Một Số Hạn Chế, Thiếu Sót Trong Quyết Định Hình Phạt Đối Với Các Tội Xâm Phạm Tình Dục Trên Địa Bàn Tỉnh Đồng Nai Và Nguyên Nhân

Số liệu từ Bảng 2.3. cho thấy, hình phạt tù từ 3 năm trở xuống hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo chủ yếu được quyết định áp dụng đối với những trường hợp phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Quyết định hình phạt tù từ trên 3 năm đến 7 năm hoặc phạt tù từ trên 7 năm đến 15 năm đa số được áp dụng đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội hiếp dâm. Riêng các trường hợp bị cáo bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm hầu hết là tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Trường hợp tổng hợp hình phạt tù từ trên 20 năm đến 30 năm phản ánh bị cáo không chỉ thực hiện hành vi phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi mà còn thực hiện các hành vi phạm tội khác. Chẳng hạn như, người thực hiện hành vi hiếp dâm thường thực hiện cả hành vi cướp tài sản của nạn nhân hoặc giết chết nạn nhân khi nạn nhân có hành vi chống cự.

Nghiên cứu các bản án hình sự sơ thẩm về các tội xâm phạm tình dục của TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tác giả luận văn nhận thấy dưới đây là một số vụ án điển hình minh chứng những nhận định và số liệu nêu trên:

Vụ án 1: Khoảng tháng 7/2019, thông qua mạng xã hội Facebook Lý Văn T (sinh năm 2000) quen biết cháu Nguyễn Minh N (sinh ngày 23/12/2007). Khoảng 23 giờ 40 phút ngày 14/9/2019, khi T đang ngủ tại gác xếp của quán bia hơi “Thùy L” thuộc khu phố 3, phường Tân H, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (nơi T làm việc) thì cháu N đến tìm T. Khi thấy T đang ngủ, N gọi T dậy và hai bên nói chuyện tâm sự với nhau. Được sự đồng ý của cháu N, T và cháu N đã ôm hôn nhau, tiếp đó T cởi quần của cháu N và tự cởi quần của mình rồi thực hiện hành vi giao cấu 01 lần với cháu N. Sau khi quan hệ xong, T đi xuống phụ quán, còn cháu N tiếp tục ngủ cho đến sáng ngày 15/9/2019 bố mẹ cháu N đến tìm và phát hiện sự việc nêu trên nên làm đơn tố cáo T đến Công an phường Tân H, TP. Biên Hòa.

Khi xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai nhận định hành vi của bị cáo Lý Văn T đã phạm vào tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Bộ luật hình sự. Bị cáo là

người đã thành niên, có đủ khả năng nhận thức về hành vi của mình nhưng bị cáo vẫn bất chấp quy định của pháp luật nhằm thực hiện hành vi giao cấu với cháu N khi cháu N chưa tròn 16 tuổi. Hành vi của bị cáo không những xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của bị hại mà còn làm tổn thương về tâm sinh lý cho cháu N về sau cũng như gia đình của bị hại, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội tại địa phương; qua đó thể hiện bị cáo là đối tượng liều lĩnh, có thái độ xem thường pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của bị cáo là rất kém. Do vậy, đối với bị cáo cần có mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra nhằm mục đích giáo dục cải tạo và răn đe phòng ngừa tội phạm nói chung.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; nhân thân bị cáo chưa có tiền án tiền sự, là người dân tộc, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ học vấn thấp nên nhận thức pháp luật còn hạn chế; gia đình bị cáo thuộc diện hộ cận nghèo, đã khắc phục hậu quả cho bị hại, được bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt theo quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Do đó, Hội đồng xét xử có xem xét giảm nhẹ một phần mức hình phạt cho bị cáo. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 210/2020/HS-ST ngày 07/5/2020, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lý Văn T 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

Vụ án 2: Huỳnh Trung M (sinh năm 1988, cư trú tại Đồng Nai) là con nuôi của bà Trần Mai H (1946) và cùng sinh sống chung nhà. Tại nhà của bà H ở ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, M đã 02 lần có hành vi giao cấu trái với ý muốn của bà H. Lần thứ nhất: Vào khoảng 23 giờ ngày 27/5/2018, sau khi uống rượu M thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của bà H. Lần thứ hai: Vào khoảng 20 giờ ngày 25/8/2018, sau khi uống rượu M có ý định giao cấu đối với bà H nên M dùng tay phải ôm bà H còn tay trái bịt miệng bà H, nhưng bà H vùng vẫy và chạy thoát được. Đến ngày 03/9/2018 bà H đến Công an xã Phú Ngọc trình báo sự việc và có đơn đề nghị khởi tố vụ án.

Khi tiến hành xét xử và quyết định hình phạt, Tòa án nhân dân huyện Định Quán đã nhận định: Hành vi của M đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hiếp dâm” quy định tại điểm b, điểm d, khoản 2 Điều 141 của Bộ luật Hình sự 2015. Bởi, với tuổi đời và nhận thức của bị cáo hoàn toàn biết được việc giao cấu trái với ý muốn của người khác là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo đã lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của bà H để thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân. Bên cạnh đó bị cáo còn có 02 tình tiết định khung tăng nặng là “Phạm tội 02 lần trở lên” và “Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh” quy định ở điểm b, điểm d, khoản 2 Điều 141 của Bộ luật Hình sự 2015, có 01 tình tiết tăng nặng là “Phạm tội đối với người đủ 70 tuổi trở lên” quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi của bị cáo đã xâm hại trực tiếp đến đến thể chất và sinh lý, nhân phẩm, danh dự của người phụ nữ được pháp luật bảo vệ. Vì vậy cần phải xét xử bị cáo một mức án nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để bị cáo cải tạo bản thân và giáo dục phòng ngừa chung trong xã hội. Tuy nhiên cũng xem xét bị cáo chưa có tiền án tiền sự, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã thành khẩn khai báo và tỏ rò thái độ ăn năn hối cải, đã ra đầu thú, bị cáo là người dân tộc thiểu số nên hiểu biết về pháp luật có phần hạn chế được quy định tại điểm s, khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo khi lượng hình để thể hiện tính nhân đạo và khoan hồng của pháp luật. Với những cơ sở và lập luận trên, Bản án hình sự sơ thẩm số 95/2018/HS-ST ngày 27/11/2018 của TAND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Trung M 09 (chín) năm tù về tội “Hiếp dâm”. Quyết định hình phạt này là phù hợp, bởi vì tội phạm do M thực hiện rất nghiêm trọng (khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù) và bị cáo có 02 tình tiết định khung tăng nặng lại vừa có 02 tình tiết giảm nhẹ và 01 tình tiết tăng nặng TNHS.

Vụ án 3: Vào khoảng 17 giờ ngày 17 tháng 3 năm 2019, tại tổ 12, ấp Tân Mai 2, xã P, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Lê Bé N (1982) đã có hành vi

dâm ô đối với cháu Vò Phạm Tường V (sinh năm 2006) thì bị phát hiện xử lý theo quy định. Hành vi của N phạm vào tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” quy định tại khoản 1 Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017. Khi quyết định hình phạt, Tòa án nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ, gây bất bình cho quần chúng nhân dân. Bị cáo là thanh niên đã trưởng thành, đã từng bị xử phạt về tội “Dâm ô đối với trẻ em” nên nhận biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo đã bất chấp thực hiện hành vi phạm tội, chứng tỏ bị cáo là người xem thường pháp luật. Do đó, cần cho bị cáo một mức án nghiêm tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên cần cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017. Do đó, tại Bản án số 342/2019/HS-ST ngày 29/7/2019, Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa đã tuyên phạt Lê Bé N 01 năm 06 tháng tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 81 trang tài liệu này.

Qua những phân tích và đánh giá về thực tiễn quyết định hình phạt đối với các tội phạm xâm phạm tình dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong 6 năm gần đây có thể rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, về cơ bản Tòa án nhân dân hai cấp tại tỉnh Đồng Nai đã tuân thủ các nguyên tắc cũng như căn cứ quyết định hình phạt theo đúng quy định của Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục. Các hình phạt được áp dụng đối với các tội xâm phạm tình dục cơ bản đúng với bản chất tội phạm, công bằng và hợp lý; phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân của người phạm tội, đồng thời cơ bản đạt được mục đích của hình phạt. Có được kết quả này là nhờ các TAND 2 cấp ở Đồng Nai đã nhận định đúng tội danh đối với các bị cáo và trên cơ sở cá thể hóa trách nhiệm hình sự, cá thể hóa hình phạt, Tòa án đưa ra quyết định hình phạt một cách đúng đắn và hợp lý. Kết quả này đã góp phần tích cực vào công tác đấu

Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 7

tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục, bảo đảm sự ổn định về an ninh trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, hình phạt tù có thời hạn là loại hình phạt chính được quyết định áp dụng chủ yếu đối với các tội xâm phạm tình dục, không có trường hợp nào người phạm tội bị quyết định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.

Thứ ba, mức hình phạt được Tòa án nhân dân 2 cấp ở tỉnh Đồng Nai áp dụng phổ biến nhất là phạt tù từ 3 năm trở xuống, tương đương 47% tổng số bị cáo bị xét xử về các tội xâm phạm tình dục. Tuy nhiên, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi xâm phạm tình dục khá đa dạng, phong phú thể hiện thông qua mức hình phạt được quyết định xuất hiện từ mức độ ít nghiêm trọng cho đến mức độ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ tư, mặc dù BLHS có quy định về hình phạt bổ sung đối với tất cả các tội xâm phạm tình dục, tuy nhiên thực tiễn quyết định hình phạt cho thấy không có trường hợp nào người phạm tội bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Thực tiễn trên thể hiện rằng việc quyết định áp dụng các hình phạt bổ sung với mục đích phòng ngừa tội phạm và tăng cường mục đích của hình phạt chưa được chú trọng nhiều.

Thứ năm, các đặc điểm nhân thân của người phạm tội xâm phạm tình dục cũng khá phức tạp. Số lượng các bị cáo là người không nghề nghiệp, người dân tộc thiểu số, người chưa thành niên hoặc người thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm chiếm tỉ lệ không nhiều nhưng lại tập trung vào tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Đây là tín hiệu cảnh báo tình trạng suy đồi về đạo đức của một bộ phận trong xã hội.

2.3. Một số hạn chế, thiếu sót trong quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và nguyên nhân

2.3.1. Một số hạn chế, thiếu sót trong quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục

Như đã phân tích tại mục 1.4, quyết định hình phạt có vai trò vô cùng to lớn, bởi suy cho cùng, các hoạt động tố tụng hình sự trước đó (từ khởi tố, điều tra, truy tố, kể cả việc tranh tụng tại phiên toà) sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu Toà án không làm tốt việc quyết định hình phạt [2]. Hình phạt được quyết định đúng pháp luật, tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, phù hợp với nhân thân người phạm tội là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng của hoạt động xét xử cũng như đánh giá năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.

Qua nghiên cứu thực tiễn xét xử các vụ án xâm phạm tình dục của TAND hai cấp ở tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, tác giả luận văn phát hiện không có nhiều trường hợp quyết định hình phạt sai. Mặc dù bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị nhưng không bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy, cải hoặc sửa bản án. Tuy nhiên, tiếp cận các bản án về các tội xâm phạm tình dục mà TAND 2 cấp ở tỉnh Đồng Nai đã tuyên cho thấy không phải tất cả quyết định hình phạt của Tòa án cấp sơ thẩm đều chính xác và công bằng. Trong một số ít trường hợp, Hội đồng xét xử vẫn còn những hạn chế, thiếu sót như sau:

