Các Nghiên Cứu Liên Quan Đến Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Việc Áp Dụng Phương Pháp Abc Trong Dn


đó đưa ra các giải pháp về phân loại chi phí phục vụ cho mục tiêu quản trị DN và giải pháp triển khai phương pháp ABC tại các DN này. Đổng thời tác giả cũng đề xuất những khuyến nghị đối với Nhà nước và đối với bản thân các DN nhằm tăng cường vận dụng phương pháp ABC tại nhóm các DNSX thức ăn chăn nuôi nội địa.

Tóm lại, tổng quan các công trình nghiên cứu về phương pháp ABC tại một ngành hay một DN/nhóm DN cụ thể cho thấy mẫu nghiên cứu được sử dụng rất đa dạng, một số cho nhóm các DN lớn, một số cho DN vừa và nhỏ, một số không nói rõ về quy mô DN. Đa số các công trình nghiên cứu đã tiếp cận theo kế toán quản trị khi đi nghiên cứu về phương pháp ABC. Thực tế cho thấy tỷ lệ DN áp dụng phương pháp ABC ngày càng cao và phương pháp ABC đã đem lại lợi ích to lớn cho DN áp dụng thành công mặc dù bản thân phương pháp ABC vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Các công trình nghiên cứu tại Việt Nam về phương pháp ABC mới chỉ đáp ứng phần nào thông tin về bản chất, quy trình áp dụng phương pháp ABC, chưa có một công trình nào làm rõ được toàn bộ cơ sở lý luận về phương pháp ABC, đặc biệt là trên các khía cạnh phạm vi tính giá thành và phương pháp tập hợp, phân bổ chi phí. Hơn nữa, chưa có công trình nào mô tả chi tiết kỹ thuật tập hợp và phân bổ chi phí theo phương pháp ABC đối với từng khoản mục chi phí trực tiếp cũng như chi phí gián tiếp. Ngoài ra, các nghiên cứu trên mới chỉ đưa ra những giải pháp mang tính lý thuyết mà chưa đề xuất mô hình ABC phù hợp cho từng nhóm DN nghiên cứu. Mặt khác các đề xuất từ những nghiên cứu trên cũng không có sự minh họa hoặc hướng dẫn cụ thể trong khi việc triển khai vận dụng phương pháp ABC vào thực tế được cho là rất phức tạp, do đó tính khả thi của các đề xuất còn nhiều hạn chế.

2.2. Các nghiên cứu liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng phương pháp ABC trong DN

Ngay từ năm 1989, nghiên cứu của Shields và Yuong với tựa đề “A behavioral model for implementing cost management systems” đã phát triển một mô hình lý thuyết toàn diện cho việc thực hiện hệ thống quản lý chí phí trong đó bao gồm hệ thống quản lý chí phí từ kết quả của phương pháp ABC. Ý tưởng chính của mô hình này là để phát triển một chiến lược tập trung vào các vấn đề về hành vi hơn là vấn đề kỹ thuật, bài nghiên cứu tập trung vào việc nhận thức vai trò quan trọng về hành vi của con người trong quản lý chi phí. Theo mô hình này, phương pháp ABC là một sự đổi mới trong DN. Hai tác giả lập luận rằng, quyết định triển khai thực hiện phương pháp ABC bị tác


động bởi sáu yếu tố hành vi và tổ chức, gồm: văn hóa, kiểm soát, quản lý bộ phận, quy trình thay đổi, cam kết bồi thường và đào tạo thường xuyên.

Tiếp đến, trong nghiên cứu “Activity-based systems: Measuring the costs of resource usage” Cooper và Kaplan (1992) nghiên cứu 8 trường hợp điển hình nhằm cung cấp bức tranh về các vấn đề khó khăn mà các DN đang gặp phải trong quá trình vận dụng phương pháp ABC. 8 trường hợp này đều là các DNSX quy mô vừa và nhỏ. Theo đó, hầu hết các DN gặp trở ngại trong việc triển khai phương pháp ABC đối với quá trình xác lập hoạt động. Ngoài ra, việc triển khai phương pháp ABC thành công khi xác định được sự tác động của các yếu tố cụ thể đến việc áp dụng phương pháp ABC, đứng đầu là yếu tố các nhà quản lý cấp cao. Hơn nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khả năng thất bại trong việc áp dụng phương pháp ABC xuất phát từ sự chống đối của các thành viên trong nội bộ đơn vị. Do vậy, việc triển khai phương pháp ABC sẽ hiệu quả hơn khi có sự tham gia ngay từ đầu của các cá nhân không phải là kế toán viên hay còn gọi là bộ phận phi kế toán, đội ngũ các nhà quản trị cấp cao - những người sử dụng chính thông tin của phương pháp ABC. Các tác giả kết luận rằng sự thành công của việc đưa phương pháp ABC vào vận dụng chủ yếu phụ thuộc vào các biến hành vi và tổ chức.

Ngoài ra, Shields và cộng sự (1989) trong nghiên cứu “A behavioral model for implementing cost management systems” đã chỉ ra 7 nhân tố hành vi và tổ chức được xác định là quan trọng đối với việc triển khai áp dụng phương pháp ABC, bao gồm: (1) Hỗ trợ từ quản lý cấp cao; (2) Liên kết với các chiến lược cạnh tranh; (3) Liên kết để đánh giá hiệu quả và bồi thường; (4) Sự đầy đủ nội lực; (5) Đào tạo; (6) Quyền sở hữu thông tin kế toán của các bộ phận khác không thuộc bộ phận kế toán và (7) sự đồng thuận và rõ ràng các mục tiêu của các hệ thống quản lý chi phí. Theo các tác giả, sự thành công của việc triển khai phương pháp ABC sẽ được tăng lên khi các yếu tố này được sử dụng kết hợp trong chiến lược thực hiện. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng các nhân tố kỹ thuật chỉ có thể hỗ trợ sự thành công của việc vận dụng phương pháp ABC nếu chúng được sử dụng song song cùng với các biến hành vi và tổ chức được xác định trước đó. Đồng tình với kết quả này Shields và McEwen (1996) cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thất bại của phương pháp ABC trong một số DN có thể là do sự chú trọng quá mức vào việc thiết kế kiến trúc và phần mềm kỹ thuật của phương pháp ABC mà ít tập trung vào các nhân tố hành vi và tổ chức.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 262 trang tài liệu này.


Ngoài ra, thông qua việc sử dụng ba nhân tố để đánh giá sự thành công trong triển khai phương pháp ABC là giá trị cảm nhận chung, độ chính xác dữ liệu và hiệu quả sử dụng dữ liệu trong phương pháp ABC, trong bài nghiên cứu tựa đề “The impact of contextual and process factors on the evaluation of activity-based costing systems” Anderson và Young (1999) nhận thấy rằng các nhân tố trên có ảnh hưởng rõ ràng đến kết quả thực hiện phương pháp ABC. Sự hỗ trợ của quản lý cấp cao và sự liên kết đánh giá cũng có tác động tích cưc đến việc vận dụng phương pháp ABC trong môi trường kỳ vọng cao vào lợi nhuận. Mặt khác, nghiên cứu còn tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa việc vận dụng phương pháp ABC với sự hỗ trợ đầy đủ nguồn lực để thực hiện. Các kết quả này khẳng định tầm quan trọng của các yếu tố tổ chức (sự hỗ trợ của quản lý cấp cao và sự đầy đủ nguồn lực) trong việc áp dụng thành công phương pháp ABC.

Phương pháp xác định chi phí dựa trên cơ sở hoạt động tại một số doanh nghiệp sản xuất thuộc Tổng Công ty Viglacera-CTCP - 3

Tại các nước đang phát triển như Thái Lan, Chongruksut (2002) với nghiên cứu “The adoption and implementation of activity-based costing in Thailand” cho thấy có sự đồng thuận và sự rõ ràng về mục tiêu thực hiện có ảnh hưởng lớn đến mức độ thành công của phương pháp ABC. Mặc dù các yếu tố khác có thể không đủ giải thích sự ảnh hưởng khác nhau nhưng chúng rất quan trọng khi xây dựng môi trường và cơ hội cho người lao động để tìm hiểu về phương pháp ABC và tạo cho nhân viên có động lực để làm việc với phương pháp này. Hay tại Malaysia, Maelad và Ibrahim (2006) chỉ ra rằng ngoài các yếu tố quan trọng như sự đa dạng của chi phí, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thì các yếu tố như sự hỗ trợ của quản lý cấp cao, sự liên kết đánh giá hiệu quả cũng có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến việc áp dụng thành công phương pháp ABC trong DN.

Sau đó, tại Úc với nghiên cứu “What determines ABC success in mature sites?” Byrne (2011) cũng đưa ra kết luận tương tự, nghiên cứu chỉ ra sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao là yếu tố quyết định sự thành công của việc triển khai phương pháp ABC. Hơn nữa, việc đào tạo liên tục, sự đầy đủ nguồn lực, sự liên kết đánh giá và mức độ cạnh tranh là các yếu tố có tác động tới việc triển khai phương pháp ABC trong giai đoạn đầu.

Charaf và Rahmouni (2010) trong một nghiên cứu với tựa đề “Success of Activity-Based costing projects in French companies: The influence of organizational and technical factors” thực hiện tại Pháp lại khẳng định chỉ có hai yếu tố đó là (1) sự đào tạo đầy đủ và (2) sự hỗ trợ của công nghệ thông tin là có tác động đáng kể đến sự thành công khi triển khai phương pháp ABC. Đối với các biến khác như sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao, sự đồng thuận về mục tiêu, và sự phức tạp về quy trình sản xuất có thể ảnh hưởng tới các giai đoạn nhất định trong quá trình triển khai phương pháp ABC.


Tác giả Al-Omiri (2011) trong nghiên cứu “The Motives Driving Activity-Based Costing Adoption: An Empirical Study of Saudi Firms” đã đo lường mức độ thành công của phương pháp ABC và các yếu tố quyết định sự thành công đó bằng cuộc khảo sát 75 công ty sản xuất và dịch vụ Saudi Arabia. Để nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng, 13 biến được giải thích tương tự như các yếu tố trong nghiên cứu của Shield. Bốn biến tương quan nhất với sự thành công khi triển phương pháp ABC là sự hỗ trợ từ các cấp quản lý trong công ty; sự hiểu biết, kiến thức của các nhà quản lý về thông tin của kế toán ABC; khả năng sử dụng thông tin của phương pháp ABC cho việc ra quyết định và sự ủng hộ của các bộ phận phi kế toán. Kết quả khảo sát từ những DN đã từng triển khai nhưng sau đó từ bỏ áp dụng phương pháp ABC cho thấy, các yếu tố như đào tạo không đầy đủ, sự không rõ ràng trong mục tiêu, không liên kết để thực hiện chiến lược cạnh tranh, thiếu nguồn lực nội bộ là những nhân tố ảnh hưởng dẫn đến quyết định từ bỏ của họ.

Để trả lời câu hỏi tại sao khi triển khai phương pháp ABC các DN lại có sự thành công khác nhau, các tác giả Al-Saidi và Gowda (2014) với nghiên cứu “A review of research on factors influencing implementation success of activity based costing” đã tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng thành 3 nhóm: nhóm nhân tố kỹ thuật, nhóm nhân tố hành vi và nhóm nhân tố tổ chức. Trong đó nhóm nhân tố cơ cấu tổ chức với 7 tiêu chí cụ thể gồm: Hỗ trợ từ quản lý cấp cao; Liên kết với các chiến lược cạnh tranh, đặc biệt là chất lượng và tốc độ chiến lược; Liên kết để đánh giá hiệu quả; Có đủ nội lực; Đào tạo trong việc thiết kế, thực hiện và sử dụng phương pháp; Quyền sở hữu phi kế toán; Sự đồng thuận và sự rõ ràng các mục tiêu của các hệ thống quản lý chi phí.

Ngoài ra, Lybian và Elagili (2015) với nghiên cứu “Adoption factors for the implementation of activity based costing systems: A case study of the Libyan cement industry” lại tổng hợp những yếu tố có tác động đến việc triển khai phương pháp ABC gồm 8 yếu tố là: Quy mô DN; Sự đổi mới; Sự hỗ trợ từ quản lý cấp cao; Sự hỗ trợ từ quản lý nội bộ; Chi phí chung và cơ cấu chi phí; Tính hữu dụng và tầm quan trọng của thông tin chi phí; Sự đa dạng phức tạp của sản phẩm và mức độ cạnh tranh. Những yếu tố này có tác dụng định hướng để thu thập các dữ liệu có liên quan từ các lĩnh vực nghiên cứu và đóng vai trò quan trọng trong quá trình lựa chọn các phương pháp nghiên cứu thích hợp.

Tại Việt Nam, trong một nghiên cứu về các nhân tố gây cản trở đến quá trình vận dụng Phương pháp xác định chi phí dựa trên cơ sở hoạt động với tựa đề “Những nhân


tố cản trở đến vận dụng phương pháp phân bổ chi phí ước tính theo mức độ hoạt động vào các DN Việt Nam”, Nguyễn Việt Hưng (2016) đã sử dụng phương pháp định lượng thực hiện khảo sát 350 DN thuộc lĩnh vực sản xuất thông qua sự trợ giúp của 11 công ty kiểm toán đã nghiên cứu các nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp, mang tính chất cản trở đối với việc vận dụng phương pháp này. Kết quả khảo sát cho thấy, những hạn chế về yếu tố kỹ thuật, tâm lý ngại thay đổi và sự không phù hợp trong chiến lược kinh doanh là 3 nhân tố có mức ảnh hưởng lớn nhất đến việc vận dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNSX ở Việt Nam.

Tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng phương pháp ABC trong DN, trong nghiên cứu “Các nhân tố tác động đến vận dụng phương pháp chi phí dựa trên hoạt động của DN” tác giả Võ Tấn Liêm (2019) cho rằng “các nhân tố tác động đến việc triển khai thành công phương pháp xác định chi phí dựa trên hoạt động của DN gồm: Cơ cấu tập quyền, định hướng đổi mới, định hướng nhóm, định hướng chi tiết, định hướng đầu ra...”. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính và định lượng. Cụ thể, phương pháp định tính được khảo sát thông qua phỏng vấn một số chuyên gia, một số giảng viên trong các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh; Phương pháp nghiên cứu định lượng được nghiên cứu trên 156 phiếu khảo sát tại các DNSX trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu này được phát triển dựa trên lý thuyết dự phòng rằng, các yếu tố bối cảnh xung quanh các tổ chức, như văn hóa DN và cấu trúc tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế và thực hiện một hệ thống kiểm soát và quản trị. Theo tác giả, để áp dụng thành công phương pháp ABC, DN cần: (i) Áp dụng mức độ cao hơn của cấu trúc tập quyền, tức là cơ cấu quyền lực tập trung ở một số nhân vật quản trị cấp cao, các quyết định và chỉ đạo được ban hành từ trên xuống; (ii) Các DN cần tạo ra các nền văn hóa này thông qua các chương trình đào tạo cho nhân viên hoặc khuyến khích tạo ra các sáng kiến có tác động tích cực đến hiệu quả của tổ chức; (iii) Văn hóa đổi mới và văn hóa hướng đến chi tiết có tác động tiêu cực đến triển khai thành công ABC. Do đó, DN cần xây dựng được một văn hóa DN giảm thiểu văn hóa đổi mới và hướng đến chi tiết bằng cách truyền tải thông tin, giải thích rõ ràng đến từng nhân viên thông qua nhà quản trị cấp trung và cấp cơ sở.

Tác giả Trần Tú Uyên (2019) trong một nghiên cứu với tựa đề “Áp dụng phương pháp kế toán theo hoạt động (ABC) để tính chi phí và giá thành sản phẩm tại các công ty dược phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, bằng việc áp dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với mẫu nghiên cứu là các DN dược niêm yết, tác


giả kết luận rằng: các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng phương pháp ABC trong các DN dược niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam bao gồm: Quy mô DN, cấu trúc chi phí hay tỷ lệ chi phí gián tiếp trong tổng chi phí, sự đa dạng của sản phẩm, năng lực cạnh tranh và mức độ quan trọng của thông tin chi phí.

Như vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng để triển khai thành công phương pháp ABC trong thực tế của các DNSX phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố nội tại của DN cũng như các nhân tố bên ngoài. Các nhân tố được phần lớn các nghiên cứu thừa nhận có ảnh hưởng đến việc thành công hay thất bại của quá trình vận dụng phương pháp ABC gồm: Các nhân tố kỹ thuật; Sự hỗ trợ của nhà quản lý cấp cao; Nhận thức của người sử dụng về tầm quan trọng của thông tin chi phí; Sự cung cấp đầy đủ nguồn lực. Chính do sự tác động của các nhân tố đó nên sự thành công trong vận dụng phương pháp ABC ở mỗi DN là khác nhau. Các nghiên cứu trên đã cung cấp một mảng thông tin hữu ích cho luận án trong việc kế thừa phương pháp, cách thức đánh giá và đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến sự vận dụng thành công phương pháp ABC trong một số DNSX thuộc TCT Viglacera.

3. Các vấn đề về phương pháp ABC cần được tiếp tục nghiên cứu

Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu về phương pháp ABC trên thế giới cũng như tại Việt Nam, tác giả xác định một số vấn đề về phương pháp ABC cần được tiếp tục nghiên cứu như sau:

Thứ nhất, cơ sở lý luận về phương pháp ABC cần được làm rõ hơn, đặc biệt là liên quan đến các khái niệm đặc thù áp dụng trong phương pháp ABC, các mô hình áp dụng phương pháp ABC và quy trình cụ thể khi triển khai áp dụng phương pháp ABC tại DN.

Thứ hai, các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra một thực tế là mặc dù ưu thế vượt trội của phương pháp ABC đã được khẳng định, nhưng có rất ít nghiên cứu tập trung vào việc thiết kế và áp dụng phương pháp này trong một ngành/lĩnh vực hay một nhóm DN đặc thù. Trong rất nhiều tài liệu tham khảo được tác giả tìm kiếm và nghiên cứu, số lượng các công trình nghiên cứu về khía cạnh đề xuất một giải pháp toàn diện nhằm đưa phương pháp ABC vào áp dụng tại một ngành/lĩnh vực hay một nhóm DN cụ thể chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Ngoài ra, có rất ít các công trình đi sâu nghiên cứu về phương pháp ABC một cách riêng biệt mà chủ yếu là các công trình nghiên cứu về kế toán quản trị chi phí trong đó có đề cập đến phương pháp ABC, đặc biệt là các nghiên cứu ở Việt Nam.


4. Mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát: Nghiên cứu các giải pháp nhằm áp dụng phương pháp ABC tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera.

Mục tiêu cụ thể: Để đạt được mục tiêu tổng quát, tác giả xác định các mục tiêu cụ thể như sau:

(1) Hệ thống hóa và làm rõ cơ sở lý luận về phương pháp ABC trong DNSX.

(2) Nghiên cứu thực trạng áp dụng phương pháp ABC tại một số DNSX điển hình trên thế giới và rút ra các bài học kinh nghiệm khi triển khai áp dụng phương pháp này tại DNSX Việt Nam.

(3) Nghiên cứu thực trạng áp dụng phương pháp xác định chi phí (bằng phương pháp nghiên cứu điển hình và phương pháp điều tra) tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera.

(4) Xây dựng mô hình nghiên cứu và kiểm định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng áp dụng phương pháp ABC tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera.

(5) Đề xuất giải pháp nhằm áp dụng phương pháp ABC tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera. Luận án cũng đưa ra các khuyến nghị đối với DN và khuyến nghị đối với Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng phương pháp ABC ở nhóm các DN này.

Câu hỏi nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận án sẽ trả lời các câu hỏi sau:

(1) Cơ sở lý luận về phương pháp ABC trong DNSX đã được nghiên cứu như thế nào?

(2) Kinh nghiệm áp dụng phương pháp ABC tại một số DNSX trên thế giới và bài học rút ra cho DNSX Việt Nam là gì?

(3) Tình hình áp dụng phương pháp xác định chi phí tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera hiện nay ra sao?

(4) Có các nhân tố nào ảnh hưởng đến khả năng áp dụng phương pháp ABC tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera?

(5) Các giải pháp, kiến nghị nào được đề xuất nhằm áp dụng thành công phương pháp ABC tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera?


5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là phương pháp ABC trên các khía cạnh lý luận, thực trạng và giải pháp áp dụng tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera.

Phạm vi nghiên cứu


Về nội dung: Luận án tập trung nghiên cứu phương pháp ABC trong phạm vi xác định chi phí trong DNSX theo hướng tiếp cận của kế toán quản trị.

Về không gian: Luận án nghiên cứu phương pháp ABC tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera, cụ thể bao gồm toàn bộ các công ty con chuyên sản xuất vật liệu xây dựng thuộc TCT Viglacera (14 công ty - Xem Phụ lục 2).

Về thời gian: Khi đánh giá thực trạng áp dụng phương pháp xác định chi phí tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera, luận án tiến hành điều tra khảo sát thực trạng áp dụng phương pháp xác định chi phí nói chung và thực trạng áp dụng phương pháp ABC nói riêng tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera từ năm 2016 đến năm 2020. Khi minh họa mô hình ABC tại Công ty CP Bê tông khí Viglacera tác giả sử dụng dữ liệu kế toán tháng 06 năm 2020.

6. Phương pháp nghiên cứu


Để đạt được mục đích nghiên cứu và trả lời các câu hỏi nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp. Thiết kế nghiên cứu theo hướng hỗn hợp gắn kết: định lượng gắn kết trong định tính. Trong đó, phương pháp nghiên cứu định tính là phương pháp nghiên cứu chủ yếu, phương pháp nghiên cứu định lượng nhằm bổ trợ cho phương pháp nghiên cứu định tính để đáp ứng tốt hơn mục tiêu nghiên cứu của luận án. Cụ thể:

Nghiên cứu định tính: Tác giả sử dụng phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tích và luận giải các nghiên cứu đi trước để làm rõ cơ sở lý luận về phương pháp ABC. Ngoài ra, để tìm hiểu thực trạng áp dụng phương pháp ABC tại các DNSX thuộc TCT Viglacera tác giả sử dụng kết hợp các phương pháp điều tra khảo sát, phỏng vấn sâu bán cấu trúc và nghiên cứu trường hợp điển hình. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm áp dụng phương pháp ABC tại các DNSX thuộc TCT Viglacera.

Xem tất cả 262 trang.

Ngày đăng: 22/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí