Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 5


một cách tràn lan “nhàn nhạt” mà phải có sự khám phá, phát hiện, thông tin phải có tính “vấn đề”, tính khái quát. Chính vì thế có người coi phóng sự là một trong những phương tiện “điểm huyệt” quan trọng để khám phá và góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc, cấn cái nhất của đời sống. Vấn đề cần quan tâm trong phóng sự là sự kiện nêu lên có khái quát được những nét bản chất không? Có tiêu biểu cho cái chung và có giải đáp được những vấn đề đang đặt ra, khẳng định được phương hướng, biện pháp hành động của quần chúng không? Từ kinh nghiệm của báo chí Xô Viết, khi bàn về phóng sự, nhà lý luận L.Timôphêép cũng nhấn mạnh đặc biệt đến việc tìm kiếm một sự việc điển hình: “cái đặc trưng nhất đối với cuộc sống”. Thường phóng sự phản ánh bức tranh xác thực về một khía cạnh nào đó của cuộc sống. Tuy nhiên, phương thức phản ánh của phóng sự không phải là hư cấu như ở các thể loại văn học khác, mà là “sự phản ánh trung thực những biến cố điển hình được chọn lọc, kể cả những suy nghĩ nội tâm sâu sắc của nhân vật” [92; 218]. Làm sao cho những chất liệu, sự kiện đó khi được đặt cạnh nhau có thể “bật lên thành lửa” như cách nói của các nhà phê bình Liên Xô (cũ) khi đánh giá những tác phẩm của Êrenbua. Như vậy, việc tìm chọn được những sự kiện điển hình, những sự kiện mang tính “vấn đề” thực sự là một kỹ năng của người viết phóng sự. Tài năng độc đáo của các nhà phóng sự trước hết là ở “độ nhạy cảm với tin thời sự”, đồng thời “biết lựa chọn nghiêm ngặt các sự kiện và chi tiết”. Người viết phóng sự phải biết lọc ra trong dòng thác sự kiện của đời sống những sự kiện, sự việc “có triển vọng”, “có tiếng vang”. Nói như Karel Storkal, người viết phóng sự giỏi là người “biết cách làm nổi bật từ toàn bộ hiện tượng, cái gì cho thấy đặc trưng nhất của những quy luật bên trong của hiện tượng và sự vận động của nó, và từ một chi tiết được chọn kỹ, người phóng viên biết cách truyền cho người đọc một tư tưởng chính xác [158; 215]. Việc chọn vấn đề để thể hiện trong phóng sự do vậy, không thể là “ngẫu nhiên” hay “tùy hứng” chốc lát mà


“phải là kết quả của một ý đồ đã suy nghĩ chín, trong đó tác giả nhìn thấy trước mắt mình cả cái chi tiết lẫn cái toàn cục” [158; 216]. Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, các tác giả xác định: Nhiệm vụ của phóng sự là “làm sáng tỏ trước công luận một sự kiện, một vấn đề” [190; 171]. Và như vậy, vấn đề được phản ánh trong phóng sự phải là những vấn đề nóng hổi, thực sự “có vấn đề”, chứa đựng những vấn đề nổi cộm của xã hội. Trong bài giảng về thể phóng sự, Nguyễn Đình Lạp cũng yêu cầu Phóng sự phải “đi sâu hẳn vào một hiện tượng xã hội, hay một vấn đề xã hội thường có tính cách đặc biệt quan trọng. Phóng sự phải nhận xét kỹ càng, phân tích thấu đáo vào một khía cạnh mọi mặt dù u uẩn bí mật đến đâu của vấn đề rồi lôi ra ánh sáng” [120; 881]. Trong cuốn Ký viết về chiến tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Minh Đức cũng nhấn mạnh: “Sự kiện lịch sử mà phóng sự quan tâm phản ánh thường ở dạng vấn đề, một vấn đề cần được làm sáng tỏ, được trình bày cụ thể và người viết cũng bộc lộ rõ chính kiến và thái độ giải quyết” [66; 71]. Trong tiểu luận Nơi gặp gỡ của báo chí và văn học, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cũng đặc biệt coi trọng tính vấn đề của phóng sự “…Người viết phóng sự phải có thói quen xông xáo, khả năng khơi gợi vấn đề thu hút được sự chú ý của dư luận” [133; 450]. Chỉ như vậy, phóng sự mới có thể hoàn thành được sứ mệnh của nó, nói như nhà văn Nguyễn Khải: “điển hình hóa cái cụ thể”. Từ những “vấn đề”, những sự kiện cụ thể, khái quát được những vấn đề bản chất của đời sống xã hội và từ đó có được những nhận xét và kết luận “tiếp cận bản chất của hiện thực, có khả năng làm chấn động dư luận xã hội, xoay chuyển cả nhận thức, định kiến của đông đảo người đọc - người đọc của một quốc gia, thậm chí người đọc trong một phạm vi rất rộng của thế giới” [188; 1422] . Chính vì thế, nhiều phóng sự đã tiến dần vào lĩnh vực khoa học xã hội và đã tạo nên những chủ đề mới cho nghiên cứu khoa học xã hội. Phóng sự không chỉ làm tròn chức năng


thông tin mà còn “thức tỉnh bạn đọc về những vấn đề cần được giải quyết trong cuộc sống” như cách nói của nhà báo Bungari Ivan Ga-nép.

Thực tế cho thấy, những phóng sự thành công, tạo được hiệu quả nghệ thuật cao, trước hết là đã biết khơi trúng những sự kiện, những vấn đề “có vấn đề” mà cả xã hội quan tâm và đỉnh cao của sự phát triển thể loại phóng sự thường phụ thuộc vào các biến động về chính trị và xã hội, vào thời điểm mà phóng sự đáp ứng được nhu cầu định hướng cho quần chúng, thông qua những cảm nhận của chính người viết về những vấn đề đang làm “chấn động” lịch sử, xã hội.

* Cái tôi chủ thể - nhân chứng trong phóng sự :

Bàn về một trong những đặc trưng của thể ký (trong đó có phóng sự) “Ký là “sự nhức nhối của trí tuệ”, Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: “Ký có thể phản ánh bất kỳ sự thật nào trong xã hội, kể cả những điều khủng khiếp nhất. Vấn đề là ở cách nhìn và thái độ tiếp cận. Một thái độ bàng quan, khinh bạc, hằn học hay là một thái độ đau thương có trách nhiệm” [84; 14]. Ông dẫn lời nhà văn Liên Xô Vaxiliev - tác giả những bài ký được giải thưởng Lê Nin nói rằng năng khiếu viết ký ở ông thực chất là năng lực “thấy được sự nhếch nhác và không chịu được sự nhếch nhác”, để khẳng định “ký là “nỗi đau của trí tuệ”. Và “Đau thương là quyền lớn nhất của nhà văn để viết về những sự việc tiêu cực. Chính nỗi đau khiến người viết không thể “bằng chân như vại” trước những “đám cháy” hoặc làm ngơ trước “những điều trông thấy đau lòng” [84; 14]. Người viết ký do vậy không chỉ phản ánh mà còn “kích thích” hoạt động của trí tuệ, không thể chỉ bằng lòng với việc nêu lên “những điều trông thấy” mà phải có sự hoạt động ráo riết của trí tuệ để tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích lý giải vấn đề. Hơn nữa còn phải thuyết phục người đọc: sự tình đã như vậy, sự đổi mới là tất yếu. Chỉ như vậy, tác phẩm mới có được những suy nghĩ, những ý kiến “đích đáng”, mới để lại được những ấn tượng sâu sắc. Nhìn như vậy, có thể thấy - cái tôi chủ thể trong


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.

phóng sự có một vai trò rất lớn. Người viết phóng sự do vậy, phải “nhập cuộc”, có tinh thần chiến đấu cao và tính khuynh hướng rõ ràng: Nói như nhà văn Hạ Diễn (Trung Quốc): “Để phản ánh thực tế, tác giả phải tiến hành điều tra hết sức tỉ mỉ. Muốn có lập trường đúng tác giả phải tỏ ra can đảm và có sức mạnh, giữ vững nguyên tắc và dám đấu tranh, không sợ - nếu cần - đi đến cả hành động trước công lý. Tác giả phóng sự phải dám tố cáo các mâu thuẫn, ca ngợi nồng nhiệt những con người và những sự việc mới làm cho lịch sử tiến lên, phê phán và chỉ trích những kẻ ngăn trở dòng chảy của cuộc sống”. Trên cơ sở xác định đặc điểm cơ bản của ký “là thể văn dùng để ghi lại sự việc, ý nghĩ, cảm xúc”, Hoàng Như Mai cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của tác giả trong tác phẩm “Ký mang tính chất xác thực, chất liệu của ký vốn đã có sẵn trong cuộc sống; vì vậy công việc lựa chọn lại là trách nhiệm rõ ràng của người viết (…) Qua cái cách nhà văn lựa chọn, người ta đánh giá vốn sống và thế giới quan của nhà văn một cách chính xác, cho nên, nếu đọc truyện thường là người ta quên sự có mặt của tác giả thì khi đọc ký, người ta luôn thấy vai trò của tác giả” [123; 62,62]. Đức Dũng cũng cho rằng: “Trong phóng sự cái Tôi trần thuật được thể hiện một cách có bề dày và có bản sắc. Chính vai trò của nhân vật trần thuật đã tạo nên những khác biệt về đặc trưng của phóng sự”.

“Trong phóng sự, cái tôi - tác giả là người dẫn chuyện, người trình bày, lý giải, người khâu nối những sự kiện mà tác phẩm đề cập tới” [48; 86]. Với tư cách là người trực tiếp chứng kiến đồng thời cũng là người nhập cuộc và trình bày sự thật, cái tôi trần thuật - tác giả - nhân chứng khách quan đã tạo được sự tin cậy cho công chúng, giúp họ có cảm giác được tiếp xúc trực tiếp mắt thấy, tai nghe với sự thật, giúp cho việc phản ánh hiện thực chân thực và sinh động.

Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 5

Cái tôi trần thuật cũng góp phần quan trọng tạo ra giọng điệu của tác phẩm phù hợp với đối tượng mô tả, thẩm định và cảm xúc, thái độ thẩm định


của người viết. Sự phong phú trong giọng điệu cùng với nghệ thuật dẫn chuyện, trình bày, nghệ thuật miêu tả và vận dụng ngôn ngữ…sẽ tạo nên thành công và sức hấp dẫn của phóng sự. Và tất cả những điều đó đều phụ thuộc vào cái tôi trần thuật - nhân chứng. Theo nhận xét của Karel Storkal: Từ góc độ thể loại, phóng sự đã có bước tiến dài; “phóng sự không còn tự giới hạn trong việc mô tả hiện thực trên bề mặt mà đã đạt tới những dạng thức chân xác của hiện thực trong những biến đổi của nó cả về mặt sự kiện cũng như về mặt xúc cảm. Trong phóng sự hiện đại, không phải là một sự ghi lại giản đơn, mà còn là sự trả lời một loạt câu hỏi phức tạp liên quan đến cuộc sống chúng ta”. Muốn đạt tới điều đó tác giả phải có sự lựa chọn những “vùng hiện thực” có ý nghĩa điển hình, những giọng điệu, những cách cấu trúc, ngôn ngữ…phù hợp. Và ở đó, trình độ văn hóa, kinh nghiệm sống, những khả năng nghề nghiệp của người viết sẽ đóng một vai trò quan trọng. Chính vì thế mà Karel Storkal rất coi trọng và nhấn mạnh: “Hiện thực khách quan phản ánh trong phóng sự không chỉ có ý nghĩa là thế giới quanh ta mà còn cả sự tồn tại rất thực của người phóng viên với tư cách là một chủ thể với những kinh nghiệm sống và những chứng kiến của anh ta nữa. Người phóng viên cũng diễn tả cả mặt đó của thực tế nữa” [92; 214]. Điều đó có nghĩa - cái tôi trần thuật - chứng kiến cũng chính là một đối tượng thẩm mỹ được thể hiện trong phóng sự.

* Phóng sự - “cầu nối” giữa văn học và báo chí:


Bàn về thể loại phóng sự, cùng với việc nhấn mạnh chức năng thông tin và việc xử lý cụ thể chất liệu và sự việc, hai giáo sư khoa Báo chí trường đại học Tennétxi, G.Narít và X.Giônxơn, còn đặc biệt quan tâm đến việc “phát triển và xử lý một cách có văn học” các vấn đề trong phóng sự. Điều đó có nghĩa, các giáo sư này thừa nhận phóng sự có thể sử dụng những yếu tố của văn học mà chất lượng tùy thuộc ở cá tính, ở tài năng của người viết.


Cũng như vậy trong Từ điển khoa học văn học, các tác giả khẳng định: một trong những đặc điểm cơ bản nhất của Phóng sự là “tường thuật một cách trung thực” đồng thời lại cũng phải “tường thuật” có tính thuyết phục người đọc - có nghĩa là vượt qua giới hạn chỉ đưa thông tin…“phải làm sao cho người đọc cảm nhận được sự kiện, thấy có tính nghệ thuật và có tác dụng truyền cảm” [184; 435]. Vượt qua giới hạn của loại hình trình bày các thông tin thời sự, phóng sự phải làm sao “truyền đạt lại một cách có tác dụng truyền cảm và mang tính phê bình đánh giá” [184; 435]. Và như vậy, phóng sự ngoài nhiệm vụ thông tin phải có cả ý nghĩa thẩm mỹ. Các nhà nghiên cứu trong Từ điển: Một cái nhìn xếp phóng sự vào loại “phi hư cấu có sáng tạo”. Về bản chất, phóng sự không thể xây dựng hình tượng bằng hư cấu như trong văn học nhưng quá trình viết phóng sự phải là quá trình sáng tạo. Karel Storkal, trường đại học Saclơ, cũng cho rằng, việc các nhà văn tên tuổi tham gia vào địa hạt phóng sự đã làm thay đổi, tạo ra những ảnh hưởng lớn đến tính cách nghệ thuật và sự phát triển của phóng sự. Theo ông, “vượt qua sự mô tả đơn giản phóng sự đã phát triển tùy theo một hình tượng văn học, một cuộc đối thoại, một chuyện kể về một con người…Tác giả các thiên phóng sự sử dụng những phương pháp cấu trúc mới, tìm những đề tài mới…” và nhờ thế, phóng sự có khả năng “trình bày một cách độc lập và có nghệ thuật” hiện thực đời sống. Viết phóng sự là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật: từ lựa chọn chủ đề đến đề tài; từ lựa chọn sự kiện và “gia công cụ thể chúng để tạo ra một cái khung cấu trúc vững chắc…” đến lựa chọn những phương tiện ngôn ngữ, giọng điệu phù hợp…làm sao mỗi tác phẩm phóng sự ngoài mục đích thông tin, cung cấp nhận thức lý tính, còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức thẩm mỹ của công chúng; ngoài tác dụng nhận thức, tác dụng giáo dục, còn có tác dụng thẩm mỹ như tác phẩm văn học.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng thừa nhận vai trò “cầu nối” giữa văn học và báo chí của thể loại phóng sự. Từ năm 1942, trên cơ sở nền


phóng sự Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã nhận xét và khẳng định: để “viết được một thiên phóng sự cho hay nhà viết báo không những cần phải có tài đặc biệt về nghề báo mà còn cần phải có nhiều “chất văn sỹ” [139; 560]. Trong cuốn Từ điển văn học, Nguyễn Xuân Nam cho rằng: “phóng sự sẽ có thêm giá trị văn học khi nó đi sâu khắc họa thế giới nội tâm, miêu tả tính cách nhân vật với lời văn giàu hình ảnh và cảm xúc” [191; 220]. Viết mục phóng sự trong Từ điển văn học (Bộ mới), Trần Hữu Tá cũng rất chú trọng đến giá trị thẩm mỹ, “chất văn học” của phóng sự. Theo ông, những thiên phóng sự lớn vượt qua được sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, thường nhờ vào yếu tố quan trọng: chất văn học và coi đó là một “tố chất rất đáng quý ” của phóng sự. Nhờ đó, “phóng sự không chỉ làm tròn chức năng thông tin, phát hiện mà còn đậm sắc thái trữ tình. Người đọc không chỉ thấy sự kiện (thông qua vô số tình tiết, số liệu, thống kê…) mà còn thấy vấn đề; không chỉ thấy những phiến đoạn khác nhau của đời sống mà còn đến được với thế giới nội tâm, hiểu được hoàn cảnh và tính cách, thấm thía với số phận của một số nhân vật”. Chính qua đó, “Rất tự nhiên, phóng sự trở thành cầu nối vững chắc cho hai vùng đất báo chí và văn chương. Nó làm cho báo chí thêm sức hấp dẫn, đồng thời làm cho văn chương thêm giàu có, gần với đời thường”. [188; 1422]. Trong lý luận báo chí, từ lâu những phẩm chất văn học của thể loại phóng sự cũng đã được quan tâm. Trên cơ sở xem xét tính thông tin sự kiện của báo chí với tính nghệ thuật trong cách trình bày hiện thực của phóng sự, các nhà nghiên cứu cho rằng: “Nếu ta hình dung đường ranh giới nối liền giữa tiểu thuyết (hoặc truyện ngắn văn học) với các thể tài báo chí, thì cái đường ranh giới đó là phóng sự” [92; 218]. Theo Đức Dũng: Phóng sự hiện “đã đạt tới sự chân xác và đa dạng trong việc trình bày hiện thực - một hiện thực phức tạp liên tục phát triển và biến động với những chi tiết cụ thể, với một năng lực khái


quát cao. Với bút pháp giàu chất văn học cái tôi trần thuật vừa xúc cảm vừa trí tuệ, phóng sự đã chứng tỏ một cách sinh động rằng “việc thông tin về hiện thực có thể trình bày một cách độc lập và có nghệ thuật” (E.E.Kitsơ) [48; 64-65] .

Phần lớn các nhà lý luận, nghiên cứu văn học Việt Nam đều xếp phóng sự là một tiểu loại thuộc thể ký, hoặc một thể loại trong văn xuôi cùng với các thể văn xuôi khác như: bút ký, tùy bút…Và như vậy, nghiễm nhiên phóng sự là một thể loại văn học, mang những phẩm chất thẩm mỹ của văn học…Theo Hà Minh Đức, các thể văn xuôi bút ký, tùy bút, phóng sự…đã thể hiện hai yếu tố lịch sử nghệ thuật, trong đó các yếu tố lịch sử không phải “được tái hiện đơn thuần mà được giải thích theo những quan điểm mỹ học nhất định và được phản ánh thông qua những hình tượng nghệ thuật cụ thể” [65; 147]. Trong cuốn Năm bài giảng về thể loại, Hoàng Ngọc Hiến cũng cho rằng: “Ký gần với văn báo chí…nhưng không có nghĩa là thể loại này “bất cập” những phẩm giá của văn học: Có giọng điệu, tính đa nghĩa của văn bản, câu văn có hồn, tạo ra được những bức tranh có không khí, những nhân vật đặc sắc, hư cấu tài tình (dĩ nhiên là đúng chỗ)…Đọc những bài ký hay có thể thấy rằng mọi phẩm giá văn học đều có trong văn học ký” [84; 6]. Theo ông, “có lẽ phóng sự là tiểu loại ký “báo chí ” hơn cả. Nhưng phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng còn “văn học” hơn nhiều tác phẩm văn học “đích thực” khác” [84; 6]. Đồng thời với việc khẳng định “nhiệm vụ thông tin”, thậm chí coi đó là ưu thế khiến thể ký có được “khả năng tháo vát hiếm có so với những thể loại văn xuôi khác” trong phản ánh hiện thực, nhà viết ký tên tuổi Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn nhấn mạnh đến “cảm xúc văn học” của ký, đó là cơ sở để ký có thể “vừa thực hiện sứ mệnh thông tin của mình, vừa phá rào thoát khỏi người thực việc thực để đạt đến những yêu cầu nghệ thuật khác” [130; 131,132].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/12/2022