“người năm bảy vợ” phổ biến. Lấy nhiều vợ “để thỏa mãn vật tính…để đấm bóp khi họ nhọc mệt…, để tra khảo tiền bạc khi họ cần đến”, hoặc ngược lại “độc thân” vì nhiều lý do: vì nghèo, vì ích kỷ, chỉ ham chơi bời trác táng, vì không lo nổi luật cheo cưới nặng nề, để rồi lao vào những cuộc “chơi vụng trộm. Rồi mắc các thứ bệnh tình” hay “ế chồng” và bị giam hãm vào cảnh cô đơn, lạnh lùng “buồn tênh” đau khổ, “rồi yếu dần đi. Rồi buồn rầu. Rồi chán nản tất cả mọi thứ. Rồi bẩn tính. Rồi cay độc. Rồi ghét đời”…”rồi sinh điên dại” “rồi trụy lạc…biến thành một con số trong sổ đoạn trường”, “rồi chửa hoang” sinh ra những đứa con hoang - những mầm họa nguy hiểm của xã hội. Từ “độc thân”, “ế chồng” quả đã sinh ra muôn vàn tai họa. Ngoại tình cũng là một căn bệnh trầm kha. Do con người luôn khát khao muốn tìm “những cảm giác mới, những hình ảnh mới, những khoái cảm mới” nên tình trạng “dan díu”, ngoại tình ngày càng phổ biến, ngày càng “bẩn thỉu, đê tiện”. Có cuộc ngoại tình có tính toán hẳn hoi “có sự bằng lòng, thỏa thuận cả vợ lẫn chồng…Họ “tự ngoại tình” là muốn được hưởng nhà cửa, tiền bạc, ô tô, danh giá…”. Bởi thế, “biết bao kẻ tai to mặt lớn lặng lẽ dắt vợ mình vào cổng hậu một nhà quyền quý để mong chóng được thăng trật, tăng lương hay được phẩm hàm, chức tước…Biết bao nhiêu thằng đàn ông vô liêm sỉ tự đàn áp lương tâm, giập tắt lửa ghen để tự hạ mình xuống làm thằng bồi xách “bô” hầu hạ “người ta” trong khi “người ta” nô đùa, rú rít với vợ mình trên giường…Biết bao con đàn bà ma quái dắt bạn về nhà, để mặc cho bạn phụng sự vật tính chỉ vì người bạn nó giàu, lại khờ, lại dại… Ở đó, sự ngoại tình đã thành một “tổ chức”, một sự buôn bán. Thật là bẩn thỉu, vô cùng bẩn thỉu. Có thể nói, bằng sự khảo sát công phu, kỹ lưỡng, phóng sự của Nguyễn Đình Lạp đã đặt ra và lý giải ngọn ngành những vấn đề bức bối của hiện thực xã hội, đặc biệt những “mắt xích” cơ bản trong “dây chuyền” tha hóa của xã hội. Dù chưa có được giải pháp, dù không gay gắt như Vũ Trọng Phụng,
nhưng phóng sự của Nguyễn Đình Lạp đã là sự cảnh báo có giá trị, thể hiện rõ thái độ phê phán và tinh thần trách nhiệm của cây bút phóng sự sắc sảo.
Nói đến những cây bút phóng sự tiêu biểu của phóng sự Việt Nam 1930-1945, không thể không nhắc nhớ đến Thạch Lam với các bút danh Việt Sinh, Thiện Sĩ…Ông là cây bút truyện ngắn tài năng, người đã mở một lối đi riêng và thành danh với những sáng tác đậm chất hiện thực: Gió đầu mùa, Sợi tóc…đồng thời cũng là tác giả của những tập phóng sự đặc sắc: Hà Nội ban đêm, Trẻ con lấy vợ, Trước Tết, Tết và sau Tết, Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng Giang…
Ở Hà Nội ban đêm, ngòi bút Thạch Lam đi sâu vào nạn mại dâm, một tệ nạn tràn lan như một bệnh dịch phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Có muôn nẻo đường dẫn đến nghề mại dâm. Nếu như từ góc độ xã hội, Trọng Lang, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng…lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái nghề “mạt hạng” này là do túng đói, thất nghiệp…thì từ góc độ văn hóa, Thạch Lam còn nhấn mạnh thêm sự tha hóa xuống cấp về đạo lý, nhân cách; thế lực vạn năng của đồng tiền đã thui chột những giá trị nhân văn tốt đẹp của con người. Thực tế vẫn có những cô xinh như mộng “ngây thơ thùy mị, có nghề nghiệp hẳn hoi…không đến nỗi thiếu ăn” nhưng lười biếng mà lại cần nhiều tiền nên vẫn bán dâm “làm nhơ bẩn cái thân mình, nhơ bẩn cái danh tiếng của cha mẹ”; lại có những mụ đàn bà, chồng con đàng hoàng tử tế vẫn đi “kiếm khách” để trả nợ cờ bạc; những gái “tân thời” lãng mạn, yêu đương quá đà, đến nỗi phải đi “đứng đường” bán rẻ nhân phẩm của mình; những “me Tây” - hạng người “bắc cầu cho hai cái văn minh” Âu - Á gặp nhau, coi lấy Tây là cái nghề để “đổi đời”. Thạch Lam cũng vạch rõ, sự xâm hại của nạn mại dâm đến cả những khu vực văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cùng với nạn mại dâm, Thạch Lam cũng phản ánh một tệ nạn đáng buồn, nhưng đã thành cố tật của xã hội phong kiến - nạn tảo hôn: Trẻ em lấy
vợ quả là chuyện bi hài phổ biến ở Việt Nam thời xưa. Tuy nhiên, từ góc nhìn văn hóa, qua đám cưới của một đứa trẻ, Thạch Lam cũng cho thấy, những nét riêng trong phong tục, văn hóa truyền thống. Với các phóng sự: Trước Tết, Tết và sau Tết; Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng Giang, Thạch Lam đã thể hiện thế mạnh của một cây bút phóng sự tinh tế, sắc sảo khi đi vào khai thác vấn đề phong tục, truyền thống văn hóa đặc sắc của Việt Nam
- điều cơ bản khu biệt ngòi bút phóng sự Thạch Lam với các cây bút cùng thời và khẳng định phần đóng góp đáng trân trọng, không dễ thay thế của ông trong làng phóng sự Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm!
- Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 5
- Khái Lược Về Phóng Sự Việt Nam Giai Đoạn 1930 - 1945
- Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 7
- Đối Tượng Thẩm Mỹ Của Phóng Sự Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố
- Tình Trạng Bần Cùng Hóa, Tha Hóa Con Người Và Văn Hóa
- Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 11
Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.
Nguyễn Tuân là nhà văn đa tài, ông dụng bút và thành công ở nhiều thể loại, nhưng đặc biệt thành danh ở thể tùy bút, trong đó có những phóng sự đặc sắc: Ngọn đèn dầu lạc (1939), Tàn đèn dầu lạc (1941). Bằng vốn sống và sự trải nghiệm của bản thân trong ngót mười năm “phóng túng hình hài”, “tự thiêu diệt” mình trong khói thuốc phiện, Nguyễn Tuân đã phơi bày chân thực và sống động nạn thuốc phiện đã trở nên nhức nhối trong lòng xã hội đương thời. Đây có thể coi là cuộc điều tra tư liệu toàn diện về sự bành trướng của nạn thuốc phiện ở các đô thị, sự thâm nhập của nó vào các tầng lớp xã hội và sức hủy hoại, tàn phá ghê gớm của nó đối với cả thể xác và nhân cách con người, làm băng hoại cả những đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nguyễn Tuân đã phơi bày sinh động cả một thế giới nghiện cùng đủ mọi tình cảnh và tâm trạng của những con nghiện. Họ thuộc đủ mọi thành phần xã hội, mọi giới tính, mọi lứa tuổi, đủ cả người ta lẫn người Tây, người Tàu. Cái thế giới nghiện “đông lắm, ấm cúng lắm” ấy “đang làm tối xẩm” cả một xã hội. Thuốc phiện, xám, sái, muội đèn dầu lạc cùng ma lực của nó lây lan, bao trùm “làm xám xịt” toàn bộ xã hội. Môi trường xã hội đầy ám khí ấy như một thứ vi trùng nguy hiểm, xâm nhập không chỉ những viên chức đã nghỉ hưu mà tấn công dữ dội vào cả lớp trẻ. Hầu hết thanh niên đều biết đến “tòa nhà nhũn nhặn” - cái tiệm hút ở phố Hàng Buồm” - nơi
“bao nhiêu khởi điểm của những lịch sử nghiện ngập”. Không chỉ đám trí thức Tây học, mà cả giới trí thức Nho học cũng không thoát khỏi vòng cám dỗ của a phiến. Không chỉ hoành hành ở chốn phồn hoa đô hội mà nghiện hút còn tấn công cả vào chốn cửa Thiền, cửa Phật. Cả “một vùng Yên Tử, chùa nào cũng có bàn đèn. Khách thập phương có nổi cơn nghiện thì cứ bạch thực cùng sư cụ”. Cả một loạt Hòa thượng núp bóng Bồ Đề không phải để nghiên cứu Kinh phật, mong được lên cõi Niết Bàn hay cứu nhân độ thế như những vị chân tu mà để ngày ngày tìm cảm giác siêu thoát trong cõi thuốc phiện. Nguyễn Tuân đã chỉ rõ: thuốc phiện “như một người nhân tình nghiệt chướng”, “cái giống thuốc phiện vốn là độc. Nó là một cái địa ngục trên hòn đảo không có tên ở giữa biển đại dương mà chúng ta là những tù trọng án bị vĩnh viễn đầy ra đấy”. Nó không chỉ hủy hoại thể xác mà còn như con “hồ li tinh hút hết sinh khí”, hủy hoại nhân cách của những kẻ bầu bạn với nó. Nguyễn Tuân đã khắc họa sinh động đủ các loại chân dung, từ thể xác đến tinh thần của con nghiện. Tất thảy họ đều có “nước da xám bệch, cặp môi thâm và tí lòng trắng ở cặp mắt mệt mỏi” hệt như những “cái xác chết đợi nhập quan”. Họ luôn bị hành hạ bởi những cơn nghiện: người mỏi, buồn chân buồn tay, muốn đập phá, nặng hơn thì thấy như có ròi đục trong tủy xương, bụng thấy no nhưng miệng đói, lúc nào cũng chỉ muốn nằm thôi, “…hai vai luôn mỏi. Khớp xương như rã hết cả ra. Mí mắt rất nặng. Mồm bã ra. Thấy nước sợ như người bị chó dại cắn”. Với con nghiện cả thế giới chỉ còn thu hẹp lại quanh cái bàn đèn. Họ trở thành vô cảm với thời gian. “Nói đến giết thời giờ còn ai bền và kéo dài bằng dân ken cờ”. Họ sẵn sàng chà đạp lên tất cả những đạo lý, tình cảm thiêng liêng của con người: “tình vợ, tình bạn, tình của một công dân trai tráng đối với đất nước giữa những giờ trọng đại”. Họ sẵn sàng sa đọa về nhân cách: để có tiền hút thuốc phiện, sư Tâm Hoan đã trở thành một lái buôn thuốc phiện, rồi ăn bớt tiền trùng tu
chùa để hút thuốc và đánh bạc, “tàn nhẫn bóc lột Phật tổ”, khiến “hương và nến đã biến cả sang khói thuốc và dầu lạc”. Sư còn xé cả sách kinh Phật để lau chùi bàn đèn thuốc phiện và phàm tục hơn cả những kẻ phàm tục: đi tu nhưng vẫn ăn mặn, nói láo, đánh bạc ăn tiền, chửi tục…Có thể nói, với hai tập phóng sự Tàn đèn dầu lạc và Ngọn đèn dầu lạc, Nguyễn Tuân đã khắc họa chân xác nhất những tấn bi kịch cả thể xác và tinh thần của những con nghiện. Và đó cũng chính là giá trị hiện thực, giá trị nhân văn và phần đóng góp riêng của phóng sự Nguyễn Tuân với thành tựu chung của thể loại phóng sự Việt Nam 1930 - 1945.
Theo Lê Tràng Kiều, Vũ Bằng là một trong ba nhà văn họ Vũ - những người mở đầu cho thể phóng sự ở Việt Nam: Tam Lang - Vũ Đình Chí, Tiêu Liêu - Vũ Bằng và Thiên Hư - Vũ Trọng Phụng. Vũ Bằng viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình văn học…Riêng với thể phóng sự, ngoài những bài phóng sự ngắn, nói đến Vũ Bằng, không thể không nhắc đến phóng sự dài Cai, đăng nhiều kỳ trên báo Trung Bắc chủ nhật (1940) và NXB Tân Dân xuất bản thành sách năm 1944. Trong phóng sự này, tác giả đã ghi lại quá trình trở thành con nghiện từ điếu thuốc đầu tiên khiến nôn nao khổ sở đến cảm giác khoan khoái ở những lần hút sau rồi “mê” hút, lấy cớ phải viết văn làm báo, la cà khắp các tiệm hút, có khi hút cả tuần, rồi một ngày hút vài ba lần, ngày càng dấn sâu vào cảnh nghiện ngập, cho đến khi hai mươi ba tuổi, tác giả đã thành một con nghiện thực thụ; biến thành một con người khác, suốt ngày nằm vật vã cạnh bàn đèn nửa đêm mới mò mẫm về nhà. Chỉ đến khi sức khỏe ngày một suy kiệt, mặt mũi ám khói, môi thâm, ho suốt đêm, tác giả mới thấm thía: “thuốc phiện làm cho người ta muốn sống không được, mà muốn chết cũng không được nữa. Bao nhiêu cái thanh cao nâng loài người lên trên loài vật đã thu vào trong cái giạ và làn khói nâu”. Sợ hãi, tuyệt vọng nhưng không dứt bỏ nổi nàng tiên nâu, quá bế tắc,
tác giả đã phải nghĩ đến cái chết và tương lai đã thành xa lắc dù trong lòng vẫn đau đáu với văn chương. Càng ngày tác giả càng rơi vào khủng hoảng. Sống giữa môi trường ô uế toàn những ổ cờ bạc, những gái giang hồ và đám hạ lưư, cuộc sống của tác giả cũng ngày càng “bẩn thỉu, bệ rạc và bê tha đến cùng cực”. “Đêm đêm nằm mà ngẫm nghĩ thương cho số kiếp mình” và cảm thấy “mọi vật đều như bưng mặt khóc”. Tết đến, chỉ còn một mình với cô đơn dằn vặt và buồn tủi. Tương lai thật đen tối. Tác giả quyết tâm cai nghiện…và nhờ vậy đã tìm thấy ánh sáng của cuộc đời.
Cai là lời tự thú chân thật quãng đời của một kẻ nghiện ngập. Được viết bằng bút pháp miêu tả cảm giác, phân tích nội tâm tinh tế, sắc sảo, tác phẩm là một thành công, ghi nhận đóng góp riêng của cây bút Vũ Bằng trong mảng đề tài viết về nạn nghiện hút nói riêng và tệ nạn trầm trọng của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ nói chung.
Chúng ta có thể nói đến Hoàng Đạo với Trước vành móng ngựa (1938). Tuy có viết truyện dài Con đường sáng và tập truyện ngắn Tiếng đàn, nhưng Hoàng Đạo lại thành công ở phóng sự viết về những điều tai nghe mắt thấy ở tòa án. Hoàng Đạo có một thời gian ngồi ghế lục sự tòa tiểu hình Hà Nội nên những điều ông ghi chép rất thực, rất sinh động. Bằng một bút pháp linh hoạt, ngôn ngữ đối thoại hài hước, tác giả cho người đọc “vừa phì cười vừa thương tâm” vì những người dân nghèo khổ, hiền lành và ít hiểu biết. Mặt khác qua phóng sự này, Hoàng Đạo cũng làm hiện lên thực trạng xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945: Cái nghèo và cái dốt đã đẩy con người vào vòng lao lý và bọn quan tòa thì làm việc cảm tính, tùy tiện. Phần lớn những “tội nhân” phải ra tòa, “đứng trước vành móng ngựa” chính là những nạn nhân thê thảm, nghèo đói, ốm đau, thất học, ngẩn ngơ không biết gì đến luật pháp. Một số lại sa vào những tệ nạn xã hội: ăn cắp, mê tín dị đoan, ma túy…Lan Khai là nhà văn thiên về tiểu thuyết. Ông
viết nhiều loại tiểu thuyết: tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tâm lý và nổi tiếng hơn là tiểu thuyết đường rừng: Tiếng gọi của rừng thẳm, Truyện đường rừng, Suối đàn. “Đọc Lan Khai, người ta mới thấy nhà tiểu thuyết đưa người ta vào tận rừng thẳm, dắt người ta một cách thân mật vào các gia đình Thổ Mán, và cho người ta thấy được những tâm tính dị kỳ” [139; 898]. Chính sự dị kỳ kích thích tính tò mò, trí tưởng tượng của người đọc. Và điều này cũng rất đậm trong phóng sự của Lan Khai: Mọi rợ, Một buổi săn đêm. Ẩn sau vẻ đẹp hoang dã, thơ mộng của núi rừng, tác giả miêu tả những cảnh, những nét sinh hoạt của một xóm Mèo heo hút Nặm Tỉ, còn đầy những bí ẩn. Phóng sự của Lan Khai như truyện ngắn, về một gia đình nghèo “Thực là một gia đình kỳ dị: ba bố con tựa hồ ba người lạ, tình cờ gặp nhau trong một quán trọ bên đường. Suốt ngày họ không nói với nhau một lời, trừ câu nào không thể không nói được”. Tai nạn bất ngờ, người cha chết vì nghề mã phu, còn lại Tum Điàng và cô em gái Tsi Na. Tác giả khai thác những lần quan hệ sinh lý bản năng giữa hai anh em ruột này và gọi đó là “mọi rợ”? Nhưng thực ra ngòi bút của Lan Khai đã làm cho cử chỉ, hành động của họ trở nên mới mẻ, lôi cuốn. Ngọc Ước, một cây bút nữ cũng viết phóng sự về phong tục, tập quán của một cộng đồng cư dân Thổ ở Miền Thượng du Bắc Kỳ: cách ăn ở, trang phục của họ, chuyện ái tình, chuyện ma quỉ, chuyện ma chạy, việc đi dự tiệc rượu ở nhà quan [27; 1177-1186]. Trên Nam Kỳ tuần báo, Thái Hữu Thành có các phóng sự khảo cứu về người Mọi: Giống Mọi ở Đồng Nai Thượng (1943), 15 ngày với Mọi có đuôi (1944), Mọi “Xà Niên” (1944), Ngải Mọi ở Đồng Nai Thượng (1944) làm hiện lên hình ảnh và con người nơi núi non hoang tịch với những phong tục, bùa ngải nhiều công năng kỳ lạ.
Chúng ta đánh giá cao đóng góp của Lê Văn Hiến, tác giả phóng sự Ngục Kon Tum (1938). Ông là chiến sĩ cộng sản, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925, từng trải qua nhiều nhà tù của thực dân như Đaklay,
Đaktô, Kontum…Chính vì thế mà tập phóng sự có sức thuyết phục người đọc bởi những chi tiết, số liệu cụ thể, chân thực. Ngục Kon Tum là bản cáo trạng đanh thép lên án chế độ thực dân Pháp, vạch trần những tội ác đẫm máu của chúng đối với những người yêu nước và cách mạng Đông Dương, đồng thời phơi bày những chính sách, thủ đoạn của chính quyền đương thời đàn áp, khủng bố, giết hại những chiến sĩ trong nhà tù. Tác phẩm ghi lại những câu chuyện đầy uất hận của 295 tù nhân bị đày đến Kon Tum làm con đường 14. “Giết được chừng nào hay chừng ấy…đó là lệnh bí mật của bọn thực dân đối với chính trị phạm”. Với chế độ nhà tù dã man, chỉ trong vòng 6 tháng trên 170 người đã bỏ mạng, số còn lại chỉ còn da bọc xương. Trong cái địa ngục trần gian ấy, những người cộng sản đã siết chặt đội ngũ đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Trương Quang Trọng, Nguyễn Lung và nhiều chiến sĩ khác, sẵn sàng đương đầu với cái chết, giữ vững tinh thần bất khuất, hy sinh oanh liệt. Những tấm gương chói lọi về người cộng sản Việt Nam được ghi lại sinh động, có ý nghĩa giáo dục mạnh mẽ. Ngục Kon Tum là một trong những tác phẩm thành công của trào lưu văn học cách mạng vô sản giai đoạn 1930 - 1945. Nó có giá trị như một vũ khí đấu tranh lúc bấy giờ và là một tài liệu quý về lịch sử phong trào cách mạng chống ách thống trị thực dân của dân tộc ta.
Nhìn tổng thể, đội ngũ các cây bút phóng sự rất phong phú, đa dạng: có người là nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp được định danh cao trong giới văn bút, có người là nhà thơ, có người là nhà nghiên cứu, phê bình văn học, rất nhiều người mà tên tuổi còn xa lạ với chúng ta…Tất cả đều góp phần làm nên cái đặc sắc của thể loại phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 này. Bên cạnh Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố và một số nhà văn khác đã nói ở trên như Trọng Lang, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Lê Văn Hiến, Lan Khai, Hoàng Đạo…còn có các nhà văn: Tô