Quá trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 13


đại thi ca”, Hoài Thanh đã nhận ra những dáng vẻ sinh động của cái Tôi trong Thơ Mới, nhưng ông không hề có ý định thi vị hoá hoặc thổi phồng cái chữ Tôi đó. Nhà nghiên cứu đã thấy được những giới hạn của nó, ông đã viết một cách rất thành thực nhưng cũng rất văn chương, sinh động và hình ảnh về bản chất cùng các dạng vẻ của chữ Tôi trong phong trào Thơ Mới: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận” [167,tr.52]. Cái tâm thế chênh vênh, khắc khoải, cô đơn của con người thuở ấy đã đi vào Thơ Mới, không thể hiểu một cách đơn giản là sự bế tắc hay suy đồi trụy lạc của cá nhân và của thơ ca. Về phương diện con người, đó là một trạng thái có khả năng dẫn đến bi kịch nhưng bi kịch ở đây không đồng nghĩa với sự tiêu cực, tha hóa, mà về phương diện văn chương, đó là một phản ứng với hoàn cảnh đương thời, đó là những điềm dự báo, đó là những dấu hiệu thức tỉnh về một tình trạng xã hội cần phải thay đổi. Vì vậy, việc khẳng định sự ra đời của Thơ Mới, sự thắng thế của “cái tôi cá nhân” chính là “kết quả không thể không có được của một cuộc biến thiên vĩ đại, bắt đầu từ hồi nước ta sáp nhập với đế quốc Pháp” [167,tr.14] của Hoài Thanh là hoàn toàn có lý, có cơ sở và tương đối chắc chắn.

Cùng với việc nhận ra “tinh thần Thơ Mới”, Hoài Thanh khẳng định công lao của trào lưu lãng mạn trong thơ ca đối với việc thay đổi “hình dáng” câu thơ. Ông đã đứng hẳn về Thơ Mới để nhìn nhận, ca ngợi và khẳng định những sự cách tân về nghệ thuật của Thơ Mới. Nhà nghiên cứu nhận định: “Phong trào Thơ Mới trước hết là cuộc thí nghiệm táo bạo để định lại giá trị những khuôn phép xưa”. Tác giả quan tâm đến cả “thi tứ” và “thi thể”, cả


“tinh thần Thơ Mới” và “hình dáng câu thơ” để chỉ ra những cách tân quan trọng của Thơ Mới. Chẳng hạn: Hoài Thanh đã đem đối lập việc thể hiện thi tứ tình yêu trong thơ cũ và Thơ Mới để qua đó nêu lên sự khác biệt cơ bản giữa chúng trong lĩnh vực này. Tác giả cũng đã chỉ ra sự cách tân đầy ý nghĩa của thơ ca Việt Nam hiện đại, khi nó đã mở tung ra các niêm luật chặt chẽ, khắc nghiệt của các thể thơ cũ, phá đi những tính ước lệ đầy tính chất khuôn sáo của thơ cũ để tiếp xúc một cách trực tiếp với thiên nhiên, cảnh vật, với con người - mà không cần thông qua một hệ thống ước lệ có tính khuôn phép nào hết, để miêu tả một cách tỉ mĩ, kỹ lưỡng các vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh vật, con người…. Hoài Thanh cũng đặc biệt chú ý đến việc phát hiện ra những câu thơ, những hình ảnh thơ, những cấu trúc thơ… mới mẻ, sáng tạo, cùng với những cách tân nghệ thuật táo bạo theo hướng hiện đại của các nhà Thơ Mới. Và ông coi đó là những đóng góp quan trọng bậc nhất của họ đối với sự nghiệp đổi mới thi ca Việt Nam.

Căn cứ vào quan điểm đồng đại và lịch đại, Hoài Thanh miêu tả sự hình thành các khuynh hướng và phong cách của Thơ Mới. Tác giả Thi nhân Việt Nam chia Thơ Mới làm ba dòng: dòng thơ ảnh hưởng Pháp; dòng thơ ảnh hưởng thơ Đường và dòng thơ Việt. Tuy vậy, ông cũng cho rằng không phải các dòng ấy hoàn toàn tách biệt nhau mà ngược lại chúng có sự giao hoán với nhau. Và khi phân tích sự ảnh hưởng của các dòng thơ, Hoài Thanh cũng đã sắp xếp, xác định vị trí của từng nhà thơ trong các dòng ấy một cách khách quan và khá chính xác.

Tuyển chọn bốn mươi lăm tác giả và tác phẩm của họ trong một giai đoạn để tìm hiểu, nghiên cứu là một việc không phải dễ dàng, nhưng tác giả Thi nhân Việt Nam đã làm được và tương đối chính xác. Bốn mươi lăm gương mặt xuất hiện trong Thi nhân Việt Nam không phải gương mặt nào cũng sáng giá, bài thơ được chọn nào cũng hay là lẽ đương nhiên. Nhưng nhìn chung,


bằng lời văn nhẹ nhàng, tinh tế và chính xác, Hoài Thanh đã giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam những cây bút xuất sắc của thời đại, chứng tỏ tác giả là người am hiểu sâu sắc sự ra đời tất yếu của Thơ Mới, cũng như sự cách tân lớn lao của nó trong việc hiện đại hóa thơ ca một cách toàn diện trong những năm từ 1932 đến 1941.

Tóm lại, với tư cách là một công trình nghiên cứu phong trào Thơ Mới, Thi nhân Việt Nam đã thể hiện một cách xuất sắc vai trò người tiên phong mở đường. Là “người đại diện ý thức” của phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh đã rất thành công trong việc đưa ra định nghĩa chính xác về Thơ Mới, ông đã theo dòi quá trình phát triển, đã tiên đoán tiền đồ bế tắc và chỉ ra lối thoát của nó. Đồng thời, ông cũng là người thẩm định đánh giá chất lượng sáng tác của các tác giả trong phong trào Thơ Mới ngay cùng thời với nó khá chính xác. Đó là những giá trị góp phần khẳng định thành tựu tiêu biểu của Thi nhân Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu văn học giai đoạn này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 227 trang tài liệu này.

Nhìn chung, trong nghiên cứu văn học hiện đại, Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn và Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh đã để lại một dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử nghiên cứu văn học Việt Nam, đặc biệt, đây lại là những công trình mang tính chất mở đầu cho việc nghiên cứu văn học hiện đại một cách có hệ thống. Nét mới ở các công trình này chính là ở chỗ, các nhà nghiên cứu đã vận dụng một cách sáng tạo các phương pháp nghiên cứu của phương Tây nhưng từ trong sâu thẳm vẫn chan hòa một tâm hồn Việt nhạy cảm với cái nhìn khá xác thực đối với từng tác giả, tác phẩm, góp phần thay đổi diện mạo hoạt động nghiên cứu văn học nước nhà.

* Nghiên cứu tác gia văn học hiện đại

Quá trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 13

Nếu như năm 1935, Trần Thanh Mại viết Trông giòng sông Vị, một trong những cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của một tác gia văn học trung đại là Trần Tế Xương, thì năm 1941, khi Hàn Mặc Tử


mất đi chưa đầy một năm, ông lại cho ra đời tác phẩm Hàn Mặc Tử. Đây là công trình nghiên cứu sớm nhất, công phu nhất và phát hiện được nhiều đặc điểm nhất về thi sĩ họ Hàn. Cuốn sách, ngoài lời tựa nói về lý do viết sách và phương pháp nghiên cứu, Trần Thanh Mại chia sách làm hai mươi mốt đoạn đề cập đến những vấn đề như: hoàn cảnh địa lý và gia đình, đời học tập, làm báo, những tác phẩm đầu tay, cuộc sống đau thương bệnh hoạn, những mối tình của thi sĩ, nghệ thuật thơ của thi sĩ, những ngày cuối cùng của một kiếp người…. Như vậy, trong Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại đã trình bày cho người đọc một cách rò ràng, khoa học tiểu sử của Hàn Mặc Tử, làm cho độc giả hiểu được cuộc đời và thơ văn của thi sĩ này tương đối đầy đủ khi nhà thơ vừa qua đời một năm.

Trần Thanh Mại sau khi khảo sát các tác phẩm thơ của Hàn Mặc Tử đã chỉ ra ba yếu tố chi phối cuộc đời nhà thơ, đó là: bệnh tật, đàn bà tôn giáo. Nhà nghiên cứu trình bày khá kỹ nguyên nhân mắc bệnh của Hàn Mặc Tử, quá trình chữa chạy và những trạng thái bệnh lý của nhà thơ, cũng như chỉ ra cho chúng ta thấy những mối quan hệ nhân quả giữa bệnh tật và thơ ca. Ông cho rằng thi hứng trong thơ Hàn Mặc Tử bắt nguồn từ nỗi đau của bệnh tật, từ tâm trạng đắng cay, chua xót của những cuộc tình tan vỡ. Trần Thanh Mại cũng phát hiện biểu tượng trăng, hồn, máu; trong đó trăng hồn là “hai cái luận đề yêu dấu” nổi bật lên trong tập Đau thương của Hàn Mặc Tử.

Theo nhà nghiên cứu, dường như giữa trăng và căn bệnh của thi sĩ có mối liên hệ mật thiết, sự đau đớn hay thuyên giảm của căn bệnh lên xuống theo sự lên xuống của con trăng. Các bài thơ Một đêm trăng, Say trăng, Trăng vàng trăng ngọc… đều là sự bùng phát dữ dội của chứng bệnh “nan y” được thể hiện bằng thơ. Sự cảm nhận đớn đau về cái chết khiến Hàn Mặc Tử có rất nhiều bài thơ mang tựa đề hồn: Trút linh hồn, Với hồn, Biển hồn ai, Hãy nhập hồn em, Hồn lìa khỏi cổ, Hồn là ai?…. Hồn mà Hàn Mặc Tử thường mộng


thấy là hồn lìa khỏi xác để đi chơi một mình, để đánh nhau với chàng và để rồi cả hai đều phải chết. Theo Trần Thanh Mại, nỗi ám ảnh về cái chết, về bệnh tật không lúc nào nguôi ngoai trong suy nghĩ của nhà thơ, vì vậy, ý thơ, lời thơ của Hàn Mặc Tử luôn chứa đựng tâm trạng điên loạn, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Tác giả công trình Hàn Mặc Tử cũng phát hiện ra bên cạnh nỗi đau của một thân xác bệnh tật và một tâm hồn rớm máu, vẫn có một Hàn Mặc Tử “tỉnh táo, mạch máu luôn chảy êm ả dịu dàng”, đó là lúc phần thơ tự nhiên, không bị ảnh hưởng của bệnh xuất hiện. Trần Thanh Mại cho rằng những bài thơ này “rất khoẻ khoắn đơn sơ. Âm nhạc reo lên một cách thong thả nhẹ nhàng, uyển chuyển như một tiếng ngân kéo dài mãi không ngừng”. Và ông khẳng định: “Những bài thơ nho nhỏ như bài Đà Lạt trăng mờ, Huyền ảo, Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Dạ, Siêu thoát… đủ để biểu hiện tài bao quát của Hàn Mặc Tử và có thể kể trong những bài thơ hay nhất của nền thơ Việt Nam, của nền thơ hoàn cầu” [123,tr.73]. Đó là những nhận định khá chính xác của Trần Thanh Mại về tập thơ Đau thương - một trong những tập thơ xuất sắc nhất của Hàn Mặc Tử.

Tìm hiểu những sáng tác liên quan đến những người đàn bà đã đi qua cuộc đời Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại cho rằng, đó là nguyên nhân trực tiếp của việc sáng tạo ra những bài thơ tình tuyệt tác của thi nhân. Chẳng hạn: Hoàng Cúc mối tình đầu là nguồn cảm hứng để thi sĩ sáng tác những: Tình quê, Âm thầm..., và đặc biệt là Đây thôn Vĩ Dạ. Ông cũng chỉ ra “Một nỗi thất vọng lớn của Hàn Mặc Tử nữa là nỗi chàng bị phụ tình” [123,tr.90]. Đó là muốn nói về mối tình Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm, và cho đây chính là nguồn cảm hứng để sáng tác những bài thơ tình “Muôn năm sầu thảm” như Lang thang, Say chết đêm nay, Phan Thiết! Phan Thiết!... Theo Trần Thanh Mại, mối tình với Mộng Cầm là một “mối tình lớn” đối với Hàn, bởi hai người yêu nhau rất tha thiết. Chính vì vậy, khi tình dang dở, Hàn Mặc Tử rất đau buồn.


Trần Thanh Mại nhận xét: Chàng không quên được hình ảnh của người yêu, nhưng sự đau khổ về cuộc tình duyên ấy lại là một nguồn cảm hứng để thi sĩ kéo ra nhiều điệu nhạc trầm hùng. Ấy là những tiếng kêu não ruột nhất, những giọng gào thét đoạn trường nhất mà người bị tình phụ đã thốt lên: “Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói?/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn?/ Làm sao giết được người trong mộng?/ Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?”(Lang thang - Xuân Như Ý) [123,tr.93]

Một người đàn bà khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác của Hàn Mặc Tử là Mai Đình nữ sĩ. Theo Trần Thanh Mại, Mai Đình yêu thơ Hàn Mặc Tử qua tập Gái quê rồi đến với thi sĩ trong đời thực, đã yêu chàng hết lòng, dù lúc đó, Hàn Mặc Tử đã mắc bệnh. Những bài thơ như: Lưu luyến, Đánh lừa, Thao thức... ra đời xuất phát từ cảm hứng của bài thơ: Biết Anh, bức thư mà Mai Đình gửi cho thi nhân. Đó là những mối tình đích thực của Hàn Mặc Tử đã ảnh hưởng đến thơ văn chàng. Ngoài ra, Trần Thanh Mại còn dẫn ra cho ta thấy nhiều mối tình khác như với Lê Thị Ngọc Sương: “Ta đề chữ Ngọc trên tàu chuối, Sương ở cung Thiềm rỏ chẳng thôi”. Hay với cháu Trần Thanh Địch: cô bé Thương Thương 12 tuổi là nguồn cảm hứng của Cẩm Châu Duyên.

Bệnh tật, đàn bà là hai ám ảnh khôn nguôi đến thơ Hàn Mặc Tử. Điều này đã rò, bởi trong Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại đã có từng đoạn riêng để nói đến khía cạnh này. Tuy nhiên, sẽ thiếu nếu chúng ta không nhắc đến tôn giáo. Tôn giáo chính là nguồn ảnh hưởng cuối cùng đến thơ Hàn Mặc Tử. Tuy không để tôn giáo thành một mục riêng nhưng rò ràng trong Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại đã đề cập nhiều về sự tác động của tôn giáo đến thơ Hàn Mặc Tử. Chẳng hạn, Trần Thanh Mại dẫn ra bài Xuân đầu tiên và cho rằng: “Những tinh thần cao siêu thanh khiết ấy phần nhiều là ảnh hưởng ở nguồn tư tưởng vô cùng nơi đạo Thiên Chúa. Hàn Mặc Tử bảo Bích Khê rằng: “Sáng


tạo là điều kiện cần thiết, tối yếu của thơ, mà muốn tìm nguồn cảm xúc mới lạ, không chi bằng đọc sách về tôn giáo cho nhiều. Như thế thơ văn mới trở nên trọng vọng, cao quí, có một ý nghĩa thần bí” [123,tr.121]. Nhà nghiên cứu lại đưa ra dẫn chứng về ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo đối với thơ Hàn trong lời kêu gọi đến phép tắc mầu nhiệm của Đức Chúa Trời ở bài tựa Xuân như ý: “Lạy chúa trời đi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả. Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chang vô vàn phước lộc” [123,tr.121]; hoặc “trong cơn bệnh hoạn của chàng, mỗi lần chàng chết đi sống lại là chàng đều cảm thấy bà thánh nữ đồng trinh Maria đến cứu chàng cả” [123,tr.121]. Và đấy là nguồn thi hứng để Hàn Mặc Tử sáng tác Thánh nữ đồng trinh Maria.

