Sự Khác Biệt Giữa Kaizen Và Đổi Mới

- Shitsuke - Sẵn sàng (Sustain - tiếng Anh): Giáo dục, duy trì và cải tiến bốn nguyên tắc nêu trên trong bất kỳ mọi hoàn cảnh nào và trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Sự khác biệt giữa Kaizen và đổi mới được thể hiện trong bảng sau:

Bảng 1.1: Sự khác biệt giữa Kaizen và đổi mới


Tiêu chí

Kaizen

Đổi mới


Tính hiệu quả

Dài hạn, không gây ấn tượng hàng ngày


Ngắn hạn, gây ấn tượng

Nhịp độ

Các bước nhỏ

Bước lớn

Khung thời gian

Liên tục, tăng dần

Cách quãng

Mức độ thay đổi

Dần dần

Đột ngột

Cách tiếp cận

Nỗ lực tập thể

Nỗ lực cá nhân

Phạm vi liên quan

Mọi người

Một vài người

Mục đích

Duy trì, cải tiến

Đột phá, xây dựng

Phương pháp

Truyền thống

Đột phá kỹ thuật

Đầu tư

Ít, dần dần

Lớn, tức thời

Định hướng

Con người

Công nghệ, kỹ thuật

Đánh giá

Quá trình, sự nỗ lực

Kết quả, lợi nhuận

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.

Quản trị doanh nghiệp - 3

1.3. PHÂN LOẠI DOANH NGHIỆP

1.3.1. Khái niệm doanh nghiệp

Có thể khái niệm doanh nghiệp từ định nghĩa tổ chức. Tổ chức là một nhóm người có tối thiểu hai người, cùng hoạt động với nhau một cách có quy củ theo những nguyên tắc, thể chế và các tiêu chuẩn (văn hoá) nhất định, nhằm đặt ra và thực hiện các mục tiêu chung.

Một tổ chức có ba đặc trưng cơ bản là: một nhóm người cùng hoạt động với nhau, có mục tiêu chung và cùng hoạt động theo các thể chế, nguyên tắc nhất định. Từ đó có thể hiểu doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế hoạt động trong cơ chế thị trường. Hạn chế của khái niệm này là định nghĩa doanh nghiệp dựa trên cơ sở định nghĩa tổ chức là nhóm tối thiểu hai người trong khi không nhất thiết doanh nghiệp cần điều kiện có tối thiểu hai người.

Khái niệm doanh nghiệp cũng thường được làm rò thông qua phạm trù xí nghiệp. Người ta hiểu xí nghiệp là một đơn vị kinh tế được tổ chức một cách có kế hoạch nhằm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (dịch vụ). Với quan niệm này, xí nghiệp được coi là một hệ thống có các đặc trưng cơ bản là vừa phụ thuộc, lại vừa không phụ thuộc vào cơ chế kinh tế.

Với tư cách là hệ thống không phụ thuộc vào cơ chế kinh tế cụ thể thì xí nghiệp mang ba đặc trưng cơ bản: sự kết hợp các yếu tố sản xuất để tạo ra sản phẩm, nguyên tắc cân bằng tài chính và nguyên tắc hiệu quả.

Với tư cách hệ thống phụ thuộc vào cơ chế kinh tế cụ thể sẽ có định nghĩa doanh nghiệp là một xí nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường. Mỗi doanh nghiệp đều là một xí nghiệp nhưng không phải mọi xí nghiệp đều là doanh nghiệp.

Cho đến nay ở nước ta vẫn còn nhiều cách khái niệm khác nhau về doanh nghiệp. Trong Luật doanh nghiệp nước ta có giải thích:” Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh”. Cần chú ý rằng khái niệm trên giác độ luật sẽ mang ý nghĩa luật pháp là chủ yếu trong khi chúng ta nghiên cứu doanh nghiệp ở nhiều giác độ khác nhau chứ không chỉ nghiên cứu ở góc độ luật pháp.

1.3.2. Phân loại doanh nghiệp

Tính phổ biến của hoạt động kinh doanh và trên cơ sở đó là tính phổ biến của hoạt động quản trị trước hết phụ thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp.Vì vậy, tùy theo từng giác độ nghiên cứu người ta tìm cách phân loại doanh nghiệp theo các tiêu thức khác nhau.

1.3.2.1. Căn cứ vào hình thức pháp lý

Doanh nghiệp không tồn tại chung chung mà luôn tồn tại dưới hình thức pháp lý cụ thể nhất định. Ở mỗi giai đoạn phát triển, mỗi nước đều xác định các hình thức pháp lý của doanh nghiệp. Nước ta hiện nay bao gồm doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn (một thành viên và nhiều thành viên), doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Mỗi loại hình pháp lý có vị trí, vai trò nhất định trong nền kinh tế và đặc biệt là mang đặc điểm riêng được pháp luật quy định trong hoạt động cũng như tổ chức quản trị.

- Doanh nghiệp tư nhân: là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân:

+ Doanh nghiệp tư nhân là một đơn vị kinh doanh do một cá nhân làm chủ, tài sản của doanh nghiệp thuộc về một chủ duy nhất và trong đó không có sự hùn vốn, liên kết các thành viên. Các tổ chức không có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân.

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có thể trực tiếp quản lý hoặc thuê người khác quản lý điều hành hoạt động kinh doanh.

+ Doanh nghiệp tư nhân không được phép phát hành chứng khoán. Những lợi thế của doanh nghiệp tư nhân:

+ Thành lập dễ dàng: doanh nghiệp tư nhân được thành lập tương đối dễ dàng. Bất cứ cá nhân nào có đủ năng lực hành vi, có đủ số vốn theo quy định của luật pháp đều có thể thành lập doanh nghiệp tư nhân để hoạt động kinh doanh. Khi việc xin phép thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, chủ doanh nghiệp có thể tiến hành kinh doanh.

+ Dễ kiểm soát các hoạt động kinh doanh: có lẽ thuận lợi quan trọng nhất của doanh nghiệp tư nhân là cảm giác tâm lý được làm ông chủ doanh nghiệp của chính mình. Người chủ doanh nghiệp tự quyết định sẽ làm việc như thế nào và thực hiện công việc vào thời điểm nào. Ông ta có toàn quyền kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp và các ý tưởng, các quyết định của ông ta có thể được thực hiện với ấn tượng sâu sắc.

+ Linh hoạt và có thể thích nghi nhanh với mọi thay đổi: chủ doanh nghiệp có thể nhanh chóng đưa ra những quyết định nhằm đáp ứng kịp thời những biến động của môi trường kinh doanh.

+ Sự tưởng thưởng trực tiếp: chủ doanh nghiệp tư nhân được tưởng thưởng một cách trực tiếp từ những nỗ lực của chính bản thân họ. Chủ doanh nghiệp tìm thấy sự thoả mãn rất riêng tư thông qua công việc của chính mình và nếu doanh nghiệp thành công ông ta sẽ có danh vọng, uy tín và tiền bạc.

+ Có thể tiết kiệm về thuế : doanh nghiệp tư nhân không nộp thuế lợi tức như một tổ chức kinh doanh lớn mà chủ doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập cá nhân về khoản lợi nhuận ròng của doanh nghiệp như là nộp thuế thu nhập trên số tiền lương mà ông ta trả cho chính bản thân.

+ Giữ được bí mật kinh doanh: Trong khi chủ doanh nghiệp đang tiến hành hoạt động kinh doanh cho chính mình thì ông ta không phải chia sẻ thông tin với bất cứ người nào khác. Điều này có ý nghĩa rất to lớn nhất là khi sự thành công của doanh nghiệp tuỳ thuộc vào một công thức mang tính bí quyết hay những kỹ thuật đặc biệt mà chỉ mình ông ta biết.

+ Giải thể dễ dàng: Một khi chủ doanh nghiệp tư nhân quyết định giải thể doanh nghiệp thì tất cả những gì ông ta cần thực hiện là bán đi hàng hoá, nguyên vật liệu, vật tư tồn kho, trả các khoản nợ và xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh những thuận lợi thì doanh nghiệp tư nhân cũng tồn tại những bất lợi nhất định:

+ Trách nhiệm vô hạn về mặt pháp lý: chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cá nhân vô hạn về mặt pháp lý đối với các khoản nợ của doanh nghiệp mà ông ta làm chủ, bởi không có sự phân biệt giữa tài sản kinh doanh với tài sản của cá nhân ông ta.

+ Giới hạn sinh tồn của doanh nghiệp bị hạn chế: không thể phân biệt một cách rạch ròi về mặt pháp lý giữa chủ tư nhân với doanh nghiệp của ông ta, do đó khi ông ta bị chết, mất trí hay bị bỏ tù, doanh nghiệp của ông ta sẽ mặc nhiên chấm dứt hoạt động. Nếu những người thừa kế cố gắng duy trì doanh nghiệp đó sau khi ông ta chết thì điều đó có nghĩa là một doanh nghiệp mới đã được tạo lập về mặt pháp lý.

+ Sự hạn chế về vốn kinh doanh: Một chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tăng vốn kinh doanh để đáp ứng một cơ hội kinh doanh hay mở rộng doanh nghiệp của ông ta. Bởi số tiền tiết kiệm của cá nhân và tất cả những gì ông ta có thể vay mượn được từ những người thân thuộc đều có hạn. Các ngân hàng và các định chế tài chính khác thường rất ngần ngại khi gia tăng các khoản cho vay dài hạn vì giới hạn tuổi thọ của doanh nghiệp loại này rất mong manh.

+ Sự yếu kém về kỹ năng quản trị chuyên biệt: trong quá trình quản lý chủ doanh nghiệp phải hoàn toàn dựa vào những kỹ năng và óc suy xét của chính ông ta. Với vai trò là giám đốc duy nhất, ông ta cần phải có kiến thức về tất cả các mặt: marketing, sản xuất, nhân sự, tài chính…mà khả năng của một cá nhân thì không thể tinh thông trong tất cả mọi lĩnh vực. Mặt khác chủ các doanh nghiệp tư nhân cũng không có đủ nguồn tài chính để thuê các giám đốc chuyên nghiệp, ông ta bị hạn chế bởi chính khả năng có hạn của bản thân.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên: là doanh nghiệp do một tổ chức hay cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó:

+ Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp.

+ Phần vốn góp của tất cả các thành viên dưới bất cứ hình thức nào đều phải đóng góp đầy đủ ngay từ khi thành lập.

+ Phần vốn góp của thành viên không thể hiện dưới một hình thức chứng khoán nào mà được ghi rò trong điều lệ công ty. Mỗi thành viên được cấp một bản điều lệ làm bằng chứng cho tư cách thành viên của mình.

+ Không được quyền phát hành cổ phiếu

+ Việc chuyển nhượng cho người ngoài công ty bị hạn chế gắt gao, chỉ tiến hành khi các thành viên còn lại không mua hoặc không mua hết.

+ Thành viên có thể là các tổ chức, cá nhân, số lượng thành viên không vượt quá năm mươi.

+ Trên các bảng hiệu và mọi giấy tờ của công ty đều phải ghi các chữ “trách nhiệm hữu hạn” và vốn điều lệ.

+ Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên phải có: Hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc (tổng giám đốc). Công ty TNHH có trên 11 thành viên phải có ban kiểm soát.

Những thuận lợi của công ty TNHH:

+ Công ty có nguồn vốn dồi dào hơn công ty tư nhân: do sự kết hợp các nguồn vốn của hai hay nhiều người nên khi thành lập công ty có thể có số lượng vốn lớn hơn và có tiềm năng tài chính mạnh hơn nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân.

+ Vị thế tín dụng của công ty ngày càng cao: đối với công ty TNHH, các định chế tài chính sẽ sẵn sàng mở rộng tín dụng cho vay hơn công ty tư nhân bởi các khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản của công ty. Hơn nữa, do công ty có nhiều chủ sở hữu nên nguồn tài chính sẽ dồi dào hơn.

+ Kỹ năng quản trị được nâng cao nhờ sự chuyên môn hoá: các thành viên vốn có trình độ kiến thức khác nhau nên họ có thể bổ sung cho nhau trong sự giao lưu về kỹ năng, giao tiếp và chuyên môn.

