Quản Lý Nhà Nước Đối Với Hoạt Động Của Đạo Phật

Dưới góc độ khoa học hành chính, quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo là quá trình tác động, điều hành, điều chỉnh để các hoạt động tôn giáo diễn ra đúng quy định của pháp luật [11, tr 47].

Qua tìm hiểu và nghiên cứu những khái niệm trên, có thể hiểu quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo như sau: Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo là tổng thể các biện pháp quản lý do các cơ quan nhà nước thực hiện nhằm đảm bảo các tổ chức và tín đồ tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, đồng thời cũng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo để làm việc trái pháp luật, xâm phạm an ninh trật tự của đất nước.

1.1.5. Đạo Phật


Tiếp cận dưới góc độ Phật học, đạo Phật hay còn gọi là Phật giáo được ghép bởi hai chữ Đạo và Phật. Chữ đạo có ba nghĩa: đạo là con đường; đạo là bổn phận; đạo là lý tính tuyệt đối, là bản thể. Chữ Phật tiếng phạn là Bouddha (Phật - đà), người Trung Hoa dịch nghĩa là Giác giả, bậc đã giác ngộ hoàn toàn, giác có ba bậc: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Từ định nghĩa về chữ Đạo và chữ Phật nói trên, có thể hiểu đạo Phật như sau: Đạo Phật là con đường chân chính, hoàn toàn sáng suất đưa đến bản thể của sự vật, là lý tính tuyệt đối, lìa tất cả hư vọng phân biệt, mà các đấng giác ngộ hoàn toàn đã phát minh ra; Đạo Phật gồm tất cả tự lợi và lợi tha, tự giác, giác tha và có công hạnh độ mình, độ người được hoàn toàn thành tựu rốt ráo, viên mãn [25, tr.14].

Tiếp cận dưới góc độ Triết học, đạo Phật là một tôn giáo đồng thời cũng là một hệ thống triết học bao gồm một loạt các giáo lý, tư tưởng triết học cũng như tư tưởng cùng tư duy về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan, giải thích hiện tượng tự nhiên, tâm linh, xã hội, bản chất sự vật, sự việc, các phương pháp thực hành, tu tập dựa trên lời dạy của một nhân vật lịch sử có thật là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đạo Phật dưới góc độ tôn giáo, là một hệ thống bao gồm giáo chủ, giáo lý, giáo luật, nghi lễ và tín đồ, thuộc phạm vi khách quan, có tính phổ quát trên toàn thế giới.

Giáo chủ của đạo Phật là Thái tử Tất Đạt Đa (Shidartha) sinh năm (624

- 544 TCN) thuộc dòng họ Thích Ca, con vua Tịnh Phạn Vương Đầu Đà Na (Sudhodana) và hoàng hậu Ma Da (Maya). Ngài xuất gia năm 19 tuổi, đến năm 30 thành đạo, trải qua 49 năm thuyết pháp và đến năm 80 tuổi Ngài nhập niết bàn [5, tr.3].

Kinh sách của đạo Phật được chia làm ba tạng. Kinh tạng là những sách ghi chép lời Phật giảng dạy về giáo lý, còn gọi là khế kinh có nghĩa như là một chân lý. Luật tạng là những sách ghi chép những giới luật Phật chế định dành cho hai chúng xuất gia và hai chúng tại gia phải tuân theo trong quá trình sinh hoạt và tu học, đặc biệt là các quy định đối với hàng đệ tử xuất gia. Luận tạng là sách giải thích về kinh, luật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 156 trang tài liệu này.

Giáo lý của đạo Phật đề cập đến rất nhiều vấn đề của thế giới và nhân sinh. Giáo lý của đạo Phật rất trìu tượng, mang tính triết học sâu sắc. Đạo Phật tập trung vào một số giáo lý sau: pháp, bản thể, tâm, vô thường, nhân duyên, sắc không, vô ngã, nhân quả, luân hồi, nghiệp và nghiệp báo, thập nhị nhân duyên, tứ diệu đế, giải thoát và niết bàn.

Giáo luật của đạo Phật được Đức Phật chế ra xuất phát từ thực tế trong khi điều hành tăng đoàn với những điều quy định cấm nhằm duy trì tổ chức tăng đoàn, hướng mọi người đến chân thiện mỹ, phát triển hạnh từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, biết làm lành lánh dữ để đạt tới giác ngộ giải thoát. Cốt lõi của giáo luật đạo Phật là ngũ giới và thập thiện.

Quản lý nhà nước đối với hoạt động của Đạo Phật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - 4

Lễ Nghi của đạo Phật thể hiện sự trang nghiêm tôn kính tới người sáng lập là Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ban đầu nghi lễ của đạo Phật khá đơn giản và đồng nhất, song cùng với quá trình phát triển, đạo Phật chia thành nhiều tông phái và du nhập vào các dân tộc khác nhau, hòa đồng

cùng với tín ngưỡng bản địa, lễ nghi đạo Phật dần có sự khác biệt giữa các khu vực vùng miền.

Tổ chức của đạo Phật, đạo Phật chủ trương không có giáo quyền, không công nhận thần quyền, không có tổ chức theo hệ thống thế giới. Ban đầu đạo Phật chỉ có những nhóm người cùng nhau đi truyền giáo, gọi là Tăng già hay Tăng đoàn hoặc giáo đoàn. Tăng già có từ 4 người trở nên, đứng đầu đoàn thể Tăng già là một vị Trưởng lão đạo cao đức trọng nhất trong đoàn thể được tập thể suy tôn để quản lý, điều hành Tăng đoàn. Ngoài ra còn có một số vị trong hàng trưởng lão có đạo hạnh và tài năng đứng ra giúp việc. Tuy nhiên, sau này trong quá trình du nhập và phát triển đến các quốc gia, đạo Phật đã theo tinh thần khế lý, khế cơ để có những hình thức tổ chức, sinh hoạt Tăng đoàn cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cũng như truyền thống, văn hóa của mỗi nước.

Tín đồ của đạo Phật. Đạo Phật là một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác. Trải qua hơn 25 thế kỷ tồn tại và phát triển, đạo Phật du nhập vào hầu hết các nước trên thế giới, ở khắp các châu lục nhưng luôn với trạng thái ôn hòa, chưa bao giờ đi liền với chiến tranh xâm lược hay xảy ra các cuộc thánh chiến. Tính đến nay, đạo Phật có khoảng trên 500 triệu tín đồ và hàng trăm triệu người có tình cảm, tín ngưỡng và có ảnh hưởng bởi văn hóa, đạo đức của đạo Phật [51].

1.1.6. Quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Phật

Quản lý là quá trình tác động của chủ thể quản lý lên khách thể quản lý để đạt được mục tiêu mong muốn. Quản lý nhà nước là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi của con người để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội và trật tự pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa [41, tr.28].

Theo nghĩa rộng, QLNN đối với hoạt động của đạo Phật là quá trình sử dụng quyền lực nhà nước của các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm

định hướng, điều chỉnh, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức, hệ phái; tín đồ và chức sắc đạo Phật, nhằm đảm bảo những hoạt động đó diễn ra đúng với các quy định pháp luật, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, đồng thời cũng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi lợi dụng đạo Phật để xâm hại đến an ninh, trật tự của đất nước.

Theo nghĩa hẹp, QLNN đối với hoạt động của đạo Phật là quá trình chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật của các cơ quan trong hệ thống hành pháp (Chính phủ và UBND các cấp) để điều chỉnh các hoạt động của các tổ chức, hệ phái đạo Phật, các tín đồ và chức sắc đạo Phật diễn ra theo quy định của pháp luật.

Với cách tiếp cận trên, có thể hiểu QLNN đối với hoạt động của đạo Phật là tổng thể các cách thức, biện pháp quản lý do các cơ quan nhà nước thực hiện đối với tín đồ, chức sắc và tổ chức, hệ phái đạo Phật, nhằm đảm bảo các tổ chức, hệ phái và tín đồ đạo Phật hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, đồng thời cũng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng đạo Phật để làm việc trái pháp luật, xâm phạm đến an ninh, trật tự của đất nước.

1.2. Sự cần thiết quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Phật

1.2.1. Thực hiện chức năng quản lý của nhà nước

Xuất phát từ bản chất và chức năng của bộ máy nhà nước được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của nhà nước Việt Nam.

Theo Khoản 3, Điều 98, Hiến pháp Việt Nam khẳng định: “Nhà nước thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” [35].

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác TNTG được quy định cụ thể tại Điều 17, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, bao gồm [39]:

- Xây dựng và trình Quốc hội quyết định chính sách tôn giáo của nhà nước.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do TNTG, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân.

- Bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; chống mọi hành vi xâm phạm tự do TNTG hoặc lợi dụng TNTG để vi phạm pháp luật.

Như vậy, để thực hiện các quy định pháp luật, nhà nước Việt Nam cần tiến hành các biện pháp định hướng quản lý và điều chỉnh các hoạt động của tổ chức tôn giáo trong đó có đạo Phật, đó là sự cần thiết khách quan.

1.2.2. Đảm bảo quyền tự do tôn giáo của nhân dân

Một trong những nguyên tắc và mục tiêu của công tác QLNN đối với mọi tôn giáo nói chung và đạo Phật nói riêng là nhằm đảm bảo quyền “tự do tín ngưỡng tôn giáo” của nhân dân, điều này đã được khẳng định rõ tại các văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của nhà nước. Hiến Pháp Việt Nam 2013 quy định: “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phậm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật” [35].

Theo Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo [39].

Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của con người, đây là quyền bất khả xâm phạm của con người được hệ thống pháp luật Việt Nam bảo vệ. Với vị trí, chức năng và quyền hạn của mình các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ những quyền cơ bản của công dân, được quy định tại Hiến pháp và các bộ luật của nhà nước, trong đó

có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cho công dân tức là bảo vệ hệ thống pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo của nhà nước, bảo vệ quyền theo hoặc không theo một tôn giáo của công dân. Đồng thời các cơ quan nhà nước cũng có nhiệm vụ đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để làm việc trái pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của đất nước.

1.2.3. Từ thực tiễn hoạt động của đạo Phật ở Việt Nam trong những năm gần đây

Đạo Phật là tôn giáo lớn ở Việt Nam, trên 2000 năm tồn tại và phát triển. Ngày nay, với phương châm: “Đạo Pháp - Dân Tộc - Chủ Nghĩa Xã Hội” đạo Phật Việt Nam tiếp tục có đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.Tăng Ni, phật tử luôn luôn phát huy tinh thần đoàn kết lục hòa với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nhằm xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tích cực tham gia và tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội.

Thực tiễn trong những năm qua, hoạt động của đạo Phật bên cạnh những đóng góp to lớn đối với đời sống xã hội, thì đạo Phật cũng bộc lộ một số vấn đề như còn mâu thuẫn trong nội bộ của tổ chức giáo hội, giáo hội chưa tích cực trong giải quyết vướng mắc, sinh hoạt tôn giáo, một số cơ sở thờ tự của đạo Phật có biểu hiện mâu thuẫn giữa sư trụ trì với phật tử và nhân dân địa phương, hoạt động khiếu kiện liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự, một số đối tượng lợi dụng hoạt động của đạo Phật để trục lợi cá nhân… Do đó cần phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Phật nhằm phát huy những mặt tích cực và giải quyết các khó khăn trong hoạt động tôn giáo của đạo Phật.

1.3. Chủ thể, đối tượng quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Phật

1.3.1. Chủ thể quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Phật

Chủ thể quản lý nhà nước là những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tham mưu, xây dựng, ban hành quyết định, cơ chế, chính sách pháp luật quy định hoạt động của đạo Phật. Theo quy định của hệ thống pháp luật

Việt Nam, chủ thể QLNN đối với hoạt động của đạo Phật là những cơ quan, tổ chức và cá nhân sau:

- Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ;

- Bộ Nội Vụ;

- Ban Tôn giáo Chính phủ, trực thuộc Bộ Nội vụ và Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính Phủ;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Sở Nội vụ;

- Ban Tôn giáo tỉnh/ thành phố hoặc phòng Tôn giáo cấp tỉnh, thành phố.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Phòng Nội vụ cấp huyện;

- Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

Trách nhiệm của các chủ thể QLNN đối với hoạt động của đạo Phật được quy định tại Điều 61, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tổ chức Chính Phủ; Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể:

Chính Phủ thống nhất QLNN về tôn giáo trong phạm vi cả nước, được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức Chính Phủ 2015. Chính Phủ có nhiệm vụ: xây dựng và trình Quốc hội quyết định chính sách tôn giáo của nhà nước, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật, chống mọi hành vi xâm phạm tự do tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật [37].

Thủ tướng Chính Phủ là người đứng đầu Chính Phủ và hệ thống hành chính nhà nước. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước. Điều 28, Luật Tổ chức Chính phủ,

Thủ tướng Chính Phủ có nhiệm vụ: chỉ đạo công tác của Chính phủ trong công tác tôn giáo, chỉ đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật về tôn giáo; phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong công tác tôn giáo. Thủ tướng Chính Phủ có nhiệm vụ lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia [37].

Bộ Nội vụ là cơ quan QLNN về TNTG ở Trung ương. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Nội vụ trong QLNN về tôn giáo được quy định tại Khoản 14, Điều 2, Nghị định 34/2017/NĐ-CP [12].

Ban Tôn giáo Chính Phủ là cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ QLNN về lĩnh vực tôn giáo trong phạm vi cả nước và thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tôn giáo theo quy định của pháp luật được quy định tại Quyết định số 32/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo Chính phủ [44]. Vụ Phật giáo là đơn vị thuộc Ban Tôn giáo Chính Phủ, thực hiện chức năng tham mưu giúp việc cho lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính Phủ trong việc QLNN về đạo Phật trên phạm vi cả nước.

Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ quyết định biện pháp thực hiện chính sách tôn giáo trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo đảm quyền bình đẳng giữa các tôn giáo, quyền tự do TNTG trên địa bàn tỉnh. Quyết định bộ máy, tổ chức và biên chế cơ quan QLNN về tôn giáo trên địa bàn. Chủ tịch UBND có nhiệm vụ chỉ đạo lãnh đạo, công tác QLNN về tôn giáo; chỉ đạo việc thi hành chính sách, pháp luật nhà nước về TNTG trên địa bàn theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2015 [38].

Ngoài các chủ thể trên, các tổ chức như Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cơ quan Công an, Quân đội, Ngoại giao là các chủ thể có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan QLNN về tôn giáo trong việc thực thi công tác tôn giáo, đây không phải là các cơ quan QLNN về Tôn giáo.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/02/2023