Nhận xét về ảnh hưởng của tôn giáo đối với thơ Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại cho rằng: tư tưởng và lời thơ cao siêu, thanh khiết của thi sĩ họ Hàn bắt nguồn từ nỗi đau, từ ảnh hưởng nguồn tư tưởng của đạo Thiên Chúa. Trần Thanh Mại cũng chỉ ra cội nguồn tạo nên giá trị và những dấu ấn đặc biệt trong thơ Hàn Mặc Tử chính là sự giao hòa của ngôn ngữ Á - Âu, của hai nguồn văn hoá Phật giáo và Thiên Chúa giáo, của những đau đớn tột cùng của thể xác và những bí ẩn diệu kỳ của tâm linh…. Đó chính là tất cả các yếu tố được nương náu, ẩn chứa vào những vần thơ đầy âm thanh và nhạc điệu của Hàn Mặc Tử.

Bệnh tật, đàn bà tôn giáo, theo Trần Thanh Mại, đó cũng chính là ba nguồn ảnh hưởng đã tạo nên một “cảm thụ lực” đặc biệt ở nhà thơ Hàn Mặc Tử. Phải thừa nhận rằng, những nhận xét của Trần Thanh Mại về nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử thật khá tinh tường, ông đã thấy được “Hàn Mặc Tử là một nhà thơ duy nhất sống bằng sự chiến đấu giữa tình cảm của chàng và cảnh tượng của tạo vật” [123,tr.144]. Ở Hàn Mặc Tử, “ta thấy cảm thụ lực khi nào phát triển cũng đến tột bực”. Và nhờ ở nguồn cảm thụ lực phát triển đến cực


điểm như thế nên “Hàn Mặc Tử là nhà thơ Việt Nam đầu tiên biết nghe ngóng những lời âm thầm của tạo vật”; thi sĩ “có một thính giác đặc biệt để nghe được hơi thở của một cành lá, cả va chạm của hai luồng ánh sáng” tức là “Hàn Mặc Tử đã phóng thoát cái bản năng của loài người, cởi lột được bao nhiêu cốt cách của loài người để mà ăn nhập vào với vũ trụ, để biến thành một hiện tượng của vũ trụ” [123,tr.153]. Chính vì cho rằng Hàn Mặc Tử được phú giữ một nghệ thuật hết sức tài tình ấy, nên Trần Thanh Mại kết luận: “Văn thơ của Hàn Mặc Tử có thể ví như lời Tô Đông Pha đã tự ví văn mình, một nguồn nước chảy thao thao, quanh co uốn khúc, có khi lách nhẹ qua các áng hoa luống cỏ, nhưng đến khi cần cũng đục xẻ nổi cả những tảng núi sườn non, đánh đổ tất cả những gì cản trở” [123,tr.156].

Cũng chính “nguồn cảm thụ lực” đặc biệt đã mang lại cho thơ Hàn Mặc Tử một thứ âm nhạc đặc biệt. Trần Thanh Mại khẳng định: “Hàn Mặc Tử là nhà thi sĩ Việt Nam có cái nghệ thuật âm nhạc tài tình nhất. Trong suốt sự nghiệp thi ca, kể cũng đã là vĩ đại đối với cuộc đời ngắn ngủi của chàng, không có bài nào, đến cả không có câu nào làm ra mà không dóng theo âm điệu” [123,tr.158]. Và “Riêng về một phương diện nhạc của thơ, ảnh hưởng của Hàn Mặc Tử trong làng thơ Việt Nam hiện cũng đã to tát, rò ràng lắm”. Nhận xét về phương diện này, Trần Thanh Mại cho rằng: “Hàn Mặc Tử là một nhà thơ biệt lập hẳn ra một còi, một còi nguy nga đồ sộ, ngát hơi hương và vang tiếng nhạc, từ trên ấy, người cho chiếu xuống cái nước non thanh tú là làng thơ Việt Nam những luồng ánh sáng đầy phép lạ, có cái tài lực biến hóa được những vật đã chạm đến [123,tr.164].

Tóm lại, qua Hàn Mặc Tử, cũng như qua Trông giòng sông Vị ta thấy Trần Thanh Mại đã áp dụng khá thành công phương pháp nghiên cứu tiểu sử học khi đã dùng những tư liệu về cuộc đời để cắt nghĩa sự nghiệp thơ văn Hàn Mặc Tử. Những nhận định của Trần Thanh Mại về nội dung cũng như nghệ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/07/2022