Một là, Tòa án quyết định hình phạt quá nặng hoặc quá nhẹ

Thực tiễn xét xử các tội xâm phạm tình dục ở tỉnh Đồng Nai trong những năm gần đây cho thấy vấn đề này xảy ra không nhiều nhưng lại làm cho việc quyết định hình phạt thiếu chính xác. Về bản chất, việc quyết định hình phạt quá nặng hoặc quá nhẹ không có nghĩa là Tòa án áp dụng sai các quy định của pháp luật hình sự. Đúng hơn, quyết định hình phạt quá nặng chính là việc Hội đồng xét xử áp dụng loại hình phạt và mức hình phạt quá nghiêm khắc đối với người phạm tội. Tương tự, quyết định hình phạt quá nhẹ tức là Tòa án áp dụng loại và mức hình phạt nhẹ hơn so với loại và mức hình phạt mà đáng lẽ người phạm tội

phải gánh chịu theo quy định của pháp luật hình sự. Việc quyết định hình phạt nhẹ thể hiện nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự, thế nhưng, nếu quyết định hình phạt quá nhẹ mà không có căn cứ xác đáng sẽ không đảm bảo được mục đích của hình phạt.

Ví dụ, trong vụ án Nguyễn Thanh H (1999) nhiều lần có hành vi giao cấu với cháu Thân Thị Thu T (sinh ngày 14/10/2005) xảy ra tại thành phố Biên Hòa. Khi tiến hành xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa nhận định hành vi của bị cáo Nguyễn Thanh H đã cấu thành tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 BLHS với khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù. Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác. Đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ em được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Do đó, cần xử phạt bị cáo một mức án nghiêm, tiếp tục cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người công dân tốt, sống tôn trọng pháp luật, đồng thời còn nhằm răn đe và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử căn cứ bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình, có thái độ ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường cho bị hại số tiền 5.000.000, bị cáo có cha là người có công với cách mạng - thương binh loại A nên đã quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt và xem xét cho bị cáo một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Do vậy, tại Bản án số 439/2019/HS-ST ngày 25/9/2019, Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Thanh H 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

Hai là, không áp dụng hoặc áp dụng không đúng các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.

Một số Thẩm phán khi được phân công xét xử các vụ án xâm phạm tình dục đã không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án dẫn đến bỏ sót tình tiết giảm nhẹ hoặc

tăng nặng TNHS. Thậm chí, có trường hợp Thẩm phán còn bỏ qua hoặc coi nhẹ căn cứ về tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS khi quyết định hình phạt nên trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đã không xác minh hoặc không yêu cầu bổ sung các tài liệu chứng cứ để đưa vào hồ sơ vụ án. Do đó, khi vụ án được đưa ra xét xử thì lẽ ra bị cáo có tình tiết giảm nhẹ TNHS nhưng tại phiên tòa bị cáo không có điều kiện để bổ sung ngay tài liệu, chứng cứ chứng minh cho tình giảm nhẹ TNHS của mình. Hoặc trong một số trường hợp khác, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS lại bị áp dụng không đúng như: tình tiết người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… Hạn chế, thiếu sót này dẫn đến việc hình phạt được quyết định không chuẩn xác, không tương thích với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và nhân thân người phạm tội.

Ba là, quyết định loại hình phạt và mức hình phạt quá chênh lệch nhau trong những vụ án tương tự nhau

Hiện tượng những vụ án có nội dung, tính chất, mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS, nhân thân người phạm tội... tương tự nhau nhưng việc quyết định hình phạt lại chênh lệch nhau không phải hiếm có. Thậm chí, có những trường hợp các vụ án này đều do cùng một thẩm phán xét xử. Sự hạn chế này cho thấy rằng nguyên tắc bình đẳng trong quyết định hình phạt chưa được chú trọng nên đã tạo ra một khoảng cách tương đối lớn trong quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm tình dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Không những thế, hạn chế, thiếu sót này còn dẫn đến sự nghi vấn về trình độ, năng lực chuyên môn cũng như sự công tâm của Hội đồng xét xử. Chẳng hạn, có những vụ án cũng có các tình tiết giảm nhẹ TNHS, nhân thân của các bị cáo tương tự như trường hợp vụ án Lê Bé N phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Mục 2.2) nhưng lại được Tòa án quyết định hình phạt tù cho hưởng án treo.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, Hội đồng xét xử vẫn còn nhầm lẫn trong việc quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xem tất cả 81 trang.

Ngày đăng: 24/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí