Sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản theo pháp luật ở Việt Nam - 4

Các vật quyền được biết đến trong đời sống thực tiễn tồn tại rất đa dạng do đó để hiểu được bản chất của từng loại vật quyền thì người ta phải phân loại nó dựa trên các tiêu chí khác nhau. Dựa vào tiêu chí đối tượng của vật quyền có thuộc quyền sở hữu của người có quyền hay không, người ta phân loại vật quyền thành quyền sở hữu (quyền trên tài sản của mình) và các vật quyền khác (quyền trên tài sản của người khác). Quyền sở hữu là một vật quyền tuyệt đối và trọn vẹn nhất vì đối tượng của quyền này thuộc về người có quyền. Dựa trên quyền sở hữu, chủ sở hữu có độc quyền đối với tài sản từ việc nắm giữ, kiểm soát về mặt vật chất đối với tài sản cũng như khai thác công năng kinh tế đồng thời có thể quyết định số phận pháp lý của tài sản. Các quyền đối vật khác được hiểu là các quyền xác lập trên tài sản của người khác hay còn được gọi là dịch quyền. Bản thân dịch quyền cũng có thể được chia thành hai loại là dịch quyền thuộc người và dịch quyền thuộc vật. Dịch quyền thuộc người là một quan hệ trong đó một tài sản gánh chịu dịch quyền vì lợi ích của một người như quyền hưởng dụng, quyền ngụ cư, quyền thuê dài hạn, quyền bề mặt…Dịch quyền thuộc vật hay còn gọi là địa dịch là quan hệ mà trong đó một bất động sản gánh chịu dịch quyền vì một bất động sản khác [11, tr. 20].


Cách phân loại vật quyền thứ hai dựa trên tiêu chí tính chất tác động mà người có quyền có thể thực hiện đối với vật là đối tượng của quyền, vật quyền được chia thành hai nhóm là quyền đối vật chính và quyền đối vật phụ. Quyền đối vật chính cho phép người có quyền thực hiện các hành vi giao tiếp vật chất hoặc pháp lý tác động một cách trực tiếp lên tài sản ví dụ như quyền sở hữu, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, quyền sử dụng đất… Nhóm thứ hai là các quyền đối vật phụ gồm các quyền có đối tượng là giá trị tiền tệ của tài sản. Gọi là phụ vì nó không cho phép người có quyền khai thác lợi ích từ việc tác động lên tình trạng vật chất của tài sản mà trong những trường hợp nhất định chỉ được khai thác giá trị tiền tệ của tài sản để thỏa mãn nhu cầu thực hiện một nghĩa vụ cũng mang tính chất tiền tệ theo nguyên tắc bảo đảm tương đương. Các quyền này được gắn với một quyền chủ nợ nhằm tăng cường hiệu lực của quyền đó [19, tr. 40]. Về bản chất, quyền này chính là quyền mang tài sản đi bảo đảm cho các khoản nợ như quyền cầm cố, thế

chấp… Tuy nhiên pháp luật Việt Nam không quy định về cầm cố, thế chấp với bản chất là các vật quyền mà lại coi cầm cố, thế chấp là các biện pháp để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng.


Trong luật Việt nam hiện hành mà cụ thể là BLDS 2005 không có quy định về khái niệm quyền đối vật nhưng có ghi nhận một số quyền tương tự như các quyền đối vật chính trong luật la tinh như quyền sở hữu (Điều 164), quyền sử dụng đất (Điều 173), quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề (Điều 273)… Tuy nhiên chỉ có quyền sở hữu được người làm luật dành cho khá nhiều sự quan tâm còn các vật quyền khác dường như ít dành được sự chú ý của các nhà làm luật. Ví dụ : Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề chỉ dừng lại ở việc quy định một cách sơ khai tại Điều 273 BLDS 2005. Quyền sử dụng đất là một vật quyền khá quan trọng trong pháp luật Việt Nam và được quy định riêng tại phần thứ 5 “Quy định về chuyển quyền sử dụng đất” của BLDS 2005. Tuy nhiên trong phần này, quyền sử dụng đất được nhắc đến chủ yếu ở góc độ giao dịch nhưng hầu như bị bỏ quên ở góc độ pháp luật tài sản. Đối với các vật quyền phụ thuộc, BLDS 2005 thừa nhận chủ sở hữu tài sản có quyền cầm cố hoặc thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình hay của người khác (các điều 318, 326, 342 BLDS 2005). Tuy nhiên, luật Việt Nam không thực sự coi các quyền của chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp là quyền đối vật mà chỉ coi cầm cố, thế chấp là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản, được xác lập bằng hợp đồng và hợp đồng đó tạo ra các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Chính điều này giải thích tại sao có nhiều quy tắc liên quan đến việc cầm cố, thế chấp tài sản của luật thực định Việt Nam đã được xây dựng không phù hợp với tư duy pháp lý truyền thống của thế giới gây ra nhiều bất cập trên thực tế.


Loại quyền tài sản cơ bản thứ hai là quyền đối nhân. Quyền đối nhân hay còn được gọi là trái quyền là quyền của một người tương ứng với nghĩa vụ tài sản của người khác. Có thể hiểu quyền đối nhân như là quyền cho phép một người yêu cầu một người khác đáp ứng đòi hỏi của mình nhằm thoả mãn một nhu cầu gắn liền với

một lợi ích vật chất của mình. Mối quan hệ giữa hai người gọi là quan hệ nghĩa vụ. Theo truyền thống pháp lý thì nghĩa vụ ấy thuộc ba nhóm đó là: nghĩa vụ làm một việc; nghĩa vụ không làm một việc và nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu tài sản. So sánh quyền đối nhân với quyền đối vật ta có thể thấy những điểm khác biệt sau đây :


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Thứ nhất là các quyền đối vật ngoài quyền sở hữu ra đều được xác lập trên tài sản của người khác. Quyền đối nhân cũng được xác lập trên tài sản của người khác nhưng quyền đối vật mà không phải là quyền sở hữu cho phép người có quyền tự mình thực hiện các quyền đối với tài sản của người khác đó, mà không cần có sự tham gia bằng hành động của người sau này; trong khi quyền đối nhân đòi hỏi người có quyền phải yêu cầu người có tài sản thực hiện nghĩa vụ giao tài sản hoặc lợi ích vật chất gắn liền với tài sản cho mình.


Sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản theo pháp luật ở Việt Nam - 4

Thứ hai là quyền đối nhân chỉ có hiệu lực trong mối quan hệ giữa người có quyền yêu cầu và người có nghĩa vụ, còn quyền đối vật có hiệu lực đối với tất cả mọi người và phải được mọi người tôn trọng.


Pháp luật Việt Nam ghi nhận về quyền đối nhân trong một phần riêng đó là phần ba của BLDS 2005 “Nghĩa vụ và hợp đồng”. Điều 280 BLDS 2005 đưa ra khái niệm “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). Khái niệm này đã nêu ra một số cách xử sự mà chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện khi tham gia vào các quan hệ nghĩa vụ. BLDS 2005 đã quy định cụ thể hơn khái niệm nghĩa vụ so với BLDS 1995, theo quy định mới thì nghĩa vụ dân sự không chỉ là việc phải làm một việc hoặc không được làm một việc vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác mà còn bao gồm cả việc phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá khác. Việc sửa đổi, bổ sung khái niệm nghĩa

vụ như vậy là hợp lý và đã nêu khá đầy đủ các dạng của nghĩa vụ. Tuy nhiên cách sử dụng thuật ngữ trong khái niệm này chưa thực sự chính xác bởi nghĩa vụ dân sự ở đây phải là một quan hệ pháp luật trong đó có chủ thể có nghĩa vụ và chủ thể có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ chứ nghĩa vụ dân sự không phải là “việc”. Bên cạnh đó, cách quy định của luật Việt Nam dường như không tương xứng với quan niệm chung về nghĩa vụ khi quy định chuyển giao tài sản chính là nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu tài sản bởi vì trên thực tế việc chuyển giao tài sản không phải lúc nào cũng tương ứng với việc chuyển quyền sở hữu. Trong trường hợp cho thuê hoặc cầm cố tài sản thì việc chuyển giao tài sản không phải là chuyển giao quyền sở hữu. Trong trường hợp cho thuê tài sản hoặc cầm cố tài sản thì việc chuyển giao tài sản tương ứng với nghĩa vụ là phải làm một việc chứ không phải là nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu. Ngay cả trong trường hợp mua bán tài sản thì chính quy định về chuyển giao quyền sở hữu của BLDS 2005 đã thể hiện rõ rằng thời điểm chuyển giao tài sản không phải lúc nào cũng tương ứng với thời điểm chuyển giao quyền sở hữu. Điều 439 khoản 1 đã nêu rõ “Quyền sở hữu đối với tài sản mua bán được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” Điều này có nghĩa là các bên có thể thỏa thuận việc chuyển giao tài sản không trùng với thời điểm chuyển giao quyền sở hữu. Khoản 2 điều 439 là một trường hợp thời điểm chuyển giao tài sản không phải là thời điểm chuyển quyền sở hữu do luật định “Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó.” Như vậy khái niệm nghĩa vụ dân sự trong luật Việt Nam chưa thật sự chính xác dẫn đến hệ quả là những quy định tương ứng với việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ cũng trở nên không hợp lý và khó thực hiện trên thực tế.


Loại quyền tài sản cơ bản thứ ba là quyền sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ là một loại quyền đặc biệt mà đối tượng của nó không phải là vật hữu hình như trong quyền đối vật hay là một nghĩa vụ như trong quyền đối nhân mà đối tượng của

quyền sở hữu trí tuệ là một tài sản vô hình (chính vì vậy trước đây đã có quan điểm cho rằng quyền sở hữu trí tuệ chính là quyền sở hữu vô hình). Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ chính là tài sản trí tuệ, tài sản được tạo ra bởi hoạt động sáng tạo của con người. Mặc dù trên thế giới tồn tại rất nhiều các điều ước quốc tế cũng như văn bản pháp luật của các quốc gia quy định về quyền sở hữu trí tuệ nhưng không có tài liệu nào đưa ra được định nghĩa về quyền sở hữu trí tuệ. Hầu hết các tài liệu chỉ liệt kê một cách khái quát các đối tượng của quyền SHTT. Cũng tương tự cách quy định như vậy, Luật SHTT 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) của Việt Nam tại điều 4 có giải thích “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.” Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam bao gồm ba nhóm quyền chính đó là:


Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (khoản 2 điều 4 luật SHTT). Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa (khoản 3 điều 4 LSHTT)

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Cách quy định của Luật SHTT về các nhóm quyền này là tương tự và phù hợp với các điều ước quốc tế về SHTT mà Việt Nam là thành viên. Trong các nhóm quyền SHTT nêu trên, mỗi nhóm quyền đều mang lại cho tác giả sáng tạo ra đối tượng của quyền SHTT, chủ sở hữu quyền đó các quyền nhân thân và quyền tài sản. Và chỉ các quyền tài sản trong mỗi phân nhánh quyền nêu trên mới là tài sản theo

quy định tại điều 163 và 181 BLDS 2005 và là đối tượng nghiên cứu của luận văn này. Đối với từng loại đối tượng của quyền SHTT, pháp luật quy định cho chủ sở hữu hoặc tác giả sáng tạo ra đối tượng của quyền SHTT sẽ có các quyền tài sản khác nhau, cụ thể như sau:

Quyền tài sản thuộc quyền tác giả bao gồm: quyền làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. (điều 20 Luật SHTT 2005)

Bên cạnh các quyền tài sản thuộc quyền tác giả nêu trên, vì quyền sở hữu trí tuệ là một quyền đặc thù bởi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì yếu tố nhân thân gắn liền với yếu tố tài sản nên trong trường hợp đặc biệt, quyền nhân thân cũng chính là quyền tài sản như quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. Mặc dù quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm được quy định ở mục quyền nhân thân thuộc quyền tác giả tuy nhiên vì quyền này cũng có thể chuyển giao cho người khác và cũng theo quy định của luật thì tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 3 Điều 19; khoản 3 Điều 20 luật SHTT) nên nó cũng đáp ứng đủ điều kiện để trở thành quyền tài sản.

Các quyền tài sản của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm: sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật; ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật; và quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của luật (khoản 1 Điều 123). Quyền tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là quyền nhận thù lao theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 122). Riêng đối với chỉ dẫn địa lý thì chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước Việt Nam nên các chủ thể khác chỉ có quyền sử dụng chỉ dẫn

địa lý khi Nhà nước trao quyền cho. Do đó chủ thể được Nhà nước trao cho quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý không có quyền định đoạt mà chỉ có quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó.

Do đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp rất đa dạng và đặc thù nên đối với mỗi loại đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp thì nội dung của các quyền tài sản cũng rất khác nhau ví dụ như quyền sử dụng sáng chế khác với sử dụng bí mật kinh doanh hay sử dụng nhãn hiệu. Luật SHTT 2005 đã có quy định cụ thể về nội dung mỗi quyền cho các loại đối tượng khác nhau (xem thêm các điều 124, 125).


Mặc dù quyền sở hữu trí tuệ cũng là một quyền tài sản, song do tính đặc thù của tài sản trí tuệ nên quyền sở hữu trí tuệ cũng có một số nét khác biệt cơ bản với các quyền tài sản khác. Nếu như các quyền tài sản khác đều được luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới bảo hộ một cách tuyệt đối thì quyền sở hữu trí tuệ lại có một số giới hạn nhất định. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến là giới hạn về không gian và thời gian. Điều 7 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định rằng “Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này”. Theo đó, các quyền SHTT theo quy định bị hạn chế cụ thể như sau:


Thứ nhất, về giới hạn không gian: Quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia. Có nghĩa là nếu một người có một tài sản trí tuệ được bảo hộ ở quốc gia A thì trong phạm vi quốc gia này, không ai được xâm phạm đến quyền sở hữu của người đối với tài sản trí tuệ của họ. Tuy nhiên quyền này lại không hề có giá trị tại quốc gia trừ khi các quốc gia này cùng tham gia một Điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đó và điều ước đó công nhận sự bảo hộ đối với quyền sở hữu trí tuệ đó. Khi đó, phạm vi không gian mà quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ đó được bảo hộ sẽ được mở rộng ra tất cả các quốc gia thành viên.

Thứ hai, về giới hạn thời gian: để cân bằng giữa quyền và lợi ích của chủ sở hữu tài sản trí tuệ và các lợi ích xã hội, thông thường pháp luật của các quốc gia đưa ra một thời hạn bảo hộ đối với mỗi đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Trong thời hạn bảo hộ, quyền sở hữu trí tuệ là bất khả xâm phạm. Mọi hành vi sử dụng tài sản trí tuệ đó đều phải có sự cho phép của chủ sở hữu (trừ một số trường hợp đặc biệt do luật định). Khi hết thời hạn bảo hộ (bao gồm cả thời hạn gia hạn nếu có), tài sản đó trở thành tài sản chung của nhân loại, có thể được phổ biến một cách tự do mà không cần bất kỳ sự cho phép nào của chủ sở hữu. Ví dụ, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 của Việt Nam quy định: Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình; bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn; bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực kể từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm

.v.v.


Một trong những mục đích quan trọng của việc quy định về phạm vi bảo hộ các quyền SHTT là để cân bằng lợi ích giữa một bên là chủ thể quyền SHTT với một bên là xã hội bởi ý nghĩa và vai trò của các tài sản trí tuệ đối với xã hội là rất lớn nên không thể duy trì độc quyền của chủ thể quyền SHTT một cách vô thời hạn được. Đây là một nguyên tắc cơ bản của luật SHTT được thừa nhận trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam (khoản 1 Điều 8 LSHTT 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 ghi nhận các chính sách của Nhà nước về SHTT có quy định “Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng”).

Một cách phân loại quyền tài sản khác được nhiều chuyên gia luật học ghi nhận đó là phân chia quyền tài sản theo ba nhóm “quyền nhân thân gắn với quyền tài sản, quyền tài sản gắn với quyền nhân thân và quyền tài sản không gắn với quyền nhân thân” [49, tr. 102].

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/12/2023