tranh điểm đến của ngành du lịch Việt Nam; chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và áp lực đối với ngành du lịch Việt Nam cũng như nguyên nhân của hạn chế về năng lực cạnh tranh điểm đến của ngành du lịch Việt Nam. Tác giả đề xuất bốn quan điểm nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của ngành du lịch Việt Nam, trong đó đề xuất: ngành du lịch phải được phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững [70].
Trong luận án Thị trường du lịch Quảng Ninh trong hội nhập kinh tế quốc tế, tác giả đã hướng nghiên cứu vào làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về thị trường du lịch trong HNQT; phân tích thực trạng của thị trường du lịch Quảng Ninh, trong đó tác giả đã phác họa rõ nét về những thành tựu, đặc biệt là nêu rõ những vấn đề đặt ra cần khắc phục để mở rộng thị trường du lịch Quảng Ninh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Tác giả đã đề xuất bốn nhóm giải pháp nhằm phát triển thị trường du lịch trong thời gian tới, trong đó chú trọng tăng nguồn cung hàng hóa du lịch và kích cầu về du lịch [1].
Tác giả Nguyễn Duy Mậu (2011) trong luận án Phát triển du lịch Tây Nguyên đến năm 2020 đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đã đề xuất chín giải pháp để phát triển du lịch Tây Nguyên trong quá trình HNQT, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ khách sạn, nhà hàng; phát triển các hình thức liên kết các DNDL trên địa bàn khu vực Tây Nguyên [32].
Trong luận án Những giải pháp phát triển du lịch sinh thái Việt Nam trong xu thế hội nhập, tác giả chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với phát triển DLST trong xu thế hội nhập; phân tích những kinh nghiệm phát triển DLST của một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đề xuất một số giải pháp chủ yếu phát triển DLST ở Việt Nam [69].
Luận án Phát triển du lịch bền vững ở Phong Nha - Kẻ Bàng đã phân tích các quan niệm về hệ thống đánh giá du lịch bền vững, các kinh nghiệm du lịch bền vững và không bền vững trên thế giới và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch bền vững Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là luận án về du lịch bền vững ở một vùng du lịch cụ thể, có tính đặc thù. Tuy nhiên, tác giả tập trung nghiên cứu quan niệm về du lịch bền vững, cũng như chỉ tiêu đánh giá [13].
Trong luận án Phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo ở Lào Cai, tác giả phân tích các lý luận về phát triển du lịch gắn với quá trình xóa đói, giảm nghèo ở một địa phương [58].
1.2.1.3. Về các loại hình du lịch
Theo Giáo trình Kinh tế du lịch của tác giả Nguyễn Văn Đính và cộng sự (2006), du lịch phân loại theo các tiêu thức: theo phạm vi lãnh thổ của chuyến đi (du lịch quốc tế, du lịch nội địa); theo phương tiện lưu trú (du lịch ở trong khách sạn, trong motel, ở làng du lịch, ở lều, trại (camping)); theo thời gian đi du lịch (du lịch dài ngày, ngắn ngày); theo nhu cầu làm nảy sinh HĐDL (du lịch chữa bệnh, nghỉ ngơi giải trí, thể thao, văn hóa, công vụ, sinh thái, thương gia, tôn giáo, thăm hỏi, quê hương, quá cảnh); theo đối tượng khách du lịch (du lịch thanh thiếu niên, dành cho những người cao tuổi, phụ nữ, gia đình); theo phương tiện giao thông (du lịch bằng ô tô, xe máy, xe đạp, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay); theo hình thức tổ chức chuyến đi (du lịch theo đoàn và cá nhân có/không thông qua tổ chức du lịch); theo vị trí địa lý nơi đến du lịch (du lịch nghỉ núi, nghỉ biển, sông hồ, đồng quê, thành phố) [18].
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hội nhập quốc tế - 1
- Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hội nhập quốc tế - 2
- Về Hoạt Động Kinh Tế Du Lịch Và Sự Phát Triển Du Lịch
- Khái Quát Chung Về Du Lịch Trên Địa Bàn Thành Phố
- Khái Niệm, Đặc Điểm, Nội Dung Và Các Nhân Tố Tác Động Đến Quản Lý Nhà Nước Về Du Lịch Cấp Thành Phố Trực Thuộc Trung Ương Trong Hội Nhập Quốc
- Xây Dựng Và Thực Thi Chính Sách Về Hoạt Động Du Lịch Trên Địa Bàn
Xem toàn bộ 241 trang tài liệu này.
Theo các tác giả, trong các chuyến đi du lịch người ta thường kết hợp một số loại hình du lịch với nhau. Chẳng hạn du lịch nghỉ ngơi, giải trí với du lịch văn hóa; du lịch công vụ với du lịch văn hóa.
Trong luận án Phương hướng và một số giải pháp để đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch ở Quảng Nam - Đà Nẵng, tác giả làm rõ các loại hình du lịch và xu hướng đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch [44].
Ngoài các công trên còn nhiều công trình của các tác giả khác bàn về phân loại du lịch như các tác giả Trương Sĩ Quý (2002) [44], Đỗ Cẩm Thơ (Chủ nhiệm) (2007) [64], Nguyễn Thị Tú (2006) [69].
Cũng như các nhà nghiên cứu trên thế giới, các nhà nghiên cứu trong nước cũng cho rằng tùy thuộc vào hình thức, mục đích chuyến đi của du khách mà có thể chia ra nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch mạo hiểm, du lịch tham quan, du lịch ẩm thực, du lịch thể thao, du lịch xanh, du lịch nhóm.
Nhìn chung, các tác giả đã đưa ra các cách phân loại du lịch dưới các góc độ và mục đích phân loại khác nhau.
1.2.2. Các công trình nghiên cứu quản lý nhà nước về du lịch ở trong nước
1.2.2.1. Về vai trò của quản lý nhà nước về du lịch
Về vai trò của QLNN đối với du lịch, tác giả Nguyễn Tấn Vinh (2008) cho rằng QLNN về du lịch có vai trò thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ và bền vững; thị trường du lịch được mở rộng; thể chế thị trường du lịch được xác lập, mở rộng và sự vận động của các yếu tố thị trường thông suốt. Đồng thời, theo tác giả, cần xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, xác định rõ mức độ và hình thức can thiệp vào nền kinh tế nhằm khai thác triệt để các lợi thế, đồng thời khắc phục những thất bại của nhà nước lẫn thị trường [87].
Trong bài viết Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch năm 2012, tác giả xác định vai trò quả QLNN về du lịch là định hướng cho du lịch phát triển và khai thác lợi thế tối đa để mang lại lợi nhuận đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế trên cơ sở phát triển bền vững [15].
Theo tác giả Nguyễn Văn Đính và cộng sự (2006), QLNN về du lịch có vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau hoạt động trên lĩnh vực kinh tế du lịch; đưa du lịch phát triển theo định hướng chung, thúc đẩy HĐDL phát triển; hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hiện tượng không lành mạnh, mặt trái của du lịch qua HĐDL (mại dâm, văn hóa đồi trụy, nghiện hút); bảo vệ môi trường du lịch [18].
Trong công trình Quản lý nhà nước về du lịch, tác giả cho rằng, QLNN về du lịch không phải cầm tay chỉ việc, theo kế hoạch thầm kín, mà QLNN về du lịch là tạo ra một môi trường cho công nghiệp du lịch phát triển và nhận thức chung về ích lợi của nền công nghiệp này trong cộng đồng [59].
Theo tác giả, vấn đề quan trọng của QLNN đối với du lịch là xây dựng môi trường an ninh chính trị, an toàn xã hội, cùng với đó là yếu tố kinh tế, thành quả của các ngành kinh tế khác và đường lối phát triển du lịch [20].
Theo bài viết Quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, du lịch, tác giả cho rằng, QLNN về thương mại, du lịch là sự quản lý của Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động thương mại, du lịch trong nền kinh tế quốc dân và có chức năng tạo ra và thực hiện một cơ chế hay phương thức quản lý cho tất cả các thành phần kinh tế để đảm bảo hoạt động thương mại, du lịch phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa [19].
1.2.2.2. Về nội dung và giải pháp quản lý nhà nước về du lịch
Trong luận án Hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, khi bàn về nội dung QLNN về du lịch cấp tỉnh, tác giả đã nêu 3 cách phân loại đó là: Thứ nhất, theo các giai đoạn của quá trình quản lý: định hướng phát triển, điều hành, tổ chức hệ thống, kiểm tra và điều chỉnh; Thứ hai, theo hướng tác động: tạo môi trường và điều kiện cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sự phát triển, bảo đảm sự thống nhất KT-XH, quản lý các định hướng; Thứ ba, theo yếu tố lĩnh vực mới: quản lý trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, quản lý trong lĩnh vực đối ngoại, quản lý về tài nguyên môi trường, quản lý về nhân lực. Tác giả đi sâu phân tích nội dung QLNN về du lịch cấp tỉnh ở ba nội dung: định hướng phát triển ngành du lịch ở địa phương; tạo lập khuôn khổ pháp luật thuận lợi cho sự phát triển của ngành du lịch ở địa phương; và tổ chức chỉ đạo điều hành, kiểm tra, kiểm soát hoạt động ngành du lịch ở địa phương. Bên cạnh đó, tác giả đã trình bày khái quát QLNN về kinh tế trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tác giải đã đưa ra các chức năng QLNN về kinh tế nói chung, nội dung của QLNN về kinh tế và QLNN về phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, QLNN về phát triển kinh tế địa phương bao gồm quản lý theo ngành kinh tế kỹ thuật và quản lý theo vùng lãnh thổ [87].
Theo các tác giả, QLNN về du lịch ở địa phương thực hiện các mặt chính sau: Xây dựng các đề án về quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn; nghiên cứu đề xuất việc xây dựng các chính sách, và bổ sung cụ thể hóa các chính sách chung, phù hợp với tình hình hoạt động của địa phương; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chính sách quy định, nghiệp vụ chuyên môn; theo thẩm quyền
xét cấp giấy chứng nhận, đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp HĐDL; giúp đỡ tổ chức đào tạo các cán bộ nghiệp vụ, chuyên môn cho các DNDL [18].
Theo Báo cáo kỹ thuật Hỗ trợ quản lý điểm đến - An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ, đã đề xuất Chiến lược quản lý điểm đến đến năm 2020, trong đó có nêu các trụ cột của du lịch có trách nhiệm cho Việt Nam mà Dự án EU đã xây dựng với Tổng cục Du lịch. Trụ cột 1: Áp dụng quản trị nhà nước tốt trong du lịch; trụ cột 2: Thúc đẩy các DNDL cạnh tranh và thị trường bền vững; trụ cột 3: Sử dụng du lịch cho phát triển kinh tế xã hội; trụ cột 4: Xây dựng nhận thức và hiểu biết về du lịch có trách nhiệm; trụ cột 5: Phát triển lực lượng lao động du lịch có tay nghề với điều kiện làm việc bền vững; trụ cột 6: Bảo vệ và phát huy một cách nhạy cảm di sản thiên nhiên và văn hóa. Trong các trụ cột trên, Trụ cột 1 "Áp dụng quản trị nhà nước tốt trong du lịch cho An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ" được đề xuất thực hiện theo Bản Thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch của ba tỉnh/thành thể hiện trong nội dung Bản ghi nhớ cam kết các cơ quan thẩm quyền hợp tác trong các lĩnh vực: cơ chế, chính sách quản lý và phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá và xúc tiến du lịch; và phát triển nguồn nhân lực du lịch [46].
Trong luận án Hoàn thiện quản lý nhà nước về lao động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch ở Việt Nam, tác giả Hoàng Văn Hoan (2002) phân tích các đặc trưng của kinh doanh du lịch, lao động trong kinh doanh du lịch, qua đó đưa ra các cơ sở lý luận xác định rõ nội dung cơ bản QLNN đối với lao động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; phân tích, đánh giá thực trạng QLNN đối với lao động trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam giai đoạn 1990 - 2002, đánh giá các chính sách quản lý lao động trong kinh doanh du lịch trên góc độ vĩ mô; đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện QLNN đối với lao động trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam [21].
Tác giả Lê Văn Minh (2006) khi nghiên cứu đề xuất các giải pháp đầu tư phát triển khu du lịch đã đề xuất mười giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển du lịch, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các khu du lịch; giải pháp về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các giá trị tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường [33].
Trong luận án Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với cơ sở hạ tầng đô thị du lịch Việt Nam, tác giả Hồ Đức Phớc (2010) đã luận giải một số cơ sở khoa học của QLNN trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị du lịch; phân tích và đánh giá thực trạng QLNN trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và sự phát triển cơ sở hạ tầng tại các đô thị du lịch Việt Nam; đề xuất các giải pháp hoàn thiện QLNN trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng cho các đô thị Việt Nam [36].
Trong cuốn Quy hoạch du lịch, tác giả Bùi Hải Yến (2009) đã làm rõ cơ sở khoa học của quy hoạch du lịch. Tác giả đưa ra những khuyến nghị về quy hoạch du lịch vùng nông thôn và ven đô ở Việt Nam, chỉ rõ phát triển du lịch cần gắn với việc bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững [88].
Các công trình, luận án, bài báo, bài viết đăng trên tạp chí, kỷ yếu khoa học trên là những tài liệu giúp tác giả có thêm những tư liệu để hoàn thành luận án.
1.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
1.3.1. Những kết quả đạt được và khoảng trống trong nghiên cứu quản lý nhà nước về du lịch
1.3.1.1. Những kết quả đạt được của các công trình nghiên cứu
Tổng hợp các công trình nghiên cứu trên cho thấy, một số vấn đề có liên quan đến đề tài đã được làm rõ:
Một là, nhận diện du lịch dưới nhiều góc độ: du lịch nói chung, HĐDL, ngành du lịch; đưa ra các quan niệm, khái niệm và định nghĩa dưới các góc nhìn khác nhau.
Hai là, chỉ rõ vai trò, ý nghĩa và tác động của HĐDL trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế theo vùng.
Ba là, xác định rõ các loại hình du lịch theo các tiêu chí phân loại cụ thể; làm rõ hoạt động kinh tế du lịch dưới các góc độ khác nhau.
Bốn là, làm rõ một số đặc điểm và vai trò của QLNN đối với du lịch và các nội dung của QLNN đối với du lịch nói chung dưới các góc nhìn khác nhau; đề xuất một số giải pháp và kiến nghị hoàn thiện QLNN về du lịch nói chung.
1.3.1.2. Những khoảng trống nghiên cứu về quản lý nhà nước về du lịch
Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề của QLNN về du lịch nói chung, đặc biệt là ở cấp tỉnh, thành phố TTTƯ cần tiếp tục làm rõ.
Một là, chưa làm rõ được các đặc điểm QLNN về du lịch cấp tỉnh, thành phố TTTƯ gắn với chức năng, nhiệm vụ của cấp tỉnh theo phân cấp. Trong đó, cấp tỉnh là cấp thừa hành, nhưng được phân công một số trách nhiệm cụ thể.
Hai là, chưa làm rõ được nội dung QLNN ở cấp thành phố TTTƯ đối với du lịch theo quan điểm quản lý theo địa bàn đối với HĐDL mang tính liên ngành, liên vùng.
Ba là, việc nghiên cứu QLNN ở cấp tỉnh, thành phố TTTƯ nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của một vùng có nhiều đặc thù như vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, nội dung, yêu cầu của QLNN về du lịch ở cấp tỉnh gắn với vùng, miền như thành phố Cần Thơ, cũng như cơ sở lý luận cho việc hoàn thiện QLNN về du lịch cấp thành phố TTTƯ nói chung chưa được luận giải một cách có hệ thống, chưa gắn kết được quản lý theo ngành và theo lãnh thổ.
1.3.2. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ
Qua tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài, nghiên cứu sinh sẽ tập trung nghiên cứu làm rõ các vấn đề sau:
Một là, luận giải sâu sắc hơn cơ sở lý luận của QLNN cấp tỉnh, thành phố TTTƯ đối với HĐDL trên địa bàn, dưới góc độ quản lý theo ngành kết hợp quản lý theo lãnh thổ. Kết hợp chức năng, nhiệm vụ được giao của chính quyền địa phương với quy định, tiêu chuẩn của ngành du lịch; kết hợp cơ chế tác động đến đối tượng quản lý của trung ương và địa phương; kết hợp mục tiêu phát triển KT-XH địa phương với mục tiêu ngành.
Hai là, luận giải đặc điểm, nội dung của QLNN về du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch để phát triển HĐDL của một vùng, một thành phố như Cần Thơ theo hướng bền vững. Chẳng hạn, Cần Thơ có đặc điểm đô thị, thành phố trực thuộc trung ương, trung tâm vùng ĐBSCL, có thể kết nối với các địa phương khác, đặc điểm địa lý, cảnh quan thiên nhiên, sông nước, miệt vườn.
Ba là, luận giải các đặc thù QLNN về du lịch cấp tỉnh, thành phố đặt ra trong HNQT và liên kết khu vực, vùng. Chính quyền cấp thành phố trực thuộc trung ương, vừa thừa hành vừa chủ động trong QLNN với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, phân tích đánh giá đúng thực trạng và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, làm rõ các yêu cầu và nhân tố ảnh hưởng đến QLNN về du lịch trên địa bàn tỉnh, thành phố TTTƯ.