thực trong những tác phẩm xuất sắc được tạo nên bởi những tài năng này. Tóm lại, so sánh để truy tìm các nguồn ảnh hưởng đối với sự phát triển của văn học nước nhà là một trong những giá trị độc đáo góp phần khẳng định thành công của tác phẩm Việt Nam văn học sử yếu. Trong quá trình so sánh, nhà nghiên cứu một mặt thừa nhận ảnh hưởng lâu dài và mạnh mẽ của văn chương Tàu và văn chương Pháp trong việc hình thành và phát triển của văn học Việt Nam; mặt khác ông cũng thấy được sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn học nước ngoài của các nhà văn nước ta trong việc gây dựng nền văn học dân tộc từ trung đại sang hiện đại với sự nở rộ hài hòa đủ các thể loại: thơ, văn xuôi, kịch nói, phê bình, nghiên cứu, lý luận văn học. Và điều này đã được nhà nghiên cứu Thanh Lãng đánh giá chính xác như sau:
Nhưng cái hay nhất và giá trị nhất trong bộ văn học sử đầu tiên là việc nghiên cứu khá tỉ mỉ và cẩn thận các nguồn ảnh hưởng đã đóng góp vào việc quy định sự hình thành của văn chương Việt Nam. Ông (Dương Quảng Hàm - DTT) cũng có công ở chỗ phân tích để ghi nhận những đặc tính của nền văn chương cũ, điều giúp ích cho người đọc dễ nhận sự tiến hóa của nền văn chương đó trong khi va chạm với thế giới phương Tây [77,tr.361-362].
Thi nhân Việt Nam là công trình nổi tiếng viết về phong trào Thơ Mới của Hoài Thanh - Hoài Chân. Trong công trình này, nhà nghiên cứu đã áp dụng nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp so sánh. Trước tiên, bằng phương pháp so sánh, Hoài Thanh đã nhận diện khá chính xác “Một thời đại trong thơ ca”. Ông đã quan sát cuộc giao tranh giữa Thơ Mới và thơ cũ và nhận thấy “sự cãi nhau mãn kiếp cũng chưa xong” của những người trong cuộc, bởi họ có cách so sánh mang tính khập khiểng: lấy Thơ Mới hay chọi với thơ cũ dở và ngược lại. Vì vậy, nhà nghiên cứu đề nghị xác lập đúng đối tượng so sánh: bài hay so với bài hay, thời đại sánh cùng thời đại. Từ đó, ông
chỉ ra sự khác nhau giữa thời chữ Ta và thời chữ Tôi, cũng là sự khác biệt căn bản giữa thơ cũ và Thơ Mới bởi: một đằng thơ cũ lấy cái Ta để nhìn đời và nói chuyện với mọi người, đó là cái Ta cộng đồng (gia đình, đoàn thể), cá thể bị chìm khuất vào cái mênh mông như biển cả; một đằng Thơ Mới lấy cái Tôi để nhìn đời và nói chuyện với mọi người - một “chữ Tôi với nghĩa tuyệt đối của nó”; nhờ vậy cái tôi bản ngã, cái tôi cá nhân được bộc lộ và phát huy cao độ. Vận dụng phương pháp so sánh, Hoài Thanh đã tiến hành phân loại Thơ Mới thành ba dòng Đường, Pháp, Việt. Và ở từng dòng thơ, nhà nghiên cứu đã so sánh rất cụ thể các nhà Thơ Mới đối với các nhà thơ phương Tây, Trung Quốc để thấy sự ảnh hưởng của thơ ca phương Tây, đặc biệt là thơ Pháp và thơ Đường Trung Quốc đối với Thơ Mới.
Cũng như Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu, hay Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, trong khi so sánh để thấy sự ảnh hưởng của văn học nước ngoài đối với văn học trong nước, Hoài Thanh không quên “hội nhập”, “nội hóa” vốn là quy luật của sự giao lưu và tiếp nhận. Vì vậy, bên cạnh việc nêu lên sự ảnh hưởng sâu sắc của thơ văn Pháp đối với thơ văn Việt Nam, nhà nghiên cứu cũng ca ngợi tài năng sáng tạo của các nhà thơ Việt Nam trên cơ sở tinh thần dân tộc. Những câu ngắn gọn nhưng dứt khoát: “Hồn thơ Pháp hễ chuyển vào thơ Việt là đã Việt hóa hoàn toàn”; “Thi văn Pháp không làm mất bản sắc Việt Nam”; “Những sự mô phỏng ngu muội lập tức bị đào thải” như là sự khẳng định mạnh mẽ Thơ Mới “đi sâu vào hồn nòi giống” và “tinh thần nòi giống không sao tiêu diệt” được trong Thơ Mới.
Đi vào nghiên cứu từng tác giả Thơ Mới, Hoài Thanh đôi khi cũng sử dụng phương pháp so sánh để nhận diện chân dung tâm hồn của mỗi nhà thơ. Chẳng hạn: nhận xét về Bàng Bá Lân, nhà nghiên cứu đem so sánh với Anh Thơ và Nguyễn Bính:
Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên Cứu Văn Học Nước Ngoài - Thành Tựu Và Hạn Chế
- Nghiên Cứu Lý Luận Văn Học - Thành Tựu Và Hạn Chế
- Những Đổi Mới Về Phương Pháp Nghiên Cứu
- Quá trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 21
- Quá trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 22
- Quá trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 23
Xem toàn bộ 227 trang tài liệu này.
đến cảnh quê. Anh Thơ không nhà quê một tí nào. Anh Thơ là một người thành thị đi du ngoạn, nên chỉ thấy cảnh quê. Bàng Bá Lân gần Anh Thơ hơn gần Nguyễn Bính. Bàng Bá Lân cũng ít sống trong tình quê nhưng người hiểu cảnh quê hơn Anh Thơ (…). Bàng Bá Lân không có cái tỉ mỉ của Anh Thơ, không nhìn đủ hình dáng đời quê như Anh Thơ. Anh Thơ có khi nhìn cảnh không mến cảnh, Bàng Bá Lân có khi lại mến cảnh quên nhìn, nhưng đã lưu ý đến cảnh nào, Bàng Bá Lân thường hay lưu luyến cảnh ấy [167,tr.169-170];
hoặc đánh giá tiếng cười trong thơ Nguyễn Nhược Pháp, ông viết: “Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng dáng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao” [167,tr.298]; nhận xét về thơ Hằng Phương, nhà nghiên cứu đã so sánh: “Thơ Hằng Phương cùng một giọng êm dịu, ngọt ngào như thơ Vân Đài. Nhưng ít dấu tích thơ Đường và thành thực hơn” [167,tr.332]. Tóm lại, với năng khiếu văn chương và tư duy chặt chẽ, sắc sảo của nhà khoa học, Hoài Thanh đã tìm ra những mối liên hệ giữa thơ cũ và Thơ Mới, những ảnh hưởng của thơ ca nước ngoài đối với Thơ Mới, phát hiện những điểm tương đồng và khác biệt giữa các nhà Thơ Mới, đã chứng tỏ sự thành công trong việc sử dụng phương pháp so sánh - một phương pháp không khó nắm bắt nhưng không dễ thực hiện này ở Hoài Thanh. Chính vì vậy, nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu đã cho rằng: Hoài Thanh là tác giả của “công trình đầu tiên về văn học so sánh” ở Việt Nam.
Cùng thời với Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm và Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan cũng đã sử dụng phương pháp so sánh một cách tự giác trong Nhà văn hiện đại. Trong công trình này, nhà nghiên cứu thường sử dụng phương pháp so sánh vào quá trình
phân tích sáng tác của các nhà văn, nhà thơ nhằm nêu bật những nét đặc sắc, những cái mới mẻ trong phong cách nghệ thuật của các nhà văn ấy. Viết về Vũ Hoàng Chương, ông luôn đặt bên cạnh Lưu Trọng Lưu để so sánh về âm điệu thơ, lời thơ, tình cảm được toát ra từ câu thơ giữa hai nhà thơ. Để nhận ra nét thơ đặc trưng riêng của Vũ Hoàng Chương, Vũ Ngọc Phan viết: “Trái hẳn với Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương rất chú trọng đến sự gọt dũa lời thơ, nên thơ ông là thơ của một thanh niên mà nhiều lúc giọng già cóc cách” [132,tr.687]; hoặc: “Thơ của Lưu Trọng Lư đầy tình và mộng; thơ của Vũ Hoàng Chương là thứ thơ của một thanh niên già trước tuổi chán ngán sự đời và chán một cách mát mẻ, lạnh lùng (…). Đã thế, Vũ Hoàng Chương lại không được thành thật cho lắm, nên giọng thơ ông không bao giờ thiết tha được bằng giọng thơ Lưu Trọng Lư” [132,tr.690]. Nhận xét về thơ Huy Cận, Vũ Ngọc Phan so sánh với thơ của Xuân Diệu và Lưu Trọng Lư để thấy rò phong cách của từng người: “Huy Cận hơn Lưu Trọng Lư ở sự chọn chữ, lựa câu, ở sự hiểu biết cái ma lực của mỗi chữ… nhưng lại thua Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu về thành thực” [132,tr.730]; “Thơ Huy Cận thanh cao, trong sáng, nhưng kém bề thiết tha, thành thật, là những điều cốt yếu trong thơ Xuân Diệu” [132,tr.731]. Viết về Vũ Bằng, Vũ Ngọc Phan đem so sánh với nhà văn Nguyễn Công Hoan để nhận chân nét riêng của từng cây bút:
… người ta nhận thấy Vũ Bằng rất gần với Nguyễn Công Hoan: ở cả hai nhà tiểu thuyết, người ta đều thấy dí dỏm, ngộ nghĩnh và linh động. Tuy Vũ Bằng giống Nguyễn Công Hoan ở những lời văn dí dỏm, những cách dàn xếp ngộ nghĩnh, người ta nhận thấy cái đặc biệt ở Nguyễn Công Hoan là cử chỉ ngôn ngữ của các nhân vật bao giờ cũng đặc biệt Việt Nam, còn ở Vũ Bằng đôi khi người ta thấy các nhân vật có những cử chỉ và ngôn ngữ hơi lai một chút. Cái đó, chỉ vì Vũ Bằng chịu ảnh hưởng tiểu thuyết Âu Tây nhiều quá, đôi khi ông
phỏng ngay từng đoạn truyện Tây, coi như những cái sở hữu của mình [132,tr.1003].
Hoặc khi viết về Lan Khai, Vũ Ngọc Phan đem so sánh với Lê Văn Trương: “Đọc Lê Văn Trương, từ những tác phẩm đầu tiên, đến những tác phẩm gần đây nhất, người ta không thấy thay đổi mấy tý. Nhưng đọc Lan Khai từ trước tới nay người ta thấy ông thay đổi, luôn luôn gắng sức để rồi bỏ loại nọ sang loại kia… Lan Khai là một lão tướng trong làng tiểu thuyết đang gắng tìm đường mới” [132,tr.920].
Không chỉ so sánh các nhà văn trong nước với nhau, Vũ Ngọc Phan còn so sánh các tác giả, tác phẩm Việt Nam với phương Tây để thấy sự giống và khác nhau, hoặc sự đặc sắc về mặt nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm, các nhà văn… Chẳng hạn, viết về tài thơ của Thế Lữ, Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Nếu không so sánh văn chương tư tưởng, mà chỉ đứng riêng về phương diện say mê, có thể nói Anatole France tôn sùng cái Đẹp thế nào, thì Thế Lữ tôn sùng cái Đẹp thế ấy. Anatole France mơ tưởng đến các nàng Tiên thế nào, thì Thế Lữ cũng mơ tưởng đến các nàng Tiên thế ấy” [132,tr.697]; hoặc nhận xét về tài thơ và tiểu thuyết của Thế Lữ, Vũ Ngọc Phan cho rằng:
Về thơ, cũng như về tiểu thuyết rùng rợn, người ta thấy Edgar Poe đều tỏ ra bày rặt một ý tưởng u sầu, những ý tưởng não nùng, ghê rợn trong bài Con quạ hay trong bài Mơ trong mộng (Le Corbeau và Un rêve dans un rêve, do Mallarmé dịch ra chữ Pháp) của nhà thi hào Mỹ cũng không xa gì những ý tưởng rùng rợn của ông trong tập Contes extraordinaires (Truyện kỳ dị, do Charle Baudelaire dịch ra Pháp văn). Còn Thế Lữ, từ chỗ ca tụng tình yêu bát ngát, ca tụng cái đẹp tuyệt vời mà đi tới chỗ tả những cảnh khủng khiếp thì cũng hơi lạ. Người ta có thể nói: trong thi ca, Thế Lữ có những tình yêu về lý tưởng, ông muốn tìm lên Thiên đường để làm bạn với tiên; còn trong
tiểu thuyết, Thế Lữ muốn xuống Âm phủ để ở gần với Quỉ. Tâm hồn ông thật là phức tạp. Điều chắc chắn là ông rất giàu tưởng tượng, nên về thơ cũng như về tiểu thuyết, ông đã tỏ ra một thi gia và một tiểu thuyết gia có biệt tài [132,tr.705].
Nhận xét về tài miêu tả trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Vũ Ngọc Phan viết: “Tả chân đến thế thì tuyệt khéo. Đặc kiểu Guy de Maupassant” [132,tr.982]. Nhấn mạnh tính chất mới mẻ, hiện đại của tiểu thuyết Khái Hưng, ông so sánh: “Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam cũng như Alfred de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thời xưa” [132,tr.755]…
Ngoài những tác phẩm và tác giả vừa trình bày, ta thấy có nhiều tác giả trong quá trình nghiên cứu cũng đã sử dụng phương pháp so sánh như: Nguyễn Đổng Chi trong Việt Nam cổ văn học sử đã sử dụng thao tác so sánh khi viết về: Tiếng Việt và chữ Việt thời cổ, ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo Ấn Độ, văn hóa Tam giáo Trung Hoa vào Việt Nam…; hay như Thiếu Sơn trong Phê bình và cảo luận cũng so sánh ảnh hưởng của những tác phẩm văn học Pháp đối với tác phẩm văn học Việt Nam; Trần Thanh Mại trong Trông giòng sông Vị và Hàn Mặc Tử cũng so sánh Trần Tế Xương và Hàn Mặc Tử với các nhà thơ trong và ngoài nước…
So sánh để chỉ ra những nét đặc sắc hoặc những yếu tố chưa đạt được giữa các tác giả, tác phẩm, các nền văn học… là mục đích của các nhà nghiên cứu nói chung khi sử dụng phương pháp này. Bằng một kiến văn rộng rãi cùng với tư duy khoa học trên nền tảng những lý thuyết của phương pháp nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu văn học giai đoạn này đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học khi đã sử dụng thành công phương pháp so sánh vào việc nghiên cứu văn học nước nhà.
3.1.2. Phương pháp trực giác
Phương pháp trực giác là phương pháp có nguồn gốc từ thuyết trực giác của nhà triết học người Pháp Henri Bergson (1859 - 1941). Trong thuyết trực giác được trình bày trong các công trình Matière et mémoire (1896) và L’ E’volution créatrice (1907), Bergson thường đề cao năng lực biểu đạt của người nghệ sĩ và cho nó là phi thường và khác biệt với khả năng biểu đạt của ngôn ngữ thường ngày. Cùng thời với Bergson, nhà triết học người Italia Benedetto Croce (1866 - 1952) trong công trình Bréviaire d’ esthétique (1913) cũng đưa ra lý thuyết về nhận thức trực giác trong triết học và đã có ảnh hưởng không nhỏ đến giới nghệ sĩ. Có thể nói, lý thuyết trực giác của hai nhà triết học vừa nêu đã tạo sinh khí mới cho sáng tác và nghiên cứu văn học bởi, nó có khả năng khuyến khích óc nhạy cảm của người nghiên cứu để phát hiện ra những khía cạnh đặc biệt và tinh tế của đối tượng thẩm mỹ; đồng thời nó cũng nhắc nhở người áp dụng phải cảnh giác với những suy lý giáo điều và sơ lược hóa.
Ở Việt Nam, phương pháp trực giác cũng được nhiều người áp dụng. Nhưng thành công nhất ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, có lẽ là công trình Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Trong công trình vừa nêu, tác giả đã thể hiện quan điểm nghiên cứu trong phần “Nhỏ to...” ở cuối sách như sau: “Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn (…). Cho nên gặp thơ hay, tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại hoài, cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người” [167,tr.366]. Tự xác định cho mình con đường chọn tâm hồn để thâm nhập là chọn chỗ vi diệu nhất, kỳ bí nhất nhưng cũng rất thơ. Lý luận văn học Đông Tây có thể khác nhau nhiều điểm, nhưng đã gặp nhau ở chữ hồn này. Vì vậy, có thể nói, quan điểm nghiên cứu của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam chính là sự giao hòa giữa lối bình văn cổ điển phương Đông và lối nghiên cứu trực giác phương Tây. Với phương châm “lấy
hồn tôi để hiểu hồn người”, quả thực, Hoài Thanh đã hiển lộ một trực giác nghệ thuật tuyệt vời trong Thi nhân Việt Nam. Nhờ năng khiếu này, nhà nghiên cứu đã phác họa được chân dung tâm hồn của từng thi sĩ đại diện cho thời ấy: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần, một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” [167,tr.29]. Ông đã nhập hồn mình vào các hồn thơ để dựng nên những chân dung văn học đặc sắc và tiêu biểu về các nhà Thơ Mới bằng một ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc, hình ảnh, nhịp điệu: “Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam (…). Thế Lữ không bàn về Thơ Mới, không bênh vực Thơ Mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ”; Xuân Diệu là nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ Mới”, “Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi chúng ta quen dần, vì người với ta tình đồng hương vẫn nặng”; Huy Cận “buồn sầu ảo ão” bởi “nhác thấy cái xa thẳm của không gian và thời gian”; “Điêu tàn (Chế Lan Viên) đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”; Đoàn Phú Tứ “ghi lại bằng thơ những nét mong manh những cảm giác nhẹ nhàng”; Nguyễn Bính “đánh thức người nhà quê ẩn náu trong hồn ta”, làm ta cảm nhận được “hồn xưa của đất nước”; Hàn Mặc Tử “với vườn thơ rộng rung rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh”.
Trên cơ sở của phương pháp trực giác, trong Thi nhân Việt Nam, tác giả cũng đã sử dụng óc chủ quan để cảm nhận và ghi lại những cảm nhận về các nhà Thơ Mới, điều này, Hoài Thanh và Hoài Chân đã nói rò: