Một trong những biện pháp nhằm hạn chế việc phát thải ra môi trường ở các doanh nghiệp được áp dụng tại nhiều quốc gia đó là nghĩa vụ nộp phí BVMT đối với nước thải, chất thải. Mặc dù mức phí đã được sửa đổi theo Nghị định 25/2013/ NĐ-CP quy định về phí BVMT đối với nước thải còn quy định về mức phí đối với chất thải rắn vẫn áp dụng theo Nghị định 174/2007/NĐ-CP. Để tránh tình trạng thu mức phí ngang nhau giữa các doanh nghiệp có hệ thống xử lý và không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo quy định thì các nhà làm luật nên xem xét việc thu mức phí, cần có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp để đảm bảo sự công bằng. Pháp luật cần bổ sung, sửa đổi mức thu phí BVMT để đảm bảo mục đích của việc sử dụng công cụ kinh tế này. Đánh vào túi tiền của người gây ô nhiễm để làm thay đổi hành vi của họ theo hướng có lợi cho môi trường sống của con người.
Quy định về xử lý vi phạm pháp luật về BVMT.
Trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi nhất mà chủ thể phải gánh chịu khi có những hành vi vi phạm pháp luật. Và trách nhiệm pháp lý đặt ra khi chủ thể có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về BVMT. Về vấn đề này, Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; đến nay, Quốc Hội đã thông qua bộ luật hình sự 2015, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2016 đã đưa những hình thức xử phạt hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường.
Tuy nhiên những hình thức xử lý khi tổ chức, doanh nghiệp vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và hơn hết truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra với chủ thể là cá nhân. Vậy việc vi phạm của các tổ chức, doanh nghiệp trong KCN liệu có cá nhân nào chịu trách nhiệm chính hay không, hay chỉ xử lý hành vi gây hại cho môi trường đối với tập thể doanh nghiệp. Quy định pháp luật mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính đối với tổ chức, doanh nghiệp vi phạm. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm như có thể đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp cố tình gây ô nhiễm, suy thoái môi trường…là cần thiết để hoàn thiện pháp luật. Như chúng ta thấy, ở một số nước trên thế giới đã áp dụng trách nhiệm hình sự
đối với pháp nhân như Sigapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… Có thể như vậy mới đủ sức để răn đe, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp, bởi trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất.
Việc các chủ thể vi phạm không đơn thuần chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường mà sâu xa đó là hậu quả, thiệt hại do chính hành vi đó gây ra.Theo quy định, chủ thể gây ra hậu quả phải chấp hành những mức hình phạt tùy thuộc vào loại hành vi vi phạm của mình. Bồi thường thiệt hại là hình phạt khá phổ biến khi có hành vi gây thiệt hại. Nhưng trên thực tế việc xác định mức thiệt hại là rất khó, do vậy, việc bồi thường chỉ mang tính chất tương đối. Chưa có một cơ chế hay một tiêu chuẩn nào làm thước đó cho việc xác định những thiệt hại đối với những thiệt hại về sứa khỏe, đến kế sinh nhai của người dân. Luật quy định thiếu cụ thể về vấn đề này, khó áp dụng trên thực tiễn, nên sẽ ảnh hưởng đến việc bồi thường thiệt hại.Vì thế, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về cách thức, tiêu chuẩn xác định mức thiệt hại trong trường hợp vi phạm gây hậu quả là rất quan trọng để đưa ra mức bồi thường phù hợp đối với hành vi vi phạm.
3.2.2. Phát triển nguồn nhân lực trong công tác bảo vệ môi trường
Để công tác BVMT đạt hiệu quả cao thì bên cạnh các quy định pháp luật về BVMT thì cần phải có một nguồn nhân lực đủ mạnh vừa để giải thích, áp dụng pháp luật cũng như để quản lý môi trường. Đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực môi trường cũng đã có nhiều thành tích đáng kể góp phần BVMT nhưng hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn tồn tại một số yếu kém trong khâu quản lý, ứng phó các thiệt hại môi trường. Và sự việc cá chết hàng loạt ở các vùng biển miền Trung là một ví dụ điển hình về quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Theo như thông tin được cập nhật, sự việc được người dân phát hiện thì phải mất một thời gian sau khi thiệt hại nghiêm trọng, gây tổn thất đến kế sinh nhai của người dân vùng biển thì cơ quan chức năng mới đưa ra những phương hướng tạm thời để phần nào khắc phục hậu quả. Điều đó cho thấy thiếu đi sự ứng phó khẩn cấp, kịp thời, các cơ quan chức năng chậm chạp trong việc xử lý và đặc biệt chưa có cơ quan đặc trách nào đứng ra xử lý, nhận trách nhiệm chính
trong việc khắc phục hậu quả. Do vậy, nhà nước nên quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển đội ngũ cán bộ để đảm bảo hiệu quả trong công tác BVMT, tránh tình trạng trên có thể xảy ra đối với những trường hợp khác.
Vấn đề này cũng được chỉ đạo trong quyết định số 2476/QĐ-BTNMT về phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2012-2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thấy được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực môi trường. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến việc đưa chính sách pháp luật vào đời sống. Cũng theo tinh thần của quyết định này, thì phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi trường phải đáp ứng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý; có phẩm chất, năng lực phục vụ sự nghiệp phát triển ngành, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. 27
Có thể bạn quan tâm!
- Công Tác Quản Lý Môi Trường Trên Địa Bàn Thành Phố Hà Nội
- Một Số Tồn Tại Trong Công Tác Bảo Vệ Môi Trường Ở Khu Công Nghiệp
- Sự Cần Thiết Hoàn Thiện Quy Định Pháp Luật Về Bảo Vệ Môi Trường
- Quy định pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường, thực tiễn tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội - 11
Xem toàn bộ 89 trang tài liệu này.
Hiện nay, trình độ nhân lực trong lĩnh vực môi trường chưa được đồng đều, thiếu kinh nghiệm dẫn đến việc thanh tra, kiểm tra, quản lý, xử phạt hành vi vi phạm pháp luật chưa đạt kết quả cao; nhiều cơ quan quản lý nhà nước còn tỏ ra lúng túng khi sự việc xảy ra, chưa tìm ra được hướng giải quyết ngay nên rất nhiều trường hợp gây hậu quả, tổn thất lớn cho người dân cũng như ảnh hưởng lớn đến môi trường … Do vậy để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như bồi dưỡng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, nhà nước cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, phát triển các cơ sở đào tạo lĩnh vực môi trường, đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng viên tự bổ sung, bồi dưỡng kiến thức, đồng thời cũng nên mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn theo kỳ để đội ngũ cán bộ luôn cập nhật được những kiến thức mới và phù hợp hơn.
Đối với đội ngũ thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường, ngoài việc nâng cao trình độ, năng lực và trách nhiệm thì cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hiện đại cho thanh tra môi trường để có thể phát hiện ra những vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường.
27 Quyết định số 2476/QĐ-BTNMT về phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2012-2020.
Ngoài ra, để trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực môi trường được đảm bảo và có tính chuyên sâu hơn thì có thể đưa việc này vào đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp. Ví dụ có thể xây dựng thành một ngành, một khoa trong các trường đại học, cao đẳng cả nước. Việc này sẽ đảm bảo đào tạo được những chuyên gia, cán bộ có trình độ công nghệ cao, giúp cho việc quản lý và bảo vệ môi trường tốt hơn. Hay có thể lồng ghép vào thành những môn học bắt buộc đối với những trường đại học đào tạo về lĩnh vực pháp luật, công an,…để trang bị thêm những kiến thức, kinh nghiệm trong việc kiểm tra, giám sát môi trường cũng như nhận biết được các hành vi vi phạm về pháp luật môi trường.
Việc tham gia các Điều ước quốc tế giúp cho Việt Nam có cái nhìn rộng hơn và dễ hòa nhập hơn với thế giới. Đồng thời cũng học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trong việc BVMT. Về vấn đề này, nhằm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi trường, Nhà nước có thể mở các lớp đào tạo trong nước có sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Ví dụ, truyền dạy những kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường; nghiên cứu các án lệ, bản án điển hình đã xét xử và có hiệu lực của toà án các nước có kinh nghiệm xử lý khi có ô nhiễm môi trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ 28. Việc đào tạo đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực môi trường sẽ giúp ích cho việc thực thi và áp dụng pháp luật vào đời sống dễ dàng và hiệu quả hơn.
3.3. Nâng cao hoạt động bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp
Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về BVMT ở các KCN. Sớm phát hiện ra các sai phạm và ngăn chặn hậu quả xảy ra. Hoạt động thanh tra ngày càng thường xuyên sẽ làm phát triển hơn ý thức BVMT ở các doanh nghiệp, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
28 TS.Mai Hải Đăng: “Pháp luật quốc tế và Việt Nam về môi trường với việc bảo vệ quyền con người “, năm 2015, tr 93, NXB Tư Pháp.
Phát huy vai trò của Ban quản lý KCN trong việc giám sát việc thực hiện nghĩa vụ BVMT ở các KCN. Cần có sự phân cấp rõ ràng, cụ thể việc tự chịu trách nhiệm đối với từng chủ thể quản lý. Phát hiện sai phạm và phối hợp cùng cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp vi phạm.
Các doanh nghiệp nên in trên bao bì sản phẩm cách thức xử lý bao bì sau khi sử dụng xong sản phẩm. Ví dụ: như nước uống đóng chai C2 sản phẩm của công ty TNHH URC Hà Nội (thuộc KCN Thạch Thất- Quốc Oai) có in hình thùng rác và dòng chữ “bóp chai sau khi sử dụng”. Ở Mỹ, hầu như trên các bao bì sản phẩm đều có dòng chữ: “Please recycle” hay như túi đựng hàng của siêu thị Target có in 10 cách để tái sử dụng túi, cụ thể: dùng để lót thùng rác, mang theo để đựng rác khi đi tàu xe, đựng đồ dùng như bình nước… Việc quy định như vậy vừa nhằm nhắc nhở trách nhiệm vệ môi trường ở KCN, vừa giáo dục ý thức người sử dụng trong việc bảo vệ môi trường.
Kết hợp nhận thức về bảo vệ môi trường trong quá trình thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể sử dụng hay các vật liệu tái chế hoặc những nguồn năng lượng có khả năng tái sinh để có thể tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa rác thải sản xuất cũng như các chất độc hại cho môi trường. Đây là biện pháp mà Mỹ đã sử dụng rất nhiều vào ngành công nghiệp để BVMT. Điển hình là hãng sản xuất giày thể thao lớn nhất của Mỹ và của thế giới – Nike, luôn đi đầu trong việc tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường như Nike Flyknit Racer; Nike Green Speed… 29
Phát triển hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về BVMT trong các KCN. Đối tượng hướng tới trước hết là các doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp thấy được bảo vệ môi trường là trách nhiệm, nghĩa vụ hàng đầu thì việc tuyên truyền càng phải được đề cao hơn. Có thể tuyên truyền, giáo dục BVMT thông qua các buổi tọa đàm; hội thảo; các phương tiện đại chúng hoặc ngày càng tổ chức nhiều các chương trình về BVMTvà bắt buộc sự tham gia của các doanh
29 Những câu chuyện về bảo vệ môi trường ở Mỹ, http://moitruong.com.vn/ hanh-dong-xanh/nhung-cau-chuyen-ve-bao-ve-moi-truong-o-my-12818.htm, truy cập 14:05’ ngày 2/5/2016.
nghiệp để thấy được tầm quan trọng của việc BVMT. Hoặc đẩy mạnh thi đua, khen thưởng trong công tác bảo vệ môi trường KCN cũng như phê bình các doanh nghiệp chưa ưu tiên đến vấn đề BVMT.
Nhà nước nên đầu tư và thu hút đầu tư để xây dựng các KCN theo mô hình KCN sinh thái vì một nền công nghiệp xanh. Việc xây dựng KCN sinh thái sẽ gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và BVMT. Việc áp dụng KCN sinh thái có thể cải thiện hoạt động kinh tế đồng thời giảm thiểu các tác động tới môi trường bởi nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và giảm các chất thải, thích hợp cho phát triển công nghiệp. Hay như KCN VSIP thành lập năm 1996 với quy mô 500 ha, là KCN có sự hợp tác giữa Việt Nam và Singapore. Đây là KCN được xây dựng với mô hình kiểu mẫu KCN xanh, VSIP đặt ra nhiều tiêu chuẩn cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào KCN này nhằm giữ cho KCN luôn xanh, sạch, đẹp như tiêu chi đặt ra ban đầu của 2 quốc gia. Đồng thời cũng từ chối các dự án gây ô nhiễm môi trường mà khi đi vào hoạt động sẽ thải ra chất thải rắn hoặc chất khó xử lý. Bên cạnh đó, khi xây dựng nhà máy tại đây, KCN này bắt buộc các công ty phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về BVMT. Đây cũng có thể coi là một mô hình KCN mà Việt Nam hiện nay nên xây dựng để BVMT nói chung và BVMT ở KCN nói riêng.
Có thể coi đó là một số giải pháp sẽ thúc đẩy công tác BVMT ở KCN. Ngoài việc tuân thủ đúng theo quy định pháp luật thì bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên đưa ra những phương hướng, chính sách vừa để hoạt động kinh doanh có lợi nhuận vừa phải đảm bảo giữ gìn BVMT một cách tốt nhất, không ảnh hưởng đến quyền con người được sống trong môi trường trong lành.
KẾT LUẬN
Môi trường ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia. Bởi nó là nhân tố tác động đến sức khỏe, chất lượng sống hay rộng ra là quyền con người. Trong Nghị quyết 41- NQ/TW của Bộ Chính Trị đã nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước: “Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.” Trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đi đôi với phát triển kinh tế phải có sự kết hợp hài hòa với công tác BVMT. Đặc biệt là BVMT ở các KCN. Vì thế, cần chú trọng trong việc xây dựng, ban hành pháp luật bởi nó là cơ sở pháp lý, là công cụ BVMT quan trọng, hữu hiệu nhất. Trên cơ sở đó, bài khóa luận đã có cái nhìn tổng quát các quy định pháp luật Việt Nam về BVMT, bên cạnh đó cũng phân tích một số quy định của pháp luật về BVMT ở các KCN, thấy được tình trạng ô nhiễm môi trường, thực tiễn thực thi quy định pháp luật hiện hành, đồng thời chỉ ra được một số bất cập và đưa ra một vài giải pháp có thể góp phần nào vào công tác hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới. Hơn nữa, cũng nhấn mạnh việc BVMT không phải là trách nhiệm của 1 cá nhân, 1 quốc gia mà đó là trách nhiệm của tất cả mọi người, của toàn thế giới.
Do vậy, phải có sự chung tay góp sức của tất cả chủ thể cùng nhau giữ gìn, BVMT xanh- sạch- đẹp, góp phần bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Cộng đồng thế giới đã thừa nhận môi trường chính là vấn đề của quyền con người, cho nên, bảo vệ môi trường chính là bảo đảm thực hiện quyền con người được sống trong môi trường trong lành.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến pháp năm 2013 của Quốc Hội ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013.
2. Luật bảo vệ môi trường Việt Nam 2014 số 55/2014/QH13 của Quốc Hội ban hành ngày 23 tháng 6 năm 2014.
3. Nghị định 29/2008/NĐ-CP ban hành ngày 14 tháng 3 năm 2008, quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
4. Nghị định 164/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2013; sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
5. Nghị định 179/2013/NĐ-CP ban hành ngày 14 tháng 11 năm 2013, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
6. Nghị định 80/2014/ NĐ-CP ban hành ngày 06 tháng 08 năm 2014, quy định về thoát nước và xử lý nước thải.
7. Nghị quyết 41- NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
8. Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, số 609/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ban hành ngày 25 tháng 4 năm 2014.
9. Quyết định số 2476/QĐ-BTNMT về phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2012-2020.
10. Thông tư 35 /2015/TT-BTNMT ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2015, Thông tư về việc bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
11. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh (2003), Giáo trình kinh tế và quản lý môi trường, NXB Trường Đại học kinh tế quốc dân.
12. Nguyễn Ngọc Anh Đào (2013), Pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ, Luật học, Học viện khoa học xã hội