Thực Trạng Quản Trị Rrtd Và Mức Độ Đáp Ứng Các Chuẩn Mực Basel 2 Về Quản Trị Rrtd Tại Agribank


- Trên cơ sở hệ thống các vấn đề cơ bản về quản trị RRTD theo Basel 2 tại NHTM, luận án chỉ ra các lợi ích của việc quản trị RRTD theo Basel 2 tại NHTM và các điều kiện để NHTM triển khai quản trị RRTD theo Basel 2. Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những người quan tâm có thể tham khảo để hiểu sâu hơn nội dung Basel 2 về quản trị RRTD và việc triển khai áp dụng Basel 2 về quản trị RRTD tại NHTM. Bên cạnh đó, luận án đã đúc kết các bài học kinh nghiệm tốt nhất về triển khai quản trị RRTD theo Basel 2 cho Agribank trên cơ sở khảo sát thực tiễn triển khai tại một số NHTM trong và ngoài nước.

Ý nghĩa thực tiễn

Trên cơ sở đánh giá thực trạng quản trị RRTD tại Agribank giai đoạn 2010-2015, luận án đã chỉ ra mức độ đáp ứng chuẩn mực Basel 2 về quản trị RRTD tại Agribank. Các nhận định, đánh giá của luận án sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đặc biệt là Agribank có cái nhìn tổng thể, đầy đủ về thực trạng quản trị RRTD và mức độ đáp ứng Basel 2 về quản trị RRTD tại Agribank.

Từ thực trạng quản trị RRTD tại Agribank và kinh nghiệm triển khai quản trị RRTD theo Basel 2 tại một số NHTM, luận án đề xuất giải pháp và kiến nghị theo lộ trình từ năm 2016 đến năm 2020 để Agribank đạt chuẩn Basel 2 về quản trị RRTD vào cuối năm 2020. Các giải pháp được xây dựng trên nền tảng lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, thực tiễn tại Agribank và đảm bảo sự phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN Việt Nam.

6. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để đảm bảo việc nhận thức về quản trị RRTD theo Basel 2 tại NHTM nói chung và Agribank nói riêng luôn đảm bảo tính logic giữa nhận thức trực quan đến tư duy và thực tiễn, trong mối quan hệ biện chứng giữa các bộ phận


trong cùng hệ thống, giữa hệ thống với môi trường xung quanh và phù hợp với các qui luật vận động vốn có của nó.

Trên nền tảng của phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, để có các phân tích, đánh giá, lập luận có căn cứ khoa học về đề tài nghiên cứu, NCS sử dụng các phương pháp:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 241 trang tài liệu này.

Các phương pháp tư duy khoa học: Qui nạp, diễn dịch, loại suy, phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh, hệ thống hóa, khái quát hóa các dữ liệu NCS đã thu thập được để làm sáng tỏ các vấn đề lý luận cơ bản về quản trị RRTD tại NHTM và thực trạng quản trị RRTD tại Agribank.

Phương pháp thống kê: thu thập dữ liệu sơ cấp, thứ cấp liên quan đến quản trị RRTD tại Agribank theo chuỗi thời gian từ các báo cáo nội bộ, báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước và xuống quan sát trực tiếp ở Sở giao dịch, một số Chi nhánh để thu thập thông tin và số liệu phục vụ cho nghiên cứu của luận án.

Quản trị rủi ro tín dụng theo Hiệp ước Basel 2 tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - 4

Phương pháp phỏng vấn: phỏng vấn, xin ý kiến các chuyên gia, các cán bộ tín dụng (CBTD) và cán bộ quản lý tại một số chi nhánh của Agribank (trực tiếp, qua thư điện tử) để có thêm các thông tin cần thiết, hữu ích phục vụ cho quá trình nghiên cứu và hoàn thiện luận án.

Phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi: phát phiếu khảo sát thực trạng kiểm soát RRTD tại các chi nhánh: Sở giao dịch, chi nhánh Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Hải dương, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Nghệ An để có thêm thông tin cho việc đánh giá kiểm soát RRTD tại các Chi nhánh Agribank. Các Chi nhánh được NCS chọn khảo sát đảm bảo tính đại diện: có chi nhánh loại 1, loại 2, loại 3; Chi nhánh thành phố lớn, chi nhánh khu vực nông thôn, Chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu cao, chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu thấp.

Do các mô hình lượng hóa, các công thức đo lường vốn, đo lường, đánh giá RRTD đã được đề cập và thừa nhận tính chính xác và khoa học ở các


công trình nghiên cứu liên quan trước đó. Vì vậy, khi đề cập đến việc đo lường, đánh giá, lượng hóa RRTD, NCS không đi sâu vào nghiên cứu các kỹ thuật tính toán mà sẽ kế thừa kết quả nghiên cứu các công trình liên quan.

7. Kết cấu luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình nghiên cứu đã công bố, phụ lục và danh mục các tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương: Chương 1: Những vấn đề cơ bản về quản trị RRTD theo Hiệp ước Basel 2 tại NHTM

Chương 2: Thực trạng quản trị RRTD và mức độ đáp ứng các chuẩn mực Basel 2 về quản trị RRTD tại Agribank

Chương 3: Giải pháp triển khai quản trị RRTD theo Hiệp ước Basel 2 tại Agribank


Chương 1‌‌‌‌

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG THEO HIỆP ƯỚC BASEL 2 TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI


1.1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ RỦI RO TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.1.1 Khái niệm rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại

Tín dụng là quan hệ kinh tế giữa hai bên trong đó một bên (bên cấp tín dụng) chuyển nhượng quyền sử dụng một lượng giá trị cho bên còn lại (bên được cấp tín dụng) trong một khoảng thời gian nhất định. Hết thời hạn theo thỏa thuận, người được cấp tín dụng phải hoàn trả lại cho người cấp tín dụng một lượng giá trị lớn hơn giá trị ban đầu. Tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và các chủ thể khác trong nền kinh tế, trong đó ngân hàng đóng vai trò là người cấp tín dụng.

Khái niệm RRTD đã được nhiều nhà kinh doanh ngân hàng, nhà nghiên cứu đề cập trên nhiều phương diện khác nhau. RRTD thường được hiểu là rủi ro xuất hiện khi bên có nghĩa vụ thanh toán trong quan hệ tín dụng không sẵn sàng hoặc không có khả năng thanh toán đầy đủ cho bên còn lại theo thỏa thuận. Theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN do NHNN Việt Nam ban hành ngày 21/01/2013: “Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là tổn thất có khả năng xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết”. Trong bộ “17 nguyên tắc quản trị RRTD” của Ủy ban Basel (ban hành tháng 9/ 2000) có đề cập “RRTD là khả năng bên vay nợ ngân hàng hoặc bên đối tác không đáp ứng nghĩa vụ thanh toán theo các điều khoản đã thỏa thuận”.


Một cách tổng quát có thể hiểu RRTD trong hoạt động tín dụng của NHTM là sự không chắc chắn trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của người được cấp tín dụng cho ngân hàng theo các điều khoản đã thỏa thuận.

RRTD là không thể tránh khỏi đối với bất kỳ NHTM nào có hoạt động tín dụng. Hoạt động của NHTM liên quan đến việc chấp nhận rủi ro để thu lợi nhuận. Vì vậy, có thể nói hoạt động tín dụng của NHTM là hoạt động dựa trên rủi ro. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng cần xác định mức độ rủi ro nhất định mà ngân hàng có thể chịu đựng được trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch kinh doanh đã được xác định cụ thể trong từng giai đoạn nhất định.

1.1.2 Nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng

Nguyên nhân gây ra RRTD tương đối đa dạng và phức tạp, bao gồm 3 nhóm nguyên nhân: Nguyên nhân từ môi trường bên ngoài, nguyên nhân từ khách hàng và nguyên nhân từ ngân hàng.

1.1.2.1 Nguyên nhân từ môi trường bên ngoài

Hoạt động kinh doanh ngân hàng luôn nằm trong một môi trường nhất định. Khi những biến số trong môi trường thay đổi có thể là nguyên nhân gây ra RRTD cho ngân hàng.

Môi trường bên ngoài bao gồm: Môi trường kinh tế, Môi trường chính trị, xã hội, pháp luật, môi trường tự nhiên...Khi môi trường bên ngoài có sự biến động, ví dụ; sự biến động của nền kinh tế vĩ mô (biến động tỷ giá, lạm phát, lãi suất…), sự thay đổi môi trường pháp luật (thay đổi cơ chế, chính sách, qui định pháp luật của nhà nước), sự thay đổi quan điểm của hệ thống chính trị hoặc sự thay đổi của môi trường tự nhiên…đều có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế, đến hoạt động tích lũy và tiêu dùng của dân cư. Trong điều kiện môi trường kinh tế, chính trị, pháp luật, xã hội, tự nhiên ổn định sẽ tạo điều


kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp, cá nhân mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó tạo điều kiện các doanh nghiệp tăng lợi nhuận, tích lũy, đầu tư và khả năng thanh toán, các cá nhân có cơ hội tăng thu nhập và mở rộng tiêu dùng. Ngược lại, môi trường bên ngoài có nhiều biến động, bất ổn sẽ gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, từ đó giảm khả năng tích lũy, gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp, giảm thu nhập cá nhân. Trong trường hợp các doanh nghiệp, cá nhân có quan hệ tín dụng với NHTM, khả năng trả nợ sẽ giảm sút, dễ phát sinh RRTD.

Nguyên nhân gây RRTD từ môi trường bên ngoài mang tính chất bất khả kháng, NHTM thường khó hoặc không thể kiểm soát được mà chỉ có thể dự báo và thực hiện dự phòng sự biến động.

1.1.2.2 Nguyên nhân từ khách hàng

Khách hàng là đối tượng có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ theo cam kết. Trong trường hợp năng lực quản lý điều hành nói chung, khả năng quản lý và sử dụng vốn nói riêng của khách hàng yếu kém sẽ dẫn đến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, không tạo ra nguồn thu để trả nợ ngân hàng, từ đó gây ra RRTD. Hoặc trong một số trường hợp khách hàng có ý định lừa đảo: sử dụng các thông tin không trung thực khi lập hồ sơ vay vốn, sử dụng vốn sai mục đích, cố tình chiếm dụng vốn ngân hàng, không có thiện chí trả nợ. Trong những trường hợp này, nếu ngân hàng không thẩm định chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay, không phát hiện kịp thời mà vẫn cấp tín dụng cho khách hàng thì hậu quả tất yếu là phát sinh RRTD, không thể thu hồi nợ gốc và lãi.

1.1.2.3 Nguyên nhân từ ngân hàng

RRTD còn có nguyên nhân từ phía ngân hàng. Bao gồm:

Tập trung tín dụng


Trong hoạt động của ngân hàng do những lý do nhất định nào đó, có thể ngân hàng quá tập trung tín dụng vào một khách hàng (hoặc một nhóm khách hàng), tập trung vào một ngành nghề, một lĩnh vực hoặc một khu vực địa lý…Khi các đối tượng, các lĩnh vực, ngành nghề có mức độ tập trung tín dụng cao có biến động có thể là nguyên nhân gây ra RRTD cho ngân hàng.

Qui trình cấp tín dụng chưa phù hợp hoặc hạ thấp điều kiện vay vốn

Qui trình cấp tín dụng chưa phù hợp, các bước trong qui trình chưa thực sự chặt chẽ sẽ tạo ra các kẽ hở, lỗ hổng để khách hàng có thể lách luật, thiếu trung thực là nguyên nhân gây ra RRTD. Bên cạnh đó, trong những trường hợp nhất định ngân hàng hạ thấp các điều kiện vay vốn cũng có thể là nguyên nhân phát sinh và làm trầm trọng thêm RRTD. Khi qui trình cấp tín dụng chưa chặt chẽ, các điều kiện vay vốn bị hạ thấp sẽ dẫn đến việc thiếu thận trọng trong quá trình xét duyệt và cấp tín dụng, thiếu chặt chẽ, thiếu thận trọng, không tuân thủ qui trình kiểm soát hoặc kiểm soát mang tính hình thức, từ đó gây ra RRTD.

Trình độ cán bộ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ

Trình độ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác tín dụng có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra RRTD. Do tính phức tạp trong quá trình thẩm định, đánh giá các dự án/ phương án vay vốn đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có trình độ chuyên môn, am hiểu về khách hàng, về các hoạt động liên quan đến việc sử dụng vốn vay. Trong trường hợp cán bộ tín dụng không đủ trình độ chuyên môn để đánh giá đúng khách hàng và tính khả thi của phương án vay vốn, dẫn đến quyết định cấp tín dụng cho khách hàng không đủ tin cậy về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ hoặc khả năng tài chính của khách hàng không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng, RRTD tất yếu sẽ phát sinh. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác tín dụng nếu không ý thức được trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, không tuân thủ qui trình, nghiệp vụ nhằm mục


đích gian lận, trục lợi sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc cấp tín dụng cho khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, lơ là kiểm soát quá trình sử dụng vốn của khách hàng, hậu quả tất yếu là ngân hàng không thu hồi đủ nợ gốc và lãi, RRTD tăng cao.‌

Rủi ro tín dụng nhạy cảm với thị trường và thanh khoản

Trong trường hợp RRTD nhạy cảm với thị trường và thanh khoản có thể gây ra RRTD ở mức độ cao hơn.

Thị trường biến động làm giảm giá trị các tài sản của khách hàng vay, ảnh hưởng đến uy tín và khả năng trả nợ của khách hàng. Thị trường biến động cũng gây nên sự giảm giá tài sản thế chấp, các hợp đồng phái sinh. Từ đó RRTD có nguy cơ tăng cao.

Tương tự, yếu tố thanh khoản cũng tác động đến giá trị, khả năng chuyển đối các tài sản được nắm giữ bởi ngân hàng cũng như khách hàng vay vốn. Điều đó sẽ làm phát sinh và trầm trọng hơn RRTD cả từ phía ngân hàng và khách hàng được cấp tín dụng.

RRTD cũng có thể có nguyên nhân từ các rủi ro khác trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Khi phát sinh rủi ro thị trường hoặc rủi ro hoạt động cũng có thể là nguồn gốc gây ra RRTD.

1.1.3 Tác động tiêu cực của rủi ro tín dụng

1.1.3.1 Ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh ngân hàng

- Tăng chi phí vốn, giảm lợi nhuận ngân hàng. RRTD xảy ra đồng nghĩa với việc nguy cơ không thu hồi đủ vốn gốc và lãi. Điều này sẽ trực tiếp làm giảm thu nhập và lợi nhuận của ngân hàng. Trong trường hợp số tiền tổn thất quá lớn, làm cho ngân hàng thua lỗ, thậm chí phá sản. Bên cạnh đó, khi phát sinh RRTD sẽ làm phát sinh thêm nhiều khoản chi phí như: chi phí quản lý nợ, chi phí dự phòng…các chi phí này một lần nữa sẽ ăn mòn vào lợi nhuận, là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ trong hoạt động kinh doanh ngân hàng

Xem tất cả 241 trang.

Ngày đăng: 05/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí