Quy Định Pháp Luật Của Việt Nam Về Bảo Vệ Môi Trường Du Lịch

- Ở Brazil, vấn đề môi trường tại vùng biển đã được nhắc đến và có nhiều công trình nhiên cứu được tiến hành. Nhóm T.S.Silva và P.R.A Tagliani đã thực hiện nghiên cứu: “Quy hoạch môi trường tại vùng ven biển Rio Grande do Sul – Nam Brazil[29]: Các yếu tố quản lý ven biển” nhằm nghiên cứu sử dụng cấu trúc không gian của vùng ven biển. Ở nghiên cứu này, nhóm tác giả phân tích và đánh giá chủ yếu đối với các yếu tố đất và cách thức sử dụng đất ở ven biển. Việc nghiên cứu cũng đã phân loại được môi trường từng vùng đưa ra các hình thức bảo tồn và phát triển. Vùng ven biển Nam Brazil có các vùng đất ngập mặn, rừng tự nhiên ven biển, đầm phá thông qua đó nhóm tác giả đã xây dựng mô hình dự đoán sự thay đổi của các vùng đất trong tương lai gần. Từ đó xây dựng mô hình quản lý ven biển và lập kế hoạch sử dụng các khu vực ven biển. Cụ thể:

1. Kế hoạch quản lý ven biển của nhà nước

2. Kế hoạch quản lý của thành phố

3. Hệ thống thông tin quản lý ven bờ

4. Báo cáo chất lượng môi trường

5. Phân vùng sinh thái – kinh tế ven biển

6. Hệ thống quan trắc môi trường

7. Kế hoạch quản lý ven biển

Thông qua các chính sách, môi trường kinh tế xã hội của vùng, nhóm đã nghiên cứu và đề xuất chương trình quy hoạch môi trường bao gồm: quản lý, bảo tồn và phát triển.

* Ở Việt Nam

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 152 trang tài liệu này.


Việt Nam có vùng biển rộng lớn, đường bờ biển dài khoảng trên 3260 kmtừ Móng Cái đến Hà Tiên [21]và trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, tiêu biểu là: Cô Tô, Quan Lạn (Quảng Ninh); Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang)…[31]. Đây là một lợi thế đối với nền kinh tế và du lịch biển của Việt Nam.

Bảo vệ môi trường du lịch bãi biển Thừa Thiên Huế, nghiên cứu trường hợp các bãi biển Thuận An, Lăng Cô - 4

Ngày nay, vấn đề môi trường là vấn đề được quan tâm nhiều nhất khi tiến hành các quy hoạch phát triển du lịch, phát triển kinh tế, đặc biệt là tại các vùng bờ biển. Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, sự suy giảm chất lượng môi trường biển làm cho môi trường sống của các loài sinh vật biển bị phá hủy, mất đa dạng sinh học. Nhiều loài sinh vật biển hiện đang giảm về số lượng, có loài đã tuyệt chủng cục bộ. Có đến 236 loài thủy sinh quý hiếm bị đe dọa ở cấp độ khác nhau, trong đó có hơn 70 loài sinh vật biển đã bị liệt kê trong sách đỏ Việt Nam, 85 loài ở tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện năm 2002 và 2003 ở Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã gây thiệt hại lớn về kinh tế của hoạt động nuôi trồng thủy sản và du lịch của các tỉnh này[37]. Theo nhận định mặc dù biển Việt Nam chưa xếp vào loại ô nhiễm nghiêm trọng nhưng cũng được cảnh báo có nguy cơ ô nhiễm cao trong tương lai. Hiện nay các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển chủ yếu là chất thải công nghiệp đổ ra từ các cửa sông, ô nhiễm rác thải từ các hoạt độngdu lịch và dân cư ven biển[38].

Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu Ðông Bắc Việt Nam, có hơn 2.000 hòn đảo nổi trên mặt biển phần lớn đều là núi, với tổng diện tích là 620km². Ðịa hình đáy biển Quảng Ninh không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20m, có những lạch sâu là di tích các dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rạn san hô rất phong phú đa dạng. Ðặc biệt vùng biển Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới với hàng ngàn đảo đá nguyên là vùng địa hình karts bị nước bào mòn tạo nên cảnh đẹp độc đáo, kỳ vĩ độc nhất vô nhị trên thế giới. Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn có những bãi cát trắng, bãi biển đẹp,như Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng…Những năm gần đây Quảng Ninh đã nỗ lực tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng. Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cộng đồng về quản lý và bảo vệ tài nguyên biển phát triển bền vững, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường. Trong số đó, đáng nói nhất là việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Vịnh Hạ

Long, như: Di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bóc rót than trên Vịnh, cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hoá rời (dăm gỗ, đá các loại…) trên Vịnh Hạ Long. Gần đây nhất phải kể đến việc thực hiện di dời và quy hoạch các điểm cư dân làng chài trên Vịnh, địa điểm nuôi hải sản bằng lồng bè, kế hoạch quản lý hoạt động vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú du lịch; lên phương án xử lý nước thải trên các tàu du lịch; tổ chức thu gom rác thải bảo vệ môi trường sinh thái trên Vịnh Hạ Long, hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển; kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành di dời hai nhà máy xi măng tại huyện Hoành Bồ ra khỏi khu vực gây tác động đến môi trường Vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, để khắc phục và giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường khu vực ven bờ biển, các ngành chức năng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhất là kiểm soát các khu vực có lượng phát thải lớn. Cụ thể, đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; đẩy mạnh việc tuyên truyền bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức đến người dân và khách tham quan du lịch...[49]Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng thành công và áp dụng rộng rãi bộ tiêu chí giám sát môi trường bãi biển. Bộ tiêu chí này đã được xây dựng và áp dụng từ tháng 9 năm 2013 đến nay. [19]

Kết quả điều tra của Viện Hải Dương học cũng cho thấy: Các hoạt động du lịch đang là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng biển thời gian qua. Ðiển hình như đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đang trở thành một khu du lịch lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kéo theo sự phát triển thành khu du lịch nên nhu cầu xây dựng lớn. Chính vì vậy, nếu các nguyên vật liệu xây dựng nếu không được quản lý chặt chẽ, không theo quy hoạch sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở, xói mòn bờ, giảm thể tích chứa nước ngầm dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập, tăng trầm tích đáy, tăng độ đục... [32]

Tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), các nhà khoa học đã phát hiện nhiều địa điểm bãi san hô ở đáy biển sâu đang chết dần do ô nhiễm môi trường. Lý giải về tình trạng nêu trên, các nhà khoa học biển Việt Nam cho rằng, do sự đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học ngày một gia tăng; việc xây dựng bến cảng, nhà máy;

phát triển cơ sở hạ tầng của ngành du lịch, dịch vụ. Ô nhiễm do chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt và chế biến; việc khai thác, đánh bắt theo phương thức tận diệt thủy sản, cũng như nuôi trồng thủy sản tràn lan, thiếu quy hoạch... [32]

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” (tháng 8/2013). Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, du lịch biển sẽ trở thành động lực của kinh tế biển Việt Nam, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Đề án cũng đề ra mục tiêu vào năm 2020, du lịch biển thu hút 22 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch biển đạt

200.000 tỷ đồng. [31]

Ở Việt Nam, quản lý đới bờ đang ngày càng được quan tâm, chấp nhận và áp dụng vào thực tế quản lý để trở thành một giải pháp hiệu quả cho việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở đới bờ. Dự án Việt Nam – Hà Lan về quản lý tổng hợp đới bờ (VNICZM). Trong dự án này, mô hình quản lý dự án hai cấp (Trung ương và địa phương) đã được hình thành. Tại khu vực Miền Trung, dự án triển khai thí điểm tại Thừa Thiên – Huế và cũng tuân theo mô hình tương tự ở dự án Đà Nẵng. Kết quả bước đầu của Dự án này là xây dựng và đưa vào hoạt động cơ chế quản lý dự án ở Trung ương cũng như tại các địa phương thí điểm, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ cho Nam Định và Thừa Thiên –Huế, xác định phân tích các vấn đề điển hình để chuẩn bị cho việc xây dựng các kế hoạch hành động ưu tiên ... Chương trình hợp tác vùng bờ hỗ trợ dự án “Quản lý tổng hợp vùng bờ Việt Nam – VNICZM” thông qua việc tăng cường hiểu biết về các quá trình tự nhiên và kinh tế xã hội ở các vùng ven biển giúp tư vấn kỹ thuật đối về quan trắc, viễn thám, nâng cao nhận thức cho học sinh các trường phổ thông,...

Đối với Thừa Thiên Huế nói riêng, ngành du lịch tỉnh đã liên tục mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du lịch. Dự án hệ thống đường khu du lịch Lăng Cô, di dời đường dây 110KV, dự án

đường nối Chân Mây đến cửa Tư Hiền và đường xuống Bói Cả,... đã và đang gây những tác động tiêu cực đến tài nguyên đất và cảnh quan vùng ven biển. Các ngành kinh tế cùng mở rộng phát triển mà không có sự điều phối chung của tỉnh chắc chắn sẽ dẫn tới mâu thuẫn giữa các bên sử dụng tài nguyên hay giữa các ngành kinh tế. Khi khu công nghiệp và cảng Chân Mây được đưa vào hoạt động sẽ có những tác động không tốt đến ngành du lịch tại khu vực này (nước thải, chất thải công nghiệp, tiếng ồn, bụi,…). Các ao tôm, đầm tôm trong vùng đầm phá sẽ làm mất giá trị thẩm mỹ cảnh quan của ngành du lịch.[22]

- Một số các biện pháp đã được thực hiện:

Tổng cục Du lịch đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn 2030, trong đó chiến lược thúc đẩy du lịch biển, đảo phát triển và hướng đột phá trong 10 tiếp theo [12].

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các quyết định phê duyệt các Kế hoạch, đề án quan trọng: Quyết định số 2293/QĐ-UBND ngày 05/12/2012 phê duyệt Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 [17]; Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 03/4/2013 phê duyệt Quy hoạch phân vùng sử dụng đất bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 [18].

Ngay từ đầu các mùa du lịch, huyện Phú Vang – Thừa Thiên Huế đã củng cố Ban chỉ đạo, Ban quản lý bãi tắm, tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn, lực lượng bảo vệ và Tổ thu gom rác nhằm đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ của bãi tắm, đảm bảo vệ sinh môi trường bãi tắm [23].

1.5. Quy định pháp luật của Việt nam về bảo vệ môi trường du lịch

Bảo vệ môi trường du lịch đã được quy định rõ tại Điều 9 của Luật Du lịch Việt Nam ban hành năm 2005đã nhấn mạnh một số vấn đề:

- Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn cần được bảo vệ, tôn tạo và phát triển nhằm bảo đảm môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.

- Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành các quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch.

Như vậy, chức năng quản lý môi trường du lịch là của ngành du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch dưới sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường

Theo thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài nguyên Môi trường. Trách nhiệm bảo vệ môi trường đã được nêu rõ ở điều 5 và điều 6, nổi bật một số vấn đề như sau:

- Tuyên truyền, giáo dục và vận động về bảo vệ môi trường đối với người làm việc tại cơ sở, du khách và cộng đồng dân cư địa phương.

- Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường; thực hiện việc nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật

- Xây dựng thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Có phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn, chất thải nguy hại; thực hiện phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại tại nguồn; thực hiện thu gom hoặc hợp đồng với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để thu gom chất thải tại cơ sở và chuyển đến nơi xử lý;

- Bảo đảm có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải;

Về trách nhiệm bảo vệ môi trường của du khách, có một số vấn đề cần quan tâm như:

- Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường, không có những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan tại cơ sở.

- Không mang hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ gây cháy, các chất hôi thối, ô nhiễm, đến nơi tham quan, du lịch

- Tham gia các phong trào bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động mọi người cùng chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở; sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tiểu kết chương 1

Du lịch và môi trường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Môi trường là tiền đề, cơ sở để phát triển du lịch, ngược lại du lịch cũng có tác động đến môi trường trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực.

Môi trường du lịch, đặc biệt là môi trường du lịch bãi biển rất được quan tâm trên thế giới. Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài nên cần ưu tiên quan tâm đến môi trường du lịch tại các bãi biển này. Bảo vệ môi trường luôn có tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, nhất là bảo vệ môi trường trong du lịch. Những vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bãi biển du lịch là:

- Ô nhiễm môi trường ở các bãi biển: vấn đề xử lý chất thải, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường bãi tắm;

- Vấn đề quy hoạch cho việc phát triển du lịch ở các bãi biển.

Xem tất cả 152 trang.

Ngày đăng: 03/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí