Bài Học Kinh Nghiệm Có Thể Vận Dụng Cho Quản Lý Nhà Nước Về Du Lịch Trên Địa Bàn Tỉnh Ninh Bình


1.4.3. Bài học kinh nghiệm có thể vận dụng cho quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Qua tham khảo kinh nghiệm về quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Nam là 2 tỉnh có đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội và tài nguyên du lịch khá tương đồng với tỉnh Ninh Bình, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như sau:

Thứ nhất, phải quan tâm đến việc chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch hợp lý, phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh, đặc biệt là phải có quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch trong một giai đoạn, thời gian dài, hợp lý; với mục tiêu cụ thể rõ ràng, đo lường được. Trên cơ sở quy hoạch, phải xây dựng chiến lược, kế hoạch và chính sách để bảo đảm việc thực hiện quy hoạch. Qua kinh nghiệm 2 địa phương trên cho thấy cả 2 tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch từ khá sớm, đầu những năm 2000; quy hoạch được lập để xây dựng cho giai đoạn 10 năm, định hướng phát triển 20 năm.

Thứ hai, phải chú trọng đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú để thu hút du khách. Đặc biệt Ninh Bình có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh nên tỉnh cần chú trọng đầu tư quảng bá các sản phẩm trên. Liên kết, tham gia vào nhiều tổ chức du lịch quốc tế để thu hút khách du lịch quốc tế. Qua kinh nghiệm tỉnh Quảng Ninh có thể thấy, tỉnh Quảng Ninh đã hợp tác, liên kết với rất nhiều tổ chức quốc tế để mở các tour tuyến du lịch quốc tế đến Vịnh Hạ Long.

Thứ ba, quan tâm đến việc xây dựng tổ chức bộ máy ngành du lịch. Tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa các ban, ngành của tỉnh để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực từ đó xây dựng hình ảnh một ngành du


lịch chuyên nghiệp, thân thiện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng bao gồm cả đào tạo cho cán bộ quản lý và đào tạo nghiệp vụ cho người lao động; bên cạnh đó chú trọng mở các lớp về giao tiếp, ứng xử cho những người lao động trong ngành du lịch.

Thứ năm, đa dạng hóa, khai thác hợp lý các tài nguyên du lịch kết hợp công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường. Xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa của du khách ngày càng được nâng lên do vậy các tỉnh Quảng Ninh và Quảng Nam cũng đã luôn chú trọng đến quản lý khai thác, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động du lịch. Việc phát triển du lịch nhanh đã đặt ra nhiều vấn đề trong đó có việc nhiều tổ chức, cá nhân coi trọng lợi nhuận, lợi ích trước mắt mà chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực du lịch cố tình gây hại môi trường, tài nguyên du lịch, kinh doanh không lành mạnh như tăng giá không bình thường, bán hàng giả, hàng kém chất lượng không đúng như giới thiệu… do đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.


Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình - 6

Tiểu kết chương 1


Chương 1 của Luận văn đã đề cập và làm rõ những cơ sở lý luận, khoa học của quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch. Chương này gồm 4 nội dung chính:

- Du lịch và hoạt động du lịch: Mặc dù du lịch đã được xuất hiện và phát triển từ lâu, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân cũng như trong đời sống xã hội. Trong thực tế có rất nhiều định nghĩa về du lịch khác nhau nhưng có thể hiểu: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác. Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.

- Sự cần thiết và các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý nhà nước về du lịch: Ngày nay du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến và nó đóng một vai trò hàng đầu trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Vai trò quản lý nhà nước của trong lĩnh vực du lịch rất cần thiết để định hướng cho sự phát triển bền vững trong hoạt động du lịch, tạo ra các điều kiện thuận lợi và đảm bảo cho các điều kiện ấy được tồn tại. Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch chịu ảnh hưởng các yếu tố sau: Yếu tố về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; các yếu tố về kinh tế xã hội; các yếu tố thuộc về đường lối phát triển du lịch; các yếu tố thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

- Quản lý nhà nước về du lịch: Do thể chế chính trị - xã hội, hệ thống phát luật, chiến lược của mỗi quốc gia mà nội dung quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch cũng khác nhau. Ở Việt Nam, hoạt động quản lý nhà nước đối với du lịch đã được quy định trong Luật Du lịch 2005 và Luật Du lịch 2017,


gồm các nội dung: (1) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch; (2) xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động du lịch; (3) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về du lịch; (4) tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; (5) tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch để xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, xác định khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch; (6) tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài; (7) quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý nhà nước về du lịch; (8) cấp, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về hoạt động du lịch; (9) kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về du lịch.

- Kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch của một số địa phương trong nước: Trong khuôn khổ luận văn, tác giả đã tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch của một số địa phương trong nước như Quảng Ninh, Quảng Nam trên các lĩnh vực về quản lý nhà nước. Qua đó đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm tỉnh Ninh Bình cần học hỏi, đổi mới nhằm hoàn thiện và nâng cao hơn nữa quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn.


Chương 2

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH


2.1. Cơ sở tự nhiên và kinh tế -xã hội cho phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình

2.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên tỉnh Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, có vị trí địa lý ở vào khoảng từ 19050’ - 20026’ vĩ độ Bắc và từ 105032’ - 106020’ kinh độ Đông. Phía Bắc tỉnh Ninh Bình giáp Hà Nam; phía Đông giáp Nam Định; phía Đông Nam giáp biển Đông; phía Tây và Tây Nam giáp Thanh Hóa; phía Tây giáp Hòa Bình.

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 90 km, nằm trên các tuyến giao thông quan trọng của nước ta theo cả đường bộ (quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 10…) và đường sắt Bắc - Nam, Ninh Bình trở thành một cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam Bắc. Ngoài ra, Ninh Bình còn có hệ thống sông ngòi (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vân, sông Vạc, sông Lạng…) với hệ thống cảng thủy nội địa tương đối phát triển, thông ra với biển Đông… Đây cũng là điều kiện thuận lợi về vận tải, thông thương với các tỉnh trong cả nước và quốc tế, tạo lợi thế độc đáo để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa...

Về địa hình Ninh Bình được chia thành ba vùng:

- Vùng đồi núi, nửa đồi núi với các dãy núi đá vôi, núi thạch sét, sa thạch, đồi đất đan xen các thung lũng lòng chảo hẹp, đầm lầy, ruộng trũng ven núi. Với kiểu địa hình này có nhiều tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đá vôi, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng (xi măng, đá ốp


lát…), có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch (cảnh quan, hang động, thảm thực vật…), cây công nghiệp, cây ăn quả.

- Vùng đồng bằng là vùng đất đai màu mỡ, bãi bồi ven sông, có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tại chỗ, và nông sản hàng hóa xuất khẩu.

- Vùng ven biển và biển có điều kiện phát triển các cây trồng, vật nuôi, khai thác các nguồn lợi ven biển và ngoài khơi (nuôi trồng, đánh bắt hải sản; du lịch…).

Địa hình vùng đồi núi chiếm quá nửa diện tích tự nhiên của tỉnh; các vùng nửa đồi núi tuy không lớn, nhưng được phân bố rải rác theo các vùng đồng bằng xen kẽ chạy dài từ điểm cực tây huyện Gia Viễn theo hướng Đông Nam qua huyện Hoa Lư, thành phố Tam Điệp, Yên Mô xuống Kim Sơn và ra tới biển Đông. Điểm cao nhất so với mực nước biển là đỉnh Mây Bạc thuộc vườn Quốc gia Cúc Phương cao 648,2m; điểm thấp nhất so với mực nước biển thuộc xã Gia Trung huyện Gia Viễn là - 0,4m. Huyện Gia Viễn, Yên Mô và một phần huyện Hoa Lư là vùng trũng, hay bị úng lụt. Toàn tỉnh có 18 km bờ biển thuộc huyện Kim Sơn, có cửa sông Đáy và sông Càn đổ ra biển tạo ra vùng bãi bồi, hàng năm tiến thêm ra biển khoảng 80 - 100 m và quỹ đất tăng thêm hàng năm khoảng 140 - 168 ha.

Về khí hậu: Ninh Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thời tiết hàng năm chia thành 4 mùa rõ rệt là xuân, hạ, thu, đông. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 230c. Số lượng giờ nắng trong năm trung bình trên 1.100 giờ. Lượng mưa trung bình/năm đạt 1.800 mm [4].

Về giao thông: Ninh Bình là một điểm nút giao thông quan trọng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Đường bộ có quốc lộ 1A, quốc lộ 10, quốc lộ 12A, 12B, 59A. Đường sắt có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, chiều dài 19 km, với 4 ga (Ninh Bình, Cầu Yên, Ghềnh và Đồng Giao). Tỉnh


Ninh Bình có hệ thống giao thông thuỷ rất thuận lợi do có nhiều con sông lớn như: Sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Càn, sông Vạc, sông Vân, sông Lạng. Ngoài ra còn có các cảng lớn như: Cảng Ninh Phúc, cảng Ninh Bình, Kim Sơn, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Về đất đai: Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 1.390 km2 với các loại đất phù sa, đất Feralitic. So với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất với khoảng 19.033 ha, chiếm 23,5% diện tích rừng của vùng, chiếm 13,3% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, tổng diện tích rừng tự nhiên là 13.633,2 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Nho Quan; rừng nguyên sinh Cúc Phương thuộc loại rừng nhiệt đới điển hình, động thực vật đa dạng, phong phú. Rừng trồng có diện tích đạt 5.387 ha, tập trung ở huyện Nho Quan, Hoa Lư, Kim Sơn, thị xã Tam Điệp. Bờ biển Ninh Bình dài trên 15km với hàng nghìn hecta bãi bồi. Cửa Đáy là cửa lớn nhất, có độ sâu khá, đảm bảo tàu thuyền lớn, trọng tải hàng ngàn tấn ra vào thuận tiện.

2.1.2. Khái quát về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình có 08 đơn vị hành chính (gồm 06 huyện và 02 thành phố), dân số toàn tỉnh đạt 952.509 người [4], có 6 dân tộc thiểu số, với 6.349 hộ, 24.560 nhân khẩu (chiếm 2,5% dân số toàn tỉnh), trong đó dân tộc Mường 21.748 người, còn lại là các DTTS khác (như: Tày, Thái, Hoa, Nùng, Dao... ). Đồng bào các dân tộc sinh sống vừa tập trung, vừa xen kẽ tại 89 thôn, bản thuộc 09 xã của 02 huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp.

Về kinh tế, giai đoạn 2010 - 2016, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trung bình đạt 11%, với tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2016 đạt 28.107 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 45,7% so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển thương mại, dịch vụ, năm 2010 lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 22% giảm còn 13% vào năm 2016; tỷ trọng


lĩnh vực thương mại, dịch vụ từ 38% năm 2010 tăng lên 41% vào năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 37,6 triệu đồng, tăng 76% so với năm 2010. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.264 tỷ năm 2016, tăng 137% so với năm 2010 (2.066 tỷ). Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 2.284, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 17; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 2.238; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 29.

Về văn hóa - xã hội, Ninh Bình luôn thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu về chất lượng giáo dục trong cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,4% năm 2010 xuống còn 3,5% năm 2015 (theo tiêu chí năm 2010). Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới là 53,78% (64/119 xã).

2.1.3. Điều kiện, tiềm năng và thế mạnh của du lịch tỉnh Ninh Bình

2.1.3.1. Về tài nguyên du lịch tự nhiên

Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, nằm ở vị trí cửa ngõ cực nam của tam giác châu thổ sông Hồng và miền Bắc, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh gắn với vùng đất kinh đô của Việt Nam thế kỷ X với nhiều di tích lịch sử. Trong quy hoạch xây dựng Vùng Duyên hải Bắc Bộ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình được phê duyệt phát triển thành một trung tâm du lịch của khu vực [13].

Ninh Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố của một Việt Nam thu nhỏ gồm có rừng, núi, sông, biển với nhiều đền chùa, đình đài, di tích lịch sử, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản thế giới, khu du lịch quốc gia...

Ninh Bình là tỉnh hội tụ đầy đủ các dạng địa hình: đồng bằng, miền núi, miền biển và từng là kinh đô của nước Đại Cồ Việt. Địa hình kết hợp với các thành phần tự nhiên khác như hệ thống thủy văn, sinh thái, thảm thực vật đã tạo cho Ninh Bình những tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/10/2023