như một tư liệu lịch sử chân thực như “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, bản “Tuyên ngôn độc lập” của chủ tịch Hồ Chí Minh hay các tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Những người khốn khổ” của Victor Huygo, “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tonxtoi, “Chí phèo” của Nam Cao, “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng… tất cả các TPVH này đều thể hiện chi tiết thực trạng xã hội đương thời, nó có mối liên kết không nhỏ với các sự kiện lịch sử chúng ta cần tìm hiểu. Như vậy, TLVH có vai trò quan trọng trong quá trình DHLS. Việc sử dụng TLVH không những minh họa cụ thể hơn cho những nội dung lịch sử được đề cập mà

nó còn có vai trò khắc sâu kiến thức, giúp HS dễ dàng ghi nhớ các vấn đề lịch sử và kích thích hứng thú học tập ở các em.

1.1.1.2. Mối quan hệ giữa kiến thức văn học với kiến thức lịch sử

Như trên đã khẳng định, văn học và sử học có mối liên kết mật thiết với nhau. Đối tượng khai thác của văn học và sử học đều xoay quanh con người, xoay quanh xã hội loại người. Nếu như văn học ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, ca ngợi phẩm chất con người hay lên án những thói hư tật xấu trong xã hội thì lịch sử cũng ca ngợi những công lao to lớn của nhân vật lịch sử cụ thể, ca ngợi thiên nhiên hùng vĩ hay phán xét công bằng đối với những người có công - có tội với đất nước. Thực tế chỉ ra rằng, có không ít người vừa làm nhà văn, nhà thơ, vừa làm một nhà sử học. Tiêu biểu là Ngô Sĩ Thời, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Nhiếm, Trịnh Sâm, Ngô Thế Lân, Cao Bá Quát…với những tập thơ nổi tiếng như “Toàn Việt thi tập”, “Hoàng Việt văn hải” của Lê Quý Đôn, “Lịch triều thi sao” của Bùi Huy Ích…

Như chúng ta đã biết, lịch sử là tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ. Chính vì vậy trong khoa học lịch sử đều dựa vào những sự kiện có thật, nhân vật thật ở từng giai đoạn lịch sử nhất định để khắc họa lại bức tranh quá khứ một cách khách quan nhất, chính xác nhất.

Trong lĩnh vực văn học cũng vậy. Mặc dù có những tác phẩm xây dựng hình ảnh nhân vật, sự kiện, hiện tượng không có thật, mang nhiều yếu tố hư cấu, hoang đường hay có tác phẩm xây dựng hình tượng nhân vật dựa trên nhân vật lịch sử có thật, sự kiện thật thì tựu chung để hoàn thiện một tác phẩm, các tác giả đều phải nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử, đặc điểm xã hội con người thời đó mới có cơ sở để viết nên, bởi mỗi thời điểm khác nhau thì hoàn cảnh lịch sử, đặc điểm xã hội cũng khác nhau.

Nội dung của bất kì TPVH nào cũng phán ánh hiện thực xã hội qua con mắt nhìn chủ quan của tác giả. Dù các TPVH có phản ánh đúng hay sai thì chúng ta cũng không thể phủ nhận được vai trò của thực xã hội trong việc tác động vào nhận thức của con người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết rằng văn học là một hình thái ý thức thuộc thượng tầng kiến thức. Mỗi nền văn học đều sinh ra ở một hình thái xã hội nhất định, một giai cấp nhất định. Văn học không tách biệt với bất kì hiện thực xã hội nào, từ mặt

chính trị, kinh tế cho đến xã hội. Khi muốn nghiên cứu về một tác giả, tác phẩm hay một trào lưu văn học nào đó thì chắc chắn trước tiên phải nghiên cứu hoàn cảnh xã hội đương thời hay chính là lịch sử ở thời điểm đó. Chính vì vậy, TLVH có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử nói chung và việc sử dụng TLVH vào dạy học lịch sử nói riêng.

Tóm lại, lịch sử và văn học có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nó khẳng định giá trị của nhau ở nhiều góc độ và trong DHLS hay nghiên cứu lịch sử, không thể nào bỏ qua nguồn tư liệu lịch sử trong văn học. Ngược lại, khi nghiên cứu hay giảng dạy văn học, nếu bỏ qua quá trình tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử gắn với tác phẩm đó thì giá trị nội dung và ý nghĩa truyền đạt cũng mất dần đi.

1.1.2. Các loại tài liệu văn học trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông.

TLVH có nhiều thể loại khác nhau, mỗi loại TLVH mang trong mình một đặc điểm riêng. Chính vì vậy, khi sử dụng TLVH, người GV cần phải xác định độ tin cậy, chính xác, mức độ phản ánh hiện thực khách quan để bài học đạt hiệu quả cao nhất. Trong quá trình DHLS ở trường THPT, GV có thể sử dụng một số loại TLVH sau đây:

Thứ nhất, các tác phẩm văn học dân gian.

Văn học dân gian là các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ được nhân dân sáng tạo ra và lưu truyền bằng miệng qua các thế hệ, các thời kì lịch sử từ thời công xã nguyên thủy cho tới ngày nay. Văn học dân gian là loại hình văn học phong phú, bao gồm nhiều thể loại. Mỗi thể loại có những đặc trưng riêng biệt của nó. Ví dụ: Chuyện cổ tích, chuyện ngụ ngôn, sử thi, truyền thuyết… Đây là loại tài liệu có giá trị cao vì nó phản ảnh nhiều mặt hiện thực xã hội thời điểm đó mà đôi khi lịch sử không kịp ghi chép lại.

Khi nói về văn học dân gian, chúng ta sẽ nhớ đến ngay đặc trưng riêng biệt của loại hình văn học này. Đây là loại hình văn học mang tính truyền miệng, truyền từ đời này sang đời khác, truyền từ người này sang người khác, từ địa phương này sang địa phương khác nên rất nhiều tác phẩm văn học dân gian xuất hiện nhiều dị bản. Bên cạnh đó, với tính chất ra đời từ sáng tác tập thể tức là có một người khởi xướng đầu tiên, tác phẩm hình thành và sau đó được tập thể tiếp nhận. Qua quá trình lưu truyền, các tác

phẩm văn học dân gian được người tiếp nhận sáng tác lại làm cho tác phẩm biến đổi dần, hoàn thiện, phong phú thêm về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật.

Văn học dân gian là tài sản chung của một tập thể nên mỗi cá nhân đều có thể sửa chữa, bổ sung tác phẩm văn học dân gian theo quan điểm và khả năng nghệ thuật của bản thân. Nếu nắm rõ các đặc điểm này, người GV khi sử dụng văn học dân gian biết loại bỏ các yếu tố hư cấu, thần bí, hoang đường thì sẽ phát hiện những yếu tố lịch sử trong các tác phẩm văn học dân gian. Những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, sử thi sẽ là nguồn tài liệu bổ ích làm sinh động, chân thực những bài học lịch sử cụ thể.

Ví dụ: khi HS đọc tác phẩm văn học dân gian truyền thuyết “Thánh Gióng” nếu loại bỏ các yếu tố hoang đường thì HS sẽ nhận thấy rõ hoạt động đời sống sinh hoạt, lao động, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thời Văn Lang thông qua các sự kiện được thể hiện khá chân thực trong tác phẩm. Từ đó, HS hiểu được yêu cầu cấp thiết chống giặc ngoại xâm thời bấy giờ như thế nào. Bên cạnh đó, còn giúp người đọc nhận thấy vai trò của công cụ bằng sắt trong sản xuất và chiến đấu. Các tác phẩm văn học dân gian không chỉ minh họa sinh động sự kiện lịch sử cần học mà nó còn có vai trò làm cho bài giảng trở nên hấp dẫn hơn, tạo không khí học lịch sử gần gũi, dễ hiểu hơn.

Việc sử dụng TLVH vào DHLS không chỉ góp phần làm nâng cao chất lượng giáo dục mà còn bồi đắp cho các em tình yêu quê hương, đất nước. Trau dồi vốn văn hóa truyền thống, ít nhiều có tác dụng giáo dục về mặt đạo đức của HS.

Thứ hai, kí sự, hồi kí, nhật kí của các nhân vật lịch sử.

Những tác phẩm này mang màu sắc quan điểm cá nhân vì họ chính là người trong cuộc, trải nghiệm những sự kiện lịch sử đã qua, ghi chép lại, miêu tả, tường thuật lại một cách chi tiết, tỉ mỉ bằng chính con mắt, chính xúc cảm của mình. Qua cách kể truyện của ngôi thứ nhất, khi sử dụng thể loại TLVH này vào DHLS ở mỗi tiết học, HS sẽ được trải nghiệm giống như hoà mình làm chính tác giả, như bản thân trực tiếp chứng kiến và hồi tưởng lại một cách chân thực nhất. Từ đó, khơi gợi những cảm xúc mãnh liệt ở các em. Khi các em đã có những xúc cảm yêu cầu thì nội dung bài học đi vào trong tâm trí các em rất thoải mái nhẹ nhàng, đơn giản mà khắc nhớ rất sâu. Cùng với đó nó còn phát triển thái độ và đạo đức của HS. Các em sẽ cảm thấy yêu ghét rõ

ràng hơn, cảm thấy biết ơn hơn, ngưỡng mộ hay mến phục hơn. Khi học về các sự kiện, các chiến dịch trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, GV có thể liên hệ một số những tấm gương tiêu biểu của thế hệ trẻ sẵn sàng hi sinh, sẵn đánh đổi tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của Tổ Quốc, từ đó sẽ là bài học giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay.

Ví dụ: khi dạy về phần lịch sử Việt Nam thời phong kiến (SGK Lịch sử 10), GV có thể sử dụng các tác phẩm như “Thượng thư kí sự” của Lê Hữu Trác, “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái, “Vũ trung tùy bút”, “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ để lấy tư liệu minh họa cho bài giảng.

Thứ ba, thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch lịch sử

Đây là thể loại văn học lấy một giai đoạn lịch sử khung cảnh và đưa vào đó những hoàn cảnh xã hội chân thực qua con mắt của cá nhân trung thành với lịch sử (tuy nhiên không thể phủ nhận một số tác phẩm sự trung thành đi sai hướng). Các TPVH đó đề cập tới nhân vật lịch sử có thật hoặc có sự hòa trộn giữa nhân vật lịch sử thật và nhân vật hư cấu.

Trong thể loại văn học này, lịch sử chính là chất liệu để sáng tác. Mặc dù giá trị của TPVH không chỉ nằm ở khía cạnh chân lí mà còn nằm ở khía cạnh nghệ thuật nhưng nghệ thuật phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ từ chân lí lịch sự. Nếu không có chân lí lịch sử, nghệ thuật sẽ không có đất để phát triển. Chính vì thế, khi dạy lịch sử Việt Nam lớp 10, người GV có thể khai thác một số tác phẩm sau: “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia văn phái, “Trạng Quỳnh”, “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn, “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều hay hàng loạt TPVH có giá trị khác. Nếu người GV biết sử dụng những loại TLVH này vào dạy học, nó sẽ đem lại màu sắc và hơi thở mới cho các tiết học lịch sử ở trường THPT hiện nay.

Thứ tư, các TPVH ra đời từ những sự kiện cụ thể của lịch sử và phản ánh bằng hình tượng văn học.

Để tạo ra những TPVH này, các nhà văn đã lấy chất liệu sáng tác ngay trong chính cuộc sống của mình, tức là những tác phẩm này giống như những bức tranh ngôn từ miêu tả, phán ánh chân thực xã hội ở một giai đoạn, một thời điểm lịch sử nhất định.

Nhìn chung, các TPVH là tấm gương lớn phán ảnh hiện thực xã hội một cách sống động. Nó có vai trò lớn trong việc nâng cao tầm hiểu biết của GV và HS về xã

hội, về con người ở một thời điểm lịch sử nhất định. Khi dạy học phần lịch sử Việt Nam, bên cạnh việc sử dụng tài liệu lịch sử thì người GV có thể lấy một số TPVH phù hợp để làm tư liệu cho bài học, tránh việc chỉ tập trung khai thác ở các tài liệu lịch sử làm cho HS dễ nhàm chán và nản chí.

Ví dụ: Khi dạy bài 19: “Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X-XV”, mục II “Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII” (SGK Lịch Sử 10), GV có thể sử dụng tác phẩm “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo để khắc sâu cho sự kiện đó. Đây là TPVH viết theo thể loại hịch - thể văn nghị luận thời xưa, được viết theo thể văn biền ngẫu (từng cặp câu cân xứng với nhau) thường được các vua chúa, tướng lĩnh viết ra dùng để cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. “Hịch tướng sĩ” miêu tả chân thực những tâm tư, trăn trở của vị tướng lỗi lạc nhà Trần - Trần Hưng Đạo trước sự nhăm nhe xâm lược đất nước của quân Mông Nguyên “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa cũng cam lòng [11; tr.57]. Hay để khích lệ tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại của binh lính Đại Việt thời đó “Nay ta bảo rõ các ngươi: cái chuyện dấm lửa đống củi phải lo, mà câu sợ canh thổi rau nên nhớ. Các ngươi hãy nên huấn luyện quân sĩ, rèn tập cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, bêu đầu Tất Liệt dưới cửa khuyết, ướp thịt Thoát Hoan trong trại rơm. Như thế chẳng những là thá ấp của ta mãi mãi là của gia truyền, mà bổng lộc các ngươi cũng được suốt đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được yên giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng được sum họp đến già; chẳng những là tông miếu ta sẽ được muôn đời tế lễ, mà tổ tông các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm; chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà đến các người dưới trăm đời nữa tiếng thơm vẫn lưu truyền; chẳng những tên tuổi ta không bị mai một, mà đến tên họ các người cũng để tiêng thơm trong sử xanh. Khi ấy các ngươi không muốn vui chơi, được chăng?” [11; tr.57].

Trong quá trình dạy học, GV kết hợp tài liệu lịch sử với ĐDTQ và TLVH, chắc chắn rằng bài học sẽ để lại ấn tượng sâu sắc với HS. Các em sẽ hiểu hơn hoàn cảnh lịch sử thời điểm đó, sự cấp bách trong việc chống giặc ngoại xâm, tinh thần đấu tranh quật

cường của quân và dân Đại Việt trước kẻ thù hung bạo Mông Nguyên. Từ đó, khiến các em cảm thấy rằng: Học lịch sử không nhàm chán ngược lại rất thú vị, chân thực và cần thiết cho bản thân.

Như vậy, việc sử dụng các TPVH ra đời từ những sự kiện cụ thể của lịch sử có vai trò như một chất xúc tác minh chứng rõ nét hơn những nội dung cần học trong chương trình lịch sử Việt Nam ở trường THPT.

1.1.3. Xuất phát điểm của vấn đề nghiên cứu

1.1.3.1. Xuất phát từ mục tiêu bộ môn lịch sử ở trường phổ thông

Môn Lịch sử ở trường THPT được xây dựng trên cơ sở mục tiêu giáo dục, mục tiêu từng cấp học, dựa trên cơ sở các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về sử học và giáo dục. Mục tiêu bộ môn lịch sử căn cứ vào nội dung, đặc trưng của hiện thực lịch sử, nhận thực lịch sử, yêu cầu và nhiệm vụ tình hình hiện nay. DHLS phải dựa vào mục tiêu chung của Đảng đề ra thông qua Luật Giáo dục được nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa X thông qua ngày 25/12/2001: “Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[35; tr.8] và mới nhất là Luật giáo dục 2019 đã khẳng định: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”[36], trên cơ sở đó quán triệt mục tiêu cụ thể môn học: “Mục tiêu của môn Lịch sử ở trường phổ thông nhằm giúp cho học sinh có được những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới; góp phần hình thành ở HS thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, cách mạng; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội”[4; tr.3]. Vì vậy, mục tiêu của bộ môn Lịch sử được xác định trên ca ba mặt: kiến thức, kỹ năng, thái độ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/11/2023