truyền thống của cha ông. Thấy được trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa và nỗ lực để đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn hơn, hình thành tư duy kinh tế và nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão xây dựng quê hương trong các em. Buổi trải nghiệm cũng tạo cơ hội cho HS bộc lộ cá tính, năng lực, sở trường của cá nhân, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó trong tập thể lớp, tạo ra không khí thoải mái sau những giờ học căng thẳng trên lớp.
Bước 5. Xây dựng nội dung học tập
Nội dung học tập được xây dựng trên cơ sở kiến thức khoa học của các thành tố STEAM, trong đó yếu tố khoa học gồm có kiến thức khoa học của các bộn môn Lịch sử, Địa lý, Hóa học…Mức độ kiến thức tích hợp phải đảm bảo vừa sức với học sinh. Bên cạnh đó nội dung học tập của chủ đề phải có ý nghĩa thực tiễn và phù hợp với cuộc sống và trải nghiệm của người học.
Bước 6. Thiết kế nhiệm vụ
Trong bước này GV cần đảm bảo các nhiệm vụ học tập đạt được các yêu cầu sau: phát huy được năng lực giải quyết vấn đề; năng lực tự học; năng lực sáng tạo; năng lực hợp tác, quản lý và năng lực giao tiếp. Căn cứ những yêu cầu nêu trên, chúng tôi xác định nhiệm vụ của các nhóm trong học tập chủ để trên như sau:
Nhóm 1: Tìm hiểu về lịch sử hình thành của làng nghề, quy mô làng nghề, sản lượng, thị trường tiêu thụ.
Nhóm 2: Quy trình tạo ra một sản phẩm cụ thể
Nhóm 3: Đánh giá vai trò của các sản phẩm đối với đời sống của các gia đình trong làng nghề; sưu tầm các bài hát, thơ ca về nghề rèn ở Phúc Sen
Nhóm 4: Khảo sát mức độ gắn bó với nghề của cư dân trong làng, nhất là các thanh niên trong làng trong độ tuổi từ 18-25 tuổi.
Bước 7. Tổ chức thực hiện và đánh giá
Có thể bạn quan tâm!
- Vị Trí, Mục Tiêu, Nội Dung Chương Trình Phần Lịch Sử Việt Nam Ở Trường Thpt
- Nội Dung Cơ Bản Phần Lịch Sử Việt Nam Trong Chương Trình Thpt Năm 2018
- Một Số Biện Pháp Sử Dụng Di Sản Công Viên Địa Chất Toàn Cầu Unesco Non Nước Cao Bằng Trong Dạy Học Lịch Việt Nam Ở Trường Thpt
- Bảng Kết Quả Kiểm Tra Trắc Nghiệm Bài Nội Khóa Tại Thực Địa
- Thầy (Cô) Vui Lòng Cho Biết Mức Độ Cần Thiết Của Việc Dạy Sử Dụng Di Sản Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Thpt Trong Bối Cảnh Đổi Mới Giáo Dục
- Em Thấy Bộ Môn Lịch Sử Có Ý Nghĩa Như Thế Nào Đối Với Học Sinh Thpt?
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện và đánh giá, GV chú ý đánh giá các tiêu chí đánh giá năng lực học sinh và tính hiệu quả của chủ đề.
Như vậy, nếu giữ nguyên cách hiểu về từng khái niệm thành phần trong STEAM thì các môn KHXH sẽ khó và ít có cơ hội để triển khai giáo dục STEAM, trong khi các môn Lịch sử, Địa lý…đều được xây dựng trên cơ sở những kiến thức khoa học. Thiết nghĩ bản chất của STEAM chính là “dạy học dựa trên ý tưởng, trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ và toán học theo cách tiếp cận liên môn mà người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày” [12, tr.23]. Do đó, trước những vấn đề cấp thiết hiện nay của xã hội, của cuộc sống và những giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống tác giả cho rằng “nên” và “cần thiết” đưa STEAM vào học tập các môn KHXH với những hình thức thích hợp và nhận được sự đồng tình của các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục.
2.4.4. Sử dụng di sản để thiết kế các hoạt động ngoại khóa trong DHLS
Theo Từ điển Tiếng Việt: “Ngoại khóa là môn học hoặc hoạt động giáo dục ngoài giờ, ngoài chương trình chính thức; phân biệt với nội khóa” [26, Tr.1058] từ đó có thể hiểu đây là hoạt động được do GV chủ động thiết kế và tổ chức nhằm hỗ trợ, bổ sung, củng cố những kiến thức đã học trên lớp trong các giờ chính khóa; thúc đẩy, tạo động cơ, hứng thú học tập. Ngoài ra hoạt động ngoại khóa còn tạo cơ hội cho HS được thử sức với môi trường mới, có cơ hội bộc lộ năng khiếu, sở trường đặc biệt là khả năng sáng tạo, học qua trải nghiệm. Thậm chí còn là cơ hội để các em rèn luyện và nâng cao năng lực giao tiếp, giải quyết vấn đề qua đó giúp các em hình thành ý thức tập thể, yêu lao động, đoàn kết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Hoạt động ngoại khóa và nội khóa tuy có sự phân biệt nhưng trên thực tế lại có mối quan hệ khăng khít với dạy học nội khóa do đó GV tuyệt đối không được quan niệm hoạt động chính khóa mới quan trọng và cần phải đầu tư còn hoạt động ngoại khóa chỉ là phụ. Vì, dù được tiến hành ở những thời điểm khác nhau nhưng thực chất đều cùng hướng tới mục đích vì người học. Hoạt động ngoại khóa cho phép GV có điều kiện các kế hoạch học tập một cách chủ động,
có thể lồng ghép, tích hợp kiến thức liên môn, nội môn phù hợp với năng lực của HS.
GV căn cứ nội dung di sản CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng, GV có thể xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động ngoại khóa vào dịp hè, đầu năm học hoặc nhân dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn trong năm như ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), ngày thành lập Đảng (03/02), kỉ niệm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5)… ngày truyền thống của quê hương…Để cho việc tổ chức được chu đáo, tránh các sự cố xảy ra, GV cần xây dựng kế hoạch và dự kiến thời gian, phân công nhiệm vụ cụ thể. Nhất là khâu chuẩn bị cần được tiến hành chu đáo và cẩn thận. Đồng thời để buổi tham quan di sản đạt kết quả tốt cần có sự phối hợp giữa GV các bộ môn liên quan với tổ chức Đoàn - Đội trong nhà trường.
Trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi dự kiến xây dựng kế hoạch ngoại khóa dưới hình thức dạ hội lịch sử với chủ đề: “Âm vang Pác Bó”.
Mục tiêu của hoạt động: Giúp HS củng cố, hoàn thiện kiến thức cơ bản đã được học trong giờ nội khóa về Cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Bước phát triển của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1950-1953). Giúp HS hiểu sâu sắc hơn về vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và những tình cảm của Người dành cho nhân dân các dân tộc Cao Bằng.
Về tư tưởng, thái độ: Giáo dục cho học sinh lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, và lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Giáo dục HS truyền thống yêu nước, lòng tự hào; bồi dưỡng HS lý tưởng sống, có ý thức trách nhiệm đối với đất nước trong công cuộc đổi mới hiện nay; tạo thêm niềm yêu thích, say mê trong học tập, khám phá lịch sử.
Về kĩ năng: Rèn cho HS khả năng diễn xuất, hùng biện trước đám đông; phát triển tư duy lịch sử, tranh luận, làm việc nhóm, phát triển các năng lực
chuyên biệt (múa hát, diễn kịch, dẫn chương trình...); phát triển khả năng vận động và phối hợp theo nhóm...
Nội dung chương trình ngoại khóa gồm các nội dung như: dâng hương tưởng niệm, viết cảm nghĩ và tổ chức các phần thi.
Phần thi tìm hiểu kiến thức: “Theo dấu chân Bác”: Ở phần thi này, 04 đội thi sẽ bốc thăm 01 gói câu hỏi với chủ đề về các hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng. Mỗi gói câu hỏi gồm có 10 câu. Trong vòng 2 phút, mỗi đội sẽ được nghe người dẫn chương trình đọc lần lượt các câu hỏi và đội phải trả lời thật nhanh. Trả lời đúng 1 câu được 10 điểm; trả lời sai không được điểm. Với câu hỏi không trả lời được, các đội “bỏ qua” để chuyển sang câu hỏi khác. Nếu còn thời gian, các đội có thể quay lại các câu hỏi đã bỏ qua trước đó để trả lời.
Phần thi kể chuyện về Bác Hồ với Cao Bằng: “Những ký ức không quên”: Ở phần thi này, mỗi đội thi kể một câu chuyện về Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Cao Bằng trong khoảng thời gian 7-10 phút.
Phần thi vận động liên hoàn: “Hành trình về nguồn cội”: Trò chơi được thiết kế thành 4 chặng: Ra khơi - Xuyên rừng - Vượt qua cột mốc - Về nguồn. Mỗi đội thi gồm 10 thành viên. Đội thi vượt qua mỗi chặng sẽ được nhận 01 mảnh ghép của bức tranh/ảnh về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành 4 phần thi, mỗi đội có 4 mảnh ghép để tạo thành bức tranh hoàn chỉnh. Trên cơ sở bức tranh hoàn thiện, các đội đọc ra tên sự kiện/ hoạt động của Bác Hồ trên hành trình cứu nước.
* Chặng 1: Ra khơi.
Mỗi đội thi sẽ thực hiện trò chơi “Đua thuyền”: Các thành viên ngồi xếp thành hang dọc, hai chân của người ngồi sau bắt vào eo của người ngồi trước để tạo thành con thuyền, tay sử dụng phối hợp cùng toàn đội di chuyển trên chặng dài khoảng 15-20m. Khi có hiệu lệnh xuất phát, các đội mới được di chuyển. Điểm cho các đội về đích: về thứ nhất 20 điểm; về thứ hai 15 điểm; về thứ ba 10 điểm và về cuối 5 điểm.
Mỗi đội khi về đích chặng 1 sẽ nhận được 1 mảnh ghép của bức tranh.
* Chặng 2: Xuyên rừng
Mỗi thành viên trong đội chơi sẽ lần lượt vượt qua chướng ngại vật là các ống lưới có chiều dài 1,5-2m. Sau khi người đầu tiên trong đội vượt qua xong thì mới đến lượt người tiếp theo cho đến hết các thành viên của đội. Điểm cho các đội hoàn thành: thứ nhất 20 điểm; thứ hai 15 điểm; thứ ba 10 điểm và cuối cùng 5 điểm. Mỗi đội khi về đích chặng 2 sẽ nhận được mảnh ghép thứ hai của bức tranh.
* Chặng 3: Vượt qua cột mốc
Mỗi đội thành lập 5 cặp chơi. Khi có hiệu lệnh xuất phát, mỗi cặp quay lung vào nhau, đặt quả bóng ép giữa. Hai người dùng lưng để giữ không để bóng rơi, cùng di chuyển tới cột mốc đã dựng sẵn (điểm đặt mốc cách điểm xuất phát 10m), vòng qua cột mốc và trở về vị trí xuất phát để chuyển bóng cho cặp tiếp theo. Lần lượt như vậy đến khi 5 cặp hoàn thành. Điểm cho các đội hoàn thành: thứ nhất 20 điểm; thứ hai 15 điểm; thứ ba 10 điểm và cuối cùng 5 điểm. Đội nào làm bóng bị rơi trong khi di chuyển trừ 2 điểm/lần. Mỗi đội khi về đích chặng 3 sẽ nhận được mảnh ghép thứ ba của bức tranh.
* Chặng 4: Về nguồn
Các thành viên trong đội buộc chân vào nhau theo kiểu “10 người 9 chân” tại vạch xuất phát. Khi có hiệu lệnh, các đội di chuyển trên quãng đường dài 15-20m. Điểm cho các đội về đích: về thứ nhất 20 điểm; về thứ hai 15 điểm; về thứ ba 10 điểm và về cuối 5 điểm. Mỗi đội khi về đích chặng 4 sẽ nhận được mảnh ghép thứ tư của bức tranh.
* Kết: Mỗi đội ghép tranh xong phải nêu được sự kiện/hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà bức tranh/ảnh phản ánh. Mỗi đội sẽ được 20 điểm nếu nêu đúng sự kiện/ hoạt động. Trả lời sai, các đội không được điểm.
- Phần thi trình diễn trang phục truyền thống của nhân dân các dân tộc Cao Bằng: các đội chơi sẽ có từ 5-7 phút để trình bày các trang phục
truyền thống của Cao Bằng. Phần trình diễn cần có lời bình và nhạc nền đã chuẩn bị sẵn.
Phần giao lưu văn nghệ: Mỗi nhóm chuẩn bị 01 tiết mục văn nghệ, giao lưu với Ban quản lý khu di tích và nghệ nhân địa phương.
Di sản CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng không chỉ đóng vai trò như một tài liệu trực quan đặc biệt mà còn là một nguồn cung cấp kiến thức sinh động, một lại liệu gốc đặc biệt và có giá trị khoa học. Việc xác định phù hợp các hình thức tổ chức dạy học để vận dụng linh hoạt các biện pháp sử dụng di sản CVDDCTC UNESCO Non nước Cao Bằng trong dạy học là việc làm cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả bài học. Một trong những thế mạnh của di sản chính là khả năng đưa HS vào môi trường học tập mới mẻ - học qua thực tiễn - học trong trải nghiệm qua nghiên cứu, tìm tòi, thực hành, khám phá để chiếm lĩnh tri thức. Học lịch sử kết hợp với trải nghiệm và khám phá di sản không chỉ giúp HS hiểu sâu sắc sự kiện lịch sử mà còn giúp các em nhận thức sâu sắc các giá trị lịch sử và văn hóa của địa phương liên quan đến sự kiện lịch sử đó, các em nhận thức được trách nhiệm của những “chủ nhân” của di sản quê hương, hướng tới mục tiêu không chỉ nhận thức cho bản thân mà còn tự tin giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước giá trị của những vẻ đẹp về danh thắng kết hợp với giá trị lịch sử, văn hóa. Đây là một trong những đặc trưng và cũng là thế mạnh của giáo dục thông qua di sản nói chung.
2.5. Thực nghiệm sư phạm
2.5.1. Mục đích thực nghiệm
Chứng minh hiệu quả của những biện pháp sư phạm về sử dụng di sản CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng trong dạy học lịch sử Việt Nam được công bố trong luận văn, khẳng định tính khả thi của vấn đề nghiên cứu, từ đó khẳng định tính đúng đắn của giả thuyết khoa học đã nêu.
2.5.2. Đối tượng, địa bàn thực nghiệm
- Đối tượng thực nghiệm: Chúng tôi lựa chọn 02 lớp thực nghiệm và 02 lớp đối chứng tại 02 trường THPT khác nhau trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. HS
tại lớp thực nghiệm và lớp đối chứng đã trải qua bài test nhanh để kiểm tra mặt bằng nhận thức chung, kết quả HS ở lớp thực nghiệm và lớp đối chứng có mức độ tương đương nhau.
- Địa bàn thực nghiệm: Trường THPT Trà Lĩnh và Trường THPT Nà Giàng. Đây là hai trường nằm trong phạm vi CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng.
2.5.3. Nội dung thực nghiệm
Đối với dạng bài nội khóa tại thực địa: chúng tôi tiến hành thực nghiệm chủ đề tích hợp theo định hướng giáo dục STEAM với chủ đề “Bác Hồ với Cao Bằng”, tổ chức dạy học tại thực địa - Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Đối với dạng bài nội khóa trên lớp: chúng tôi lựa chọn bài 18 (Lịch sử 12). Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống TD Pháp (1946
- 1950). Nội dung của bài có thể khai thác và sử dụng di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 để tổ chức dạy học.
2.5.4. Phương pháp và kết quả thực nghiệm
2.5.4.1. Đối với bài nội khóa tại thực địa
* Để chuẩn bị thực nghiệm, chúng tôi tiến hành xây dựng hai kiểu giáo án cho chủ đề liên môn tích hợp “Bác Hồ với Cao Bằng ” và sử dụng phương pháp dạy học theo dự án, cụ thể:
Giáo án TN: Sử dụng di sản CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng (Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó - Hà Quảng) kết hợp với một số biện pháp được đề xuất trong luận văn.
Giáo án ĐC: Giáo án thông thường, tổ chức dạy học trên lớp.
Trong quá trình tiến hành thực nghiệm chúng tôi có sự trao đổi, thống nhất về cách thức tổ chức dạy học, biện pháp sư phạm cũng như quy trình tổ chức dạy học một chủ đề tích hợp liên môn theo định hướng STEAM với GV. Đồng thời trực tiếp dự giờ, quan sát, đánh giá để đưa ra nhận định và kết luận phù hợp.
Chuẩn bị: Xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học tại di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, xin ý kiến chỉ đạo, xây dựng nội dung chủ đề, dự kiến thời gian, thành phần tham gia, chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất cho buổi học. Trao đổi thống nhất với cán bộ tại khu di tích về những nội dung do cán bộ khu di tích trực tiếp làm rõ cho HS.
Về phía HS: GV cung cấp một số tài liệu, tư liệu và chia nhóm, giao nhiệm vụ (khởi động dự án) trước khi tiến hành bài học tại thực địa.
Chúng tôi tổ chức các hoạt động học tập, cụ thể:
- Giới thiệu khái quát chung về khu di tích, hệ thống lại kiến thức lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ từ năm 1911-1941. Nêu vấn đề: Vì sao năm 1941 Bác Hồ về nước lại quyết định lựa chọn Pác Bó - Cao Bằng là nơi ở và làm việc?
- Giao nhiệm vụ theo nhóm:
Nhóm 1: Vì sao năm 1941 Bác Hồ quyết định về nước? Vì sao Người lại lựa chọn Pác Bó làm nơi ở và làm việc?
Nhóm 2: Hành trình về nước của Bác đã diễn ra như thế nào? Trong thời gian ở Pác Bó, Bác Hồ đã liên lạc với bên ngoài như thế nào?
Nhóm 3: Từ Pác Bó Bác Hồ đã xây dựng và huấn luyện lực lượng cho cách mạng như thế nào?
Nhóm 4: Từ những kiến thức đã học hãy rút ra những bài học việc lựa chọn căn cứ và xây dựng hậu phương trong kháng chiến
- Yêu cầu về sản phẩm cần đạt của các nhóm: sản phẩm có thể bài thuyết trình, clip ảnh hoặc video, khuyến khích HS tìm tòi, sử dụng các hình thức báo cáo mới mẻ, có nội dung ngắn gọn, trọng tâm.
* Kết quả thực nghiệm: Sau khi tiến hành thực nghiệm, chúng tôi tiến hành kiểm tra kết quả đạt được bằng bài kiểm tra với hai loại đề trắc nghiệm và tự luận. Kết quả thu được như sau: