Hoài với Mực tầu giấy bản (?), Lê Văn Trương với Mười năm lưu lạc (Phải đem một trăm cái sướng đêm Tân hôn góp lại…) (1937), Trần Tiêu với Thanh niên thôn quê (1938), Biểu Chánh với Hà Tiên du ngoạn (1943), Lộng Chương với Hầu thánh (1942), Nguyễn Văn Vĩnh với Hương Sơn hành trình (1914), Nguyễn Tiến Lãng với Lại tới thần kinh (1934)…Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học góp vào phóng sự chất du khảo, sáng rõ, khoa học với Bài ký chơi Cổ Loa (1924) của Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục; Hội chợ năm nay có gì mới? (1924) của Trúc Hà; Viếng Tây đô (1943), Ba lần xem Hội chợ Sài Gòn (1942), Thành phố Sài Gòn (1944) của Thiếu Sơn…Và các nhà thơ cũng có những phóng sự mang dấu ấn riêng: J.Leiba có Một thiếu nữ ở Hà thành, Một khúc “Hà Mãn Tử” não nùng (1936); Tú Mỡ có Chợ phiên và chợ phiên (1938); Vân Đài có Bốn năm trên đảo Cát Bà (1944). Trên tạp chí Nam Phong, Đông Hồ - Nguyễn Văn Kiêm in liên tiếp nhiều số của năm 1930 phóng sự Cảnh vật Hà Tiên. Đây thực sự là một quyển địa chí Hà Tiên, đề cập tới nhiều mặt của vùng đất giàu có thơ mộng này. Và Thúc Tề (Lãng Tử) có Nợ văn (1941).
Chúng ta cũng cần nhắc đến những tác giả khác mà tên tuổi chưa nổi và đóng góp của họ chưa nhiều nhưng có ý nghĩa trong sự hình thành, phát triển thể loại phóng sự ở những năm đầu thế kỷ XX. Oặt Công viết Trong tiệm hút (1932), một bút danh rất lạ, bằng lối văn hài hước, kéo dài 20 số báo Đông Tây kể lại “chân tơ kẽ tóc” của “làng bẹp”. Bạch Đinh với phóng sự châm biếm Những tiệm nhảy trước cửa Bồ Đề (1944). “Nhảy một mình - mà mình ấy lại là phái yếu - trước những con mắt thèm muốn của bọn người phái khỏe bị cấm dục có khi còn “lắm điều hay”…Cho nên tôi tưởng những tiệm nhảy “tiên cách” ở các chùa chiền còn nguy hiểm gấp mấy những tiệm “đăng xinh” phàm tục rải rác ở các nơi thành phố lớn” [27; 1240]. Rất nhiều tác giả viết sau những chuyến đi, thăm thú vẻ đẹp thiên nhiên và sinh hoạt
văn hóa của người dân ở khắp mọi miền đất nước. Vũ Nhật kể về việc “đi mây về gió” bằng đường hàng không từ Hà Nội đến Viên Chăn (Hà Nội Vientiane trong hai giờ - 1942). Nhân Vân Đình đến vùng mỏ Quảng Ninh đã viết Quảng Yên du ký (1932). Trường Sơn Chí ghi lại một lần Viếng mộ hậu quân Võ Tánh và Đêm cuối cùng ở Hà Tiên (1943); Trúc Phong kể về ngày Tết chơi biển (1934) với non nước Hà Tiên. Vân Thạch với Thăm chùa bà Đanh (1942). Nhật Nham (Trịnh Như Tấu) với Sau tám năm trở lại thăm Lao kay (1942) rồi lại Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể (1942) khảo sát phong cảnh, phong tục các dân tộc ít người trên những bản làng rừng núi. Biệt Lam (Trần Huy Bá) với đi Buôn Mê Thuột (1942) rồi Hai tháng ở Oc Eo (hay là câu chuyện đi đào vàng - 1944 - 1945). Huỳnh Văn Chính ghi lại Một cuộc hành hương ở Hà Tiên (1932). Đặng Xuân Viện đi Thái Bình viết Thụy Anh du ký (1931). Huỳnh Bảo Hòa viết Bà Nà du ký (1931); Trịnh Như Nghê ghi chép lại ngày Tết Đà Lạt (1945). Mãn Khánh Dương Kỵ lại hướng vào người và văn hóa Chăm: Indrpura Đồng Dương (1943) và Thiên y a na (1943). Có một vài phóng sự về phong trào Hướng đạo của thanh niên sinh viên hoạt động xã hội trong những tháng ngày sôi nổi: Minh Tuyền viết Thăm trại thanh niên Tương Mai (1942), Vu Ngã viết Một vài kiến văn trong dịp đi thăm làng Bối Khê (1943). Cá biệt, phóng sự của Tịnh Đề như Điều tra về thuốc lá (1944) ghi chép các quy trình trồng trọt, khai thác, chế biến thuốc lá…
Trở lên, chúng tôi đã điểm qua một số tác phẩm và gương mặt tiêu biểu của phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Thực tế, để làm nên diện mạo và thành tựu rực rỡ, đa dạng của phóng sự giai đoạn này là cả một đội ngũ đông đảo ngót một trăm tác giả, ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, “mỗi người một vẻ”, mỗi người một thế mạnh riêng, một cá tính sáng tạo riêng với những khu vực đề tài tâm đắc riêng. Tuy nhiên, với việc chọn phân tích một số cây bút (chắc chắn còn rất phiến diện như trên), chúng tôi hy vọng ít
nhiều vừa cho thấy sự kết tinh, những đỉnh cao trên nền chung dày dặn vững chãi của phóng sự đồng thời cũng có thể khái lược được nét chung của cả một đội ngũ và thành tựu chung của một thể loại văn học có ưu thế đặc biệt trong một giai đoạn phát triển rực rỡ “hoàng kim” của nó. Có thể nói, bằng sự xông xáo, nhập cuộc, với tài năng, bản lĩnh và nghệ thuật già dặn, các cây bút phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 đã sáng tạo được một di sản phóng sự đồ sộ về dung lượng; đặc sắc, hấp dẫn về nội dung và nghệ thuật; có giá trị hoàn thiện một thể loại văn học mới, độc đáo, góp phần quan trọng tạo nên thành tựu chung của giai đoạn văn học này. Ở những chương sau, khi đi vào khảo sát cụ thể phóng sự của ba cây bút đặc sắc: Tam Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, chúng tôi cũng sẽ cố gắng làm nổi bật được những vấn đề chung của phóng sự giai đoạn này.
Tiểu kết chương 1
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Lược Về Phóng Sự Việt Nam Giai Đoạn 1930 - 1945
- Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 7
- Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 8
- Tình Trạng Bần Cùng Hóa, Tha Hóa Con Người Và Văn Hóa
- Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 11
- Khách Quan Chân Thực, Phóng Sự Khơi Gạn Đến Tận Cùng Sự Thật
Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.
Để có cơ sở triển khai hai chương hai và ba của luận án, ở chương 1 luận án đi sâu khảo sát trước hết quan niệm về thể loại phóng sự. Khởi từ một thể loại báo chí chú trọng chức năng tường thuật, thông tin, phóng sự đã phát triển và hoàn thiện thành một thể loại riêng. Sự hình thành và phát triển của phóng sự gắn liền với sự phát triển của báo chí; với nhu cầu tiếp nhận những thông tin độc đáo, lý thú và xác thực của công chúng; với việc hình thành một kiểu người viết mới dũng cảm, tâm huyết, đào sâu, “lộn trái” và phản ánh chân xác hiện thực…Trên cơ sở khảo sát quan niệm của các nhà văn, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, luận án đã đúc rút những đặc trưng cơ bản của phóng sự: Tôn trọng tính thông tin - thời sự - xác thực; chú trọng khai thác những vấn đề nóng bỏng, những sự kiện biến cố điển hình của hiện thực, thông tin, trình bày nó “một cách độc lập và có nghệ thuật”, từ đó có thể góp phần định hướng cho công chúng, giải quyết những vấn đề cấp thiết của đời sống. Với tư cách nhân chứng khách quan và người nhập cuộc,
cái tôi chủ thể được thể hiện như một phần đối tượng khách quan của phóng sự. Dầu ít nhiều trong cách quan niệm còn có sự khác biệt: coi phóng sự chỉ là một thể loại báo chí hoặc là một thể loại văn học thuộc thể ký, hay các thể thể loại văn xuôi nói chung, nhưng các ý kiến đều thống nhất cho rằng phóng sự là “cầu nối”, là đường “ranh giới” nối liền giữa văn học và báo chí.
Từ những đặc trưng chung về thể loại, trong những điều kiện chính trị, xã hội, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX: Những mâu thuẫn xã hội đã lên đến đỉnh điểm; làn sóng Âu hóa xâm lấn ngày một mạnh, gây nên những xáo trộn, xung đột gay gắt về lối sống, đạo đức, luân lý, thuần phong mỹ tục; sự hình thành một kiểu nhà văn mới và một lớp công chúng mới; đặc biệt sự phát triển nhanh chóng của báo chí “cái nôi của phóng sự”…phóng sự Việt Nam đã hình thành, phát triển và đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng, tạo nên sự thăng hoa của thể loại. Trên nền phóng sự dày dặn, vững chãi đó đã kết tinh những đỉnh cao, những phong cách lớn như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Trọng Lang (Trần Tán Cửu), Nguyễn Đình Lạp, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Lan Khai, Lê Văn Hiến… và đó cũng chính là điểm đặc sắc của phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.
CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG THẨM MỸ CỦA PHÓNG SỰ TAM LANG, VŨ TRỌNG PHỤNG, NGÔ TẤT TỐ
2.1. Phóng sự trong quan niệm của ba cây bút Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Ngô Tất Tố:
Một trong những nguyên nhân cơ bản tạo nên thành tựu rực rỡ của phóng sự giai đoạn này là chủ thể sáng tác - những cây bút giàu tài năng, bản lĩnh, tâm huyết và năng động, với một quan niệm sâu sắc, tiến bộ về sứ mệnh của người cầm bút. Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Ngô Tất Tố là ba trong số những cây bút phóng sự xuất sắc của giai đoạn này. Đồng tình, chia sẻ với quan niệm của V. Hugo: “Không thể làm một cuộc cách mạng với thứ văn chương ba láp” (dẫn theo Tam Lang), từ nỗi “bức xúc” muốn phát huy sức mạnh của “Cây bút tả chân”, “đem nghệ thuật phụng sự dân sinh” (Tam Lang), các nhà văn này đã có ý thức rõ ràng về sứ mệnh cao cả của ngòi bút.
Vũ Trọng Phụng sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, nói như Ngô Tất Tố là cái “nghèo gia truyền”. Trong cuộc mưu sinh, ông sớm phải vật lộn với cuộc sống “khốn nạn”, phải chứng kiến và hiểu đến đáy cùng thực trạng xã hội “khốn nạn”, “rặt những cái giả dối, những cái bẩn thỉu”, “chỗ nào cũng đầy mưu cơ, xu nịnh, lừa đảo”, “chỗ nào cũng có tội ác và trụy lạc”… Những cảnh đời ô trọc, đầy những “cái vết thương sâu quảng” “ô uế, xấu xa” đó của xã hội đã khiến Vũ Trọng Phụng “ghê tởm” và hun đúc trong ông một “niềm căm uất không nguôi”. Bởi thế, Vũ Trọng Phụng đã đến với văn chương bằng một quan niệm rạch ròi: Kiên quyết chống lại thứ văn chương “điêu trá”, không né tránh mà nhìn thẳng vào sự thật, vào những “ung nhọt” của cuộc đời, “cố gắng nhìn vào nỗi đau” của con người, “nhìn vào cái tâm địa của loài người”, thẳng thắn phơi bày sự thật. Tranh luận với những văn phái cùng thời, Vũ Trọng Phụng đã kiên quyết bác lại quan điểm của văn phái lãng mạn đương thời, dõng dạc tuyên bố quan điểm, động cơ và
mục đích lối viết tả chân mà ông kiên trì thực thi trong sáng tác: “Tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa dâm đãng của bọn người có nhiều tiền, kêu ca những sự thống khổ của dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, bị cưỡng bức, muốn cho xã hội công bình hơn nữa, đừng có những chuyện ô uế, dâm đãng mà bảo là nhỏ nhen, thì há dễ Zola, Hugo, Marbraux, Dostoievsky, Maxim Goorki, lại cũng không là nhỏ nhen?”. Nhà văn đanh thép khẳng định quan niệm văn chương của mình: “Các ông muốn tiểu thuyết là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời…Các ông muốn theo thuyết tây thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe, nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì đúng sự thật”. Nhưng không chỉ là phơi bày sự thật, văn chương, trong quan niệm của Vũ Trọng Phụng, còn phải hướng tới cái đích cao quý, cải tạo xã hội - tìm tới những phương thuốc hữu hiệu để chữa trị những “ung nhọt” cho những vết thương xã hội “hàn miệng, lên da”. Vũ Trọng Phụng khẳng định: “Tôi đã mang lấy nghiệp văn chương và càng trưởng thành tôi càng thấy trong xã hội nhiều nỗi đau dằn vặt con người trong thể xác và trong tâm hồn. Cái hố sâu ngăn cách người giàu và người nghèo ngày càng rộng và sâu… Văn chương sẽ là một phương tiện tranh đấu của những người cầm bút muốn loại khỏi xã hội con người những bất công, nhen lên trong lòng người nỗi xót thương đối với kẻ bị chà đạp lên nhân phẩm, kẻ yếu, kẻ bị đày đọa vào ngu tối, bị bóc lột, mỗi ngày kiếm ra đủ bữa ăn tối để nhịn vào sáng hôm sau. Tôi sẽ cố gắng nhìn vào nỗi đau khổ của xã hội, may ra tìm được những phương thuốc cho những cái ung nhọt đó có thể hàn miệng, lên da”. Quan niệm văn chương tiến bộ đó của Vũ Trọng Phụng đã hướng định sáng tác của nhà văn, tạo nên một phẩm chất riêng, dấu ấn sâu đậm và những giá trị nhân văn sâu sắc trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng nói chung và thể loại phóng sự nói riêng.
Sau tập phóng sự đầu tay Cạm bẫy người (1938), Vũ Trọng Phụng liên tiếp cho xuất bản các tập phóng sự dài Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Cơm
thầy cơm cô (1936), Lục xì (1937) và Một huyện ăn Tết (1936)…làm xôn xao dư luận và nhanh chóng được khẳng định là cây bút phóng sự “sắc sảo và khôn ngoan” (Vũ Ngọc Phan). Phần lớn phóng sự của Vũ Trọng Phụng hướng nhập vào nguồn cảm hứng chủ đạo của phóng sự giai đoạn này: hiện thực đời sống thành thị trong cơn sốt Âu hóa, theo cách nói của Vũ Trọng Phụng là một “trận cuồng phong dữ dội”. Không “chớt chát”, phóng sự của Vũ Trọng Phụng là những cuộc săn lùng ráo riết tận hang ổ của những tội ác hoặc điều tra đến căn nguyên, gốc rễ, từ bên trong những tệ nạn, những thảm trạng xã hội, “lộn trái” xã hội để tìm ra “mặt trái cuộc đời”.
Từ chỗ đứng của một nhà nho nghèo tiến bộ yêu nước, thương dân, Ngô Tất Tố có ý thức sâu sắc dùng cây bút như một “mũi dao nhọn”, một “khẩu súng”, để đả phá đến cùng bọn thực dân, phong kiến, bênh vực những người dân nghèo đói, lầm lũi. Ông là “một nhà báo bút chiến: Bút chiến đối với Ngô Tất Tố như cá với nước” (Nguyễn Đức Bính). Chính vì thế ngay từ thời điểm ấy, Ngô Tất Tố đã đứng vững trên lập trường dân chủ, tiến bộ để quyết liệt tố cáo phanh phui, để kết án, “chôn sống” kẻ thù và bênh vực cho những người cùng khổ “dưới đáy” của xã hội - những người “muốn sống không được sống, muốn chết không được chết” đang chìm ngập trong cảnh đói khát đến tuyệt vọng “vì bóc lột, vì thiên tai, vì thất nghiệp” và vô vàn nỗi đau khổ, hoạn nạn khác: nạn sưu cao, thuế nặng, nạn cho vay nặng lãi, nạn “xôi thịt”, nạn đói, nạn rét và bao trùm là nạn quan lại thực dân “bóp hầu, bóp cổ, nạo đến xương tủy họ”. Hơn ở đâu hết, phóng sự của Ngô Tất Tố đã thể hiện sâu đậm quan niệm tiến bộ của một nhà văn, nhà báo đầy bản lĩnh, tâm huyết và đầy tài năng.
Cầm bút vào thời xã hội nhiễu nhương, “trào lưu văn chương lãng mạn như tiểu thuyết Tuyết Hồng Lệ sử, Tố Tâm, truyện của Từ Trẩm Á gây ủy mị nơi người đọc như kiểu thơ của Tương Phố”, Tam Lang nhận thức rõ: “Nếu làm văn làm báo mà không cổ động bằng xã hội thì không làm tròn bổn phận” [139; 16]. Bởi thế, Tam Lang “ôm ấp một hoài bão, một lý tưởng:
cải tạo xã hội với một cuộc cách mạng bằng giấy bút, đả phá mọi áp bức bất công”; dùng văn chương, báo chí như “một lợi khí cải tạo xã hội có sức mạnh vạn năng”. Theo ông, “Người làm báo muốn đạt được thiên chức của mình trước hết phải biết nói sự thật, dám nói sự thật”. Chính khát vọng nói được sự thực ấy đã thúc đẩy Tam Lang “tìm cách chung sống với giới phu xe, phu đồn điền, phu hầm mỏ, giới thiếu nhi phạm pháp, giới hành khất màn trời chiếu đất, biến những điều mắt thấy tai nghe thành phóng sự dài, phóng sự ngắn, để phô bày ra cái chân diện mục của xã hội một cách tuyệt đối khách quan”. Không chỉ thế, trong quan niệm của Tam Lang, người cầm bút “còn phải có con mắt tinh luyện biết nhìn góc cạnh của mỗi việc để nhặt tin, viết tin và loan tin…còn phải có cái mũi đánh hơi tìm việc”. Ông dõng dạc: “Vì không muốn mình còn là một người viết báo lỗi thời, tôi đã thay đổi hẳn cả ngòi bút, lẫn bình mực…dứt khoát bỏ hẳn lối văn lãng mạn, ghi chép những điều tai nghe mắt thấy bằng lối văn tả chân”. Đồng thời để những phóng sự của mình đủ sức hấp dẫn và phát huy hiệu quả nghệ thuật trong công chúng, Tam Lang ý thức đầy đủ, người cầm bút phải dày công lao động hết mình “không một người nào say mê làm báo mà không biết viết văn. Viết văn rồi mà vẫn luyện văn cho câu văn ngày càng hay thêm, ý văn ngày càng đạt thêm theo tinh thần cầu tiến”. Những quan niệm của Tam Lang thực sự là những bài học giàu ý nghĩa. Đó là cơ sở để Tam Lang có được những đóng góp rất đáng trân trọng với tư cách người mở đường mạnh bạo và bản lĩnh, có trách nhiệm với ngòi bút của mình.
Chính những quan niệm tiến bộ này đã chi phối, để lại dấu ấn trên những tập phóng sự đặc sắc có sức sống lâu bền của các ông mà Luận án sẽ đi sâu khảo sát.
2.2. Phóng sự phanh phui những “ung nhọt” của xã hội
2.2.1. Phơi bày những tệ nạn xã hội
Nạn khủng hoảng kinh tế 1923-1933 đã khiến xã hội Việt Nam phân hóa một cách trầm trọng: Các nhà buôn lớn phá sản dẫn đến thất nghiệp của