Quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ phân phối hàng hóa ở Việt Nam - 12


đẩy mạnh hoạt động xây dựng và quảng bá thương hiệu... Tạo lập và thúc đẩy cơ chế tham vấn, trao đổi ý kiến giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng về lĩnh vực phân phối để qua đó đưa ra những đánh giá, phân tích, nghiên cứu chuyên sâu và có những giải pháp thích hợp, kịp thời nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo lập và duy trì một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.

1.5. Xây dựng hệ thống thông tin, định hướng xu hướng phát triển của lĩnh vực phân phối

Nhà nước cần nâng cao công tác thông tin, dự báo thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại để định hướng được sự phát triển của lĩnh vực phân phối. Cần xác định rõ phạm vi trách nhiệm và phối hợp giữa Nhà nước và các doanh nghiệp, nhà kinh doanh trong công tác thị trường. Ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần đầu tư nâng cao chất lượng dự báo thị trường và phát triển thương mại của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại và một số Bộ, địa phương trọng điểm. Đặc biệt là vấn đề dự báo dài hạn và hàng năm để giúp các doanh nghiệp phân phối định hướng kinh doanh và cảnh báo thị trường. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản của nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo xu hướng giá cả và thị trường thế giới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, qua đó đề xuất những giải pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu hiệu quả.

Nhà nước cần xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống phân phối trên cả nước để vừa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vừa định hướng phát triển cho các nhà phân phối trong nước. Lĩnh vực dịch vụ phân phối luôn được xem là lĩnh vực khá nhạy cảm. Đối với Việt Nam, đến thời điểm tháng 01/2009, chúng ta mới cho phép các nhà phân phối nước ngoài sẽ được vào hoạt động. Mặc dù thời điểm đã được báo trước và đã có lộ trình chuẩn bị nhưng trước khả năng bành trướng của các nhà phân phối lớn của nước ngoài trong khi các doanh nghiệp phân phối còn quá nhỏ lẻ và yếu kém, chúng ta cần phải xem xét liệu có nên hạn chế việc hình thành các chuỗi phân phối lớn của các doanh nghiệp nước ngoài hay không? Nhà nước có thể để các nhà phân phối nước ngoài vào nhưng không nên để cho họ hình


thành những chuỗi phân phối lớn, cần hạn chế việc mở thêm địa điểm bán lẻ, không nên cấp phép một cách ồ ạt vì như vậy sẽ tạo nên sự cạnh tranh rất khốc liệt. Nhà nước cần xem xét nhu cầu bán lẻ trên từng địa bàn doanh nghiệp đề xuất mở địa điểm có thực sự cần thiết, phân phối nguồn lực hợp lý, tránh gây lãng phí không cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần đưa ra các tiêu chí để đảm bảo tính minh bạch, không được tùy tiện để tránh xảy ra sự không công bằng và nạn tham nhũng.

1.6. Xây dựng các biện pháp phòng chống các chiến lược về giá

Các biện pháp phòng chống các chiến lược về giá cả không lành mạnh của một số mặt hàng có doanh số tiêu thụ cao nhằm bảo vệ hệ thống phân phối trong nước, đồng thời hỗ trợ họ phát triển. Các chính sách này nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhưng mặt khác tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối trong nước tự hoàn thiện mình trước sự cạnh tranh của nước ngoài. Chính phủ đẩy nhanh lộ trình đưa hệ thống giá trong nước tiếp cận với giá thị trường thế giới; giao quyền chủ động định giá cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng hiện nay nhà nước vẫn quản lý giá như điện, than, sắt thép, ximăng, phân bón, lương thực, thuốc...

1.7. Khuyến khích phát triển hệ thống phân phối hiện đại

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Nhà nước cần khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp với nhiều quy mô khác nhau, tăng về số lượng, mới về phương thức hoạt động theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, phù hợp với quy luật lưu thông của hàng hóa. Việc phát triển hệ thống phân phối văn minh, hiện đại mà tiêu biểu là các siêu thị, đại siêu thị, các trung tâm thương mại góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống phân phối và kích thích sản xuất, làm tăng lợi ích cho người tiêu dùng. Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp quan tâm, thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa thông suốt từ trên xuống dưới, phát triển các mô hình phân phối theo hướng tiên tiến, hiện đại như sàn giao dịch nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa, trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, trung tâm mua sắm, chú trọng xây dựng hệ thống chợ truyền thống theo hướng văn minh nhằm giảm chi phí trong lưu thông. Xây dựng các biện pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hệ


Quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ phân phối hàng hóa ở Việt Nam - 12

thống siêu thị trong nước: chính sách tài chính, đầu tư, tín dụng, thuế; phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng thương mại, mặt bằng kinh doanh siêu thị, khuyến khích hỗ trợ hình thành các hiệp hội siêu thị Việt Nam và xây dựng năng lực chuyên môn cho hiệp hội, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng ưu đãi vay vốn từ các quỹ hỗ trợ, ban hành các chính sách cho thuê đất dài hạn, chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ. Trong các khu vực kinh tế cần dành diện tích phù hợp cho các doanh nghiệp thuê, hợp tác sử dụng mặt bằng để xây dựng hạ tầng phân phối hiện đại, chuyên nghiệp.

Tóm lại, Nhà nước cần phải vận dụng các chính sách một cách khôn khéo để quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ phân phối một cách hiệu quả. Nhà nước cần có lộ trình và chính sách khôn ngoan nếu không thị trường Việt Nam sẽ có nguy cơ trở thành thuộc địa của các tập đoàn phân phối trên thế giới và thành vũng trùng tiêu thụ các sản phẩm nước ngoài. Và điều quan trọng nhất, Nhà nước thay vì tìm biện pháp tổ chức lại hệ thống phân phối thì phải có những quyết sách ưu đãi về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên và tập hợp các nguồn lực đang bị phân tán nhỏ lẻ thành một hệ thống nhất quán, có chiều sâu và đủ tầm để cạnh tranh với các hệ thống phân phối nước ngoài. Điều cốt lõi là phải thiết lập một sự tự chủ trong kinh tế, sự chủ động thay đổi để đón đầu những xu thế phát triển tất yếu của mở cửa và hội nhập.

2. Đối với doanh nghiệp

2.1. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối trong nước

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ phân phối cũng không ngừng phải nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Có rất nhiều giải pháp để các doanh nghiệp phân phối trong nước có thể tồn tại trong công cuộc cạnh tranh gay gắt và khốc liệt này.


2.1.1. Tiến hành liên minh, liên kết tạo ra lực lượng đối trọng đủ sức cạnh tranh với các nhà phân phối nước ngoài

Sự phát triển nhanh chóng các chuỗi cửa hàng tiện ích đã đánh dấu một động thái tích cực của các nhà phân phối Việt Nam trong việc chống đỡ các tập đoàn khổng lồ của nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang chứng kiến các doanh nghiệp phân phối đang phát triển riêng rẽ với những con đường riêng, thiếu đi sự hợp tác để có thể có một hệ thống hoàn chỉnh và đủ mạnh để có thể tồn tại và phát triển trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, các doanh nghiệp phân phối cần phải chủ động xây dựng mối liên kết kinh tế để cùng tồn tại. Trước hết, họ cần liên minh với người sản xuất nguyên vật liệu và nông sản nhằm đảm bảo ổn định đầu vào cho quá trình sản xuất, nhằm giảm giá thành của sản phẩm sản xuất ra. Họ cần liên minh với các nhà sản xuất, người nuôi trồng để có thể mua sản phẩm tận gốc và bán tận ngọn, giảm bớt các chi phí cho người tiêu dùng và có thể cạnh tranh với giá cả của các đại gia phân phối lớn trên thế giới. Và điều quan trọng hơn cả chính là sự liên kết giữa các doanh nghiệp phân phối với nhau. Với quy mô hiện nay, khó có nhà phân phối độc lập nào đủ tiền và đủ người để tự mình đứng ra tổ chức một mạng lưới phân phối mặc dù trong tay họ có đủ hàng hóa cho một siêu thị. Nhưng chỉ cần 10 nhà phân phối ngồi lại với nhau là đã có thể tạo dựng được một hệ thống bán lẻ mạnh trong khu vực. Các nhà phân phối có thể viện dẫn là không nên làm như thế vì đó là hành động cấu kết với nhau, lấy khách hàng của đối thủ. Nhưng lý lẽ này sẽ sai rất nhiều khi các nhà phân phối quốc tế tham gia vào thị trường, cuộc chiến giờ đây sẽ hoàn toàn khác về bản chất. Vì đây là cuộc chiến giành khách hàng chứ không phải là giành địa điểm phân phối.

Mới đây, bốn doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân phối Việt Nam là Satra, Hapro, Saigon Co.op và Phú Thái Group đã liên kết lại để thành lập nên Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) với tổng số vốn lên đến 6.000 tỷ đồng. Các bên góp vốn kỳ vọng rằng VDA thực sự trở thành một đầu tàu trong lĩnh vực phân phối Việt Nam, bởi đã hội tụ được thế mạnh của bốn bên liên doanh: Saigon Co.op mạnh trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, chiếm 50% thị phần tại thành phố Hồ Chí Minh; Hapro và Satra có hàng chục năm kinh


nghiệm, đã thiết lập được cơ sở hạ tầng và thị phần ở Bắc và Nam; Phú Thái Group cũng có thế mạnh gần 100 siêu thị, 5000 đại lý bán buôn, 50.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Sự liên kết này hy vọng sẽ tạo ra một hệ thống phân phối đủ mạnh để đương đầu với các tập đoàn phân phối nước ngoài khi bước chân vào Việt Nam, giảm hậu quả của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Sự ra đời của VDA được đánh giá là bước đi tích cực của doanh nghiệp phân phối trong nước trong việc củng cố sức mạnh cạnh tranh trong hệ thống bán lẻ. Được biết, trong giai đoạn 1 (tháng 3/2007-10/2008), VDA sẽ tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng. Đến giai đoạn 2, khi Việt Nam mở cửa thị trường này hoàn toàn, VDA sẽ tập trung vào việc xây dựng các đại siêu thị, các trung tâm phân phối bán sỉ, nhượng quyền kinh doanh, mua bán sáp nhập các doanh nghiệp và tiến tới đầu tư ra nước ngoài [48].

VDA là mô hình liên kết đầu tiên có quy mô thực sự lớn giữa các nhà phân phối trong nước. Nếu mô hình này được mở rộng, bên cạnh cuộc đua nước rút hiện nay, thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam sẽ có thêm những nét vận động mới. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực quản lý cạnh tranh của Nhà nước, nhằm xây dựng và duy trì được một môi trường cạnh tranh lành mạnh cần phải có những hành động từ chính bản thân các doanh nghiệp phân phối để có thể tồn tại và vươn lên trong một cuộc chiến không cân sức và ngày càng nảy sinh nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Điều này càng trở nên cần thiết vì hiện nay hệ thống phân phối ở nước ta còn tồn tại rất nhiều điểm yếu. Theo như Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh và một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà phân phối trong nước còn “thiếu chiến lược dài hạn, thiếu tính chuyên nghiệp và chưa có một đội ngũ thực sự trong lĩnh vực hoạt động, thiếu các nhân viên bán hàng, thiếu tính liên kết rộng khắp trên phạm vi cả nước và cuối cùng là thiếu nguồn tài chính”.[9]

2.1.2. Cần thay đổi nhận thức, tư duy và xây dựng phong cách chuyên nghiệp hóa trong mọi khâu sản xuất, kinh doanh

Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc vào lợi thế của họ. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ, vốn ít, khả năng tổ chức thị


trường yếu, vẫn ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước, thường chưa quan tâm đúng mức đến yếu tố cạnh tranh và thị trường trong xây dựng chiến lược phát triển, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân phối trong nước vẫn chưa thực sự tạo cho mình một thương hiệu lớn, thu hút người tiêu dùng. Như vậy, khi gia nhập WTO, một số doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu dễ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên đây cũng chính là quá trình buộc các doanh nghiệp phân phối trong nước phải có quy mô thích hợp để tồn tại và phát triển. Do vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp phải thực hiện triệt để đổi mới tư duy và phương thức hoạt động. Tức là quan niệm về phân phối phải được thay đổi từ truyền thống sang hiện đại, từ trong nước ra toàn cầu. Cần có sự am hiểu sâu sắc về thị trường phân phối và năng lực chuyên môn cao trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng theo cả phương thức truyền thống và hiện đại. Hơn thế nữa doanh nghiệp phải thay đổi hình thức cạnh tranh, minh bạch trong cạnh tranh, cạnh tranh bằng chất lượng hàng hóa, chất lượng dịch vụ thay vì cạnh tranh giá cả. Doanh nghiệp cần phải có phân khúc thị trường riêng trong lĩnh vực phân phối; tạo những tiền đề về mặt vật chất, kỹ thuật và tổ chức để cạnh tranh, hợp tác tốt. Theo đó, doanh nghiệp không chỉ chuẩn bị vững mạnh về hàng hóa, nguồn vốn mà còn chuẩn bị công nghệ, phương thức, trình độ quản lý, mạng lưới, hệ thống phân phối và cả yếu tố con người.

Trong số đó, đã có một số doanh nghiệp, nhà phân phối đã bắt đầu có tư duy, chuyển biến mới trong việc phát triển theo hướng đón đầu một cách chuyên nghiệp. Nhiều mô hình với công nghệ hiện đại như Tập đoàn dệt may, Tổng công ty thương mại Sài Gòn hay những ý tưởng mới lạ trong kinh doanh như Tập đoàn G7mart- Trung Nguyên, Phú Thái, 24- Seven đã ra đời. Đây là những hạt nhân quan trọng nhằm thúc đẩy hệ thống phân phối trong nước chuyển động theo hướng hiện đại hơn.

2.1.3. Thực hiện đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa trong phân bố dân cư

Trước tiên, cần tập trung phát triển thị trường trong nước, giữ vững thị phần, tăng cường xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Ngoài những thị trường là bạn hàng lâu năm, nên thăm dò các tiềm năng mở rộng và phát triển ra những thị trường khác


để tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiến hành kinh doanh nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau để khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn, tăng cơ hội bán hàng. Và một điều không kém phần quan trọng, doanh nghiệp nên thành lập, hình thành các cửa hàng bán hàng tự chọn theo mô hình hiện đại, văn minh trong mọi khu vực phân bố dân cư. Áp dụng giải pháp nâng cấp cũ thành mới, hiện đại hóa các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống về cả hình thức, phong cách bán hàng và chất lượng hàng hóa. Doanh nghiệp cũng cần phải phát triển hơn nữa dịch vụ khách hàng và tăng cường xúc tiến thương mại. Muốn đối đầu với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài các doanh nghiệp trong nước phải chuyên nghiệp hóa hệ thống phân phối.

2.1.4. Xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp

Muốn đối đầu với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài các doanh nghiệp trong nước phải chuyên nghiệp hóa hệ thống phân phối. Bằng việc xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, doanh nghiệp nhanh chóng đưa được nhãn hiệu của họ ra thị trường, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa họ và người tiêu dùng và có được lợi thế khi các nghiên cứu về người tiêu dùng chỉ ra sự không trung thành nhãn hiệu ở Việt Nam đang nằm ở tỷ lệ cao. Xây dựng hệ thống phân phối luôn là chìa khóa cho các doanh nghiệp, từ việc nghiên cứu đặc thù của thị trường, ngành công nghiệp, đối thủ cạnh tranh đến việc phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và rủi ro của công ty, các nhà kinh doanh phải biết lựa chọn cho mình một cách thức riêng trong việc xây dựng hệ thống phân phối. Tuy nhiên, đó không phải là sự rập khuôn, bắt chước về mặt hình thức hay cố gắng theo đuổi những khuôn mẫu giống như những tập đoàn nước ngoài. Điều đầu tiên, các doanh nghiệp cần phải nhận thức được việc xây dựng hệ thống phân phối không phải là việc tuyển dụng ồ ạt đội ngũ nhân viên bán hàng để rồi ngay sau đó phải đối đầu với sự thiếu hiệu quả do quản lý kém, mất phương hướng do thiếu người lãnh đạo thực sự, tỷ lệ nghỉ việc cao, thiếu kỹ năng, vô kỷ luật. Điều đó có nghĩa là không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn và thiết lập, xây dựng hệ thống phân phối đòi hỏi việc quản lý điều hành ở một trình độ chuyên nghiệp.


Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cầp hệ thống phân phối về công nghệ quản lý, ứng dụng hiệu quả của công nghệ thông tin trong kinh doanh, có giải pháp kho vận thuận tiện, nhanh chóng, bảo đảm nguồn hàng giá rẻ, chất lượng cao. Họ cũng cần liên doanh, hợp tác với các nhà sản xuất, nhà phân phối nước ngoài và kiều bào ta ở nước ngoài để hướng tới một hệ thống phân phối hàng hóa tiên tiến, hiện đại có sức cạnh tranh mạnh mẽ.

2.2. Tăng cường tìm hiểu về pháp luật cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước

Cuộc chiến giữa các kênh phân phối mới thực sự bắt đầu và ngày càng khốc liệt, làm nảy sinh những hành vi phản cạnh tranh và hạn chế cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ nhiều nhà phân phối trong nước bị phá sản, hay bị thôn tính bởi các tập đoàn lớn nước ngoài bằng hình thức mua lại, sáp nhập. Tuy nhiên đứng trước thực trạng các doanh nghiệp phân phối trong nước vẫn chưa hiểu, nắm rõ Luật Cạnh tranh và nhờ đến vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh, thì việc tăng cường tìm hiểu về pháp luật cạnh tranh của họ là một yêu cầu khách quan, cấp thiết mà chính bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự tìm cho mình cách giải quyết. Để ngày càng nhận thức rõ hơn về pháp luật cạnh tranh, các nhà phân phối cần tích cực tham gia cũng như chủ động đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhà nước tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn, toạ đàm bàn về dịch vụ phân phối dưới góc độ cạnh tranh cũng như cách tạo lập, xây dựng môi trường cạnh tranh tự do nhưng lành mạnh, công bằng. Việc tham gia vào các diễn đàn, hội thảo với một không khí cởi mở, thẳng thắn như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp nhiệt tình trao đổi, chia sẻ thông tin về thực trạng và xu hướng cạnh tranh của loại hình dịch vụ này cũng như những cơ hội, thách thức về môi trường cạnh tranh đối với các doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa/dịch vụ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các nhà phân phối nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO trong lĩnh vực dịch vụ phân phối. Tại đây, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng sẽ chia sẻ thông tin về việc nhận dạng những hành vi phản cạnh tranh thường xuyên xảy ra trong hoạt động phân phối và nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp phân phối trong việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý cạnh tranh để thực thi pháp luật cạnh tranh. Từ đó, các

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/09/2022