+ Có khả năng tăng trưởng và phát triển cao: sự đa dạng trong cung cách quản trị và sự phong phú các nguồn vốn nâng cao triển vọng đối với sự phát triển và mở rộng các sản phẩm hay các thị trường mới của công ty.

Những bất lợi của công ty TNHH:

+ Giới hạn tồn tại của công ty: theo luật định, một công ty TNHH sẽ bị giải thể khi có một thành viên qua đời, hoặc ngẫu nhiên một thành viên bị mất trí chẳng hạn hay có sự rút lui của bất cứ thành viên nào, doanh nghiệp cũ mặc nhiên được coi là chấm dứt hoạt động.

+ Khó khăn về kiểm soát: mỗi thành viên đều phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định của bất cứ thành viên nào trong công ty. Tất cả các hoạt động dưới danh nghĩa công ty của một thành viên bất kỳ đều có sự ràng buộc đối với các thành viên khác mặc dù là họ không hề được biết trước. Nếu không có sự tin cậy và hiểu biết lẫn

nhau sẽ rất dễ dẫn tới sự bất đồng và những cuộc tranh cãi triền miên có thể dẫn tới giải thể doanh nghiệp.

- Công ty cổ phần: là doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều cổ phần do tối thiểu ba cổ đông sở hữu, được phép phát hành chứng khoán và có tư cách pháp nhân. Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn mà họ đã đóng góp.

Cơ quan quyết định cao nhất ở công ty cổ phần là đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị là cơ quan quản trị, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty (trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông). Giám đốc (Tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty và chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị về thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Công ty cổ phần có trên 11 cổ đông thành lập ban kiểm soát.

Những thuận lợi của công ty cổ phần:

+ Trách nhiệm pháp lý có giới hạn: thuận lợi quan trọng nhất của công ty cổ phần là sự giới hạn về mặt trách nhiệm pháp lý. Đặc trưng này đảm bảo cho mỗi cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về mặt pháp lý trên số vốn mà họ đã đầu tư vào công ty.

+ Sự tồn tại vĩnh viễn của công ty: nếu công việc kinh doanh được quản lý tốt, một công ty cổ phần có thể tiến hành hoạt động kinh doanh mãi mãi. Sự thay đổi chủ sở hữu không ảnh hưởng đến sự tồn tại của công ty.

+ Nguồn vốn phong phú hơn: do số lượng các cổ đông gia tăng nên khối lượng vốn cũng tăng lên, một công ty cổ phần có thể thu hút vốn bằng cách kêu gọi công chúng góp vốn vào công ty.

+ Các cổ phần hay quyền sở hữu công ty có thể chuyển nhượng khá dễ dàng.

+ Có kỹ năng quản trị đạt trình độ chuyên môn cao. Những bất lợi của công ty cổ phần:

+ Chịu sự chế định chặt chẽ của chính phủ: một công ty cổ phần phải tuân theo rất nhiều nguyên tắc do chính phủ quy định chặt chẽ hơn các loại hình doanh nghiệp khác. Luật pháp quy định công ty phải có sổ sách kế toán được ghi chép một cách chính xác và hàng năm phải nộp bản báo cáo tài chính cho cơ quan Nhà nước quản lý kinh doanh.

+ Thuế: mức thuế của các công ty cổ phần được xác định tuỳ theo ngành nghề, tuy nhiên nó thường cao hơn mức thuế suất thu nhập tư nhân. Do đó hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân thì có lợi hơn về mặt thuế khoá do được hưởng thuế suất thấp hơn so với công ty cổ phần.

+ Khó giữ bí mật kinh doanh: vì lợi nhuận của các cổ đông và để thu hút các nhà đầu tư tiềm tàng, công ty thường phải tiết lộ những dữ liệu tài chính quan trọng, trình

bày nhiều thông tin xác đáng khác trong bản báo cáo hàng năm. Những thông tin này có thể bị các đối thủ cạnh tranh khai thác.

- Doanh nghiệp nhà nước (DNNN): là một tổ chức kinh tế do nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh hoặc hoạt động công ích, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do nhà nước giao.

DNNN có đặc điểm:

+ Nhà nước đầu tư vốn: vốn nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và sử dụng gồm vốn ngân sách cấp, vốn có nguồn gốc ngân sách và vốn của DNNN tự tích luỹ. DNNN là một tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý nên chủ sở hữu DNNN là Chính phủ và thông qua các cơ quan do Chính phủ chỉ định để thực hiện vai trò chủ sở hữu.

+ DNNN được thành lập nhằm mục đích thực hiện hoạt động kinh doanh (chủ yếu nhằm mục tiêu lợi nhuận) và hoạt động công ích (sản xuất cung ứng dịch vụ công cộng) theo các chính sách của Nhà nước hoặc trực tiếp thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

+ DNNN có tư cách pháp nhân vì nó là một tổ chức có đủ các điều kiện sau: được thành lập hoặc thừa nhận một cách hợp pháp, có cơ cấu tổ chức, có tài sản và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản, tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

- Hợp tác xã: là tổ chức kinh tế tự chủ do những người lao động có nhu cầu, lợi ích chung tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật để phát huy sức mạnh của tập thể và của từng xã viên nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung tồn tại hình thức hợp tác xã kiểu cũ nhưng hình thức này đã bị tan rã hàng loạt vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Ngày nay các hợp tác xã kiểu mới phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh tế dịch vụ.

Muốn phát triển có hiệu quả, hợp tác xã phải được tổ chức và hoạt động trên cơ sở tôn trọng triệt để các nguyên tắc:

+ Tự nguyện gia nhập và ra hợp tác xã.

+ Quản lý dân chủ và bình đẳng.

+ Tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi.

+ Chia lãi đảm bảo lợi ích của xã viên và sự phát triển của hợp tác xã.

+ Hợp tác xã và phát triển cộng đồng.

- Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp trong đó:

+ Có hai hay nhiều đối tác cùng sáng lập, đó là sự liên kết các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài.

+ Các bên tham gia liên doanh góp vốn pháp định theo luật định.

+ Được thành lập theo hình thức công ty TNHH. Hội đồng quản trị liên doanh là cơ quan có thẩm quyền cao nhất.

+ Thời gian hoạt động của doanh nghiệp do các bên thoả thuận và không vượt quá 50 năm.

- Công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó:

+ Phải có ít nhất hai thành viên hợp danh cùng kinh doanh dưới một tên chung; ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn.

+ Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn, thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty.

+ Cơ cấu tổ chức quản lý công ty hợp danh do các thành viên hợp danh thoả thuận trong điều lệ công ty. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty.

+ Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

+ Không được phát hành loại chứng khoán nào.

- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài: là doanh nghiệp do người nước ngoài đầu tư vốn và đăng ký hoạt động trên lãnh thổ nước ta. Trong quá trình hoạt động kinh doanh thì các doanh nghiệp loại này phải tuân thủ hoàn toàn các quy định pháp luật Việt Nam.

1.3.2.2. Căn cứ vào hình thức sở hữu

Căn cứ vào hình thức sở hữu có doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp sở hữu hỗn hợp và doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

- Doanh nghiệp nhà nước truyền thống có 100% vốn của nhà nước và thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Trong tương lai số doanh nghiệp loại này giảm đáng kể.

- Doanh nghiệp dân doanh là doanh nghiệp trong nước do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vốn và tổ chức hoạt động.

- Doanh nghiệp sở hữu hỗn hợp là doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Loại này bao gồm doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước không sở hữu 100% vốn, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài.

- Doanh nghiệp nước ngoài là doanh nghiệp có sự đầu tư của cá nhân, tổ chức kinh tế nước ngoài. Các doanh nghiệp loại này có 100% vốn nước ngoài.

Mỗi loại hình doanh nghiệp này có vai trò và ý nghĩa nhất định trong nền kinh tế quốc dân.Trước mắt còn có sự phân biệt nhất định về cách thức quản lí các loại doanh nghiệp này song trong tương lai sự khác biệt này sẽ dần được xóa bỏ.

Xem tất cả 219 trang.

Ngày đăng: 16/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí