“người có trách nhiệm giáo dục” trong trường này không phải là tình tiết liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội.
Có thể nói, đặc điểm nhân thân người phạm tội có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong quyết định hình phạt. Do vậy, không chỉ luật hình sự Việt Nam mà luật hình sự nhiều nước khác cũng xem đặc điểm nhân thân người phạm tội là một trong số các căn cứ quyết định hình phạt. Pháp luật hình sự của các quốc gia có thể quy định những tình tiết đánh giá đặc điểm nhân thân người phạm tội khác nhau. Tuy nhiên các tình tiết này đều hướng đến mục tiêu chung là giúp cho Tòa án có thể quyết định hình phạt được chính xác, phù hợp dựa trên cơ sở đánh giá đúng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; khả năng cải tạo, giáo dục và hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội.
Đối với các tội xâm phạm tình dục, đặc điểm nhân thân của người phạm tội cũng là căn cứ rất quan trọng để Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt. Vì vậy, việc đánh giá chính xác các tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội có ý nghĩa quyết định đến sự lựa chọn đúng đắn loại hình phạt và mức hình phạt đối với người phạm các tội xâm phạm tình dục.
1.4.4. Căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự
Những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết được quy định cụ thể tại Điều 51 và Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015. Trong đó, ngoài những quy định cụ thể tại Điều 51 BLHS thì tòa án có thể xác định những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ để xem xét khi quyết định hình phạt. Riêng tình tiết tăng nặng thì chỉ bao gồm những tình tiết đã được quy định tại Điều 52 BLHS. Tuy nhiên, những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự này chỉ được áp dụng đối với một tội phạm cụ thể khi tình tiết đó chưa được quy định là dấu hiệu định tội hoặc là dấu hiệu định khung hình phạt của chính tội phạm đó.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 có thể được chia thành 03 nhóm như sau:
Một là, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Đây là những tính tiết thuộc về yếu tố khách quan, mặt chủ quan hoặc nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng làm giảm mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, bao gồm: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; Phạm tội do lạc hậu; và người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Hai là, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục của người phạm tội. Nhóm này gồm các tình tiết sau: Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; Người phạm tội đã lập công chuộc tội; và người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
Ba là, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội. Nhóm này bao gồm các tình tiết như: Người phạm tội là phụ nữ có thai; Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; và người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 có thể được chia thành 02 nhóm như sau:
Có thể bạn quan tâm!
- Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 2
- Mục Đích, Ý Nghĩa Của Việc Quyết Định Hình Phạt Đối Với Các Tội Xâm Phạm Tình Dục Đúng
- Các Căn Cứ Quyết Định Hình Phạt Đối Với Các Tội Xâm Phạm Tình Dục
- Cơ Cấu Các Tội Xâm Phạm Tình Dục Trên Địa Bàn Tỉnh Đồng Nai (Giai Đoạn 2015 – 2020)
- Một Số Hạn Chế, Thiếu Sót Trong Quyết Định Hình Phạt Đối Với Các Tội Xâm Phạm Tình Dục Trên Địa Bàn Tỉnh Đồng Nai Và Nguyên Nhân
- Các Yêu Cầu Bảo Đảm Quyết Định Hình Phạt Đúng Đối Với Các Tội Xâm Phạm Tình Dục
Xem toàn bộ 81 trang tài liệu này.
Một là, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Nhóm này gồm các tình tiết: Phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; Phạm tội có tính chất côn đồ; Phạm tội vì động cơ đê hèn; Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên; Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội; Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội; và lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội.
Hai là, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục của người phạm tội. Có các tình tiết như: Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
Những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự này có ý nghĩa về mặt lượng hình khi quyết định hình phạt nói chung và quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục nói riêng. Mặc dù, một số tình tiết được quy định cũng thuộc về nội dung căn cứ thứ hai và thứ ba, nhưng đây vẫn được xem là căn cứ độc lập mà tòa án cần phải cân nhắc khi quyết định hình phạt. Việc quy định các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự là căn cứ quyết định hình phạt không chỉ giúp tòa án đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội để đưa ra một hình phạt tương xứng mà còn đảm bảo các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS được áp dụng thống nhất, hạn chế tình trạng tùy tiện trong quyết định hình phạt. Bênh cạnh đó, việc quy định các tình tiết này trong BLHS còn là biểu hiện của nguyên tắc pháp chế, thể hiện chính sách khoan hồng và nghiêm trị của luật hình sự, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Như vậy, các căn cứ quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục chính là sự cụ thể hóa của các nguyên tắc quyết định hình phạt đối với các tội này. Việc BLHS quy định cụ thể các căn cứ quyết định hình phạt có vai trò
và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác quyết định hình phạt nói chung, quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục nói riêng. Đây là những cơ sở pháp lý để Tòa án có thể đưa ra các quyết định hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phù hợp với nhân thân từng người phạm tội. Đồng thời, các căn cứ này cũng bảo đảm cho Tòa án đưa ra các bản án có căn cứ và hợp pháp, khắc phục tình trạng tùy tiện, thiếu thống nhất khi quyết định hình phạt.
Tiểu kết Chương 1
Trong chương 1, Luận văn đã làm rò được những vấn đề mang tính lý luận và pháp lý về quyết định hình phạt trong pháp luật hình sự nói chung và quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục nói riêng. Ở nội dung đầu tiên, trên cơ sở những khái niệm về hình phạt và quyết định hình phạt, tác giả Luận văn đã làm sáng tỏ được khái niệm “quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục”. Theo đó, quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục là hoạt động của Tòa án lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể (bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung) trong phạm vi quy định tại các Điều 141 đến Điều 147 của Bộ luật Hình sự năm 2015 để áp dụng đối với người phạm tội phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Chương 1 của Luận văn cũng đi vào phân tích các nguyên tắc cơ bản của quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục, bao gồm: nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc nhân đạo, và nguyên tắc cá thể hóa hình phạt. Ở những nội dung tiếp theo, Luận văn đã làm rò các căn cứ quyết định hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 50 BLHS như: căn cứ vào quy định của BLHS, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng như phân tích về ý nghĩa của việc quyết định hình phạt đúng. Nghiên cứu những vấn đề chung về quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục ở Chương 1 này là cơ sở cho việc đánh giá thực tiễn hoạt động quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục tại tỉnh Đồng Nai trong Chương 2.
Chương 2
THỰC TIỄN QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI CÁC TỘI XÂM PHẠM TÌNH DỤC TẠI TỈNH ĐỒNG NAI
2.1. Khái quát tình hình quyết định hình phạt các tội xâm phạm tình dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Tỉnh Đồng Nai là địa phương nằm ở khu vực miền Đông Nam Bộ của Việt Nam, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng. Là vùng đất nối liền giữa Nam Bộ, cực nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên, Đồng Nai giữ vị trí hết sức quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố thuộc tỉnh (Biên Hòa, Long Khánh) và 9 huyện là Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc. Với đặc thù là địa phương có nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp nghề truyền thống đang hoạt động nên Đồng Nai là một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế được xếp vào loại đứng đầu cả nước. Cùng với đó, Đồng Nai cũng là đơn vị hành chính có số dân đông thứ năm cả nước. Tất cả những điều kiện về vị trí địa lý, diện tích tự nhiên và dân số tạo nên những thế mạnh để tỉnh phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, việc tập trung nhiều khu công nghiệp trên địa bàn cũng kéo theo những tác động xấu về mặt xã hội, đe dọa đến an ninh trật tự mà điển hình là sự gia tăng của các loại tội phạm trong đó có các tội phạm xâm hại tình dục.
Tình hình các tội xâm phạm tình dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là trạng thái, xu thế vận động của các tội xâm phạm tình dục xảy ra trên địa bàn tỉnh gắn với một khoảng thời gian nhất định. Tình hình các tội phạm xâm phạm tình dục được biểu thị thông qua thực trạng, diễn biến, cơ cấu, tính chất của các tội phạm đã xảy ra và số người đã thực hiện các tội phạm đó. Nghiên cứu về tình hình các
tội xâm phạm tình dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ giúp chúng ta nhận biết được bức tranh toàn cảnh của các tội phạm này thông qua các chỉ số cụ thể, từ đó có thể đưa ra được những giải pháp phòng ngừa tội phạm phù hợp với thực tiễn.
Theo số liệu thống kê của ngành Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020, tổng số các tội xâm phạm tình dục mà Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý mới là 480 vụ và 491 bị cáo (Phụ lục 1). Số lượng các tội xâm phạm tình dục này chiếm tỷ lệ không cao so với tổng số các vụ án hình sự nói chung nhưng lại có ảnh hưởng, tác động to lớn đối với xã hội. Bởi vì, những tội phạm xâm phạm tình dục liên quan mật thiết đến nhu cầu bản năng của con người, phản ánh sâu sắc đạo đức xã hội và các hành vi phạm tội này để lại hậu quả xấu về nhiều mặt cho nạn nhân và xã hội như không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là nỗi đau về tinh thần khiến các nạn nhân thường có tâm lý bất an, lo sợ, thậm chí bị suy sụp, ngại giao tiếp với xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội tại địa phương.
Hình 2.1. Số vụ án và số bị cáo đã thụ lý giải quyết về các tội xâm phạm tình dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2015 – 2020
Nguồn: Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai
Có thể thấy, từ năm 2015 đến 2020, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có trung bình khoảng 80 vụ án xâm phạm tình dục được thụ lý mới. Số lượng các vụ án xâm phạm tình dục trong 4 năm gần đây có xu hướng tăng dần nhưng vẫn xảy ra ít hơn so với giai đoạn 2015 – 2016. Số lượng bị cáo tham gia vào một vụ án xâm phạm tình dục cũng giảm đi so với những năm 2015, 2016. Cụ thể, tỉ lệ số bị cáo/vụ án của năm 2015 là 1.05 bị cáo/vụ (129 bị cáo/123 vụ án); năm 2016 tỉ lệ này giảm xuống còn 1.03 bị cáo/vụ (103 bị cáo/100 vụ án); năm 2018 và 2019 tỉ lệ bị cáo/vụ án ngang nhau (57 bị cáo/57 vụ án, 64 bị cáo/64 vụ án); và đến năm 2020 tỉ lệ này là 1.01 bị cáo/vụ (75 bị cáo/74 vụ án). Tỉ lệ số bị cáo/vụ án xâm phạm tình dục chung của cả nước là 1.15 bị cáo/vụ [15, tr.106]. Như vậy, các vụ án về xâm phạm tình dục ở Đồng Nai có số lượng người thực hiện hành vi phạm tội không lớn, nhiều vụ án chỉ có một người thực hiện hành vi phạm tội.
Trong số các tội phạm xâm phạm tình dục này, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi xảy ra nhiều nhất với 250 vụ và 252 bị cáo (chiếm tỉ lệ 51%), tiếp theo là tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi với 127 vụ và 132 bị cáo (chiếm tỉ lệ 26%) và tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi với 65 vụ/66 bị cáo (chiếm tỉ lệ 13%). Số lượng tội hiếp dâm là 43 vụ/46 bị cáo (chiếm tỉ lệ 9%), và cuối cùng là tội cưỡng dâm chỉ có 4 vụ/5 bị cáo (chiếm tỉ lệ 1%), không có các vi phạm về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm được thụ lý giải quyết. Điều này có nghĩa rằng, trung bình mỗi năm Tòa án nhân dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thụ lý hơn 40 vụ án về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, hơn 20 vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi và hơn 10 vụ án dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Những con số này cũng cho thấy, các tội phạm xâm phạm tình dục đối với người dưới 16 tuổi cao gấp nhiều lần so với các tội xâm phạm tình dục còn lại, chiếm tới 90% tổng số tội phạm xâm phạm tình dục.