Sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản theo pháp luật ở Việt Nam - 2

tài sản nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Ngay bản thân khái niệm quyền tài sản chưa được định nghĩa một cách rõ ràng và chính xác, trong luật chưa có sự phân loại các quyền tài sản và chưa nêu ra được bản chất của từng loại quyền tài sản. Do chưa phân loại được và chưa hiểu đúng bản chất của từng loại quyền tài sản nên các quy định về quyền tài sản trong BLDS 2005 vừa thiếu lại vừa không chính xác. Chính vì vậy, việc thực hiện quyền sở hữu đối với quyền tài sản còn trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, làm phát sinh nhiều mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp luật, do đó các tranh chấp liên quan đến quyền tài sản chưa được giải quyết một cách hợp lý. Điều này khiến cho việc thực hiện quyền sở hữu chung của vợ chồng đối với các loại quyền tài sản lại càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập như hiện nay, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng đang có nhiều thay đổi, sự thay đổi đó là cần thiết để tạo điều kiện cho vợ và chồng phát huy khả năng kinh doanh của mỗi người, đảm bảo nền tảng kinh tế cho cả gia đình cũng như sự phát triển kinh tế chung của toàn xã hội. Các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành điều chỉnh về quan hệ tài sản giữa vợ, chồng đã tỏ ra có nhiều điểm không còn phù hợp với sự phát triển của kinh tế – xã hội ở nước ta, chính vì vậy việc nghiên cứu tìm ra những điểm bất cập của pháp luật và đề ra các giải pháp sửa đổi là rất cần thiết. Đồng thời càng ngày giá trị và vai trò của các quyền tài sản lại ngày càng được nâng cao hơn trong đời sống xã hội vì vậy yêu cầu hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu chung của vợ, chồng đối với quyền tài sản đang đặt ra cấp thiết.

Qua việc nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quyền tài sản và sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản, tác giả mong muốn sẽ làm sáng tỏ thêm một số vấn đề lý luận về quyền tài sản và quan hệ sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản; phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật từ đó chỉ ra những điểm hợp lý và những điểm còn bất cập của pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về vấn đề này và từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như nâng cao tính hiệu quả của pháp luật trong việc điều chỉnh về quyền tài sản nói chung và sở hữu chung của vợ chồng đối với

quyền tài sản nói riêng. Vì các lý do nêu trên, việc nghiên cứu đề tài "Sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản theo pháp luật ở Việt Nam" có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài:

Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, vấn đề quan hệ tài sản giữa vợ và chồng đã được nhiều tác giả đi sâu nghiên cứu, trong đó có thể kể đến các tài liệu sau đây: Luận văn thạc sỹ luật học chuyên ngành Luật dân sự khoá 11 của học viên Nguyễn Hiển Vinh tại Khoa Luật - ĐHQGHN “Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam”; Luận văn thạc sỹ luật học chuyên ngành Luật dân sự khoá 10 của học viên Đinh Thị Mai Phương tại Khoa Luật - ĐHQGHN “Căn cứ xác lập quyền sở hữu chung của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam”; các bài viết “Một số ý kiến về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng” – ThS. Nguyễn Thị Lan – Khoa Luật Dân sự - Đại học Luật Hà Nội; “Khái quát tài sản của vợ chồng trong pháp luật Hôn nhân và gia đình của một số nước trên thế giới” – ThS. Nguyễn Hồng Hải – Khoa Luật Dân sự - Đại học Luật Hà Nội; “Quan hệ về tài sản của vợ chồng trong hoạt động hợp tác sản xuất, kinh doanh theo pháp luật của cộng hoà Pháp” – ThS. Bùi Minh Hồng – Khoa Luật Dân sự - Đại học Luật Hà Nội (nghiên cứu sinh tại Cộng hoà Pháp) … một trong những nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện nhất về quan hệ tài sản giữa vợ, chồng đó là Luận án tiến sĩ luật học của nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Cừ “Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam” năm 2005 và sau đó tác giả này cũng đã phát hành cuốn sách chuyên khảo: Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam - TS. Nguyễn Văn Cừ - Nhà xuất bản Tư pháp - năm 2008 để những người nghiên cứu có điều kiện dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên trong các nghiên cứu nói trên về quan hệ sở hữu tài sản giữa vợ, chồng thì chưa nghiên cứu nào đặt vấn đề này trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng như sự thay đổi đáng kể trong quan hệ sản xuất của kinh tế thị trường khiến cho quan hệ sở hữu tài sản giữa vợ và chồng cũng có những sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam

điều chỉnh về quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng vẫn chưa có sự thay đổi phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy việc nghiên cứu để làm rõ cả vấn đề lý luận và thực tiễn để có những quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ tài sản giữa vợ, chồng cho phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước ta như hiện nay là rất cần thiết.

Các vấn đề liên quan đến quyền tài sản cũng đã được nhiều tác giả nghiên cứu đề cập đến trong các tài liệu chuyên sâu khác nhau, cụ thể là: “Quyền tài sản - một loại tài sản theo pháp luật Dân sự Việt Nam” – Luận văn thạc sỹ của Sỹ Hồng Nam học viên cao học Khoá 9 chuyên ngành Luật Dân sự tại Khoa Luật – ĐHQGHN; bài viết “Tổng quan về Luật tài sản” của TS. Ngô Huy Cương; bài viết “Cần xây dựng lại khái niệm Quyền tài sản trong Luật dân sự” và “Một số vấn đề về quyền tài sản và hướng hoàn thiện” của TS. Nguyễn Ngọc Điện; Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của Đại học Luật Hà Nội v.v… Tuy nhiên, có thể nói cho đến nay chưa có một công trình nào nghiên cứu cụ thể về quan hệ sở hữu chung giữa vợ, chồng đối với quyền tài sản, một loại tài sản đặc biệt trong thực tiễn.

Trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, vấn đề về quyền tài sản và sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản cần được làm sáng tỏ hơn về mặt lý luận và thực tiễn, làm cơ sở cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền tài sản nói chung và sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản nói riêng, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

* Mục đích: Làm sáng tỏ thêm một số vấn đề lý luận về quyền tài sản và sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản; phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh về vấn đề này, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định về quyền tài sản và quan hệ sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

* Nhiệm vụ:

Sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản theo pháp luật ở Việt Nam - 2

- Làm rõ cơ sở lý luận, khái niệm, đặc điểm và sự phân loại của quyền tài sản; đặc điểm của sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản và nội dung điều chỉnh pháp luật đối với sở hữu chung của vợ, chồng đối với quyền tài sản.

- Phân tích, đánh giá các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quyền tài sản, về sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản và thực tiễn áp dụng các quy định đó.

- Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền tài sản và sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản.

4. Phạm vi nghiên cứu:

Luận văn tập trung nghiên cứu về quyền tài sản và sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam. Quyền tài sản được nghiên cứu trong luận văn là một đối tượng của quyền sở hữu.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu:

Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Các phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng trong Luận văn là phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp lịch sử cụ thể, phương pháp luật học so sánh, phương pháp xã hội học, phương pháp hệ thống.

6. Điểm mới của luận văn


- Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu sâu về sắc về sở hữu chung của vợ chồng đối với một loại tài sản đặc biệt đó là quyền tài sản.

- Luận văn đã đưa ra được khái niệm, đặc điểm và phân loại quyền tài sản; chỉ ra và phân tích được các đặc điểm và nội dung của quan hệ sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản.

- Luận văn đã phân tích, làm rõ các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về quyền tài sản và sở hữu chung của vợ, chồng đối với quyền tài sản, chỉ ra những điểm tiến bộ so với các quy định trước đây và những điểm còn bất cập. Luận văn cũng đưa ra những đánh giá, nhận định khách quan về thực trạng áp dụng các quy

định pháp luật về quyền tài sản và sở hữu chung của vợ, chồng đối với quyền tài sản và chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của chúng.

- Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, luận văn đưa ra được những kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền tài sản và sở hữu chung của vợ chồng đối với tài sản nói chung và đối với quyền tài sản nói riêng.

7. Ý nghĩa của luận văn:

Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền tài sản và sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản nói riêng, từ đó góp phần nâng cao vai trò và hiệu quả của pháp luật đối với đời sống xã hội.

Luận văn cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và học tập các môn học như Luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình v.v… tại các cơ sở đào tạo luật.

8. Cơ cấu của luận văn


Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 2 chương:

Chương 1: Khái quát một số vấn đề lý luận về sở hữu chung của vợ, chồng đối với quyền tài sản và vấn đề điều chỉnh pháp luật

Chương 2: Thực trạng pháp luật Việt Nam về sở hữu chung của vợ, chồng đối với quyền tài sản – Những bất cập và hướng hoàn thiện

Chương 1‌‌

KHÁI QUÁT MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ SỞ HỮU CHUNG CỦA VỢ, CHỒNG ĐỐI VỚI QUYỀN TÀI SẢN VÀ VẤN ĐỀ

ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT


1.1 Khái niệm, sự phân loại quyền tài sản và đặc điểm quyền sở hữu đối với quyền tài sản

1.1.1 Khái niệm quyền tài sản


Theo nghĩa thông thường được ghi nhận trong từ điển tiếng Việt thì thuật ngữ “quyền” được hiểu là “điều mà pháp luật hoặc xã hội cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi” còn thuật ngữ “tài sản” được hiểu là những của cải vật chất tồn tại khách quan, nằm trong sự chiếm hữu và chi phối của con người, được con người khai thác và mang lại lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần...nhưng quyền tài sản là một khái niệm pháp lý vì vậy cần phải xem xét ý nghĩa của nó theo các quan điểm khoa học pháp lý và quy định của pháp luật. Tuy nhiên để có thể hiểu được khái niệm quyền tài sản thì trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ về khái niệm tài sản.


Tài sản là một khái niệm khá rộng mà định nghĩa pháp lý của nó không phải lúc nào cũng được ghi nhận ở trong các văn bản pháp luật. Thông thường, BLDS của các nước khác không nêu ra khái niệm về tài sản mà chúng ta có thể hiểu về tài sản trong luật của họ thông qua các học thuyết pháp lý và các quy định gián tiếp.

Theo quan niệm của luật học latinh, tài sản được hiểu là một vật có giá trị tiền tệ, có thể được nhận dạng theo hai cách:

Ở góc độ vật lý, tài sản thực sự là một vật. Tuỳ theo vật đó có thể được dịch chuyển hay không, người ta phân biệt giữa động sản và bất động sản.

Ở góc độ pháp lý, tài sản được hình dung như một quyền. Tuỳ theo quyền đó có thể được thực hiện một cách trực tiếp hoặc thông quan vai trò của một chủ thể khác, người ta phân biệt giữa vật quyền và trái quyền. Do tính chất quan trọng của vật quyền, đặc biệt do ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với đời sống xã hội và giao lưu

dân sự nói riêng, người làm luật có xu hướng đòi hỏi vật quyền phải được luật ghi nhận mới được coi là tồn tại hợp pháp và được bảo vệ. Cũng bằng phương pháp loại suy, người ta nói rằng những tài sản không phải là vật quyền thì được gọi là trái quyền. Theo thời gian có một loại quyền thứ ba, gắn với giá trị kinh tế của các công trình tim óc như tác phẩm văn chương, khoa học, nghệ thuật gọi là quyền sở hữu trí tuệ, đứng bên cạnh vật quyền và trái quyền như là một tài sản đặc thù [17].

Cách hiểu này được ghi nhận trong trường phái luật Châu Âu lục địa đó là coi tài sản bao gồm: tài sản hữu hình là các vật và tài sản vô hình liên quan tới các quyền. Điển hình cho cách quy định này là BLDS 1804 của Pháp. Bộ luật kinh điển này không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào về tài sản tuy nhiên tài sản được ghi nhận trong Bộ luật này bao gồm hai loại là bất động sản và động sản (quyển thứ hai, thiên 1 chương I nói về bất động sản và chương II nói về động sản). Trong thiên II quyển thứ hai của Bộ luật này nói về quyền sở hữu đã ghi nhận cách phân loại khác đó là tài sản bao gồm vật, các vật quyền và các tố quyền nhằm đòi lại tài sản. BLDS Đức 1900 cũng không có định nghĩa cụ thể về tài sản nhưng xuyên suốt các quy định của bộ luật này người ta có thể hiểu rằng tài sản theo nghĩa pháp lý không chỉ là vật mà chủ yếu là các quyền.


Cách nhận thức về tài sản của các nước theo hệ thống luật Châu Âu lục địa cũng khá tương đồng với các nước theo họ Pháp luật Anh - Mỹ. Các nước theo họ pháp luật Anh – Mỹ cho rằng tài sản là một tập hợp các quyền trên vật có hiệu lực chống lại những sự xâm hại của các chủ thể khác. Các luật gia Hoa Kỳ cho rằng, tài sản là các quyền giữa mọi người có liên quan tới vật, hay nói cách khác, bao gồm một hệ thống các quyền được thừa nhận về mặt pháp lý do ai đó thủ đắc trong mối liên hệ với những người khác mà liên quan tới vật. Họ coi tài sản là “một mớ quyền” (a bundle of rights) điều này có nghĩa là tài sản là một tập hợp các quyền trên vật có hiệu lực chống lại những người khác. Sự chống lại hay quyền loại trừ được các luật gia Hoa Kỳ xem là xương sống của tập hợp các quyền và diễn đạt ý tưởng về sự độc quyền của chủ sở hữu đối với tài sản [8].

Qua các phân tích nêu trên có thể nhận thấy rằng mặc dù có sự thể hiện khác nhau tuy nhiên các hệ thống pháp luật trên thế giới có cách hiểu này khá tương đồng với nhau về khái niệm pháp lý của tài sản. Tài sản chính là tổng hợp các quyền của chủ thể có tài sản và đối kháng với các chủ thể khác. Các quyền đó được phân loại theo các tiêu chí khác nhau và được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.


Tuy nhiên ở Việt Nam các luật gia lại có cách quy định khác về khái niệm tài sản. Điều 163 BLDS 2005 có đưa ra khái niệm “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.” Cách quy định này của BLDS 2005 thực chất chỉ mang tính liệt kê những đối tượng nào được coi là tài sản theo pháp luật Việt Nam. Mặc dù khái niệm tài sản trong BLDS 2005 đã được sửa đổi một cách hợp lý hơn so với BLDS 1995 tuy nhiên vẫn có nhiều tranh luận khác nhau về khái niệm này. Theo quan niệm của luật Việt Nam hiện hành thì khái niệm tài sản bao gồm cả quyền tài sản và quyền tài sản được coi là một loại tài sản cơ bản bên cạnh các loại tài sản khác là vật, tiền và giấy tờ có giá. Chính vì quan niệm nội hàm khái niệm tài sản trong các hệ thống pháp luật khác nhau là khác nhau nên cách hiểu về khái niệm quyền tài sản trong các hệ thống pháp luật cũng có điểm khác biệt. Khái niệm quyền tài sản là một khái niệm khá mới trong nền khoa học pháp lý ở nước ta nên cho đến hiện nay trong giới nghiên cứu luật học ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những quan điểm khác nhau về khái niệm quyền tài sản.

Hiện nay trong giới nghiên cứu luật ở Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra một số quan điểm khác nhau về khái niệm quyền tài sản như sau:

Cách hiểu chính thống của các nhà làm luật Việt Nam về quyền tài sản được ghi nhận tại điều 181 BLDS 2005 đó là “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”.

Thực ra quy định tại Điều 181 BLDS 2005 chưa phải là khái niệm quyền tài sản mà chỉ nêu ra hai yêu cầu cơ bản để một quyền được coi là quyền tài sản đó là phải trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Việc nêu ra hai yêu cầu cơ bản này của quyền tài sản nhằm mục đích phân biệt các quyền tài sản với các quyền không mang tính tài sản.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/12/2023