Sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản theo pháp luật ở Việt Nam - 3

Một quyền muốn được coi là tài sản thì trước hết quyền đó phải trị giá được bằng tiền. Đây là đặc điểm nhằm phân biệt quyền tài sản với quyền nhân thân. Quyền nhân thân được ghi nhận trong BLDS là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (điều 24 BLDS 2005). Quyền nhân thân là các quyền liên quan đến giá trị tinh thần và gắn liền với mỗi cá nhân, quyền nhân thân cũng là nội dung cơ bản của phạm trù nhân quyền. Chính vì vậy quyền nhân thân không thể trị giá được bằng tiền mà chỉ có các quyền tài sản mới có thể trị giá được bằng tiền. Giá trị của quyền tài sản có được thông qua các hình thức pháp lý khác nhau như : thông qua hợp đồng dân sự như quyền đòi nợ, quyền sử dụng tài sản thuê... hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản hoặc thông qua hoạt động sáng tạo ra tác phẩm hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu công nghiệp... Có một số quyền tài sản gắn liền với yếu tố nhân thân như quyền tác giả và các quyền liên quan và trong một số trường hợp yếu tố nhân thân ảnh hưởng lớn đến giá trị của quyền tài sản đó ví dụ như tác phẩm của một họa sĩ nổi tiếng sẽ có giá trị lớn hơn rất nhiều so với tác phẩm của một họa sĩ bình thường. Các quyền sở hữu trí tuệ là các quyền vô hình và giá trị của các quyền đó có thể thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nên việc định giá tài sản trí tuệ là rất khó.

Đặc tính cơ bản thứ hai của quyền tài sản theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành đó là quyền đó có thể được chuyển giao trong giao lưu dân sự. Điều này có nghĩa quyền tài sản phải là quyền được tự do lưu thông trong các giao dịch dân sự. Tuy nhiên với yêu cầu này của điều 181 BLDS 2005 thì còn nhiều loại quyền mang tính chất tài sản có nghĩa là có thể được định giá bằng tiền nhưng không thể tự do chuyển giao trong giao dịch dân sự như các quyền tài sản gắn liền với nhân thân (quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế…) thì không phải là quyền tài sản. Như vậy nội hàm của khái niệm quyền tài sản trong pháp luật Việt Nam dường như có sự khác biệt so với pháp luật của các quốc gia khác trên thế giới. Ví dụ: trong Luật về quyền tài sản của Trung Quốc được ban hành vào ngày 16 tháng 3

năm 2007 thì khái niệm quyền tài sản được ghi nhận như một loại quyền đối lập hoàn toàn với quyền nhân thân đó chính là “quyền tài sản là quyền có thể được định giá bằng tiền”. Khái niệm quyền tài sản trong Luật Trung Quốc có nội hàm rộng hơn khái niệm đó trong luật Việt Nam vì còn bao gồm cả các quyền gắn với nhân thân nhưng lại có tính cách tài sản.

Cũng theo quan điểm của các nhà làm luật thì thông qua định nghĩa tại điều 181 và các quy định khác của BLDS 2005, khác với vật (tài sản hữu hình) quyền tài sản là tài sản vô hình. Để tồn tại với ý nghĩa là tài sản vô hình thì ngoài việc đáp ứng được hai điều kiện được nêu ở điều 181, các tài sản vô hình còn phải có một số đặc điểm sau [2, tr. 426]:

Đầu tiên, tài sản vô hình cần phải nhận dạng được. Việc nhận dạng tài sản vô hình có thể thông qua một số chứng cứ hữu hình để có thể mô tả được loại tài sản vô hình đó. Ví dụ: một sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học – công nghệ nếu mới chỉ hình thành trong ý nghĩ của người sáng tạo chúng thì chưa được coi là tác phẩm và người có ý nghĩ đó chưa được bảo hộ quyền tác giả mà ý nghĩ đó phải được thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định thì mới được bảo hộ (điều 737 BLDS 2005); hay các quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa... thì quyền sở hữu các đối tượng này được thể hiện bằng giấy chứng nhận do các cơ quan nhà nước cấp. Quyền sử dụng đất hay quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề thể hiện ở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thỏa thuận sử dụng hạn chế bất động sản liền kề được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các trái quyền được ghi nhận trong hợp đồng, trong quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc một số loại quyền được ghi nhận tại giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như là giấy phép khai thác khoáng sản... Đây là một điều kiện quan trọng để một quyền vô hình được coi là tài sản vì nếu không thể nhận biết được thì pháp luật cũng như các chủ thể khác không thể công nhận và tôn trọng quyền của chủ sở hữu đối với loại tài sản đó và nếu không thể nhận biết được thì bản thân chủ sở hữu quyền tài sản đó cũng không thể thực hiện quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản của mình.

Tiêu chí thứ hai là phải nhận biết được thời điểm bắt đầu cũng như kết thúc quyền tài sản đó. Việc nhận biết sự tồn tại của quyền tài sản cũng việc dựa trên các bằng chứng, tài liệu xác nhận quyền tài sản như đã phân tích ở trên. Đối với các vật quyền thì ngoài các căn cứ nói trên, ở một số nước có thiết lập hệ thống đăng ký các vật quyền tạo điều kiện cho tất cả các chủ thể quan tâm có thể biết được về sự tồn tại của vật quyền đó.

Tiêu chí thứ ba là chủ sở hữu tài sản vô hình được pháp luật bảo vệ khi quyền sở hữu bị xâm phạm thì chủ sở hữu cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý khi thực hiện quyền sở hữu các loại tài sản vô hình này [58, tr. 51]. Thực ra đây là yếu tố luật định mà không phải chỉ là đặc điểm riêng của quyền tài sản mà còn là đặc điểm của tài sản nói chung.

Cách hiểu thứ hai về khái niệm quyền tài sản đó là “quyền tài sản hiểu theo nghĩa rộng là quyền của các cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình và yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình” [57, tr. 7]. Thông qua khái niệm quyền tài sản nêu trên, chúng ta có thể hiểu quyền tài sản được thể hiện dưới hai dạng đó là “quyền của các cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình” “quyền yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình”. Tuy nhiên việc ghi nhận quyền tài sản là “quyền của các cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình” khiến người ta có thể hiểu ngay đó là quyền sở hữu tuy nhiên quyền tài sản không chỉ là quyền sở hữu mà còn bao gồm rất nhiều quyền đối vật khác ví dụ như quyền hưởng dụng (quyền hưởng dụng là một vật quyền có thời hạn trên tài sản của người khác), quyền địa dịch... mà các quyền này không thực hiện trên tài sản thuộc sở hữu của chính người đó mà được thực hiện trên tài sản của người khác. Quyền sở hữu bản chất là một quyền tài sản tiêu biểu nhưng không thể cấu thành khái niệm quyền tài sản một cách đầy đủ. Còn việc quy định quyền tài sản là “quyền yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình” đã nêu lên bản chất của các trái quyền, là quyền đối nhân. Như vậy

khái niệm quyền tài sản nêu trên chỉ bao gồm hai bộ phận cấu thành là quyền sở hữu tài sản và quyền đối nhân mà thiếu đi sự ghi nhận của nhiều loại quyền tài sản khác (các quyền đối vật khác ngoài quyền sở hữu và các quyền SHTT) do đó khái niệm này chưa thật đầy đủ và chính xác.

Cách hiểu thứ ba về khái niệm quyền tài sản đó là quyền tài sản được hiểu là cách cư xử của con người với nhau liên quan đến tài sản. “Trong quyền tài sản bao giờ cũng có hàm ý tập trung quyền kiểm soát cho người này, giới hạn và loại trừ quyền đó đối với người khác. Quyền tài sản được hiểu là tập hợp của rất nhiều quyền và lợi ích cơ bản như quyền kiểm soát việc sử dụng tài sản, quyền thụ hưởng lợi nhuận thu được từ việc sử dụng tài sản, các quyền chuyển nhượng, thế chấp tài sản” [34]. Đây là cách hiểu về quyền tài sản có nội hàm khá rộng theo đó quyền tài sản là khả năng của chủ thể thu được những lợi ích vật chất nhất định từ việc sử dụng, khai thác quyền của mình và quyền đó hạn chế, loại trừ các chủ thể khác. Cách hiểu này đặt quyền tài sản trong mối tương quan giữa các quan hệ xã hội chứ không coi quyền tài sản là một loại tài sản đặt bên cạnh các loại tài sản khác như quy định của BLDS 2005.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Sở dĩ còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về quyền tài sản là do BLDS chưa đưa ra được khái niệm đầy đủ và chính xác về quyền tài sản. “Có thể thấy rằng khái niệm quyền tài sản được nêu tại điều 181 BLDS 2005 là một loại tài sản đối lập với tài sản hữu hình và là một yếu tố có tác dụng đặt cơ sở cho việc xây dựng một hệ thống phân loại tài sản đặc thù, bên cạnh các hệ thống phân loại kinh điển - động sản và bất động sản, vật chính và vật phụ,... Với cách quy định đó của BLDS 2005 quyền tài sản trở thành một khái niệm rất hẹp và không đủ tầm vóc để đảm đương vai trò đối trọng với quyền nhân thân, là những quyền không có giá trị tài sản, trong luật dân sự” [15]. Vậy thế nào là quyền tài sản và nội hàm của khái niệm này được mở rộng đến đâu vẫn còn là một vấn đề lớn mà các nhà làm luật của Việt Nam phải giải quyết.

1.1.2 Phân loại quyền tài sản

Sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản theo pháp luật ở Việt Nam - 3

Hiện nay trong khoa học pháp lý ở Việt Nam tồn tại nhiều cách phân loại quyền tài sản khác nhau dựa trên các tiêu chí khác nhau.

Cách phân loại thứ nhất dựa trên đặc điểm vật chất của đối tượng mang quyền tài sản, người ta chia quyền tài sản thành bất động sản và động sản. Đây là cách phân loại tài sản truyền thống trong lịch sử pháp luật của nhiều quốc gia và được hình thành từ thời La Mã cổ đại. Việc phân biệt động sản và bất động sản đã tạo lập hai chế độ pháp lý khác nhau đối với tài sản. Vì quyền tài sản cũng là tài sản nên cũng có thể được phân loại thành động sản và bất động sản.

Luật Việt Nam hiện hành cũng phân chia tài sản thành động sản và bất động sản. Tại Điều 174 BLDS 2005, các nhà làm luật đã liệt kê những tài sản được coi là bất động sản bao gồm:

a) Đất đai;

b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó;

c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai;

d) Các tài sản khác do pháp luật quy định

Ngoài các bất động sản nêu trên thì tất cả các tài sản khác là động sản.

Căn cứ vào quy định nêu trên thì quyền tài sản có thể là bất động sản nếu rơi vào hai trường hợp: thứ nhất là quyền tài sản đó gắn liền với đất đai; trường hợp thứ hai là quyền tài sản là bất động sản khi pháp luật quy định. Theo đó các quyền tài sản là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất… Đây là các vật quyền có đối tượng là bất động sản nên về các vật quyền này là bất động sản. Đây là các phân loại quyền tài sản dựa trên bản chất đối tượng của quyền tài sản. Vì các trái quyền có đối tượng không phải là vật mà là một nghĩa vụ nên việc phân loại các trái quyền là động sản hay bất động sản trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên theo nguyên tắc thì các trái quyền là động sản. Ở trường hợp trong quan hệ nghĩa vụ là quan hệ giữa chủ nợ và con nợ đối với một khoản tiền thì điều này là hoàn toàn đúng vì tiền là động sản.

Nếu trái quyền không phải là quyền đòi nợ một khoản tiền mà là một nghĩa vụ cung cấp dịch vụ thì trái quyền này cũng là động sản vì nếu bên có nghĩa vụ không thi hành nghĩa vụ thì nghĩa vụ đó cũng sẽ chuyển thành một khoản tiền, bên có nghĩa vụ phải bồi thường bằng tiền [47, tr. 108]. Theo luật của Pháp thì nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc luôn có tính chất động sản ngay cả trong trường hợp nghĩa vụ có liên quan đến một bất động sản (ví dụ: quyền thuê nhà phát sinh từ hợp đồng thuê nhà giữa chủ nhà và bên thuê nhà là một trái quyền có tính chất động sản vì đối tượng của nó không phải là ngôi nhà mà là nghĩa vụ của chủ nhà phải cho bên thuê nhà sử dụng ngôi nhà theo đúng thỏa thuận). Còn nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu có thể có tính chất bất động sản nếu đối tượng là một bất động sản. Luật Việt nam chưa giải quyết rõ vấn đề này nhưng có thể áp dụng các giải pháp trong luật của Pháp vì không trái với tinh thần của luật Việt Nam: nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc, nếu không thực hiện thì có thể trở thành nghĩa vụ bồi thường một khoản tiền do đó là động sản còn nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu, nếu bên có nghĩa vụ không chuyển quyền sở hữu thì bên được chuyển nhượng thực hiện đến cùng nhằm xác lập quyền sở hữu của người này đối với động sản hoặc bất động sản là đối tượng của việc chuyển quyền sở hữu đó [18, tr. 33].

Đối với các quyền tài sản là quyền sở hữu trí tuệ thì việc phân loại dựa trên nguyên tắc loại trừ. Do đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ không phải là một vật cũng không phải là một nghĩa vụ nên quyền sở hữu trí tuệ không thể là bất động sản do có đối tượng là bất động sản và quyền sở hữu trí tuệ cũng không thuộc trường hợp luật quy định là bất động sản do đó chúng ta có thể suy ra quyền sở hữu trí tuệ là động sản. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng không nên phân loại quyền sở hữu trí tuệ thành động sản hay bất động sản bởi tính chất đặc thù của nó nên cần phải xem xét nó một cách độc lập bên cạnh các tài sản khác.

Cách phân loại thứ hai dựa trên tính chất quyền tài sản có thể chia quyền tài sản thành 3 nhóm: quyền đối vật hay còn gọi là vật quyền, quyền đối nhân hay còn gọi là trái quyền và quyền sở hữu trí tuệ (trước đây có cách gọi khác của quyền sở hữu trí tuệ đó là quyền sở hữu vô hình). Cách phân loại này không được ghi nhận

trong luật thực định của Việt Nam mà được hình thành và phát triển trong khoa học pháp lý. Theo cách hiểu truyền thống thì vật quyền là một quyền mà đối tượng là một vật hữu hình, chính vì vậy mà nó được gọi là quyền đối vật. Vật quyền là một khái niệm được xây dựng đối trọng với trái quyền và vật quyền và trái quyền cũng là các công cụ phân loại tài sản giống như động sản và bất động sản. Đây là khái niệm vật quyền trong cổ luật, tuy nhiên hiện nay đã hình thành các quan điểm khác cho rằng cách hiểu về quyền đối vật phải được mở rộng bao gồm cả các quyền gắn liền với những tài sản vô hình khác như quyền sử dụng đất, quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp...[35, tr. 24]. Tuy nhiên cách hiểu mở rộng phạm vi nội hàm của vật quyền như vậy chưa hẳn đã chính xác vì những quyền mà tác giả này nêu trên không phải là quyền đối nhân mà cũng không được thực hiện trên một vật nào cụ thể như quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Trong khoa học pháp lý đã hình thành khái niệm khác về vật quyền đó là “vật quyền được hiểu là quyền của một chủ thể đối với một tài sản, cho phép chủ thể trực tiếp thực hiện các quyền năng được pháp luật thừa nhận đối với một tài sản” [19]. Cách hiểu này bắt nguồn từ quan niệm về vật quyền của các nước theo văn hóa pháp lý romano – germany. Quan niệm về vật quyền như vậy tỏ ra khá đầy đủ và chính xác, phản ánh đúng bản chất của vật quyền so với một loại quyền tài sản khác đó là trái quyền. Từ các phân tích trên ta có thể thấy rằng bản thân khái niệm quyền đối vật hiện nay vẫn chưa được các nhà nghiên cứu luật học thống nhất. Tuy nhiên theo quan điểm chung của các nhà nghiên cứu luật học thì các quyền đối vật vẫn có thể được nhận biết dựa trên các đặc điểm sau:

Quyền đối vật được thực hiện trực tiếp trên đối tượng mà không cần có sự tham gia của bên thứ ba. Quyền sở hữu là một vật quyền điển hình mà chủ sở hữu tài sản có thể thực hiện quyền của mình trực tiếp trên tài sản (ở đây có sự đồng nhất quyền sở hữu với chính đối tượng của nó). Kể cả các vật quyền được xác lập trên tài sản của người khác thì chủ thể có quyền cũng có thể trực tiếp thực hiện quyền năng của mình trên chính đối tượng đó mà không cần thông qua hành động của bên thứ

ba ví dụ quyền cầm cố, thế chấp... Đây là đặc điểm để phân biệt quyền đối vật với quyền đối nhân vì quyền đối nhân cũng có thể được xác lập liên quan đến tài sản nhưng chủ thể có quyền không thể thực hiện quyền của mình trực tiếp trên tài sản mà phải thông qua hành động của bên thứ ba.


Quyền đối vật là một quyền tuyệt đối nghĩa là nó có hiệu lực với tất cả mọi người và buộc mọi người phải tôn trọng. Và để đối kháng với người thứ ba thì người thứ ba phải nhận biết về sự tồn tại của vật quyền đó, chính vì vậy mà nhiều quốc gia trên thế giới đã hình thành cơ chế đăng ký vật quyền để công khai cho tất cả mọi người được biết.


Quyền đối vật có tính cách hạn định, có nghĩa là phải do luật quy định. Sở dĩ quyền đối vật có đặc điểm này vì vật quyền cho phép người có quyền thực hiện quyền năng trực tiếp trên vật mà không cần vai trò của người thứ ba nên sự can thiệp của luật là cần thiết để đảm bảo ngăn ngừa tình trạng chiếm đoạt tài sản gây mất trật tự, ổn định trong xã hội.


Để đảm bảo thực hiện quyền đối vật thì chủ thể của quyền đối vật có hai quyền đặc biệt là đó là quyền truy tùy hay còn gọi là quyền theo đuổi và quyền ưu tiên. Quyền theo đuổi được hiểu là người có quyền đối vật có thể thực hiện quyền của mình đối với tài sản cho dù tài sản đó đang nằm trong tay của người thứ ba nào. Ví dụ: chủ sở hữu tài sản có quyền kiện đòi lại tài sản của mình bị chiếm đoạt bất hợp pháp kể cả khi tài sản đó đã được chuyển giao cho người thứ ba; người có quyền về lối đi qua bất động sản liền kề có quyền sử dụng lối đi đó kể cả khi bất động sản liền kề đó đã được chuyển giao cho người khác... Quyền ưu tiên là quyền của người có quyền đối vật có thể được ưu tiên thực hiện quyền đối với tài sản liên quan hơn tất cả các chủ thể có quyền đối nhân hoặc chủ thể có quyền đối vật khác (có thứ tự ưu tiên sau). Quyền này đặc biệt ý nghĩa trong trường hợp quyền đối vật mang tính chất của một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như cầm cố, thế chấp...

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 01/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí